Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Sách lược mở đường xuống phía Nam của Trung Quốc (phần 2)

Ngày Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Sách lược mở đường xuống phía Nam của Trung Quốc (phần 2)
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Sách lược mở đường xuống phía Nam của Trung Quốc (phần 2)

"Cạnh tranh bất chính" trong khu Tam Giác Vàng

    Nhìn lại quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc từ năm 1988 đến nay, Bắc Kinh đã tận tình giúp đỡ và bao che chế độ quân phiệt Miến Điện trước búa rìu dư luận quốc tế. Trung Quốc không những là quốc gia cung cấp vũ khí chính mà còn là quốc gia tài trợ và đầu tư lớn nhất tại Miến Điện. Nhưng sự bao che và giúp đỡ này không miễn phí, ngoài lãi suất thấp và được trả góp trong một thời gian dài, Bắc Kinh còn muốn khống chế luôn giai cấp cầm quyền và chiếm hữu toàn bộ những nguồn lợi của quốc gia này.

    Để hù dọa các cấp lãnh đạo quân phiệt, các thầy bùa Trung Quốc khuyên nên dời bỏ thủ đô Rangoon và xây dựng thủ đô mới tại Naypyidaw, một khu vực nằm giữa Rangoon và Mandalay. Lý do được đưa ra là Rangoon nằm cạnh bờ biển do đó rất khó phòng thủ khi bị tấn công. Thật ra lý do chính là Bắc Kinh muốn biến vùng biển phía nam Rangoon thành một quân cảng lớn của Trung Quốc, sự hiện diện của ban lãnh đạo Miến Điện tại Rangoon là một trở ngại trong việc thực hiện kế hoạch này. Để thuyết phục ban lãnh đạo quân phiệt dời đô lên Naypyidaw, Bắc Kinh đã đảm nhiệm phần lớn chi phí xây dựng những công trình đường sá, dinh thự các bộ ngành, nhà cửa cán bộ và phố xá.

    Mặc dầu vậy, Bắc Kinh vẫn không tin tưởng vào sự trung thành của các cấp tướng lãnh cầm quyền, vì đa số được đào tạo trong một môi trường văn hóa Anh, tức môi trường dân chủ mà Bắc Kinh rất e ngại. Nếu Miến Điện có dân chủ, Trung Quốc sẽ mất vai trò độc tôn, nguồn vốn khổng lồ bỏ ra có thể sẽ bị mất trắng. Sự nghi ngại càng tăng khi biết giới quân phiệt Miến Điện đang muốn tách khỏi ảnh hưởng của Bắc Kinh khi liên lạc với Bắc Triều Tiên để giúp sản xuất vũ khí nguyên tử.

    Để làm áp lực, Bắc Kinh đã phạm một sai lầm lớn khi trang bị vũ khí và lôi kéo những cộng đồng sắc tộc sinh sống trên vùng biên giới về phía mình. Miến Điện và Trung Quốc có một đường biên giới dài 2185 km, trải dài trên hai bang Kachin và Shan. Đây là một khu vực rất phức tạp vì là nơi sinh sống của hơn 100 trên tổng số 135 sắc tộc tạo thành dân tộc Miến Điện. Cho tới nay chưa có lực lượng đồng bằng nào làm chủ được khu vực này vì một lý do giản dị : tất cả các cộng đồng sắc tộc sinh sống trong vùng này đều được trang bị đủ loại vũ khi tối tân. Sinh hoạt cổ truyền của các sắc tộc này là nghề làm rẫy, nhưng sinh hoạt mang lại nhiều lợi tức nhất là khai thác đá quí, trồng cây anh túc làm thuốc phiện và áp tải những bánh thuốc phiện này xuống đồng bằng. Để cùng tồn tại, những nhóm sắc tộc vũ trang này đã kết hợp lại thành một khối, dưới quyền lãnh đạo của Khun Sa, để áp tải thuốc phiện và phân chia quyền lợi lẫn nhau, đây là một kết ước bất thành văn mà không ai được quyền vi phạm.

    Sinh hoạt sản xuất và buôn bán thuốc phiện năng động nhất là trong tiểu bang Shan, nơi giáp ranh của ba quốc gia Miến Điện, Thái Lan và Lào, gọi là Tam Giác Vàng. Lượng thuốc phiện sản xuất tại đây chỉ sau Afghanistan nhưng có phẩm chất cao hơn nên rất được giới tiêu thụ quốc tế ưa chuộng. Chính vì phẩm chất cao này mà khu Tam Giác Vàng trở thành nơi tranh chấp quyền lợi giữa các phe nhóm buôn lậu.

    Nhắc lại, từ tháng 10/1949, Quốc Dân Đảng Trung Hoa bị phe cộng sản đánh bật ra khỏi lãnh thổ. Thành phần chủ lực theo Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan lập căn cứ, số còn lại chạy về phía Nam trốn trong những vùng rừng núi giáp ranh với Miến Điện, Thái Lan và Lào dựng lập chiến khu. Được CIA yểm trợ, tàn quân Quốc Dân Đảng tuyển mộ và huấn luyện các sắc dân thiểu số chống lại quân cộng sản tại Hoa Lục. Năm 1951, Quốc Dân Đảng tại đây có hơn 4.000 tay súng, năm 1952 tăng lên 30.000. Nhưng, vì được tuyển mộ một cách gấp rút và thiếu kinh nghiệm chiến đấu, những tân binh này không chống cự lại bộ đội cộng sản Trung Quốc, có lý tưởng và có kỷ luật hơn : hơn 16.000 người bị giết, số còn lại phân rã thành nhiều nhóm nhỏ ẩn náu trong dân. Với thời gian, ý chí khôi phục lục địa phai dần, các đám tàn Quốc Dân Đảng trở thành những băng đảng sinh sống bằng nghề buôn bán thuốc phiện. Sự hiện diện của tàn quân Quốc Dân Đảng làm thay đổi toàn bộ sinh hoạt của các sắc dân trong vùng và biến nơi đây thành một trong những trung tâm sản xuất thuốc phiện lớn nhất và khó bài trừ nhất thế giới.

    Thuốc phiện trở thành một nguồn lợi lớn, giá đắt như vàng nên từ thập niên 1950 khu vực biên giới phía Bắc ba nước Lào, Thái Lan và Miến Điện được gọi là khu Tam Giác Vàng.  Mỗi năm khu này cung cấp trên 4.000 tấn thuốc phiện, hay 335 tấn heroin tinh chế. Theo số liệu do tổ chức bài trừ ma túy Hoa Kỳ, trong năm 1990 chỉ riêng một mình Miến Điện đã sản xuất gần phân nửa số thuốc phiện tiêu thụ trên toàn thế giới: 2.365 tấn, hay 197 tấn heroin, phần lớn được canh tác trên lãnh thổ của các sắc tộc Shan và Kachin.

    Trừ người Arakan (gốc Ấn Độ) sinh sống dọc bờ biển, tất cả các sắc tộc tại Miến Điện đều không nhiều thì ít đều có liên quan đến sản xuất hay áp tải thuốc phiện. Người Karen và Môn tuy không sản xuất thuốc phiện nhưng là những nhóm áp tải và vận chuyển thuốc phiện có thế lực nhất xuống vịnh Martaban và sang Thai Lan để sau đó xuất khẩu sang các quốc gia khác. Người Shan gần như nắm độc quyền về nghề sản xuất thuốc phiện vì nơi sinh trú của họ rất thuận lợi cho nghề trồng cây anh túc để chế biến thành thuốc phiện. Nhưng quan trọng nhất là các nhóm người Hoa tại Kokang, tuy chỉ có một dân số trên dưới một triệu người nhưng từ khi liên kết với lực lượng Quốc Dân Đảng đã trở thành nhóm chủ chốt trong việc phân phối thuốc phiện từ miền rừng núi xuống đồng bằng.

    Trước nguồn lợi quá lớn do thuộc phiện mang lại, chính quyền quân phiệt, gồm toàn người Burman (hay Mang), tại Rangoon cũng không bỏ lỡ cơ hội. Từ sau 1950, quân đội Miến đã nhiều lần tiến vào khu Tam Giác Vàng đánh quân Quốc Dân Đảng nhưng đều thảm bại. Năm 1954, Rangoon yêu cầu Liên Hiệp Quốc buộc Đài Loan rút quân về nước, không thành công; năm 1960, hợp tác với Trung Quốc đánh đuổi các lực lượng Quốc Dân Đảng ẩn náu dọc biên giới, không kết quả. Năm 1965, Rangoon thành lập những đội dân phòng người sắc tộc (Kha Kwe Yei) để cạnh tranh với những đội áp tải do Quốc Dân Đảng đỡ đầu. Biện pháp mới này không ngờ mang lại hiệu quả, các đội dân phòng được quân đội bảo vệ áp tải thuốc phiện từ cao nguyên xuống đồng bằng một cách an toàn. Sự ăn chia với quân đội trong nguồn lợi này rất sòng phẳng. Năm 1973, các đội dân phòng được trang bị như quân đội chính quy trở thành các đội dân quân du kích (Pyi Thu Sit) để tránh tai tiếng cho quân đội.

    Cùng với chiến dịch loại trừ tàn quân Quốc Dân Đảng, Rangoon muốn chiếm luôn địa bàn sản xuất thuốc phiện bằng cách hạn chế thế lực của các lãnh chúa (sahopa) người Shan, đồng minh của Quốc Dân Đảng. Shan là một sắc tộc lớn gốc Thái, hơn 2,5 triệu người, sinh sống trong thung lũng sông Salween giữa tỉnh Vân Nam và Thái Lan. Trước biện pháp mới này, người Shan đe dọa tách khỏi liên bang, Rangoon phải nhượng bộ năm 1958 nhưng đồng thuận quốc gia đã mất.

    Một tướng người Shan, Sao Gnar Kham, cùng những lãnh chúa Shan khác thành lập quân đội riêng và tiếp tục quản trị vùng đất rộng lớn miền Đông Bắc và liên kết với các lực lượng Quốc Dân Đảng, được Bangkok đỡ đầu, chống lại Rangoon. Làng Ban Hin Taek, tỉnh Chieng Rai (Thái Lan) trở thành đại bản doanh của quân đội Shan. Năm 1962, các nhóm võ trang Quốc Dân Đảng và Shan tôn Moh Heng, một người Hoa tại Kokang, lãnh đạo cuộc kháng chiến. Thay vì chống lại Rangoon, năm 1964 những nhóm này kết hợp lại thành hai đạo quân lớn tại tỉnh Chieng Mai (Thái Lan) để bảo vệ các vùng canh tác và áp tải thuốc phiện xuống đồng bằng: Đạo quân thứ 3 do tướng Li Wen Huan chỉ huy, bộ tham mưu đặt tại làng Feng và Đạo quân thứ 5 do tướng Duan Shi Wen lãnh đạo, bộ chỉ huy đóng tại làng Mae Salong.

    Lợi tức do buôn bán thuốc phiện quá hấp dẫn, những nhóm sắc tộc nhỏ hơn cũng tham gia phong trào buôn lậu. Năm 1950, Trung Quốc giúp người Kachin thành lập Mặt Trận Nhân Dân, trang bị hơn 6.000 tay súng chống lại tàn quân Quốc Dân Đảng. Bắc Kinh bị hố to, với số lượng vũ khí có được, các nhóm vũ trang Kachin hợp tác với Quốc Dân Đảng sản xuất và áp tải thuốc phiện. Những nhóm nhỏ hơn như người Pao (200.000 dân), người Wa (500.000 dân), người Paluang (200.000 dân), người Lahu (100.000 dân) cũng được Trung Quốc trang bị vũ khí và tất cả đều trở mặt theo Quốc dân Đảng và người Shan để được chia phần.

    Miền Đông Bắc Miến Điện trở thành vùng đất vô chính phủ, mỗi sắc tộc, mỗi làng đều có một lực lượng võ trang riêng. Ai cũng muốn chiếm phần lợi về phía mình, những nhóm nhỏ kết hợp với những nhóm lớn để trở thành những liên minh lớn hơn, qua đó được chia phần nhiều hơn. Nhóm nào chịu đặt dưới sự chỉ đạo của Quốc Dân Đảng thì trở nên mạnh nhất. Trong thấp niên 1960 có bốn nhóm được coi là mạnh lớn nhất, đó là "lực lượng võ trang Shan", "những chiến sĩ trẻ can trường", "đạo quân thứ 3" và "đạo quân thứ 5" của Quốc Dân Đảng.  Tranh chấp võ trang và thanh toán nội bộ giữa các nhóm và lãnh tụ sắc tộc cũng xảy ra thường xuyên. Thủ lãnh Sao Gnar Kham bị Quốc Dân Đảng ám sát tại Thái Lan năm 1964 sau một vụ chia chác không đồng đều. Năm 1966, Moh Heng rời lực lượng võ trang Shan để thành lập lực lượng cách mạng thống nhất dưới quyền điều động của Đạo quân thứ 3 của tướng Li Wen Huan; Lo Hsing Han dẫn lực lượng Kokang theo Đạo quân thứ 5 phò tướng Duan Shi Wen (Lo Hsing Han sản xuất heroin 999 tinh chất nhất Đông Nam Á); những chiến sĩ trẻ can đảm rủ người Lahu phục vụ tướng Naw Seng vùng Đông Bắc, v.v...

    Sự phân công trên khu Tam Giác Vàng cũng khá rõ ràng: các nhóm sắc tộc lớn và nhỏ sản xuất thuốc phiện nguyên chất bán lại cho những nhóm lớn chế biến lại thành heroin rồi giao cho các đội võ trang thuộc các sắc tộc khác áp tải thuốc phiện về đồng bằng bán lại cho các đường dây buôn lậu để tiêu thụ tại chỗ hay xuất khẩu. Việc phân phối thuốc phiện và heroin tại đồng bằng hay trong các thành phố lớn đều do các băng đảng xã hội đen được Quốc Dân Đảng hải ngoại đỡ đầu nắm giữ. Trái với lầm tưởng của nhiều người, những băng đảng xã hội đen của tại Hồng Kông và Mã Cao không là gì so với những tổ chức mafia của Quốc Dân Đảng, họ có lý tưởng hơn nhưng cũng tàn bạo hơn. Giá cả, thị trường và dịch vụ phân phối thuốc phiện tại Đông Nam Á, kể cả tại Trung Quốc, cũng do những tổ chức xã hội đen này định đoạt.

    Với thời gian, các tướng lãnh Quốc Dân Đảng Trung Hoa, hoặc chết già, hoặc quá yếu để tiếp tục điều khiển công việc phân phối thuốc phiện. Từ năm 1973, Khun Sa, tên thật là Lo Chang, là một người Shan gốc Hoa (tên Chang Chi Fu) tại Kokang, trở thành nhân vật lãnh đạo Khu Tam Giác Vàng. Khun là một tước vị quí tộc nhỏ của người Thái, Sa là ông Trùm; người Shan gọi ông là Sao Mong Khawn, người Miến là Khun Yo, và đặt tên tổ chức mới của ông thành "lực lượng thống nhất Shan" (SUA-Shan's Unify Army) cho có vẽ dân tộc. Tổ chức mới này không ngừng lớn mạnh với sự gia nhập của các lực lượng võ trang người Lahu, Wa và Pao, kể cả đảng cộng sản Miến Điện để được bảo vệ khi bị tấn công trên đường áp tải. Thế lực của Khun Sa lên tột đỉnh khi tuyển mộ được những biệt kích Hmong từ Lào sang Thái Lan tị nạn năm 1976. Từ đó Khun Sa trở thành nhân vật mạnh nhất và là người được kính nễ nhất trong giới buôn bán thuốc phiện tại Tam Giác Vàng. Cơ quan CIA còn giúp lực lượng Khun Sa tổ chức những cuộc đột kích vào đất Lào tìm kiếm người Mỹ mất tích và móc nối với những người Hmong khác. Quân đội của các chính quyền Rangoon và Bangkok chỉ bao vây hoặc canh chừng từ phía xa các căn cứ địa của Khun Sa trên Tam Giác Vàng chứ không dám đến gần.

    Nhờ số tiền khổng lồ thu được do buôn bán thuốc phiện, Khun Sa mua chuộc gần hết chính giới và quân đội Thái Lan và Miến Điện để được dễ dàng trên đường áp tải hàng xuống đồng bằng. Cũng nhờ số tiền đó, lực lượng võ trang của Khun Sa được trang bị những loại vũ khí tối tân nhất (máy bay trực thăng, hệ thống radar, truyền tin, phòng không, chống chiến xa và các phòng y tế dã chiến) mua lại từ các kho vũ khí của Thái Lan và Đài Loan, vũ khí cá nhân mua trực tiếp từ Trung Quốc do các tổ chức buôn lậu khác cung cấp. Tổng số binh sĩ dưới trướng Khun Sa có trên 30.000 người, đó là chưa kể gần một triệu người gồm đủ mọi sắc tộc được che chỡ và nuôi dưỡng. Năm 1982, Khun Sa rút qua  Miến Điện, kết hợp với các nhóm võ trang Kachin và đảng cộng sản Miến (cả hai lực lượng này cung cấp 70% lượng thuốc phiện tại Miến) phòng thủ lãnh địa mới và mở một rộng địa bàn sản xuất tại Lào do người Hmong phụ trách. Năm 1984, tất cả các tổ chức lớn nhỏ liên quan đến việc buôn bán hay áp tải thuốc phiện trong khu Tam Giác Vàng đều đặt dưới quyền của Khun Sa.

    Năm 1989, tướng Khin Nyunt của Miến Điện đã thành công trong việc kêu gọi 17 nhóm sắc tộc vũ trang ký thỏa ước đình chiến. Bù lại, những nhóm sắc tộc này được quyền "tự do hoạt động kinh tế" (trồng và áp tải thuốc phiện) như trước.

    Sự "bình yên" giữa giới buôn bán thuốc phiện và giới quân phiệt Miến Điện chấm dứt khi đầu thập niên 1990, chính quyền Vân Nam nhảy vào cuộc và kêu gọi thành lập Khu Kinh Tế Tứ Giác (Quadrangle Economic Zone), quanh 4 thành phố chính : Côn Minh (Vân Nam), Kengtung (tiểu bang Shan, Miến Điện), Chiang Mai (Thái Lan) và Luang Prabang (Lào), để cạnh tranh với các nhóm áp tải thuốc phiện. Những nhóm sắc tộc sinh sống trong khu vực biên giới, đặc biệt là những nhóm sắc tộc gốc Hoa, được cung cấp vũ khí để chuyển nguồn thuốc phiện sang Vân Nam. Khun Sa được chính quyền Vân Nam trọng đãi và mời tham dự vào những chương trình phát triển Khu Tứ Giác. Sự "cạnh tranh bất chính" này xâm phạm đến quyền lợi của giới quân phiệt Miến Điện. Cũng nên biết, mặc dù cấm buôn bán và vận chuyển thuốc phiện trên toàn lãnh thổ, các nhóm quân phiệt địa phương đã làm ngơ cho các nhóm sắc tộc chuyển hàng xuống vùng biển bằng cách đóng tiền mãi lộ, rất cao, khi đi ngang qua các trạm kiểm soát.

    Để cảnh cáo phía Trung Quốc, năm 2004, tướng Khin Nyunt, nhân vật số 3 của chính quyền quân phiệt, bị bắt về tội bán đứng quyền lợi quốc gia cho Trung Quốc. Những hoạt động mờ ám của doanh nhân Trung Quốc đang được chính quyền quân phiệt đưa dần ra ánh sáng. Chẳng hạn như vụ đập Myitsone, Trung Quốc đã giao cho công ty Asia World Company - mà giám đốc không ai khác hơn là Tun Myint Naing (Steven Law), con trai của trùm buôn lậu thuốc phiện Khun Sa - quyền vận chuyển "vật tư", thật ra là thuốc phiện, vàng và đá quí sản xuất trong tiểu bang Kachin, từ Miến Điện sang Vân Nam bằng voi (hơn 100 con).

    Sự bất mãn đối với Bắc Kinh càng gia tăng khi, năm 2009, chính quyền quân phiệt khám phá Trung Quốc đang tái vũ trang những nhóm sắc tộc gốc Hoa, đặc biệt là người Pao, người Wa và người Kokang, sinh sống dọc vùng biên giới, mà mục tiêu không gì khác hơn là làm suy yếu quyền lực của chính quyền trung ương. Thêm vào đó, dọc các trục lộ xuyên biên giới Vân Nam-Miến Điện, nhà cửa, hàng quán, sòng bạc và khách sạn của người Hoa mọc lên như nấm để thu hút nguồn lợi tức do những nhóm áp tải thuốc phiện có được. Đó là chưa kể sự hiện diện đông đảo người Hoa trên lãnh thổ Miến Điện đe dọa sự tồn tại của nền kinh tế vốn đã yếu kém của quốc gia này.

    Nhìn kỹ lại quan hệ giữa chính quyền Miến Điện và Trung Quốc, doanh nhân Trung Quốc đến Miến Điện để đầu tư và xây dựng cơ sở doanh nghiệp. Trong thực tế, họ chỉ đến khai thác tài nguyên thiên nhiên của Miến Điện để mang về nước, bất chấp môi sinh, môi trường và đời sống của người địa phương. Không người Miến nào nắm chức vụ cao trong các công ty của Trung Quốc, toàn bộ lực lượng nhân công của các công ty Trung Quốc đều đến từ Trung Quốc. Khi hết hạn làm việc, tất cả đều tìm cách ở lại để buôn bán và đang là một đe dọa cho sinh hoạt kinh tế của Miến Điện. Thêm vào đó, doanh nhân Trung Quốc còn muốn nuốt trọn những nguồn lợi khác của dân chúng địa phương.

    Miến Điện đang biến thành thuộc địa của chính sách thực dân mới của Trung Quốc. Phản ứng của chính quyền Miến Điện tuy có muộn nhưng vẫn còn có thể cứu được. Nhóm quân phiệt Miến Điện tuy có độc tài nhưng vẫn còn nghĩ đến quyền lợi quốc gia. Tổng thống Thein Sein có lẽ sẽ là Gorbachev của Miến Điện.

    Trường hợp Miến Điện rất đáng để chính quyền cộng sản Việt Nam suy ngẫm. Tại Việt Nam, người Trung Quốc đã mua chuộc gần như tất cả các cấp chính quyền và đang thao túng toàn bộ sinh hoạt chính trị và kinh tế của đất nước, đó là chưa kể đã khống chế những địa điểm phòng thủ chiến lược. Ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam có xứng đáng để được so sánh với nhóm quân phiệt lãnh đạo Miến Điện hay không? Câu hỏi này phải nhường cho những đảng viên còn yêu nước trả lời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét