Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Chuyện ba bố con “người rừng” sống cuộc sống “tiền sử”

Ngày Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Chuyện ba bố con “người rừng” sống cuộc sống “tiền sử”
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Hệ thống chính trị ở địa phương đâu
mà để người dân sống như thế này:

Chuyện ba bố con “người rừng” sống cuộc sống “tiền sử”

(Phunutoday) - Hai lần cưới vợ nhưng cuối cùng ông Sùng A Páo (không rõ tuổi, người dân tộc Mông, Nà Bon, Mông Ân, Bảo Lâm, Cao Bằng) vẫn đơn bóng với hai đứa con nhỏ trong “lỗ đá”. Ngày ngày, A Páo chặt cây lấy gỗ cho đứa con trai A Lự (7 tuổi) vác qua mấy khúc suối, mấy quả đồi xuống chợ thị trấn bán lấy 10 nghìn đồng mua hai gói mì nuôi sống một gia đình ba miệng ăn. Có lần, gặp  trận mưa lớn liên tiếp, không xuống núi được, cả ba bố con chỉ biết chui trong lỗ đá ôm nhau nhịn đói chờ ngày mưa chóng qua.

Đường lên đỉnh núi 


Sau chuyến công tác sáu ngày, ông Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề nhân đạo, tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam (số 25, ngách 48 Ngõ Linh, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội) hồ hởi khoe với chúng tôi đoàn công tác do ông dẫn đầu vừa từ Cao Bằng về lúc 2 giờ sáng. Chuyến đi đã thành công tốt đẹp khi đưa được ba bố con A Páo dời hốc đá về Hà Nội.


"Cái duyên khi tôi biết đến bố con anh Páo là khoảng tháng 6, tôi đọc một phóng sự trên báo. Đọc bài báo viết về 3 cha con người dân tộc Mông ở Cao Bằng sống trong khe đá mà không sao quên được. Tôi ấn tượng nhất là những bức ảnh chụp cháu bé 3 tuổi ở trần, không mặc áo quần lê la đất cát.
 
Bên cạnh đó là hình ảnh cháu trai lớn hơn, 8 tuổi vác bó củi đi bán. Cậu bé ấy hằng ngày kiếm củi, vác đi bán được 5 – 10 nghìn đồng mua đồ ăn về nuôi cả 3 bố con. Tôi cứ ám ảnh về việc có những ngày mưa, 3 ngày liền 3 bố con ấy không có gì ăn. Người lớn thì chịu được chứ trẻ con sao chịu thấu. Tôi không khỏi cảm động và đã liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng, xin đón gia đình họ về Trung tâm"- ông Hải chia sẻ.
Bà Hằng xuống tận nơi xem nơi ăn chốn ở của ba bố con
Bà Hằng xuống tận nơi xem nơi ăn chốn ở của ba bố con

Người đầu tiên phát hiện “gia đình người rừng sống trong khe đá” là một bé gái học cấp hai. Nhà gần chợ, ngày nào em cũng thấy một bé trai chừng 7 tuổi vác bó củi dài khoảng 2m trên vai, xiêu vẹo mang xuống chợ bán, đổi đồ ăn về nuôi cha già, em nhỏ. Nhiều hôm đói quá, Lự lả đi trên đường, may mắn gặp người tốt bụng bế về nhà cho ăn, cho uống rồi khi tỉnh, cậu lại tiếp tục mang củi đi bán. Thấy cậu bé tội nghiệp, người ta thay nhau mua với giá 10.000 đồng. Mua là vậy, song họ cũng không biết dùng vào việc gì khi mà nhà nào cũng dùng bếp gas.

Cô bé học cấp hai đã cùng vài người bạn gom tiền lại cho cậu bé rồi theo chân cậu về tận nhà. Quãng đường đi bộ từ chợ về đến nhà cậu bé mất hơn một giờ đồng hồ, đường lổn nhổn đá, qua vài con suối, có những đoạn phải trèo leo khổ sở. Tới nơi, cô bé ngỡ ngàng trước cuộc sống của A Lự cùng người cha già và đứa em nhỏ lúc nào cũng trần như nhộng trong vách đá.


Cô bé lấy điện thoại quay lại cảnh “lỗ đá” hoang sơ của ba bố con “người rừng” rồi mang về cho bố mình xem. Rồi đoạn clip đó đến tay chị Hoài Phương, phóng viên đài truyền hình Cao Bằng. Chị đã rớt nước mắt trước hình ảnh tội nghiệp của ba bố con “người rừng” và bắt đầu đi tìm nguồn cơn nỗi cùng cực của họ.


Đó là hình ảnh của những người trong gia đình Sùng A Páo (không rõ tuổi, người dân tộc Mông, Nà Bon, Mông Ân, Bảo Lâm, Cao Bằng). Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, A Páo khoe: “Trước ta cũng có nhà cửa đàng hoàng từ nguồn ngân sách 135 của Đảng và Nhà nước xây dựng cho”. Sau một thời gian không được tu sửa, ngôi nhà trở nên dột nát, không còn ở được nên A Páo bán mái được 80 nghìn đồng, một người mua mấy tấm cỏ tranh cũ lợp trên mái, một người mua cọc gỗ.


“Nhà ấy cũng rách đến mức không ở được nữa, trong khi họ đòi tiền nợ ghê quá, ta đành phải bán. Cái nền nhà cũng của người khác mà” – lời ông Páo. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, ông lại thừa nhận: “Mái nhà cũng cũ, rách nát rồi nên ta chỉ bán được 20 nghìn đồng đổi lấy hai chai rượu để uống”. Nhà bán, đất không phải của A Páo, không còn chỗ sinh sống, A Páo liền dắt vợ con lên đỉnh núi tìm một “lỗ đá” để ở.


Sùng A Páo có hai đời vợ, vợ hai ông lấy cách đây khoảng 9 năm, người vợ này sinh năm 1984 có với ông ba đứa con nhưng một đứa đã chết vì ngộ độc thức ăn (do quá nghèo lại không hiểu biết nên A Páo mua hai con cá ươn về nấu cho con ăn, ăn xong đứa bé bị tiêu chảy rồi qua đời). A Páo và vợ hai chỉ nuôi được Sùng A Lự (sinh năm 2003) và Sùng A Đại (sinh năm 2008).


Hằng ngày, vợ A Páo vác củi xuống chợ bán đổi lấy tiền mua rau, mua gạo. Nhưng khi A Đại được một tuổi thì vợ A Páo bị mấy người bên “Mèo Vạc” tìm tới làm quen, dụ dỗ rồi một hôm họ đưa vợ A Páo ra chợ cho ăn bát phở, cho tắm rửa, cho quần áo mới rồi đưa lên xe máy sang Trung Quốc bán. Nghe đâu cô vợ này của A Páo bị bán cho một người đàn ông già (78 tuổi) người Trung Quốc, A Páo kể lại. Từ đó A Páo sống cảnh “gà trống nuôi con”.


Đang dở câu chuyện thì bỗng nhiên A Páo thần mặt ra một lúc, rồi lẩm bẩm khoe: “Ta ở lỗ đá, 2 con gà, 1 con biết gáy rồi, 1 con được 2 cân ấy” rồi lại ngồi thừ mặt. Có lẽ A Páo đang nhớ về “ngôi nhà” cũ của mình. Khi nói chuyện với A Páo thì chúng tôi may mắn gặp được “phiên dịch” – bà Hoàng Thị Bình, Chủ tịch MTTQ tỉnh Cao Bằng. Bà Bình trong chuyến công tác Hà Nội nghe tin trung tâm ông Hải đón bố con A Páo về đã tới tận nơi, “mục sở thị” nơi ăn ở của cha con A Páo. Bà Bình phiên dịch lời A Páo rằng, anh có 2 đời vợ.


Đời vợ trước, sinh cho A Páo được 8 người con (tất cả đều ở khu Bảo Lâm) thì đi theo người đàn ông khác rồi không hiểu sao lại ăn lá độc tự tử. Mấy đứa con của vợ trước nay đã lớn, A Páo có cháu nội lớn bằng 2 đứa con anh bây giờ. Sau khi vợ nhỏ bị lừa đi Trung Quốc, mất nhà, cha con A Páo lên khe núi ở.


Ở đó lạnh và đói, họ về nhà con trai của vợ lớn tá túc nhưng không được bao lâu thì bị đứa con dâu đánh đuổi, không cho bố con A Páo ở nên cả 3 lại rồng rắn quay lại hang đá và sống cho tới hôm nay. Đài Truyền hình Cao Bằng có phóng sự về cha con A Páo và đã có nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ. Bà Bình hứa, số tiền mà nhà hảo tâm giúp xây nhà cho A Páo sẽ được gửi tiết kiệm, để cha con họ giữ gìn.


Anh Giáp Văn Chiến, một cán bộ trung tâm biết nói tiếng Mông, cũng là một thành viên trong đoàn công tác, kể lại: “Chúng tôi phải đi bộ 1 tiếng rưỡi đồng hồ mới lên được tới khe núi nơi anh A Páo ở. Đường đi vất vả như vậy mà hằng ngày cháu A Lự đi bộ, vác củi được thì thật giỏi.


Tôi vẫn hình dung ra một hang đá ẩm thấp nhưng không ngờ, nó lại hoang sơ đến khó tả. Đó là một khe nhỏ có một phiến đá lớn nhô ra, mưa vẫn có thể hắt vào trong. Tôi rất xúc động khi nhìn cái sạp đan bằng nứa làm giường của 3 cha con. Cạnh đó là cái xoong. Trong nhà không có gạo, không có mì gì cả. Nhìn xoong họ để, có lẽ lâu lắm họ không nấu cơm. Nhìn kỹ hơn, tôi thấy vài sợi mì vương gần nơi nằm ngủ. Tôi đoán họ chỉ ăn mì…”


Con đường về xuôi


Ông Hải vui vẻ cho biết, trước khi đoàn vào đón, đã có nhiều ban ngành vào vận động A Páo đi Hà Nội. Lúc đầu anh này đồng ý, sau lại thôi. A Páo sợ bị dẫn đi xa, mất con. Chủ tịch xã phải vào, hứa với A Páo là đi Hà Nội có cơm ăn, áo ấm mặc, bọn trẻ được đi học thì cuối cùng A Páo mới đồng ý.


Đưa được ba bố con ra xe, A Đại lại không chịu “lên con trâu lớn” (ôtô của đoàn công tác) vì sợ. Lại một lần nữa đoàn công tác phải dỗ dành, động viên đứa trẻ. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, đoàn công tác cũng như chính quyền địa phương đã đưa được ba bố con A Páo về Hà Nội, tìm đường mưu sinh cho ba bố con. Ông Hải cho biết đã lên kế hoạch cụ thể cho ba bố con A Páo: “Đầu tiên xếp cho ba bố con ở cùng nhau để học tiếng Kinh.

d
Ông Hải đưa ba bố con về nơi ở mới

Sau đó sẽ xin cho A Páo làm bảo vệ cho một công ty với hy vọng sẽ kiếm được vài triệu tiền lương mỗi tháng. Số tiền này sẽ tiết kiệm lại để vài năm nữa cho ba bố con họ hồi hương, ổn định nơi ăn chốn ở. Riêng hai cháu bé, khi nào thông thạo tiếng Kinh sẽ cho đi học chữ, học nghề để biết cách lao động kiếm sống”.

Khuôn mặt rạng rỡ A Páo tâm sự: “Ta chỉ buồn vì chưa biết tiếng không biết nói chuyện với ai chứ ta vui lắm, ta không về lỗ đá nữa, ta ở đây thôi, cho hai con trai lấy cái vợ rồi chết luôn ở đây không quay về lỗ đá nữa đâu”.


Người đàn ông lớn tuổi ấy luôn nhìn 2 đứa con âu yếm. Khó có thể diễn tả cảm xúc của A Páo khi nhìn thấy hai con được cán bộ Trung tâm dạy nghề nhân đạo tặng cho dép và quần áo mới. Được thay bộ quần áo mới, hai cậu bé cứ ngó nhìn rồi tủm tỉm cười. A Lự lớn hơn, biết vào phòng tự thay quần áo rồi bẽn lẽn đi ra ngoài. Ba cha con ai cũng có quần áo, dép mới nên cứ ngượng nghịu nhìn nhau. Bữa cơm đầu tiên ở Trung tâm dù khá đạm bạc nhưng với ba bố con A Páo, có lẽ đó đã là một đại tiệc.


Ông Trần Duyên Hải, giám đốc Trung tâm Dạy nghề nhân đạo cảm động ngây người đứng ngắm ba bố con họ hăm hở ăn cơm. Giờ thì ông đã yên tâm khi mưa gió bố con A Páo cũng không còn bị đói, bị rét như trước nữa. Mùa đông năm nay, bố con ông đã có chăn ấm nệm êm để ngủ, không phải co ro dưới nền đất lạnh trong cãi “lỗ đá’, sống cuộc sống của “người tiền sử”.


Kim Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét