Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Nobel kinh tế năm 2011 cho Sargent và Sims

Ngày Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Nobel kinh tế năm 2011 cho Sargent và Sims
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Trong các nghiên cứu kinh tế lượng của tôi, tôi thường sử dụng phương pháp phân tích quan hệ nhân quả Granger-Sims để kiểm định chiều tác động nhân quả giữa các chỉ tiêu kinh tế... Thực tế việc kiểm định quan hệ nhân quả rất phức tạp, phương pháp của Sims chưa tốt lắm, song có ưu điểm là rất dễ sử dụng. Rất mừng cho các nhà toán kinh tế được trao giải thưởng Nobel.

Nobel kinh tế năm 2011 cho Sargent và Sims


trở thành đồng chủ nhân của giải Nobel kinh tế năm 2011
 Hình: AFP PHOTO / NEW YORK UNIVERSITY / PRINCETON UNIVERSITY


Ngày 10 tháng 10 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển vừa công bố tên người được chọn để trao giải Nobel kinh tế năm 2011. Hai giáo sư người Mỹ là Thomas J. Sargent và Christopher A. Sims trở thành đồng chủ nhân của giải năm nay vì “các nghiên cứu thực nghiệm của hai ông về quan hệ nhân quả trong kinh tế vĩ mô”.


Giáo sư Sargent sinh năm 1943 tại thành phố Pasadena, bang California, Mỹ. Ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Harvard năm 1968, tức là khi ông mới 25 tuổi. Ông từng giảng dạy, nghiên cứu ở nhiều nơi, và hiện là giáo sư tại Đại học New York (NYU) ở trung tâm của thành phố New York, Mỹ.

Giáo sư Sims sinh trước giáo sư Sargent đúng một năm tại thủ đô Washington DC của Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ cùng một khóa với giáo sư Sargent. Hiện nay ông đang giảng dạy tại Đại học Princeton của bang New Jersey, Hoa Kỳ.

Hai bạn đồng khóa cùng tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế từ Harvard 43 năm trước giờ đây lại có dịp hội ngộ. Không phải trên giảng đường của trường Harvard mà là trên bục nhận giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học kinh tế của nhân loại. Cùng với các giá trị về tinh thần, hai ông còn được nhận một khoản tiền thưởng 10 triệu SEK, tương đương khoảng 1,5 triệu USD.

Cơ sở để Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển xét trao giải cho Giáo sư Sargent và Giáo sư Sims là chuỗi các nghiên cứu thực nghiệm của hai ông trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô.

Sự tiến hóa của kinh tế vĩ mô

Trước thập kỷ 70, kinh tế học vĩ mô và kinh tế học vi mô là hai mảng tách biệt. Kinh tế học vi mô nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng và của doanh nghiệp dựa trên các giả định về thị hiếu (preferences), kỳ vọng, và các khuynh hướng tự có của mỗi người (như phản ứng của họ trước rủi ro). Thí dụ một nhà kinh tế học vi mô sẽ nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng hóa có khả năng thay thế nhau dưới dạng một hàm số lợi ích – theo đó lợi ích của một cá nhân được thể hiện dưới dạng phương trình toán học gắn với các yếu tố riêng của tất cả các sản phẩm như giá cả và chất lượng. Nhà kinh tế học vi mô sẽ tính toán được một người tiêu dùng cụ thể trong trường hợp đó sẽ lựa chọn như thế nào. Và khi kết hợp các lựa chọn của nhiều cá nhân lại thì hàm số cầu cho mỗi mặt hàng sẽ ra sao. Trên cơ sở đó, nhà kinh tế học vi mô sẽ tính toán tiếp được các doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận của mình sẽ phải thực hiện các chiến lược về sản phẩm và về giá như thế nào cho hợp lý.


Trong khi đó, kinh tế vĩ mô nghiên cứu về các chỉ số chính của nền kinh tế như GDP, tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, tổng mức cung tiền, năng xuất của toàn bộ nền kinh tế… Kinh tế học vĩ mô tìm cách giải thích sự vận động của các chỉ số vĩ mô theo thời gian và sự ảnh hưởng của các chính sách kinh tế của nhà nước như thắt chặt hoặc nới lỏng về tài khóa và tiền tệ lên các chỉ số này. Thí dụ, kinh tế vĩ mô trước năm 1970 nghiên cứu về quan hệ giữa lạm phát và thất nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn. Mô tả quan hệ trong ngắn hạn, khái niệm “đường Phillips” cho rằng lạm phát tăng thì thất nghiệp giảm, và ngược lại. Trong dài hạn, người ta cho rằng nền kinh tế ở trạng thái cân bằng dài hạn thì lạm phát (biểu hiện của việc nới lỏng tiền tệ) không ảnh hưởng gì tới thất nghiệp, vì thế đường Phillips phải là đường thẳng đứng.

Từ những năm 1970s, một xu thế mới của kinh tế học vĩ mô là xây dựng các mô hình kinh tế vĩ mô dựa trên nền tảng của kinh tế học vi mô. Xu thế mới này xuất hiện từ sự thất bại của việc ứng dụng các lý thuyết cũ vào việc giải thích các hiện tượng kinh tế vĩ mô mới phát sinh trong giai đoạn lịch sử đó. Thí dụ câu chuyện về các nền kinh tế bị lạm phát đình đốn (stagflation) – tức là vừa có lạm phát cao vừa có thất nghiệp cao. Những hiện tượng mới này mâu thuẫn trực tiếp với các kết quả của lý thuyết kinh tế vĩ mô cũ như câu chuyện về đường Phillips ở trên.

Các nhà kinh tế vĩ mô bắt đầu nhìn nhận lại rằng nếu không dựa vào các hiện tượng vi mô mà chỉ thuần túy phân tích các chỉ số vĩ mô thì không thể tìm được lời giải cho các vấn đề trên. Họ bắt đầu nhận ra quan hệ giữa các chính sách của nhà nước (một khái niệm của kinh tế vĩ mô) và kỳ vọng của thị trường (một khái niệm của kinh tế vi mô) có quan hệ tương tác chặt chẽ với nhau. Các chính sách ảnh hưởng tới nền kinh tế, nhưng nền kinh tế cũng ảnh hưởng tới các chính sách. Kỳ vọng về tương lai là yếu tố chính trong mối quan hệ hai chiều này.  Kỳ vọng của khu vực tư nhân về hoạt động kinh tế và chính sách kinh tế trong tương lai sẽ ảnh hưởng tới các quyết định của họ về tiền lương, về tiết kiệm, và đầu tư. Tương tự như thế, các chính sách kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi các kỳ vọng về điều gì sẽ xảy ra trong khu vực tư nhân.

Vì thế, quyết định kinh tế của khu vực tư nhân tại thời điểm hiện tại phụ thuộc vào kỳ vọng của họ về các chính sách trong tương lai của nhà nước. Tương tự như thế, các chính sách tương lai của nhà nước cũng bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng của nhà nước về sự vận hành của nền kinh tế trong tương lai. Về mặt ý tưởng việc này không quá khó hiểu. Tuy nhiên, về mặt thực nghiệm lại là chuyện khác.

Các mô hình thực nghiệm phải sử dụng được các chuỗi số liệu của quá khứ và phỏng đoán được tương lai. Việc phát hiện và chứng minh sự tồn tại của quan hệ nhân quả (yếu tố này là hậu quả của yếu tố khác) là việc luôn luôn khó thực hiện. Trong kinh tế vĩ mô thực nghiệm, việc này trở nên khó hơn nhiều lần nữa nếu đưa vào trong các mô hình thực nghiệm này yếu tố kỳ vọng. Kỳ vọng là yếu tố kết nối hành vi hiện tại (thí dụ quyết định chính sách tài khóa, tiền tệ của nhà nước hay quyết định về tiết kiệm và tiêu dùng của hộ gia đình) với các yếu tố kinh tế trong tương lai. Vì thế,  nảy sinh vấn đề cực kỳ khó khăn là: Liệu một sự thay đổi trong nền kinh tế có phải là kết quả của một chính sách kinh tế trước đó? Hay là ngược lại, kỳ vọng về sự thay đổi của nền kinh tế có từ trước khi chính sách kinh tế đó tồn tại, và là yếu tố làm cho chính sách kinh tế đó ra đời? Các cách hiểu khác nhau sẽ dẫn tới các khuyến nghị về chính sách rất khác nhau.

Đóng góp của Sargent và Sims

Và ở đây ghi nhận dấu ấn đóng góp của Sargent và Sims. Các phương pháp thực nghiệm do hai ông phát triển trong nhiều năm đã cho chúng ta cách để phân tích và phát hiện các quan hệ nhân quả này một cách chính xác. Từ đó, có thể rút ra các khuyến nghị chính xác về chính sách kinh tế. Hai ông đi theo hai con đường khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau, và kết hợp lại trở thành một bộ công cụ phân tích tuyệt vời cho giới nghiên cứu kinh tế vĩ mô thực nghiệm.

Thomas Sargent là cha đẻ của cách tiếp cận kinh tế vĩ mô định lượng theo hướng cấu trúc (structural macroeconometrics). Ông đã chỉ ra cách phân tích các mô hình kinh tế vĩ mô hiện đại dựa hoàn toàn trên nền tảng của kinh tế học vi mô và ông đã chỉ ra hiệu quả tuyệt vời của phương pháp này trong nhiều ứng dụng khác nhau. Nói một cách tổng quát hơn, Sargent đã đi tiên phong trong việc nghiên cứu thực nghiệm về sự hình thành kỳ vọng. Ông không những chỉ cho người ta thấy kỳ vọng quan trọng thế nào trong các phân tích kinh tế vĩ mô, mà còn đi đầu trong các nghiên cứu về việc hình thành kỳ vọng. Ông đã áp dụng các phương pháp này vào việc nghiên cứu về chính sách tiền tệ và rút tỉa được những kết luận quan trọng cho nghiên cứu về chính sách tiền tệ thông qua các phân tích của ông về lịch sử lạm phát của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Christopher Sims phát triển một phương pháp phân tích được gọi là vector autoregression (VAR) – một công cụ phân tích thực nghiệm – để phân tích việc nền kinh tế phản ứng như thế nào với các thay đổi ngắn hạn về chính sách và các yếu tố khác. Sims dẫn đầu trong việc ứng dụng phương pháp VAR vào phân tích các chuỗi số thiệu thời gian (time series), trong dự đoán, và trong phân tích chính sách. Ông và nhiều người khác đã áp dụng phương pháp này vào phân tích nhiều vấn đề khác nhau, thí dụ, các tác dụng của việc Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất. Thường thì nó sẽ mất khoảng một vài năm để lạm phát hạ nhiệt, trong khi nền kinh tế lại giảm tốc độ tăng trưởng dần dần ngay từ trong ngắn hạn và sẽ không quay lại con đường tăng trưởng cũ trong vài năm sau khi chính sách nâng lãi suất đã bị dỡ bỏ.

Mặc dù Sargent và Sims thực hiện các công trình nghiên cứu của mình một cách độc lập, các đóng góp của hai ông có thể bổ sung cho nhau về nhiều mặt. Gộp chung lại, các đóng góp của hai ông không chỉ thuần túy là trung tâm của tất cả các nghiên cứu vĩ mô định lượng, mà hơn thế không thể tưởng tượng nổi các nghiên cứu vĩ mô định lượng của ngày hôm nay sẽ như thế nào nếu thiếu các nghiên cứu của hai ông. Các phương pháp do hai ông đề xuất trong các thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước hiện nay được giới học giả và các nhà hoạch định chính sách sử dụng rộng rãi khắp nơi trên thế giới.

Với các cống hiến lớn lao như vậy, hai ông đã được Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển trao tặng Giải Nobel Kinh tế của năm 2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét