Ngày Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Nước Nga : Sự tụt hậu đáng buồn
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Nước Nga : Sự tụt hậu đáng buồn
Nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết mang tựa « Nước Nga : sự tụt hậu buồn bã » của Arnaud Dubien, một chuyên gia về nước Nga. Theo tác giả, việc ông Putin trở lại điện Kremli sẽ gây ra một biến đổi thật sự. Tất cả những thành quả nhỏ nhoi do Tổng thống Medvedev gầy dựng sẽ tan vỡ thành mảnh vụn.
Theo Arnaud Dubien, Putin đã làm một phép tính chính trị khi quyết định trao quyền cho Medvedev vào cuối năm 2007. Ông ta đã biết trước rằng người kế nhiệm mình tại điện Kremli có một quan điểm về nước Nga khác với mình, ít ràng buộc vào Liên Xô cũ và khái niệm một đế quốc quyền lực. Putin nghĩ rằng, hai quan điểm về nước Nga này sẽ bổ sung cho nhau và cho phép tập hợp được sự ủng hộ đông đảo, không những của cử tri mà ngay cả trên chính trường quốc tế. Thế nhưng, ông ta đã đánh giá thấp sự xung khắc giữa sự kế thừa kết quả 8 năm Putin lãnh đạo và kế hoạch cải cách sâu rộng của Medvedev từ năm 2008 đến nay.
Tác giả nhận xét, trái với những gì mà người ta nghĩ, cho rằng Dimitri Medvedev chỉ là một người bù nhìn. Thế nhưng, những ý định của Tổng thống Nga đương nhiệm khiến cho vây cánh của Putin đều phải lo lắng : từ vấn đề kinh tế như chủ trương tư hữu hóa; đến chính trị như việc bổ nhiệm vài vị trí trong chính phủ hay việc kêu gọi bầu cử tự do. Tất cả những việc làm này đối với đảng Nước Nga Thống nhất và phe cánh của Putin là những hành động khiêu khích.
Đối đầu Medvedev – Putin còn thể hiện rõ nét qua chính sách đối ngoại. Nổi cộm nhất là việc Dimitri Medvedev tham gia hội nghị thượng đỉnh khối NATO tại Lisbonne vào tháng 11/2010, liên quan đến vấn đề hợp tác phòng thủ chống tên lửa và việc Tổng thống Nga vắng mặt trên hồ sơ Libya tại Liên Hiệp Quốc.
Sự đối đầu giữa Medvedev và Putin
Theo Arnaud Dubien, nếu ai cũng nghĩ rằng việc hoán đổi quyền lực giữa cặp đôi này là đã được trù bị từ lâu và đó là sự nhất trí giữa hai nhà lãnh đạo, thì điều này sẽ rất sai lầm. Putin quyết định quay lại điện Kremlin vì nhiều yếu tố khác nhau.
Đầu tiên hết, trong lần bầu cử địa phương vào tháng ba vừa rồi, đảng nước Nga thống nhất đã đạt được số phiếu bầu rất thấp. Tại nhiều khu vực, số phiếu thu được đã giảm xuống đến 20% so với những lần bầu cử trước.
Thứ hai, đó chính là đòn phản công chính trị của Tổng thống Medvedev và những người ủng hộ ông. Điển hình nhất là vụ sa thải vị phó giám đốc cơ quan an ninh liên bang (FSB) và vụ thông báo chấm dứt việc các vị bộ trưởng tham gia hội đồng quản trị trong các tập đoàn nhà nước. Như vậy, đường vạch đỏ do Putin vẽ (dù không thể nào nói rõ ra) không phải là bất di bất dịch. Một động thái có lợi cho Medvedev đã bắt đầu hé mở.
Ngay lập tức, phe cánh Putin đã đưa ra đòn giáng trả. Ngay từ ngày 14/4, chủ tịch viện Duma đã tuyên bố rằng đảng Nước Nga Thống nhất hiển nhiên phải ủng hộ cho người lãnh đạo, nghĩa là ông Vladimir Putin, cho bầu cử tổng thống năm 2012. Tác động tức thì của cú phản pháo này là nhằm chặn đứng Tổng thống Medvedev. Kết quả là, ông Medvedev đã tuyên bố không ra ứng cử năm 2012, nhân buổi họp báo kỳ lạ ngày 18/5, và việc này cũng đánh dấu một bước ngoặt.
Cuối cùng, việc Putin quay lại điện Kremli phản ảnh mối liên hệ sức mạnh thật sự ngay trong lòng vòng tròn quyền lực Nga, trong sâu thẳm là những kẻ bảo thủ và miễn cưỡng với ý tưởng cải cách, thường bị liên kết với sự mất ổn định.
Những thành quả của Medvedev
Arnaud Dubien cho rằng, trong bốn năm tại vị, có thể gọi là tạm quyền, những thành quả của Medvedev tuy không lớn lao gì, nhưng cũng không phải là tồi.
Theo nhìn nhận của tác giả thì Medvedev đã làm tròn vai trò của một vị tổng thống. Ông đã đưa ra tranh luận công khai những chủ đề trọng yếu liên quan đến tương lai của nước Nga chẳng hạn như tệ tham nhũng và hiện đại hóa đất nước. Ông đã đem lại nhiều hy vọng cho giới ủng hộ tự do, dân chủ và đại diện cho tầng lớp trung lưu Nga. Ảo tưởng sụp đổ sẽ còn tai hại hơn cho những tầng lớp này, những người có dự định đi di tản. Không có giai cấp này, thì việc vực dậy nước Nga sẽ không thể nào thực hiện được.
Một trong những câu hỏi chính mà Châu Âu quan tâm đến là việc Putin quay lại điện Kremli có tác động thế nào đến quan hệ Nga và phương Tây. Dimitri Medvedev đã từng là hiện thân cho sự phát triển lạc quan của nước Nga. Và đương nhiên là phương Tây thiên về một nhiệm kỳ thứ hai của Medvedev.
Cuối cùng tác giả kết luận, hai mươi năm kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, Matxcơva dường như một lần nữa đang ngoái nhìn về quá khứ hơn là hướng đến tương lai.
Putin đến Bắc Kinh để thăm dò người khổng lồ Trung Quốc
Cũng liên quan đến nước Nga, báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến chuyến đi thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Bài viết mang tựa “Putin đến Bắc Kinh để thăm dò người khổng lồ Trung Quốc” cho biết, qua chuyến đi này, Thủ tướng Nga Putin sẽ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương.
Le Figaro viết, Vladimir Putin chưa trở thành Tổng thống nhưng đã bắt đầu một chuyến đi thăm chính thức Bắc Kinh như là chủ nhân tương lai của điện Kremli. Dẫn đầu một phái đoàn các trùm doanh nghiệp quan trọng, lần này đến Trung Quốc, Putin sẽ ký kết với Trung Quốc một thỏa thuận hợp tác song phương tập trung chủ yếu đến các vấn đề hiện đại hóa nền kinh tế.
Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nga với khối lượng trao đổi lên đến 60 tỷ đô-la trong năm 2010, tăng 50% kể từ một năm nay. Nếu như Tổng thống đương nhiệm Medvedev chỉ nhắm đến trao đổi công nghệ, thì Putin muốn tái khẳng định sức mạnh ngoại giao Nga với cường quốc láng giềng của mình.
Theo lời nhận định của một trợ lý chính phủ, thì với một địa hình chính trị quan trọng, Putin nhận ra các mối hiểm họa cho an ninh, có liên quan đến việc phát triển kinh tế của đất nước. Về phần mình, Bắc Kinh cũng muốn biết xem liệu đối với vị Thủ tướng này, Trung Quốc có thật sự là ưu tiên hàng đầu.
Năm nay, Bắc Kinh và Matxcơva sẽ tổ chức kỷ niệm 10 năm hình thành Tổ chức Hợp tác An ninh Thượng Hải, một thể chế an ninh đối trọng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bằng chứng là cả hai quốc gia cùng nhau chia sẻ những “giá trị” giống nhau qua việc cùng bỏ phiếu phủ quyết ngăn chặn một Nghị quyết để lên án chế độ Bachar al-Assad.
Nhưng Le Figaro cho rằng, Nga không thể nào giữ được thế thượng phong như đã từng làm cách đây hơn hai mươi năm. Như nhiều nước khác, Nga cũng bị lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc do phải nhập khẩu hàng tiêu thụ từ khu xưởng sản xuất lớn nhất thế giới này. Ngay cả hai đòn bẩy ảnh hưởng lâu đời – năng lượng và dầu khí – cũng đã bị “hoen gỉ”. Bởi lẽ, Trung Quốc đang thoát khỏi sự lệ thuộc vào nhập khẩu vũ khí và tìm cho mình nhiều nhà cung cấp năng lượng thay thế từ các nước Trung Á. Mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước này còn được đặt lên trên cả mối quan hệ Nga-Trung.
Kinh tế Hàn Quốc có dấu hiệu suy yếu
Trong khi Châu Âu vẫn đang vật vã đối phó với khủng hoảng nợ công, thì tại Châu Á, kinh tế Hàn Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Liên quan đến chủ đề này, báo Le Monde có bài viết “Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và đồng won bị rớt giá đang đè nặng lên Hàn Quốc”. Bài viết nhận định, nền kinh tế đứng thứ tư tại Châu Á này đang bị suy yếu do các món nợ từ các hộ gia đình.
Hàn Quốc vốn có một nền kinh tế mở, tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu và nhập khẩu nguyên vật liệu và năng lượng. Thế nhưng, nền kinh tế của đất nước đang có nguy cơ bị lung lay do áp lực từ thị trường tài chính thế giới và nhu cầu tại các nước Mỹ và Châu Âu giảm. Bài báo trích dẫn nhận định của một bài viết trên nhật báo Dong-A, cho rằng Hàn Quốc đang hứng chịu ba đợt “tsunami”: thị trường chứng khoán tụt điểm, giá đồng won thấp hơn so với đô-la và sự sụt giảm giá trị các trái phiếu.
Le Monde cho biết, trong suốt những tuần vừa qua, đồng won đã tụt mất 12% giá trị so với đô-la. Điều này đã khiến cho các nhà đầu tư chuyển sang những giá trị bảo toàn (công trái Mỹ và đô-la) gây thiệt hại cho đồng tiền vốn đã mong manh. Ngân hàng Hàn Quốc đưa ra nhiều biện pháp can thiệp để hỗ trợ đồng tiền quốc gia nhằm trấn an thị trường tài chính nhưng dường như vẫn không đạt được mục đích.
Bởi lẽ, Hàn Quốc lệ thuộc nhiều vào các ngân hàng nước ngoài như Châu Âu và Mỹ để tự cung cấp nguồn ngoại tệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các ngân hàng này giảm đưa tiền vào thị trường Hàn Quốc và các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn để tự cấp vốn bằng đô-la.
Mặt khác, Hàn Quốc cũng ghi nhận tỷ lệ nợ quan trọng từ các hộ gia đình. Chỉ tính riêng trong quý II năm nay, tổng nợ nội địa chiếm 74% của GDP. Bất chấp áp lực lạm phát, các nhà quản lý tài chính vẫn do dự nâng mức lãi suất chỉ đạo để không làm tăng chi phí vay của các hộ gia đình, ước tính bao gồm 85% khoản vay cầm cố, kết quả của quả bóng bất động sản.
Do vậy, nợ các hộ gia đình đè nặng lên tiêu thụ vốn phụ thuộc vào các tín dụng. Ngoài lạm phát, những hiệu ứng tiêu cực tác động lên tăng trưởng quốc gia do tăng trưởng thế giới chậm lại đang gây lo ngại cho chính quyền Hàn Quốc. Trước mắt, Seoul chỉ ấn định mức tăng trưởng là 4,5% so với GDP cho năm 2012.
Liên Hiệp Quốc báo động giá lương thực tăng mạnh
Cũng trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro trích báo động của Liên Hiệp Quốc về việc giá cả lương thực đang tăng mạnh. Theo một báo cáo hàng năm của Tổ chức Lương Nông, vẫn còn 850 triệu người trên thế giới vẫn bị thiếu ăn.
Biến động giá cả lương thực thực phẩm cơ bản có nguy cơ kéo dài và thậm chí còn trở nên trầm trọng hơn trong vòng 10 năm. Việc này sẽ gây tổn hại cho nông dân, những người nghèo nhất trên hành tinh. Đây chính là nội dung bản báo cáo hàng năm do ba cơ quan của Liên Hiệp Quốc là Tổ chức Lương Nông (FAO), Chương trình Thực phẩm Thế giới (PAM) và Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (FIDA) đưa ra.
Ba cơ quan này của Liên Hiệp Quốc lên án việc thả nổi thất thường giá cả trên các thị trường quốc tế, mà theo họ, những nước phải nhập khẩu nhất là tại Châu Phi là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo tính toán của ba cơ quan này, thì hiện này trên toàn thế giới vẫn còn hơn 850 triệu người vẫn bị thiếu ăn.
Một mặt giá lương thực tăng sẽ có lợi cho những nhà sản xuất thuộc các nước thứ ba. Nhưng mặt khác, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu thụ. Những người này buộc phải cắt giảm bớt chi tiêu như cho giáo dục hay sức khỏe.
Theo bản báo cáo, số người thiếu lương thực tăng 8% tại Châu Phi kể từ năm 2007, trong khi tại Châu Á không có thay đổi gì.
Cuối cùng, cả ba cơ quan cùng kêu gọi cộng đồng quốc tế ngay từ bây giờ phải có một hành động mạnh mẽ hơn để chống lại mất an ninh lương thực. Tại Somali hiện nay, 4 triệu người vẫn đang hứng chịu nạn đói và khoảng 750 ngàn người có nguy cơ tử vong trong những tháng sắp tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét