Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Viễn tưởng (II)

Ngày Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Viễn tưởng (II)
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Viễn tưởng (II)
 
Nguyễn Trung

III. Sự lựa chọn của nước ta

Trên thế giới đang diễn ra những thay đổi sâu sắc và quyết liệt như đã trình bày trong phần I và II.
Bản thân sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đã kết thúc thời kỳ phát triển ban đầu, bây giờ đất nước cũng phải thay đổi để đi vào một thời kỳ phát triển mới.
Đòi hỏi phải thay đổi cùng một lúc đến từ hai hướng bên ngoài và bên trong với tầm vóc và mức độ quyết liệt như vậy khiến cho sự thay đổi mà nước ta bây giờ dứt khoát phải lựa chọn trở nên  bất khả kháng: Hoặc là, hay sẽ là…
Những thay đổi đang diễn ra trên thế giới và cách ứng xử của mọi quốc gia, nhất là của các “nhân vật quan trọng” trên sân khấu thế giới – dù là những nước phát triển hay đang phát triển, gợi ý cho chúng ta nhiều điều trên ba phương diện: (a) nhìn nhận tầm vóc sự thay đổi để có quyết tâm tìm và lựa chọn lối ra cho chính quốc gia mình; (b) những gợi ý về những quyết sách nước ta phải lựa chọn; (c) cuộc chạy đua nghẹt thở với thời gian mọi quốc gia đang bước vào.
 Đối với nước ta, việc phải dấn thân bước vào sự thay đổi mang tính quyết liệt và bức thiết như vậy thực sự là bước vào một chặng đường phấn đấu mới chưa từng có trong lịch sử đất nước.
Dù với cái giá đau thương như thế nào, chặng đường đất nước đã trải qua được trong thế kỷ trước là chặng đường hoàn thành sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất đất nước. Chặng đường tiếp theo đất nước ta bây giờ phải thay đổi tất cả để từ nay bước vào có thể đặt tên là chặng đường phát triển đổi đời đất nước, đổi đời chính dân tộc Việt Nam ta, để nước ta sớm trở thành một quốc gia phát triển có vị thế xứng đáng với chính nó trong thế giới hiện đại ngày nay.
Gọi đấy là chặng đường tiếp theo hàm nghĩa dứt khoát là kế thừa, sàng lọc, cải tạo, phát triển những gì đã làm được trong chặng đường trước, để đưa đất nước bước vào chặng đường mới, để đi tiếp.

 Cần đặt vấn đề rõ ràng như vậy, bởi vì cho đến thời điểm này đất nước ta đã có được những thành tựu ban đầu, có đầy đủ những điều kiện bên trong và bối cảnh quốc tế bên ngoài cho phép thực hiện một sự kế thừa sáng tạo như thế. Chặng đường tiếp theo có nghĩa là như thế.
 Đặt vấn đề như vậy, cũng  hàm nghĩa những điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội hiện tại của đất nước, quyền lực còn lại của nhân dân, trí tuệ và lương tri của cả nước – bao gồm cả trong nội bộ ĐCSVN – cho đến thời điểm này nếu được phát huy, thì tất cả vẫn còn đủ để tạo nên sức mạnh đảo ngược được những xu thế tiêu cực đang xâm hại đất nước về mọi mặt. Quyền lực chính trị đảng cầm quyền đang có trong tay nếu được hướng vào phát huy sức mạnh đảo ngược tiêu cực này, thì có thể nói hiếm có một quốc gia nào trên thế giới có được khả năng nắm lấy cơ hội phát triển trong bối cảnh quốc tế quyết liệt hiện nay như nước ta. Nhưng quả thực đây là chữ nếu ở dạng thức quyết liệt “to be or not to be?”, không thể nói khác được.
 Chính sức mạnh đảo ngược tiêu cực này đất nước ta đang có trong tay vào lúc này, hoàn toàn có thể giúp đất nước không cần phải kinh qua đoạn trường của những cuộc cách mạng hoa lan hoa nhài như đã xảy ra ở một số nước. Phòng ngừa một đoạn trường như thế là phát huy với ý thức sâu sắc nhất, phát huy cao độ với bản lĩnh có thể sức mạnh đảo ngược tiêu cực này, chứ không phải là tìm cách bóp nghẹt nó.
 Sợ hãi nó, phủ định nó – sức mạnh đảo ngược tiêu cực này – chính là vô thức hay có ý thức mở đường khẩn trương nhất cho một cuộc cách mạng kiểu hoa lan hoa nhài không gì ngăn cản nổi bước vào nước ta, là tự chuốc lấy một thảm kịch mới nồi da xáo thịt khôn lường, đẩy đất nước thụt lùi không biết bao xa sau cả vạch xuất phát!
 Việt Nam với 4 cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài hơn 3 thế hệ con người, với những thương đau không dễ hàn gắn trong thế kỷ vừa mới qua, không thể xa xỉ tìm kiếm cho mình một kịch bản như thế. Song lạm dụng nỗi lo về nồi da xáo thịt này để hù dọa, để kìm hãm dân chủ, kìm hãm sức mạnh đảo ngược tiêu cực này, chính là hành động nếu không tự giác thì cũng là đồng lõa với những kẻ muốn đưa thảm kịch nồi da xáo thịt vào nước ta. Xin đừng bao giờ quên kinh nghiệm xương máu của mọi dân tộc trên thế giới: Cách mạng – kể cả với nghĩa và nội dung tốt đẹp nhất – bao giờ cũng chỉ làm được cái việc phá vỡ cái hiện trạng đã lỗi thời, mọi việc tiếp theo cho những mục đích cao cả là sự nghiệp của cái xây, của phát triển, chứ không phải là công việc của cách mạng. Còn chuyện cách mạng ăn thịt những đứa con của mình[6] thì gần như là quy luật cuộc đời!
 Chặng đường tiếp theo, sự kế thừa sáng tạo như vậy, diễn dịch theo công việc phải làm, đó chính là quá trình thực hiện đồng bộ dân chủ, cải cách và phát triển.
 Một khi vô thức hay có ý thức để cho trong lòng xã hội nước ta tiếp tục xu hướng ngày một tích tụ những điều kiện tới một khi nào đó sẽ bùng nổ bất khả kháng một cuộc cách mạng kiểu hoa lan hay hoa nhài, thì đó lại là câu chuyện khác. Xin nói ngay tại đây, sự thật là ngay bây giờ - thừa nhận hay không thừa nhận, ý thức được hay không ý thức được, – trong đời sống nước ta đang diễn ra một cuộc chạy đua quyết liệt với thời gian, sao cho xu thế phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và cuối cùng thắng được xu thế tích tụ này.
Dù tốt dù xấu thế nào,  thời kỳ phát triển ban đầu của nước ta đã hoàn tất. Đó là thời kỳ tạo chỗ đứng cho đất nước, để bây giờ và từ đây nước ta đặt chân bước vào thời kỳ phát triển mới. Vì lẽ này, phải tỉnh táo xem lại mọi cái mất cái được, mọi cái thắng cái thua, mọi mặt mạnh, yếu.., không phải là để “bới rác”, mà là để đi đến những lựa chọn khả thi nhất, tối ưu nhất, giành được sự đồng thuận lớn nhất trong cộng đồng dân tộc, và đồng thời tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng thế giới trên chặng đường mới của đất nước. Nói theo ngôn ngữ dân dã, phải “khám sức khỏe” đất nước trước khi bước vào chiến dịch lớn.
 Chưa thể nói là đủ và tốt, song trong cả nước cho đến nay đã có không ít những công trình nghiên cứu, những bài viết, những ý kiến thẳng thắn tham gia vào công việc “khám sức khỏe” như thế, nay cần tổng hợp lại, chắt lọc ra những điều đúng đắn, huy động trí tuệ cả nước cho việc hình thành sự lựa chọn và những quyết định mới cho chặng đường mới của đất nước.
 Một trong những việc đã làm gần đây nhất đáng nêu lên ở đây là Kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay, đề ngày 10-07-2011, của các trí  thức và những người quan tâm đến vận mệnh đất nước gửi Quốc hội khóa 13 và Bộ Chính trị BCHTƯ ĐCSVN khóa XI. Kiến nghị này đã nói lên một cách khái quát thực trạng hiện nay của đất nước và những việc phải làm.
 Tóm tắt, Kiến nghị này đánh giá:
Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng;
- Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện ý đồ chiến lược tạo ra một Việt Nam èo uột và lệ thuộc;
- kinh tế nước ta đang ở trong tình trạng phát triển kém chất lượng, kém hiệu quả, và lâm vào khủng hoảng kéo dài;
- thực trạng văn hóa - xã hội của đất nước có quá nhiều mặt xuống cấp;
- chế độ chính trị còn nhiều bất cập, cản trở sự phát triển của đất nước.
 Kiến nghị này đề nghị Quốc hội và Bộ Chính trị:
1.  Công bố trước toàn thể nhân dân ta và nhân dân toàn thế giới thực trạng quan hệ Việt – Trung và những vấn đề Trung Quốc đang gây ra trên Biển Đông;
2.  Trình bày rõ với toàn dân thực trạng đất nước hiện nay, thức tỉnh mọi người về những nguy cơ đang đe dọa vận mệnh của Tổ quốc, dấy lên sự đồng lòng và quyết tâm của toàn dân đem hết sức mạnh vật chất, tinh thần, trí tuệ để bảo vệ và phát triển đất nước;
3.  Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy định, nhằm giải phóng và phát huy ý chí và năng lực của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
4.  Ra lời kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội, hãy cùng nhau thực hiện hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần vị tha và khoan dung. Tất cả hãy cùng nhau khép lại quá khứ, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết;
5.  Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với tính cách là đảng cầm quyền duy nhất và cũng là người chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình đất nước hiện nay, hãy đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ đẩy mạnh cuộc cải cách chính trị, giải phóng mọi tiềm năng của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy lùi mọi tệ nạn tham nhũng và tha hóa, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng yếu kém và lệ thuộc hiện nay, chuyển sang thời kỳ phát triển bền vững, đưa dân tộc ta đồng hành với cả nhân loại tiến bộ vì hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường.     
 Thiết nghĩ, Kiến nghị đã nói lên được những điều cần nói, đã nêu lên được những đề nghị thiết thực và quan trọng về những lựa chọn và những việc phải làm. Thay vì đến nay chưa có hồi âm, Quốc hội khóa 13 và Bộ Chính trị khóa XI nên huy động trí tuệ và nghị lực cả nước bàn bạc, lựa chọn và hành động. Trách nhiệm trước đất nước đòi hỏi phải làm như vậy.
Xin có thêm một số ý kiến.
 
Về kinh tế:

Trước hết, nên bằng mọi cách có được sự đánh giá chuẩn xác thực trạng kinh tế đất nước trong bối cảnh thế giới hiện nay và bàn bạc kỹ lưỡng lối ra. Nói thì dễ, nhưng làm được thì phải rất dũng cảm và trí tuệ với tinh thần tổ quốc trên hết! Việc nên làm này đến nay chưa có và không thể “ăn bớt” mà thành công được cho tương lai.
Dưới đây xin góp vài thiển ý.
Có thể nói trong giới lãnh đạo và giới học thuật hầu như đã có sự nhất trí cao về sự cần thiết phải đưa nền kinh tế nước ta từ phát triển theo chiều rộng hiện nay vào một thời kỳ phát triển bền vững hơn và hội nhập kinh tế thế giới tốt hơn. Muốn đạt được mục đích này, có lẽ phải thay đổi hẳn tư duy kinh tế về công nghiệp hóa – hiện đại hóa như đang chi phối chiến lược phát triển đất nước.
Theo cách nhìn của mình, tôi cho rằng chiến lược CNH-HĐH của nước ta đang theo đuổi là thất bại, vì các lẽ:
·  thành tựu đạt được quá “đắt” – giai đoạn phát triển hiện nay đặt ra nhiều khó khăn mới cho giai đoạn sắp tới;
·  đưa nền kinh tế nước ta ngày càng đi sâu vào cơ cấu lạc hậu khó khắc phục trong giai đoạn tới và khả năng cạnh tranh thấp – nguy cơ trở thành bãi rác cho nước ngoài ngày càng trầm trọng hơn[7];
·  sau 25 năm tiến hành – chỉ tính từ khi đổi mới – vẫn chưa làm bộc lộ ra hướng đi và xây đắp vững chắc được nền móng phát triển một nước công nghiệp;
·  chưa mang lại cho đất nước một mức độ văn minh tương ứng mà quá trình CNH của một quốc gia đòi hỏi (bao gồm các vấn đề chất lượng thể chế chính trị và bộ máy quản trị quốc gia, mức độ thực thi dân chủ, chất lượng văn hóa - xã hội, chất lượng nền giáo dục, các phúc lợi xã hội, sự phát triển của vốn xã hội -  tựu trung lại là sự phát triển còn thấp của kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự…);
·  mục tiêu hoàn thành cơ bản là một nước công nghiệp hóa không có cách gì thực hiện được vào năm 2020 (nhất là so với định nghĩa chung của thế giới như WTO, UNDP, các viện khoa học…về một nước công nghiệp hóa).
Tình hình trên có thể do 3 nguyên nhân:
(a) nhận thức chưa đúng hay chưa đủ tầm về quá trình công nghiệp hóa một quốc gia trong thời đại kinh tế hiện nay, dẫn tới một chiến lược không phải là tối ưu nhất;
(b) vận động của kinh tế thế giới và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra quá nhanh so với trình độ và tốc độ phát triển của nền kinh tế nước ta – xin đừng lầm với tốc độ tăng trưởng kinh tế;
(c) chiến lược công nghiệp hóa quốc gia của nước ta không bám chắc được vào nguyên lý phát huy lợi thế so sánh (bao gồm cả những điểm bất lợi) của nước ta – trước hết đó là nguồn lực con người (bao gồm cả yếu tố văn hóa), tài nguyên đất đai (đừng lầm với điều kiện tài nguyên khoáng sản), tài nguyên môi trường và khí hậu, điều kiện vị trí địa lý tự nhiên.., lợi thế và bất lợi thế của nước đi sau.., dẫn tới những ưu tiên sai, từ đó hình thành cơ cấu kinh tế lạc hậu và các sản phẩm khả năng cạnh tranh thấp như hiện nay.
Để minh họa cho đánh giá trên, xin đưa ra một vài nhận xét.
-  Khó mà nói được rằng nền công nghiệp nước ta ngày nay đã sản xuất nổi một chiếc xe máy. Thậm chí ngành sản xuất xe đạp vốn có trong nước cũng đã bị nước ngoài chiếm lĩnh.
-  Nền công nghiệp ô-tô được hưởng không thiếu một ưu đãi nào, song cho đến nay kết quả tổng thể thu được là chỉ làm cho nền kinh tế nước ta “đắt hơn” về toàn cục và không thể nói là nước ta đã có ngành công nghiệp ô-tô của riêng mình! Thậm chí bây giờ phải đặt ra hàng loạt câu hỏi: Quyết định và cách lựa chọn bước đi vừa qua vào một sản phẩm như công nghiệp ô-tô có gì sai không? – có phát huy được lợi thế so sánh của nước ta không? trong những điều kiện của kinh tế thế giới phát triển rất nhanh ngày nay là nước đi sau (late comer) ta nên tiếp cận ngành này như thế nào, chỉ nên lựa chọn gì?.. Sau hàng chục năm rồi những câu hỏi này chẳng những vẫn còn nguyên giá trị thời sự mà còn dài thêm: Bây giờ nên xử lý những hệ quả xảy ra như thế nào là đỡ thiệt hại nhất?.. Hiển nhiên việc quản lý sự phát triển ngành công nghiệp ô-tô đã chậm phát hiện ra những yếu kém để khắc phục và để chuyển hướng phát triển... Đối với một số ngành công nghiệp khác cũng cần được mổ xẻ như vậy – ví dụ ngành đóng tầu thủy… Mối nguy thường trực đối với nước đi sau là hoặc trở thành bãi rác công nghiệp, hoặc là chỉ dó được một nền công nghiệp rặt rẹo.
-  So với khối lượng FDI giành được là khá lớn, thu hút FDI nói chung chưa làm được bao nhiêu việc mang lại cho nền kinh tế nước ta công nghệ mới và khả năng quản trị mới (kể cả ở tầm quốc gia), càng làm được ít hơn cho việc mở đường cho nước ta đi vào các sản phẩm công nghiêp hiện đại có hàm lượng khoa học, công nghệ và kỹ thuật cao. Nhìn chung chủ trương chính sách và năng lực quản trị đất nước của ta chưa làm cho FDI trở thành một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước. Thậm chí phải đặt ra những câu hỏi đại loại như: FDI vào công nghiệp ô-tô, xe máy, vào một số sản phẩm công nghiệp khác làm lợi cho nước ta nhiều hơn hay là làm giầu cho chủ FDI nhiều hơn? (Chưa bàn đến sự gian lận của chủ FDI trong việc trốn thuế và trong nhiều việc khác, nhất là trong gây ô nhiễm môi trường). Khỏi phải bàn đến những FDI đưa vào nước ta những sản phẩm công nghiệp lạc hậu, công nghiệp bẩn, sân golf, casino, những công trình kinh tế lẽ ra không cần hay không nên dành cho FDI mà chỉ nên dành cho đầu tư trong nước…
-  Nếu lấy thước đo trình độ phát triển CNH-HĐH là tỷ lệ giá trị gia tăng đạt được trong sản phẩm, đặt tỷ lệ này ở tầm quan trọng cao hơn tỷ lệ đạt được trong cơ cấu GDP các khu vực kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ), nếu lấy thước đo là khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong giá thành và chất lượng so với các nước chung quanh.., phải nói trình độ CNH-HĐH của nước ta hiện nay còn rất thấp và tiếp tục tụt hậu (ví dụ: ở nước ta riêng tiêu thụ về năng lượng trên một sản phẩm công nghiệp nhìn chung cao gấp đôi Thái Lan, và gần như thế so với Trung Quốc, so sánh  chỉ số ICOR với những nước này trong nhiều năm gần đây cũng có thể rút ra kết luận tương tự…).
-  Không thể bỏ qua tính lệ thuộc ngày càng gia tăng vào bên ngoài rất đáng lo ngại đang diễn ra trong quá trình CNH-HĐH, trong khi đó sản phẩm của nước ta – trước hết là những sản phẩm công nghiệp – lại chưa có một chỗ đứng vững chắc và rõ ràng trong các chuỗi cung - ứng trên thị trường kinh tế thế giới. Đặc biệt cần nhấn mạnh sự lệ thuộc vào Trung Quốc (nhập siêu rất cao từ Trung Quốc chiếm hầu như toàn bộ nhập siêu của ta trong cán cân thương mại quốc tế, 80-90% nguyên vật liệu cho hàng gia công sản phẩm may mặc xuất khẩu là từ Trung Quốc, các rắc rối trong biên mậu giữa hai nước, hàng nhập lậu từ Trung Quốc không sao kiểm soat nổi, hầu như 100% khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quôc là dạng nguyên liệu, Trung Quốc bây giờ là nhà cung cấp chính cho nước ta về năng lượng, là người thắng thầu EPC hầu hết các công trình kinh tế quan trọng của nước ta trong những năm gần đây…). Đáng lo hơn nữa là nhà nước ta chưa có được quyết sách đối phó nào. Đã xuất hiện hiện tượng các xí nghiệp nhỏ và vừa của ta cho nhà máy của mình đắp chiếu, đưa công nghệ, vốn và nhãn mác của mình sang bên kia biên giới để sản xuất, rồi đưa sản phẩm lội ngược về Việt Nam để tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu. Đã có không ít ý kiến đòi tăng cường phát triển công nghiệp phụ kiện, công nghiệp nguyên liệu cho hàng gia công xuất khẩu.., song rất cảm tính, chắc gì khả thi, chắc gì đạt hiệu quả mong muốn, nếu không nói là rất dễ rơi vào nguy cơ cái vòng luẩn của tự cung tự cấp khép kín…
-  Nền kinh tế GDP tỉnh và tư tưởng nhiệm kỳ làm trầm trọng thêm những yếu kém của nền kinh tế cả nước trong quá trình CNH-HĐH, đặc biệt là hiện tượng manh mún và chùng lặp, gây lãng phí và ách tắc trầm trọng (cả nước có hàng trăm khu công nghiệp nhưng số khu công nghiệp thành công chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong khi đó sau hàng chục năm hai khu công nghiệp trọng điểm quốc gia là Khu công nghệ cao ở TPHCM và khu công nghiệp Láng – Hòa Lạc vẫn ở giai đoạn khởi đầu, nhưng nước ta có khoảng trên 100 sân golf và trước khi nghỉ hưu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc vẫn bào chữa cho quan điểm cần thiết có thêm sân golf nữa; kinh tế khai khoáng băm nát nhiều vùng đất nước và các miền duyên hải và Thủ tướng đã phải ra quyết định đình chỉ triển khai những mỏ mới; trong khi đó việc triển khai khai thác bauxite gặp nhiều khó khăn nan giải như các ý kiến phản biện của các nhà kinh tế và khoa học đã lường trước…).
-  Vai trò các tập đoàn nhà nước thực hiện được trong việc đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH nhìn chung không xứng với vốn, những ưu đãi và quyền lực được hưởng; từ khi có chủ trương được huy động tới 30% vốn để kinh doanh trái nghề và được phép có ngân hàng riêng, đã xảy ra nhiều hiện tượng lũng đoạn và thất thoát nghiêm trọng – nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và thị trường chứng khoán – đấy là cách quản lý nhà nước theo kiểu thả gà ra mà đuổi (Đặng Đình Cung, 28-09-2011); trong khi đó chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng của quốc gia – đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và giao thông vận tải – đi quá chậm so với yêu cầu phát triển của đất nước; cách quản lý tỏ ra kém hiệu quả thậm chí để xảy ra đổ bể lớn như vụ Vinashin. Tình hình đến mức cải cách triệt để tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước trở thành đòi hỏi cấp bách.
-  Vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn chưa được đặt ra đúng tầm trong toàn bộ quá trình CNH-HĐH, các bước đi rất chậm so với đòi hỏi của phát triển và so với những điều kiện cho phép của đất nước, nhất là CNH-HĐH chưa phát huy được đúng mức thế mạnh nền nông nghiệp nhiệt đới của nước ta, sự lệ thuộc đáng ngại vào bên ngoài chưa xử lý được bao nhiêu (thức ăn gia súc, giống, nâng cao hàm lượng chế biến, tiêu thụ sản phẩm...). Đại bộ phận nông dân nhìn chung có mức sống thấp hơn nhiều so với những thành phần lao động khác, nông thôn cũng là nơi đang tích tụ nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nóng bỏng, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai. Còn thiếu hẳn phương hướng rõ ràng, thiếu hẳn những nỗ lực cần thiết và có hiệu quả cho việc đảy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, cho việc từng bước hình thành và phát triển nền nông nghiệp có hàm lượng khoa học và công nghệ cao và nền nông nghiệp sinh thái đang trở nên ngày càng quan trọng hơn ở mọi quốc gia và đang ngày càng có lợi thế lớn trong kinh tế thế giới nói chung. Những thiệt thòi tất yếu xảy ra mà nông dân phải gánh chịu trong quá trình công nghiệp hóa nhìn chung không được bù đắp thỏa đáng và do đó đang tích tụ những bất công xã hội mới, chưa nói đến nhiều nơi nông dân là nạn nhân của quá trình này (do mất đất đai canh tác, do môi trường xuống cấp và bị tàn phá, do nhiều bất lợi thế khác của nông dân…).
-  Hệ thống tài chính tiền tệ nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng vừa là hệ thần kinh, vừa là huyết mạch của cả nền kinh tế còn nhiều yếu kém, nhất là để lạm phát cao kỳ này kéo dài đã nhiều năm (từ 2007 đến nay, ngoại trừ năm 2009, đều ở mức 2 con số). IMF và một số kinh tế gia cho rằng nợ công và nợ của các doanh nghiệp ở Việt Nam tuy có tỷ lệ/GDP còn ở mức thấp so với một số nước phát triển, song vẫn là ở mức cao khá nhạy cảm so với tình hình tài chính tiền tệ, trong vòng 2 năm nay 3 lần phá giá đồng tiền (cộng lại xấp xỉ -20%), đến cuối năm 2011 chỉ số lạm phát cả năm sẽ ở mức 18%, đồng tiền quốc gia mất giá khoảng một nửa so với 2006 (TBKTVN – 26-09-2011). Vấn đề nợ còn phải so với khả năng xử lý nợ, với tình trạng dự trữ quốc gia hao mòn nhanh, với tình hình nợ xấu của doanh nghiệp gần đây tăng nhanh, với các chỉ số của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chỉ còn ở mức khoảng 25 - 30% so với thời cao điểm… Chính những lo ngại này đã dẫn đến việc Standard & Poor's ngày 22-08-2011 hạ mức chỉ số tín nhiệm của nền kinh tế Việt Nam. Trước mắt, chống lạm phát và đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng hiện nay đang là nhiệm vụ nóng bỏng. Hiện nay tình hình càng trở nên nguy hiểm đối với nước ta lúc này vì nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả nước ta, đang xảy ra hiện tượng đem tiền chạy trốn vào vàng.
-  Vân vân…
Tóm lại, có thể kết luận: Chiến lược CNH-HĐH đến nay không đạt được mục tiêu vì tư duy kinh tế lạc hậu và thể chế chính trị của quốc gia có nhiều yếu kém. Tiếp tục tư duy và tình trạng quản lý như hiện nay chẳng những tiếp tục tụt hậu mà còn rơi vào nguy cơ lạc đường vào ngõ cụt.
Vậy sẽ có câu hỏi: Nước ta đạt được gì sau 25 năm CNH-HĐH trong đổi mới?
Xin thưa: Đã hoàn tất thời kỳ phát triển ban đầu, dù chưa phải như mong muốn, nhưng rất quan trọng, để từ đây đất nước đã có được thế và lực nhất định đi vào thời kỳ phát triển bền vững, tiếp tục đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH với đúng nghĩa của nó, để trong một tương lai nhất định sẽ trở thành một nước phát triển. Một thành quả khác không kém ý nghĩa quan trọng nhất thiết phải vận dụng triệt để, đó là những bài học thành công và thất bại cần nghiêm túc rút ra từ 25 năm này để có được những quyết định đúng đắn cho giai đoạn tới.
Điều kiện tiên quyết cho thành công sắp tới là (a) phải thay đổi tư duy theo hướng bám sát lợi thế so sánh của đất nước (kể cả những điều bất lợi) với tính cách là nước đi sau, bám sát sự phát triển của thị trường thế giới trong tình hình được cập nhật mới, để từ đó có được chiến lược phát triển đúng, (b) xây dựng được một thể chế chính trị có khả năng phát huy sức mạnh dân tộc trong cục diện mới của thế giới ngày nay, để thực hiện chiến lược phát triển đã lựa chọn được. Thực sự đấy là những công việc của dân chủ, trí tuệ và ý chí chính trị mãnh liệt của cả nước, của toàn dân tộc.
Cả nước, từng người và toàn bộ thể chế chính trị hiện nay phải có sự thay đổi triệt để, để xác định được và nắm bắt được cái đích phải nhằm tới, đó là: xây dựng một nền kinh tế có hàm lượng trí tuệ, tri thức, công nghệ và văn hóa ngày càng cao, trở thành một nền kinh tế có khả năng thích nghi với những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong kinh tế và chính trị thế giới, có khả năng hội nhập ngày càng sâu trên thị trường toàn cầu. Đơn giản là vì thế giới đang đi vào một thời kỳ mới với những thay đổi sâu sắc, tự thân nước ta cũng đứng trước đòi hỏi bức xúc phải thay đổi.
Thiết tha mong rằng sẽ có những thảo luận sâu rộng trong cả nước về những  vấn đề vừa mới xới xáo lên, để cả nước cùng lựa chọn bước đi cho giai đoạn tới này.

Về quan hệ với Trung Quốc:

Khỏi phải bàn thêm về mối nguy Trung Quốc đối với nước ta, một vấn nạn đối ngoại khó nhất đang uy hiếp nước ta trực tiếp nhất về mọi mặt trong thời đại ngày nay.
Tuy nhiên, hỏi các sinh viên ta và một số người Việt công tác, làm ăn sinh sống lâu năm ở Trung Quốc, được biết: không ít người dân Trung Quốc mọi tầng lớp khác nhau bây giờ đang bị những tuyên truyền của chính nước họ nhồi nhét những hiểu biết sai lệch về nước ta, về quan hệ Việt – Trung, về cái gọi là chủ quyền tự nhiên hay quyền sở hữu của Trung Quốc đối với Biển Đông, về chuyện Việt Nam đang “đồng lõa” với nhiều kẻ khác cướp biển đảo của Trung Quốc, bao vây làm hại Trung Quốc… Trong con mắt không ít người Trung Quốc, Việt Nam được coi là kẻ ăn cháo đá bát, vân vân và vân vân. Hàng ngày, báo giấy và báo mạng chính thống (ở ta gọi là báo chí “lề phải”) của Trung Quốc mang tải ngôn ngữ này, nhiều lúc là ngôn ngữ chủ đạo liên quan đến Việt Nam.
Vì nhiều lý do, đặc biệt là vì tác động hoạt động rất mạnh của hệ thống truyền thông Trung Quốc, vì áp lực và sự thâm nhập của quyền lực và quyền lực mềm Trung Quốc, trên thế giới tồn tại tình trạng hiểu biết mơ hồ về những vấn đề ở Biển Đông, về quan hệ Việt – Trung.., rất đáng lo ngại cho nước ta. Thậm chí có một số tạp chí khoa học tầm cỡ quốc tế cho đến hôm nay vẫn vẽ Hoàng Sa, Trường Sa, đường lưỡi bò 9 vạch… trong bản đồ Trung Quốc, nhiều nhà khoa học nước ta đã phải viết bài phản đối. Sự phản đối này có trường hợp được tiếp thu, có trường hợp rơi vào cái tai điếc! Trên thế giới, cũng vì phía ta quá quan tâm đến gìn giữ đại cục trong quan hệ Việt – Trung, nhiều học giả đã phải lên tiếng trong những hội thảo quốc tế, đại ý: Việt Nam mất cắp mà không dám la làng thì dư luận làm sao biết thực hư, làm sao dám bênh vực?
Cũng vì quá quan tâm gìn giữ đại cục một cách sai lầm, nhìn chung nhân dân ta cũng không được thông tin đầy đủ về thực trạng toàn bộ quan hệ Việt – Trung, về tình hình Biển Đông, về sự thâm nhập mọi mặt của Trung Quốc, về những vấn đề mới và những mối nguy mới xảy ra  từ những diễn biến của quan hệ Việt-Trung hiện nay, về triển vọng của tình hình và về quốc sách của đất nước… Đây là một thực tế liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc cần khắc phục.
Trước thực tế trình bày trên, kiến nghị việc nên làm ngay là (1) cần sớm có sách trắng làm rõ âm mưu, chính sách và hành động của Trung Quốc đối với Biển Đông và quan điểm, lập trường, chính sách của phía ta; (2) cần sớm có sách trắng về toàn bộ thực trạng quan hệ Việt – Trung. Nội dung hai sách trắng này cần trung thực với sự thật, thẳng thắn và khách quan, để 2 sách trắng này làm được nhiệm vụ đề ra. Nước ta có chính nghĩa, có sự thật đứng về phía chính nghĩa, bây giờ nhà nước ta cần dũng cảm cho ra đời 2 sách trắng như thế.
Làm được như vậy, nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc hiểu nhau hơn, dư luận chính nghĩa trên thế giới đứng về phía ta. Khỏi phải bàn thêm tầm quan trọng và tác dụng của 2 sách trắng này.
Chắc chắn đã đến lúc phải xem lại, xác định lại, thiết kế lại toàn bộ chủ trương chính sách của ta đối với mối quan hệ toàn diện Việt – Trung, để nước ta trở thành một đối tác được tôn trọng và gìn giữ được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình trong quan hệ đối với Trung Quốc, để Trung Quốc trở thành một đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của nước ta đúng với ý nghĩa là hai nước láng giềng núi liến núi, sông liền sông, tất cả vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của hai nước và của cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Trong nhiều bài viết, tôi đã nêu rõ không thể đi “xin” Trung Quốc một thứ quan hệ như thế, mà chỉ có thể tự trọng và tự cường xây dựng nên hay giành lấy một quan hệ như thế, xin được bàn cụ thể vào một dịp khác. Chỉ xin nhắc lại một kết luận đã được viết ra: Có khả năng đi với toàn thế giới thì sẽ đi được với Trung Quốc; điều này đòi hỏi một nền ngoại giao dấn thân – được xây dựng trên một nền nội trị cho phép thực hiện một nền ngoại giao dấn thân. 
Dưới đây xin bàn thêm về một khía cạnh khác của vấn đề Biển Đông: vấn đề an ninh nội bộ.
Đã có một thủ tướng Úc, một thủ tướng Lào, một vài quan chức khác nơi này nơi nọ trên thế giới phải ra đi vì trót dan díu với quyền lực mềm Trung Quốc. Sự thao túng của thứ quyền lực này thiên hình vạn trạng khắp mọi nơi, thật khó có một quốc gia nào dám coi mình là hoàn toàn miễn dịch. Ngay ở nước ta, việc để cho nhà thầu Trung Quốc nhiều năm nay đại thắng qua các công trình theo dạng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp), khai thác được nhiều khoáng sản, thuê được hàng nghìn ha rừng, đưa được hàng vạn lao động Trung Quốc vào nước ta… chẳng lẽ không nói lên điều gì? Bảo vệ an ninh nội bộ rõ ràng là vấn đề sống còn, điều này khỏi phải bàn tới.
Liên quan đến Biển Đông, có một số điều sau đây cần lưu ý.
Trung Quốc đang làm cho Biển Đông trở thành một mặt trận rất nóng, rất nhạy cảm, nước ta phải đối phó – cùng một lúc trên nhiều hướng đối nội và đối ngoại.
Về nhiều mặt, giữ được mặt trận Biển Đông gần như đồng nghĩa với gìn giữ được chế độ chính trị và an ninh nội bộ. Song điều quan trọng hơn và có ý nghĩa mất/được là tập hợp được sự hậu thuẫn tuyệt đối của toàn thể dân tộc là điều kiện tiên quyết để giữ được mặt trận Biển Đông. Ở đây sẽ đụng chạm phải một vấn đề nhạy cảm khác: sự khác nhau giữa một bên là nhiệm vụ tập hợp hẫu thuẫn của toàn dân tộc, và một bên là yêu cầu bảo vệ chế độ trước sự chống phá của những lực lượng không tán thành và muốn lật đổ chế độ này. Không có cách gì tránh né sự khác biệt hóc búa này, mà chỉ có đòi hỏi nhất thiết phải xử lý thành công nó, nhất là dứt khoát cần tránh mắc phải sai lầm trong xử lý sự khác biệt này.
Vừa qua, chính quyền ta có thể có tâm lý sợ rằng các cuộc biểu tình tháng 7 và tháng 8-2011 chống Trung Quốc thực hiện âm mưu đường lưỡi bò sẽ khơi mào cho các cuộc biểu tình dẫn tới cách mạng hoa lan, hoa nhài ở nước ta. Sự lo ngại này là hiểu được, song cách xử lý đến mức những người đi biểu tình – trong đó có những người tiêu biểu như nhà văn Nguyên Ngọc và nhiều nhân sỹ, trí thức có tên tuổi khác -  được báo chí lề phải đối xử như kẻ phản động thì lại là sai lầm không được mắc phải. Sai lầm này khiến cho nhà cầm quyền cùng một lúc phải đối phó trên 3 mặt trận: (1) sự phản kháng của nhân dân ta trước hành động ngang ngược của Trung Quốc (cách xử sự như vừa qua của chính quyền mặc nhiên khiến cho chính quyền bị coi là không đứng về phía yêu nước), (2) sự lợi dụng để chia rẽ nhân dân và kích động tâm lý chống chính quyền được thực hiện từ phía các lực lượng không tán thành và muốn lật đổ chế độ nước ta, (3) sự lợi dụng để chia rẽ đất nước ta mọi mặt tạo ra tình thế đục nước béo cò rất nguy hiểm được thực hiện từ phía Trung Quốc.
Tiện đây xin nói ngay, Trung Quốc đang ra sức khai thác tình huống đục nước béo cò này, khẩu khí báo chí Trung Quốc hiện nay về các cuộc biểu tình này cho phép nhận định như vậy. Song lợi dụng như thế, rõ ràng chỉ cốt để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu chiến lược ưu tiên số 1 của Trung Quốc là tạo ra một Việt Nam lệ thuộc và èo uột mà thôi, chứ không phải là để khuyến khích xảy ra một cuộc cách mạng hoa lan hoa nhài ở Việt Nam với hệ quả có thể lây lan, kích động trào lưu dân chủ ở Trung Quốc (điểm được coi là gót chân Achilles của nội trị Trung Quốc). Vì lẽ này, có thể dễ dàng phán đoán trong tình huống xảy ra một cuộc cách mạng hoa lan hoa nhài ở Việt Nam như vậy, Trung Quốc sẽ có thể làm những gì để có thể buộc thêm một cái tròng nữa vào cổ một nước Việt Nam èo uột và lệ thuộc. Khi cần, Trung Quốc chắc sẽ có thể sẵn sàng giúp đỡ đàn áp một cuộc cách mạng hoa lan hoa nhài như thế nếu xảy ra ở nước ta, một kiểu na ná vụ Thiên An Môn ở Việt nam. Kể cả trong trường hợp này, kết cục cũng sẽ chỉ nhằm có một Việt Nam bị cột chặt hơn nữa vào Trung Quốc mà thôi, với mọi hệ lụy đen tối, đối với cả chính quyền.
Chắc chắn không thể mong đợi nhân dân Việt Nam chấp nhận kịch bản như vậy.
Đối với chính quyền nước ta hiện nay, vì vậy điều tối kỵ là không được để cho 3 mặt trận nói trên biến thể thành động lực chủ yếu dấy lên phong trào chống đối và lật đổ chính quyền, với mọi triển vọng đều nguy hại cho đất nước về bất kể về hướng nào. Xin nhắc lại, các phần trên của bài viết này đã nhấn mạnh sự cần thiết sống còn là phải tạo ra chặng đường tiếp theo của quá trình phát triển hiện nay của đất nước. Sự lựa chọn tối ưu của đất nước cho đến giờ phút này và trong bối cảnh trong-ngoài hiện nay không phải là một cuộc cách mạng hoa lan hay hoa nhài, ngoại trừ vì lý do nào đấy để xảy ra tình hình bất khả kháng. Vậy điều kiện tiên quyết bảo vệ sự ổn định của đất nước là chính quyền phải nhận thức rõ sự khác biệt đã nêu trên, và phải trau giồi cho mình phẩm chất và năng lực chính trị xử lý thành công sự khác biệt này.
Nhớ lại, những người cộng sản Việt Nam các thế hệ tham gia kháng chiến phải hoạt động trong vùng địch hậu có cả một gia tài phong phú những kinh nghiệm về công tác dân vận và địch vận. Họ đã chiến thắng một cách anh hùng trong mọi hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, góp phần xứng đáng nhất vào thành công của cách mạng. Họ không có một thủ thuật hay phép thần nào ngoài lòng trung thành tuyệt đối với chính nghĩa và không bao giờ lầm lẫn giữa dân và địch.
Ngày nay, bảo vệ chế độ chính trị, trước hết chính quyền càng phải lo tu dưỡng chính nghĩa và không bao giờ được lầm dân với địch, đối xử với dân như đối với địch. Cách mạng hoa lan hoa nhài nổ ra ở nơi này nơi kia trên thế giới là do chính quyền tha hóa, không còn nắm được chính nghĩa, không tu dưỡng chính nghĩa và trở thành thù địch của nhân dân, chứ không phải do nhân dân muốn bầy tỏ lòng yêu nước và phản đối mọi hành động xâm lược tổ quốc.
Có thể có ý kiến cho rằng các cuộc biểu tình yêu nước như thế dễ bị địch lợi dụng, kích động, dễ dẫn tới dậu đổ bìm leo...
(Xin mở ngoặc nói ngay đừng lúc nào quên: Dậu không đổ thì không bao giờ bìm leo được!)
Rõ ràng lối suy nghĩ nêu trên là vừa khinh dân, vừa non kém, làm như thể chỉ có chính quyền mới biết yêu nước. Đã thế, cách xử sự vừa qua của chính quyền là vừa dẹp biểu tình, vừa phải vuốt ve Trung Quốc là ta quyết dẹp biểu tình này. Không thể biết thể diện quốc gia đứng ở chỗ nào!
Cứ cho rằng mối lo vừa nêu trên là có cơ sở - ví dụ vì nghĩ rằng nhân dân có thể bị tuyên truyền của địch xuyên tạc, vì có những bộ phận nhân dân trình độ dân trí thấp dễ a-dua.., nhân dân không thể hiểu được những tế nhị, nhạy cảm trong đối ngoại, xử lý quan hệ hai nước để cho Trung ương lo, cần gìn giữ đại cục… Cứ cho những lập luận này là có lý đi…
Nhưng xin thưa, dù nghĩ gì đi nữa, thì cũng không thể xử sự với dân như với địch, mà phải làm tốt công tác dân vận với lọn nghĩa của những nhiệm vụ này.
Tại sao ngày xưa trong vùng địch hậu nơi chưa giành được chính quyền, các đảng bộ và đảng viên biết làm công tác dân vận, công tác địch vận, còn bây giờ có chính quyền thì chính quyền lại không biết làm, hay không làm được những nhiệm vụ này? Chẳng lẽ ngày nay đảng bộ và chính quyền không có nhiệm vụ nuôi dưỡng, cổ xúy tinh thần yêu nước và những hoạt động bảo vệ đất nước, cùng với nhân dân tìm cách thực hiện nhiệm vụ này một cách có lợi nhất cho đất nước về mọi mặt đối ngoại cũng như đối nội. Chẳng lẽ đảng bộ và chính quyền ngày nay chỉ còn chú trọng mỗi nhiệm vụ chuyên chính, mà lại chuyên chính với biểu tình bảo vệ đất nước?
Đầu tháng 9-2011 ông Đới Bỉnh Quốc là khách mời đặt chân tới Hà Nội. Mấy ngày trước đó tầu chiến Trung Quốc đi tuần tra toàn bộ vùng Hoàng Sa, nghĩa là gửi đi cho nước chủ nhà trước khi họp bàn một thông điệp rõ ràng: Việt Nam nên coi Hoàng Sa là chuyện đã rồi! Hiện nay vẫn tiếp diễn hàng ngày việc đánh đuổi tầu đánh cá của ta. Mấy hôm nay Trung Quốc đang dọa cả Ấn Độ tội hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, dọa cả thế giới. Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 27-09-2011 có bài lời lẽ rất thiếu văn hóa của Long Đạo, thúc giục cần đánh Việt Nam và Philippines  để dạy cho bài học. Long Đạo cho rằng thời cơ đang cho phép Trung Quốc đánh ngay những trận nhỏ lúc này để khỏi phải làm một cuộc chiến tranh lớn… Trong tình hình này chẳng lẽ giữ gìn đại cục đòi hỏi nước ta cứ phải im lặng nhún nhường thêm nữa? Hay là hơn bao giờ hết, chính giới nước ta lúc này cần thẳng thắn, công khai vạch rõ với chính giới Trung Quốc những sai trái của họ, đồng thời làm cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc, nhân dân thế giới thấy rõ thực trạng quan hệ Việt – Trung, hành động của Trung Quốc trên Biển Đông… Làm như thế thì khó khăn hơn hay thuận lợi hơn cho đấu tranh bảo vệ chủ quyền của ta?
Cứ giả định, Trung Quốc không làm theo mong muốn giữ gìn đại cục như ta vẫn được khuyên bảo, kể cả khi ta thẳng thắn hết lời, mà cứ ỷ thế làm theo Long Đạo, chộp thời cơ thực hiện những đánh chiếm mới trên Biển Đông, ta kiên quyết chiến đấu chống trả bảo vệ chủ quyền, Trung Quốc còn có thể làm gì nữa?
Trung Quốc có thể bằng lực lượng quân sự áp đảo sẽ tiêu diệt ngay lực lượng tại chỗ của ta trên biển như đã làm 1974 và 1988, rồi sẽ phong tỏa nước ta trên biển, đóng cửa biên giới trên bộ phía Bắc và cắt đứt mọi quan hệ kinh tế, tăng cường sức ép trên biên giới phía Tây nước ta, các nhà thầu Trung Quốc sẽ làm hỏng các công trình EPC trên nước ta, hơn 7 vạn lao động Trung Quốc sẽ biến thành nội công đánh ta từ bên trong…
Trung Quốc còn làm được gì nữa?     
Chuyện hôm qua, tháng 12-1972 Mỹ đã từng dùng chiến dịch B52 ném bom Hà Nội để ép ta xuống thang trong đàm phán, nhưng ta kiên quyết chỉ nối lại đàm phán khi Mỹ dừng ném bom, không như thế thì làm sao có Hiệp định Paris 1973? Trong suốt cuộc kháng chiến  chống Mỹ, không biết bao nhiêu lần Mỹ đã gây sức ép với ta kiểu như thế…
Ngày nay chẳng lẽ không đủ ý chí và khả năng gìn giữ lập trường như thế trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc? Nhìn lại từ 1990 đến nay, sự nhân nhượng hiện nay của ta thuyết phục được Trung Quốc dừng bước, hay vẫn là đang khuyến khích Trung Quốc tiếp tục lấn tới?
Trong lịch sử hàng nghìn năm đối phó với xâm lược từ Trung Quốc, nhân dân ta cho đến hôm nay chỉ có một bài học: quyết giữ nước, quyết đánh giặc thì giữ được nước, sợ và trốn giặc thì mất nước. Đã bao phen mất nước, song cũng từng nấy phen giành lại được đất nước! Nhìn vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa của ta và trên thế giới, ngày nay càng không thể cướp nước ta được. Nhưng ta tự mình làm mất nước theo một dạng nào đó thì có thể. Cứ nghĩ cho kỹ mà xem.
Lịch sử hữu nghị Việt – Trung còn ngắn quá, song cũng đủ để cho thấy: Nếu ta là ta thì xây dựng, gìn giữ và phát triển được. Hiện tại và chặng đường phía trước càng đòi hỏi phải như vậy. Ngày nay muốn hữu nghị để có hòa bình, hợp tác và cùng phát triển, càng nhất thiết ta phải là ta, vì những thứ này không xin được.
Nói rằng có bàn tay địch kích động biểu tình, cứ cho là như thế, chẳng lẽ đảng bộ, chính quyền và nhân dân không đủ sức và bản lĩnh lôi bàn tay đó ra ánh sáng?  Theo dõi khẩu khí các bài trên mạng có liên quan, có thể rút ra nhận định  có hiện tượng đục nước béo cò, béo cho nhiều loại cò, trong ngoài đủ cả. Nhưng cần nhìn kỹ thêm những “cò” này đã làm được gì? Cần xem lại cách xử sự của đảng bộ và chính quyền với hệ quả tự tạo ra cho mình tình huống một lúc phải đối phó với 3 “mặt trận” như vừa qua có vô tình khơi sâu thêm hố ngăn cách giữa nhân dân và chính quyền, có tự gây thêm lúng túng cho nhà nước ta? có đẩy nhân dân về phía “cò” hay không? Vân… vân… Trên báo mạng Trung Quốc vừa qua thấy có một số kẻ vừa cười vào mũi chúng ta về những gì đã xảy ra.
Hiển nhiên, bảo vệ chế độ chính trị phải bắt đầu từ việc chính quyền tu dưỡng chính nghĩa, chỉ một lòng vì dân, không dung tha bất kỳ tha hóa nào của chính mình đi ngược với chính nghĩa, đi ngược với lợi ích của nhân dân, của đất nước. Và nhất là không bao giờ được lẫn lộn dân với địch.
Ngăn chặn từ gốc cách mạng hoa lan hoa nhài không phải là chuẩn bị các khả năng đàn áp nó, càng không phải là đàn áp những hành động yêu nước, mà trước hết phải là ngăn chặn từ gốc mọi tha hóa đẩy chính quyền trở thành thù địch với nhân dân. Còn muốn ngăn chặn các thế lực thù địch chống lại chế độ chính trị của đất nước thì ngoài bạo lực cần phải có, nhất thiết phải làm cho chế độ chính trị này thực sự là của dân, do dân, vì dân, không thể khác được! Chỗ nào chế độ chính trị còn yếu kém thì phải khắc phục yếu kém, chứ không thể lấy bưng bít dân hay đàn áp mà xí xóa được. Giả hiệu là của dân, do dân, vì dân thì không có cách gì bền vững được và sớm muộn vẫn là mảnh đất màu mỡ của các cuộc cách mạng hoa lan hoa nhài. Chân lý này thật đơn giản, chỉ làm sao trung thành được với nó.
Rồi đây còn phải thực hiện những bước đấu tranh kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao vô cùng tế nhị để giải quyết những vấn đề tế nhị trong quan hệ Việt – Trung. Xin hỏi, không thông tin cho dân, không làm cho dân hiểu, không dân vận, cuối cùng là không có sự hậu thuẫn của dân, không đi với dân hoặc dân không đi cùng, làm sao giành thắng lợi? Những bài học và kinh nghiệm về đấu tranh ngoại giao, về ngoại giao nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ vô cùng phong phú và còn nguyên giá trị. Nhất là xin đừng quên mặt trận đấu tranh của nhân dân là một trong những mũi giáp công quyết định trong đấu tranh chính trị của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ. Ngày nay cũng thế. Muốn ngoại giao nhất với Trung Quốc, ngày nay lại càng phải có dân về mọi phương diện. Muốn xây dựng hữu nghị thực chất và nhất thiết không để cho xảy ra tâm lý bài Hoa, càng phải có dân.
Bất luận thế nào, chế độ chính trị có dân và của dân sẽ là vô địch! Trong tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày nay, lại càng cần thiết hơn bao giờ hết chế độ chính trị của đất nước phải có dân – với nội dung: của dân, do dân, vì dân. Bảo vệ Đảng lại càng cần phải như thế hơn nhiều lần, vì nhiệm vụ lãnh đạo khó hơn nhiều lần. Mọi mưu mẹo, sách lược, chiến lược, đại cục.., thiếu hậu thuẫn của dân trước sau sẽ chỉ là đồ bỏ. Giữ mặt trận Biển Đông, bắt đầu từ giữ dân. Mất mặt trận Biển Đông đồng nghĩa với mất chế độ này.

Lời kết
Nhìn về bất kỳ phương diện nào, xem xét mọi thách thức trong – ngoài, mọi vấn đề đặt ra cho nước ta trong cục diện mới của thế giới ngày nay và trước đòi hỏi phải chuyển đất nước đi vào một giai đoạn phát triển mới, tất cả đều rất triệt để, tất cả đòi hỏi phải thay đổi quyết liệt. Đất nước nhất thiết phải đối mặt, không thể tránh né được, như một tất yếu khách quan bất khả kháng. Làm thế nào có trí tuệ, có ý chí và có sự đồng thuận của cả nước, của toàn dân tộc, quyết tâm hoặc sống hoặc chết biến những thách thức này thành một cơ hội đổi đời đất nước, đổi đời dân tộc ta, để vươn lên thành một quốc gia phát triển?
Câu hỏi Hoặc là hay sẽ là?.. thực sự đặt đất nước ta đứng trước một bước ngoặt định mệnh.

Nguyễn Trung
Võng Thị, ngày 30-09-2011

 

[1] Đó là những nguy cơ mới về mất an ninh do chủ nghĩa bảo hộ mới, những mâu thuẫn mới hoặc những thách thức mới truyền thống và phi truyền thống, do  những nỗ lực kiên định của Trung Quốc nhằm mở rộng các vành đai lớn (great peripheries) của quyền lực rắn và quyền lực mềm với khát vọng đưa Trung Quốc thành trung tâm thế giới…
[2] Một số học giả trên thế giới cho rằng: Về nhiều mặt, có thể xem hiện tượng “phát triển của Trung Quốc” như đang diễn ra là một hiện tượng bành trướng kinh tế và bành trướng không gian sinh tồn ở phạm vi toàn cầuvới những phương tiện vàphương thức của thời đại ngày nay. Hiện tượng này khác với phương thức thực hiện bằng chiến tranh của Đức Quốc Xã khi tìm đường ngoi lên thành đế chế, nhưng giống nhau về nội dung và bản chất khát vọng, ẩn náu dưới cái tên “trỗi dạy hòa bình”. Chính lãnh đạo Trung Quốc từ thời Giang Trạch Dân đã huy động trí thức Trung Quốc và ngoại quốc nghiên cứu sự ra đời và sụp đổ của các đế chế đã từng diễn ra trong lịch sử, đi tìm con đường hình thành đế chế Trung Hoa đương đại để lấy lại “vị trí trung tâm thế giới” đã từngcó trong lịch sử của mình (Trung Quốc tự nhìn nhận mình như vậy, và đây là một luận cứ quan trọng được lãnh đạo Trung Quốc vận dụng để nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc nước lớn).

[3] Sự việc Trung Quốc vơ vét tài nguyên ở những quốc gia này còn tệ hại hơn so với bất kỳ giai đoạn nào khi còn tồn tại chủ nghĩa thực dân mới trước đây. Xem Death By China – Confronting the Dragon – A Global Call to Action,” - Peter Navarro and Greg Autry, chương 7. 

[4] Gần đây Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động gây căng thẳng với Ấn Độ, mới đây nhất là vụ tầu chiến Trung Quốc quấy rối tầu Ấn Độ hợp tác dầu khí với Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam 09-2011, chính giới Trung Quốc phản đối Ấn Độ quyết liệt.
[5] Hiện nay trên dư luận báo chí Trung Quốc không hiếm những loại ý kiến cho rằng các kẻ xấu trên toàn thế giới đang tập hợp nhạu lại bao vây Trung Quốc, đang theo đuổi những âm mưu diễn biến hòa bình và chia cắt Trung Quốc thành những nước nhỏ!..
[6] Nguyên văn câu nói dịch từ tiếng Pháp được rút ra từ cuộc Cách mạng 1789: “Các cuộc cách mạng bao giờ cũng ăn thịt con em mình trước”. Ngày nay nhiều học giả trên thế giới tán thành nhận xét này, thực tiễn nhiều quốc gia cũng cho phép rút ra kết luận như vậy.
[7] Sau nạn các nhà máy mía đường và các nhà máy xi-măng lò đứng Trung Quốc thải ra và ta hứng lấy trong thập kỷ 1980-1990, bây giờ là các ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu và lao động rẻ, là công nghiệp khai khoáng đang tàn phá tệ hại môi trường, là hàng chục (hay là hàng trăm?) nhà máy lớn với công nghệ lạc hậu của Trung Quốc theo các gói thầu EPC cho các sẩn phẩm quan trọng như điện, hóa chất, luyện kim, cơ khí…

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-10-11

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét