Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Cần phân định rõ thế nào là đề tài khoa học

Ngày Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Cần phân định rõ thế nào là đề tài khoa học
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Khâm phục GS HT, một thời là thủ trưởng đáng kính của tôi:

Cần phân định rõ thế nào là đề tài khoa học
Hoàng Tụy

Tôi cho rằng, việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là cần phân định rõ thế nào là nghiên cứu khoa học và thế nào là nghiên cứu nghiệp vụ của bản thân từng cơ quan. Ví như, cái bàn và cái ghế đều quan trọng, chúng ta đều cần cả. Nhưng đáng lẽ cái gọi là cái bàn thì chúng ta lại gọi là cái ghế, rồi chúng ta lại than phiền không có chỗ mà viết dù có đủ sách vở, bút giấy. Tình trạng của chúng ta cũng giống như vậy.

Tôi đã tham gia nhiều hội nghị về các đề tài khoa học cấp Nhà nước của một số ngành. Theo tôi, những cái gọi là đề tài khoa học ấy thực ra thuộc về chức trách, nhiệm vụ của họ. Chẳng hạn, làm giáo dục thế nào cho tốt thì đấy là công việc mà cơ quan lãnh đạo giáo dục cần phải nghiên cứu. Nhưng rồi, việc đó của họ lại thành một đề tài khoa học cấp Nhà nước, được cấp kinh phí, theo tôi dự đoán là khoảng gấp mười, gấp trăm các đề tài nghiên cứu khoa học tự nhiên. Nhiều cơ quan khác cũng có tình trạng đó. Họ đã được Nhà nước cấp cho bao nhiêu phương tiện để làm nhiệm vụ của mình, nhưng rồi họ lại “biến” nhiệm vụ đó thành không biết bao nhiêu đề tài nghiên cứu (vì chúng ta quản lý không minh bạch nên khó mà biết được số lượng thế nào). Chẳng hạn như việc nghiên cứu, giảng dạy và viết sách giáo khoa là việc hết sức quan trọng cho giáo dục. Việc đó cần được Bộ Giáo dục khuyến khích và có kinh phí khuyến khích. Nhưng việc đó là thuộc Bộ Giáo dục. Về phương diện khoa học, không thể coi sách giáo khoa là một công trình khoa học được. Trừ khi trong sách giáo khoa đó có nhiều điểm mới về khoa học thực sự có thể coi là công trình khoa học.

Tôi rất thấy làm lạ khi có nhà báo đưa cho tôi một tập các đề tài khoa học của thành phố Hà Nội, trong đó, nhiều đề tài đọc đầu đề lên đã thấy không đâu trên thế giới này coi là đề tài khoa học. Đấy là ở cấp thành phố. Ở cấp Bộ, tôi chắc cũng có nhiều trường hợp như thế. Tôi dự tính đến 70-80% kinh phí khoa học là để cấp cho các “đề tài” kiểu đó. Còn lại khoảng 20-30% cấp cho đề tài khoa học công nghệ. Bản thân tôi rất coi trọng tất cả các công trình nghiên cứu nghiêm túc ở tất cả các ngành. Tôi không gộp những cái đó vào đây, nhưng quả thật có nhiều công trình không có một giá trị gì cả. Đã vậy lại nhận kinh phí gấp trăm gấp ngàn lần các đề tài khác.
Liên quan đến vấn đề này là việc đánh giá và xem xét hiệu quả các công trình khoa học. Hiện nay xã hội chúng ta có nhiều cách đánh giá khoa học mà tôi cho là quá ấu trĩ. Có người nói, bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học công bố báo này, báo kia trên quốc tế nhưng có tác dụng gì trong nước đâu, cũng chẳng làm ra cơm áo gì. Đó là những quan niệm hết sức sai lầm. Tất cả các nước trên thế giới, đến 90% các công trình nghiên cứu cũng không ra cơm ra áo ngay được. Khoa học là cả một hệ thống. Sở dĩ bây giờ có nhiều thành tựu khoa học kỳ diệu, như là về sinh học, giải mã bản đồ gene người, phóng vệ tinh, thám hiểm cái này cái nọ, máy tính…, đó không phải chỉ do công lao của những người làm trong lĩnh vực ấy. Có một nhà toán học suốt đời không quan tâm và cũng chẳng hiểu gì về máy tính. Ông chỉ chuyên nghiên cứu về lý thuyết đồ thị Graph. Nhưng khi ông mất đi, chính các nhà công nghệ thông tin đã nói rằng, ông là một trong những người đã giúp ích nhiều nhất cho sự phát triển của công nghệ thông tin.
Vì vậy, cần có sự phân biệt giữa Khoa học cơ bản và Khoa học ứng dụng. Trong toán học cũng đã từng có sự phân biệt đó, nhưng rồi người ta nhận thấy: không có cách nào phân chia rạch ròi toán ứng dụng và toán lý thuyết. Chỉ có hai loại: toán tốt và toán tồi. Tôi cho rằng điều đó đúng với khoa học nói chung. Tại sao lại đòi hỏi những nghiên cứu khoa học phải tiến hành làm ra ngô ra khoai ra lúa ra gạo ngay. Nếu như thế thì không chỉ có ta không làm được mà trên thế giới không có nước nào làm được điều đó. Đó là đòi hỏi những cái không thể, vì như vậy là tách từng cái một ra khỏi hệ thống. Tuy không trực tiếp làm ra lúa ra gạo, nhưng trên thế giới này, nếu không có 90% những công trình không có tác dụng ấy thì cũng không thể có 10% các công trình ứng dụng kia.
Gần đây, tôi thấy có những bước tiến lớn đáng vui mừng trong quản lý nghiên cứu cơ bản của Bộ KH&CN, dù rằng, chúng ta cần phải cải tiến nhiều nữa, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu triển khai. Thay vì nói chuyện chiến lược, hãy nói chuyện soạn thảo và thực hiện nghiêm túc các chính sách cụ thể. 
Ngoài ra, còn có một vấn đề lớn về môi trường và điều kiện làm việc của nhà khoa học. Đây là vấn đề không phải chỉ riêng của Bộ KH&CN mà là của cả xã hội, mà theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là do chính sách tiền lương và tham nhũng gây nên. Như trong ngành giáo dục, tính ra số tiền Nhà nước và các địa phương đầu tư cho giáo dục cũng như nhân danh đầu tư cho giáo dục, nếu quản lý tốt và không có tham nhũng thì có thể nói là thừa để đảm bảo mức sống hợp lý cho giáo viên cũng như cán bộ giảng dạy ở đại học, để cho họ có thể sống bằng đồng lương và tập trung làm công việc của họ thay vì phải làm tay trái, thậm chí phải làm nhiều việc phi đạo đức (nhiều người làm như vậy mà bản thân họ cũng rất đau lòng).
Muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học thì một điều không thể không làm là cần chấm dứt tình trạng lấy một phần không nhỏ kinh phí nghiên cứu khoa học để bù đắp thêm cho tiền lương. Nhưng muốn làm được điều đó thì trước hết lương phải thỏa đáng, phải căn cứ vào trình độ, kinh nghiệm của nhà khoa học, và như vậy phải đánh giá đúng trình độ nhà khoa học ấy. Ở tất cả các nước văn minh mà tôi đã có dịp đến, tôi đều thấy các giáo sư, các nhà khoa học sống trên mức trung bình. Họ không phải làm những việc khác ngoài nghiên cứu. Còn kinh phí khoa học của họ phần lớn để đi trao đổi, nhận nghiên cứu sinh, làm thêm thí nghiệm… chứ không phải để bổ sung vào tiền lương.
Chính sách tiền lương hiện nay của chúng ta là một nguyên nhân chủ yếu đẻ ra nhiều hiện tượng tiêu cực. Và một hậu quả khác là, vì cơ chế đó cho nên nhiều nghiên cứu không phải là khoa học cũng xưng là khoa học và nhận kinh phí. Đặc biệt là những đề tài động đến những chuyện to tát như đường lối của Nhà nước, chính trị, xã hội… rất dễ được cấp tiền “nghiên cứu”.
---------------
Lược ghi phát biểu tham luận tại Hội thảo: Định hướng và Giải pháp phát triển KH&CNViệt Nam 2010 – 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét