Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Benjamin Franklin nghĩ gì về thuế

Ngày Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Benjamin Franklin nghĩ gì về thuế
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Benjamin Franklin nghĩ gì về thuế

Tháng Chín 25, 2011
Một nhân vật tiêu biểu cho tinh thần dân Mỹ thời lập quốc là Benjamin Franklin. Ông nổi tiếng trên thế giới vì góp công vào những phát minh như đèn điện, cột thu lôi, kiểu lò sưởi đốt củi mới, vân vân.
Ngô Nhân Dụng
Benjamin Franklin
 Nhưng Ben Franklin còn đưa ra và thực hiện những sáng kiến giúp cho xã hội chung quanh, khi ông lập ra rất nhiều hội tư để mở thư viện, trường học, xây hội trường cho mọi người sử dụng, lập đội cứu hỏa, vân vân. Ông đã vận động công chúng đóng góp tiền để làm đèn đường, thuê người quét đường, lát gạch đường đi, đào rãnh thoát nước, những việc công ích mà chính quyền thuộc địa của vua nước Anh lúc đó chưa làm. Ben Franklin nhận thấy các con đường quanh chợ mặc dầu rộng và thẳng, nhưng mùa khô thì bụi đầy, mùa mưa thì ngập lụt, xe ngựa đi qua biến thành một bãi bùn lầy. Ông viết trên báo thuyết phục mọi người, chỉ một quãng đường được trải đá. Ông lại viết trên báo của ông và và in thành tờ rời đi phát từng nhà, đề nghị mọi người đóng góp để thuê một người đi quét dọn bùn đất và bụi bậm hai lần một tuần, tiền công nửa đồng (sixpence) mỗi tháng. Các gia chủ hai bên đường phải đóng tiền trả công người quét. Dần dần cả thành phố ai cũng đồng ý với những khoản đóng góp tự nguyện đó, sau được định chế hóa, gọi là đóng thuế.
Thuế, do dân tình nguyện đóng góp để dùng cho những việc lợi ích chung, chứ không phải vì người cầm quyền ra lệnh phải đóng; đó là một khái niệm “mới mẻ” vào đầu thế kỷ 18. Benjamin Franklin cũng là một người đầu tiên nêu ý kiến người giầu phải đóng thuế nhiều hơn người nghèo Lý do, vì họ được hưởng lợi ích nhiều hơn do các định chế xã hội mang lại. Khoảng năm 1737 khi Franklin 31 tuổi, thành phố Philadelphia có lệ mọi người phải thay phiên nhau gác đêm canh phòng trộm cắp, cùng với ông cảnh sát (constable). Nhiều người dân không muốn gác đêm thì nộp 6 shillings cho ông constable một năm; trên nguyên tắc để ông ta thuê người khác gác thay; còn dư ông bỏ túi, và nhậu nhẹt. Số tiền 6 shillings đó cũng trở thành một thứ thuế. Benjamin Franklin đã viết một bài nêu ý kiến rằng việc bắt mỗi gia chủ phải đóng 6 shillings như nhau là không công bằng. “Một bà góa nghèo, mà tài sản của bà được lính gác bảo vệ không quá 50 pounds, bà cũng phải đóng thuế bằng một thương gia giầu có, với hàng hóa trong tiệm trị giá hàng ngàn pounds!” Ðáng lẽ người giầu phải đóng nhiều hơn! Khi nêu lên ý kiến rằng người giầu được hưởng lợi nhiều hơn người nghèo nhờ định chế canh gác cho nên phải đóng góp nhiều hơn, Ben Franklin đã đưa ra một khái niệm mới về công bằng xã hội. Mà lúc đó, chính ông cũng thuộc loại người giầu trong thành phố.

Ben Franklin đã trình bày ý kiến táo bạo của mình với một “Câu Lạc Bộ Cùng Tự Cải Thiện” (club of mutual improvement) đặt tên là JUNTO mà ông cùng mấy người bạn hiếu học lập ra; mọi người đồng ý thuế phải thay đổi. Họ chuyền bản ý kiến đó đưa cho các câu lạc bộ (club) khác trong thành phố, cũng được nhiều người đồng ý, và mở cuộc vận động. Phải mấy năm sau, chính quyền mới đổi suất thuế theo quan niệm mới để người giầu đóng góp nhiều hơn người nghèo. Ðây là một khái niệm mới về công bằng xã hội, mà Ben Franklin là một người đầu tiên cổ võ. Gần đây, mười sáu người giầu nhất nước Pháp, tháng 8 năm 2011, mới công bố một bức thư tình nguyện đóng thêm thuế “phụ trội” để giúp ngân sách chính phủ đỡ thiếu hụt. Họ cũng nêu ra ý kiến như giống Ben Franklin đã viết từ gần 2 thế kỷ trước: “Chúng tôi ý thức rằng mình đã được hưởng lợi rất nhiều (pleinement bénéficé trong nguyên văn) nhờ mô hình và khung cảnh (kinh tế) Pháp và Âu Châu… và chúng tôi muốn đóng góp để bảo vệ (mô hình đó).”

 

Benjamin Franklin xuất thân rất nghèo, cha là dân lao động, bỏ nước Anh sang Mỹ tìm tự do tín ngưỡng từ năm 1682. Ông sinh 17 đứa con, Ben sinh năm 1706, sau còn thêm 2 em gái. Năm lên 8 tuổi Ben mới được đi học, lên 10 phải bỏ học để giúp cha trong nghề làm nến, rồi đi tập nghề thợ in. Năm 17 tuổi bỏ nhà đi tự lập, từ Boston xuống tới Philadelphia (đi bộ và đi tầu thủy, mất hơn 10 ngày). Nhưng khi ngoài 30 tuổi, ông đã khá giả, làm chủ một nhà in, một tờ báo, là một người giầu có địa vị trong thành phố.
Khi tham gia Nghị Viện của “tỉnh” Pennsylvania (thời đó chưa gọi là bang), Ben Franklin lại cùng các nghị viên khác chống một dự luật thuế của vị thống đốc. Vì dự luật này bắt dân chúng đóng thêm thuế giúp cho đoàn quân hoàng gia đang được điều động tới bảo vệ tỉnh, nhưng lại miễn cho các địa chủ, phần lớn họ sống bên Anh, không phải đóng. Nghị Viện, đa số thuộc giáo phái Quaker, đã yêu cầu các địa chủ giầu có phải đóng góp cho công bằng. Vị thống đốc không chịu, Nghị Viện bỏ phiếu bác bỏ dư luật. Cuối cùng, chính các địa chủ đành tự nguyện góp một số tiền lớn để đạo luật được thông qua, nếu không thì ông thống đốc sẽ không có tiền! Cuộc tranh luận về thuế đó kéo dài cả chục năm chưa chấm dứt, cho tới khi Ben Franklin được Nghị Viện cử sang Anh thương thuyết với chính phủ hoàng gia và trực tiếp thảo luận với luật sư đại diện của giới địa chủ. Chúng ta biết rằng dân các thuộc địa Mỹ Châu đã nổi lên chống vua Anh khởi đầu cũng vì thuế. Họ nêu khẩu hiệu: Không có đại biểu góp ý kiến thì không được đánh thuế dân!
Những nhà tỷ phú Pháp khi viết ý kiến tự nguyện đóng thêm thuế đã không nêu tên Ben Franklin làm mẫu mà lại nhắc đến tên các ông Bill Gates và Warren Buffett, cùng các tỷ phú Mỹ khác, những người viết thư ngỏ yêu cầu được đóng góp cho xã hội nhiều hơn bằng cách tăng suất thuế họ phải đóng. Tổng Thống Barack Obama khi đưa ra dự án cắt giảm khiếm hụt ngân sách trong đó có khoản buộc những người giầu nhất nước Mỹ phải trả suất thuế giống như trước khi được cắt giảm năm 2011, ông cũng nêu lên “Quy tắc Buffett” mà quên không nhắc tới “Quy tắc Franklin.” Thật là một sơ sót đối với nhà lập quốc này.
Ông Warren Buffett cũng chỉ theo tinh thần của Ben Franklin khi ông than phiền rằng những người giầu như ông nhiều khi đóng ít thuế hơn những người làm công cho họ; trong đó ông nêu thí dụ người thư ký của ông. Bởi vì người giầu biết cách tránh thuế nhờ sử dụng những “lỗ hổng” trong luật thuế khóa. Tiền lời nhờ đầu tư chỉ phải đóng thuế 15% mà các tỷ phú có thể kiếm bạc triệu nhờ đầu tư; trong khi cô thư ký lãnh lương về có thể phải đóng 20%.
Không phải ai cũng đồng ý với ông Warren Buffett. Nhiều người Mỹ cũng không biết cảnh nghèo khó có thật ở chung quanh mình. Một dân biểu Quốc Hội liên bang, ông Michael Steele khi được phỏng vấn, đã không biết hiện nay lương tối thiểu trả người lao động Mỹ là bao nhiêu; chắc vì ông không quen biết ai đang lãnh lương tối thiểu. Dân Biểu Sean Duffy lãnh lương 174,000 đô la một năm, than là không đủ. Dân Biểu John Fleming than phiền bị đóng thuế nhiều quá. Với lợi tức kinh doanh hơn 6 triệu Mỹ kim một năm, ông nói cần đến 600,000 để lo cho gia đình và đầu tư thêm vào business, “Sau khi lo nuôi gia đình xong, tôi chỉ còn dư chừng 400,000 đô la để đầu tư thêm mà thôi!” Nhiều người Mỹ chỉ mong kiếm được một phần mười số tiền dư chưa xài hết của ông Fleming!
Khi Ben Franklin nêu lên thí dụ về người nghèo và người giầu ở Philadelphia vào giữa thế kỷ 18, thì tỷ lệ chênh lệch về tài sản là người giầu có gấp 20 lần người nghèo. Ở nước Mỹ bây giờ, chênh lệch về tài sản và lợi tức cao hơn nhiều. Một phần trăm những người giầu nhất nước nắm 34% tổng số tài sản; còn 90% những người nghèo nhất giữ trong tay 27%. Những người kiếm nhiều tiền nhất nước, trong 10,000 người có một người, lợi tức bình quân hơn 27 triệu Mỹ kim một năm. Những người trong 1% giầu nhất thì lợi tức cũng lãnh về hơn một triệu Mỹ kim. Có hơn 46 triệu người Mỹ sống dưới “Mức Nghèo Khó;” mức nghèo được ấn định là lợi tức 11,139 đô la một năm, nếu độc thân, và 22,314 đô la cho một gia đình 4 người. Con số 46.2 triệu người nghèo là một kỷ lục, chưa bao giờ đông như vậy kể từ khi có số thống kê.
Một sự kiện có thể làm nhiều người Mỹ buồn, là chỉ số chênh lệch giầu nghèo ở Mỹ đứng hàng tệ nhất thế giới, trong một quốc gia giầu có nhất thế giới. Chỉ số Gini đo lường mức chênh lệch cho thấy nước Mỹ đứng ngang hàng với các nước như Cameroon, Madagascar, Rwanda, Uganda, Ecuador về khoảng cách giữa người giầu với người nghèo. Những nước Ấn Ðộ, Trung Quốc mà còn có chỉ số Gini tốt hơn Mỹ!
Cuộc suy thoái kinh tế, bắt đầu năm 2007, đã làm người Mỹ trung lưu nghèo đi. Lợi tức của dân Mỹ ở mức chính giữa, thường gọi là Trung số, Median, vào năm 2010 là 49,445 đô la đã giảm hơn 2% so với năm trước, vì kinh tế xuống. Tính từ năm 1999 thì lợi tức chính giữa đã giảm mất tới 7%, xuống bằng mức năm 1996, khi ông Bill Clinton còn đang làm tổng thống.
Nhưng dân Mỹ vẫn có tinh thần tương trợ rất cao. Chính nhờ tinh thần Ben Franklin vẫn tồn tại ở nước Mỹ cho nên mới nhiều chương trình xã hội giúp người gặp cơn khốn khó. Nếu không nhờ lãnh các khoản trợ cấp thất nghiệp thì sẽ có thêm 3.2 triệu người nữa rớt xuống tình trạng dưới mức nghèo khó. Nếu nước Mỹ không có chương trình Hưu Bổng Xã Hội (Social Security) thành lập từ thời Tổng Thống Franklin Roosevelt, thì số người già nghèo khó sẽ tăng lên gấp 5 lần!
Thanh niên khắp thế giới đều nên đọc cuốn tự truyện của Ben Franklin để thấy hình ảnh một con người đáng noi gương. Từ nhỏ ông đã tự đặt lấy những kỷ luật đạo đức theo suốt đời. Cậu Ben cần cù làm việc; nhiều sáng kiến, phát minh; rộng lượng và vị tha. Khi trưởng thành luôn luôn nghĩ cách vận động bạn bè lập các tổ chức công dân mới để giúp lẫn nhau; tham gia chính trị góp công soạn thảo bản hiến pháp Mỹ, đồng thời là một nhà ngoại giao giỏi được mọi người tin cậy. Có lúc ông phải đeo quân hàm đại tá để chỉ huy một đạo dân quân, lập thành lũy tự vệ cho tỉnh mình, xây dựng xong thành thì trao quyền lại cho một sĩ quan chuyên nghiệp. Có lúc được đề nghị lên chức tướng, vì ông thống đốc biết Franklin được tiếng tốt sẽ tuyển mộ được nhiều người tình nguyện. Nhưng ông từ chối vì biết có nhiều sĩ quan quen trận mạc hơn mình. Suốt đời ông luôn luôn tìm cơ hội vận động cải thiện xã hội bằng các hội tự nguyện. Có thể nói ông là một người đầu tiên xây dựng xã hội công dân ở các thuộc địa Mỹ, một nền tảng của chế độ tự do dân chủ được triết gia người Pháp de Tocqueville vào thế kỷ sau ca ngợi. Một con người như vậy mà bây giờ trên thế giới người ta chỉ biết đến qua chân dung in trên tờ giấy bạc 100 đô la! Nếu thấy hình ông mà chỉ nghĩ đến tiền, không học được tấm gương cuộc đời của ông thì thật là uổng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét