Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Chúng ta có thật là con rồng cháu tiên?

Ngày Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Chúng ta có thật là con rồng cháu tiên?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Chúng ta có thật là con rồng cháu tiên?

Trần Phúc Tâm
Lời nói đầu: Cách nay trên dưới một ngàn năm, nhằm xây dựng nền văn hóa tư tưởng dân tộc khẳng định sự độc lập tự chủ của người Việt, các bậc tiền hiền tiên liệt của chúng ta đã gom góp những truyền thuyết dân gian tạo nên huyền sử Rồng Tiên, có ý nghĩa thiết thực là giáo dục ý thức tư tưởng của người dân Việt rằng: Chúng ta cũng phát xuất từ nòi giống oai hùng cao quý và có quyền tồn tại - phát triển bình đẳng với người Hán, nước Việt hoàn toàn có thể sánh ngang với Trung quốc. Độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của người Việt là điều hiển nhiên như trời cao đã định. Ngày nay, dưới ánh sáng của khoa học kỹ thuật và ngành nhân chủng học, chúng ta đã biết rằng người Việt khác hẳn với người Hoa, phần đông người Việt không phải từ người Hoa mà ra, hay do dòng máu Hoa lai tạo với các sắc dân bản địa mà thành. Chúng ta cũng biết rằng chúng ta có nguồn gốc từ giống người chứ không phải từ giống Rồng hay giống Tiên và cũng không thể có người phụ nữ nào có thể đẻ ra trăm trứng, nở thành trăm con.
Tuy nhiên, tìm hiểu huyền sử, gạn lọc lấy những thông tin chân thực từ màn sương mờ ảo truyền thuyết xa xưa, sẽ giúp chúng ta hiểu biết rõ hơn những yếu tố bản gốc của lịch sử - văn hóa Việt. Nhờ đó, có thể nhận thức tốt hơn về bề dày truyền thống lịch sử, góp phần giúp chúng ta bình tĩnh, tự tin và tỉnh táo hơn trước làn sóng xâm lăng của văn hóa - tư tưởng Trung Hoa.
* * *
Từ truyền thuyết trăm trứng cho thấy vật tổ của người Việt không thể là giống thú. Từ những hình người đội mũ lông chim tạo hình trên các di vật lịch sử, có thể cho ta biết vật tổ khởi thủy xa xưa của người Việt có lẽ là giống chim. Bởi vì bị Trung Hoa đô hộ hàng ngàn năm, ảnh hưởng Nho giáo của Tàu, cho nên sử Việt cũng phải ghi bằng chữ Tàu. Vì thế, tên các nhân vât lịch sử, tên các linh vật cũng được phiên theo tiếng Tàu, ít còn nguyên hoàn toàn theo tiếng Việt.

1. Hồng Bàng

Tôn thờ linh vật (thường gọi là vật tổ), lấy một vật nào đó làm biểu tượng cho thị tộc, bộ tộc, dân tộc mình là truyền thống thường thấy ở hầu khắp các dân tộc trên thế giới này. Người Việt cũng không ngoại lệ.
Họa tiết chim thú trên mặt trống đồng cổ
Hồng ở đây là chim Hồng Hộc, tức là chim Bồ Nông. Đây là loài chim nước có kích cỡ lớn, giỏi chăm sóc con. Tuy to lớn nhưng có thể bay nhanh, vút mình trong gió bão. Lấy chim Hồng làm biểu tượng cho giống cái, thể hiện mong muốn người phụ nữ can đảm, mạnh mẽ, đẻ con khỏe, nuôi con tốt. Nói theo kiểu ngày nay là "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Bàng ở đây là chim đại bàng. Lấy đại bàng làm biểu tượng cho giống đực, thể hiện mong muốn người đàn ông kiêu hùng phóng khoáng, hiên ngang giữa đất trời.
Sử cũ ghi, dân tộc Việt Nam bắt đầu từ Hồng Bàng thị, có thể hiểu là thuở xa xưa, thị tộc có vật tổ là chim đại bàng và chim bồ nông, là thị tộc mạnh nhất, tập hợp và lãnh đạo các thị tộc khác, manh nha nên quốc gia lúc ban sơ của lịch sử dân tộc Việt. Gọi là Hồng Bàng, chứ không gọi là Bàng Hồng, thể hiện thời điểm ấy, xã hội người Việt vẫn ở thời kỳ mẫu hệ. Kinh tế xã hội có lẽ vẫn phụ thuộc phần nhiều vào việc săn bắt và hái lượm.

2. Lạc Hồng

Hồng, như trên đã dẫn, là chim bồ nông, tượng trưng cho giống cái. Phải to thế, phốp pháp thế mới đẻ tốt được. Lạc ở đây là chim Lạc, tượng trưng cho giống đực. Hình chim Lạc và chim Hồng có thể thấy ở rất nhiều di vật lịch sử, nhất là trên trống đồng. Chú ý là hình tượng bồ nông tượng trưng cho người mẹ xứ sở, cần khỏe mạnh đẫy đà. Còn các nam thanh nữ tú trong lễ hội thì thanh nhã lưng eo đai thắt và đó cũng là thực tế. Cho nên, trên trống đồng, phần hình người toàn là thanh mảnh cả.
Hình tượng chim Lạc là kết hợp giữa chim đại bàng và chim bìm bịp. Đại bàng thì kiêu hùng phóng khoáng như bậc chúa tể của đất trời. Còn bìm bịp là giống chim có thể báo hiệu nước lên. Từ "Lạc" biến đổi từ "Nước" mà ra, dân Việt làm ruộng nước ven sông, thuở chưa có gầu guồng máy bơm thì rất cần biết thời điểm con nước lên để mà gieo cấy. Thêm nữa, thịt chim bìm bịp có tính chất bổ dương rất mạnh, để bà Âu Cơ có thể đẻ một lúc ra trăm trứng thì ông Lạc Long Quân phải rất là khỏe mới đáp ứng được.
Thời điểm này, xã hội người Việt có lẽ đã chuyển sang thời kỳ phụ hệ. Nông nghiệp đã có vai trò quan trọng trong kinh tế xã hội.

3. Lạc Long Quân

Kinh tế nông nghiệp phát triển, dẫn đến việc di dân xuống phía nam, theo sông ra biển. Một linh vật mới được thêm vào trong văn hóa Việt. Ấy là cá sấu. Cá sấu, ngoài thể hiện sức mạnh nơi sông nước, còn có thể có những dấu hiệu báo cho cư dân làm lúa nước biết thời điểm có nước từ trời. Một văn bia cổ có ghi "khi giao long tụ lai, nổi lên, tức thì mây tụ gió nổi sấm rền vang và mưa đổ xuống". Giao long ở đây chính là tên của cá sấu phiên theo văn Tàu (Giao long nghĩa là rồng của dân Giao Chỉ, tức rồng của người Việt).
Quân là từ chỉ người thủ lĩnh, người đứng đầu một nhóm người hay bộ tộc. Lạc Long quân (viết theo văn Tàu) là người thủ lĩnh của một bộ tộc thuộc dân Việt, lấy cá sấu làm linh vật, có thể đây là bộ tộc mạnh nhất ven triền sông Hồng ở nước ta thời đó.
Trên trống đồng, có đúc hình một con vật vừa giống cá sấu, lại vừa giống rái cá. Có thể do người Việt cổ thấy cá sấu tuy mạnh mẽ nhưng hung dữ, lại thường hay ngậm con nhỏ vào miệng (dễ nhầm là ăn thịt con). Trong khi đó, loài rái cá thường có đời sống gia đình rất đông đúc, quần tụ. Vì vậy, hình tượng rồng của người Việt xưa là sự kết hợp giữa cá sấu và rái cá. Truyền thuyết dân gian cũng kể rằng Tiên hoàng đế Đinh Bộ Lĩnh là con của rái cá. Có người cho rằng đấy là thuyết báng bổ, hạ nhục vua Đinh. Tuy nhiên, nếu hiểu kỹ về văn hóa Việt cổ thì có thể thấy đó không phải là báng bổ, hạ nhục mà là thần thánh hóa, tôn sùng.

4. Âu Cơ

Cơ ở đây có nghĩa là người con gái đẹp, dòng dõi sang quý (viết theo văn Tàu). Âu ở đây chính là chim Âu. Cho đến tận gần đây, ở miền duyên hải Bắc bộ Việt Nam, vào mùa đổ ải cấy lúa xuân, vẫn thường xuất hiện rất nhiều chim Âu kiếm mồi. Loài chim này rất đẹp (vừa giống vịt, vừa giống bồ câu, vừa giống bồ nông, có nét giống đại bàng), màu trắng tinh khôi, mỏ vàng đỏ hồng, to như con vịt, có con to như con ngan Pháp.
Lạc Long quân là thủ lĩnh của bộ tộc (Lạc Việt) có linh vật là cá sấu. Âu cơ có thể hiểu là người con gái đẹp, sang quý của bộ tộc (Âu Việt) thờ chim Âu làm vật tổ.
Cách đây vài nghìn năm, biển ăn sâu đến tận Khoái Châu - Hưng Yên bây giờ. Chim Âu xuất hiện ở đất Phong Châu, xứ Phú Thọ là chuyện dễ hiểu. Loài chim này cũng có thói quen đẻ trứng nơi cao ráo. Có thể thời đó, giống chim này thường đẻ trứng trên đồi núi nên người xưa mới nghĩ ra chuyện bà Âu Cơ dẫn con lên núi chăng?

5. Hùng Vương

Việc canh tác lúa nước phát triển kéo theo kinh tế xã hội phát triển. Các bộ tộc bắt đầu liên kết lại thành một nhà nước, đó là nhà nước Văn Lang. Văn ở đây có nghĩa là có lề luật, lễ nghĩa. Lang ở đây chỉ các cộng đồng sống gần các con sông, sau biến thành từ "làng" mà ngày nay ta vẫn còn dùng. (Các cộng đồng nơi rừng xa núi hiểm thì gọi là Khun, hay Cun).
Kinh tế - văn hóa xã hội phát triển cũng dẫn đến nhu cầu phải có một linh vật mới. Đó là con gà, mà là gà trống. Đến tận ngày nay, cỗ bàn của người Việt kiểu gì cũng phải có món gà mới là sang. qúy mến nhau biếu gà, cho gà là coi trọng nhau lắm. Người Việt cổ thờ kính mặt trời (thể hiện trên trống đồng ở vị trí trung tâm), gà trống gáy báo hiệu bình minh cũng như trống đồng báo hiệu lễ hội, sấm báo hiệu trời mưa. Nhà vua kén rể cũng yêu cầu lễ vật có "gà chín cựa". Giống gà này ngày nay tuy rất hiếm nhưng vẫn còn có thể thấy ở vùng núi sâu thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Nhưng viết vào sử thì phải diễn tả bằng văn Nho. Gà trống, phiên theo văn Nho là Hùng Kê. Sử cũng còn ghi rằng, khi vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, linh hồn dòng giống vua Hùng vì bất mãn với Thục Phán nên biến thành gà trắng phá hoại làm thành không xây được, sau phải nhờ cao nhân làm phép trừ đi mới ổn.
Để cho hay và đẹp, cao quý, không tầm thường, sử không viết là Hùng Kê Vương (vị vua lấy gà trống làm biểu tượng) mà chỉ viết là Hùng Vương mà thôi. Cái này cũng giống như việc cây chó đẻ răng cưa khi viết vào sách thì thành Diệp Hạ Châu, cây cứt lợn khi ghi vào sách thành Ngũ Sắc Hoa, bồ hóng đen sì nơi gác bếp thì viết thành Ô Long Vĩ.

* * *

Dân tộc Hoa Hán có sức mạnh văn hóa tư tưởng rất là ghê ghớm, đến mức, có quân sự hùng mạnh như Mông Cổ, Mãn Thanh từng đô hộ Trung quốc mà rồi cũng bị văn hóa Hán đồng hóa và rốt cuộc thua người Hán, mất hết cả lãnh thổ như Mãn Thanh hay mất phần lớn lãnh thổ như Mông Cổ.
Ngày nay, để tránh thảm họa tương tự, bên cạnh việc tiếp thu văn hóa khoa học kỹ thuật của Âu, Mỹ, Nhật, làm giàu mạnh thêm cho văn hóa Việt, thì cũng đã đến lúc cần làm sáng tỏ hơn về truyền thuyết Rồng Tiên - lý giải theo thực tế - để dân ta hiểu rõ về bản gốc của mình. Dân tộc Việt thời Văn Lang, Âu Lạc cũng đã từng văn minh phát triển (so với các dân khác cùng thời điểm), là lịch sử có thật chứ không phải là sự bịa đặt cho oai.
Thêm nữa, hiểu được bản gốc văn hóa như thế cũng giúp chúng ta gần hơn với những dân tộc có cùng biểu tượng văn hóa như dân tộc Việt. Nga, Mỹ có đại bàng. Nhật Bản có mặt trời. Pháp có gà trống. Ấn độ có cá sấu sông Hằng. Một bang của Mỹ (Alabama?) cũng lấy bồ nông làm biểu tượng ...
Riêng với Trung Hoa, dù cũng có rồng như ta nhưng ta phải hết sức đề phòng vì rồng của ta là có thật (cá sấu) còn rồng Trung Hoa thì không có thật, chẳng có vật nào như thế trong tự nhiên.
Rồng Tiên của Việt Nam xuất phát từ những linh vật cá sấu, chim âu, bồ nông, rất gần gũi với nền nông nghiệp lúa nước ở ven sông, gần biển. Phần lớn người Việt ngày nay là hậu duệ của những cư dân nông nghiệp lúa nước, chăn thả gia cầm là chủ yếu, chứ không phải xuất phát từ dân Hoa Hán gốc chuyên chăn thú, trồng kê với lúa mạch, lúa mì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét