Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Bệnh tật và cái chết của văn nhân: NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM

Ngày Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Bệnh tật và cái chết của văn nhân: NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!



Bệnh tật và cái chết của văn nhân: 
NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM

 

NHẤT LINH NGUYỄN TƯỜNG TAM (1908 – 1963)
I – Thân thế và sự nghiệp:

 

a) -Thân thế:
Sinh ngày 25 tháng 7 năm 1908 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh
Hải Dương nơi ông nội Nhất Linh được bổ nhiệm làm tri huyện rồi hồi hưu ở tại đây. Quê nội Nhất Linh ở làng Cẩ Phô, huyện điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Quê ngoại ở ngay Huế. Ông chết ngày 7 tháng 7 năm 1963 tại Saigon
Năm 1927 ông sang Pháp du học và năm 1930 về nước với văn bằng Cử Nhân Khoa Học Giáo Khoa. Ông dạy học tại 2 trường Thăng Long và Gia Long trong có 2 năm rối bỏ để hoạt động văn chương và chính trị từ 1932 đến cuối đời.
b) – Văn nghiệp:
Văn nghiệp của Nhất Linh gắn bó với Tự Lục Văn Đoàn và 2 tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay.

Tự Lực Văn Đoàn được thành lập năm 1933 nguyên thủy có 6 thành viên là Nhất Linh – Khái Hưng – Hoàng Đạo – Thạch Lam – Tú Mỡ – Thế Lữ. Về sau có thêm Xuân Diệu – Trần Tiêu – Trọng Lang – Huy Cận – Thanh Tinh – Đoàn Phú Tứ.
Cơ quan ngôn luận của Tự Lực Văn Đoàn khởi đầu là tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì châm biếm Hoàng Trọng Phu, sau mới là tờ Ngày Nay. Cả 2 tờ báo đều chú trọng về văn chương và trào phúng , hô hào âu hóa và đề cao chủ nghĩa cá nhân.
Các tác phẩm lớn của Nhất Linh có thể chia ra nhiều loại:
- Tiểu thuyết lý tưởng: Nho Phong (1924) , Quay Tơ (1923)
- Tiểu thuyết tranh đấu xã hội: Đoạn Tuyệt (1935) , Lạnh Lùng ( 1937) , Đôi Bạn (1938)
- Tiểu thuyết tâm lý; Bướm Trắng ( 1941) , Nắng Thu (1942), Dòng Sông Thanh Thủy (1930), Đi Tây (1935)
- Viết chung với Khái Hưng: Anh Phải Sống (1932) , Gánh Hàng Hoa (1934) , Đời Mưa Gió (1934)
c) – Hoạt động chính trị:
- 1938: Thành lập đảng Hưng Việt sau đổi tên là Đại Việt Dân Chính.
- 1941: Ngày Nay bị đóng cửa. Nhất Linh chạy sang Quảng Châu. Tại đây ông gặp Nguyễn Hải Thần và Hồ Chí Minh.
- 1943: Bị tù ở Liễu Châu khi được thả ra ông về Côn Minh tá túc với Vũ Hồng Khanh hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Đảng.
- 1944: Tại Liễu Châu ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp Hành Trung Ương Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Cách.
- 1945: Tại Trùng Khánh ông sát nhập Đại Việt Dân Chính Đảng với Việt Nam Quốc Dân Đảng công khai ra mắt với danh xưng Mặt Trận Việt Nam Quốc Dân Đảng gọi tắt là Việt Quốc.
- 1946: Ông trở về Hà Nội, tổ chức hoạt động đối lập chính quyền Việt Minh, tham gia Quốc Hội khoá 1 đặc cách không qua bầu cử, giữ chức bộ trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liêp Hiệp Kháng Chiến, làm Trưởng Đoàn Việt Nam dự Hội Nghị Trừ Bị Đà Lạt đàm phán với Pháp, được đề cử làm Trưởng Phái Đoàn Việt Nam dự Hội Nghị Fontainebleau nhưng từ chối, viện lẽ lực lượng Việt Minh tấn công cơ sở Việt Quốc, sát hại và bắt bớ nhiều đảng viên.
- 1947: Ông bỏ trốn sang Hồng Kông, thành lập cùng Trần Văn Tuyên, Phan Quang Đán, Nguyễn Hải Thần… Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ủng hộ Bảo Đại chống cả Pháp lẫn Việt Minh nhưng đế năm 1950 thì mặt trận này tan rã.
- 1951: Ông về nước, mở nhà xuất bản Phượng Giang, tái bản sách của Tự Lực Văn Đoàn và tuyên bố không hoạt động chính trị nữa.
- 1953: Ông lên sống tại Đà Lạt , “tu tiên” song ngầm chỉ huy Quốc Dân Đảng cạnh tranh với 2 phái khác cùng đảng.
- 1958: Ông trở lại Saigon, thành lập Mặt Trận Quốc Dân Đoàn Kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và Trung Tá Vương Văn Đông. Thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm quản thúc tại gia.
- 1963: Ông bị tòa gọi ra xét xử ngày 8 tháng 7 nhưng đêm 7 tháng 7 tại nhà riêng ông dùng rượu mạnh pha thuốc ngủ quyên sinh, để lại lời tuyệt mệnh trứ danh : ‘’ Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả ‘’
I I – Bệnh tật:
Lúc thiếu thời du học ở Pháp về, Nguyễn Tuờng Tam là một thanh niên đầy sức khỏe. BS Trần Văn Bảng đã ngạc nhiên khi gặp ông, một người mảnh khảnh, tráng kiện và lanh lợi. Thế nhưng sau này lúc mới 50 tuổi sức khỏe của ông đã sút kém nhiều. Thế Uyên viết về ông: “Tuần trước tháng 11 năm 1960 gặp Nhất Linh, một ông già đau ốm đầy vẻ suy tư” (Tạp chí VĂN số 6/1966
Làm sao không đau ốm được, sau mấy chục năm làm văn nghệ không nghỉ, làm cách mệnh lưu vong gian khổ. Tất cả những cực nhọc lo âu thất vọng đã chồng chất lên thể xác tâm thần ông. Dựa vào các nhân chứng, chúng tôi không lấy làm lạ khi nhận thấy ở ông 3 chứng bệnh sau đây:
1) – Nghiện thuốc lá (tabagisme):
Nhất Linh nghiện thuốc lá rất nặng . Ông hút luôn miệng, mỗi ngày ít nhất 2 bao Bastos. Đôi khi ông còn hút thuốc lào và dường như có thử á phiện nữa. Thật ra ông cũng như đa số các nhà văn, coi những thứ này như kick thích tố để tránh buồn phiền, gợi cảm hứng, thậm chí tăng năng xuất.
Y học thì lại cho rằng thuốc lá có độc chất làm giảm thọ con người vì hại tim và gây ra ung thư phổi. Ngoài ra thuốc lá cũng làm người hút bị viêm cuống phổi mãn tính, rãn buồng phổi khó thỏ kinh niên Song theo BS Nguyễn Văn Bổn người thực hành phẫu nghiệm, phổi Nhất Linh “chỉ đen vì bụi” (anthracose)
2) – Nghiện rượu (alcoolisme):
Nhiều nhà văn cũng ca tụng rượu như Tản Đà, Nguyễn Tuân, Nguyễn Khuyến, tin rượu bồi bổ thể xác và tinh thần, ngoài ra còn là nguồn thơ, nguồn cảm hứng. Nhất Linh cũng thích uống rượu, nhất là whisky nhãn hiệu Johnnie Walker (ông tự vẫn bằng thuốc ngủ pha trong rượu này)
Không biết ông nghiện rượu từ bao giờ và uống mỗi ngày bao nhiêu. Tường Hùng, cháu gọi Nhất Linh bằng chú, viết trong Văn số 6/1966: “Đã có dạo cứ mỗi buổi chiều Nhất Linh lại say rượu. Nhưng ông chỉ uống để ngủ và lúc say ông ngồi im nghĩ ngợi trong căn phòng không có ánh sáng…”
Thế Uyên, một người cháu khác, còn kể lại đôi khi ông bị khủng khoảng tinh thần, lên cơn loạn trí . Có lần ông đứng trước cửa nhà ở đường Lý Thái Tỗ, móc giấy tờ trong ví đưa cho mọi người xem, miệng nói lảm nhảm : “Lấy hết đi , xin các ông lấy hết đi. Đừng áp chế tôi !”
Theo y học rượu làm suy nhược tâm thần, suy giảm trí nhớ, phản xạ kém nhậy, chậm trễ. Rượu cũng làm tổn thương não bộ, đi đứng mất thăng bằng mất hường, thậm chí sinh loạn trí nữa. Nhưng thông thường nhất lâu ngày ruợu làm chai gan khiến gan bị suy. Quả thật, BS nguyễn Văn Bổn khi làm phẫu nghiệm thấy lá gan của ông có một “lằn chai” lớn (bande de sclérose)
3) – Suy nhược tâm thần (neurasthénie):
BS Nguyễn Hữu Phiếm đã dùng chữ neurasthénie để định bệnh tâm trí của Nhất Linh từ một thanh niên lanh lợi mới du học ở Pháp về đến bây giờ là một ông già đầy suy tư, cô đơn và tuyệt vọng. Ông bị ý nghĩ tự sát ám ảnh (obsédé par le suicide) và đã uống thuốc ngủ tự tử một lần nhưng không thành vì BS Phiếm kịp thời chữa chạy, rửa ruột và chích Strychnine. Số lượng thuốc ngủ kỳ đó ít nên ông bình phục ngay và vằi hôm sau đã đi họp hội Văn Bút.
Tú Mỡ ngay từ khi còn làm báo Phong Hóa đã ghi nhận về Nhất Linh như sau : ‘’ Tâm thần bị giao động nhiều, gần như bệnh. Cần phải đi dưỡng bệnh ‘’ Thủa ấy ông đã bắt đầu bị dầy vò vì sự bất lực của mình, trên vai mang gánh nặng của một kẻ sĩ trí thức yêu nước được mọi người kỳ vọng.
Nguyễn thị Vinh: ‘’Hằng ngày tôi ít dám nói chuyện với anh bởi vì trên guơng mặt anh toát ra một vẻ nghiêm khắc, trầm lặng, rất buồn bã. Ánh mắt luôn luôn nhìn về một cõi xa xăm, mọng lên nỗi chất chứa u sầu ’’
Trương Bảo Sơn: ‘’Phải chăng việc mất hai người em thân yêu như mất hai cánh tay đắc lực, đã làm cho Nhất Linh Nguyễn Tuờng Tam xót xa đau lòng khiến nhiều đêm ông đã âm thầm khóc một mình và chán nản, ngưng làm chính trị mất ba bốn năm trời, ẩn cư nơi núi rừng Đà Lạt ‘’
Nguyễn Tường Bách, người em út bác sĩ đã nhận xét tâm trạng anh mình như sau: ‘’Tang tóc khiến cho bệnh suy nhược thần kinh của Nhất Linh ngày càng nặng thêm. Một ngày năm 1950, tôi ra Hồng Kông thăm anh. Chỗ anh ở trên một sườn đồi, bên cạnh một con suối trong. Anh cũng đồng ý về nước với quyết tâm không tham dự chính trị nữa, ít ra trong giai đoạn này ’’
Nguyễn Tường Thiết, con trai nhà văn: ‘’Nhất Linh thường viết trong đêm khuya khoắt. . Nhiều khi thức giấc nửa đêm, tôi thường thấy qua khe cửa đèn trong phòng ông còn bật sáng. Có đêm lũ chúng tôi lòm còm bò dậy vì nghe tiếng khóc trong phòng cha tôi. Tiếng khóc lúc đầu còn nhỏ sau lớn dần như không kìm hãm đươc. Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Không ai có thể đoán biết ông khóc cái gì, ngay cả mẹ tôi. Nhưng khám phá này đã gieo vào tuổi thơ của tôi một ấn tượng mạnh mẽ rằng cha tôi là một người cô đơn và đau khổ. Ngoài ra những giấc mơ kỳ lạ và kinh hãi cũng được tôi hình dung thấy qua giấc ngủ của ông, qua cách ông trằn trọc ú ớ trong đêm khuya.’’
 I I I – Cái chết:
1) – Bối cảnh:
a) – Nhất Linh đã chết như thế nào?
Ngày 6-7-1963, Nhất Linh nhận được giấy đòi phải trình diện tiểu đội Hiến Binh ở số 635 đường Nguyễn Trãi Saigon và được biết sáng thứ hai 8-7-1963 phải ra tòa vì tội tham gia cuộc đảo chánh 11-11-1960.
Duờng như từ trước ông đã có ý định tự vẫn vào ngày Song Thất (mồng 7 tháng 7 năm 1963) để đem một cái nhục cho họ Ngô và thúc đẫy quần chúng đảo chánh lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Trát tòa ông nhận đuợc đúng lúc để gíúp ông quả quyết thực hiện ý định của mình.
Ông viết di ngôn vào sáng chủ nhật 7-7-1963 Khoảng 4 giờ chiều hôm ấy, ông vừa ngồi uống Johnnie Walker vừa nói chuyện bình thường với con cái. Con trai ông là Nguyễn Tường Thiết tưởng ông uống rượu như mọi ngày để quên sự thế, nào ngờ ông có pha thêm độc dược để tìm cái chết, tránh khỏi tòa án chính quyền đương thời xét xử.
Khi BS Nguyễn Hữu Phiếm được mời đến thì Nhất Linh đã mê man bất tỉnh, hơi thở rất yếu. Ông bèn viết giấy tối khẩn gửi Nhất Linh vào bệnh viên Grall lúc 18:00 giờ, với lời ghi : ‘’ Tentavive de suicide avec substance inconnue ‘’ Vào đến bệnh viện, bác sĩ nhận bệnh tưởng như bệnh nhân đã chết rồi. Ông không thấy triệu chứng của một bệnh nào nên cũng nghĩ là tự vẫn bằng độc duợc. Thử nước tiểu thấy có thuốc ngủ tuy không rõ rệt.
Bệnh nhân tắt thở đêm 7-7-1963 rạng ngày 8-7-1963, lúc 01:15 giờ sáng.:
b) – Nơi an nghỉ:
Theo lệnh nhà cầm quyền, gia đình Nhất Linh phải chấp nhận cho phẫu nghiệm tử thi để tìm hiểu nguyên nhân cái chết, sau đó phải chôn ông gấp tại nghĩa trang chùa Giác Minh ở Gò Vấp, không cho đợi người con cả ở Pháp về chịu tang.
Phụ chú:
Năm 1975, Nguyễn Tường Thạch con trai thứ của Nhất Linh đã hỏa thiêu di cốt của cha rồi gửi bình tro tại chùa Kim Cương ở đường Trần Quang Diệu Saigon
Năm 1981 bà Nhất Linh sang Pháp đoàn tụ với các con rồi qua đời và an táng tại đó
Mãi đến năm 2001, con cháu mới quyết định rời di cốt Nhất Linh cùng vợ và con gái lớn về khu mộ dòng họ tại Hội An, Quảng Nam.
2) – Điều tra:
Sau đây là tóm tắt kết quả 2 cuộc giảo nghiệm y khoa thiết yếu trong việc điều tra cái chết của Nhất Linh.
a) – Phẫu nghiệm tử thi:
- Thi hành ngày 8-7-1963 hồi 16:00 giờ tại nhà xác bệnh viện Grall duới sự hiện diện của Biện Lý Tòa Án Saigon, Cảnh Sát Quận 1, Sở Giảo Nghiệm, Y Sĩ Trưởng Đô Thành, Thanh Tra Bộ Y Tế, Đại Diện trường Y Khoa, Y Sĩ Giải Phẫu bệnh viện Grall
- Phúc trình pháp y ký tên bởi 2 y sĩ giám định là BS Nguyễn Văn Bổn giải phẫu và BS Đào Huy Chân phụ tá:
Kết quả (trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ ghi những kết quả duơng tính mà thôi):
+ Phổi đen vì bụi (anthracose)
+ Bao tử đầy phân nửa thức ăn (đuợc cột 2 đầu và lấy nguyên vẹn ra với thức ăn để tìm chất độc tại Viện Giảo Nghiệm)
+ Gan phía dưới có một lằn chai to (bande scléreuse)
+ Gởi thêm đến Viện Giảo Nghiệm 25cc máu lấy trong tim, 30cc nước tiểu lấy trong bọng đái, 4cc nước đầu và xương sống (liquide céphalo-rachidien)
Kết luận:
+ Với những phương pháp khám nghiệm thông thường tại chỗ, không thấy thi hài có triệu chứng nào cò thể giải thích cái chết mau chóng của Nguyễn Tường Tam
+ Cần chờ xem kết quả việc tìm kiếm do các phòng và Viện Giảo Nghiệm.
b) – Thử nghiệm độc duợc:
- Thi hành ngày 15 tháng 7 năm 1963 tại Viện Pasteur, chiếu yêu cầu của Tòa Án Saigon ngày 10 tháng 7 năm 1963
- Phúc trình kết quả ký tên bởi BS Phạm Văn Tất, trưởng phòng :
+ Có hiện diện của chất barbiturique với một mức độ rất cao trong nước tiểu của Nguyễn Tường Tam
+ Sau khi kiểm nhận bằng microcrystalloscopie, có thể kết luận chất barbiturique này là loại Veronal
PHỤ CHÚ:
1) – Về bệnh tật của Nhất Linh:
a) – Nói chung nghiện thuốc lá và nghiện rượu không
gây ra hay chưa gây ra biến chứng gì trầm trọng cho Nhất Linh mặc dầu nhìn lại chúng ta thấy 2 dữ kiện đáng chú ý:
- Phẫu nghiệm tử thi Nhất Linh thấy phổi đen vì anthracosis, song bụi than đá (miner’s lungs) mới là nguyên nhân chinh của bệnh này. Hút thuốc chỉ làm cho bệnh trầm trọng thêm.
- Phẫu nghiệm tử thi cũng thấy gan Nhất Linh có một vết chai song thât sự ông chưa hề có một triệu chứng gì suy gan do chai gan vì rượu (alcoholic cirrhosis of the liver)
Chuyện Nhất Linh nói lảm nhảm rồi móc ví cho mọi người xem giấy tờ đáng làm cho chúng ta lưu ý hơn vì liên tưởng đến hội chứng Wernicke-Korsakoff do rượu gây ra.
Chuyện này khiến bà em gái Nhất Linh cho rằng ông anh mình ‘’điên’’ dù là điên khôn. Nhất Linh quả thật mắc chứng suy nhược tâm thần nhưng quan niệm ngày nay điên là phải mất hẳn khả năng tiếp cận thực tế như với schizophrenia chẳng hạn, nôm na có thể gọi là ‘’ khùng, rồ, điên thứ thiệt’’
b) – Nói riêng bệnh suy nhược tâm thần của Nhất Linh
lại khá trầm trọng. Từ ngữ ‘’neurasthenia’’ không mấy chính xác vì nghĩa quá rộng. Theo ngôn ngữ chuyên khoa tâm thần ngày nay thì phải gọi là ‘’mental depression’’ hay là bệnh ‘’trầm cảm’’.
Thông thưòng ta có thể phân bệnh trầm cảm làm 2 loại theo đó có thể chữa trị bằng thuốc men (antidepressants), tâm thần trị liệu.
(psychotherapy), tái phục hồi (rehabilitation)… hay phối hợp nhiều phương pháp.
- Trầm cảm nội xuất (endogenous depression) có tính cách di truyền vì không tìm thấy nguyên do gì cả, nên cũng rất khó chữa trị. Truờng hợp này dễ thành ‘’major depressive disorder’’ tạm dịch là ‘’trầm cảm cao độ’’. Bệnh nhân dễ mất tiếp cận với thực tế (psychosis).
- Trầm cảm ngoại xuất (exogenous depression) do hoàn cảnh khó khăn tạo ra (situational depression) hay cách phản ứng của bệnh nhân đối với nghịch cảnh (reactive depression). Trên nguyên tắc loại này dễ chữa trị hơn. Nguyên nhân hết, bệnh cũng tự nhiên khỏi.
Chúng tôi cho rằng Nhất Linh ở trong trường hợp này có nghĩa là tâm trí ông tuy suy nhược nhưng bao giờ cũng sáng suốt, song theo như chính ông (dixit) cuộc đời chính trị của ông là một chuỗi dài thất bại.
Nhà biên khảo Nguyễn Văn Lục kể lại giai thoại bức họa Nguyễn Gia Trí vẽ chân dung Nhất Linh phải bỏ dở vì bị đi tù. Khi đưọc thả ra, ông Trí định vẽ tiếp thì Nhất Linh không chịu và đòi cứ để nguyên như thế vì cho rằng bức họa dang dở giống như cuộc đời của ông, một tác phẩm không bao giờ hoàn tất được.
3) – Về cái chết của Nhất Linh:
a) – Trên phương diện y học, tự vẫn là một biến chứng
của bệnh trầm cảm gồm 3 giai đoạn:
- Ý định tự vẫn (suicidal ideation): BS Nguyễn Hữu Phiếm đã từng nhận xét là Nhất Linh bị ám ảnh bởi ý nghĩ tự sát từ lâu.
- Kế hoạch tự vẫn (suicidal planning): Chính Nhất Linh từng nói ‘’ Tôi mà tự tử thì chẳng ai biết tôi dùng loại độc dược nào’’ hay ‘’ Chỉ tạch một cái là xong’’.
- Toan tính tự vẫn (suicidal attempt): Chỉ cần một yếu tố phát đông (triggering factor) đủ mạnh là bệnh nhân thực hiện kế hoạch của mình. Trong trường hợp Nhất Linh yếu tố quyết định đó là cái trát đòi ông ra tòa.
b) – Trên phương diện chính trị lịch sử, nếu xét cơ chế
hành động Nhất Linh tự vẫn đơn thuần như một biến chứng bệnh hoạn, ta có thể đã coi thường hành động hi sinh cao cả của ông để thúc đẩy công cuộc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm.
Chúng tôi không nghĩ như vậy. Hành động sáng suốt của Nhất Linh vẫn giữ nguyên giá với tính cách tiêu cực của nó. Nếu ông không mắc bệnh trầm cảm, có lẽ ông đã chọn một cách đấu tranh khác có thể tích cực hơn nhưng thành quả cũng tương tự, tiếng vang không chừng lại thua.
KẾT LUẬN:
Nhất Linh là một nghệ sĩ trước khi là một chính trị gia. Rất có thể ông mường tượng vuốt ve một cái chết đặc biệt khác thường, một cái ‘’chết đẹp’’
Nếu quả thật vậy thì cái chết của ông không phải là cái chết tiêu cực của một bệnh nhân tâm thần. mà là cái chết đã được ông xếp đặt theo sở cầu của mình. Ông muốn cho cái chết của ông đạt được hai mục đích:
- Thứ nhất là để gây một tiếng vang trên thế giới và đánh một đòn nặng vào chính quyền Ngô Đình Diệm
- Thứ hai là để thỏa mãn cái sở cấu thiên tính nghệ sĩ của ông. Ông vừa uống
rượu vừa uống thuốc ngủ. Phải chăng ông muốn một cái chết say sưa êm đềm và cũng vui như một giấc mơ của nhân vật Thanh trong tac phẩm Dòng Sông Thanh Thủy vậy?
BS Mạc Văn Phước và BS Đặng Ngọc Thuận
Montreal, mùa Xuân 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét