Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Điều gì quan trọng nhất với học sinh Mỹ?

Ngày Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Điều gì quan trọng nhất với học sinh Mỹ?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Điều gì quan trọng nhất với học sinh Mỹ?

Matthew Resnick – học sinh năm cuối Trường trung học Eleanor Roosevelt, New York đã chia sẻ những quan điểm của mình về điều quan trọng nhất với một học sinh. Đạt điểm tốt hay tìm ra niềm đam mê và quyết tâm theo đuổi nó?


 

Không phải lúc nào tôi cũng vượt qua các kì thi. Tôi thấy khó khăn trong việc hoàn thành bài tập về nhà. Tôi không làm tốt bài thi SAT. Tôi không tham gia bất cứ lớp học AP nào. Tôi không phải là một sinh viên xuất sắc.

Tôi thích đi thực tập. Tôi thích làm tình nguyện. Tôi thích đọc. Tôi thích viết. Tôi muốn tham gia các sự kiện và gặp gỡ những người mới. Tôi là một người ham học.


Hằng ngày, tôi tự hỏi mình sẽ ở đâu trong vài năm nữa và trong những năm sau này. Là học sinh trung học cuối cấp, tôi luôn tự nhắc mình về quá trình gửi đơn xin nhập học vào các trường đại học sắp tới và áp lực này không phải là điều dễ dàng. Cân bằng thời gian cho trường lớp, gia đình, bạn bè, làm tình nguyện và ngủ là việc vô cùng khó khăn.


Vì thế, tôi tự hỏi mình: “Điều gì quan trọng nhất với tôi?”,

và câu trả lời của tôi chưa bao giờ là ‘trường lớp’. Giáo dục không phải là một trải nghiệm theo dạng một kiểu mẫu phù hợp với tất cả mọi người. Giáo dục không giới hạn trong một lớp học – theo kinh nghiệm của tôi.

Khi tôi đi thực tập hay làm tình nguyện, là vì tôi muốn có được những kinh nghiệm mắt thấy tai nghe và tạo sự khác biệt. Trong suốt kì nghỉ hè năm 2011, tôi bắt đầu đi thực tập ở Trường Y khoa Mount Sinai thuộc Cơ quan Y tế phòng ngừa và làm tình nguyện tại Trung tâm Y tế New York Presbyterian Weill Cornell thuộc Neurology Unit. Những kinh nghiệm này đã cho tôi cái nhìn sâu sắc về những gì tôi muốn theo đuổi trong cuộc đời mình, và việc tiếp xúc trực tiếp với công việc đã dạy cho tôi những điều mà có thể tôi chưa bao giờ được học trên lớp hay từ sách giáo khoa.


Tôi đã từng gặp một vài người nói rằng: “Chà, điều đó sẽ rất tốt cho đơn xin nhập học của bạn”. Phản ứng này thật đáng thất vọng. Qúa trình nộp đơn rất khó khăn vào các trường đại học đã biến nhiều hoạt động thành những cuộc thi, làm mất đi nhiều giá trị của chúng. Không nên làm tình nguyện hay đi thực tập chỉ vì điều đó tốt cho hồ sơ của bạn. Thay vào đó, hãy làm vì nó tạo cơ hội cho bạn học những điều mới, khám phá sở thích và tạo sự khác biệt.


Tạo ra sự khác biệt là một trải nghiệm vô giá, là một phần thiết yếu của thành công. Đó là một cảm giác tuyệt vời khi biết rằng tôi có sức mạnh để tạo sự khác biệt. Là một học sinh, tạo sự khác biệt là thứ gần như không thể đạt được trong lớp học. Tôi thấy mình đang ngồi trong một phòng học, hay đang làm bài tập về nhà, mong tạo ra sự khác biệt và khám phá ra thứ thực sự quan trọng với mình.


Ở Mỹ, mảnh đất của cơ hội, liệu những con số có phải là tất cả? Sự coi trọng điểm số và bài kiểm tra đang ngày càng lớn thật đáng thất vọng. Điều đó có thể ngăn những sinh viên đầy quyết tâm và tham vọng đạt được những mục tiêu của họ. Các trường đại học cần chú trọng hơn tới những hoạt động ngoại khóa, thời gian thực tập, công việc tình nguyện và những thước đo thành tích không chuẩn hóa khác. Một sinh viên không phải chỉ là một con số.


Susan Zirinsky – một nhà sản xuất điều hành ở CBS News – từng nói với tôi rằng: “Không phải chỉ là điểm số. Nó là sức mạnh trong tính cách của bạn và độ quyết tâm của bạn”. Nghe những lời đó từ một người đã thành công thật là tuyệt vời. Bà có thể không phải là một học sinh giỏi, nhưng sự tận tụy không mệt mỏi của bà để đạt được những điều vĩ đại và để theo đuổi niềm đam mê của mình đã khiến bà trở thành một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực truyền hình.


Vì thế, tôi tự hỏi liệu mình có làm được những điều vĩ đại trong cuộc đời này hay không? Điểm số có ngăn tôi làm điều đó hay không? Tôi có được nhận vào một trường đại học tốt hay không? Sự quyết tâm và niềm đam mê tạo sự khác biệt của tôi đã đủ chưa?


Tôi biết tôi không phải là người duy nhất hỏi những câu hỏi đó. Có nhiều học sinh khác cũng giống như tôi – những người muốn sử dụng kiến thức của mình để giúp nhân loại hơn là đạt được điểm A hay đạt điểm tối đa 2.400 trong kì thi SAT.


Tôi đang làm việc chăm chỉ để thể hiện bản thân mình hơn là đạt được một điểm số. Và tôi hi vọng những học sinh khác – những người đang ở vị trí như tôi – cũng đang làm việc chăm chỉ.


Tôi hi vọng rằng, cuối cùng thì tất cả chúng tôi cũng tìm ra chỗ của mình trong thế giới này.



  • Nguyễn Thảo (Theo Huffingtonpost)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét