Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

MÙA GIÁP HẠT

Ngày Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết MÙA GIÁP HẠT
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


MÙA GIÁP HẠT

Thùy Linh
Chút ruộng dưới đá ở Hà Giang
Lại đến mùa giáp hạt... Hàng năm đến hẹn cứ sau tết người nông dân lại thấp thỏm lo đối diện với mùa giáp hạt.
Đó là lúc mùa cũ qua, mùa mới đến. Dân thành phố bảo là giao mùa. Còn ở quê bảo “tháng 3 ngày 8”. Khi ấy lúa vừa đẻ nhánh, “trong vườn cải đã thành dưa” (thơ Nguyễn Quang Thiều), hoa vàng rực hắt lên trời một màu nôn nao. Mùa đông đã tàn mà mùa nóng chưa tới. Lộc cây vừa nhú nụ biếc. Người nông dân nghỉ ngơi việc đồng hay ra thành phố kiếm vội nghề làm thêm để có tiền cho con ăn học. Cái từ “bán lúa non” thành câu cửa miệng phôi thai trong bối cảnh này khi nhà nông phải bán lúa còn đang ngoài đồng cho lái thương để kiếm tiền trang trải việc nhà vì không đợi được đến mùa gặt. 
Hôm kia mình đọc được một tin khốn khổ về số phận của “những người khốn khổ” của thế kỷ 21 trên báo mạng Dân trí. Một gia đình người H’Mông chết cả bốn mẹ con chỉ vì ăn phải bột ngô mốc: “Ngày 24/4 gia đình anh Hạng Chìa Sai, thôn Kẹp B, xã Minh Sơn (Hà Giang) làm bánh bột ngô để ăn. Tuy nhiên bột ngô xay cách đây gần một tháng nên đã bị mốc. Sau khi ăn xong, các nạn nhân gồm vợ anh là chị Giàng Thị Ly, 28 tuổi; các cháu Hạng Mí Dình, 6 tuổi; Hạng Mí Lử, 4 tuổi; Hạng Thị Vừ, 18 tháng tuổi đều bị ngộ độc với các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn kèm theo cả máu. Đến 8 giờ sáng 25/4, cháu Dình và Lử tử vong. Khi đó, chị Giàng Thị Ly và cháu Hạng Mí Vừ được mọi người trong thôn đưa đi cấp cứu tại Trạm y tế xã, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Mê. Đến 5 giờ sáng 26/4, cháu Hạng Thị Vừ cũng tử vong. Một ngày sau, chị Ly cũng không qua khỏi…”. 
Hàng rào đá bảo vệ vài bậc thang ruộng bên trong
Ai lên Hà Giang không thể không ấn tượng những nương ngô cheo leo trên các sườn núi đá. Đồng bào lấy đất từ nơi nào chả biết về đổ vào các hốc đá để trồng ngô. Có hốc đá chỉ có một hoặc vài ba cây ngô đứng lẻ loi giữa cái nắng đổ lửa. Có người còn dùng nan tre rào hốc đá để bảo vệ chỉ vài cây ngô. Thương lắm. Thương cả cây ngô lẫn người trồng ngô. Hà Giang đất ít, cằn cỗi, chủ yếu là núi đá nên đất hiếm quí như vàng. Ít nước, đất cằn nên chỉ trồng được ngô. Có lẽ vì thế mà bà con H’Mông quen ăn ngô chăng? Món ăn chủ yếu của bà con là mèn mén làm từ bột ngô. Họ vắt chút đất ít ỏi để làm ra hạt ngô nuôi sống người. Mèn mén chan canh cải nuốt cho xuôi cuống họng đỡ bị nghẹn. Có lần mình hỏi một người H’Mông gặp bên đường là tết vừa rồi có gói bánh chưng không? Cô giáo đi cùng bảo là người Mông không thích ăn bánh chưng nên không gói đâu. Người ấy nghe cô giáo nói vậy nên gật đầu bảo, người Mông không ăn bánh chưng nên không gói. Mình lại hỏi: Nếu cho gạo để gói thì bà con có gói không? Người ấy gật đầu. Mình hỏi tiếp: nếu cho bà con bánh chưng thì có ăn không? Người ấy cười rất tươi và gật mấy cái liền. Lại còn kể năm vừa rồi có được ăn bánh chưng. Mình hỏi: ăn bánh chưng có ngon không? Người ấy cười tít gật đầu lia lịa, khen ngon,ngon, ngon…Mình nói với cô giáo đi cùng: Em thấy chưa? Bà con thích ăn cơm gạo đấy chứ. Chỉ vì không có mà ăn thôi…
Đá chen ruộng
Rồi nữa. Đến các điểm trường của học sinh miền núi thì biết. Học sinh đi học xách theo cặp lồng có mang cơm, chút rau và muối. Chỉ có điều gạo nấu cơm mà tụi nhỏ thường ăn rất dở. Có đứa còn không có cả cơm để mang đi. Nhớ có lần đến Dền Thàng thấy đám con gái hơn 10 tuổi chơi lò cò. Hỏi sao không ăn cơm trưa mà chơi thế này? Đám trẻ chỉ cười không trả lời. Cô giáo mầm non trả lời hộ: chắc quên mang cơm nên chơi thay ăn. Nhân tiện mang bánh mì cho đám lít nhít mầm non nên bớt ra đưa cho mỗi bé một cái, chúng ngồi thụp xuống ăn ngấu nghiến. Đói…Còn đám trẻ có cơm mang theo thì sao? Nhiều lần mình kiểm tra cặp lồng cơm của học sinh thì chưa thấy bé nào mang mèn mén. Tụi nhỏ vẫn thích ăn cơm vì dễ ăn hơn kể cả khi không có thức ăn. Ăn ngô chỉ là thói quen của người dân ở vùng núi đá thiếu đất lâu ngày chăng? Vậy mà ngô còn chưa đủ ăn, nhất là khi đến mùa giáp hạt…Nên mới có cảnh bà con H’Mông hay bị ngộ độc vì bột ngô bị ẩm mốc. 
Hoa cải mùa giáp hạt
Sau tết là mùa nồm, độ ẩm có khi lên đến 100%, người còn mốc thếch ra nữa là ngô…Năm nào nhiều tỉnh trên cả nước mà chả kêu nhận gạo cứu đói. Theo tin tức các báo đăng thì năm nay sẽ dành 9.879 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương để cứu đói nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2012, cụ thể:
-Tỉnh Lai Châu: 2.034 tấn gạo.
-Tỉnh Kon Tum: 390 tấn gạo.
-Tỉnh Bình Định: 2.000 tấn gạo.
-Tỉnh Thanh Hóa: 1.060 tấn gạo.
-Tỉnh Quảng Nam: 2.000 tấn gạo.
-Tỉnh Phú Yên: 395 tấn gạo.
-Tỉnh Đắk Lắk: 2.000 tấn”.
Trước đó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo hỗ trợ 12.550 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 5 địa phương gồm Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Ngãi, Lào Cai và Hà Tĩnh để cứu đói nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán tới và giáp hạt năm 2012.
Lại nữa…Ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 442/QĐ-TTg về việc hỗ trợ 905.610 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Yên Bái để cứu đói cho nhân dân trong dịp giáp hạt năm 2012.
Cơm độn ngô của trò nghèo Lao Chải (Yên Bái)
Liệu danh sách cần hỗ trợ cứu đói vào mùa giáp hạt đã dừng lại vào năm 2012 chưa?
Còn gạo xuất khẩu, gạo tham gia vào quĩ dự trữ của khu vực và thế giới…Cơ man những việc cần đến đất nông nghiệp. Nhưng đất nông nghiệp thì như miếng da lừa của Ban-dắc đang ngày càng thu hẹp lại. Vậy thì cái đói sẽ trầm trọng hơn? Vậy nên gạo xuất khẩu sẽ ít hơn? Vậy nên kim ngạch xuất khẩu sẽ hao hụt hơn? Vậy nên…  
Năm nay mùa giáp hạt đến đúng lúc tiếng súng vang trên cánh đồng Văn Giang, sát nách với Hà Nội. Ngay bên triền đê sông Cái nặng phù sa. Nơi đây đất bờ xôi ruộng mật, tốt cho trồng trọt. Cớ gì cứ phải nhè những chỗ như thế để kí quyết định thu hồi làm dự án nhân danh sự phát triển? Rồi lấy cớ dự án này đã được thủ tướng kí duyệt để nói rằng nhân dân chống đối nhà nước, vi phạm pháp luật? Thủ tướng cao hơn hay đời sống, sinh mạng người dân cao hơn? Thủ tướng khi kí qui hoạch đất đai liên quân đến đời sống của hơn 4000 hộ dân mà không hề thăm dò, tìm hiểu ý muốn của nhân dân xem họ nghĩ gì, cuộc sống của họ và gia đình họ sau qui hoạch sẽ ra sao? Chắc chắn một thủ tướng giỏi và có tâm của người chưa đủ làm việc thiện nhưng không đủ gan làm việc ác sẽ rụt tay lại khi kí những quyết định như vậy. Chỉ tại vùng đất ấy quá tiện lợi về giao thông cả thuỷ lẫn bộ, gần thủ đô mà nên oan trái. Đất nông nghiệp thành đất xây dựng nhà ở, vui chơi, giải trí. Người ta quảng cáo là sẽ thành khu sinh thái, mang lại cho con người chỗ ở lý tưởng, tốt cho sức khoẻ. Có thể đúng với ai có tiền vì giá cả quá đắt đỏ so với đồng lương luôn chạy theo lạm phát đến hụt hơi…Nhưng có điều này khá chắc chắn. Khu sinh thái này mang lợi ích cho thiểu số rất nhỏ. Nhưng nó sa mạc hoá lòng người, niềm tin và đốt cháy sự căm hận với chính quyền, quan chức, các doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm mục đích duy nhất. 
Hãy nhớ chưa bao giờ nước ta xoá được mùa giáp hạt cho dù đã xây dựng CNXH 58 năm có lẻ.
Hãy nhớ giờ vẫn còn nhiều người dân chết tức tưởi vì miếng ăn nhỏ bé kém chất lượng bởi nghèo.
Hãy nhớ miếng da lừa đất đai càng thu nhỏ lại thì sinh mạng của đất nước, dân tộc, nhân dân và cả chế độ cũng tỷ lệ thuận theo. Các quan hãy nghĩ và biết lo về mùa giáp hạt của chính thể đã tới gần nếu cứ tiếp tục hành xử với dân như thế này…

7 nhận xét:

Hao Hung nói...
"Ke an khong het, nguoi lan khong ra"
Bao gio dong bao het kho cac dong chi oi?
V007 nói...
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên "Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh, các lực lượng thực hiện hỗ trợ thi công và cưỡng chế của huyện Văn Giang, sự hỗ trợ của Bộ Công an và Công an tỉnh, đã thực hiện tốt phương án đề ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản của nhân dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ thi công, cưỡng chế." Như vậy, vụ Văn Giang là làm theo lệnh CP đấy nhá.
Nặc danh nói...
Thùy Linh ơi! 5.000 tấn gạo thì cứu đói được bao nhiêu con trẻ vùng cao, vùng sâu, vùng xa nhỉ?
thùy linh nói...
@Hào Hùng - Bao giờ người dân hết khổ? Bao giờ người có lương tri hết khổ tâm? Chả biết nữa bạn ơi...
@V007 - Chuyện này thì đã rõ. Nhìn cách thủ tướng hành xử ở Tiên Lãng thì còn hiểu ra nhiều điều hơn em à...
@Nặc danh - Nếu lâdy bình quân một trẻ em ăn hết 10kg gạo / 1 tháng thì 5000 tấn thì có lẽ 500.000 đứa trẻ được cứu đói ạ. Làm sao có 5000 tấn gạo để đưa lên Hà Giang nhỉ? Ôi, nghĩ đến con số đó là run hết cả người... Mùa này bà con dân tộc đói lắm...
Thân mến.
KTS Lê Hoàng nói...
Đau thật. Đọc bài của chị Thuỳ Linh tôi lại thấy đau cho số phận dân mình. Đến miếng ăn hẩm hiu nhất ( bột ngô mốc ) người dân miền núi cũng không phải có sẵn mà ăn, đến nỗi mấy mẹ con chết thảm. Nguyên do thì nhiều nhưng một trong những nguyên do là không có đất mà trồng trọt.
Trong khi đó, tại Hưng yên nơi có đất đai bờ xôi ruộng mật làm ra hạt lúa nuôi sống bao người thì người ta cướp đoạt một cách trắng trợn. Cũng đẩy người dân vào đường cùng.
Hai địa phương, hai hoàn cảnh thổ nhưỡng khác nhau. Nơi toàn núi đá cũng khổ, nơi bờ xôi ruộng mật cũng khổ.
Sống ở đâu để hết khổ đây???
mamchauson nói...
Cảm ơn những bài viết của chị !
Thấm thía - Thấm đẫm nhân văn.
Nặc danh nói...
Cám ơn nhà văn Thùy Linh! Đọc bài viết mà buồn thương da diết cho số phận người nông dân. Vất vả quanh năm mà vẫn đói, vẫn rét! Lại còn chết vì ăn ngô mốc. Không ăn biết lấy gì cho vào bụng?
Thế đấy bờ xôi ruộng mật thì họ cướp mất để làm giàu. Đất "chó ăn đá gà ăn sỏi" thì còn trồng lúa làm sao, đời sao mà quá bất công bởi còn nhiều kẻ bất lương, độc ác!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét