Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

André Menras với nỗi đau Hoàng Sa

Ngày Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết André Menras với nỗi đau Hoàng Sa
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


André Menras với nỗi đau Hoàng Sa


Nhà báo Trần Thanh Bình- Phó trưởng ban Bạn đọc báo Thanh Niên từng có những cuộc gặp gỡ ông Pháp-Việt lưỡng quốc tịch André Menras Hồ Cương Quyết. Anh đã viết loạt bài đăng trên báo Thanh Niên sau khi ông Menras làm bộ phim cảm động về Hoàng Sa. Mình xin phép anh Bình và bổn báo cho lưu lại những bài báo xúc động nói trên, vừa để bày tỏ sự cám ơn một con người nhân hậu, dù tóc vàng mắt xanh mũi lõ nhưng yêu VN và người VN hơn cả bản thân, vừa nhắc ai đó nên tu dưỡng lòng yêu nước như ông Tây này vậy.
André Menras với nỗi đau Hoàng Sa

TRẦN THANH BÌNH

Kỳ 1: Lắng lòng với những người vợ mất chồng

Tâm nguyện cháy bỏng làm một điều gì đó cho ngư dân miền Trung Việt Nam của André Menras - người mang 2 quốc tịch Pháp - Việt, với tên khác là Hồ Cương Quyết - đã thành hiện thực khi ông hoàn thành bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát, công chiếu ngày 28.6 tại Pháp.

Xem bản phim do ông André Menras gửi tặng, những cảm xúc dồn dập khiến chúng tôi không thể không ghi nhận lại nỗ lực hết mình của một con người yêu quý Việt Nam khi thực hiện bộ phim này.

Bấm vào hình dưới đây để xem phim:

  

Vào năm 2007, tôi đã có dịp gặp và thực hiện một bài viết về André Menras với những tình cảm và hoạt động từ thiện của ông trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi sư phạm Pháp - Việt (ADEP) đối với trẻ em Việt Nam. Bẵng đi vài năm, ít có dịp gặp ông. Sau đó, André Menras làm đơn xin nhập quốc tịch VN (2009), và tôi biết ông đang âm thầm theo dõi, tập hợp tư liệu về những vấn đề thời sự nóng bỏng trên biển Đông.


Ông André Menras phỏng vấn vợ góa của một ngư dân tại Bình Châu, Quảng Ngãi - Ảnh: Lê Hưng

Theo André Menras, những năm qua, ông đã tập trung công sức và cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều tài liệu về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhiều bài báo do ông viết với nhiều chứng cứ pháp lý đầy sức mạnh đã có tác động tích cực đến dư luận quốc tế.




“Tôi đã viết kịch bản rất mạch lạc và rất nhanh vì đã suy nghĩ đến nó nhiều ngày đêm trước, trong thời gian khoảng một tháng tôi đến Bình Châu và Lý Sơn một mình. Mục đích chính của bộ phim là để ngư dân, những bà vợ góa, đồng bào tại nơi ấy nói những gì mình muốn nói. Từ đó để giải tỏa nỗi đau của họ, để bày tỏ lòng yêu quê hương, yêu nước của họ. Để Tổ quốc của họ nghe, chia sẻ, ủng hộ. Để dư luận nước ngoài có một phản ứng phẫn nộ, đoàn kết và hỗ trợ...
Khi bắt đầu dựng phim, tôi đã chọn độ dài 90 phút và thấy nó rất đầy đủ. Nhưng sau đó một số bạn bè khuyên tôi nên cắt bớt 30 phút vì thấy khán giả sẽ không chịu xem một bộ phim tài liệu suốt một tiếng rưỡi. Tôi thấy rất bất tiện, thậm chí có lỗi về điều đó, vì một cách nào đó tôi đã không tôn trọng hoàn toàn thông điệp của những người tôi đã phỏng vấn. Và tôi xin lỗi các bạn. Nhưng, tôi đã cố gắng giữ lại điều chủ yếu mà họ muốn nói”.
André Menras
(viết trong e-mail ngày 14.7 gửi Báo Thanh Niên)

Về ý tưởng thực hiện bộ phim, André Menras cho biết: “Ban đầu tôi đã quyết định đi đánh bắt cá với ngư dân Lý Sơn tại vùng biển truyền thống Hoàng Sa của VN để thực hiện một phóng sự về họ. Và tôi gặp quá nhiều khó khăn... Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua được và nếu không hoàn thành được bài phóng sự theo kế hoạch trước đó, thì ít nhất tôi đã làm một cái gì cụ thể để hỗ trợ đồng bào và giúp VN khẳng định chủ quyền biển đảo của mình”.
Bộ phim tài liệu Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát do André Menras viết kịch bản, đạo diễn và chịu trách nhiệm chính. Nói vậy là vì, đối với nhiều bộ phim tài liệu, việc một cá nhân chịu trách nhiệm là chuyện rất bình thường. Nhưng với một bộ phim được thực hiện trong một bối cảnh “đặc thù”, trong hoàn cảnh với nhiều áp lực do những diễn biến phức tạp trên biển Đông thì vấn đề “chịu trách nhiệm chính” thể hiện bản lĩnh của người làm phim.

Bộ phim kể về cuộc sống gian khó của những ngư dân ở Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi). Điều đặc biệt nhất, như ông André Menras đã bày tỏ trong phim, đó chính là nỗi đau khôn nguôi và sự chịu đựng phi thường của những người vợ ngư dân. Chồng họ bị chết hoặc mất tích ở vùng biển Hoàng Sa do thiên tai. Chồng họ bị tàu Trung Quốc hiếp đáp khi đang đánh bắt trên vùng biển bao đời nay của cha ông họ.

Trong phần đề dẫn phim, André Menras bình: “Được phần lớn atlas gọi là biển Nam Trung Hoa, người Trung Quốc gọi là biển Nam, người VN gọi là biển Đông; Địa Trung Hải của vùng Đông Nam Á này là một không gian biển đảo rộng lớn bao quanh là 9 quốc gia. Nó rất được thèm muốn vì nguồn tài nguyên, thủy sản và sinh học. Thềm lục địa tại đây giàu tiềm năng về khí đốt và dầu hỏa cùng những kim loại khác. Bất chấp Công pháp quốc tế về Luật Biển, Trung Quốc đã quyết định chiếm lĩnh 80% của vùng biển này, cho rằng nó là vùng biển lịch sử của mình. Quần đảo Hoàng Sa, còn gọi là Paracels, đã là đối tượng chiếm đóng bằng quân sự của Trung Quốc qua hai cuộc tấn công: lần đầu vào năm 1956, tương ứng với thời kỳ rút quân của lực lượng thuộc địa Pháp; lần thứ hai đẫm máu, lại tương ứng với ngày ra đi của quân đội Mỹ lúc đó đang bảo vệ chế độ Sài Gòn, chế độ đang quản lý quần đảo đó”.

Tâm sự với người xem phim, cũng như tự sự với chính mình, André Menras bộc bạch: “Đã từ lâu, tôi muốn gặp gỡ những ngư dân miền Trung VN, những người đang tiếp tục quăng lưới và lặn biển tại vùng nước quần đảo Hoàng Sa mà tổ tiên họ ngày xưa đã đặt tên là Bãi Cát Vàng”. Và ông nói tiếp: “Trong vùng này của thế giới đang âm ỉ một cuộc chiến không tên. Một cuộc chiến thầm lặng dần tăng tốc trong sự vô tình gần như toàn diện của giới truyền thông quốc tế”.

Rõ ràng, ngay từ phần đề dẫn bộ phim, André Menras đang có ý thức dẫn dắt dư luận quốc tế đến với vấn đề biển Đông và tâm điểm bộ phim là những giọt nước mắt khổ đau của những người vợ góa, những đứa con mất cha... Như André Menras đã nói, là “để lắng lòng với những bà vợ góa của ngư dân không bao giờ tái hôn...”.

Bình minh vừa ló dạng trên một vùng biển yên tĩnh. Câu hò của nghệ nhân Đỗ Thị Hảo là khởi đầu gây ấn tượng rất mạnh cho người xem:
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về.


Jean Pierre Debris và André Menras đang phất cờ giải phóng trước Hạ nghị viện Sài Gòn

André Menras sinh năm 1945 tại Hérault (Pháp), tốt nghiệp trường Sư phạm Montpellier. Từ năm 1968 đến 1970, André Menras qua VN dạy học. Ngày 25.7.1970, André Menras cùng bạn là Jean Pierre Debris phất cao lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn chống cuộc chiến xâm lược của Mỹ trước tòa nhà Quốc hội của chính quyền Sài Gòn. Họ đã bị bắt và giam cầm tại khám Chí Hòa hơn hai năm rưỡi. Năm 1972, André Menras và Jean Pierre Debris bị chính quyền Sài Gòn trục xuất về nước. Từ đó, hai người đã thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới để tuyên truyền và sau đó viết sách tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn những ngày bị giam cầm. Cuốn sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn - Chúng tôi tố cáo của André Menras cùng người bạn đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Kỳ 2: Những ngôi mộ gió ở Bình Châu

“Lúc trực tiếp phỏng vấn những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mất cha, tôi không cầm được nước mắt” - André Menras kể về những ngày sống với ngư dân miền Trung.

André Menras đã đến Bình Châu và Lý Sơn 3 lần, có lần ở lại gần một tháng để nắm rõ tình hình ngư dân. Nỗi đau và sự kiên cường của các ngư dân đã thôi thúc ông thực hiện một hành trình khám phá, ghi lại chân thực cuộc sống của họ.

Đến Bình Châu, ông Nguyễn Thành Đồng (tên thường gọi là Tiến) là người đã hướng dẫn, giới thiệu André Menras và đoàn làm phim gặp những người làng của ông.

Cuộc phỏng vấn đầu tiên là với bà Nguyễn Thị Hào, người đã bị mất chồng (ông Nguyễn Huệ) và con (Nguyễn Văn Ngữ, 24 tuổi) tại vùng biển Hoàng Sa vào ngày 17.4.2008. Dưới đây là đoạn đối thoại trong phim giữa André Menras (bằng tiếng Việt) với bà Hào:

- Tôi nghe nói chị đã mất chồng mất con khi đang đánh bắt cá ở vùng Hoàng Sa, vào năm nào?

- 17 tháng 4 dương lịch 2008.

- Mất tích ở vùng nào của Hoàng Sa?

- Gần đảo Bông Bay.

- Mất tích với bao nhiêu anh em?

- Dạ mất tích 9 người, ở đây có hai cha con.

- Lúc đó con chị bao nhiêu tuổi?

- 24 tuổi.

- Bây giờ thì tôi biết là chị rất đau khổ, thứ nhất là vì đã mất người thân nhất của mình. Việc thứ hai là vấn đề bắt cá đã để lại nỗi buồn và một số nợ. Không biết số nợ ấy là bao nhiêu?

- Dạ lúc đó thì ba trăm mấy triệu còn sau này nhà nước cho được 100 triệu thì em trả lại bà con, chị em, cũng còn nợ một số tiền.

- Bao nhiêu?

- Còn lại bảy mươi mấy triệu...


Chị Bùi Thị Thủy ở Bình Châu, có chồng là ngư dân bị mất tích ở vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: Lê Hưng

Bà Hào cũng đã dẫn ông André Menras đến khu mộ của chồng và con trai, nơi mảnh đất do ông bà để lại. Những thước phim ghi lại những ngôi mộ gió nằm san sát nhau, không hề có thi hài dưới mộ, chỉ có một hình nhân được nhồi bằng đất sét để thay thế cho thân xác ngư dân. Ngay tại đây, André Menras cũng đã gặp chị Phạm Thị Ngọc (em dâu bà Hào) đang ra thăm ngôi mộ gió của chồng là ngư dân Nguyễn Văn Trung, mất tích ở vùng biển Hoàng Sa vào ngày 16.7.2010, để lại cho chị 4 đứa con.

Chị Ngọc kể: “Chồng em cũng đi biển tại đảo Hoàng Sa. Ngày 16.7.2010, nghe nói bão nhưng không dám vô cảng, mà núp ở ngoài nên tàu bị chìm, chồng em và 9 người khác bị chết, để lại cho em 4 đứa con”. Rồi chị Ngọc tâm sự về cuộc sống gian khó hiện tại: “Hễ có rong biển thì đi làm, còn không có rong biển thì ai kêu đâu em đi làm đó, cực khổ lắm anh ơi, kiếm một ngày được năm ba chục ngàn. Sáng phải đi từ sớm cho đến 9-10 giờ tối. Ngày nào không có rong thì em ở nhà đốn củi, lấy đước về chụm nước”. Những giọt nước mắt của bà Hào và người em dâu lặng lẽ chảy trong cái nắng gay gắt của Bình Châu, bên những ngôi mộ gió...

Cứ thế, mạch phim đưa người xem đi đến những ngôi nhà có những bà vợ góa, mỏi mòn trong sự chịu đựng bởi phải gánh vác trăm công nghìn việc. Họ vẫn phải bằng cách này hay cách khác bám vào biển mà sống, như một lời bình trong phim của André Menras: “Dựa lưng vào dãy Trường Sơn, mảnh đất hẹp này tất nhiên phải quay ra hướng biển. Ở đây không còn cách nào khác là phải sống với biển và nhờ biển”.

Còn nhiều nữa, những bà vợ góa đang ngày đêm âm thầm sống trong khổ đau và cố gắng vượt bậc để nuôi con khôn lớn. Những người phụ nữ này đã phải mòn mỏi chờ đợi và rồi tuyệt vọng khi nhiều năm tháng qua, chồng họ vẫn không trở về. Đó là trường hợp của các chị Nguyễn Thị Tuyết (chồng mất tích năm 2008 ở đảo Phú Lâm), Nguyễn Thị Xi (chồng bị mất tích ở vùng biển Hoàng Sa), Nguyễn Thị Xinh, Trần Thị Đúng, Bùi Thị Thủy... ở Bình Châu.

Một trường đoạn khác trong phim mà khi trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên mới đây, André Menras đã nói “tôi không cầm được nước mắt”. Ngồi ngay bên bãi biển, giữa một mớ ngư cụ và lưới đi biển, ngư dân Tiêu Viết Là (ảnh) kể, mình và các bạn cùng tàu đã bị bắt 4 lần: năm 2006, bị bắt và bị thu hết tài sản; 2007 tàu bị bắn, 6 người bị thương, thu hết tài sản và “cho mạng về không”; năm 2009 bị bắt, thu hết tài sản và cho ghe về không.


“Hoàng Sa mà sao không nhớ!”

Lần cuối cùng Tiêu Viết Là không còn dám đi biển nữa là lần bị bắt ở đảo Phú Lâm, bị giam 1 tháng, bị đánh và bị đòi tiền chuộc 70 vạn tệ (hơn 2 tỉ đồng). Vào thời điểm André Menras phỏng vấn, Tiêu Viết Là vẫn còn mang một món nợ đến 400 triệu đồng, mượn của bà con và vay của ngân hàng để trang bị ngư cụ, lưới đi biển! Khốn đốn là thế, nhưng khi nghe André Menras hỏi rằng có nhớ Hoàng Sa không, câu trả lời của Tiêu Viết Là khiến ai cũng thấy day dứt: “Hoàng Sa mà sao không nhớ! Quê hương của Việt Nam mình nằm ngay đây thôi, sao mà không nhớ”!

Kỳ 3: Lý Sơn, nơi đầu sóng

André Menras viết: “Chúng tôi rời Bình Châu, trong lòng nặng trĩu…”. Ông thẳng tiến Lý Sơn, tiếp tục gặp gỡ những ngư dân suốt đời mang nặng nghĩa tình với biển.

Những cảnh quay đầu tiên ở Lý Sơn, đập vào mắt người xem là một tượng đài bên dưới đề dòng chữ “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải - 1815” và một cột đá dựng bề thế với dòng chữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”.

Lão ngư Võ Hiển Đạt, năm nay đã 80 tuổi, là người xuất hiện trong cuộc phỏng vấn ở những thước phim đầu tiên ở Lý Sơn. Lão ngư nói rất rành mạch về quần đảo Hoàng Sa và những cứ liệu pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa: “Chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa đã được khẳng định trước cả thời Gia Long, tức là thời các Chúa Nguyễn. Sau khi người Pháp sang đô hộ cách đây hơn một trăm năm, họ đã lập căn cứ quân sự và đặt hải đăng ở Hoàng Sa. Vì vậy, việc đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn đến vùng biển Hoàng Sa là điều tất yếu từ xưa đến nay”. Lão ngư Võ Hiển Đạt cũng nói về khó khăn của ngư dân Lý Sơn từ sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974, nhưng ông cũng khẳng định rằng: “Bị bắt thì bị bắt nhưng vẫn cứ đi bởi vì Hoàng Sa là của Việt Nam…”.


Bộ đội Việt Nam tuần tra ở Lý Sơn - Ảnh: André Menras

André Menras đã đến thăm gia đình ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ của họ Phạm, một trong 7 gia đình đầu tiên đến Lý Sơn lập nên làng An Vĩnh. “Là truyền nhân của vị quan quân đầu tiên của đội hùng binh Hoàng Sa, ông đã biến nhà mình thành một bảo tàng viện thật sự bằng việc gìn giữ như thánh tích hơn một ngàn cổ vật: đồ sành sứ, bình lọ bằng sứ, vật phẩm văn hóa, chén đĩa cổ, tiền xu, tượng Chăm, ấn triện chính thức, một số lượng đáng nể những chiếu chỉ bằng chữ nho và chữ nôm... Trong số những tài liệu độc nhất vô nhị này, có một sắc chỉ của vua Gia Long ca ngợi những người đi Hoàng Sa. Ông Tuyền giới thiệu với chúng tôi bàn thờ của tổ tiên họ Phạm của ông, trong đó có những người đã có tên đặt cho 2 đảo trên quần đảo Hoàng Sa. Đó là đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh” - André Menras viết trong lời bình, kèm theo những thước phim về nhân chứng sống và những tư liệu rất đặc biệt, trong đó có ngôi mộ của cụ Phạm Hữu Nhật nằm trên mảnh đất mà tổ tiên dòng họ Phạm để lại từ bao đời nay.

Một cảnh quay khác vô cùng xúc động là trong căn nhà của bà Ngô Thị Bích. Quần áo của con trai bà Bích (mất tích ở Hoàng Sa) vẫn còn treo đó, như chờ ngày đứa con yêu quý trở về. André Menras hỏi: “Con bà lúc đó bao nhiêu tuổi?”. “Lúc nó đi là 19 tuổi, năm nay là 20 tuổi”. “Đi biển vì lý do gì?”. “Ba không đi thì con lên đăng ký con đi. Ở nhà bây giờ cũng cực, đói quá. Tháng này ba với má còn đi làm mướn được thì còn nuôi bọn con được, còn hết tháng 9, tháng 10 thì biểu bọn con đi mượn gạo miết, không có gạo ăn, thôi thì để bọn con đi ra ngoài”.


Ông André Menras đang phỏng vấn vợ góa của một ngư dân ở xã An Vĩnh, Lý Sơn - Ảnh: Lê Hưng

Cháu Lê Thị Thanh Thanh ở xã An Vĩnh (Lý Sơn), con gái của thuyền trưởng Lê Minh Tân (mất tích ở Hoàng Sa cuối năm 2010 cùng 5 người khác) khóc rưng rức khi nói về cha mình: “Ngày con biết ba mất cũng là ngày con đau và rất xót xa. Con không tin được là mình mất ba. Con rất nhớ ba con và con rất muốn ba con trở về nhưng con biết đó chỉ là giấc mơ mà thôi vì sự thật là ba con đã mất tại Hoàng Sa…”. Cùng trong chuyến đi biển định mệnh với thuyền trưởng Tân, là ngư dân Trương Văn Tiến (36 tuổi), đã ra đi để lại người vợ đau ốm Nguyễn Thị Lời và 2 đứa con. Một người vợ góa khác, cho đến nay vẫn ôm kín nỗi đau và nuôi hy vọng chồng sẽ trở về nên chưa chịu lập mộ gió cho chồng là chị Lê Thị Xanh. Vả lại, dù có muốn vẫn không có tiền xây mộ. Chị nói: “Chồng em mất tháng 3, chưa xây mộ. Nhà em cực khổ lắm, ba nó chết rồi giờ còn một mình làm nuôi 3 đứa con, bệnh lên bệnh xuống hoài… Mà có muốn xây mộ cũng không đủ tiền. Nhà ở mà còn sập lên sập xuống, nhà phải sửa mà không có tiền sửa…”. Cứ thế, những chi tiết chân thực và sinh động từ Lý Sơn đã làm cho những thước phim khắc họa nỗi đau mất mát, trải dài theo những năm tháng của kiếp ngư dân và gia cảnh của họ.

André Menras cũng không quên phỏng vấn một nhân vật đặc biệt của Lý Sơn: đó là “ông vua lặn” Bùi Thượng, người đã từng nhận được cúp vàng trong giải vô địch quốc gia lặn sâu năm 1963. Ông Thượng từng đi lặn từ năm 16 tuổi, nay đã già (73 tuổi) nhưng vẫn trả lời rất hào hứng về nghề lặn bắt cá và hải sâm ở Hoàng Sa. Trả lời câu hỏi “nguy hiểm nhất trong nghề lặn là gì?”, ông Thượng trả lời chắc nịch: “Nguy hiểm nhất là khi gặp cá mập. Khi nhìn thấy nó, mình đừng bỏ chạy mà phải trừng mắt nhìn nó thì nó sẽ bơi đi và không tấn công lại mình”. André Menras nhớ mãi câu nói này và nó khiến ông liên tưởng đến hoàn cảnh Việt Nam vào những lúc gặp kẻ mạnh uy hiếp, gây hấn: Hãy “nhìn trừng mắt vào con cá mập” để tồn tại!

Chi tiết về “quy trình” làm hình nhân để đặt vào ngôi mộ gió của ngư dân trên đảo được André Menras đưa vào đoạn kết của phim. Người xem không thể nào quên được hình ảnh ông thầy pháp làm lễ trước khi nặn hình nhân bằng đất sét, với đầy đủ các chi tiết về một thi hài như đầu, mình, tứ chi, kể cả các đốt xương, động mạch, lục phủ ngũ tạng, thất khiếu... André Menras viết lời bình cho đoạn kết đầy ấn tượng này như sau: “Hồn của người chết được gọi về nhập vào cái thi thể bằng đất sét đã được phù phép bằng những câu niệm chú dài. Quan tài sẽ được đặt vào ngôi mộ gió mới, không thể tách rời khỏi Hoàng Sa. Vị nữ thần dưỡng mẫu được tôn sùng biết bao nhưng cũng khát khao mạng sống con người”.

Trong e-mail gửi người viết ngày 14.7 vừa qua, André Menras cho biết: “Cái nghi lễ về “hình nhân” và văn hóa “mộ gió” đã gây ấn tượng đặc biệt đến nhiều khán giả người Pháp. Từ đó, họ đã đặt nhiều câu hỏi về văn hóa, về quá khứ, về truyền thống của cộng đồng ngư dân miền Trung Việt Nam. Một số người thấy ở đây là biểu hiện của mê tín và đau khổ, nhưng một số khác đã thấy cái văn hóa ấy thể hiện một cách tinh tế ý chí bất khuất của cộng đồng này để lấy lại những gì quý nhất của mình đã bị cướp đoạt. Tôi hoàn toàn đồng ý với họ. Vì vậy, tôi quyết định kết thúc bộ phim tài liệu này bằng các hình ảnh đó, như một thông điệp rất rõ ràng và lạc quan: Cộng đồng ấy, dân tộc ấy sẽ không nhượng bộ cho ai một tấc đất, một tấc biển của mình. Họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc!”.

André Menras và tỏi Lý Sơn

Làm phim về ngư dân và nỗi khốn khó của những người phụ nữ, André Menras vẫn không quên lồng vào một vài đoạn phim về đặc sản tỏi Lý Sơn. Ông viết lời bình: “Nếu đánh cá là công việc của đàn ông, thì phụ nữ lại đóng góp phần lớn vào kinh tế phụ là làm nông. Đảo Lý Sơn là một khu vườn lớn, được chăm sóc rất kỹ lưỡng... Những bờ tường nhỏ đá ong màu nâu tương phản với màu trắng của cát được chở tới đây để trồng tỏi, sản vật bán khắp trong nước. Lý Sơn tự hào là vương quốc của tỏi nhưng những thửa ruộng bậc thang trên sườn đồi cũng được trồng hành, đậu xanh, đậu đen, bắp... Mỗi mảnh đất dù nhỏ, thậm chí cát trên bờ biển, cũng đều được sử dụng”.
Qua e-mail ngày 13.7 gửi tác giả, André Menras viết thêm: “Tỏi Lý Sơn nổi tiếng tại Việt Nam. Một số người rất thích loại tỏi ấy, một số khác cho rằng nó hơi ngọt. Tùy cái gu của mỗi người. Nhưng đôi khi một sản phẩm nào đó lại có cái gu của trái tim, của tâm trạng mình. Đó là điều xảy ra giữa tôi với loại tỏi Lý Sơn. Lần thứ tư, trước khi tôi về, một số bà vợ góa đã tặng tôi mấy kg tỏi vừa hái xong. Dù lúc đó có nhiều hành lý, dù cái mùi rất nặng của tỏi, tôi đã đem về Sài Gòn như một vật rất quý. Và chưa bao giờ tôi thấy một loại tỏi ngon như thế!


Kỳ 4: Đồng cảm với nỗi đau Hoàng Sa

Sau loạt bài André Menras với nỗi đau Hoàng Sa đăng trên Thanh Niên các ngày 20, 21 và 22.7, một số người từng xem phim đã chia sẻ với Thanh Niên xung quanh những thước phim xúc động này.

Sự khắc họa đậm nét cuộc sống và nỗi đau của ngư dân trong bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người sau buổi công chiếu tại Pháp. Qua e-mail ngày 13.7 gửi Báo Thanh Niên, André Menras viết: “Rất nhiều người phẫn nộ trước tình cảnh bất công mà các ngư dân gặp phải. Kể cả các bạn tôi ở ADEP (Hiệp hội Trao đổi sư phạm Pháp - Việt, do ông André Menras làm chủ tịch - NV), dù biết tình hình ở Việt Nam, vẫn không thể hình dung nỗi đau khổ cụ thể của các ngư dân và gia đình họ sâu đến mức nào. Khán giả đã bị sốc. Cú sốc này rất cần thiết để người ta suy nghĩ, để tìm hiểu tiếp và đến gần hơn với các nạn nhân”.


Ông André Menras (bên trái) trong một buổi họp mặt truyền thống cựu tù chính trị

Ông Robert Renau (Phó chủ tịch ADEP) trực tiếp xem bộ phim tại Pháp, gửi lời nhận xét đến Thanh Niên: “Tất cả chúng tôi đều rất xúc động trước hoàn cảnh của các nhân chứng là những người vợ góa và những đứa con côi cút của các ngư dân quá cố mà thường là bị mất tích. Chúng tôi biết rằng cuộc sống của các ngư dân vô cùng nguy hiểm, bão tố và các tai nạn ngoài khơi thường cướp đi mạng sống của nhiều người. Nhưng đối với các ngư dân Quảng Ngãi, họ còn có thể bị bắt giam, bị cướp bóc, bị phá sản, thậm chí bị bắn chết. Ông Robert Renau cũng tỏ lòng khâm phục sức chịu đựng kiên cường của các ngư dân và gia đình của họ trong những ngày tháng gặp phải cảnh tai ương, hoạn nạn. Ông viết: “Chúng tôi rất thán phục sự bình tĩnh và lòng dũng cảm của các ngư dân đã dám khẳng định quyền được sống và làm việc trên biển Đông, trên một quần đảo thuộc chủ quyền của nước Việt Nam. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ lòng yêu nước đã thúc đẩy các ngư dân chấp nhận mọi rủi ro xảy đến hằng ngày, dù không có được tấm huy chương khen tặng, tri ân”.


Sự dũng cảm nằm trong hành động

Đề cập đến quá trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân gian để đưa các chi tiết mang đậm phong tục tập quán của người dân vùng duyên hải miền Trung vào bộ phim, André Menras nói rằng: “Bố tôi sinh trưởng ở vùng núi miền nam nước Pháp, còn mẹ tôi ở ven Địa Trung Hải, nên tôi rất hiểu dân chài, dân biển. Dù xa nhau đến hơn 10.000 km, hai nước khác nhau về mức độ phát triển, về văn hóa, về lịch sử nhưng họ có nhiều nét rất giống nhau. Sống với biển cả, họ phải tôn trọng biển, phải khiêm tốn với biển và không được gian lận trước biển. Biển cả là nơi rèn giũa ý chí của ngư dân. Với ngư dân đánh bắt xa bờ, thì sự dũng cảm nằm trong hành động chứ không phải trong lời nói. Tất cả ngư dân trên thế giới đều có nét chung đó”.

Robert Renau đã tình nguyện và cùng kêu gọi nhiều người khác hỗ trợ cho gia đình các ngư dân. Ông tâm sự với Thanh Niên: “Khả năng tài chính của chúng tôi rất hạn chế vì tôi là giáo viên hưu trí, do đó tôi đã đề nghị Colette bạn tôi, cũng là giáo viên về hưu và là thành viên của ADEP, chia sẻ cùng chúng tôi để đỡ đầu cho hai cháu sinh đôi (Phạm Xuân Ôn và Phạm Văn Thuận, con của ngư dân Phạm Quốc Huy bị bắn chết tại vùng biển Hoàng Sa) với số tiền trợ giúp là 300 euro/năm. Các bạn của tôi là Jean-Paul và Ginette cũng đã hứa đỡ đầu cho một gia đình khác, và ADEP cũng đang có kế hoạch vận động để thành lập một quỹ hỗ trợ cho ngư dân miền Trung”.
Ông Cao Lập - cựu tù chính trị, nguyên Giám đốc khu du lịch Bình Quới, một người bạn của ông André Menras, nhận xét: “Bộ phim gây xúc động và tôi tin rằng những ai xem phim này cũng sẽ có ý nghĩ phải làm gì đó cho ngư dân miền Trung. Những đoạn đối thoại chân thực trong phim chính là một yếu tố cơ bản để tạo nên sự hấp dẫn của phim. André Menras là một người rất nhiệt tình khi quyết tâm làm bộ phim này. Bộ phim cần được chiếu rộng rãi cho khán giả trong nước xem, để khán giả thấy rõ thông điệp đanh thép về ý chí của ngư dân trong quá trình bám biển”. Ông cũng bộc bạch: “Tôi rất thích 2 trường đoạn trong phim. Đó là đoạn phỏng vấn ngư dân Tiêu Viết Là và phỏng vấn ông vua lặn Bùi Thượng. Những câu trả lời của 2 ngư dân cho thấy sự kiên cường bám biển và ý thức rất sâu sắc về chủ quyền biển đảo của ngư dân mình. Chi tiết nặn hình nhân và làm phép để đặt hình nhân vào quan tài trước khi xây mộ gió cho người bị mất tích rất hay và đẹp khiến tôi xúc động. Đây là trường đoạn phản ảnh đời sống tâm linh của ngư dân miền Trung và là trường đoạn “đắt” nhất trong bộ phim, cho thấy người làm phim rất chú trọng đến đời sống dân gian”.

Đang tham gia với một số nhà làm phim Pháp thực hiện bộ phim về những nạn nhân chất độc da cam, bà Trần Tố Nga, Việt kiều Pháp, người từng được Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì đã có nhiều đóng góp trong quan hệ ngoại giao 2 nước Pháp - Việt, cũng chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Bộ phim gây xúc động và giúp người xem hình dung phần nào - chỉ một phần nào thôi - nỗi cơ cực của những người vợ mất chồng, những người con mất cha và sự nhẫn nhịn của những ngư dân vì bám biển để mưu sinh trên vùng biển của chính cha ông để lại, vùng biển mà mình có chủ quyền, mà bị bắt, bị đánh đập hoặc phải nộp phạt mới được trả tự do…”. Cũng như ông Lập và ông Robert, bà Nga cũng bày tỏ cảm xúc của mình về một số trường đoạn trong phim: “Cảnh làm hình nhân thay thế người đi không về khiến tôi vô cùng xúc động. Người Việt Nam từ ngàn xưa vẫn giữ một tập tục xây mộ cho người đã mất với hình hài nguyên vẹn của người thân trong mồ. Trong chiến tranh chống Mỹ, hàng vạn người mất tích để lại nỗi đau không bao giờ nguôi của những người còn sống. Nỗi đau ấy lại được kéo dài đến với các gia đình ngư dân bị giết hại trên biển, làm nặng thêm nỗi đau mất mát và sự bế tắc về kinh tế. Đã từng đi tìm hài cốt của mẹ (nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, lãnh đạo phong trào phụ nữ Sài Gòn thời chống Mỹ) trong hơn 30 năm, tôi càng thấu hiểu nỗi đau này hơn”.

Nghệ sĩ Nhân dân - Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Nếu được chiếu rộng rãi thì quá tốt

* Ông có nhận xét như thế nào về bộ phim Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát?

- Tôi và anh André Menras quen nhau đã lâu. Gần đây anh Menras gửi cho tôi đĩa phim tài liệu có tên Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát mà anh đã lặn lội cùng một số phóng viên truyền hình quay ở đảo Lý Sơn. Tôi thật sự xúc động khi xem những hình ảnh của bộ phim này, đặc biệt là những gương mặt phụ nữ, trẻ em mất chồng, mất cha. Thú thật tôi cũng thấy ngượng vì mình là người làm điện ảnh Việt Nam mà chưa làm được một phim nào xúc động về đề tài có tính thời sự nóng hổi này. Tôi cảm phục tấm lòng của anh Menras.


Ông André Menras (phải) và Nghệ sĩ Nhân dân - đạo diễn Đặng Nhật Minh

* Trong bộ phim, ông André Menras đã có dụng ý đưa vào phim chi tiết nặn hình nhân để lập mộ gió cho những ngư dân mất tích. Ông nhận thấy chi tiết này như thế nào?

- Tôi cũng có nghe nói về tục lệ này nhưng chưa bao giờ được nhìn thấy miêu tả tỉ mỉ như trong phim này. Cảnh cô con gái im lặng kính cẩn đứng nhìn ông thầy cúng nặn hình nhân cha mình rồi làm lễ an táng làm tôi ứa nước mắt.

* Về góc độ chuyên môn, ông đánh giá ra sao về bộ phim? Ý kiến của ông về việc có nên công chiếu rộng rãi phim này trên sóng truyền hình cho khán giả trong nước?

- Anh Menras không phải là nhà làm phim chuyên nghiệp và anh cũng biết vậy. Anh cùng các bạn trẻ VN của mình làm phim này chỉ vì muốn chia sẻ sự cảm thông với những nỗi đau mất mát của bà con ngư dân ở Hoàng Sa và vì nỗi đau mà anh coi như của chính mình. Anh có ý định sẽ hoàn chỉnh tiếp khâu hậu kỳ để đáp ứng tiêu chuẩn của một phim tài liệu chuyên nghiệp. Phim này nếu được chiếu rộng rãi thì tốt quá.

Trần Thanh Bình
(thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét