Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Cân đối vĩ mô thêm căng thẳng vì đầu tư dàn trải

Ngày Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Cân đối vĩ mô thêm căng thẳng vì đầu tư dàn trải
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Cân đối vĩ mô thêm căng thẳng vì đầu tư dàn trải

SGTT.VN - Cân đối cung – cầu tổng thể của nền kinh tế nhiều năm mất cân đối, do nhu cầu đầu tư quá lớn, trong khi nguồn lực còn hạn chế. Tình trạng đầu tư dàn trải càng gia tăng áp lực căng thẳng lên cân đối vĩ mô.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chia sẻ với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị bên hành lang Quốc hội.
Bởi vậy, theo phó Thủ tướng, tái cơ cấu đầu tư công được xác định là một trong ba khâu đột phá trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thưa phó Thủ tướng, nghị quyết 11 của Chính phủ đã chỉ đạo phải quyết liệt cắt giảm chi tiêu công. Tuy nhiên, dự toán ngân sách năm 2011 cho thấy, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn vượt dự toán 9,7% (70.400 tỉ đồng), chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán và tăng 15,1% (23.000 tỉ đồng). Chính phủ giải trình với Quốc hội như thế nào về việc tăng chi này?
Về xây dựng hạ tầng, sẽ theo hướng theo hướng giảm dần đầu tư công, tăng cường huy động vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Ảnh:lắp dầm Nielsen cầu Bình Lợi, công trình do tập đoàn GS (Hàn Quốc) đầu tư. Ảnh: Từ An
Về việc chi NSNN nói chung, về tổng thể phải giảm. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế điều hành, có những khoản tăng chi luật Ngân sách cho phép. Chẳng hạn như nguồn thu từ đất đai của các địa phương, nếu tăng lên, có điều kiện để tăng đầu tư trở lại là tốt. Quan trọng là chúng ta phải cân đối được nguồn lực.
Hay đối với chi thường xuyên, khoản tăng thêm 50% là chi cho tiền lương. Tuy nhiên, hệ thống số liệu báo cáo của chúng ta hiện nay thể hiện phân bổ theo lĩnh vực. Do vậy, phần chi cho lương tăng thêm, nhưng đối với cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực y tế thì được tính vào chi cho lĩnh vực y tế. Các lĩnh vực khác cũng được thống kê tương tự như vậy. Và khi tổng hợp chung lại tất cả các lĩnh vực như y tế, giáo dục, khoa học… đều tăng chi so với kế hoạch.

Thêm ví dụ nữa, hiện chúng ta đang dự toán ngân sách cho năm 2012, nhưng chưa thể biết sang năm bão đổ vào khu vực nào, thiệt hại bao nhiêu tiền để xây dựng kế hoạch cho khoản chi này. Do vậy, chúng ta phải có một khoản dự phòng – luật cho phép – để xử lý những khoản chi phát sinh tương tự. Và khi có thiên tai, bão lũ xảy ra, nếu có sập cầu, đường, cống… chúng ta phải bỏ tiền để khắc phục hậu quả, và khoản này sẽ được tính vào chi sự nghiệp kinh tế hoặc giao thông; nếu sập, hỏng trường học, khoản chi sẽ được tính vào lĩnh vực giáo dục… Và cuối năm, tổng hợp lại, các con số rõ ràng thể hiện là tăng chi, nhưng các con số hay báo cáo không phải lúc nào cũng thể hiện hết được nguyên nhân tăng chi, việc tăng chi đó có đúng hay không…
Nhìn một cách khái quát tình hình thực hiện dự toán ngân sách năm 2011, ta thấy rằng tổng phát hành trái phiếu không tăng; tổng bội chi không tăng (bội của chúng ta chủ yếu cho đầu tư). Còn nếu khai thác từ nguồn thu trong nước, từ nội lực để tăng chi là hợp lý.
Đi vào chi tiết, hiện tượng chi vượt dự toán, chi chưa đúng nguyên tắc cũng có xảy ra ở một số bộ, ngành, địa phương, nhưng chúng ta phải xem có là phổ biến? Nếu chưa phân tích đầy đủ, thấu đáo mà kết luận ngay một câu thì dễ thành chuyện Chính phủ chi tiêu tuỳ tiện, bừa bãi.
Uỷ ban Tài chính ngân sách quốc hội cho rằng, Chính phủ chưa thực hiện nghiêm túc việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới cũng như chưa khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải và viện dẫn bằng nhiều con số biết nói. Chính phủ sẽ làm gì để khắc phục tình trạng mà các đại biểu Quốc hội cho rằng “năm nào cũng nói hoài” này?
Việc mở rộng đầu tư công lớn cả phạm vi Trung ương và địa phương thời gian qua, đã cải thiện được phần nào hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, có thực tế là các cấp, các ngành phê duyệt quá nhiều dự án vượt quá khả năng nguồn vốn của ngân sách cấp mình, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm… khiến đầu tư dàn trải, bị động, kéo dài thời gian, gây lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư.
Như vừa qua, tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, nhu cầu vốn trái phiếu chính phủ cần thiết để hoàn thành các dự án đã được Quốc hội phê duyệt trong năm năm 2011 – 2015 lên tới trên 400.000 tỉ đồng, trong khi dự kiến huy động chỉ đáp ứng được 36%. Do vậy, Chính phủ xác định, tái cơ cấu đầu tư, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, đổi mới phân cấp đầu tư, dựa trên một số nguyên tắc, như: đối với nguồn vốn NSNN, trái phiếu chính phủ, phải tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng không thu hồi được vốn, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư khi đã xác định rõ về nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn ở từng cấp ngân sách, đi kèm đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý trường hợp vi phạm cơ chế quản lý đầu tư. Mặt khác, chúng ta từng bước phải điều chỉnh cơ cấu theo hướng giảm dần đầu tư công, tăng cường huy động vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Cùng với đó, chúng ta cũng phải nỗ lực đảm bảo nguồn thu, tăng thu, xây dựng dự toán ngân sách dựa trên kết quả đầu ra thay vì các yếu tố đầu vào như hiện nay…
Ba mũi nhọn tái cơ cấu liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành khác nhau. Nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế sẽ được bắt đầu từ đâu, bước đi như thế nào và tương tác với nhau ra sao, thưa phó Thủ tướng?
Chương trình tổng thể, Chính phủ sẽ phải bàn bạc, thống nhất, nhưng theo nguyên tắc, lĩnh vực cần tái cấu trúc thuộc lĩnh vực nào, ngành đó phải là trụ cột. Như tái cơ cấu doanh nghiệp, chúng ta đặt trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta sẽ phải rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động, hiệu quả các doanh nghiệp này thời gian qua; làm rõ nguyên nhân thua lỗ lớn; từ đó hoàn thiện cơ chế, chính sách, con người; cổ phần hoá, sắp xếp… Để thực hiện những công việc đó, bộ Tài chính là đầu mối và các bộ, ngành, địa phương đều phải sát cánh cùng làm. Tương tự như vậy là nhiệm vụ tái cơ cấu thị trường tài chính ngân hàng.
Tái cơ cấu kinh tế được xác định gắn bó chặt chẽ với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, do đó đòi hỏi phải được triển khai thực hiện trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở.
Cảm ơn phó Thủ tướng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét