Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Hai người bán mực khô ở Viêng Chăn

Ngày Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Hai người bán mực khô ở Viêng Chăn
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Thư giãn chủ nhật. Nhớ nước Lào:

Truyện ngắn của Thái Bá Lợi
 
          Chín chục năm trước đã có cảnh này chưa nhỉ? Mỗi lần nâng ly lên miệng Hân lại nghĩ về điều này, vì nơi anh đang ngồi uống rượu với mực khô đêm nay ông nội anh đã từng đến. Về khuya, Viêng Chăn vốn đã trầm tĩnh lại càng trầm tĩnh hơn. Gió từ sông Mê Kông mang theo hơi lạnh phả vào mặt anh. Bên kia sông, trên đất Thái những ngọn đèn nhẫn nại soi xuống dòng nước lung linh hắt ánh sáng đến tận nơi Hân đang ngồi. Hai cô gái ngồi cạnh anh, cùng nhâm nhi ly rượu Lào với anh như là những người quen hơn là những tình nhân vì chỉ có một trai mà hai gái.
          – Mấy tháng nay sao không thấy bán ở phố này? Hân hỏi.
          – Bọn em về quê gặt lúa giúp gia đình.
          – Xong mùa mới sang à?
          – Năm nào cũng vậy, xong việc đồng áng mới lên đường sang đây, bán đến gần tết lại về.
          Hai cô gái trẻ hơn Hân cả chục tuổi ngượng nghịu cụng ly với anh. Rõ ràng họ không phải là bợm nhậu. Tay họ quen xé mực khô nướng hơn là rót rượu. Còn Hân thì cứ bị ám ảnh bởi câu hỏi chín mươi năm trước ở đất Viêng Chăn này đã có cảnh những cô gái Việt xách lò than đi bán mực khô nướng chưa?
          Hân nói:
          – Khuya rồi. Ta giải tán, anh gửi tiền cho hai đứa.
          Một cô gái cười:
          – Thật à?
          – Thật chứ. Mất cả buổi bán tối của chúng mày còn gì. Nhà trọ có gần đây không, anh đưa về.
          – Không gần lắm, nhưng để hai đứa em đi bộ về, không bà chủ lại tưởng đi khách không cho ở nữa. Hai cô gái lại khúc khích cười.
          Những ngọn đèn bờ sông phía Thái Lan sáng hơn. Trên đường không còn một bóng người. Gió đã lặng, đêm lạnh hơn và Hân cứ ngồi im bên chai rượu rót dở nhìn hai cô gái lầm lũi trên đường vắng đi về nhà trọ.

*
*           *
          Đáng ra Hân không có một đêm nhiều tâm trạng như thế này nếu những người bạn mới từ Việt Nam sang không đột ngột chia tay anh. Họ vừa từ Xavẳn lên Viêng Chăn vào lúc chập tối. Sau khi sắp đặt chỗ cho họ ở một khách sạn quen anh kéo họ ra quán. Cuộc vui của những người cùng quê lâu mới gặp đang giữa lúc sôi nổi thì một cuộc điện thoại làm gián đoạn. Đoàn khách từ Việt Nam sang được một cơ quan Lào mời đi dự đêm biểu diễn nghệ thuật về tình hữu nghị đặc biệt Việt Lào. Không thể từ chối họ phải rời quán để lại Hân với một dãy bàn trống còn bày đầy đồ nhậu và những chai rượu mới vơi nửa. Hân sững sờ một lúc, nhưng anh quyết định ngồi lại để thử một mình với một mình xem sao. Anh tự rót một ly rượu cho mình và nói với nhà hàng cứ để nguyên bàn nhậu, chỉ cần dọn chén bát của những người đã ra đi. Nhưng chỉ vài mươi phút sau, sự trống vắng đã ập về với Hân. Đã có gần mười năm sống trên đất Lào, chủ yếu là ở kinh đô Viêng Chăn, lâu lắm anh mới gặp cảm giác này. Anh không sợ nó vì sự trống vắng này lại bình yên. Ở đất nước mà anh đã lựa chọn sống mười năm qua thì dù có u buồn, trống vắng nhưng lòng vẫn bình yên. Đó là trải nghiệm có thật trong Hân, không phải thêu dệt, tô điểm gì.
          Đang tâm trạng như vậy thì hai cô gái bán mực khô đi tới.
          – Lại gặp người quen rồi. Em nướng cho anh một con mực vậy. Một cô gái lên tiếng
          – Uống một mình thì cần gì mồi. Hân đáp lại.
          – Sao lại không hả anh?
          – Vậy thì nướng cho một con.
          Cả hai cái lò than đang đượm, một cô gái đặt con mực lên vỉ rồi quạt, còn một cô thì rót rượu cho Hân.
          – Cũng quen rót rượu hả?
          – Lâu lâu mới rót. Trông anh tư lự quá nên mới rót xem anh có tươi lên được tí nào không.
          Hân bỗng ngồi thẳng người dậy, anh vỗ nhẹ vào đùi mình:
          – Hỏi điều này, các em đi bán mỗi đêm lãi mấy trăm?
          – Làm gì mấy trăm, cỡ trăm nghìn kíp thôi.
          – Vậy là nhiều quá rồi, bằng hai trăm rưỡi nghìn tiền Việt.
          – So với bên mình là nhiều, nhưng quê xứ người ta, đủ thứ phải chi, phải lo.
          – Có phải gửi về nước nuôi chồng con không?
          Hai cô gái rúc rích cười.
          – Bây giờ thế này. Hân nói. Anh sẽ trả mỗi em một trăm nghìn, ngồi đây uống rượu với anh, không đi bán nữa.
          Hai cô gái cười lớn hơn.
          – Nói thật đó. Cất đồ đi, ngồi đây thành bạn nhậu.
          – Thật à?
          – Sao lại không thật, người quen biết nhau, dối gạt nhau làm gì. Không ngồi dưới đất nữa, ngồi lên ghế hẳn hoi.
          Thế là họ thành ba người bạn rượu trong đêm vắng Viêng Chăn.
banmuc12
Tranh minh họa của Trần Nhương
*
*           *
          “Chín mươi năm trước đã có cảnh này chưa?” Câu hỏi ấy đến với Hân khi anh biết hai cô gái bán mực nướng từ huyện Yên Thành, Nghệ An sang, vì quê nội anh ở đó. Chín mươi năm trước ông nội anh bỏ một làng nghèo gần lèn Hai Vai lưu lạc sang Lào kiếm sống. Hân không được thấy mặt ông nội vì khi chào đời ông đã mất, mộ ông còn trên Vang Viêng cách nơi anh đang ngồi uống rượu với hai cô gái trăm cây số. Cha anh từng kể ông nội là một người ngang tàng và thích gây sự. Những người cùng với ông lưu lạc sang Lào đều nói như vậy. Nhưng đó là thời ông còn trai trẻ. Rồi theo năm tháng, cùng làm ăn kiếm sống với những người Lào hiền hòa trên một xứ sở mà con người nhớ và làm theo lời Phật dạy: dù ở trên rừng hay dưới sông những đồ vật không phải của mình thì không được xê xích, hạ một cây rừng về làm nhà cũng phải làm lễ xin phép rừng xanh, tính nết ông dần dần thay đổi. Về cuối đời dù có đủ điều kiện để trở về quê cùng với số tài sản lớn, đủ bảo đảm cho ông là người giàu nhất huyện, ông chỉ về ủy lạo rồi lại sang Lào sống. Ai hỏi ông vì sao không về nước sống cho sướng, cho gần gũi bà con họ hàng, ông chỉ cười. Ông cũng có một mối tình của người xiêu bạt. Bà nội Hân có hoàn cảnh như hai cô gái bán mực rong đang ngồi cạnh anh đêm nay. Bà quê tận Thái Bình, theo cha mẹ sang Lào, rồi mồ côi cả cha mẹ do một tai nạn đá lăn khi ông bà làm phu khai phá con đường lên Luông Prabăng. Bà nội kể lại với cha, rồi cha kể lại với Hân rằng thi thể của hai người phu được khâm liệm sơ sài, chôn ngay cạnh con đường đang khai phá. Đó là những cái chết thê thảm của phu làm đường người Việt trên đất Lào dù cách chết có khác nhau. Sốt rét, rắn cắn, đói rét, đá lăn, thú rừng vồ…Người Pháp khi khai mở thuộc địa đã làm những điều gì cần làm nói là vì người bản xứ, nhưng trước hết là vì họ. Không còn ai cấp dưỡng, bà nội phải đi bán dạo các thứ lặt vặt như kim chỉ, dầu đèn, mắm muối trong các lán trại và gặp ông nội.
          Từ hai con người cù bơ cù bất kiếm miếng cơm qua ngày, khi hợp lại với nhau thì có chuyện đổi đời. Họ thuê được một góc nhỏ bờ sông Mê Kông ở Thà Khẹt, thị xã đang đông người lên của tỉnh Khăm Muộn, mở cửa hàng buôn bán tạp hóa. Theo trào khai phá thuộc địa của Pháp, người Việt sang Lào đông dần. Hai ông bà dựa vào lợi thế rành tiếng Lào đã làm cầu nối việc buôn bán giao lưu giữa người Lào và người Việt mới đến. Cái góc nhỏ đó dần dà to ra, hàng hóa buôn bán nhiều lên, rồi thành một nhà phố hai tầng sau mười năm. Hai mươi năm sau thành một địa chỉ cho những người muốn kinh doanh vùng Trung Lào lui tới. Tiếng tăm của căn nhà đó vượt Mê Kông sang Thái Lan cùng với những chuyến hàng qua lại dòng sông biên giới. Cha của Hân được sinh ra trong căn nhà này…
          – Anh sang đây lâu chưa mà tiếng Lào giỏi quá vậy? Một cô gái hỏi.
          – Năm năm thôi. Hân trả lời.
          – Em không tin đâu.
          Hân nâng ly rượu lên, mỉm cười:
          – Tin thì tin, không tin thì thôi.
          Hân không nói mình đã sang đây gần mười năm. Không hiểu sao anh lại nói dối. Cha anh chào đời ở Thà Khẹt nhưng anh lại sinh ra ở Việt Nam.
          – Anh thường uống rượu một mình như thế này à?
          – Làm gì có, chỉ những người cô đơn hoặc bản lĩnh mới ngồi uống rượu một mình.
          – May quá, cứ tưởng anh cô đơn. Cả hai cô gái cười lớn.
          Tiếng cười của hai cô gái đêm nay ở Viêng Chăn đưa anh về bến sông Thà Khẹt. Tuần trước anh về lại bến sông đó. Căn nhà của ông bà nội mấy chục năm trước vẫn còn nguyên nhưng đã đổi chủ. Một người Lào mua lại căn nhà từ năm 1946, khi cha anh cùng các chiến sĩ Lào-Việt rút khỏi Tà Khẹt. Trước khi mất cha có dặn Hân thế nào cũng phải ghé bến sông Tà Khẹt, thăm lại nơi ông chào đời. Hân làm đúng lời cha dặn ngay những ngày đầu sang đất Lào. Cái bến sông đó ngày càng gắn bó với anh qua một cuốn sổ mà cha để lại. Trong cuốn sổ đó có khoảng mười trang chữ nhỏ kể những ngày cha chiến đấu ở Thà Khẹt với một cái đề: “Thà Khẹt thất thủ”.
          – Có khi nào các em bán ở Thà Khẹt không? Hân hỏi hai cô gái.
          – Có chứ. Đó là nơi khởi nghiệp của bọn em. Một cô vừa trả lời vừa tủm tỉm cười. Khởi nghiệp anh à. Nghề gì mà chẳng phải khởi nghiệp, bán mực nướng cũng vậy.
          – Em bán ở đó bao lâu?
          – Cả năm trời.
          – Em có bán ở bến sông không?
          – Có chứ. Thà Khẹt đẹp nhất là bến sông. Vậy anh chưa đến Thà Khẹt à?
          Hân không trả lời nữa. Còn cô gái thì không để ý đến câu hỏi của mình, chỉ liếc mắt nhìn bạn, chắc chắn rằng họ đang nghĩ về người đang uống rượu với mình là một anh chàng ngớ ngẩn.
*
*           *
          Câu chuyện “Thà Khẹt thất thủ” cha anh ghi lại trên mười trang giấy trong cuốn sổ tay không chỉ để ghi nhật ký mà còn ghi nhiều thứ khác dính dáng đến cuộc đời chiến đấu của ông. Có trang ông ghi danh sách những chiến sĩ trong trung đội, lại có trang ghi số đạn nhận ở trạm quân giới trước trận đánh. Có trang ghi số gạo của một bản Lào ủng hộ bộ đội, có chữ ký của người trưởng bản và còn ghi nhiều chuyện khác nữa. Ngay trong mỗi trang, nửa trên ghi bằng tiếng Việt, nửa dưới tiếng Lào, lại chen vào mấy dòng tiếng Pháp. Nhưng những trang kể về Thà Khẹt thất thủ thì được ghi bằng tiếng Việt, có thể ông tính chuyện con cháu ông sau này dù không biết tiếng Lào cũng đọc được chăng?
          Dù không cầm văn bản trong tay, gần như Hân đã thuộc lòng câu chuyện bi tráng đó bắt đầu từ sáng sớm ngày 21 tháng 3 năm 1946. Trời Thà Khẹt trong veo, không một gợn mây, nước sông Mê Kông lặng lờ cùng những con thuyền xuôi xuống hạ lưu. Bố anh đang pha cà phê mời Hoàng thân Xuphanuvông thì nghe có tiếng động cơ máy bay. Hai chiếc máy bay thám thính lượn mấy vòng quanh thị xã rồi rải truyền đơn trắng các con phố. Đó là tối hậu thư buộc các lực lượng liên quân Lào-Việt hạ vũ khí đầu hàng. Và chẳng cần phải chờ lâu, chỉ nửa giờ sau máy bay phóng pháo đến bắn những loạt trọng liên dọc theo phố bờ sông. Cùng lúc, pháo 105 ly, súng cối của quân Pháp đồng loạt dội đạn vào thị xã. Hai chiếc Spich-phai ném bốn quả bom xuống chợ lúc chợ đã đông. Nhiều người chết và bị thương, phần đông là phụ nữ. Tiếng súng mỗi lúc một dữ dội hơn trên các phòng tuyến quanh thị xã. Dân thị xã dồn ra bờ sông, người nhanh thì lên thuyền, người chậm thì nhảy xuống nước, mặt sông đầy người. Hai chiếc Spich-phai vòng lại ném bom, bom trúng một chiếc tàu neo giữa sông, dầu trên tàu tràn ra, dòng sông bốc lửa. Quân Pháp vãi đạn vào bất cứ nơi nào có con người đang nhốn nháo, trong phố thị hay giữa dòng nước. Những người dân chạy loạn phần nhiều là phụ nữ và trẻ em trúng đạn chết, bị thương trôi đầy mặt sông. Một số thoát được sang bờ Thái Lan. Mười giờ, các tuyến phòng ngự của liên quân Lào-Việt còn đứng vững. Hoàng thân Xuphanuvông trực tiếp chỉ huy phòng thủ thị xã. Mặc dù bị tổn thất, quân Pháp vẫn liều mạng tấn tới, chúng được máy bay, pháo binh yểm trợ. Lần lượt phòng tuyến phía nam, rồi đến phía đông phải rút lui, chỉ còn lại phòng tuyến phía bắc. Mười hai giờ, Bộ Tham mưu mặt trận đề nghị Hoàng thân Xuphanuvông rút qua sông Mê Kông trước nhưng Hoàng thân không chịu, vẫn ở lại chỉ huy trận chiến. Khi lính Pháp đã vào trung tâm thị xã, Hoàng thân mới chịu rời vị trí chỉ huy xuống ca-nô. Tuyến phòng thủ phía bắc thất thủ, dù tiếng súng của quân ta vẫn còn nổ trên từng nóc nhà, từng góc phố…
          Hình ảnh lưu lại trong đầu Hân là cảnh chiếc ca nô của Hoàng thân đang giữa dòng sông lớn. Bố anh ghi lại rằng máy bay Pháp bổ nhào xuống xả đại liên đuổi theo chiếc ca nô nhỏ. Hoàng thân trúng đạn và ngất đi trên tay ông. Nhiều người trong đội bảo vệ hy sinh và bị thương. Máy hỏng, chiếc ca nô quay tròn trên sông. Máy bay Pháp không thôi nhả đạn. Những chiến sĩ vượt sông đã sang bờ Thái Lan bơi ngược lại để kéo chiếc ca nô chở Hoàng thân cập bờ.
          Người cha của Hân đã cùng đồng đội đưa Hoàng thân tới bệnh viện. Hoàng thân bị một viên đạn găm vào ngực trái, nhưng không trúng tim, mất máu nhiều, phải mấy giờ sau mới tỉnh được. Các bác sĩ Lào, Thái đã tận tình cứu chữa cho Hoàng thân. Vài ngày sau, ông hỏi Hoàng thân: “Khi trúng đạn bác có thấy đau không?”. Hoàng thân thanh thản trả lời: “Chỉ cảm giác ớn lạnh trước khi ngã xuống mạn ca nô, không nghe đau đớn gì. Tỉnh lại tinh thần vẫn minh mẫn, có nghĩ đến cái chết, nhưng cũng chẳng ân hận vì được chết cho Tổ quốc”.
          Cuộc chiến trong thị xã vẫn tiếp tục. Khi bọn Pháp tiến được đến bờ sông Mê kông, chúng đã nổ súng bừa bãi vào những người còn kẹt lại trên bờ phía Lào. Xác của chiến sĩ Lào-Việt và dân thường đều bị chúng thả trôi sông. Thà Khẹt thất thủ.
          Đoạn ghi chép kết thúc ở đó, nhưng Hân biết qua lời kể của cha, ông đã theo Hoàng thân Xuphanuvông, ông Hoàng “Đỏ” của dân tộc Lào chiến đấu cho đến năm 1955 mới về Việt Nam, lấy vợ rồi anh em Hân lần lượt chào đời.
*
*           *
          – Trông anh như một người “ngây ngây”. Một cô nói trong tiếng cười rúc rích, vẫn liếc mắt nhìn bạn.
          – Tôi mà là thằng “ngây” à?
          – Không “ngây” sao lại ngồi uống một mình trong đêm vắng. Bữa sau muốn uống rượu đêm về Thà Khẹt mà uống. Về đêm Thà Khẹt đẹp hơn Viêng Chăn.
          – Có thật không? Hân giả bộ ngây ngô.
          – Thật chứ. Vậy anh chưa từng chơi đêm ở Thà Khẹt à. Phố sát ngay bờ sông, bờ Thái Lan đèn hắt xuống sông đẹp lắm. Dãy hàng nướng dọc theo sông, nướng đủ thứ gà chim, nhưng nhiều nhất là các loại cá. Em thấy dân nhậu các anh thích nhậu ở Thà Khẹt lắm.
          – Các em có quen ai dưới đó không?
          – Thà Khẹt nhỏ lắm, quen cả thị xã.
          – Người Việt hay người Lào?
          – Cả Lào cả Việt. Nhưng quen nhất là một nhà người Lào ở bờ sông. Ngôi nhà có hàng chữ Việt đắp nổi “Tạp hóa Yên Thành”, vì quê bọn em ở Yên Thành mà.
          Hân rùng mình không phải vì lạnh.
          Hồi lâu, một cô lại nói:
          – Anh nói chuyện gì đi chứ! Dân nhậu với nhau mà ngồi im nó dị lắm. Hai cô gái lại cười rúc rích với nhau.
          Hân vẫn ngồi im. Anh đang hình dung ra ông nội mình chín mươi năm về trước lăn lộn trên đất Lào vất vả, cơ cực và có hồn nhiên như các em gái này không? Người Việt mình kể cũng lạ, trong cảnh lầm than vẫn tìm ra tiếng cười, nếu không thì chắc khó mà đương đầu với hoàn cảnh được.
          – Để anh kể về đời anh cho các em nghe. Bất ngờ Hân nói, anh cũng chẳng biết vì sao mình nói câu đó.
          Rồi anh kể với hai cô gái cuộc đời của một con người mà anh ngẫu hứng bịa ra. Con người ấy cũng có hoàn cảnh na ná giống ông nội anh, lại có nhiều nét giống hai cô gái bán mực khô. Hân càng kể càng có nhiều chi tiết bất ngờ đến trong đầu anh, câu chuyện sinh động và cảm động như thật. Hai cô gái không còn rúc rích cười nữa mà ngồi im nghe anh nói. Hân vừa ngừng kể thì một cô nói:
          – Anh kể tiếp đi chứ.
          Hân ngồi im. Bây giờ thì anh hối hận vì mình đã bịa ra một câu chuyện không có thật trong đời làm người khác mủi lòng. Nhưng anh đã lỡ leo lên con tàu có một đường ray và bây giờ cứ thế mà chạy. Câu chuyện của anh làm cả ba người rơi nước mắt.
          – Sao đời của anh giống đời bọn em quá. Một cô gái vừa nói vừa gạt nước mắt.
          – Không nói chuyện buồn nữa. Mình kể chuyện Thà Khẹt đi. Hân đã tìm được cách nhảy ra khỏi cuộc mộng du của chính mình.
*
*           *
          Khi hai cô gái đã rẽ vào một con hẻm để về nhà trọ, nhưng cái dáng lầm lũi của họ trên phố vắng vẫn ám ảnh Hân. Đêm đã quá khuya, quán đáng ra đã đóng cửa từ lâu, nhưng người chủ quán, một ông già Lào, vẫn chiều khách ngồi dựa lưng vào tường tận góc trong cùng của quán phì phèo điếu thuốc. Ở đất này chẳng có gì phải nôn nóng kể cả việc đóng cửa quán vì quá khuya. Hân biết vậy nhưng anh không thể lợi dụng lòng tốt của ông già. Anh kêu tính tiền rồi đứng dậy.
          Chín mươi năm trước đã có cảnh này chưa?, câu hỏi đó tiếp tục đến với Hân, không muốn buông tha anh. Để trấn an mình, và cũng không còn để cái ray rứt trong lòng, anh tự trả lời ngay ông nội anh và những cô gái bán mực khô này chẳng có gì khác biệt dù đã qua chín mươi năm.
          Hân thong thả đi về nơi mình đang ở mỗi lần có việc ở Viêng Chăn, chỉ cách quán nhậu chưa đầy ba trăm mét. Anh tự hỏi không biết đêm nay mình có ngủ được không?
Columbia. MO. Hoa Kỳ, 6/2011
T.B.L

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét