Ngày Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Chơi phong thủy cùng “Thạch linh cẩu”
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Trong tín ngưỡng thờ cúng linh vật tại các điện, đình, đền, miếu ở Việt Nam, bộ “tứ linh”: long, ly, quy, phượng được hình tượng hóa, tôn thờ trở thành “linh vật” bảo vệ, cũng như mang lại những điều phúc lành cho cuộc sống. Và hình tượng những linh vật này thường gắn với cuộc sống của các đế vương đài các trong cung, lăng tẩm trang hoàng vàng son. Có một con vật vốn rất gần gũi với cuộc sống đời thường cũng được hình tượng hóa để trở thành thần gác cửa, trấn tà ma, cầu sức khỏe ấy là “Thạch linh cẩu” hay tượng chó đá.
Từ tục thờ “Thạch linh cẩu”
Trong quan niệm của người Việt cổ thì chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn. Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Một là chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ trừ tà, cầu phúc, xua đuổi tật bệnh. Hai là đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Tại đền thờ quan Hoàng Thạch ở Địch Đình (Định Vĩ) - Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ), chính giữa bệ thờ là tượng quan Hoàng Thạch cao khoảng 1,4m trong tư thế ngồi, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè ra che hàm răng dưới. Xung quanh quan Hoàng Thạch là tượng 16 chó con kích cỡ không đồng đều, con nhỏ cao khoảng 15cm, con lớn nhỉnh hơn 30cm, tư thế rất sinh động.
Theo ông Nguyễn Chí Cương, Trưởng ban di tích xã Phương Đình, đền thờ được tôn tạo từ năm 2000. Trước đó, quan Hoàng Thạch được đặt sâu trong đất chỉ nhô nửa thân lên, nhìn về phía Tây Bắc, hướng núi Ba Vì. Theo ông Minh Nhương, Trưởng VHTT huyện Đan Phượng thì “ngài” nhìn về đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn (nơi đây cũng có hai tượng chó đá được thờ và trông về hướng Định Đình). Bệ thờ hiện nay được xây thành ngai đặt cao trên một gò đất bên cạnh chùa Phúc Khánh và đình làng. Trong đình làng, bên cạnh bài vị của Đức Linh Lang Đại Vương, Mãnh tướng Đại vương thì quan Hoàng Thạch có bài vị riêng là Hạ giới Đại vương. |
Tại thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ - Đan Phượng cũng có một bệ thờ chó đá. “Ngài” cũng được dân địa phương kính cẩn gọi là “Ngài Hoàng Thạch”. Bệ thờ của “Ngài” được đặt cạnh đình làng. Pho tượng “Thạch linh cẩu” ở đây cao lớn, được tạc bằng đá xanh, dáng linh hoạt, tai dỏng, miệng ngậm, mắt nhìn về hướng núi Ba Vì. “Ngài” được thờ với vai trò là người bảo vệ công lý và giữ gìn cho dân khang vật thịnh.
Đến phong thủy và luật chơi
Theo tìm hiểu được biết, xưa kia, cửa ngõ thường không làm đúng chính giữa nhà và sân mà thường làm chếch đi, để cho người ngoài không nhìn thẳng vào trung tâm nhà. Người ta cũng thường kiêng không nên để cho có con đường đâm thẳng vào nhà, hay là có đền chùa ở trước nhà. Nếu bất đắc dĩ không tránh được những điều kỵ ấy thì người ta chôn ở trước nhà một con chó đá để yểm tà khí. Việc dùng chó đá để trấn yểm được cả tầng lớp quan lại, đến dân thường sử dụng khá rộng rãi tùy vào quan niệm ở mỗi giai tầng. Hàng quý tộc chôn chó đá để canh giữ, bảo vệ chỗ thờ vua chúa. Nhà phong thủy chôn chó đá để thay đổi dương cơ, âm phần. Dân gian chôn chó đá để xua đuổi bệnh tật, tà ma. Tuy nhiên, có một điểm chung là tất cả những tượng chó đá đều đặt theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Trong Kinh dịch, hướng Đông Bắc chỉ đất Cấn, hướng Tây Nam chỉ cung Khôn. Đó là hai hướng tam tài, tam lộc, ngũ phúc đẳng. Thường khi đã dùng tượng chó đá thì đều sử dụng một cặp (một đực, một cái) và tượng luôn ở tư thế ngồi mặt hướng thiên. Rất kị và hiếm khi sử dụng tượng chó trong tư thế nằm.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức với bức tượng chó đá. Ảnh: A.K |
Ngày nay việc tạc chó đá để trấn yểm ngày càng ít đi, số phận những con chó đá lui vào ẩn tích, người chơi chó đá cũng vắng bóng. Nay các đại gia thường tạc hình “rồng cuộn, hổ ngồi” hay “lân chầu, hổ phục” trước cửa để tạo uy danh, tăm tiếng. Song dẫu vậy, thăm thẳm chiều dài thời gian, uy danh chó đá vẫn còn vang vọng dễ gợi nhớ về “một thời vang bóng”.
Văn Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét