Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Tham quan hệ thống Aquaponics tuyệt vời của anh Trung

Ngày Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Tham quan hệ thống Aquaponics tuyệt vời của anh Trung
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Tham quan hệ thống Aquaponics tuyệt vời của anh Trung
Trồng cây gì trong hệ thống Aquaponics?
Nuôi cá gì trong hệ thống Aquaponics?
TỰ THIẾT KẾ 1 MÔ HÌNH AQUAPONICS NHỎ Ở NHÀ
Mô hình Nuôi cá - Trồng rau Aquaponics
Cách đây khoảng 2 tháng, trong những lần lang thang trên mạng, tình cờ anh bạn già của tôi, anh Nguyễn Thành Trung, đã được xem vài hệ thống nuôi cá - trồng rau Aquaponics của các nông gia Mỹ, Canada và Nhật Bản. Từ xem video tới đọc các bài hướng dẫn cách làm và kết quả thu được của các nông gia quốc tế, anh Trung mê tít và mỗi khi gặp tôi thì cứ chủ đề này nói chuyện, nhất định không chịu nói tới chuyện khác. Đúng là trẻ nghiện tình, già nghiện cây cỏ, sinh vật. Chính từ cảm hứng của anh mà tôi cũng bị lây để rồi 1 tháng trước đây đã ăn trộm trên mạng và post lên Blog này 2 bài về Mô hình và Hướng dẫn thiết kế Aquaponics mặc dù bản thân chưa làm bao giờ. Gần 1 tháng trôi qua, tự nhiên hôm qua tôi nhận được tin anh báo đã làm xong 2 hệ thống Aquaponics của riêng mình và mời tôi đến tham quan. Quá ngạc nhiên, hôm nay tôi vội vàng đến thăm anh; và quả thực đã hết sức khâm phục về kết quả này của anh bạn già. Không những vậy, qua điện thoại và 2 lần đến gặp trực tiếp, anh còn giúp một gia đình ở cách Genève 150km thiết kế các hệ thống Aquaponics cho họ. Hôm nay họ cũng ghé qua tham quan các hệ thống của anh và để cám ơn anh.
Dưới đây là một số ảnh chụp 2 hệ thống Aquaponics của anh Trung.
 Toàn cảnh hệ thống 1: Cỡ to để nuôi cá lớn.
Toàn bộ vật liệu làm hệ thống dàn đỡ được tận dụng từ đống đồ đạc
của nhà định vứt rác. Hệ thống có các bánh xe để di chuyển dễ dàng.
 

Hệ thống gồm 3 bể: Bể 1 bằng nhựa trắng trong suốt cỡ to nằm ở dưới để nuôi cá. Bể 2 gồm 2 bể nhỡ độc lập màu đen nằm trên cao để trồng rau. Bể 3 bằng nhựa trắng đục nằm trên cao cạnh 2 bể đen là bể trung gian. 

Nước (kèm phân cá, thức ăn thừa, chất thải từ cây trú cho cá trong bể 1...) từ dưới bể 1 được hút đưa lên bể 3. Phân cá, thức ăn thừa lắng lại trong bể 3 để phân hủy dần, tạo thành chất bổ nuôi cây, đồng thời có 2 ống tràn dẫn nước sang 2 bể 2 nuôi cây.

Các bể 2 gồm 2 lớp: Lớp trên gồm nhiều hộp nhỏ thủng lỗ trong chứa sỏi hoặc đất nung và cây trồng. Sỏi có tác dụng giữ lại dinh dưỡng trong nước nuôi cây đồng thời giữ cho cây luôn đứng ở vị trí ổn định. Lớp dưới là bể nước lớn nuôi cây; các rễ cây và sỏi chìm trong nước. Trong các bể 2, anh Trung bước đầu trồng cây rất đa dạng để thí nghiệm gồm rau thơm, cải, xà lách, dưa chuột, cà chua, chanh và nhiều loại cây khác. Trong bể 2 có ống tràn để phần nước thừa từ bể 3 chuyển sang được đưa xuống bể 1. Nước này có chất dinh dưỡng thải ra từ cây để nuôi cá. Tiếp đó nước dưới bể 1 lại được hút lên bể 3 và vòng tuần hoàn lại tiếp tục.

Tuy nhiên do chất bổ từ nước không đủ để nuôi cá nên hàng ngày vẫn phải cho cá ăn 2 lần; tốt nhất là cho thức ăn chế biến công nghiệp để đảm bảo vệ sinh môi trường nước nuôi cá. Số lượng thức ăn mỗi lần cho vào được điều chỉnh căn cứ vào độ đói của cá. Hiện nay anh Trung đang thử nghiệm nuôi cá cảnh, nếu thuận lợi thì sẽ nuôi các loại cá thực phẩm.

Về nguyên tắc, có thể không cần đến bể 3, nhưng anh Trung cho rằng có thêm bể 3 thì tốt hơn vì nó có tác dụng giữ chất thải hút ra từ bể 1 lâu hơn để quá trình phân hủy tốt hơn.


Hệ thống nhìn từ bên hông.

Các thiết bị chính trong hệ thống gồm:
1) Máy bơm - hút rất nhỏ (bằng cục nắn dòng AC loại nhỏ) 4,5 vôn đặt trong bể 1 để hút nước và chất thải đưa lên bể 3.
2) Máy sục tạo ô xy cho cá trong bể 1. Máy màu đen, được đặt bên hông bể 3 (xem ảnh dưới, cạnh dây màu xanh nhạt), có 1 đường ống dẫn vào trong bể 1. Hiện anh đang thử dùng loại 6 vôn (wat ?).
3) Đồng hồ đếm giờ màu trắng cắm ở ổ điện (xem hai hình đầu bài). Hệ thống bơm, hút, tạo ô xy tự động tắt sau 30 phút hoạt động, 30 phút sau lại tự động hoạt động.


Hệ thống nhìn từ phía sau.


Cá đang bơi tự do trong bể 1. Hiện mới chỉ có 6 chú, đã được nuôi khoảng 3 tuần trong bể này. Các chú cá rất thích có cây ở trong để chui vào đó khi chơi trốn tìm hoặc ngủ. Lúc đầu bể chỉ có 1 cây, sau thấy cá thích cây quá nên anh Trung đã mua thêm 1 cây nữa. Đây là loại cây sống dưới nước. Ban ngày chủ yếu là chơi đuổi nhau trong bể; ban đêm cả lũ châu đầu vào các bụi cây để ngủ. Cục nhỏ hình vuông màu đen giữa bể là Máy bơm - hút.
Các cục tròn to nhỏ khác nhau là sỏi. Khi cá đẻ, trứng sẽ bám vào sỏi và các cây cảnh trong bể; anh Trung phải vớt ra đưa sang hệ thống Aquaponics khác để chờ trứng nở thành cá con (xem ở dưới). Nếu không thì trứng sẽ bị cá to ăn.




Bể 1 chụp từ phía sau. Tôi cho rằng nên che 2 cạnh của bể để giảm bớt độ sáng trong bể; như thế sẽ tốt hơn cho cá. Mặt khác, nên bổ sung thêm nước giúp cá bơi thoải mái hơn và nên đậy nắp bể để phòng cá nhảy ra ngoài. Khi cá chơi, nhất là lúc sắp đẻ, chúng thường phóng rất nhanh và dễ vọt ra ngoài bể.


Cận cảnh các loại cây trồng trong bể 2. Một số cây đã bị hái nhiều lần để "tiêu thụ". Có vài cây rau bị héo; đó là do cách đây 2 hôm, khi ăn tối ở nhà hàng, còn mấy cây rau không ăn, anh Trung đã mang về thử trồng, chúng chưa phục hồi vì yếu quá do trước đó chúng đã bị nhà hàng nhốt trong tủ lạnh trong khi chờ khách tới ăn.


Người bạn (anh Tuấn) ở Fribourg mà anh Trung đã thiết kế hộ 
hệ thống Aquaponics đang ngắm hệ thống của anh Trung.
Anh Tuấn cũng là người đã cung cấp những con cá đầu tiên để anh Trung nuôi thử nghiệm.


Hệ thống nuôi cá - trồng rau Aquaponics thứ 2 của anh Trung: Đây là hệ nhỏ hơn, chỉ gồm 2 bể: Bể dưới màu trắng nuôi cá và bể trên màu xanh trồng cây. Cạnh hệ thống này có 1 bình thủy tinh được dùng để ấp trứng cá.

Hệ thống Aquaponics thứ 2 này được sử dụng để nuôi cá con sau khi nở. Hiện trong bể có hơn 200 chú cá chíp hôi  mới nở. Các chú nhỏ như cái kim nên anh Trung phải dùng màng nhựa bọc máy hút nước để ngăn máy hút thêm cả cá con đẩy lên bể trồng rau. Trong hình dưới đây có ảnh máy hút được bọc nằm ở góc cao bên trái của ảnh. Tạm thời máy đang được bọc bằng vải xô nhưng anh Trung đã mua được màng nhựa để chuẩn bị thay cho vải.



Màng nhựa bọc máy hút nước để ngăn máy hút  cá con đẩy lên bể trồng rau (góc cao bên trái). Trong bể có rất nhiều cá con mới nở song bé quá lên không nhìn thấy trong ảnh (có thể do không điều chỉnh ống kính máy chụp gần nên hình không rõ).


Ngoài 2 hệ thống trên, anh Trung phải dùng thêm 1 bình thủy tinh trung chuyển để nuôi trứng mới đẻ. Sau khi cá đẻ trong bể 1 ở hệ thống lớn, trứng được lọc ra đưa vào bình này. Khi nở thành cá con, chúng được vớt đưa sang hệ thống Aquaponics thứ 2 mô tả ở trên. Lẽ ra cũng cần có máy sục cho bình này để tạo dòng lưu chuyển nước làm trứng dễ nở hơn; nếu để nước lặng, trứng sẽ bị hỏng nhiều, lượng cá con nở ra sẽ ít.


Cả nhà chuẩn bị ăn sau khi chiêm ngưỡng 2 hệ thống 
Aquaponics và nghe bài giảng kinh nghiệm của anh Trung



Và tất nhiên, tôi phải giở tài liệu trong Blog http://toithichdoc.blogspot.com/
ra để đọc lại và đối chiếu lý thuyết với thực tiễn của anh Trung.

Và cuối cùng, xin giới thiệu ông chủ của công trình
sinh thái tuyệt vời này: Anh Nguyễn Thành Trung


Ông chủ đang chiêm ngưỡng đàn con (cá) của mình.


Những đứa con của bố Trung đang tung tăng bơi lội; khi chơi, chúng rất
thích nô đùa quanh chỗ đặt ống sục, chắc nơi đó có nhiều ô xy hơn.

PS: Tuần tới anh Trung sẽ về Việt Nam thăm quê hương 2 tháng; trong hành trang của anh, đã có đầy đủ linh kiện để chế tác được ít nhất ba hệ thống Aquaponics như trên với một số cải tiến hấp dẫn hơn và quy mô cũng lớn hơn để giúp bà con quê nhà thử sản xuất cá - cây làm thực phẩm an toàn, tại chỗ hàng ngày. Chúc anh có một chuyến về Việt Nam hết sức thuận lợi và thành công như dự tính của anh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét