Ngày Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Người Trung Quốc tự vấn
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
VN đang theo đuổi mô hình phát triển của TQ:
Người Trung Quốc tự vấn
Có thể đo lường tình trạng tinh thần của một xã hội qua phản ứng chung trước một thảm kịch. Đầu năm 2011, thế giới khâm phục thái độ người Nhật Bản sau một trận động đất và sóng thần. Năm 2008, thanh niên từ khắp nước Trung Hoa xúc động đến cứu giúp các nạn nhân động đất ở tỉnh Tứ Xuyên. Ở Việt Nam, những năm miền Trung bị bão lụt, như năm 1964, một phong trào của thanh niên, sinh viên toàn quốc nổi lên lo việc cứu trợ.
Một tai nạn mới xẩy ra đang làm rung động hàng chục triệu “công dân mạng” ở Trung Quốc trong mấy tuần lễ cuối tháng Mười năm 2011. Một bé gái bị xe cán chết mà nhiều người thờ ơ đi qua. Cô bé 2 tuổi tên là Vương Duyệt (Wang Yue), ở thành phố Phật San, tỉnh Quảng Đông. Cha mẹ thường gọi cháu là Duyệt Duyệt (Yue Yue), nói tiếng Việt sẽ gọi là “Vui Vui.” Cháu bị một chiếc xe tải cán trên một đường phố chật chội và đông đúc, vào lúc sau 5 giờ chiều, sắp tối.
Điều đáng kinh ngạc là hàng phố không thấy chạy ai ra cứu cháu bé mặc dù các cửa hàng còn mở, người qua lại đông đảo. Có 18 người đi xe gắn máy hoặc đi bộ băng qua, tránh cô bé đang bị thương nằm trên đường, mà không dừng lại. Một chiếc xe tải thứ hai đè qua cô bé lần nữa. Sau cùng một phụ nữ bước tới, cúi ôm nhắc cô bé lên, la lớn kêu mọi người, lúc đó cha mẹ mới biết chạy tới. Người cha đang mắc bận ở cửa hàng, người mẹ đang phơi quần áo, không để ý con chạy ra đường. Tám ngày sau, cháu bé Duyệt Duyệt chết trong bệnh viện.
Máy quay phim của khu phố gắn để theo dõi về an ninh đã thu hình cảnh tượng này. Ngày hôm sau, các đài truyền hình chiếu lên. Đoạn phim được đưa lên một mạng coi chung (video-sharing site) tên là Youku (优酷 Ưu Khốc, nghĩa là Thứ Rượu Tốt Nhất – mời cùng uống!) Các mạng lưới khác tiếp tay đưa phim lên, cả nước Trung Hoa chấn động. Tại sao bao nhiêu người qua lại có thể thờ ơ, trong suốt bẩy phút đồng hồ, không ai dừng chân cứu một em bé mới bị xe cán; và đang nằm giữa đường đầy xe đang chạy? Nhiều người lên mạng đặt câu hỏi: “Nước Trung Hoa đã mất linh hồn hay sao?” Nhiều người nói đến “Khoảng trống đạo đức.” Nhiều người than xã hội đã “mất niềm tin.” Có người thú nhận, “Đây là nỗi sỉ nhục của Trung Quốc.” Một công dân mạng viết trên Wiebo (Vi Bác, giống như Twiter ở Mỹ) trong mạng Sina: “Xã hội này đang mắc bệnh trầm trọng! Ngay cả đối với chó, mèo, người ta cũng không đối xử vô tình như vậy!”
Ngay bữa đoạn phim video cảnh em bé Yue Yue trên lên Youtube, một nhà văn ở bên kia bờ đại dương gửi cho tôi một bản qua email. Ông yêu cầu tôi coi để suy nghĩ. Xin trích lá thư: “Tôi vừa xem một đoạn phim (không cắt xén) thu từ cái surveillance camera về vụ đứa bé Trung Quốc hai tuổi bị xe cán. Các đài BBC, CNN chỉ chiếu chút đỉnh vì quá kinh hoàng, … vì ghê tởm quá. Tôi đã mò mẫm tìm để xem cho hết mà tìm hiểu tinh thần, văn minh, văn hoá của người Trung Quốc ngày nay. .. Phải nói thật là tôi đã khóc khi kể lại cho vợ tôi nghe (vợ tôi sẽ không dám xem). Tai nạn mới xẩy ra tức thì.… Đây là nước Trung Quốc với các vấn đề Hoàng Sa Trường Sa, Lưỡi Bò, Bô Xít... mà Việt Nam đang phải đối mặt… Xem để hiểu thêm về tinh thần và văn minh của người Trung Quốc. .. Xem đoạn phim này, còn thấy trẻ con nó mà nó không thương thì nó thương thế chó nào được cái thằng đầy tớ Ố Nàm?”
Dù rất yêu mến, quý trọng người bạn đã gửi cho mình đoạn phim, tôi không dám mở phim ra coi, ngần ngại mãi, trong suốt một tuần lễ. Đến khi thấy tất cả các báo khắp thế giới đều loan tin này; tôi phải coi, và tôi cũng khóc.
Không phải chỉ khóc thương em bé Duyệt Duyệt. Mà thương cả một xã hội đang mất linh hồn.
Thương tất cả những người ở các xã hội khác nhưng cũng đang sống giống như vậy. Ngày xưa Mạnh Tử, một người Trung Hoa sống trước đây hơn 2000 năm, nói là bản tính con người là thiện. Ông nói tại sao ông tin như vậy: Vì ai thấy một đứa trẻ sắp bị tai nạn cũng (động lòng trắc ẩn) vội vàng lo cứu. Đó là đầu mối của Đức Nhân. Trắc ẩn chi tâm, Nhân chi đoan dã. Tôi chắc ai coi đoạn phim tai nạn của em bé Duyệt Duyệt đó cũng phải khóc. Đầu mối của lòng nhân vẫn còn trong lòng người. Những người ở Phần Lan, Canada, Úc châu ai xem cũng phải khóc. Nói như vậy, để chúng ta thấy vẫn còn có thể tin ở Tính Thiện trong tâm con người, loài người ai cũng biết động lòng trắc ẩn. Người Việt Nam hay người Trung Quốc cũng vậy.
Hàng triệu công dân mạng ở Trung Quốc cũng khóc, không khác gì chúng ta cả. Và họ lên tiếng, đặt câu hỏi, họ nổi giận, chắc chắn giận dữ hơn người Việt Nam! Vì ngoài nỗi khổ đau họ còn cảm thấy nhục nhã nữa. Một nỗi nhục chung, khó lòng phai nhạt. Nhớ lại hình ảnh dân Nhật Bản sau trận động đất được truyền khắp thế giới, người Trung Hoa càng cảm thấy xấu hổ. Hai ngày sau, một nhật báo ở Thượng Hải đăng tin một bà gieo mình tự trầm ở Tây Hồ, tỉnh Triết Giang, đã được một người nhẩy xuống cứu sống. Báo có đăng hình cảnh hai người lúc còn trên mặt hồ, người cứu mạng là một phụ nữ da trắng. Tờ báo không thể nói gì về tên, họ và tung tích “nữ hiệp” này, chỉ nói là một người Mỹ. Vì sau việc cấp cứu, người đàn bà đó đã bỏ đi.
Xã hội Trung Quốc đang mắc bệnh. Xã hội Việt Nam có khá hơn không, chúng ta không dám quả quyết. Ngay ở các xã hội khác, những cảnh như vậy cũng có thể xẩy ra. Điều đáng cho chúng ta suy nghĩ là câu hỏi mà chục triệu công dân mạng ở Trung Quốc đang hỏi: “Vì đâu nên nỗi?”
Trên các mạng lưới ở Trung Quốc, nhiều người đã thử tìm hiểu nguyên nhân. Người ta đổ tội đồng tiền; cả xã hội đang chỉ lo kiếm tiền, lạnh nhạt với tai nạn xẩy ra cho người khác. Lại nói đến tình trạng đô thị hóa. Khi hàng trăm ngàn người từ khắp nơi đổ về thành phố sống, họ đối xử với nhau như những người xa lạ, không có tình hàng xóm, láng giềng. Tìm trong tâm lý học, nhiều người đã nêu lên hiện tượng gọi là “hiệu ứng bàng quan,” (bystander effect). Hiện tượng này được các nhà tâm lý học Mỹ gọi tên nhân một bản tin năm 1964. Cô Catherine “Kitty” Genovese, 29 tuổi, bị một hung thủ đâm ngay trước cửa tòa nhà nơi cô cư ngụ, lúc nửa đêm về sáng. Cô khóc, cô la, kêu cứu. Nhiều hàng xóm thức dậy, mở cửa ra nhìn, nhưng không ai cứu, 38 người tất cả. Có bà bảo chồng gọi cảnh sát, nhưng ông già nói: Đừng lo. Chắc đã có hàng chục người gọi rồi. Đó là một hiện tượng tâm lý: Không ai nghĩ mình có trách nhiệm cứu, vì nghĩ rất nhiều người cùng chia sẻ trách nhiệm.
Ngoài những yếu tố tâm lý tâm lý trên, có người giải thích hiện tượng bé Duyệt Duyệt không được cứu là do “những đặc tính Trung Hoa” như nhật báo New York Times viết khi kể chuyện này. Một đặc tính là “Quan hệ.” Mối quan hệ lớn nhất của người Trung Hoa là gia đình, đại gia đình, còn quan hệ đối với “người ngoài” rất yếu. Có thể nói tình “lối xóm” ở nông thôn Việt Nam quan trọng không thua tình gia đình; người Trung Hoa khác.
Tinh thần trọng nam, khinh nữ có thể ảnh hưởng, khiến người ta thờ ơ khi nạn nhân là một bé gái. Nếu đó là một em trai, liệu có khác hay không, chúng ta cũng khó đoán. Một yếu tố khác ảnh hưởng tới thái độ lãnh đạm của những người qua đường là người ta sợ bị lôi thôi. Một câu chuyện cũ đã được các nhà tâm lý xã hội ở Trung Quốc nhắc tới là vụ án Bành Vũ ở Nam Kinh (南京彭宇案), năm 2006. Bành Vũ là một thanh niên, thấy một bà già té bị thương ngay cửa xe buýt đầy người chen lấn, xô đẩy, anh ta đã đỡ lên rồi đưa tới bệnh viện. Sau đó, gia đình bà ta kiện, cho là chính Bành Vũ đã làm bà bị ngã. Và quan tòa bắt anh trả 40% số tiền chi phí trị liệu, khoảng 7,000 đô la Mỹ. Quan tòa phán thế này: Nếu không phải là người gây ra tai nạn, tại sao anh lại lo đưa bà ấy tới bệnh viện?
Chúng ta phải kinh ngạc trước lý luận của quan tòa! Lời phán này giả thiết rằng trong xã hội ai cũng sống như ông quan tòa, thì bình thường không ai giúp đỡ ai bị nạn cả; trừ khi chính mình gây tai nạn!
Nhưng ở nước Trung Hoa vẫn có nhiều người sống theo lối cổ, theo lối Mạnh Tử, họ sẵn sàng cứu giúp kẻ khác. Trong câu chuyện bé Duyệt Duyệt, người được cả thế giới ca ngợi là một bà già lượm rác, người đã cúi xuống nâng bé lên rồi hô hoán hỏi cha mẹ đứa bé này ở đâu. Bà Trần Hiền Muội (Chen Xianmei 陈贤妹), ban ngày làm công cho một cửa hàng, ban đêm đi lượm rác. Người phụ nữ 58 tuổi này không bỏ đi sau khi cứu đứa bé, vì bà ở ngay đó, và lúc đó mới 6 giờ chiều, bà còn lo đi lượm rác tiếp cho tới nửa đêm. Mọi người có thể nhìn thấy bức hình chụp cảnh người mẹ bé Duyệt Duyệt quỳ lạy trước mặt bà và khóc lóc cảm ơn. Bà Hiền Muội lộ vẻ bối rối, đứng ngay đơ, mắt trông có vẻ ngạc nhiên, đưa tay ra đỡ, bàn tay buông thõng như thể bà không muốn đụng chạm vào tóc tai, quần áo vừa sạch vừa đẹp của một “bà chủ.”
Khắp thế giới vẫn có những người như bà Hiền Muội. Ở nước Trung Hoa cũng thế. Nhưng một điều khác chúng ta cần suy nghĩ là làm sao để một xã hội có nhiều bà Hiền Muội hơn? Có phải vụ án Bành Vũ làm cho những bà Hiền Muội biến dần mất hay không? Phải tổ chức xã hội ra sao để đảo ngược lại tình hình xuống dốc đó?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét