Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Thần Tháp Lừa

Ngày Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Thần Tháp Lừa
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Thần Tháp Lừa

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA ngày 20111019

Lời ảo mà lỗ thật   

* AFP photo: Bảng điện thể hiện chỉ số chứng khoán
Việt Nam tại tòa nhà Vietcombank. Ảnh minh họa.*

Mấy ngày qua, dư luận tại Việt Nam lại bị chấn động về một vụ lừa đảo khổng lồ có thể lên tới nghìn tỷ.  

Qua báo chí thì có chi tiết gây chú ý là nghi can, bà Huỳnh Thị Huyền Như, vốn là một "đại gia" trong ngành ngân hàng và đầu tư cổ phiếu, đã từng nhận trả lãi đến năm bẩy phân một tháng nên được nhiều người ham lời mà góp vốn cho vay để đầu tư rồi mất sạch. 

Chi tiết ấy khiến ta liên tưởng đến các đề tài "Đi Vay Lãi" và "Đem Tiền Đầu tư" mà mục "Diễn đàn Kinh tế" mới trình bày. Chúng tôi trao đổi về vụ này với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Hẳn là ông có theo dõi tin tức về vụ lừa đảo vừa bị đổ bể tại Việt Nam liên hệ đến một phụ nữ được coi là "đại gia" trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán. Chúng tôi nhớ rằng trong đề tài "Đi Vay Lãi" hôm 28 tháng Chín ông nêu ra sự kiện nhiều người cho vay lãi tới 5-7 phần trăm một tháng mà tưởng là đầu tư, hóa ra chỉ là đầu cơ và bị lừa. Ông giải thích thế nào về chuyện đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Đây chỉ là một trong nhiều vụ lừa đảo mà tôi xin gọi là "Thần Tháp Lừa" cho bà con dễ nhớ! Có mặt thì đặt tên, trước hết là về tên gọi: ta đều có thể biết tập truyện "Thần Tháp Rùa" rất nổi tiếng của nhà văn và kịch tác gia Vũ Khắc Khoan đã quá vãng. Bây giờ, rất phàm tục và hiện đại thì ta có chuyện "Thần Tháp Lừa".

- Trong chuyện này, chữ "lừa" hàm ý lừa đảo mà cũng có nghĩa là con vật thường bị coi là khờ dại, là những kẻ khờ dại nên bị lừa. Cái "tháp" ở đây là biểu hiện của mô hình lừa gạt thật ra khá thịnh hành mà đôi khi người ta gọi là "Mô hình Ponzi" do tên của một tay đại bịp người Ý vào thế kỷ trước. Thật ra trò Ponzi lại hơi khác một chút. Còn chữ "thần" thì ám chỉ khả năng mê hoặc của kẻ đi lừa, tại Việt Nam ngày nay thì đó cũng phải là tay có thần thế! Cho nên ta phải cùng tìm hiểu để mong là tránh được hiện tượng này, vốn thường xảy ra khi kinh tế suy trầm.

 Phương thức lừa gạt


Vũ Hoàng: Có lẽ ông vừa phát minh ra một từ mới mà nếu nghĩ lại thì cũng dễ nhớ! Nhưng xin hỏi thêm rằng ông có biết chi tiết nào khác về vụ lừa đảo này không?

Nguyễn Xuân Nghĩa:
Làm sao mà mình có thể biết chi tiết khi nhà cầm quyền còn đang điều tra!
 
- Tôi chỉ biết rằng âm mưu này xảy ra từ ba bốn năm rồi và nay mới đổ bể. Ông thần đã thăng thiên ở phía sau là một nhân vật mà nhiều nguồn tin đưa ra cái tên là P. Đó là người đã dựng ra cái tháp. Khi thấy tháp rung rinh, ông thần bèn bán cái cho một nữ đại gia tên tuổi như cồn. Ta đoán rằng cô này chỉ là một cái khoen trong một vòng liên hoàn chằng chịt và thật ra số tiền lừa đảo có thể lên tới bốn nghìn tỷ như người ta đồn còn là ít vì ta mới chỉ thấy 190 triệu đô la bốc hơi chứ sự thật có khi vĩ đại hơn nhiều.

- Đáng chú ý nhất trong chuyện là những người bị lừa đều thuộc giới có máu mặt, dày kinh nghiệm và cũng có chức có quyền chứ không phải là một bà già bán hàng xén ngoài đầu chợ. Nhưng ta nên nhìn sâu hơn vào cái kiểu đi lừa này vì đằng sau chuyện kinh doanh bất cẩn còn có vấn đề kinh tế bất trắc của quốc gia nữa.

Vũ Hoàng: Như vậy, xin đề nghị là ta sẽ đi lại từ đầu. Thế nào là lối lường gạt theo một hình tháp như ông vừa mới nói?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, đây là một sự lường gạt trong thị trường "đầu tư tài chính" hay "đầu tư gián tiếp" như chúng ta mới trình bày tuần trước. Phương thức lường gạt là giả dạng đầu tư sản xuất để kiếm lời và chia lời cho người ứng tiền.

- Khi khởi sự xây tháp thì kẻ gian nói đến một hay nhiều dự án kinh doanh rất có lời và moi tiền túi ra trả cho chủ nợ ban đầu một khoản lời cao hơn điều kiện của thị trường, đấy là bước nhử. Người cho vay thấy có lời lớn thì cho vay nữa, lại còn mời người khác châm thêm tiền. Từ đấy, kẻ gian lấy tiền do người nạp sau để trả lãi cho người nạp trước. Từ một thành hai, hai thành bốn, số người đem tiền xây tháp gia tăng lũy thừa, mà nền móng giả định là một cơ sở đầu tư sản xuất lại không có. Nếu không có thì sinh lời đâu ra mà trả, đấy là một sự gian manh về pháp lý.

Phương thức lường gạt là giả dạng đầu tư sản xuất để kiếm lời và chia lời cho người ứng tiền.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

- Trong suốt tiến trình xây lên cái tháp ảo đó, kẻ gian thường xuyên phù phép như thần để mê hoặc nạn nhân về khả năng tài chính lớn lao của mình, bằng nhiều cách phô trương rất bắt mắt. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, người người giao tiền nộp mạng cho đến khi kẻ gian ôm tiền biến mất. Muốn đoán ra là khi nào thì biến mất thì ta lại nói về chuyện "nhân", "duyên".

- Một cái tháp mà không có nền móng tất nhiên phải đổ, đó là cái "nhân", nguyên nhân tất yếu. Nhưng khi nào đổ thì đấy là cái "duyên", là thời cơ. Thông thường thì tháp đổ và vụ lường gạt đổ bể khi kinh tế suy trầm, hoàn cảnh kinh doanh hay vay mượn trở thành khó khăn. Nếu nhiều tháp lại đan xen vào nhau thì ta có hiện tượng đổ dàn, phá sản dây chuyền.

 

Do đầu cơ



000_Hkg4609879-200.jpg
Khách hàng gửi tiền tại một ngân hàng thương mại ở Hà Nội hôm 23/2/2011. AFP photo
 
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày, chuyện này thường đổ bể khi kinh tế suy trầm. Thính giả có thể muốn biết thêm là có liên hệ gì giữa chuyện lừa đảo bất thường của một nhóm người và sinh hoạt kinh tế bình thường của đa số còn lại?
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Cái tháp của sự lừa lọc này dựa trên một kỳ vọng tâm lý là đầu tư sản xuất để kiếm lời. Khi kinh tế thịnh đạt thì ai cũng lạc quan nghĩ đến triển vọng kiếm lời và nếu trao tiền cho người khác làm ăn mà được chia lời thật cao thì ai mà chả thích? Khi kinh tế sa sút thì số tiền khả dụng trên thị trường cho yêu cầu đầu tư có giảm. Mà nếu thiếu người mới để châm thêm tiền cho kẻ gian chia lời như đã hứa hẹn với những người cũ thì cái tháp lừa đó rung rinh.

- Hoàn cảnh kinh tế khó khăn và đầy rủi ro tại Việt Nam chính là cái duyên. Có lẽ vì vậy mà ông "Thần Tháp Lừa" kia đã kín đáo trao lại cơ sở cho nữ đại gia này từ năm ngoái. Một năm sau thì tháp đổ vào đầu Tháng 10. Nhân đây, cũng xin nhắc đến tay đại bịp khét tiếng của Hoa Kỳ là Bernie Madoff đã bị án tù tối đa là 150 năm vào Tháng Sáu năm 2009. Ông ta là tài phiệt có thế giá và đã xây tháp lừa bịp có lẽ mấy chục năm mà vẫn thoát. Đến khi kinh tế Mỹ bị suy trầm lồng trong vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 thì mới cạn láng và chuyện lừa gạt mới đổ bể. Chúng ta chỉ ngạc nhiên là vì sao báo chí tại Việt Nam đã tường thuật rất nhiều về vụ Madoff này mà vẫn có người bị lừa?

Vũ Hoàng: Phải chăng là do lòng tham khiến nhiều người bị mờ mắt?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta phải trở lại từ căn bản: động lực của đầu tư là kiếm lời, bảo rằng nhà đầu tư có máu tham thì có khi ta nhìn sai vấn đề. Nhưng trong đầu tư thì phải có rủi ro và cân nhắc rủi ro với triển vọng sinh lời phải là phản ứng thận trọng tự nhiên. Trong chuyện này, nạn nhân đã mất phản ứng đó và tính chuyện đầu cơ. Đầu tư khác với đầu cơ ở đó.

Vũ Hoàng: Nhưng dù sao theo như dư luận được biết thì nạn nhân chủ yếu lại là người có kinh nghiệm và thế lực trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán. Vì sao chính họ cũng bị lừa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có lẽ là do hoàn cảnh khá đặc biệt của vụ lường gạt.

- Trước hết, nhân vật chủ chốt xưa kia là tay lão luyện trên sàn giao dịch chứng khoán loại trao tay giữa hai người mua và bán, là OTC, ở Việt Nam gọi là "chưa niêm yết". Đấy là một sàn có rủi ro lớn của đầu cơ nhưng hấp dẫn chính là do sự hoang dã của nó và Việt Nam nên nghiên cứu lại về luật lệ cho loại giao dịch này.

- Hai năm trước, khi chứng khoán Việt Nam tuột đáy, đương sự bắt đầu huy động tiền từ các nhà đầu cơ trên sàn OTC với luận điệu là cần nhiều tiền giúp các khách nợ ngân hàng có thể đảo nợ. Khi ấy, mồi nhử là trả lãi mỗi tháng từ sáu đến bảy phân rưỡi (6-7,5%). So với lãi suất ký thác của ngân hàng thương mại chỉ có 1,6% một tháng thì khoản lời quả là hấp dẫn.

- Trong năm đầu, các chủ nợ được trả lãi rất xộp nên nhiều cơ sở tài chính như ngân hàng hay công ty chứng khoán mới nhảy vào với tinh thần cướp lấy cơ hội làm giàu. Ta nhớ rằng khi ấy chuyện đầu cơ trên thị trường chứng khoán đã hết ăn vì cổ phiếu mất giá nên nhiều người xem lời mời này là cơ hội đầu cơ mới. Tương tự như khi cổ phiếu tuột giá thì người ta chạy qua đầu cơ trên thị trường địa ốc.

Nhưng trong đầu tư thì phải có rủi ro và cân nhắc rủi ro với triển vọng sinh lời phải là phản ứng thận trọng tự nhiên. Trong chuyện này, nạn nhân đã mất phản ứng đó và tính chuyện đầu cơ.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

- Hoàn cảnh kế tiếp là vai trò của nữ đại gia đang bị điều tra. Đó là nhân vật nổi tiếng trong thị trường, có chồng làm ngân hàng, bản thân cũng làm việc trong ngân hàng và sáng lập ra công ty chứng khoán nên càng dễ gây niềm tin. Vốn là thân chủ hạng sang của các ngân hàng và công ty chứng khoán, khi cô ta nói là cần đi vay thì ai cũng sẵn sàng, thậm chí tranh nhau cho vay. Một công ty chứng khoán còn cấp cho cô một tài khoản trị giá 300 tỷ đồng, bằng với khả năng tài trợ của cả công ty! 

- Thấy vẫn được trả tiền hẳn hoi nên các công ty và ngân hàng khác cùng nhảy vào chi tiền xây tháp. Đến khi cả thị trường cổ phiếu và bất động sản đều đình đọng thì nữ đại gia này hết khả năng trả nợ. Bị chủ nợ truy lùng với bàn tay của xã hội đen thì cô ta đành ra đầu thú.

 Ai là nạn nhân?


000_Hkg2321929-250.jpg
Các nhà đầu tư đang ngồi trò chuyện tại sàn giao dịch chứng khoán TPHCM vào ngày 21/4/2009. AFP photo
 
 
Vũ Hoàng: Như vậy thì chúng ta có thể hiểu ra một yếu tố then chốt trong vụ này. Đó là quan hệ và khả năng phô trương một mặt bằng tài chính rất rộng rất chắc của nghi can. Phải chăng vì vậy mà chính các ngân hàng và công ty chứng khoán mới bị mắc lừa?
 
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Mọi chuyện lường gạt đều phải hư hư thực thực, mà nhờ tư cách đại gia đang có cơ hội làm ăn rất lớn nên phần thực này lại càng có vẻ như thực! Đâm ra chính những người điều khiển các công ty chứng khoán và ngân hàng dày kinh nghiệm cũng chỉ là các nhà đầu cơ bị cháy túi. Phần còn lại là bị mất bao nhiêu và hậu quả sẽ ra sao cho các cổ đông và công chúng thì mình còn phải chờ đợi kết quả điều tra, nếu có điều tra và kết quả được công bố!

- Do hoàn cảnh mờ ảo của vụ lường gạt, có lẽ ta nên suy nghĩ tiếp về hiện tượng mà diễn đàn chuyên đề này nhắc đến vào cuối tháng trước. Đó là nạn cho vay lãi với giá cắt cổ, như năm bẩy phân một tháng tức là lên đến 60 hay gần 90% một năm. Không ai có thể vay tiền đầu tư như mượn cái đòn bẩy với một mức lời thắt họng như vậy mà chỉ có thể đầu cơ thôi. Nhưng luật lệ có cho phép như vậy không? Mà nếu chính quyền cũng lại là một ông Thần Tháp Lừa thì sao? Cho nên từ chuyện kinh doanh ta cần trở về vấn đề kinh tế.

Vũ Hoàng: Và có lẽ đấy mới là kết luận của ông?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Lường gạt xảy ra nhờ sự hứa hẹn không thật nhưng bản chất vẫn là lấy từ người này cho người kia để gợi lòng tham. Lối hứa hẹn đó thì các chính quyền độc tài đều là chuyên nghiệp mà chẳng ai dám cãi. Đó là một lẽ. Lẽ thứ hai, ta nên e rằng cả sự phồn vinh giả tạo của Việt Nam và Trung Quốc cũng chỉ là cái tháp không có cơ sở bền vững bên dưới nên sẽ có ngày sụp. Lãnh đạo hai xứ này có khi cũng chỉ là những ông Thần Tháp Lừa!

- Như Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 6-7% chủ yếu là nhờ tín dụng bơm ra từ các ngân hàng của nhà nước. Ba năm qua, lượng tín dụng lên tới số vĩ đại là tương đương 100 tỷ đô la, bằng tổng sản lượng một năm, coi như mỗi năm tăng một phần ba nên mới gây ra lạm phát như ta đang thấy. Các ngân hàng lại bơm tiền cho các nghiệp vụ đầu cơ dễ bị lỗ hoặc tài trợ loại cơ sở có hiệu năng thấp mà quan hệ cao, là doanh nghiệp nhà nước, nơi mà việc bòn rút công quỹ là chuyện không ai kiểm soát được. Nếu lạc quan cho rằng các ngân hàng có thể mất một phần ba số tiền cho vay ra một năm thì Việt Nam mất 10% tổng sản lượng, cỡ 10 tỷ đô la! Thế thì tăng trưởng ở đâu ra sáu bảy tỷ đô la nếu không có tiền tươi do thân nhân gửi về? Ngân hàng Thế giới ước lượng số  tiền gọi là kiều hối cho năm ngoái là từ 7,2 đến tám tỷ đô la. Còn số tiền bị mất kia chạy đi đâu?

- Trường hợp Trung Quốc cũng thế mà Diễn đàn này đã phân tích qua bài "Trả Nợ Đậy" và "Chuyện Nợ Nần" được phát thanh từ Tháng Sáu vừa qua, đó là chính quyền địa phương mắc nợ các ngân hàng của nhà nước tại địa phương đến cỡ nào thì không ai biết và sẽ mất vốn ra sao khi mấy cái tháp này sụp đổ? Tiền mất vào đâu thì có lẽ phải hỏi mấy ông Thần Tháp Lừa!

Vũ Hoàng: Đài Á châu Tự do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét