Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

MỸ CHUYỂN TRỌNG TÂM CHIẾN LƯỢC SANG CHÂU Á VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI PHÓ CỦA TRUNG QUỐC

Ngày Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết MỸ CHUYỂN TRỌNG TÂM CHIẾN LƯỢC SANG CHÂU Á VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI PHÓ CỦA TRUNG QUỐC
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Năm, ngày 17/11/2011

MỸ CHUYỂN TRỌNG TÂM CHIẾN LƯỢC SANG CHÂU Á VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI PHÓ CỦA TRUNG QUỐC

TTXVN (Bắc Kinh 11/11)
Ngày 4/11, trang “China.com” đăng bài viết “Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á và chính sách đối phó của Trung Quốc” của tác giả Trương Tử Đồng, nội dung như sau:
Từ mùa Hè năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đã công khai tuyên bố Mỹ sẽ quay trở lại châu Á nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình tại khu vực này. Về chiến lược quân sự, Mỹ bắt đầu chuyển dịch từng bước 2/3 binh lực và trang bị vũ khí đến các khu vực yếu điểm địa chiến lược tại châu Á, trong đó lấy Haoai và đảo Guam làm trung tâm. Về chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại, Mỹ cũng phối hợp toàn diện, chặt chẽ các lĩnh vực này nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược toàn cầu mới của mình.
Mục tiêu duy nhất khiến Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang châu Á là muốn bao vây, kiềm chế, thậm chí làm Trung Quốc sụp đổ. Hơn một năm trở lại đây, toàn thế giới đều rõ, Mỹ hầu như liên tục tìm kiếm liên minh quân sự tại châu Á, trước cửa ngõ duyên hải phía Đông Nam của Trung Quốc, Mỹ nhiều lần tổ chức diễn tập quân sự trên biển, bất chấp những hiệp định, thông cáo đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trên vấn đề biển, Mỹ không chỉ tiếp tục bán vũ khí tiên tiến cho hòn đảo này, mà còn ngày càng táo tợn hơn, bán vũ khí mang tính tấn công huỷ diệt cho hòn đảo này, nhiều lần thêu dệt và thổi phồng thuyết về mối đe doạ từ Trung Quốc.
Về chính trị ngoại giao, Mỹ âm thầm ủng hộ Việt Nam, Philippin, Malaixia, Brunây chiếm đoạt lãnh thổ Nam Hải (Biển Đông) của Trung Quốc; ủng hộ Nhật Bản cưỡng chiếm quần đảo Điều Ngư vốn thuộc Trung Quốc; khuyến khích Hàn Quốc tiếp tục chiếm đóng các đảo của Trung Quốc; ra sức ủng hộ lập trường của Ấn Độ trương cuộc tranh chấp biên giới Trung-Ấn; âm thầm kích động thế lực Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng tiến tới độc lập. Về kinh tế, không ngừng gây sức ép đòi tăng giá đồng NDT.

Theo tình hình quốc tế hiện nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có đủ tiềm lực thách thức địa vị bá quyền của Mỹ, Trung Quốc đang trỗi dậy, trong con mắt của Mỹ, cho dù là phương thức trỗi dậy hoà bình, đồng thời bảo đảm không đe doạ địa vị bá quyền của Mỹ, song Mỹ vẫn không từ bảo chính sách bao vây, kiềm chế Trung Quốc.
Chiến lược toàn cầu mới của Mỹ đã làm dấy lên các cuộc tranh luận quyết liệt trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Phái cấp tiến chủ trương áp dụng các biện pháp cứng rắn đối đầu với Mỹ và đồng minh của Mỹ, như cắt giảm, ngừng hoặc bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ; Mỹ tiếp tục bán vũ khí tiên tiến cho Đài Loan, tại sao Trung Quốc không trả đũa như bán vũ khí tiên tiến cho Bắc Triều Tiên, Iran, Mianma, thậm chí cả các nước Trung Đông nhằm chống lại Ixraen, đồng minh thân cận của Mỹ; cắt đứt giao lưu quân sự Trung Quốc-Mỹ; dùng vũ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc-Việt Nam, Trung Quốc-Philippin, Trung Quốc-Nhật Bản, Trung Quốc-Ấn Độ. Trong khi đó, phải ôn hoà lại chủ trương kiên trì tiếp tục đối thoại với Mỹ, chờ đợi tình thế có lợi mới hành động, tuyệt đối không nói đến chiến tranh. Cho đến hiện nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua trái phiếu Chính phủ Mỹ, đồng NDT vẫn tăng giá chậm, giao lưu quân sự Trung-Mỹ vẫn được tiến hành đúng hạn, tranh chấp Trung Quốc-Việt Nam, Trung Quốc-Philippin vẫn chỉ là đàm phán trên bàn giấy, khẩu chiến là chính. Phái ôn hoà hiện nay đang chiếm thế thượng phong ở Trung Quốc, nhưng khả năng phái này duy trì trong bao lâu, khó có thể dự đoán. Nhân dân Trung Quốc, nhất là cư dân mạng thời gian gần đây có tinh thần yêu nước lên cao, lòng đầy căm phẫn. Ý kiến ủng hộ chủ trương dùng vũ lực trừng phạt Việt Nam, Philippin ngày càng nhiều. Lòng kiên nhẫn là có hạn, hy vọng các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc chú ý đến tâm nguyện của dân chúng.
Đi sâu quan sát, không khó phát hiện ra rằng ngoài việc tăng thêm binh lực và thiết bị vũ khí tại châu Á, chiến lược toàn cầu mới của Mỹ vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi. Mỹ tự cho rằng sau khi từng bước kết thúc chiến tranh tại Irắc và Ápganixtan, sẽ có thể rảnh tay dốc toàn lực đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ không thể rút ra khỏi Trung Đông vì khu vực này từ xưa đến nay là vùng đất tranh chấp của các cường quốc muốn xưng bá trên thế giới. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger từng nói, ai khống chế được Trung Đông, khống chế được dầu mỏ thế giới sẽ có quyền khống chế thế giới. Hiện nay, Mỹ vẫn là một siêu cường duy nhất trên thế giới, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh tại Irắc và Ápganixtan trong hơn 10 năm qua, tiêu hao hàng nghìn tỉ USD, binh sĩ thương vong lên đến hơn 50.000 người, làm sao Mỹ có thể cam tâm nhường lợi ích cho người khác. Người Mỹ càng không muốn thấy một đồng mình Ixraen bị cô lập và bao vây tại Trung Đông, cũng không muốn thấy một Trung Quốc tung hoành làm ăn trên đất châu Phi và thế lực Trung Quốc vươn tới khu vực sân sau của Mỹ. Theo tác giả, Mỹ không thể dịch chuyển 2/3 binh lực và vũ khí đến khu vực châu Á. Đây rất có thể chỉ là đòn tâm lý chiến của Mỹ, là nước cờ hư hư thực thực của Mỹ mà thôi. Phân tích từ một góc độ khác, cho dù có chuyển 2/3 binh lực và vũ khí đến châu Á, liệu Mỹ có thể thật sự uy hiếp Trung Quốc? Lính lục quân đang tại ngũ của Mỹ thiếu rất nhiều, không thể trực tiếp điều ra chiến trường, vì vậy chỉ có thể tăng cường điều động tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân, đồn trú lâu dài tại các căn cứ quân sự bên ngoài của Mỹ ở châu Á. Trung Quốc đã sớm quen với việc Mỹ sử dụng tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân để diễu võ giương oai trước mặt Trung Quốc. Tuy thế, trong thời gian trước mắt cũng khiến Trung Quốc không dám sử dụng vũ lực trừng phạt Việt Nam và Philippin, hoặc phát động chiến tranh Trung-Nhật. Nhưng về lâu dài, hiệu ứng uy hiếp của Mỹ sẽ bị Trung Quốc hoá giải. Trong vòng 10 năm tới, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 J-20, tên lửa Đông Phong 21-D chuyên tấn công tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân “096” của Trung Quốc có thể được biên chế vào quân đội, như vậy có đủ khả năng để đối kháng với quân đội Mỹ đồn trú tại châu Á.
Bên cạnh chiến lược toàn cầu mới, Mỹ còn thực hiện các chính sách khác nhằm vào Trung Quốc, như kích động thế lực Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương độc lập, tiếp tục bán vũ khí tiên tiến cho Đài Loan, thổi phồng thuyết về mối đe doạ từ Trung Quốc, gây sức ép tăng giá đồng NDT, liên kết với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và một số quốc gia Đông Nam Á, bao vây toàn diện Trung Quốc. Trong tranh chấp lãnh thổ Trung-Ấn, Trung-Nhật, Mỹ ra sức ủng hộ Ấn Độ và Nhật Bản trên mọi phương diện. Mỹ cũng đứng sau hậu trường, giật dây Việt Nam và Philippin tiến ra tuyến đầu, giành giật lãnh thổ Nam Hải cùng Trung Quốc, khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong đối phó, thậm chí cảm thấy mệt mỏi. Trước sự quan tâm cao độ của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã thể hiện thành ý hoà bình, kiên trì tổ chức nhiều cuộc đàm phán ngoại giao với Việt Nam và Philippin, mời nguyên thủ hai nước đến Bắc Kinh và cùng ký các hiệp định liên quan. Nhưng ngay sau đó, hai nước này lại lần lượt ký với Nhật Bản, Ấn Độ hiệp định hợp tác cùng khai thác tài nguyên tại Nam Hải, làm Trung Quốc mất thể diện, Thậm chí Philippin còn trắng trợn vô cớ bắt giữ tàu thuyền Trung Quốc, động thái này rõ ràng được Mỹ đứng đằng sau bảo lãnh. Một loạt hành động qua mặt này, khiến cho phái cứng rắn tại Trung Quốc (chủ yếu là giới quân đội) có căn cứ để dùng vũ lực giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Nam Hải.
Để đối phó với tình hình trên, Chính phủ Trung Quốc cũng đã dùng tâm lý chiến, tạo ra các tình hình chuẩn bị chiến tranh, lần lượt tập kết các lực lượng quan trọng tại biên giới Trung-Việt, tăng chi viện máy bay chiến đấu xuống phía Nam, nâng cao thực lực cho Hạm đội Nam Hải, đồng thời thường xuyên tổ chức các loại hình diễn tập quân sự. Tuy nhiên, các biện pháp này cũng không có mấy hiệu quả răn đe. Dễ dàng nhận thấy, Việt Nam và Philippin đã được bên thứ ba là Mỹ ủng hộ. Họ cũng biết rõ rằng điều kiện để giành thắng lợi trong chiến tranh với Trung Quốc tại Nam Hải vẫn chưa vững chắc. Hiện nay, Trung Quốc chưa giành được quyền khống chế Nam Hải, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Trung Quốc vẫn chưa thể dễ dàng tác chiến đường dài tại Nam Hải. Một khi Trung Quốc có tổ hợp tàu sân bay, tình hình sẽ lập tức thay đổi, phần lợi thế sẽ nghiêng về Trung Quốc. Đến khi đó Mỹ cũng không dám liều lĩnh can dự. Nhưng tổ hợp tàu sân bay của Trung Quốc cũng cần ít nhất từ 5-7 năm nữa mói có thể đưa vào sử dụng. Dưới sự bảo hộ của Mỹ, các nước nhỏ trong khu vực như Việt Nam, Philippin cố gắng nhanh chóng khai thác tài nguyên dầu mỏ tại các vùng biển chiếm đóng ở Nam Hải, tạo sự thật quốc tế nhằm lôi kéo thêm các nước khác duy trì sự ủng hộ lâu dìa đối với chủ quyền của họ tại đây. Các nước nhỏ như Việt Nam và Philippin biết rằng Trung Quốc không dám tuỳ tiện phát động chiến tranh tại Nam Hải, lo ngại sẽ làm cản trở tiến trình phát triển bền vững của khu vực mậu dịch Trung Quốc-ASEAN. Đây cũng là khu vực mà Trung Quốc hy vọng sẽ giúp mình giảm thiểu sự phụ thuộc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, và đẩy nhanh tốc độ quốc tế hoá của đồng NDT.
Theo đánh giá ở trên, đối mặt với một Việt Nam và Philippin hung hăng, ngoài giải quyết bằng biện pháp vũ lực, Trung Quốc dường như không còn con đường nào khác. Có lẽ Trung Quốc đang tìm mọi cách thông qua các kênh đào khác nhau để thăm dò thái độ của Mỹ. Hiện tại, vấn đề Nam Hải chỉ có hai nước Trung Quốc và Mỹ mới có thể giải quyết. Nếu Mỹ can dự vào chiến tranh Nam Hải, Mỹ sẽ giành ưu thế trước Trung Quốc. Tuy nhiên, tính toán của Mỹ không phải là thắng hay thua, mà là sau khi Mỹ giành chiến thắng, châu Á sẽ xuất hiện một cục diện hoàn toàn mới, Mỹ có thể kiểm soát tuyệt đối cục diện này hay không? Lợi ích thu được là bao nhiêu? Nếu Trung Quốc thất bại trong cuộc chiến tại Nam Hải, có thể sẽ gây nên tình trạng chính quyền bất ổn, xã hội biến động bất an; đồng thời có thể hình thành một quốc gia có tinh thần dân tộc lên cao kiên quyết chống lại Mỹ. Trong khi đó, hiện nay Mỹ cũng đang muốn một Trung Quốc ổn định, có thể nhập khẩu lâu dài hàng hoá của Mỹ, giúp Mỹ nhanh chóng phục hồi kinh tế.
Hiện tại, hầu như các vấn đề hóc búa của Trung Quốc đề có bàn tay của Mỹ trực tiếp hoặc gián tiếp, gây ra. Đối thủ giải quyết vấn đề thu hồi Đài Loan không phải là Mã Anh Cửu, mà là Mỹ. Giải quyết tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật, Trung-Ấn, Trung-Hàn và vấn đề Nam Hải cũng là Mỹ. Giải quyết vấn đề Tây Tạng, Tân Cương cũng dính dáng đến Mỹ. Thời đỉnh cao sức mạnh của Mỹ, cơ hội đối thoại ngang hàng của Trung Quốc với Mỹ rất là khó khăn. Hiện nay, tài chính Mỹ kiệt quệ, thế lực bá quyền không còn, Mỹ như mãnh hổ mất vuốt, tinh lực suy giảm, chính là thời điểm tốt nhất để Trung Quốc đàm phán trao đổi với Mỹ, hai nước không nhất thiết phải chĩa súng vào nhau, một mất một còn. Nhân dân Mỹ chán ghét chiến tranh, hà cớ gì Mỹ không thuận theo dân tình, thực hiện trao đổi cùng có lợi với Trung Quốc. Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỷ USD, một thị trường trong nước to lớn và nguồn nhân công giá rẻ, đây là một nguồn lợi to lớn mà Mỹ có thể thấy. Vấn đề là Trung Quốc làm thế nào có thể khiến Mỹ không thể cự tuyệt quan điểm trao đổi với Trung Quốc.
Thực sự, Trung Quốc có thể đạp tan chiến lược toàn cầu mới của Mỹ trên nhiều phương diện. Tác giả cho rằng, chiến lược phản kích của Trung Quốc có thể phân thành ngắn hạn và dài hạn, đồng thời cùng tiến hành song song. Chiến lược phản kích dài hạn gồm: (1) Về vũ khí hạt nhân, Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu nâng cấp và triển khai các loại tên lửa xuyên lục địa DF 31-A. Về số lượng cần đạt tới con số hàng trăm đầu đạn tên lửa hạt nhân, với hành trình có thể bắn tới bất cứ mục tiêu nào trên toàn cầu. Tiếp tục chế tạo tàu ngầm hạt nhân “mẫu 096” với số lượng trên 10 chiếc, trong đó trang bị tên lửa Cự Lang-2 hoặc các loại tên lửa xuyên lục địa tiên tiến; (2) Đẩy nhanh việc phát triển các loại vũ khí không gian, tương lai của thế giới là vũ trụ. Mặc dù, Trung Quốc có xuất phát điểm thấp và muộn, nhưng không chỉ có thể đuổi kịp Mỹ và còn có thể vượt Mỹ trong thời gian tới. Trung Quốc có nguồn tài lực và nhân tài khoa học kỹ thuật dồi dào, nên sẽ chiếm ưu thế lâu dai về lĩnh vực này.
Chiến lược phản kích ngắn hạn của Trung Quốc, bao gồm: (1) Nhanh chóng biên chế máy bay chiến đấu J-20, tên lửa đạn đạo chống hạm DF 21-D và từ 2-3 nhóm tác chiến tàu sân bay vào lực lượng quân đội. Nhiệm vụ trước mắt là tránh xảy ra chiến tranh với Mỹ tại Nam Hải; (2) Đẩy nhanh quốc tế hoá đồng NDT. Theo kế hoạch đề ra của Trung Quốc, điều chỉnh giá trị đồng NDT. Sử dụng hiệu quả nguồn dự trữ ngoại tệ làm vũ khí phản kích chiến lược; (3) Bắt tay với Iran, Nga, bổ sung những điểm yếu chiến lược của Mỹ, khiến Mỹ ăn ngủ không yên. Tiếp tục xâm nhập sâu vào thị trường châu Phi, đồng thời tiến quân vào khu vực Bắc, Trung và Nam Mỹ, lấy tăng cường quan hệ kinh tế đặc biệt với Braxin, Áchentina, Pêru, Cuba, Vênêxuêla và Chilê để thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng quan hệ quân sự với các nước này. Ly gián quan hệ Mỹ-Canada, Mỹ-Mêhicô, khiến Mỹ luôn cảm thấy có mối đe doạ tại các khu vực sân sau của mình. Lấy kinh tế làm mồi nhử, ly gián quan hệ Mỹ-Nhật, Mỹ-Hàn, Mỹ-Ôxtrâylia, Mỹ-EU. Đồng tiền là vạn năng, đối với cá nhân hay quốc gia, đều có hiệu năng như nhau. Với chính sách ngắn và dài hạn như vậy, chiến lược toàn cầu mới của Mỹ mà mục tiêu chủ yếu là nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc sẽ bị phá vỡ, đẩy Mỹ vào tình thế ngày càng suy yếu và bất lợi./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét