Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục “chết” vì lãi suất và lạm phát

Ngày Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục “chết” vì lãi suất và lạm phát
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Các ý kiến của đại biểu Tín rất xác đáng. Tiếc thay, giờ có nói thì cũng đã quá muộn. Khi CP thực hiện chính sách phát triển rầm rộ bằng đủ loại hình hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp mọc lên như nấm sau mưa; giờ thì phải thắt chặt lại. Hậu quả là không chỉ các DN làm ăn kém mọc ra từ chính sách sai lầm nêu trên giờ khó khăn mà cả những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, có hiệu quả, cũng bị vạ lây. Bài học này đã xảy ra nhiều lần chứ không ít.

Nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục “chết” vì lãi suất và lạm phát

“Từ năm 1988, khi tôi bắt đầu làm kinh doanh, cá nhân tôi chưa bao giờ thấy tình hình của các doanh nghiệp xấu như bây giờ”, bên hành lang kỳ họp thứ hai của Quốc hội, đại biểu Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I không giấu được vẻ bi quan trong câu chuyện với VnEconomy.

Đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I.

Thưa ông, theo thông tin ông đã phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội được truyền hình trực tiếp thì đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết. Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, thì có thể phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Vậy những quyết sách lớn khi Quốc hội thông qua các nghị quyết về kế hoạch kinh tế xã hội và ngân sách vừa qua đã thể hiện sự hỗ trợ tích cực như ông mong đợi hay chưa?
Nếu hai vấn đề chính là lãi suất và lạm phát không giảm được thì doanh nghiệp cũng “đầu hàng”. Mặc dù vẫn thuộc tầm vĩ mô nhưng lãi suất không phải là việc của Quốc hội. Còn với lạm phát thì Quốc hội đã quyết cho năm sau dưới 10%. Vấn đề đặt ra là nếu năm sau không thực hiện được ở mức này thì Quốc hội có thể làm gì?
Năm ngoái Quốc hội đã biểu quyết lạm phát năm nay không quá 7%, nhưng rồi thực tế đã lên trên 17%. Tôi tin là các đại biểu Quốc hội đều áy náy và cảm thấy có trách nhiệm. Nhưng tôi chưa nhìn thấy cách xử lý trách nhiệm này.


Vì thế mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục lo lắng và bi quan. Lãi suất vẫn chưa xuống như kỳ vọng. Lũ lụt tại Thái Lan có thể thể kéo giá lúa trong nước tăng. Lương mới lại là một áp lực khác. Nếu lạm phát không dưới 10% thì nhiều doanh nghiệp sẽ “chết”. Tình hình như vậy đấy.
Có thể lấy một mốc thời gian nào để so sánh về khó khăn của doanh nghiệp hiện nay không, thưa ông?
Từ năm 1988, khi tôi bắt đầu làm kinh doanh, cá nhân tôi chưa bao giờ thấy tình hình của các doanh nghiệp xấu như bây giờ. Vừa rồi tôi đi thăm rất nhiều doanh nghiệp thì thấy với áp lực lãi suất cao, chi phí đầu vào tăng, tiêu thụ giảm, giá bán không tăng họ đã “ngộp”. Sau khi tăng lương tối thiểu thì họ càng khó thêm, và bắt đầu lỗ.
Tôi nhìn thấy họ sắp chết mà không biết có cách nào để cứu họ. Làm sao các doanh nghiệp trong nước đang vay vốn với lãi suất cao ngất so được với các doanh nghiệp nước ngoài đang vay vốn với lãi suất thấp được?
Liệu có con số nào cụ thể hơn để minh chứng cho nhận định của ông?
Tôi không có điều kiện điều tra chính quy. Nhưng nếu chỉ nhìn vào các doanh nghiệp đồ gỗ ở Bình Dương (ông Tín là đại biểu Quốc hội đoàn Bình Dương - PV), nơi xuất khẩu nhiều đồ gỗ nhất nước, thì theo quan sát của tôi, họ đã lỗ từ tháng 7 năm nay và hơn 30% ngừng hoạt động vì càng làm càng lỗ. Ít nhất tôi đã thấy hàng trăm doanh nghiệp như vậy.
Lần đầu tiên tôi thấy các doanh nghiệp khổ sở như vậy. Và điều có thể hình dung được là nếu tình hình tiếp tục xấu như thế thì tài sản mà họ đã bỏ công sức gây dựng bao nhiêu năm sẽ thuộc về ngân hàng. Đến lượt mình các ngân hàng sẽ bán những tài sản này cho những người có đồng vốn rẻ hơn. Mọi giá trị vô hình đứng đằng sau các tài sản đó sẽ biến mất.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc một phần năng lực sản xuất của doanh nghiệp dân doanh trong nước, thành phần chính tạo việc làm, sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp bỏ tiền và công sức ra làm ăn. Cuối cùng không thể trụ được, không làm chủ được nữa phải chấp nhận đi làm thuê thôi chứ có cách nào khác được hả bạn. Hậu quả là như thế, còn giải pháp là thế nào thì phải trông chờ vào Chính phủ thôi.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp này, Thủ tướng đã khẳng định sẽ bảo đảm vốn cho sản xuất, giữ mặt bằng lãi suất hợp lý?
Tôi chỉ mong điều này sớm trở thành hiện thực. Tôi vẫn chưa thấy doanh nghiệp có thể tìm ra nguồn vay với lãi suất dưới 17%. Thực tế là thế.
Với lạm phát thì như ông đã nói là thực tế khác xa với con số Quốc hội đã biểu quyết nhưng rất khó quy trách nhiệm vì chưa có tiền lệ. Nhưng làm sao có thể có tiền lệ nếu như không có lần đầu tiên?
Tôi tin không chỉ mình tôi mà cũng sẽ có đại biểu khác suy nghĩ về vấn đề này. Tuy nhiên chắc rằng mọi người đều cảm thấy Chính phủ đang có quá nhiều việc cần phải tập trung giải quyết nên không muốn “đổ dầu vào lửa”.
Cá nhân tôi cũng thấy Chính phủ đang hết sức cố gắng, nên chỉ muốn nói để các anh hiểu thực chất khó khăn của doanh nghiệp. Còn nếu tình hình sắp tới tệ hơn, doanh nghiệp không còn đường sống nữa thì sẽ phải tính tiếp. Còn ngay lúc này thì bàn về trách nhiệm chỉ làm nặng đầu thêm thôi.
Nhưng mà lúc này thì đại biểu - doanh nhân không thể chỉ đứng nhìn và cùng “than khó” với doanh nghiệp?
Theo bạn thì mình nên làm gì?
Đại biểu có thể nêu ý kiến thì tôi đã nêu rồi, có thế nào phản ánh đúng như thế đó.
Đại biểu có trách nhiệm hình thành giải pháp không? Có. Nhưng đại biểu Quốc hội không phải là người thực hiện giải pháp.
Thế còn ý kiến của đại biểu, của doanh nghiệp và các chuyên gia có đến tai người có trách nhiệm không? Có, chắc chắn. Với cương vị Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tôi đã phát biểu tại nhiều diễn đàn, vẫn theo đuổi, vẫn nêu ý kiến, nhưng để hình thành chính sách rõ ràng có thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay không thì tôi có thể nói thẳng là ngoài khả năng của chúng tôi.
Việc đó cần trí tuệ tổng hợp và sự quyết tâm của toàn bộ hệ thống chứ một vài bộ trưởng cũng không làm được.
Bên cạnh nêu ý kiến tại các phiên thảo luận thì đại biểu còn có quyền chất vấn và cử tri rất mong đại biểu theo đến cùng vấn đề chất vấn?
Tôi vẫn chất vấn chứ, cả bằng thư và có những cuộc làm việc riêng. Như tôi đã nói, tôi cảm thấy các bộ trưởng rất có trách nhiệm và rất chịu khó tìm cách xử lý vấn đề. Nhưng được hay không thì không ai dám nói trước. Bây giờ tôi đang chờ xem tình hình có khá hơn không, chứ cứ như thế này thì năm nay khối doanh nghiệp không có Tết.
Nói đi nói lại thì ông vẫn rất hết sức sốt ruột chờ một chiếc phao cứu sinh, dù là rất mong manh cho cộng đồng doanh nghiệp?
Doanh nghiệp tôi cũng phải đi vay vốn, song vẫn tồn tại được. Nhưng nhìn thực tế thấy tội anh em lắm. Ngay cả Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng phải đau đớn nhìn đống hàng tồn kho mà đâu có làm gì được. Số hàng tồn kho đó cũng đang phải chịu lãi suất cao.
Trong Quốc hội kỳ này có tới 38 doanh nhân, ngay từ đầu kỳ họp đã tổ chức gặp mặt rồi, vậy lúc này sức mạnh tập thể được tập hợp thế nào, thưa ông?
Mới gặp gỡ một lần thôi. Lần đó có xác định là sẽ gặp gỡ thường xuyên hơn nhưng chưa thấy thêm lần nào. Vì thế cũng chưa có sự liên kết gì. Tôi nghĩ nếu tổ chức tốt thì cũng có thể đại diện cộng đồng doanh nghiệp xử lý một số vấn đề trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Riêng đại biểu đang là hội viên của Hội Doanh nhân trẻ thì có 6 người. Trong hội chúng tôi đã có khá nhiều các cuộc tiếp xúc và làm việc với các bộ trưởng. Nói hết rồi nhưng để hình thành giải pháp thì ngoài tầm của tôi, đấy là tôi nói rất thật.
Trên diễn đàn Quốc hội tôi luôn thể hiện chính kiến của mình, nhưng đó là tiếng nói độc lập của cá nhân một đại biểu thôi.
Như chuyện tôi đặt vấn đề cần có chỉ tiêu về chỉ số hài lòng của người dân. Mong muốn của mình là vậy, và có thể nhiều đại biểu khác cũng muốn đề xuất các chỉ tiêu ngoài những chỉ tiêu mà Quốc hội vẫn thường biểu quyết. Nhưng không thể yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ý kiến của thiểu số ra để biểu quyết được.
Vâng, nhưng nói như Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc thì cho dù chỉ là ý kiến của một đại biểu thì cũng cần được tiếp thu và giải trình. Ví dụ rất cụ thể là Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề nghị dành số tiền có thể tăng thu từ dầu khí để đầu tư cho giao thông và ý kiến này được giải trình khi Quốc hội thông qua dự toán ngân sách năm 2012. Ở nghị trường thì Bộ trưởng Thăng và ông đều là đại biểu và phát biểu với tư cách cá nhân mà?
Tôi xin không có ý kiến về câu hỏi này của bạn.
Vậy xin được nói tiếp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Không phải trong ngắn hạn, song quá trình tái cơ cấu nền kinh tế được hy vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội bền vững hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên thì như một số vị đại biểu đã nhận xét, việc này nói nhanh nhưng làm chậm, ông có cùng quan điểm?
Tôi cũng có cùng nhận xét như vậy. Đây là việc cần phải làm từ lâu rồi. Cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị nhưng quá trình đi đến kết luận như vậy mất rất nhiều thời gian.
Điển hình nhất là tái cơ cấu đầu tư công thì 2007 tôi mới tham gia Quốc hội khóa 12 đã thấy nói rồi. Việc thực hiện quá chậm là điều đáng tiếc. Cũng mong từ đây trở đi thì những việc quan trọng như vậy sẽ được xử lý nhanh hơn.
Sự “quá chậm” như ông nhận xét có trách nhiệm của cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội không, thưa ông?
Chắc chắn là có.
Nguyên Hà
tbktvn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét