Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Bắt đồng Nguyên (nhân dân tệ) lên giá được lợi gì?

Ngày Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Bắt đồng Nguyên (nhân dân tệ) lên giá được lợi gì?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Bắt đồng Nguyên (nhân dân tệ) lên giá được lợi gì?

Năm ngoái, Hạ Viện Mỹ (đa số đảng Cộng Hòa) đã thông qua một dự luật nhằm buộc Trung Quốc phải nâng giá đồng tiền của họ so với Mỹ kim.
Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối. Dự luật đó không được viện trên đem ra bàn. Năm nay, đến lượt Thượng Viện (đa số Dân Chủ) lên đài, ngày Thứ Hai, 3 Tháng Mười, bắt đầu thảo luận một dự luật cho phép chính phủ Mỹ tăng thuế trên hàng Trung Quốc nhập cảng nếu họ không nâng giá đồng Nguyên. Lần này, Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ; cả Ngân Hàng Trung Ương, Bộ Thương Mại và Bộ Ngoại Giao đều lên tiếng. Họ đe dọa một cuộc “chiến tranh thương mại” có thể xảy ra nếu hai nước chạy đua tăng thuế nhập cảng trên hàng hóa của nhau rồi thưa kiện trước WTO, hậu quả lan rộng sẽ làm kinh tế cả thế giới suy yếu thêm, kể cả Mỹ và Trung Quốc.
Phản ứng mạnh hơn chứng tỏ Bắc Kinh lo ngại lần này Quốc Hội và tổng thống Mỹ sẽ làm thật. Vì sang năm dân Mỹ sẽ đi bầu. Chống Trung Quốc là một đòn dễ kiếm phiếu, nhất là khi các đại biểu nêu lý do họ hành động để giảm bớt nạn thất nghiệp ở Mỹ. Bây giờ, làm bất cứ cái gì để giảm bớt thất nghiệp chắc sẽ được hoan nghênh. Thượng Viện Mỹ sẽ thông qua dự luật, vì sẽ đủ đa số. Hạ Viện có thể chần chừ một chút, vì dự luật viện trên mang nhãn hiệu đảng Dân Chủ. Các đại biểu Cộng Hòa biết rằng các cuộc tranh luận tại Quốc Hội sẽ khiến dân Mỹ nhìn về một nước đối thủ, coi như đó là nguyên nhân gây ra tỷ lệ thất nghiệp cao, hiện nay trên 9%, có khi dân quên mất trách nhiệm của ông Obama hiện đang làm tổng thống! Nhưng chắc sau cùng Hạ Viện cũng thông qua dự luật. Sang năm, ai cũng phải tranh cử lại, khó giải thích tại sao lại chống một dự luật “giảm thất nghiệp”.
Sau khi hai viện thông qua, tổng thống cũng không dại gì phủ quyết một đạo luật hấp dẫn như thế. Cho nên, Bắc Kinh biết đây không phải chuyện đùa, họ thật sự lo ngại. Nếu họ hành động trước, để chứng tỏ có đáp ứng với dư luận Mỹ, như họ đã làm năm 2005, thì dự luật này có thể bị trì hoãn, tránh được một cuộc chiến tranh thương mại!
Có nhiều lý luận chứng tỏ Mỹ cần tấn công Trung Quốc trên mặt trận hối đoái. Bắc Kinh đã cố ý giữ giá đồng Nguyên rất thấp so với Mỹ kim để giá hàng xuất cảng của họ cũng thấp. Ðồng Nguyên được coi là đang thấp 28% so với giá trị thật; nếu tăng hối suất thì các món hàng xuất cảng từ Trung Quốc sẽ tăng giá một phần ba khi bán lấy Mỹ kim. Nước Mỹ đang chịu khiếm hụt trên cán cân thương mại, bán ra ít, mua vào nhiều, vì thế mà số người thất nghiệp lên cao. Buộc Trung Quốc nâng giá đồng Nguyên sẽ có ba hậu quả tốt: Hàng Mỹ bán vào Trung Quốc sẽ rẻ hơn, bán được nhiều hơn; hàng Trung Quốc bán ra các nước khác sẽ đắt hơn, do đó hàng Mỹ cũng cạnh tranh dễ hơn khắp thế giới; và sau cùng, lương công nhân ở nước Tàu sẽ cao hơn khi tính ra Mỹ kim, các công ty Mỹ sẽ giảm bớt số công việc đem sang cho người Tàu làm mà đưa về nước cho công nhân Mỹ làm.
Cả ba hậu quả đó sẽ có thể giúp giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ. Có người tính nếu đồng Nguyên lên giá nước Mỹ sẽ tạo thêm được một triệu việc làm, nhà kinh tế Paul Krugman (giải Nobel) ước tính 1.5 triệu, một dân biểu Mỹ tính sẽ lên tới 2.25 triệu. Hiện đang có 14 triệu người Mỹ bị thất nghiệp. Số khiếm hụt mậu dịch của nước Mỹ hy vọng sẽ giảm bớt so với thâm thủng hiện nay.

Nói chung, các nước đều muốn giữ giá đồng tiền của mình thấp xuống so với tiền nước khác để dễ xuất cảng. Ngay cả Thụy Sĩ, hiện đang đi mua Mỹ kim và Euro để đồng franc của họ không lên giá quá nhanh. Hiện các nhà đầu tư cứ mua đồng franc, đem để dành tiền ở Thụy Sĩ cho an toàn! Ðồng Mỹ kim đang bị đẩy giá lên vì lý do tương tự, trong lúc kinh tế bất ổn nhiều người cũng thấy để dành tiền ở Mỹ yên tâm. Bắc Kinh có $3,200 tỷ dự trữ ngoại tệ chính vì họ đi mua Mỹ kim để cho Mỹ vay. Riêng việc đi mua này làm cho Ngân Hàng Nhân Dân tốn $240 tỷ một năm. Con số đó lớn bằng 4% tổng sản lượng nội địa, cao hơn số $183 tỷ thặng dư mậu dịch năm 2010! Bắc Kinh làm như vậy được là vì chính phủ bắt dân chúng nhịn không được tiêu thụ; dân đành chịu. Ép Bắc Kinh nâng giá đồng Nguyên giống chính phủ Mỹ nói với họ: Thôi, các ông hãy dùng đồng tiền kiếm được nhờ xuất cảng cho dân Trung Hoa mua hàng hóa, dịch vụ của các nước đi; đừng có đem tiền sang cho nước Mỹ vay thêm nữa! Nhưng chính sách của Bắc Kinh khó thay đổi.
Vì dù họ muốn thay đổi cũng rất khó thi hành. Chính quyền Bắc Kinh cũng lo nạn thất nghiệp như bên Mỹ. Hàng trăm triệu người đi tìm việc. Nếu việc xuất cảng đình trệ, các nhà sản xuất không có thời giờ chuyển hướng sang cho thị trường nội địa, số người mất việc sẽ cao hơn. Mà người dân Trung Hoa có sẵn sàng đóng vai khách tiêu thụ thay cho khách Mỹ hay không? Trước hết họ cần phải có mãi lực cao hơn. Khi đồng Nguyên tăng giá họ có thể tiêu thụ được thêm hàng nhập cảng, vì sẽ rẻ hơn. Nhưng họ vẫn cần phải được tăng lương mới đủ. Những thứ đó có thể làm cho lạm phát lên cao; mà hiện nay ở mức 6.2% đã phải báo động rồi. Lạm phát và thất nghiệp sẽ gây thêm mối lo xã hội bất ổn. Rồi các ngân hàng thương mại do nhà nước kiểm soát phải tăng lãi suất trả cho dân gửi tiền tiết kiệm, cho dân thêm tiền bỏ túi nữa. Nếu đồng Nguyên lên giá, kinh tế Trung Quốc sẽ bắt buộc phải chuyển hướng, với hy vọng ổn định và quân bình hơn, nhưng trong khi kinh tế chuyển từ xuất cảng sang thị trường nội địa thì túi tiền của người tiêu thụ chưa chuyển theo kịp, sẽ gây thêm bất ổn!
Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đã công nhận từ năm ngoái là nền kinh tế Trung Quốc “không quân bình, không ổn định, không điều hợp và không thể kéo dài”. Chính phủ đổ tiền đầu tư quá nhiều nhưng đồng vốn không được sử dụng, hoặc dùng mà không có hiệu quả.
Bắc Kinh phải lo lắng trước mối đe dọa do dự luật ở Thượng Viện Mỹ gây ra, vì nó có nhiều triển vọng thành luật thật. Trước đây, chính quyền Mỹ chỉ cần đe dọa thôi đã khiến Bắc Kinh phải hành động. Năm 2005, hai thượng nghị sĩ Charles Schumer và Lindsey Graham đã đề nghị một dự luật đánh thuế hàng Trung Quốc 27.5% nếu họ không nâng giá đồng Nguyên trong 180 ngày! Thượng Viện đã chấp thuận với tỷ số 67-33; Hạ Viện thì không đem ra bàn. Nhưng chỉ đe dọa không thôi cũng đủ để Bắc Kinh công bố thả nổi cho đồng tiền của họ lên giá dần. Quả nhiên, từ 2005 đến 2010, đồng Nguyên đã lên giá 30% so với Mỹ kim, người Mỹ thấy vẫn chưa đủ.
Nhưng tỷ giá đồng Nguyên thấp chỉ là một trong nhiều cách chính quyền Trung Quốc dùng để giảm giá hàng xuất cảng. Họ còn dùng nhiều biện pháp khác, thiếu công bằng, ít nhất là không “thẳng thắn,” để ghìm giá. Ðặc biệt là trợ cấp cho các xí nghiệp của họ. Các công ty quốc doanh được vay tiền của ngân hàng quốc doanh với lãi suất rất thấp, một cách hạ thấp phí tổn trong giá thành. Họ ngăn cấm các nghiệp đoàn tư hoạt động, giúp cho mọi xí nghiệp, công, tư và ngoại quốc được trả lương thấp, cũng giảm giá thành của sản phẩm. Các xí nghiệp Trung Quốc không phải đóng góp cho quỹ hưu bổng, bảo hiểm y tế như các xí nghiệp Mỹ phải chịu tốn kém. Washington chưa đòi hỏi Bắc Kinh phải xóa bỏ các lối “trợ cấp” thiếu công bằng này.
Việc nâng giá đồng Nguyên so với Mỹ kim cũng không phải là phương pháp chắc chắn giúp cán cân thương mại Mỹ bớt thâm thủng hay hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp. Năm 1994, Trung Quốc đã hạ giá đồng Nguyên rất nhiều đối với Mỹ kim; nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã xuống thấp liên tiếp trong nhiều năm sau đó chứ không lên. Từ năm 2005, họ nâng giá đồng Nguyên lên, đến giờ thì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lại lên cao. Ảnh hưởng của tỷ giá đồng Nguyên thật ra không theo một chiều nào chắc chắn!
Chính sách giữ giá đồng Nguyên thấp của Bắc Kinh gây ra tình trạng mất quân bình của nền kinh tế Trung Quốc và cả thế giới. Nếu Bắc Kinh chịu nghe theo yêu cầu của Mỹ mà nâng hối suất lên, chính kinh tế nước họ sẽ dần dần ổn định hơn. Nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Mỹ, đến nạn thất nghiệp ở Mỹ, thực ra không lớn lắm.
Vì Mỹ bán sang Trung Quốc những món hàng mà khi mua họ không quan tâm đến tỷ giá. Những máy bay của Boeing, máy phát điện của General Electrics bán được là vì kỹ thuật cao, phục vụ tốt sau khi bán, chứ không phải vì giá hạ. Trong ba năm, từ 2002 đến 2005, đồng Nguyên không thay đổi tỷ giá, số hàng xuất cảng từ Mỹ sang Trung Quốc tăng được 89%. Trong ba năm sau đó, từ 2005 đến 2008, đồng Nguyên bị ép phải nâng tỷ giá đến 20%, số xuất cảng của Mỹ sang Trung Quốc chỉ tăng 71% mặc dù giá bán rẻ hơn. Thực ra trong thị trường Trung Quốc các công ty Mỹ cạnh tranh với các công ty Nhật Bản, Âu Châu, cho nên bán được nhiều hay ít hơn có thể tùy thuộc hối suất Mỹ kim và đồng Yen, Mỹ kim và đồng Euro, chứ không phải tỷ giá Mỹ kim và đồng Nguyên!
Nếu đồng Nguyên lên giá thì cũng ảnh hưởng tới sự cạnh tranh xuất cảng từ hai nước sang các nước khác, nhưng không nhiều lắm. Chỉ có 15% số hàng hóa Mỹ được lợi khi bán giá rẻ hơn so với hàng Trung Quốc nếu đồng nguyên tăng giá. Ðó là một số sản phẩm dùng trong Internet, hay biến chế điện mặt trời mà hai nước trực tiếp cạnh tranh. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc bán những món hàng trong các thị trường khác hẳn nhau. Mỹ bán các món kỹ thuật cao, đắt tiền. Trung Quốc bán quần áo, phần lớn đồ rẻ tiền. Dù sao, cạnh tranh dễ hơn trong 15% thị trường cũng là một mục tiêu đáng theo đuổi để bắt Bắc Kinh phải thả cho tiền của họ lên giá!
Nhưng không có hy vọng là nếu đồng Nguyên lên giá thì các công ty Mỹ sẽ đem nhiều công việc từ bên Tàu về cho công nhân ở Mỹ làm! Họ có thể chuyển các nhà máy từ nước Tàu sang Ấn Ðộ, Indonesia, và cả Việt Nam cũng được! Chỉ có một số nhỏ các ngành sẽ được đưa về Mỹ.
Cuối cùng, các nhà chính trị ở Mỹ sẽ có cơ hội chứng tỏ họ lo lắng về nạn thất nghiệp, cho thấy là họ có nỗ lực tìm các biện pháp tạo thêm công việc làm. Tấn công chính sách tài chánh không công bình, không thẳng thắn của chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ được các cử tri hoan nghênh. Trong 13 tháng tới, các cuộc thảo luận ở Quốc Hội sẽ tác động trên các cử tri. Hy vọng rằng trong thời gian đó Bắc Kinh chịu ngồi xuống với Washington để bàn cách giảm bớt những biện pháp “trợ cấp” cho các công ty của họ, ngoài việc nâng giá đồng Nguyên. Bắc Kinh sẽ phải tìm cách thỏa hiệp, chịu nâng giá đồng tiền lên một chút, giảm bớt các khoản trợ cấp cho các xí nghiệp của họ một chút, thì cuộc chiến tranh thương mại có thể sẽ tránh được. Bắc Kinh có thể giải thích rằng đó chính là những việc họ cũng thấy cần phải thực hiện để nền kinh tế của họ quân bình hơn, bền vững hơn như ông Ôn Gia Bảo đã cảnh báo từ năm ngoái! Có người ngoài thúc thêm vào, việc các chính sách đó được thi hành sớm và nhanh chóng hơn cũng là một điều tốt chứ sao!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét