Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Cấm chơi golf và không gian của xã hội dân sự

Ngày Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Cấm chơi golf và không gian của xã hội dân sự
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Cấm chơi golf và không gian của xã hội dân sự

Phan Thế Hải
 

Ngày cuối tuần, cùng với hội Golfriends đi Ninh Bình chinh phục 18 hố ở Yên Thắng. Chủ đề chính sau những cú đánh là chuyện Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cấm chơi golf. Quanh chủ đề này, có người khen, có người chê, có người đồng tình, có người phản đối.
Với tôi, với một Bộ trưởng, người đại diện cho Chính phủ quản lý lĩnh vực mà anh được giao thì mọi văn bản của anh đưa ra là tiếng nói của cơ quan hành pháp ở lĩnh vực mà anh được phân công. Đã là cơ quan hành pháp thì điều đáng quan tâm là tính hợp pháp của lệnh cấm. Với cơ quan hành pháp, tính hợp pháp là ưu tiên số một rồi mới tính đền chuyện hợp lý hay không.
Còn chuyện chơi golf là xa xỉ trong khi kinh tế đất nước còn khó khăn, chơi golf không có phù hợp hay không với thu nhập của công chức lại là chuyện không nằm trong phạm vi pháp quyền.
Về phương diện hành pháp, có thể thấy quyết định cấm chơi golf của Bộ trưởng có ít nhất ba sự nhầm lẫn sau đây:
Pháp luật không thò bàn tay vào mọi ngõ ngách của đời sống

Pháp luật sinh ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, pháp luật chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội mang tính phổ biến, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của đông đảo công chúng. Pháp luật không thể thò bàn tay vào mọi ngõ ngách của đời sống. Những mối quan hệ khác được điều chỉnh bằng dư luận xã hội, đó và các phạm trù đạo đức. Dư luận xã hội có thể điều chỉnh rằng, với tư cách là con, anh không yêu thương cha mẹ là điều cần phải lên án, nhưng với tư cách là pháp luật, anh chỉ có thể can thiệp khi anh có hành vi ngược đãi người sinh ra mình.
Với mỗi cá nhân, hàng ngày họ tham gia vào nhiều quan hệ khác nhau. Ở cơ quan, bạn tham gia vào quan hệ lao động. Hết giờ làm việc, đi ngoài đường bạn tham gia vào quan hệ pháp luật giao thông, đi chợ mua đồ bạn tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự hay về nhà bạn tham gia vào quan hệ gia đình.v.v. Những quan hệ này xuất hiện trên cơ sở có sự điều chỉnh của qui phạm pháp luật, trong đó qui định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Tuy nhiên, với gia đình, pháp luật không can thiệp sâu rằng, bạn phải yêu vợ thế nào, phải dạy con ra sao, phải nấu nướng thế nào.
Các quan hệ đời sống là vô hạn mà các chế tài luật pháp thì hữu hạn, nên pháp luật chỉ có có khả năng hữu hạn trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật cũng như từng quan hệ pháp luật đều có giới hạn riêng. Có rất nhiều lĩnh vực hoặc quan hệ xã hội mà pháp luật không điều chỉnh hoặc không thể điều chỉnh được.
Chính vì sự hữu hạn của pháp luật nên trong xã hội luôn luôn tồn tại một không gian dân sự, trong đó, các mối quan hệ mà pháp luật không có hoặc chưa có chế tài sẽ giành cho dư luận xã hội.
Ngày nghỉ anh làm gì, đi đâu, chơi môn gì không thuộc không gian của xã hội công quyền. Nó là không gian của xã hội dân sự. Lệnh cấm chơi golf trong ngày nghỉ thực chất đã xâm phạm vào “lãnh địa” mà pháp luật không điều chỉnh – lãnh địa của tự do cá nhân. Vào những ngày nghỉ, bất kỳ ai cũng có thể lựa chọn cách nghỉ ngơi, giải trí, tham gia những hoạt động mà họ muốn, miễn sao không trái luật. Nếu pháp luật can thiệp cả cách họ giải trí ra sao, khi ấy tự do cá nhân sẽ không còn tồn tại.
 Nhầm lẫn trong quan hệ pháp luật
Với cơ quan công quyền, Pháp luật là công cụ. Với các tổ chức chính trị xã hội, điều lệ là công cụ. Điều lệ của đảng phái, hay tổ chức chỉ có tác dụng vơi các thành viên trong nội bộ của mình mà thôi. Không thể lấy các nghị quyết trong các tổ chức chính trị của mình để áp đặt lên các cơ quan công quyền.
Với bộ trưởng, là người đứng đầu một ngành mà mình được phân công. Khi về với gia đình của mình tham gia quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình, bạn là một thành viên trong gia đình. Cũng vì lẽ đó, bạn không thể lấy quyền của mình là “bộ trưởng trong công việc” ở quan hệ pháp luật khác mà về nhà cũng là “bộ trưởng với bố đẻ mình” trong quan hệ vớigia đình.
Dù ông có là bộ trưởng hay thủ tướng, khi ra ngoài đường, tham gia quan hệ pháp luật giao thông, ông vẫn phải bình đẳng như mọi công dân khác. Cũng vì lẽ đó, ông không thể lấy quyền của mình là Bộ trưởng Giao thông mà ra ngoài đường vượt đèn đỏ được.
Tương tự như vậy, dù bạn có là thủ trưởng cơ quan hay là bộ trưởng, thì khi bước chân ra khỏi nơi làm việc, về nguyên tắc, người lao động không còn dưới quyền chịu sự quản lý trực tiếp của bạn nữa, mà quan hệ giữa hai bên là quan hệ pháp luật dân sự bình đẳng. Nói cách khác, ngoài giờ làm việc, bạn hoàn toàn không có quyền can thiệp vào cách mà người lao động dưới quyền bạn làm gì, nghỉ ngơi ra sao, nếu không có sự đồng ý của họ.
Vì lẽ đó, lệnh cấm chơi golf cả trong ngày nghỉ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải là sự nhầm lẫn trong quan hệ pháp luật, lấy quyền uy trong một quan hệ pháp luật này để điều chỉnh một quan hệ xã hội khác không thuộc thẩm quyền của mình.
Tính hợp pháp quan trọng hơn so với tính hợp lý
Khi ban hành các quyết định quản lý nhà nước, các chủ thể quản lý phải bảo đảm cả tính hợp pháp và tính hợp lý, nhờ đó quyết định đưa ra mới có khả năng thực thi và được xã hội chấp nhận. Trong mọi trường hợp, tính hợp pháp luôn có ưu thế hơn so với tính hợp lý, nên không thể vì lý do hợp lý mà coi thường Hiến pháp, luật và quyết định của cấp trên, tự ban hành những quy định riêng trái với quy định của pháp luật.
Về tính hợp pháp, điều đáng bàn ở lệnh cấm chơi golf của Bộ trưởng Thăng là về mặt giới hạn phạm vi áp dụng. Nếu như cấm chơi golf trong giờ làm việc thì miễn bàn, nhưng đây là lệnh cấm chơi trong cả những ngày nghỉ. Như đã trình bày ở trên, lệnh cấm này không có căn cứ pháp luật, vi phạm quyền tự do cá nhân, vi phạm quyền nghỉ ngơi đã được Hiến pháp 1992 (Điều 50, Điều 56 Câu 2) và Bộ luật Lao động 1994 (Điều 71 đến Điều 81) bảo vệ.
Khi ban hành quyết định quản lý nhà nước cần phải cân bằng, bảo đảm hài hòa và tối ưu hóa các nhóm lợi ích, trong đó có lợi ích của cơ quan quản lý, lợi ích của đối tượng thi hành và của toàn xã hội. Tuy nhiên dù với bất cứ lý do gì, tính hợp pháp, tính có căn cứ pháp luật vẫn cần phải được ưu tiên hàng đầu. Không thể căn cứ vào bất kỳ lý do nào, để bỏ qua tính hợp pháp, vi phạm quyền con người.
Một quyết định quản lý nhà nước không dựa trên cơ sở tính hợp pháp sẽ tạo nên tiền lệ xấu, nguy hiểm hơn là tiền lệ ấy nếu được lặp lại sẽ khiến trật tự pháp luật bị đảo lộn và mọi đòi hỏi với pháp luật có thể sẽ trở nên vô nghĩa.
Nguồn: Phan Thế Hải blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét