Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Bao nhiêu ngân hàng là đủ?

Ngày Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Bao nhiêu ngân hàng là đủ?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


(Đất Việt) Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án tái cấu trúc toàn diện cho ngành ngân hàng, đồng thời khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới. Nhưng tái cấu trúc theo hướng nào để hệ thống ngày càng lớn mạnh đang là vấn đề nan giải. Kỳ 1: Ra ngõ gặp ngân hàng

Có quá nhiều ngân hàng nên tình trạng giẫm đạp, chồng chéo lên nhau là chuyện bình thường. Điều này dẫn đến kinh doanh không hiệu quả và gây rủi ro cho toàn hệ thống.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính đến cuối tháng 10, Việt Nam có trên 90 ngân hàng, trong đó có 39 ngân hàng thương mại cổ phần, 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 40 chi nhánh ngân hàng  nước ngoài, 5 ngân hàng  100% vốn nước ngoài và 5 ngân hàng liên doanh. Đó là chưa kể đến các công ty tài chính và tổ chức tín dụng khác.

Nhiều nhưng yếu

Tổng vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam không hề nhỏ, ước khoảng 10.000 tỷ đồng/mỗi ngân hàng. Dù số lượng nhiều và đa dạng về loại hình nhưng thực tế vốn cung cấp cho nền kinh tế lại chỉ có ở một số ít đơn vị (như tập trung tín dụng cho vùng nông thôn thì chỉ có Agribank, MHB…). Tuy nhiên, những ngân hàng này đang cố gắng giành thị phần ở thành thị, cạnh tranh với các ngân hàng ở những đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội.


Ngân hàng chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu vốn của người dân và nền kinh tế. Ảnh: N.Hữu.

Thực tế này càng thể hiện rõ qua việc cho vay từ đầu tháng 9 đến nay, khi hàng loạt ngân hàng dành nhiều nghìn tỷ đồng cho chương trình “ưu đãi vốn giá rẻ” như BIDV, Eximbank, ACB, Vietcombank, Agribank… với lãi suất 17 – 19%/năm, nhưng số lượng doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ được vay từ chương trình này là rất hạn chế. Không chỉ ngân hàng lớn bỏ qua các doanh nghiệp nhỏ mà những đơn vị bé hơn như HDbank, Nam Á… cũng chỉ hướng đến các khách hàng lớn. Vì thế, theo tính toán chưa đầy đủ của một chuyên gia kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt hiện chỉ đáp ứng nhu cầu vốn của khoảng 10% người dân và nền kinh tế.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến vỡ nợ tín dụng đen là do khó vay vốn từ ngân hàng. “Khi không vay được ở ngân hàng thì người ta chỉ còn cách tìm đến tín dụng đen. Ở các nước, muốn vay 4USD cá nhân cũng có thể tìm đến ngân hàng, còn ở ta thì phải vay nóng hoặc mượn bạn bè. Dường như dòng chảy tín dụng từ ngân hàng chỉ dành cho người giàu”, một chuyên gia ngành ngân hàng bức xúc.  

Thời gian qua, điểm yếu của các ngân hàng thể hiện rõ nhất ở công tác huy động vốn. Khi NHNN đưa ra trần lãi suất 14%/năm thì dòng tiền xuôi về các ngân hàng có thương hiệu. Khi đó, để tự cứu mình, các ngân hàng nhỏ lách trần lãi suất bằng cách trả lãi suất lên đến 19 - 20%/năm (tiền lãi sai quy định có thể được chuyển thẳng vào tài khoản khách hàng mà không có hóa đơn hoặc thông qua các giải thưởng, quà tặng…). Hậu quả là có đến 2 ngân hàng bị tuýt còi, bị cấm mở chi nhánh trong 1 năm và hàng loạt cán bộ bị cảnh báo, buộc thôi việc. Ngay tại thời điểm này, khi đã có 2 bài học xương máu trên nhưng vẫn có ngân hàng “vuốt râu hùm” lách trần lãi suất, chỉ có điều họ tinh vi hơn nên khó phát hiện hơn.  

Lớn không lớn, nhỏ không nhỏ

Khảo sát gần 40 ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy không đơn vị nào bỏ qua mảng cho vay bất động sản, mua xe hơi… Chưa hết, trong hàng loạt các sản phẩm tín dụng thì phần lớn giống nhau đến 90% và ngay cả khoảng trống tín dụng các ngân hàng này cũng không khác nhau. Một thống kê về dư nợ tín dụng của NHNN cũng nói lên điều này. Hàng loạt ngân hàng tập trung vào cho vay các ngành như dầu khí, cao su, than khoáng sản, dệt may, công nghiệp tàu thủy, điện lực, bưu chính viễn thông nên từ năm 2008 đến nay, có thời điểm dư nợ tín dụng của những ngành này chiếm 10% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế. Có năm dư nợ tín dụng của những ngành này tăng gần 21% (năm 2008) với khoảng 128.000 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lúc đã nợ hơn 51% trong tổng dư nợ của 7 tập đoàn kinh tế lớn (khoảng 66.000 tỷ đồng).

Việc chồng chéo trong hoạt động, phân khúc khách hàng cũng dẫn đến hệ quả là chồng chéo trong huy động vốn. Bao nhiêu lần NHNN đưa ra trần lãi suất huy động là bấy nhiêu lần các ngân hàng đua nhau vượt rào vì “tranh vốn”. “Các ngân hàng nhỏ xé rào lãi suất để giành khách hàng với ngân hàng lớn mà quên mất việc “mèo nhỏ chỉ nên bắt chuột con và bắt chuột con mới vừa sức”, TS Lê Thẩm Dương, ĐH ngân hàng TP HCM, nhận xét.

Một bất cập nữa của hệ thống ngân hàng Việt Nam là “lớn chưa đủ lớn và nhỏ không ra nhỏ”. Nếu so với các nước tiên tiến, những ngân hàng lớn của Việt Nam như BIDV, Vietcombank, Agribank, Viettinbank thì vốn tự có vẫn còn quá nhỏ (vốn điều lệ trung bình chỉ khoảng 20.000 tỷ đồng). Như vậy, “những cây đại thụ” của ngân hàng Việt Nam không thể đảm nhận vai trò chống đỡ khi nền kinh tế vi mô cần bởi vốn ít, quản trị chưa chuyên nghiệp… Ngược lại, những ngân hàng loại nhỏ so với thế giới lại… to. “Nếu so với các ngân hàng nhỏ, siêu nhỏ của Mỹ thì những ngân hàng Việt Nam có vốn 3.000 tỷ đồng vẫn là lớn”, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, nói.

Phân tích của ông Nghĩa cho thấy, không chỉ “to” về vốn mà mô hình kinh doanh của các ngân hàng nhỏ của Việt Nam cũng không phù hợp với quy mô. “Thế nên, ngân hàng Việt dù nhiều nhưng nếu không tái cơ cấu thì “sức khỏe” của hệ thống sẽ giảm sút”, ông Nghĩa cảnh báo.


Bài 2: Tái cơ cấu là… ghép đôi?

Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có ý định sắp xếp lại các NH, rất nhiều ý kiến đã đánh đồng việc tái cấu trúc với việc sáp nhập hai NH nhỏ vì cho rằng “đã là NH thì phải có vốn lớn”. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhỏ chưa hẳn đã yếu và to chưa hẳn đã khỏe.

Coi lại chuyện “kết hôn”

NHNN rất nhiều lần thừa nhận thực trạng chung của hệ thống NH hiện nay không đồng đều về quy mô, nhưng lại hoạt động trên “mặt trận chung”. Hệ thống NH của Việt Nam cũng khác nhau về quản trị, năng lực tài chính. Vậy nhưng, nhiều người vẫn “gán đôi” cho những cặp khập khiễng này. Giữa năm 2011, rộ lên tin NH W. sáp nhập với NH A.; hoặc như mới đây giới NH cũng có thông tin sẽ sáp nhập 3 NH có vốn điều lệ chưa đủ 3.000 tỷ đồng thành một NH vừa.


Sáp nhập ngân hàng, có đơn thuần chỉ là phép cộng? Ảnh: Như Ý.

Điều này theo nhiều chuyên gia kinh tế là thiếu cơ sở. Ông Hoàng Văn Toàn, Tổng giám đốc NamAbank, nêu quan điểm: “NH nhỏ nhưng nợ xấu ít, chiến lược kinh doanh ổn, vẫn phát triển thì không thể gọi là yếu”. Cũng theo ông Toàn, nếu những NH nhỏ về vốn phải “cưới” những NH lớn (có vốn điều lệ nhiều) thì chưa chắc tốt đẹp. “Vốn lớn thì yêu cầu về quản trị cũng khác đi. Ví dụ quản trị chuỗi khách sạn phải khác một khách sạn, quản trị khách sạn phải khác nhà riêng. Do đó tái cấu trúc không phải là chuyện “nhập” các NH lại làm một”, ông Toàn nói.

Còn TS Lê Xuân Nghĩa thẳng thắn: “Tôi 70kg, tôi vác được một bao tải 50 kg nhưng không thể nói anh 90kg sẽ vác nổi bao tải 70kg được. Điều này còn tùy vào sức khỏe của mỗi người. Hệ thống NH cũng vậy, không phải cứ sáp nhập 2 NH nhỏ thì sẽ cho ra NH lớn và cũng không có nghĩa một NH lớn cõng thêm một NH nhỏ thì sẽ mạnh lên”. Vậy thì cơ sở nào để tính chuyện sáp nhập các NH? “Sáp nhập, mua bán là chuyện cần làm nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, tìm hiểu nhau và xem có phù hợp hay không”, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Lienvietpostbank, cho biết.

Dựa trên nguyên tắc thị trường

Hiện nay, tình hình mua bán, sáp nhập các NH trong nước chưa nhiều. Chỉ có 1 vụ điển hình là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPOST) góp vốn vào NH Liên Việt (Lienvietbank) để cho ra đời Lienvietpostbank. Vì thế, ngay cả những nhà hoạch định chính sách vẫn băn khoăn về hình thức tái cấu trúc thế nào cho phù hợp. Dẫn chứng nhiều trường hợp trên thế giới, TS Lê Thẩm Dương, Trường ĐH NH TP.HCM, nói: “Tái cơ cấu xong mà hệ thống NH lại yếu đi thì rất nguy hiểm. Theo tôi có 3 hình thức tái cấu trúc: Nhà nước có thể mua lại NH yếu; NH lớn mua lại NH nhỏ; sáp nhập lớn với lớn, nhỏ với nhỏ hoặc nhỏ với lớn”.

Các hình thức tái cơ cấu này đều phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện và dựa vào tiêu chuẩn chung của hệ thống. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, dẫn chứng, từ năm 1999 - 2007, NHNN đã dùng tiền cung ứng để đóng cửa một số NH và thực hiện tái cơ cấu một số NH. Nhưng trong thời điểm hiện nay, ông Dũng cho rằng cách này không thể kham nổi, nên chuyện sẽ sáp nhập, hợp nhất và loại bỏ NH phải dựa trên nguyên tắc thị trường.

Bao nhiêu là đủ?

Theo TS Lê Thẩm Dương, lộ trình của tái cơ cấu sẽ bắt đầu bằng việc đưa ra tiêu chuẩn, lộ trình 5 năm theo nguyên tắc “không ngừng tái”. NHNN nên tổ chức “hội nghị Diên Hồng” để lấy ý kiến của nhiều tổ chức tín dụng cũng như các thành phần kinh tế khác và cần cân nhắc cụ thể khi tiến hành tái cơ cấu NH. “Lộ trình tái cơ cấu của từng NH, theo nhiều chuyên gia nên phân theo từng nội dung. Đó là nội dung: Cơ cấu (có to có nhỏ để phân khúc), chế độ sở hữu, công nghệ, quy trình, nhân sự, quản trị… Các nội dung này dựa trên tiêu chuẩn, định hướng phục vụ của từng loại NH để tái cấu trúc”, ông Dương cho biết.

Trong khi đó, ông Dũng đề nghị từ hơn 90 NH hiện nay, sau tái cơ cấu chỉ nên còn khoảng 15 với 3 mức vốn cụ thể: 4 NH “chống đỡ vi mô” có vốn quy định khoảng 3 tỷ USD; 6 NH có vốn pháp định khoảng 1 tỷ USD và 5 NH nhỏ có vốn tối thiểu 500 triệu USD. Tuy nhiên, một chuyên gia khác lại không đồng tình với quan điểm này. “Hiện nay, cả hệ thống NH với trên 90 đơn vị mà người ta vẫn phải đi vay vốn ở thị trường chợ đen, Nếu chỉ còn chưa đầy 20 NH thì thị trường cung ứng vốn sẽ như thế nào?”, vị này đặt vấn đề. Theo vị này, việc tái cơ cấu có nghĩa là tái quản trị và phân khúc đúng thị trường cho NH để dòng vốn từ NH phủ đến nhiều tầng lớp hơn nữa. Phải có ít nhất 50 NH mới đủ để chia phân khúc thị trường theo nhu cầu vốn hiện nay.


Kỳ cuối: Còn nhiều trở ngại

Thế nhưng, việc tái cơ cấu này không phải một sớm một chiều mà thực hiện được. Nó còn những khó khăn hữu hình và vô hình cho nên cần có một lộ trình chặt chẽ.

Theo các chuyên gia, khó khăn thứ nhất là rào cản về pháp lý. Hiện nay, pháp luật chưa quy định như thế nào là một ngân hàng yếu kém cần phải sáp nhập, mua bán. Do đó, dẹp một ngân hàng hoàn toàn không dễ nhất là khi ngân hàng đó không tự nguyện. NHNN cũng không thể ra lệnh cho một ngân hàng nào đó phải sáp nhập, hợp nhất… vì chưa có quy chuẩn pháp luật cụ thể để cho rằng ngân hàng đó không đủ điều kiện tiếp tục tồn tại.

Khó khăn thứ 2 là bảo vệ ngân hàng nằm trong diện phải sáp nhập. Do các quy định hiện nay về trình tự thủ tục, hồ sơ và đề án sáp nhập các ngân hàng cần phải thông qua nhiều cơ quan và với thời gian khá dài nên việc giữ bí mật thông tin về ngân hàng phải sáp nhập là không dễ dàng.


Việc tái cơ cấu ngân hàng không phải một sớm một chiều mà thực hiện được.

Khó khăn thứ 3 là phương án sáp nhập. Ngân hàng là một đơn vị kinh doanh đặc biệt với quy mô lớn và liên quan đến nhiều người do đó việc lên phương án sáp nhập hay giải thể là một công trình lớn đòi hỏi sự tỷ mỉ chi tiết. Quá trình này có liên quan mật thiết đến người gửi tiền và hoạt động của khách hàng vay vốn. Rồi xác định số nợ quá hạn có khả năng thu bao nhiêu, bao giờ bán được tài sản để thu về…? Ngoài ra, việc sáp nhập ngân hàng nào vào ngân hàng nào; ngân hàng nào đủ sức mua lại các ngân hàng yếu kém; giá cả ra sao… Đó là bài toán tài chính hết sức hóc búa đò hỏi phải giải xong trươc khi có quyết định chính thức về việc sáp nhập…

Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là cần thiết nhưng cực kỳ khó khăn và không thể diễn ra một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có quá trình chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng về cả hành lang pháp lý, công tác thông tin tuyên truyền, lộ trình cụ thể và phương án thực hiện để tránh vỡ hệ thống, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền…

Ý kiến chuyên gia:

Nóng lòng với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, những người trong cuộc và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đã góp ý cho công cuộc này.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng giám đốc Vietcombank: Cần phải minh bạch

Điều quan trọng nhất để tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả trước tiên phải giải quyết sự minh bạch của hệ thống. Hàng loạt điểm mà NH cần minh bạch như: Nợ xấu, quản trị, cơ chế, chính sách… Ngân hàng lớn hay bé cũng đều có chuẩn chung là sự minh bạch và dựa vào đó để chúng ta bắt bệnh cho từng đơn vị, đưa ra những liều thuốc để trị bệnh.

Ví dụ, hiện nay nhiều người trong ngành yêu cầu các ngân hàng lớn “gánh” ngân hàng  nhỏ. Nhưng điều này liệu có ổn không? Bài toán này khó có câu trả lời thỏa đáng nếu chúng ta chưa biết “giá trị thật” của các ngân hàng lớn, nhỏ ra sao. Vì thế, theo tôi, gốc vấn đề là ở đây: Khi hệ thống minh bạch là khắc có trật tự, việc tái cấu trúc có hiệu quả. Nếu NHNN yêu cầu ngân hàng lớn gánh ngân hàng nhỏ để hệ thống không gãy bất thường, chắc chắn nhiều ngân hàng đồng tình. Nhưng, trước khi có những động thái đó, tôi nghĩ NHNN phải bắt đầu bằng sự minh bạch của hệ thống, ngay cả việc giao trách nhiệm cho từng ngân hàng cũng cần minh bạch, rõ ràng với tiêu chuẩn đầy đủ, nhất quán về yêu cầu, lợi ích và thiệt hại nếu có.
Thạc sỹ kinh tế Đỗ Lam Điền: Ngân hàng lớn cũng nên sáp nhập

Tôi đồng tình với chiến lược tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ngân hàng nào yếu thì nên mua bán, sáp nhập, nhưng tôi khuyến khích cả các ngân hàng mạnh sáp nhập với nhau để trở thành ngân hàng siêu mạnh. Trên thế giới từng có nhiều hãng hàng không, tập đoàn lớn cũng sáp nhập để tạo nên những tập đoàn khổng lồ. Đây là cách giúp lành mạnh hóa hệ thống, để không chỉ cạnh tranh trong thị trường nội địa mà còn cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài. Tôi cho rằng, việc sáp nhập, mua bán, tái cơ cấu ngân hàng còn phải căn cứ vào năng lực quản trị của từng đơn vị vì ngân hàng yếu hay mạnh không phải chỉ bởi vốn nhiều hay ít mà ở năng lực quản trị. Như vậy, trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần đưa ra tiêu chí rõ ràng về những tiêu chuẩn mà một ngân hàng phải có (vốn, năng lực điều hành); quy định cụ thể về vốn điều lệ; những điều kiện tối thiểu về năng lực, kinh nghiệm… của các thành viên HĐQT, Ban tổng giám đốc,... chứ không phải ai có tiền cũng đều có thể điều hành ngân hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy Ban giám sát Tài chính quốc gia: Phải biết con số thật về nợ xấu

Năm 2000, vốn điều lệ toàn hệ thống ngân hàng là 500 triệu USD, tổng tài sản vào khoảng 10 tỷ USD. Đến năm 2011, vốn điều lệ lên tới 12,5 tỷ USD, tổng tài sản vào khoảng 180 tỷ USD. Chỉ trong vòng 10 năm, tổng vốn và tài sản tăng 18 lần. Cùng với tốc độ đó, lẽ ra trình độ quản lý cũng tăng theo nhưng thực tế vẫn là ông chủ đó với các triết lý quản lý cũ. Họ chủ yếu thành lập ngân hàng để tăng vốn cho tập đoàn, công ty của mình. Khi quản trị doanh nghiệp lạc hậu đương nhiên dẫn đến chất lượng tài sản thấp và nợ xấu cao. Đến nay, ngay cả Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia và NHNN cũng không biết chính xác số nợ xấu là bao nhiêu vì ngân hàng báo cáo thực. Theo tôi, nguyên nhân của điều này là do hạch toán không minh bạch, đạo đức nghề nghiệp méo mó. Thực tế cho thấy chỉ 1/3 các báo cáo của ngân hàng là tương đối, còn lại đều đáng nghi ngờ. Nhiệm vụ trước khi tái cấu trúc là phải biết con số thực về nợ xấu. Nếu không biết dược con số này thì chương trình tái cấu trúc là vô nghĩa.

Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank: Chủ động tái cấu trúc nội bộ

Vấn đề đặt ra là tái cấu trúc để hình thành những ngân hàng chất lượng và những chỉ số hoạt động tốt để tăng sức mạnh cho toàn hệ thống, góp phần phát triển kinh tế ổn định. Mỗi ngân hàng phải chủ động thực hiện tái cấu trúc bộ máy hoạt động để nâng cao năng lực, đáp ứng được các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội. Nhìn trước xu thế này, từ những năm 2008 công tác tái cấu trúc tại HDBank đã diễn ra mạnh mẽ và đến nay có thể nói đã mang lại những kết quả khả quan. HDBank có mức tăng trưởng hơn 70%/năm, trở thành một ngân hàng đa năng, cung cấp đầy đủ các nhu cầu về tài chính cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tái cấu trúc phải được bắt nguồn từ sự nỗ lực của mỗi ngân hàng, từ đó sẽ góp phần mang lại sức mạnh cho toàn hệ thống”. (P.Nhi – T.N ghi).

T.Thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét