Ngày Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Tỷ giá là sức ép lớn nhất lên kinh tế vĩ mô
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Tỷ giá là sức ép lớn nhất lên kinh tế vĩ mô
(Toquoc) – Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia lưu ý, đến thời điểm này biến động tỷ giá chưa quá lớn, tuy nhiên, từ năm 2012, sức ép mạnh hơn do thặng dư cán cân thanh toán có thể không lớn như năm nay và Ngân hàng Nhà nước chưa chắc đã có đủ ngoại tệ để can thiệp thị trường.
Sau nửa năm ổn định nhờ chính sách của Ngân hàng Nhà nước, nay tỷ giá lại có dấu hiệu gây áp lực trở lại khi nhu cầu đô la Mỹ trên thị trường tăng cao. Ngoài lý do thâm hụt của cán cân vãng lai và thương mại, tỷ giá tăng trong thời gian gần đây còn do nguyên nhân chủ yếu khác là giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khiến giới đầu cơ gom đô la Mỹ trên thị trường tự do để nhập lậu vàng.
Thêm nữa, một số doanh nghiệp bắt đầu gom ngoại tệ trả trước các khoản vay bởi tâm lý lo ngại rằng tỷ giá có thể biến động vào cuối năm khi mọi khoản nợ sẽ đến kỳ đáo hạn.
Nguyên nhân khiến cho giá đô la Mỹ biến động còn do yếu tố đầu cơ, làm giá, trong đó có sự tham gia đầu cơ của một số ngân hàng thương mại.
Tỷ giá là sức ép lớn nhất lên kinh tế vĩ mô
Chính vì những lý do trên, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, từ nay đến cuối năm ngoài, sức ép giá vàng chính là áp lực tỷ giá, trong đó tỷ giá vẫn là sức ép lớn nhất lên kinh tế vĩ mô.
Vị lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn chứng, chênh lệch cho vay bằng ngoại hối của Việt Nam đang ở mức 7,5 tỷ đô la Mỹ trong khi tổng cho vay bằng ngoại tệ là 30 tỷ đô la Mỹ và huy động tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ là 22,5 tỷ đô la Mỹ.
“7,5 tỷ tỷ đô la Mỹ không phải là con số quá nhiều nhưng nếu như thời gian đáo hạn chỉ dồn vào ba tháng cuối năm thì sẽ tạo ra sức ép không nhỏ của thị trường ngoại hối. Chính vì thế nếu như ngay từ bây giờ Ngân hàng Nhà nước không có những chính sách hợp lý, linh hoạt thì sức ép tăng giá ngoại tệ là rất lớn”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên ông Nghĩa cũng cho rằng, thông điệp phát đi từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc neo tỷ giá thay đổi không quá 1% từ nay đến cuối năm, có thể con số này hơi thấp (nên là một vài %) nhưng điều đó cho thấy Ngân hàng Nhà nước đủ sức và sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại hối để ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2011.
Mặc dù vậy, ông Nghĩa lưu ý, đến thời điểm này, biến động tỷ giá chưa quá lớn, tỷ giá tháng chín vừa qua chính thức là 20.850 đồng/đô la Mỹ và tự do là 21.200 đồng/đô la Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2012, sức ép mạnh hơn do thặng dư cán cân thanh toán có thể không lớn như năm nay và Ngân hàng Nhà nước chưa chắc đã có đủ ngoại tệ để can thiệp thị trường.
Làm sạch nợ xấu
Song song với những thách thức từ bên ngoài là áp lực tỷ giá, giá vàng tăng, đầu tư trực tiếp không tăng hoặc giảm…, theo ông Nghĩa, một trong những thách thức bên trong lớn nhất trong vòng 18 tháng tới của nền kinh tế Việt Nam là vấn đề nợ xấu của các ngân hàng đang tăng nhanh.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu từ 2,16% cuối năm 2010 đã tăng lên mức 3,13% vào cuối tháng sáu năm 2011. Tổng nợ xấu sáu tháng đầu năm 2011 khoảng 75.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nhóm năm (nợ mất vốn) chiếm khoảng 47%.
Báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương vào đầu tháng 9 vừa qua cũng cho thấy nợ xấu đang gia tăng trong các ngân hàng vốn Nhà nước, cho dù nhóm này được đánh giá là đi đầu thị trường trong việc đảm bảo duy trì lãi suất huy động và cho vay hợp lý, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường. Trong đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nợ xấu chiếm tới 3,47% tổng dư nợ. Tỷ lệ này tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam là 6,67%.
Mới đây nhất, việc các ngân hàng: ABBank, SeaBank, Vietinbank, Eximbank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho công ty TNHH An Khang (Cần Thơ) vay hơn 300 tỷ đồng và đang khó thu hồi vốn càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nợ xấu.
Ông Nghĩa chỉ rõ, nợ xấu của các Ngân hàng thương mại đang ở mức đáng lo ngại, không chỉ ở những ngân hàng nhỏ mà ngay cả các ngân hàng lớn. Hiện tại tổng tài sản của khu vực ngân hàng khoảng hai - ba trăm tỷ đô la Mỹ, trong khi chỉ chiếm 5% thì nợ xấu đã lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, vượt quá sức chịu đựng bất cứ nguồn ngân sách nào.
“Hiện nay, nợ nhóm năm so với tỷ lệ trích phòng rủi ro của các ngân hàng cũng đã xấp xỉ bằng nhau nên các ngân hàng thương mại có thể giải quyết được phần nào khoản nợ này, còn lại cần có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Ngoài ra, muốn phát triển bền vững thì nhất định phải tái cấu trúc lại các ngân hàng thương mại”, ông Nghĩa khuyến cáo.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng, cần phải đặt vấn đề rõ ràng, mạch lạc lại với các ngân hàng thương mại nhỏ về chiến lược phát triển kinh doanh sao cho phù hợp với năng lực của mình, không thể để tốc độ phát triển quy mô tổng tài sản bất hợp lý như hiện nay./.
Q.Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét