Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

CÔNG – XĂNG – TÀI DIỄN NGHĨA

Ngày Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết CÔNG – XĂNG – TÀI DIỄN NGHĨA
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


La Trung Nghệ Quán:

CÔNG – XĂNG – TÀI DIỄN NGHĨA


 

Hồi Một:

Tung hỏa mù Công – Xăng kêu lỗ

Giở hóa đơn Thượng thư Huệ nói lời

Lại nói, nước Việt, năm thứ sáu mươi sáu, mùa thu, bỗng dưng lạm phát tăng phi mã, vật giá leo thang, lòng người oán thán. Trong lúc vàng bạc, mỹ kim đua nhau tăng giá, thì chứng khoán liên tục xuống đỏ sàn. Thấy vậy, mấy nhà độc quyền là điện, xăng dầu cũng dâng sớ lên tể tướng cho tăng giá theo. Tình hình nguy cấp quá, tể tướng vội xuống chỉ cho Bộ Công và Bộ Tài cùng nhau hiến kế. Lĩnh ấn tiên phong, tân thượng thư Bộ Tài, họ Vương tên là Đình Huệ, tức tốc mở hội đàm cho mời Bộ Công và các đại gia đến tham vấn. Đoàn của Bộ Công do Phó Thượng thư dẫn đầu, đó là một vị mặt mũi phương phi, trán hói, mặt đỏ như ba quả táo chồng lên nhau. Hỏi ra mới biết, họ Nguyễn tên là Cẩm Tú, vốn là quý tử của một cựu Phó tể tướng đã hồi hưu. Oái ăm thay họ Nguyễn cũng là đồng hương An Tĩnh với Thượng thư họ Vương. Theo sau phó thượng thư Cẩm Tú là một đoàn lốc nhốc dăm bảy tên tùy tùng. Tiền hô hậu ủng theo họ là các đại gia độc quyền trong ngành xăng dầu. Ai nấy oai phong lẫm lẫm, khí thế như chực nuốt cả sao Đẩu, sao Ngưu.

An tọa. Phân ngôi chủ khách xong, Thượng thư Bộ Tài chưa dứt lời phi lộ, phó thượng thư Bộ Công, Cẩm Tú đã khai chiến trước. Không thèm rào trước, đón sau, ngài đã hướng thần công về phía Bộ Công nã pháo. Ngài tham chiếu Chỉ dụ 84 để kết tội Bộ Tài phạm luật, khiến cho doanh nghiệp điêu đứng, lỗ vốn vì kiểu điều hành “bịt mắt bắt dê”. Ngài cảnh báo nguy cơ vỡ hệ thống xăng dầu toàn quốc, ngài tiên tri viễn cảnh tối tăm, khi hàng hàng doanh nghiệp cùng rút vốn, bỏ thị trường. Thật là “miệng nhà quan có gang có thép”, không hổ danh dòng dõi trâm anh thế phiệt. Trước khi dứt lời, ngài không quên gửi tối hậu thư cho Vương Thượng thư: “Phải điều hành bằng đầu, chứ đừng điều hành bằng tay chân!”. Họ Nguyễn nói vậy thật chẳng khác gì coi Vương Thượng thư là phường võ biền “đầu óc ngu sy, tứ chi phát triển”! Khi nghe Cẩm Tú nói những lời khiếm nhã trên đây, trong lúc thuộc hạ rất lấy làm tức giận, thì khuôn mặt Vương Thượng thư không hề biến sắc. Ngài vẫn ra vẻ “bạch diện thư sinh” như ngày còn thụ giáo ở Quốc tử giám. 




Cẩm Tú vừa dứt lời, một thuộc hạ thân tín đã cướp diễn đàn, lên tiếng. Ra vẻ khiêm nhường, y nói: “Mỗ không giỏi, nhưng cũng đã từng lều chõng sang Âu châu, ứng thí giải quốc tế toán chương, thế mà không tài nào hiểu nổi phép tính của Bộ Tài. Lúc doanh nghiệp đang lỗ thì cho giảm giá. Chẳng hay Bộ Tài có làm sao không?” A, thằng oắt con, mày nói thế chẳng phải xem ta là thiểu năng trí tuệ ru? Trong bụng nghĩ vậy, nhưng Vương Thượng thư vẫn điềm nhiên như không, ngài chỉ nhỏ nhẹ: Giỏi toán cũng phải biết thực tế. Mọi người ngơ ngác không hiểu anh chàng xấc xược này ở đâu ra, mãi sau mới biết đó là quan phụ tá Vụ Nội địa thị trường, Bộ Công. Y họ Nguyễn, tên là Lộc An. Nghi ngờ những điều y vừa “nổ”, ngay sau buổi hội đàm, một vị Phó Bảng họ Võ tên là Trí Long đã chặn đường Lộc An hỏi: “Chẳng hay nhà ngươi dự thi quốc tế toán chương năm nào?”. Lộc An trả lời: “ Mỗ ứng thí năm Tuất, 1982”. “Ta là người biết rõ các đội tuyển quốc gia ứng thí quốc tế toán chương. Chắc chắn kỳ thi năm tuất không có tên ngươi”, Phó bảng Trí Long nói như đinh đóng cột. Bị vạch chân tướng, vậy mà Lộc An vẫn ngoan cố: “Xin mời ngài tra lại số sách”. Cũng không phải đợi lâu, ngày hôm sau Khảo thí Bộ Dục đã loan tin khắp kinh thành: Nguyễn Lộc An chưa từng được ứng thí quốc tế toán chương! Đúng là “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Thật là đáng phỉ nhổ. Một người như vậy thì làm sao bá tánh có thể tin. Không biết sau vụ này Lộc An có còn “an”, còn “lộc’? Hạ hồi phân giải.

Lại nói chuyện tọa đàm tư vấn, sau khi Lộc An huênh hoang, đến lượt các đại gia xăng dầu thi nhau kêu lỗ. Nguyên nhân thua lỗ đều do Bộ Tài điều hành không tốt. Tiếng kêu của họ nghe ai oán đến tận trời xanh. Phó thượng thư Cẩm Tú nhìn Lộc An, các đại gia nhìn Cẩm Tú. Thật là “tam diện nhất ngôn”, không ai bảo ai mà đều chĩa mũi dùi vào Bộ Tài. Tình thế của Vương thượng thư lúc này khác nào trứng để đầu đẳng, chỉ mành treo chuông!

Lúc này Vương Thượng thư mới từ từ lên tiếng. Đầu tiên ngài yêu cầu các đại gia khai rõ từng mặt hàng lỗ lãi bao nhiêu? Các đại gia lúng túng: chúng tôi chỉ tính chung, không phân khai từng thứ. Cử tọa bắt đầu ngạc nhiên: quản trị doanh nghiệp mà thế ru, phỏng có chấp nhận được không? Vương Thượng thư hỏi tiếp: “Tại sao khi các ngươi loan tin cáo bạch để bán cổ phiếu thì nói lãi mỗi năm hơn chín trăm tỷ, mà nay dâng sớ xin tăng giá lại kêu lỗ những hai ngàn tỷ là lẽ làm sao? Các ngươi hoặc là lừa dân để bán cho được cổ phiếu, hoặc là lừa triều đình để lại tăng giá xăng!” Phía Bộ Công và các đại gia nhìn nhau lúng túng, người đưa lý do này, kẻ đưa ra nguyên cớ nọ, làm cử tọa cười đau cả bụng. Đợi cho đối phương cạn lời mà vẫn đuối lý, Vương Thượng thư mới tung nốt đòn hiểm cuối cùng, ngài dẫn số liệu của quan thu thuế cửa khẩu, nước Việt gọi là Hải quan, để chứng minh rằng: cứ mỗi đấu xăng dầu nhập về các đại gia không lỗ mà còn lời trên bảy trăm quan, đó là chưa kể khoản ba trăm quan được triều đình cho gọi là lãi định mức. “Như vậy, các ngươi lãi trên một ngàn quan một đấu xăng dầu, cớ sao dám nói lỗ!”. Bọn Cẩm Tú, Lộc An, cùng các đại gia lại hùa nhau lên tiếng, chẳng còn tôn ti trật tự là gì. Lúc này thì hỗn loạn như ngoài chợ. Đến nỗi Vương Thượng thư cũng phải nghiêm sắc mặt nhắc nhở: “Các ngươi nên nhớ chủ nhà hôm nay là Bộ Tài”, bọn họ mới chịu vãn hồi trật tự. Chung cuộc bọn Cẩm Tú đòi trả việc định giá cho các đại gia, như Chỉ dụ 84 quy định, Bộ Tài không được can thiệp! Lúc này Vương Thượng thư được một số nhân sỹ giúp sức đã vạch rõ chân tướng của họ. Ngài dõng dạc: “Các ngươi có 11 đại gia, nhưng trong đó chỉ ba tên đã chiếm trên chín chục phần trăm thị phần, lại có một tên chiếm tới sáu chục phần trăm. Trao quyền tự quyết cho các ngươi để các ngươi tự tung tự tác, không coi triều đình, không coi dân ra gì nữa, thì giá xăng dầu sẽ lên đến đâu? Dân đen có chịu thấu không?”. Lúc này bọn Cẩm Tú và các đại gia lại giở bổn cũ ra dọa, đó là đòi rút khỏi thị trường. Tức thì Vương Thượng thư thách thức: “Các ngươi, ai muốn rút cứ rút, để người khác kinh doanh. Đừng dọa triều đình!”. Ngài tuyên bố đanh thép: “Ta điều hành giá xăng dầu là vì lợi ích của tám chục triệu con dân nước Việt, quyết không vì lợi ích của mấy đại gia độc quyền!”. Trừ bọn Cẩm Tú, Lộc An và mấy đại gia, cử tọa ai nấy đều lấy làm cảm kích trước khẩu khí của Vương Thượng thư.

Chỉ mấy giờ sau tin tức từ cuộc tọa đàm đã loan ra khắp kinh thành. Nam phụ lão ấu ai nấy đều rất tin tưởng ở tài đức của Vương Thượng thư. Báo chí từ “hữu ngạn” cho đến “tả ngạn” đồng loạt đưa tin, bình phẩm về cuộc khẩu chiến. Ai cũng khen Vương Thượng thư là người can đảm, dám công khai nghênh chiến với một liên minh ma quỷ, mà gần đây người Việt gọi là “Nhóm lợi ích”. Cũng có đôi vị trải chính trường lo ngại cho Vương Thượng thư, không biết ngài có trụ vững được trong quan trường lâu không, hay lại bất đắc chí như họ Chu (Văn An), họ Nguyễn (Nguyễn Trãi) xưa và họ Trần (XB) nay? Có vị văn sỹ còn ví việc làm của Vương chẳng khác gì “bật lửa xem xăng”, nguy cơ bị tẩm xăng không phải là bất khả!

Hình như không quan ngại những lời đàm tiếu, ngay hôm sau Vương Thượng thư đã xuống lệnh lập các đoàn đi thanh tra bốn đại gia xăng dầu. “Ba quân chỉ ngọn cờ đào. Đạo ra Vô tích, đạo vào Lâm tri”. Nghe nói phía Bộ Công và các đại gia cũng lập tức dàn trận, nghênh chiến.

Chưa biết hai bên tham chiến trận này ra sao, đợi hồi sau sẽ rõ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét