Ngày Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Barack Obama phát biểu nhân dịp khai giảng năm học mới 2010-2011
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Barack Obama phát biểu nhân dịp khai giảng năm học mới 2010-2011
Bài nói chuyện của Tổng thống Barack Obama tại Trường Thí điểm Julia R. Masterman, Philadelphia.
Nguồn: Văn phòng Báo chí Nhà Trắng
14.09.2010
Chào Philadelphia! Thật vui khi có mặt ở đây. Hôm nay là ngày đón chào tất cả các em cũng như tất cả học sinh Mỹ trở lại trường học - và tôi nghĩ rằng không nơi nào tốt hơn trường Masterman để làm việc này. Đây là một trong những trường xuất sắc nhất tại Philadelphia - là người đi đầu trong việc giúp học sinh thành công trong học tập. Và chỉ tuần trước, các em đã được tặng giải National Blue Ribbon School cho thành tích của mình. Đây là minh chứng cho mọi người ở đây - học sinh và phụ huynh, giáo viên và các vị lãnh đạo nhà trường. Và nó cũng là một ví dụ của sự ưu tú mà tôi muốn các cộng đồng trên toàn nước Mỹ nên nắm bắt.
Trong những tuần qua, Michelle và tôi đã giúp Sasha và Malia chuẩn bị cho việc nhập học. Và tôi đoan chắc rằng đa số các em cũng mang cảm giác như chúng. Các em hơi buồn khi chứng kiến mùa hạ đi qua, nhưng các em cũng phấn khởi về những hứa hẹn của một năm học mới. Những triển vọng của việc tạo ra tình bạn mới và củng cố tình bạn cũ; của việc tham gia một câu lạc bộ trong trường, của việc thử sức vào một môn thể thao. Những triển vọng của việc trở thành một học sinh tốt hơn, một con người tốt hơn, và làm cho gia đình mình hãnh diện.
Nhưng tôi cũng biết rằng một số các em cũng cảm thấy lo âu khi bắt đầu một năm học mới. Có thể là các em đang chuyển từ cấp một lên cấp hai, hoặc từ cấp hai lên cấp ba, và hồi hộp xem chúng sẽ ra sao. Có thể các em đang theo học một trường mới và không chắc rằng mình có thích nó hay không. Hoặc cũng có thể các em là một học sinh lớp mười hai đang lo lắng về quá trình đại học; về việc ghi danh vào trường nào và liệu mình có đủ khả năng để theo học hay không.
Và bên cạnh những lo lắng này, tôi biết rất nhiều em cũng đang cảm thấy sự căng thẳng của giai đoạn khó khăn hiện nay. Các em biết việc gì đang xảy ra qua những tin tức hằng ngày cũng như trong đời sống gia đình mình. Các em đọc tin về cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Các em nghe nói về sự suy thoái mà chúng ta đang trải qua. Các em thấy được nó trên khuôn mặt cha mẹ mình cũng như cảm nhận nó qua giọng nói của họ.
Rất nhiều em đã phải cư xử già hơn tuổi của mình; trở nên cứng cáp hơn để giúp gia đình trong khi anh chị các em đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài; để chăm sóc em nhỏ của mình khi mẹ phải đi làm thêm ca; để tự kiếm một công việc phụ khi cha mình bị thất nghiệp.
Thật là quá nhiều để đảm đương; nhiều hơn là các em cần phải đảm đương. Và nó có thể khiến các em đôi khi tự hỏi rằng tương lai của mình sẽ ra sao; liệu các em có thể thành công trong học tập hay không; liệu các em có nên hạ mục tiêu của mình thấp hơn tí và giảm bớt hoài bão của mình hay không.
Nhưng đây là điều khiến tôi đến Masterman để nói với các em: không ai quyết định số phận của các em ngoại trừ bản thân các em. Tương lai các em nằm trong tay chính mình. Cuộc đời các em là do các em định đoạt. Và không điều gì - tuyệt đối không điều gì - nằm ngoài tầm với của các em. Miễn là các em sẵn sàng có những ước mơ to lớn. Miễn là các em sẵn sàng chăm chỉ làm việc. Miễn là các em sẵn sàng chú tâm vào việc học của mình.
Phần cuối cùng thì tuyệt đối đặc biệt - bởi vì học vấn quan trọng hơn bao giờ hết. Tôi chắc chắn rằng sẽ có những lúc trong những tháng tới khi các em phải thức khuya để ôn bài thi, hoặc lê người ra khỏi giường trong một buổi sáng ướt mưa, và tự hỏi rằng nó có đáng không. Tôi sẽ trả lời các em rằng, không còn nghi ngờ gì cả. Không gì ảnh hưởng nhiều hơn đến thành công trong cuộc đời các em bằng học vấn.
Hơn thế nữa, những cơ hội được mở ra ra sao thì tuỳ thuộc vào việc các em tiến bộ bao xa trong học tập. Điều này có nghĩa là, các em càng tiến xa ở trường thì các em sẽ tiến xa trong cuộc sống. Và vào thời điểm mà những quốc gia khác đang tranh đua với chúng ta nhiều hơn bao giờ cả; khi học sinh trên toàn thế giới học tập chăm chỉ hơn bao giờ, và tiến bộ hơn bao giờ; sự thành công của các em trong học tập cũng sẽ giúp quyết định sự thành công của nước Mỹ trong thế kỷ 21.
Vì thế, các em có một trách nhiệm đối với bản thân mình, và nước Mỹ cũng có một trách nhiệm đối với các em, nhằm bảo đảm cho các em một nền giáo dục tốt nhất. Và cũng để bảo đảm các em có được một nền giáo dục từ đó sẽ giúp chúng ta cùng sánh vai làm việc với nhau.
Việc này sẽ yêu cầu mọi người trong chính quyền - từ Harrisburg đến Washington - thực hiện phần hành của mình để chuẩn bị cho các học sinh của chúng ta, tất cả các em, đạt được thành công trong lớp học, trong đại học và trong nghề nghiệp. Việc này sẽ yêu cầu một hiệu trưởng xuất sắc và những giáo viên xuất sắc như quí vị ở Masterman; những giáo viên nỗ lực hơn nhiều vì học sinh của mình. Và việc này cũng yêu cầu những phụ huynh quan tâm đến sự học của các em.
Đấy là những gì chúng tôi cần phải làm vì các em. Đó là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là công việc của chúng tôi. Còn đây là công việc của các em. Đi học đúng giờ. Chú ý nghe giảng. Hoàn thành bài tập. Ôn bài trước khi thi. Tránh xa điều xấu. Những đức tính kỷ luật và tự giác - đức tính chăm chỉ - là tuyệt đối quan trọng cho thành công.
Tôi biết - vì tôi không luôn luôn đạt được điều này. Tôi không luôn là một học sinh xuất sắc khi còn trẻ; tôi cũng có những lỗi lầm của riêng mình. Đến nay tôi vẫn còn nhớ cuộc trò chuyện với mẹ tôi khi tôi còn học cấp ba, khi tôi bằng tuổi một số em ở đây hôm nay. Nó liên quan đến việc điểm học của tôi bị tụt xuống, về việc tôi vẫn chưa nạp đơn xin vào đại học, về việc tôi đã có những thái độ, theo lời của bà, "thư thả" đối với tương lai của mình. Đấy là cuộc trò chuyện mà tôi nghĩ rằng cũng khá quen thuộc đối với một số học sinh và phụ huynh có mặt hôm nay.
Tôi nghĩ rằng thái độ của tôi thì cũng như thái độ của bất kỳ một thiếu niên nào trong một cuộc đối thoại như thế. Tôi định nói rằng tôi không cần phải nghe những lời này. Nhưng khi tôi vừa bắt đầu mở miệng thì bà cắt ngang ngay. Con không thể cứ ngồi không mãi và đợi chờ vận may giúp mình, bà nói. Bà nói rằng tôi có thể vào học được bất kỳ trường nào trong cả nước nếu tôi chịu nỗ lực thêm một tí. Rồi bà nhìn tôi một cách nghiêm khắc và nói thêm, "Còn nhớ nó như thế nào không? Sự nỗ lực?"
Thật choáng váng khi nghe mẹ tôi nói thế. Nhưng cuối cùng thì những lời nói của bà cũng đã có ảnh hưởng theo ý của bà. Tôi học hành đàng hoàng hơn. Tôi đã tạo một nỗ lực. Và tôi bắt đầu thấy điểm - và tương lai của mình - tiến bộ hơn. Và tôi biết rằng nếu sự chăm chỉ đã giúp tôi thay đổi được mình, thì nó cũng có thể thay đổi được các em.
Tôi biết một số các em hoài nghi về việc này. Các em có thể cho rằng một số người vốn có năng khiếu hơn về mặt nào đấy. Đúng là mỗi chúng ta đều có một năng khiếu riêng cần phải khám phá và nuôi dưỡng. Nhưng dù các em không phải là người xuất sắc nhất về mặt nào đấy trong hiện tại, điều này không có nghĩa là các em không thể đạt được nó trong tương lai. Ngay cả khi các em không nghĩ mình là dạng người của toán hay khoa học - các em vẫn có thể tiến bộ trong các môn này nếu các em sẵn sàng nỗ lực. Và từ đó các em có thể phát hiện ra những năng khiếu riêng mà mình chưa bao giờ biết đến.
Các em thấy đấy, tiến bộ ở trường học hoặc trong đời sống không bắt buộc phải là phải thông minh hơn những người khác. Đừng tránh né những thử thách mới - hãy tìm đến chúng, bước ra khỏi môi trường quen thuộc của mình, và đừng e ngại khi nhờ giúp đỡ; thầy cô giáo và cha mẹ luôn có mặt để hướng dẫn các em. Đừng chán nản hoặc bỏ cuộc nếu các em không thành công trong lĩnh vực nào đấy - hãy tiếp tục và học hỏi từ những sai lầm. Đừng cảm thấy bị đe doạ nếu bạn bè mình tiến bộ; hãy tự hào về họ, và xem thử mình có thể học được bài học gì từ họ và họ đã làm điều gì đúng.
Đây là văn hoá xuất sắc mà chúng ta đang khuyến khích ở Masterman; và đó là sự xuất sắc mà chúng ta cần khuyến khích trên tất cả các trường học ở Mỹ. Đấy là vì sao hôm nay, tôi công bố cuộc Thi tài Tốt nghiệp lần thứ hai. Nếu trường quí vị thắng cuộc, nếu quí vị chứng tỏ rằng các giáo viên, học sinh và phụ huynh đã cùng nhau làm việc ra sao để chuẩn bị cho con cái quí vị vào đại học cũng như hướng nghiệp, nếu quí vị chứng tỏ mình đã đóng góp cho cộng đồng và đất nước ra sao - tôi sẽ đích thân chúc mừng bằng cách đến nói chuyện vào buổi lễ tốt nghiệp cuối năm của trường.
Nhưng sự thật là giáo dục thì còn hơn cả việc vào được trường đại học tốt hoặc tìm được công việc tốt sau khi ra trường. Nó còn là tạo cơ hội để mỗi chúng ta thực hiện lời hứa của mình; để trở thành một phiên bản tốt nhất của bản thân mà chúng ta có thể có được. Và một phần của điều này bao gồm việc đối xử với mọi người giống như chúng ta muốn được đối xử - với lòng bao dung và tôn trọng.
Tôi biết điều này không luôn xảy ra. Đặc biệt là trong môi trường cấp hai và cấp ba. Trở thành một thiếu niên không phải là điều dễ dàng. Đây là quãng thời gian chúng ta phải vật lộn với nhiều thứ. Khi tôi ở vào tuổi các em, tôi đã phải vật lộn với những vấn đề như tôi là ai; về việc là con trai của một người mẹ da trắng và người bố da đen thì như thế nào, và không có hình ảnh người cha trong đời mình ra sao. Một số các em có thể hiện đang tìm cách trả lời những câu hỏi của chính mình, và nhận ra điều gì làm mình khác biệt.
Và tôi cũng biết rằng việc tìm những câu trả lời trên còn khó khăn hơn nữa khi các em bị những kẻ khác trong lớp bắt nạt hoặc chòng ghẹo; làm các em cảm thấy xấu hổ về bản thân. Ở một số nơi, vấn đề này đang trở nên nghiêm trọng hơn. Có những khu vực trong thành phố quê hương của tôi là Chicago, nơi trẻ em có thể xâm hại lẫn nhau. Điều này cũng đã xảy ra ở Philly.
Vì thế điều tôi muốn nói với các em hôm nay - những gì tôi muốn các em rút tỉa được từ phát biểu của tôi - là cuộc sống thì rất quí giá, và một phần của cái đẹp này nằm trong sự đa dạng. Chúng ta không nên xấu hổ vì những gì làm chúng ta khác biệt. Chúng ta nên tự hào về chúng. Bởi vì những gì làm chúng ta khác biệt cũng là những thứ tạo ra bản chất chúng ta. Sức mạnh và tính chất của quốc gia này luôn luôn bắt nguồn từ khả năng chúng ta nhận diện được mình trong những người khác, cho dù chúng ta là ai, hoặc chúng ta đến từ đâu, chúng ta giống ai, hoặc những ưu khuyết điểm nào chúng ta đang có.
Tôi nhớ đến điều này hôm tôi đọc bức thư của Tamerria Robinson, một cô bé 11 tuổi ở Georgia. Cô bé nói với tôi rằng cô làm việc chăm chỉ ra sao, và những hoạt động phục vụ cộng đồng mà cô cùng làm với anh trai mình. Và cô bé viết rằng, "Tôi cố gắng đạt được ước mơ của mình và giúp những người khác cũng đạt được như thế." "Thế giới," cô bé viết, "nên hoạt động như thế."
Tôi đồng ý với Tamerria. Thế giới nên hoạt động như thế. Đúng, chúng ta cần làm việc chăm chỉ. Đúng, chúng ta cần phải có trách nhiệm với sự học của mình. Đúng, chúng ta cần có trách nhiệm với cuộc đời mình. Nhưng điều làm chúng ta là chính mình là ở nơi đây, trên đất nước này, chúng ta không chỉ vươn tới những giấc mơ của riêng mình, chúng ta còn giúp những người khác làm việc tương tự. Đây là đất nước đã cho con cái của mình một cơ hội công bình. Một cơ hội để họ vận dụng hết cuộc sống của mình. Một cơ hội để thực hiện tiềm năng trời cho của mình.
Và tôi tuyệt đối tin tưởng rằng các học sinh của chúng ta - ở Masterman và trên toàn quốc - tiếp tục thực hiện phần việc của mình; nếu các em tiếp tục chăm chỉ và chú trọng vào việc học; nếu các em tiếp tục chiến đấu cho ước mơ của mình và nếu tất cả chúng tôi đều giúp các em đạt được chúng; thì không những các em đã thành công trong năm học này cũng như cho toàn bộ cuộc đời mình, mà nước Mỹ cũng sẽ thành công trong thế kỷ 21. Cám ơn, Thượng đế ban phúc cho bạn và xin Thượng đế ban phúc cho nước Mỹ.
Thư Chủ tịch Nguyễn Minh Triết gửi các thày giáo, cô giáo, cán bộ viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên cả nước nhân dịp khai giảng năm học mới 2010-2011
Nguồn: Dân Trí
Nhân ngày khai giảng năm học mới và ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, tôi thân ái gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công nhân viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm học 2009-2010, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo tiếp tục được mở rộng. Chất lượng và hiệu quả giáo dục đã có tiến bộ. Việc giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng và ý chí để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho học sinh, sinh viên được chú trọng. Chương trình kiên cố hóa trường lớp và hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục, tất cả các tỉnh, thành phố đều đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và cơ bản phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn trình độ đào tạo ở các cấp học đều tăng. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã huy động được các lực lượng xã hội cùng chung tay thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh... Tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực và những thành tựu của ngành giáo dục, đặc biệt là các tập thể, cá nhân đi đầu trong các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành, các nhà giáo đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Năm học mới 2010-2011, đây là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ngành Giáo dục và Đào tạo phải quán triệt sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục với những giải pháp mạnh mẽ. Toàn ngành cần tập trung nguồn lực để triển khai các đề án phát triển giáo dục đã được Chính phủ phê duyệt, quan tâm hơn nữa đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn...
Các em học sinh, sinh viên yêu quý!
Vừa qua, chúng ta vô cùng tự hào đón tin vui, Giáo sư Ngô Bảo Châu, người Việt Nam đầu tiên được vinh danh và nhận giải thưởng Fields, giải thưởng cao quý nhất dành cho những nhà toán học đạt thành tựu kiệt xuất trên thế giới. Tôi mong các em học sinh, sinh viên hãy noi theo các tấm gương học giỏi, rèn luyện tốt, đặc biệt là của Giáo sư Ngô Bảo Châu, vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao của khoa học, góp phần phụng sự đất nước và làm rạng danh dân tộc Việt Nam.
Tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và toàn thể nhân dân tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”, tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.
Chúc các thày, cô giáo, cán bộ, công nhân viên chức ngành giáo dục và toàn thể các em học sinh, sinh viên đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học mới.
Thân ái!
Nguyễn Minh Triết
Bài tường thuật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Lễ khai giảng trường THPT Châu Văn Liêm
Nguồn: VOV News
Sáng 6/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và dự Lễ khai giảng năm học mới 2010 - 2011 tại trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm, thành phố Cần Thơ.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng về bảng vàng thành tích mà các thế hệ thầy và trò Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm đạt được. Năm học 2009 - 2010 vừa qua, tuy cũng còn không ít khó khăn, nhưng thầy và trò nhà Trường tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thi đua dạy tốt học tốt, đạt được kết quả khá toàn diện. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,5%, trong đó có 79 học sinh giỏi cấp thành phố và 3 cấp quốc gia; nhiều cán bộ, giáo viên được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú”, tặng “Giải thưởng Võ Trường Toản”, giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố. Đây là trường trung học phổ thông duy nhất của thành phố Cần Thơ đạt chuẩn quốc gia.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương những thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước, cũng như của thành phố Cần Thơ, đặc biệt là thành tích xuất sắc của thầy và trò trường Châu Văn Liêm trong những năm qua.
Thủ tướng nêu rõ, năm học 2010-2011 đã bắt đầu, đây là năm học có ý nghĩa đặc biệt, năm đầu tiên cả nước thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và chiến lược 10 năm (2011-2020) về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong đó phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế được xác định là một đột phá chiến lược.
Để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2010 - 2011 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Thủ tướng mong muốn, ngành Giáo dục-Đào tạo cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ phải quán triệt sâu sắc các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước, quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng một xã hội học tập; tiếp tục triển khai thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua để thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành được nêu trong Chỉ thị số 3399 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trường trung học phổ thông Châu Văn Liêm cũng như các trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ và trong cả nước cần xây dựng tập thể sư phạm nhà trường đoàn kết. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất chính trị tốt, có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng.
Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đều hết lòng vì thế hệ trẻ, phát huy tính sáng tạo trong công việc, tận tâm, tận tụy vì học sinh thân yêu, xứng đáng là nhà giáo mẫu mực, đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, thực sự là tấm gương để học sinh noi theo.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" nhằm tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh, làm tốt công tác giáo dục toàn diện cho học sinh; phối hợp thật tốt việc dạy văn hóa với giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Quan tâm rèn luyện kỹ năng tự học, tính tự lập, chủ động sáng tạo, phát triển tư duy, tích cực phấn đấu để học sinh đạt được kết quả học tập cao nhất.
Đồng thời đổi mới công tác quản lý tài chính, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt công tác dạy và học theo hướng hiện đại, trong đó triển khai có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường lớp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học, quản lý nhà trường...
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể, các bậc cha mẹ học sinh cùng toàn thể nhân dân thành phố Cần Thơ cũng như trong cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong cả nước, luôn quan tâm chăm lo và đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”, tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em.
Trường trung học phổ thông Châu Văn Liêm phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục giữ vững là lá cờ đầu của Thành phố trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, xứng đáng với vinh dự được mang tên anh hùng Liệt sỹ Châu Văn Liêm./.
Bài tường thuật Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh dự Lễ khai giảng tại trường THPT Chu Văn An
Nguồn: VuiQuá.com
Tại buổi Lễ khai giảng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thân ái gửi tới các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức và các học sinh trường THPT Chu Văn An lời chúc tốt đẹp nhất. Đồng thời, nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những kết quả nhà trường đã đạt được trong thời gian qua.
Tổng Bí thư cho rằng: “Năm học 2009-2010 đã kết thúc tốt đẹp với nhiều kết quả đáng trân trọng và tự hào của GD&ĐT cả nước. Cùng với đó, ngành GD&ĐT Thủ đô đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ với những thành tích nổi bật và toàn diện, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đạo hóa Thủ đô và đất nước.
Năm học mới đã bắt đầu, một năm học có ý nghĩa quan trọng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, tiến hành Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng; cả nước đang tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; là năm học mang dấu ấn quan trọng đối với thầy trò Nhà trường – kỷ niệm 102 năm thành lập trường và chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới với chủ đề “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Tổng Bí thư hoan nghênh, ủng hộ và mong muốn ngành giáo dục thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu này, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn về chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Tổng Bí thư đề nghị mỗi nhà trường, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh cần phải nỗ lực hơn để đạt được mục tiêu này trong hoạt động thực tiễn của mình. Phát huy kết quả đã đạt được, nhà trường cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua; chú trọng việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; nâng cao đạo đức, trách nhiệm người thầy. Bên cạnh đó, Nhà trường cần đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa; phải tạo cho học sinh ý thức tư duy năng động, sáng tạo trong học tập và có ý thức chấp hành pháp luật; phải thực sự là nơi để học sinh có điều kiện phát triển toàn diện…
Tổng Bí thư mong muốn các thầy cô phấn đấu vượt qua những khó khăn, đổi mới mạnh mẽ và toàn diện phương pháp giảng dạy, công tác quản lý; ứng dụng CNTT, khai thác hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại; phát huy tốt dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu về mọi mặt..
Tổng Bí thư cũng dặn dò các cháu học sinh, học trước hết là để làm người. Do vậy, cần nêu gương rèn luyện, thường xuyên trau dồi đạo đức, sống lành mạnh, chấp hành pháp luật; chủ động sáng tạo để học tập tốt, rèn luyện kỹ năng sống; quan tâm giúp đỡ bạn bè, đặc biệt là các bạn có hoàn cảnh khó khăn; có ước mơ, hoài bão với tinh thần sẵn sàng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc…
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức ban ngành, đoàn thể và các bậc cha mẹ học sinh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, chăm lo hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, để giáo dục thực sự trở thành quốc sách hàng đầu.
Kết thúc lời phát biểu, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đánh hồi trống khai trường năm học mới và tặng nhà trường một bộ máy vi tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét