Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

ĐÂU RỒI HÌNH BÓNG CÔNG NHÂN TRONG VĂN ĐÀN HÔM NAY?

Ngày Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết ĐÂU RỒI HÌNH BÓNG CÔNG NHÂN TRONG VĂN ĐÀN HÔM NAY?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Thế văn đàn hôm nay có hình bóng nông dân và trí thức không ? 
Hình như họ cũng biến mất.



NGUYỄN TRỌNG TẠO

Tôi còn nhớ sau 1954 miền Bắc hòa bình, bước vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước, thì lực lượng công nhân phát triển mạnh. Văn học về đề tài công nhân cũng bắt đầu được các nhà văn chú ý khai thác. Nhiều tác phẩm viết về đề tài này cuốn hút độc giả bởi những nhân vật cách mạng điển hình cho giai cấp công nhân trong thời Pháp thuộc lẫn những nhân vật “con người mới” trong thời bình. Đó là các tiểu thuyết Vùng mỏ (Võ Huy Tâm), Mở hầm (Nguyễn Dậu), Những ngày thường đã cháy lên (Xuân Cang), Xi măng  (Huy Phương), v.v… Nhiều nhà văn chuyên nghiệp đã “đi thực tế” tại các khu công nghiệp để sáng tác như Xuân Cang, Lê Minh, Huy Phương… Rồi cả một đội ngũ nhà văn xuất thân từ công nhân viết về công nhân cũng xuất hiện với hoàng loạt tác phẩm đủ các thể loại truyện ngắn, bút ký, ký sự, tiểu thuyết, thơ, trường ca… như Võ Khắc Nghiêm, Tô Ngọc Hiến, Lý Biên Cương, Nguyễn Đức Thiện, Sĩ Hồng, Tùng Điển, Tạ Vũ, Thanh Tùng, Phạm Ngà, Trần Tự, Chu Hồng Hải, Trịnh Thanh Sơn, Ngô Xuân Hội… Và giải thưởng Văn học công nhân cứ 5 năm một lần được trao cho những tác phẩm xuất sắc.

Sau ngày đất nước thống nhất, văn học ta tập trung vào đề tài hậu chiến, nên các đề tài khác trong đó có văn học công nhân có vẻ như mờ dần, tụt hậu. Phải đợi đến sau “đổi mới” với chủ trương “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đất nước, đề tài này mới quay lại ở một cấp độ khác, đi sâu hơn vào thân phận người công nhân trong thời xuất hiện những “ông chủ” mới. Có người cho rằng, đây là một thực trạng đáng phấn khởi, tuy là văn học đề tài, nhưng các tác phẩm không còn khuôn trong không gian một vùng công nghiệp, một xí nghiệp cụ thể như mấy mươi năm trước. Nó mở rộng ra như một sự phát triển hợp lý là người lao động có trường hoạt động rộng lớn hơn; có cuộc sống, tranh đấu và yêu thương xây dựng hạnh phúc theo chiều hướng phức tạp hơn của một xã hội bước từ bao cấp sang kinh tế thị trường. Nhiều tác phẩm Vàng xưa (Nguyễn Văn Thọ), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Đất luôn giấu mặt (Ngô Xuân Hội), Canh năm (Lê Thành Chơn), Một chiều giông gió (Ma Văn Kháng), Xóm Chiều, Kẻ đi ở  (Đào Quang Thép), Biển toàn là nước (Nguyễn Hiếu),Đường đời (Hoàng Dự), Muối đắng (Nguyễn Xuân Hưng) … đã ra đời và được công chúng đón nhận rộng rãi. Văn học thời kỳ này cũng đã kết hợp được với truyền hình tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ. Đây là thời kỳ mà các nhân vật luôn đương đầu chiến đấu với sự tha hoá của một lớp người cơ hội, lợi dụng chức quyền tạo ra những bức xúc, những bất công mới để bảo vệ truyền thống cách mạng và kháng chiến; hoặc viết về một kiểu nhân vật thời đại, có tri thức, có chí khí lập nghiệp, vượt qua mọi gian nan khó nhọc, vượt qua cả sự lừa đảo gian xảo của xã hội thời thị trường để khẳng định thành công. Một số tác phẩm đã được trao giải thưởng của hội Nhà Văn Việt Nam, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều cuộc thi chuyên ngành khác.
Nhưng mấy năm gần đây, bạn đọc lại thấy thiếu vắng những tác phẩm hay về đề tài này. Có tờ báo đã rung chuông báo động với sự lo lắng thực sự: “Đốt đuốc đi tìm văn học công nhân”, “Nhà văn và công nhân khoảng cách ngày càng xa”,v.v… Nhà văn Nguyễn Đức Thiện trong một bài tham luận tại hội thảo gần đây đã bức xúc phát biểu: “Bất cứ ai quan tâm đến văn học hôm nay thì sẽ thấy tác phẩm về đề tài công nhânchẳng có bao nhiêu”. Bởi vì công nhân ngày nay được khép kín trong các nhà máy, xí nghiệp của các ông chủ, kể cả những ông chủ người nước ngoài. “Giới chủ bây giờ, đặc biệt là những ông chủ, bà chủ người nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam đã tự bọc mình một cái vỏ để tách mình ra khỏi những cơ quan thông tin đại chúng, thế thì, những người muốn tìm hiểu, muốn sống chung, sống cùng với họ, vui với niềm vui của họ, buồn với nỗi buồn của họ, xả thân cùng đấu tranh với họ và những người thợ của họ là điều không tưởng. Và tất nhiên muốn viết thật sâu, thật kỹ về cuộc sống người công nhân nơi họ là chủ chắc cũng không thể – nhà văn Nguyễn Đức Thiện khẳng định – Các nhà văn hôm nay không thực sự sống với công nhân nên không thể nhìn ra những số phận cay đắng và lớn lao của họ”.
Như ta đã biết, đời sống công nhân lâu nay vẫn là miếng đất màu mỡ cho văn học khai thác. Nhưng hình ảnh người công nhân ngày nay cũng đã thay đổi, khác với thời kỳ ban đầu xây dựng CNXH. Thời đó công nhân làm chủ, còn thời nay, công nhân là cả một lực lượng làm thuê vô cùng đông đảo. Họ là những người bỏ quê ra thành thị kiếm sống, rồi tình nguyện làm thuê cho các ông chủ. Có người suốt đời nghèo khó, nhưng cũng có người có tài năng và có chí tiến thủ đã đổi đời từ công việc làm thuê rồi trở thành ông chủ.
Nếu như trước đây có nhiều nhà văn xuất thân từ công nhân, thì ngày nay thật hiếm hoi. Niềm đam mê văn chương trong các nhà máy, công trường, xí nghiệp ngày càng vơi cạn bởi áp lực sinh kế đè nặng lên số phận mỗi người. Phải sống đã. “No lưng ấm cật rồi mới dậm dật chân tay”. Với mức lương làm thuê rẻ rúng như hiện nay, người công nhân khó nuôi nổi mình nên phải bươn chải ngày đêm kiếm thêm đồng tiền cho gia đình. Sách báo, văn chương hầu như càng ngày càng xa lạ với họ. Vì thế, tâm hồn ngày càng bị bào mòn, chai cứng. Đâu còn những giấc mộng văn chương như những nhà văn thuở trước! Đó là một thực tế khắc nghiệt, cản trở sự phát triển năng khiếu văn chương trong công nhân, một lực lượng đầy ắp thực tế cuộc sống. Và thơ là một loại hình văn học phát triển mạnh mẽ nhất nhưng cũng càng ngày càng trống vắng hình ảnh người công nhân với ước mơ đổi đời. Thật khó tìm ra trong thi đàn gần đây những câu thơ trĩu nặng tình người thơ như thuở nào chưa xa:
Bắt tay anh thợ xây
Thấy chiều dày cuộc sống
Thấy chiều cao, chiều rộng
Những thiết kế công trình…
Thật đáng tiếc là với văn học, hình ảnh người công nhân lại ngày càng trở nên xa lạ, thậm chí gần như vắng bóng.
Lãnh đạo hội Nhà Văn hay lãnh đạo Tổng Liên đòan Lao động đều biết rõ điều đó. Trong những cuộc họp song phương, những văn bản ký kết gần đây giữa hai cơ quan này đều thể hiện một sự quyết tâm đưa hình tượng người công nhân thời đại mới trở lại văn đàn. Cuộc trao giải thưởng văn học công nhân gần đây và cuộc thi văn học công nhân 5 năm (2008-2013) đã được phát động là một thể hiện cho quyết tâm mạnh mẽ đó.
Nhưng thành quả của văn chương luôn bắt nguồn từ cuộc sống, tài năng và đam mê. Và tiền nữa. Các tổ chức cần hỗ trợ cho nhà văn để thâm nhập sâu vào đời sống công nhân nhiều hơn nữa. Cần tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác văn học cho công nhân để phát hiện tác phẩm và tài năng để bồi dưỡng nhân tài. Cần tạo cho công nhân có một đời sống văn hóa mới hòa nhập với xã hội rộng lớn… Rât nhiều thứ cần cho một mục đích lớn là có nhiều tác phẩm hay về đề tài công nhân hôm nay và ngày mai.
Và lúc đó, vị trí người công nhân sẽ thực sự xứng đáng trong văn học của chúng ta.
Đà Lạt, 24,4,2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét