Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Bùi Hoàng Tám dí thơ vào….

Ngày Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Bùi Hoàng Tám dí thơ vào….
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Bài này đọc đã lâu, vừa thấy Blog nhà báo Phan Thế Hải đăng lại, đọc lại vẫn thấy hay nên lưu lại đây:

Bùi Hoàng Tám dí thơ vào….


Trước khi gặp Bùi Hoàng Tám, tôi đã biết đến lão chỉ vì mấy câu: Vợ tôi dở dại dở khôn - Ngày dăm bảy bận dí L... vào THƠ - Tôi thì ra ngẩn vào ngơ - Ngày dăm bảy lượt dí THƠ vào L...". Mấy câu này vừa thật thà vừa trần tục, không màu mè như cách mấy ông làm thơ nửa mùa hay khoe khoang.
Dạo đó khoảng đầu năm hai lẻ 6, khi có việc đi qua Giảng Võ, tấp vào quán café cạnh toà soạn báo Gia đình xã hội, gặp một tay to béo, tóc húi cua, trông như võ sỹ quyền anh. Mấy đứa chỉ vào tôi giới thiệu rằng, đây là Phan Thế Hải, hắn à lên một tiếng, rồi bảo: Tôi rất tâm đắc với “Gỡ nút cổ chai” của ông.
Chuyện trò, hết thế sự, đến văn chương, thơ phú, rồi hắn mời về nhà hắn chơi. Đó là căn hộ nhỏ ở tầng ba khu tập thể cạnh đường Lò Đúc. Trước khi lên nhà, hắn còn kịp qua chợ, mua đồ ăn, gà ngoé, rau cỏ, đầy đủ mâm cỗ như một bà nội trợ. Mở cửa vào nhà, gặp một cô khá trẻ với đứa con mọn chỉ hơn tuổi, hắn giới thiệu: Bà xã đó. Tôi buột miệng: vợ ông trẻ thế, hắn ghé vào tai tôi nói nhỏ: tập 2. Sau khi giới thiệu tôi với vợ, hắn cởi đồ, xắn tay vào lo việc bếp núc.
Điều ngạc nhiên là, với tay dao tay thớt, hắn thành thục như một nghệ sỹ múa. Vừa làm vừa chuyện trò, cứ như nấu nướng mới là nghề đích thực của hắn. Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt, hắn kể: Tôi đâu được như ông, học hành bài bản rồi làm nghề. Rồi hắn nhắc lại chuyện đã từng đi lính ra răng, về nhà thất nghiệp, mở quán thịt chó ra răng, rồi chuyện yêu văn nghệ, làm thơ làm phú ra răng.
Quê Thái Bình, ở cái thời khốn khó mưu sinh, người làm thơ đông đúc như người… làm ruộng, khi thơ hắn chưa kịp vượt qua khỏi phà Tân Đệ, thì người ta đã nói về hắn với câu: “Thái Bình có chú Bùi Hoàng - Tám bán quán thịt... chó làm thơ hay”. Khi tên tuổi Bùi Hoàng Tám chưa được nhiều người biết đến thì thơ của hắn cũng đã đi vào công chúng bởi tính độc đáo, bình dị như đặc sản dân gian:  “Mơ chi áo thắm quần hồng/Người ta đẹp nhất là... không mặc gì!” hay “Từ ngày có Hội nuôi ong/Thì chất lượng mật lại không ra gì/ Sản lượng thì kém hẳn đi/Xem ra nọc độc cực kỳ tốt tươi”…

Cũng chính vì là chủ quán thịt chó nên hắn mới có cơ hội tiếp xúc đủ loại người, hầu hết là thực khách. Khi rượu vào, người ta vừa đủ hưng phấn, vừa đủ dũng khí để phơi bày gan ruột, nói ra những điều sâu thẳm trong tâm can. Cứ thế, hắn tự tích luỹ vốn sống cho mình. Với hắn lúc đó, trường đại học là cái gì đó xa vời, nhưng với trường đời thì hắn tiếp xúc đủ hạng, không thiếu một hạng nào.
Tiếng là chủ quán, nhưng hắn phải tự mình chợ búa, về nhà tay dao tay thớt, bưng bê... đủ cả. Trải qua thời kỳ lính tráng, rồi vê quê mưu sinh, rồi có cơ hội gặp mặt đủ hạng người, sang hèn, hay dở, hâm hấp, chập mạch… không thiếu một dạng nào.
Cũng chính từ cái quán thịt chó ấy, khoảng đầu những năm chín mươi, một đoàn văn nghệ sỹ về Thái Bình công tác, Hội Văn nghệ tỉnh tiếp đoàn ở quán bên cạnh hắn lởn vởn ra vào nhưng chỉ biết “kính nhi viễn chi”. Với hắn, các nhà văn lúc đó đều là những bậc thánh nhân đáng kính mà hắn chỉ biết tên tuổi của họ thông qua tờ “Văn Nghệ”.
Rồi hắn cũng mạnh dạn kiếm mấy bài thơ đã làm trước đó, đưa cô con gái bảo: Con đem sang đưa cho cái bác đeo kính kia nhé. Thấy ông này cầm tập giấy nhét vào túi, hắn thầm nghĩ, chắc là công toi rồi. Nghĩ vậy, nhưng linh tính mách bảo, vẫn có một cơ hội nào đó, dẫu là nhỏ nhoi.
Mấy tuần sau, hắn ra bưu điện mua báo Văn Nghệ. Cầm tờ báo trên tay, đọc lướt qua trang nhất, phần giới thiệu nội dung. Giời ạ, gì thế này. Hắn xoa mặt, dụi mắt. Thơ Bùi Hoàng Tám... Dụi hai ba lần cho tỉnh hẳn, hắn tự trấn an: Chắc thằng cha nào đó cùng tên chứ mình thì làm gì có của!? Giở trang trong. Giời đất ơi, thơ mình. Đúng thơ của hắn. Tự dưng thấy chân tay rủn rủn, mồ hôi lấm tấm lưng, tóc gáy hơi giật giật.
Theo như lời hắn tự bạch thì: Để trấn tĩnh mình, hắn lẩm bẩm hát "Tổ quốc ơi, ta yêu người mãi mãi" Hay "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay"... Sẵn có 10 ngàn trong túi, hắn mua tất cả 5 tờ Văn nghệ, mang về nhà, lặng lẽ leo lên gác xép để nhâm nhi niềm hạnh phúc. Đêm đêm, hắn trằn trọc, thỉnh thoảng lại sờ tay xuống gối xem thật hay mơ….
Chuyện đến đây cũng là lúc mà hắn chuẩn bị xong nồi lẩu gà theo phong cách Tứ Xuyên. Nồi được bắc ra đặt lên bếp ga bốc khói nghi ngút, hắn sắp bát, rót rượu. Vợ hắn đang nuôi con nhỏ nên chỉ ngồi với khách lấy vì rồi kiếm cớ bận, để mặc cho hai đứa ba hoa.
Rồi cũng chính vì tài văn thơ của hắn được nhiều người biết đến, nên hắn càng ngày càng lắm bạn. Không chỉ là bạn ở Thái Bình mà còn là bạn ở Hà Nội, rồi cả nước… Cũng chính vì thế, bạn bè kéo hắn về Hà Nội làm báo, rồi lập nghiệp ở đất kinh kỳ, rồi vào hội nhà văn….
Giờ đây hắn là thư ký tòa soạn của một tờ báo có tiếng, oách thế. Sau đây xin giới thiệu 3 bài thơ tiêu biểu của Bùi Hoàng Tám.
P.T.H.
Thơ cho em trước ngưỡng cửa tòa

Cũng đành em ạ. Từ nay...
Tình ta đã đến thế này. Thì thôi!
Dẫu không đi hết một đời
Đã cho nhau cả một trời đam mê
Đã từng quên cả nẻo về
Đã từng tan nát tái tê đường chiều...

Xin đừng trách trái tim yêu
Tâm hồn thi sĩ vốn nhiều nỗi đau
Cũng đừng hò hẹn kiếp sau
Kìa em.. nước dưới chân cầu vẫn trôi!

Mong em về với bến người
Trái tim vẫn đập nhịp thời đam mê./.

Đi ăn cưới vợ cũ

Vợ cũ đi lấy chồng
Mời mình về ăn cưới
Mình bàn với vợ mới
Có đi không vợ ơi!
Vợ mới cười rất tươi
“Chị mời thì nên đến
Hai chúng mình cùng đi
Để tỏ tình thân mến!”
Vợ cũ mặc rất đẹp
Nhìn thấy chạy đến chào
Chồng mới của vợ cũ
Ra tận nơi đón vào
Ôi cuộc tình rổ rá
Mà cưới vui bất ngờ
Mọi người tranh nhau hát
Mình cũng lên đọc thơ
Trong làn khói lơ mơ
Ghé tai mình hỏi vợ
”Nếu cuộc tình này vỡ
Mình có mời anh không?”


Nhậu với chồng cũ của vợ

Vợ mừng ngày sinh nhật
Mời chồng cũ đến nhà
Chồng cũ đi tầu hỏa
Mình đón ở nhà ga

Vì đường về hơi xa
Hai đứa vào quán nhậu
Trước còn anh với tôi
Sau thành tớ với cậu

Đi đón từ tinh mơ
Về nhà trời sâm sẩm
Hai đứa đổ xuống giường
Rồi ngáy vang như sấm

Sáng mai vợ dậy sớm
Tiến chồng cũ lại nhà
Vợ ôm rất nhiều túi
Trong túi rất nhiều quà

Cái này cho các cháu
Cái này biếu ông bà
Còn cái này em gửi
Cho dì hai dưới nhà

Tầu dần dần rời ga
Mắt vợ ầng ậng lệ
Sống mũi mình cay cay
Muốn nói mà không thể

Ôi cuộc đời dâu bể
Ôi mỏng manh kiếp người
Lần sau, lần sau liệu
Còn có nhau trong đời!

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám : Suýt phá nát một tổ ấm thứ hai

Theo mevabe.net - 1 năm trước
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám, tác giả hai tập thơ: Dòng sông quan trạng (Hội văn nghệ Thái Bình), Dưới trời xanh (NXB Hội nhà văn). Nhưng đến thời gian gần đây, sau nhiều biến cố cuộc đời, chất 'nghệ' trong thơ anh mới thực sự gây ấn tượng với độc giả bởi chất bi hài mang tính thân phận con người được tái hiện trong những bài thơ rút ruột mà ra.
- Cuộc sống của anh dường như rất đặc biệt. Điều ấy được thể hiện khá rõ trong ba bài thơ: Thơ cho em trước ngưỡng cửa toà, Đi ăn cưới vợ cũ, Nhậu với chồng cũ của vợ. Những tình huống rất tiểu thuyết. Đây là câu chuyện cuộc đời anh hay một tưởng tượng về một hình mẫu lý tưởng cho một cuộc tình rổ rá cạp lại?
- Một nửa là sự thật. Tôi hai lần đò. Ly hôn hai năm sau, tôi lấy vợ. Khi người ta ly hôn, người ta thường hay chia của, chia con... nhưng cuộc ly hôn của bọn tôi không có điều đó. Tất nhiên là không thể có nụ cười nhưng tuyệt nhiên không có sự cãi cọ, tranh giành hay đổ lỗi cho nhau...
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám: Suýt phá nát một tổ ấm thứ hai
Nhà Thơ Bùi Hoàng Tám.
- Nhưng nếu một nửa là sự thật, thì đọc thơ anh, là một người sáng tác, tôi bị “chinh phục” bởi cảm xúc chân thực và quá đau đớn, xót xa. Chợt nghĩ, nếu anh còn “xót” vợ cũ như thế, chia tay có phải là một quyết định sai lầm?
- Việc chia tay giữa chúng tôi là tất yếu. Nó chỉ xảy ra khi cả hai người đều không thể, vì chẳng ai muốn điều đó xảy ra. Khi điều không may đó xảy ra thì hãy hành xử với nhau thật nhân ái. Khi tôi đã xây dựng gia đình, cô ấy vẫn không lấy chồng, ở vậy. Và từ thầm mong cô ấy đi bước nữa, có một gia đình yên ấm, hạnh phúc cho cuộc đời vốn đã nhiều đau khổ được nhẹ bớt phần nào, tôi viết những vần thơ đó. Về bài thơ đầu, đó là một nửa sự thật cộng với niềm mong mỏi.
- Người vợ cũ của anh lấy chồng rất xa mà anh phải lặn lội tàu hoả để đến thăm? Và hai đứa con anh đã chọn ai để tiếp tục hành trình cuộc sống của chúng? Dẫu biết rằng với bọn trẻ bây giờ, ở với ai cũng là một thiệt thòi...
- Tàu hoả chỉ là một biểu tượng của văn chương. Đó chỉ là sự mơ mộng của một tâm hồn khát khao hướng thiện. Còn cuộc sống thực thì chúng tôi không quá xa nhau về không gian. Tất nhiên với bất cứ nhà văn nào thì tác phẩm cũng chỉ là sự mơ ước, niềm khát vọng của tác giả.
- Câu chuyện “tan vỡ” đã được anh chia ra làm ba giai đoạn khá “độc đáo” và hiếm có trong cuộc sống đời thường: Thơ cho em trước ngưỡng cửa toà, Đi ăn cưới vợ cũ, Nhậu với chồng cũ của vợ. Điều thể hiện rất rõ, trong ba bài thơ của anh, là vẫn có sự “cay đắng” lẩn khuất trong từng câu chữ?
- Không có cuộc chia ly nào là không có nước mắt. Một người phụ nữ đã gắn bó với mình hơn 20 năm, trải qua biết bao nhiêu gian nan, vất vả của cuộc đời, đã sinh cho tôi hai đứa con, sao không nặng lòng với nhau? Chính vì điều đó mà tôi càng mong muốn cho người ấy có một bến bờ mới hạnh phúc.
- Người vợ hiện tại của anh có đủ sự cao thượng để sống và chia sẻ với những xúc cảm rất phức tạp của chồng?
- Nói như nhà văn Nam Cao, đại loại là chúng tôi đã hy vọng, đang hy vọng, đã thất vọng nhưng mãi mãi vẫn còn hy vọng.
Xin kể một chuyện vui, ngày con gái tôi lấy chồng, cháu hỏi ý kiến về chàng rể. Tôi bảo cháu, nó có nghiện không? Không - cháu trả lời. Nó có tiền án, tiền sự gì không? Không. Nó có làm thơ không? Cũng không ạ. Tôi bảo: Bố đồng ý. Nói thế không phải tôi coi thường hay khinh gì nhà thơ mà tôi rất lo cháu “dây” vào người như bố nó, mơ mộng để tâm hồn treo ngược ở cành cây rồi lại khổ một đời như mẹ nó. 
- Qua ba bài thơ, ngoài mục đích nói lên khát vọng của mình, có khi nào anh gửi một thông điệp khác tới nhiều cặp vợ chồng giống anh ở thời điểm trước tan vỡ?
- Việc “phổ biến cho mọi người được biết” bản chất đã mong ước nó là một thông điệp rồi. Còn nếu không, sẽ chẳng ai công bố mà sẽ cất kín vào trong tủ. Cũng nói thêm, bài thơ “Đi ăn cưới vợ cũ” đọc ở Văn Miếu vào Ngày Thơ Việt Nam năm 2010, được vỗ tay yêu cầu đọc lại. Đây hình như là lần đầu tiên sau 8 năm Ngày Thơ mới có một bài thơ được yêu cầu đọc lại như... ca sĩ.
- Là nhà thơ, anh sẽ bao bọc và chia sẻ với con thế nào để bọn trẻ bớt chạnh lòng?
- Rất may là các con tôi đều lớn cả và đã học hành xong, có công ăn việc làm. Cuộc chia tay đáng lẽ xảy ra lâu rồi nhưng bọn tôi xác định vì các con nên đợi đến khi chúng trưởng thành. 
- Anh có gặp lại sau khi hai người ra toà?
- Có chứ. Chúng tôi không còn chung một tổ ấm nhưng vẫn còn đó những đứa con chung nên có biết bao nhiêu công việc cần phải trao đổi. Đặc biệt là với “người đương thời” của tôi. Cô ấy là người rất nhạy cảm và tự trọng. Cũng đã một lần tan vỡ, nếu chỉ cần một phút xao lòng, lại phá nát một tổ ấm thứ hai...
Theo PL & XH
----------
LỜI THỀ MÙA ĐÔNG

Bắt đầu từ một mùa đông
Anh tôi ra trận rồi không trở về
Cũng từ một buổi chiều quê
Chị tôi đã nhận Lời thề mùa đông
Cũng là phận gái chờ chồng
Người còn hoá đá - chị không hóa gì?
Đá còn đợi bước thiên di
Còn con để bế, chị thì chịu không
Núi còn hòn vợ hòn chồng
Chị tôi ôm mối chờ mong bạc đầu
Cái ngày tôi bước qua cầu
Chị không khóc, chị sợ nhàu áo tôi
Bây giờ chị đã về giời
Thắp hương lạy chị - Lạy lời mùa đông.


CẠN ĐÊM

Em về kẻo ướt cơn mưa
Tiễn em bằng mắt và đưa bằng lời
Tuổi này buồn lắm em ơi!
Còn lưng giọt lệ còn rơi nửa chừng
Em về đừng tắt lối rừng
Sông sâu, nước xiết cũng đừng có qua
Cũng đừng ngắm núi, trông hoa
Người ta đưa đón người ta một đời
Anh giờ chỉ một anh thôi
Một anh với một mình trời - Cạn đêm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét