Ngày Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Học sinh Suối Giàng gian nan xuống núi tìm con chữ
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
(GDVN) - Để biết mặt con chữ, con số Vàng A Dê (học sinh lớp 8, THCS Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái) hàng tuần vẫn cõng thêm 3 cân gạo vượt 8 cây số đường bộ đến trường.
Chúng tôi có dịp đến với xã Suối Giàng, là một xã vùng cao, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái – nơi khởi nguồn “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Phải mất gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vượt được 12 cây số đường dốc thẳng đứng, ngoằn nghèo từ dưới chân núi đến trung tâm xã Suối Giàng. Nằm chênh vênh trên đỉnh, Suối Giàng lặng lẽ, tiêu điều, im ắng và xót xa hơn khi biết rằng đường đến trường của học sinh nơi đây còn quá nhiều gian nan, chênh vênh.
Cheo leo con đường tìm chữ
Mới sáng sớm, tôi đã thấy Vàng A Dê, người dân tộc Mông bẽn lẽn đứng tựa vào hàng rào thép ở khu nội trú dân nuôi trường THCS Suối Giàng. Dê lén nhìn chúng tôi bằng ánh mắt ngại ngùng, mặt cúi cúi thẹn thùng. Cậu thỏ thẻ: “Em ở thôn Tầm Lăng xa lắm, đi bộ mất một tiếng rưỡi. Em ở nội trú, trưa thứ 7 về, chủ nhật lại lên”.
Gặng hỏi về bữa ăn hàng ngày, A Dê chỉ vào vườn rau nhỏ trước mặt. Vườn rau được phân chia theo từng thôn nào là Suối Lóp, Tầm Lăng…Và học sinh của các lớp tự cuốc đất, trồng rau, chăm bón để… không phải mua rau cho bữa ăn hàng ngày. Vàng A Dê kể rằng mỗi lần về bố mẹ cho 3 cân gạo để mang đi, có những lần mẹ thiếu gạo, chưa chuẩn bị gạo mang đi nên Dê phải chờ mấy ngày có gạo thì mới dám đi học.
Vàng A Dê (HS lớp 8 trường THCS Suối Giàng) mỗi tuần đều cõng 2 cân gạo để xuống núi tìm chữ (ảnh Kim Ngân). |
Được biết, xã Suối Giàng gồm 8 thôn bản, xa nhất là thôn Tầm Lăng I, Tầm Lăng II và Suối Lóp, cách trung tâm xã 8 cây số, mất 4 tiếng đồng hồ đi bộ. Vì đường dốc, đá lởm chởm và rất nguy hiểm nên người dân chủ yếu vẫn đi bộ.
“Lạnh lắm em ạ! 7 – 8 độ là chuyện bình thường, mưa dầm suốt, trời âm u. Đường ở đây chỉ có đi bộ thôi, toàn đường đất, đèo, đồi dốc, khe suối. Có những hôm trời mưa, đường sói mòn còn chẳng đi bộ được ấy”, ông Trần Thanh Sơn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Suối Giàng chia sẻ.
Ngôi trường mầm non và tiểu học Suối Giàng xập xệ, chênh vênh, thiếu nhiều điều kiện học tập là nơi các em xã Suối Giàng xuống núi tìm chữ (ảnh Kim Ngân). |
Ông Sơn đã gắn bó với học sinh vùng này được 20 năm. Ông Sơn tâm sự: "Bây giờ nhờ những chính sách mới nên lũ trẻ đi học đều đặn, chứ hồi năm 2010 đổ lại trước, các thầy cô giáo sáng vẫn lên lớp, chiều lại trèo đèo, lội suối đến tận nhà các em để vận động học sinh đến lớp".
Được biết, hiện nay số học sinh nội trú có 93 HS tiểu học, 78 HS THCS và được nhà nước hỗ trợ 332 nghìn đồng/ tháng/ em (40% lương cơ bản). Hiệu trưởng trường THCS Suối Giàng, Nguyễn Văn Kiểm cho biết từ khi áp dụng mô hình bán trú dân nuôi giúp giảm đáng kể tỷ lệ học sinh nghỉ học giữa chừng. Ban đầu, các em ở nhà dân xung quanh, nhưng từ năm 2000 đến nay người dân dựng tạm nhà nội trú tạo điều kiện cho các em đi học đầy đủ nhiều hơn.
Mặc dù mới là sáng chủ nhật, nhưng đã thấy vài người đưa ồn ào dựng xe máy trước sân nội trú của trường mầm non. Anh Sùng A Tu vội vàng, chở lỉnh kỉnh nào là củi, là gạo, là rau xuống để cho con ăn đủ trong vòng một tuần ở nội trú. Có vài học sinh cõng trên lưng vài cân gạo, tay xách ít cơm nắm để ăn dọc đường.
“Trẻ học cấp 1 thì mang 2,5 kg/tuần; lớn thì 3 kg/tuần. Bố mẹ mang thêm củi, nhà nào có rau thì mang đến trường không thì các em tự trồng rau để ăn”, A Tu giải thích.
Gạo chỉ đủ ăn trong 6 tháng
Sùng A Tu đưa dần tôi vào những câu chuyện về đời sống kinh tế của người dân tộc Mông ở xã Suối Giàng. A Tu là người dân tộc Mông, nhà ở thôn Tầm Lang I, cách trung tâm xã 8 cây số. “Đường đi khó lắm, ngày nắng xe máy còn đi được, chứ ngày mưa thì không được. Đa số đi bộ, thiểu số đi xe. Ở thôn nghèo lắm, không có gì làm ra tiền đâu”, A Tu trả lời. Hầu hết các em ở nội trú đều phải đi bộ, bố mẹ có xe máy mới đưa đến trường được. A Tu lý giải rằng vì nhiều nhà không có tiền, không có xe, bố mẹ vội đi lên nương nên học sinh phải đi bộ. Có em 8h sáng đi, lang thang dọc đường đến 4h chiều mới đến được trường, thậm chí có em không dám đi học vì nhà chưa có gạo để mang đi.
Sùng A Tu đưa dần tôi vào những câu chuyện về đời sống kinh tế của người dân tộc Mông ở xã Suối Giàng. A Tu là người dân tộc Mông, nhà ở thôn Tầm Lang I, cách trung tâm xã 8 cây số. “Đường đi khó lắm, ngày nắng xe máy còn đi được, chứ ngày mưa thì không được. Đa số đi bộ, thiểu số đi xe. Ở thôn nghèo lắm, không có gì làm ra tiền đâu”, A Tu trả lời. Hầu hết các em ở nội trú đều phải đi bộ, bố mẹ có xe máy mới đưa đến trường được. A Tu lý giải rằng vì nhiều nhà không có tiền, không có xe, bố mẹ vội đi lên nương nên học sinh phải đi bộ. Có em 8h sáng đi, lang thang dọc đường đến 4h chiều mới đến được trường, thậm chí có em không dám đi học vì nhà chưa có gạo để mang đi.
Sùng A Tu (người dân tộc Mông) đèo con đến học mẫu giáo tại trung tâm xã. |
Trẻ học cấp 1 thì mang 2,5 kg/tuần; lớn thì 3 kg/tuần. Bố mẹ mang thêm củi, nhà nào có rau thì mang đến trường không thì các em tự trồng rau để ăn (ảnh Kim Ngân). |
Bí thư xã Suối Giàng, Giàng A Đẳng cho biết: “Suối Giàng là một trong những xã vùng cao khó khăn của huyện Văn Chấn. Thu nhập người dân chủ yếu dựa vào trồng ngô, sắn, lúa… nhưng năng suất không cao. Có năm ảnh hưởng môi trường, mất mùa, thổi gió, không chắc hạt, gạo chỉ đủ ăn trong 6 tháng”.
Sùng A Tu cho biết rằng ở trên này gạo đắt lắm 12.500 đồng/ 1 kg. Còn sắn khô được 20 nghìn đồng/ yến nhưng phải là sắn đẹp, còn không chỉ được 10 nghìn đồng/ yến.
Không đủ ăn nếu chỉ trông cậy vào cây ngô trên nương, người dân Suối Giàng kiếm đồng ra đồng vào bằng việc đi làm thuê dọn nương, cạo vỏ quế ở trên nương trong làng với 40 – 50 nghìn đồng/ 1 công (làm cả ngày – PV).
Hỏi thu nhập một ngày kiếm được bao nhiêu, A Tu nói: “Chẳng có đâu, vì dân có làm gì ra tiền đâu. Người nào khỏe thì làm thuê trên nương mới có tiền, còn thì ở nhà làm nương thôi. Chăn nuôi chẳng được mấy vì hay có dịch, gà vịt, lợn chết nhiều lắm”.
Trước khi vội vàng nổ máy rời đi cho kịp đi dọn nương thuê, Sùng A Tu nói: “Ngày xưa tao chỉ học hết lớp 5, giờ phải cho con học hơn thế chứ, cho nó đến trường”.
Nghe Sùng A Tu nói vậy, lòng tôi thắt lại, chẳng biết đến bao giờ thì người dân ở Suối Giàng mới có đủ gạo để ăn cả năm. Những ông bố, bà mẹ hàng ngày vẫn cố cày thuê, cuốc mướn, họ làm tất cả những gì có thể để các con được tới trường. Dù vậy, chẳng ai dám chắc có thể cho con học đến khi nào, cũng chỉ bởi... không có đủ gạo ăn. Những đứa trẻ vẫn đi học, nhưng được ngày nào biết ngày ấy, chúng chẳng có khái niệm gì về chuyện lên lớp, về tương lai...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét