Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Trung Quốc diễu võ giương oai

Ngày Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Trung Quốc diễu võ giương oai
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Trung Quốc diễu võ giương oai

Xã luận trên tờ The Washington Times (26/10/2011)

Phạm Nguyên Trường dịch
Nước Mỹ đã phải trả giá cho việc để một kẻ lèo lá như H. Kissinger đi đêm với ngài Mao của nước Tàu từ năm 72 thế kỷ trước, những tưởng làm thế là lôi kéo đồng minh chống lại với Liên Xô, có ai ngờ anh khổng lồ chân đất sét Liên Xô không cần đến động thái đi đêm kia vẫn cứ sụp đổ đúng theo quy luật, trong khi đó hành động đi đêm của ông “Kis Già Giơ” ngỡ là đắc sách lại chính là tự mình chắp thêm vây cho con sói hung ác ở phương Đông để nó ngóc đầu dậy, có thời gian mài nanh dũa vuốt, và rút kinh nghiệm từ bài học Liên Xô để trở thành một đế chế bề ngoài vẫn khoác áo cộng sản mà bên trong thì mưu toan chống lại cả loài người.
Bây giờ đây các ngài chiến lược gia xứ cờ hoa mới mở mắt ra liệu có muộn hay không? Dẫu sao muộn còn hơn không, nếu bài trả lời phỏng vấn của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton mà BVN đăng hôm qua vẫn còn chứa đựng những lời xã giao bay bướm thì bài xã luận này mới thực đi thẳng vào những mục tiêu cốt lõi trong cái gọi là “chiến lược trở lại Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ.
Bauxite Việt Nam

Nếu sức mạnh là đồng tiền có giá nhất trong quan hệ quốc tế thì Trung Quốc đang tích cực lèn đầy két sắt của họ. Trong mấy năm gần đây, các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc đã thực hiện được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực quốc phòng, như được thể hiện trong sự gia tăng ngân sách hàng năm trong lĩnh vực này – từ năm 1997 đến năm 2003 ngân sách quốc phòng đã tăng lên hai lần.
So với năm 2010, ngân sách quốc phòng của nước này trong năm 2011 đã tăng thêm 13%. Điều này làm cho Trung Quốc là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới – chính thức đánh giá là khoảng 900 tỷ Mỹ kim. Nhưng các khoản chi không chính thức trong Bộ quốc phòng làm cho con số này gia tăng thêm khoảng 150 tỷ Mỹ kim nữa. Trung Quốc nhìn thấy những cơ hội tốt trong hệ thống quốc tế và cho rằng điều đó sẽ giúp họ theo đuổi sức mạnh, làm thiệt hại cho các nước lân bang. Sự kiện là cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa giành được bá quyền trong khu vực cũng không cho phép chúng ta được lầm lẫn trong khi đánh giá ý định của họ.

Lịch sử dạy chúng ta rằng tham vọng của Trung Quốc cũng chẳng khác gì các dân tộc khác và rằng đất nước này sẽ tiếp tục chính sách hướng đến vị trí của một bá quyền khu vực. Xin lưu ý rằng lãnh tụ của nước Phổ là Otto von Bismarck bắt đầu chinh phục khu vực vào năm 1860 và nước Đức thống nhất xuất hiện, mạnh hơn nhiều lần nước Phổ lúc ban đầu.
Nhưng giành vị trí siêu cường thế giới là công việc không thể làm nhanh được. Hoa Kỳ đã và đang làm việc không mệt mỏi nhằm giữ và khuếch trương địa vị của mình trên thế giới kể từ năm 1898. Nếu Trung Quốc có ý định làm theo cách của Mỹ ở châu Á – thậm chí đi xa đến mức có hẳn học thuyết Monroe của mình – thì Hoa Kỳ buộc phải đối đầu, không có lựa chọn nào khác. Nếu thế kỷ XX có thể dạy cho ta bài học thì đấy là Hoa Kỳ không để cho các nước đang phát triển sắp xếp lại hệ thống quốc tế.

Có vẻ như Hoa Kỳ sẽ buộc Trung Quốc phải trả giá đắt cho ý định ngông cuồng này. Chiến tranh lạnh là cuộc chiến tiêu hao sinh lực và Hoa Kỳ đã đẩy Nga vào cảnh nợ nần chồng chất. Trung Quốc chỉ cần nhìn số phận của Đế chế Đức, nước Đức phát xít và Đế quốc Nhật để thấy hình ảnh trong tương lai của mình. Sự cân bằng quyền lực chính trị ở châu Á có ý nghĩa sống còn đối với an ninh của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ sẽ khuyến khích sự cạnh tranh trong lĩnh vực an ninh giữa các lân bang của Trung Quốc. Hiệu ứng phụ khá tốn kém có thể sẽ là cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở sân sau của Trung Quốc. Những mối đe dọa về mặt quân sự của Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ và Nga, với sự trợ giúp của Hoa Kỳ cuối cùng sẽ là mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm đối với Trung Quốc.
P.N.T.

Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam và Nhật Bản

Ngày Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam và Nhật Bản
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam và Nhật Bản

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ký Tuyên bố chung.



 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ký Tuyên bố chung. Ảnh: TTXVN

Nhận lời mời của Ngài Yoshihiko Noda, Thủ tướng Nhật Bản, Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 30/10 đến ngày 2/11/2011. Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi được bầu lại là Thủ tướng Việt Nam tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII tháng 7/2011.

Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Nhật hoàng và hội đàm cấp cao với Thủ tướng Yoshihiko Noda, gặp các lãnh đạo Quốc hội Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đi thăm thành phố Sendai, và thành phố Natori, tỉnh Miyagi.



1. Về thể hiện tình đoàn kết sau thảm họa động đất tại Đông Bắc Nhật Bản


Thủ tướng Yoshihiko Noda bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với sự hỗ trợ mạnh mẽ và tình đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam sau trận động đất tại Đông Bắc Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận những việc làm thiện chí và tình cảm nồng ấm đó là minh chứng của quan hệ hữu nghị gắn bó đã được xây dựng qua nhiều năm giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Nhật Bản.


Thủ tướng Yoshihiko Noda nhấn mạnh trong thời kỳ khủng hoảng quốc gia chưa từng có này, Nhật Bản quyết tâm củng cố quan hệ với cộng đồng quốc tế và xây dựng lại đất nước một cách cởi mở với thế giới và định hình một đất nước năng động hơn, tranh thủ sự hỗ trợ và đoàn kết của thế giới dành cho Nhật Bản.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định, là đối tác chiến lược của Nhật Bản, Việt Nam sẵn sàng làm hết khả năng của mình để hỗ trợ Nhật Bản trong quá trình phục hồi, tái thiết sau thiên tai. Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản sẽ sớm vượt qua những khó khăn hiện nay, đưa đất nước Nhật Bản phát triển phồn vinh hơn nữa.


2. Về những thành tựu sau Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản 2010 và định hướng phát triển


Trên cơ sở những phát triển to lớn trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản từ khi ký kết “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” ngày 31/10/2010 (“Tuyên bố chung 2010”), hai bên hoan nghênh việc hai nước, vốn là những quốc gia chia sẻ lợi ích chiến lược, đã xây dựng được nền tảng nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược một cách toàn diện.


Hai bên một lần nữa khẳng định sẽ củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên những lĩnh vực chính như sau:


(1) Về tăng cường trao đổi và đối thoại


Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi và đối thoại cấp cao giữa hai nước, nhất là duy trì các chuyến thăm cấp cao hàng năm. Hai bên khẳng định lại cam kết sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương ở tất cả các cấp và trên mọi lĩnh vực cũng như các kênh đối thoại hiện có.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Chính phủ Nhật Bản. Hai bên bày tỏ mong muốn rằng lãnh đạo Nhật Bản sẽ sang thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp cho cả hai bên trong năm 2012.


Phía Việt Nam đã có lời mời Nhật hoàng, Hoàng hậu và các thành viên Hoàng gia Nhật Bản sang thăm Việt Nam, đặc biệt là vào năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.


Hai bên đánh giá cao những kết quả của phiên Đối thoại Đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 12 năm 2010. Hai bên khẳng định lại rằng cơ chế đối thoại này giúp tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Hai bên quyết định tiến hành phiên Đối thoại Đối tác chiến lược lần thứ hai vào tháng 12 năm 2011 tại Tokyo.


Hai bên hoan nghênh việc ký kết “Bản Ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản về việc Hợp tác và Trao đổi quốc phòng song phương” giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phùng Quang Thanh vào tháng 10/2011.


Với việc hai nước đều có chính sách thúc đẩy hợp tác rộng rãi trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng, hai bên chia sẻ quan điểm rằng, đồng thời với các cơ chế đối thoại cấp làm việc hiện có, cần tăng cường hơn nữa đối thoại chiến lược thông qua việc khởi động Đối thoại Chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng. Hai bên nhất trí rằng việc giao lưu ở tất cả các cấp, bao gồm các chuyến thăm lẫn nhau của các đoàn cấp cao, cũng như các chuyến thăm cảng của tàu hải quân hai nước sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, cũng như đóng góp vào hòa bình và ổn định tại khu vực.


Hai bên quyết định sớm tổ chức cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản vào thời điểm thuận lợi cho cả hai bên. Để tăng cường hợp tác công-tư tại cả hai nước, hai bên bày tỏ dự định tổ chức Đối thoại Công-Tư cấp bộ trưởng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong khuôn khổ của Ủy ban.


Để kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (1973-2013), hai bên quyết định lấy năm 2013 làm “Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản”, và sẽ thúc đẩy hợp tác tổ chức những hoạt động nhằm kỷ niệm Năm Hữu nghị.


(2) Về hợp tác kinh tế


Phía Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản và những tiến triển trong việc triển khai các dự án đã được nêu trong Tuyên bố chung 2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của Nhật Bản dành cho các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên của Việt Nam, như Dự án đường cao tốc Bắc-Nam, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, và các nghiên cứu khả thi hai đoạn đường của tuyến đường sắt cao tốc Hồ Chí Minh-Nha Trang và Hà Nội-Vinh.


Hai bên bày tỏ cam kết hợp tác thúc đẩy thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam, ví dụ như Dự án sân bay quốc tế Long Thành thông qua mô hình đối tác công tư (PPP), cho phép sự tham gia của một tổ hợp các công ty Việt Nam và Nhật Bản, và Chính phủ Việt Nam sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các công ty Nhật Bản. Hai bên cũng nghiêm túc xem xét việc tiếp tục nghiên cứu Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 5) bởi một tổ hợp công ty Nhật Bản.


Chính phủ Nhật Bản cam kết tiếp tục xem xét hỗ trợ các dự án đường cao tốc đoạn Ninh Bình-Bãi Vọt, Nha Trang-Phan Thiết, và các dự án tuyến đường tàu điện ngầm mới của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cam kết của Nhật Bản hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên như xây dựng thể chế và năng lực, sử dụng chuyên môn và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.


Hai bên hoan nghênh việc ký kết các Công hàm Trao đổi cho Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện giữa hai Chính phủ cũng như việc ký kết thỏa thuận liên doanh thành lập một tổ hợp các công ty Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên bày tỏ ý định sẽ hỗ trợ đầy đủ để thực hiện thuận lợi Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quyết định của Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản vay Viện trợ phát triển chính thức (ODA) với tổng trị giá 71,6 tỷ yen cho Việt Nam và hoan nghênh việc ký kết các Công hàm Trao đổi và Hiệp định vay cho bốn dự án gồm Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam (đoạn Bến Lức-Long Thành), Dự án sử dụng vệ tinh quan sát trái đất để phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên nhấn mạnh Dự án sử dụng vệ tinh quan sát trái đất để phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu do Nhật Bản đề xuất nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản tháng 7/2011 cũng sẽ có ích trong Mạng lưới quản lý thiên tai tại khu vực ASEAN. Phía Nhật Bản bày tỏ ý định sẽ cung cấp một khoản vay ODA cho Dự án bệnh viện tỉnh và địa phương giai đoạn 2 nhằm nâng cao mức sống của nhân dân và góp phần vào việc duy trì sự phát triển bền vững của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


(3) Về thương mại và đầu tư


Trước những thách thức hiện nay trong nền kinh tế thế giới, hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc củng cố nền tảng kinh tế mỗi nước và hệ thống thương mại đa phương để đảm bảo sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng. Phía Nhật Bản hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Hai bên khẳng định vai trò thiết yếu của Hiệp định Đối tác Kinh tế giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định Tự do hóa, Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Nhật Bản nhằm củng cố quan hệ kinh tế giữa hai nước và nhận thấy tầm quan trọng của việc thực hiện hiệu quả các hiệp định này. Hai bên bày tỏ mong muốn tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại giữa hai nước vào năm 2020.


Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác của phía Nhật Bản nhằm phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. Phía Việt Nam bày tỏ mong muốn phát triển hai khu công nghiệp chuyên sâu với sự hợp tác của phía Nhật Bản, một tại Hải Phòng và một tại Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm thúc đẩy hơn nữa đầu tư của Nhật Bản và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.


Về vấn đề này, phía Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Nhật Bản nhằm xây dựng và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa và kế hoạch hành động đến năm 2020 của Việt Nam và khẳng định sẽ thành lập một Ủy ban cấp cao về lĩnh vực hợp tác này do một Phó Thủ tướng của Việt Nam chủ trì.


Hai bên hoan nghênh kết quả đàm phán của Tiểu ban về Di chuyển Thể nhân theo VJEPA và việc ký kết “Bản ghi nhớ về tiếp nhận những ứng viên điều dưỡng viên và hộ lý có bằng cấp từ Việt Nam sang Nhật Bản” nhằm tiếp nhận những ứng viên điều dưỡng viên, hộ lý có bằng cấp từ Việt Nam theo cơ chế sẽ được hai nước quyết định.


Nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để bảo đảm các biện pháp thương mại phù hợp với các thỏa thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Nghị định thư về việc gia nhập WTO của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ không áp dụng đoạn 255 của Báo cáo của Ban Công tác về việc gia nhập WTO của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, với sự hiểu biết rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường. Phía Việt Nam đánh giá cao quyết định này của Chính phủ Nhật Bản.


Hai bên khẳng định lại cam kết của mình triển khai gói dự án thiết lập hải quan điện tử và một cửa thông qua việc đưa Hệ thống thống nhất container và cảng tự động của Nhật Bản (NACCS) vào Việt Nam.


Hai bên đánh giá cao thành công của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và hoan nghênh việc bắt đầu giai đoạn 4 của Sáng kiến chung từ tháng 7/2011, theo đó hai bên sẽ thảo luận các biện pháp tiếp theo cải thiện môi trường đầu tư đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.


(4) Về hợp tác năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu


Hai bên hoan nghênh tiến triển đạt được trong hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Phía Nhật Bản cam kết tăng cường an toàn hạt nhân thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và những bài học vừa qua liên quan tới sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Fukushima Daiichi) của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) với sự minh bạch cao nhất và giải trình kế hoạch từng bước để nâng cao an toàn hạt nhân. Phía Việt Nam đã hoan nghênh những nỗ lực của Nhật Bản, và giải thích rõ sự cần thiết của năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo việc cung cấp năng lượng ở Việt Nam và bày tỏ nguyện vọng mạnh mẽ đối với việc Nhật Bản cung cấp công nghệ hạt nhân. Phía Nhật Bản bày tỏ ý định cung cấp cho Việt Nam những công nghệ đảm bảo mức an toàn hạt nhân cao nhất trên thế giới.


Phía Nhật Bản đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định Việt Nam-Nhật Bản về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Phía Việt Nam bày tỏ hy vọng Hiệp định này sẽ sớm được phê chuẩn tại Nhật Bản sau khi hoàn tất những thủ tục nội bộ cần thiết.


Hai bên nhắc lại quyết định của Chính phủ Việt Nam trong việc chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác để xây hai lò phản ứng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân số 2 ở tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Hai bên hoan nghênh những tiến triển đạt được sau Hội đàm cấp cao tháng 10/2010 và văn bản khẳng định những tiến triển này liên quan đến dự án giữa hai Chính phủ.


Hai bên cũng hoan nghênh những tiến triển sau Hội đàm cấp cao tháng 10/2010 liên quan đến sự hợp tác trong phát triển công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam và văn bản khẳng định những tiến triển này giữa hai Chính phủ, cho rằng việc này sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Hai bên cũng hoan nghênh sự hợp tác trong dự án đầu tiên về đất hiếm sẽ bắt đầu tại Đông Pao, tỉnh Lai Châu, dự kiến được thực hiện ngay sau khi ký kết văn bản này.


Hai bên khẳng định lại tính cấp thiết của việc ứng phó vấn đề biến đổi khí hậu. Hai bên chia sẻ quan điểm rằng để bảo vệ lợi ích toàn cầu thích đáng thì mục đích cuối cùng là thiết lập một khuôn khổ quốc tế công bằng và hiệu quả với sự tham gia của tất cả các nền kinh tế lớn là rất quan trọng. Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc khẩn trương thực hiện các Thỏa thuận Cancun.


Hai bên khẳng định sẽ hợp tác mang tính xây dựng vì sự thành công của Hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP 17) sẽ được tổ chức tại Nam Phi vào cuối năm 2011. Ngoài các cuộc đàm phán tại Liên hợp quốc, hai bên cũng thừa nhận lợi ích của việc thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực về tăng trưởng ít khí thải cácbon ở Đông Á, một trung tâm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu nơi tập trung những nước có lượng phát thải lớn. Hai bên hoan nghênh và khẳng định tiếp tục đàm phán về Cơ chế Tín dụng bù trừ song phương giữa hai nước. Thủ tướng Yoshihiko Noda bày tỏ ý định thúc đẩy “Sáng kiến quan hệ đối tác tăng trưởng ít cácbon ở Đông Á” và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến này.


(5) Về hợp tác khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực


Hai bên hoan nghênh tiến triển đạt được trong cuộc họp lần thứ 3 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản về Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Tokyo tháng 8 năm 2011. Phía Việt Nam bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học Việt Nam thông qua các hoạt động nghiên cứu chung, nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.


Phía Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực trong kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh trao đổi và nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học hai nước và đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm việc xem xét phát triển trường đại học chất lượng cao tại Cần Thơ, Việt Nam.


Hai bên khẳng định lại cam kết củng cố hợp tác quốc tế về Công nghệ thông tin và Truyền thông xanh (ICT) nhằm phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng ICT như Hệ thống từ và Công nghệ Đám mây.


(6) Về sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước


Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của tăng cường giao lưu nhân dân, đặc biệt trong giới trẻ, và chia sẻ sự tin tưởng rằng các hoạt động trao đổi văn hóa sẽ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh thiện ý của Thủ tướng Yoshihiko Noda tiếp tục nhiều chương trình trao đổi thanh niên, trong đó có chương trình Mạng lưới Trao đổi Sinh viên và Thanh niên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS).


Hai bên đánh giá cao thành công của Lễ hội Việt Nam hàng năm tại Nhật Bản và Đại nhạc hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 tại Hà Nội, ghi nhận đóng góp của các hoạt động này vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và trao đổi văn hóa giữa hai nước.


(7) Về hợp tác khu vực và quốc tế


Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng trong việc nỗ lực tăng cường kết nối ASEAN hướng tới thiết lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Ngoài ra, hai bên hoan nghênh những tiến triển trong hợp tác này kể từ Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần hai vào năm 2010, và ghi nhận rằng tiến bộ trong việc thực hiện “Kế hoạch Hành động Mekong - Nhật Bản 63” đã góp phần tăng cường hơn nữa kết nối ASEAN.


Thủ tướng Yoshihiko Noda bày tỏ ý định của Chính phủ Nhật Bản tăng cường hơn nữa hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực như hỗ trợ tăng cường liên kết ASEAN và quản lý thiên tai, chủ động hỗ trợ hội nhập ASEAN và xây dựng cộng đồng vào năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự đóng góp này của Chính phủ Nhật Bản. Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ khu vực như Mekong - Nhật Bản, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN+3, EAS, ARF và APEC… để xây dựng một châu Á phồn vinh và ổn định. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường mạng lưới các khuôn khổ hợp tác khu vực mở và đa tầng, bổ sung và hỗ trợ cho vai trò động lực của ASEAN, góp phần tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng về kinh tế cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


Trong bối cảnh này, đặc biệt liên quan đến EAS, hai bên khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 6 vào tháng 11 năm nay nhằm tiếp tục thúc đẩy tầm nhìn, nguyên tắc, mục tiêu và phương thức của EAS, củng cố các chuẩn mực toàn cầu và các giá trị được thế giới công nhận, thúc đẩy hơn nữa tiến bộ và hợp tác trong EAS trong thời gian tới nhằm đối phó với những thách thức mới trong lĩnh vực chính trị, an ninh và kinh tế.


Hai bên khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Hai bên hoan nghênh việc thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành. Hai bên khẳng định tự do hàng hải, giao thương không bị cản trở, và tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là phù hợp với lợi ích của các nước trong toàn khu vực. Hai bên cùng thừa nhận rằng những lợi ích này cũng cần được thúc đẩy và bảo vệ tại Biển Đông.


Hai bên khẳng định lại sự ủng hộ quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên, kêu gọi thực hiện đầy đủ các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như Tuyên bố chung Đàm phán 6 bên năm 2005. Trên tinh thần đó, hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của những hành động cụ thể nhằm tạo môi trường thuận lợi để nối lại đàm phán 6 bên, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối thoại liên Triều như một tiến trình bền vững. Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các quan ngại nhân đạo của cộng đồng quốc tế, ví dụ như vấn đề bắt cóc.


Hai bên khẳng định lại quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm sớm cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó bao gồm việc mở rộng thành viên thường trực và không thường trực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thủ tướng Yoshihiko Noda bày tỏ sự cảm ơn đối với sự ủng hộ của Việt Nam.


Hai bên bày tỏ hài lòng và đánh giá cao kết quả của chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và cùng cam kết tiếp tục phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.


Tokyo, ngày 31 tháng 10 năm 2011.

ĐBQH Dương Trung Quốc nói về “Kích cầu niềm tin”

Ngày Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết ĐBQH Dương Trung Quốc nói về “Kích cầu niềm tin”
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


ĐBQH Dương Trung Quốc nói về “Kích cầu niềm tin”

31/10/2011 13:52
Không ồn ào theo kiểu “gây sốc” song những phát biểu của ông đã nghe rồi, đọc lại vẫn thú vị. Một phần, ở sự thể hiện, và quan trọng hơn là ở sự phát hiện.

 
Đại biểu Dương Trung Quốc (phải) trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang bên hành lang kỳ họp Quốc hội thứ hai – Ảnh: Hải Hà 

Khi Quốc hội khóa 13 đang sôi nổi thảo luận các báo cáo, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội do Chính phủ trình, ông vẫn tiếp tục băn khoăn vì chưa nhìn thấy sự đầu tư đúng mức đối với vấn đề văn hóa, xã hội và đời sống. Điều mà đã từng được ông nhìn nhận như là hạn chế trong điều hành của Chính phủ.
Tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 12, khi thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ông đã nói: “Khi chúng ta gặp khủng hoảng về kinh tế, chúng ta có thể đầu tư để kích cầu về kinh tế, nhưng tôi chưa thấy Chính phủ kích cầu về niềm tin, về đời sống xã hội, văn hóa. Tôi cho đó là điều đáng suy nghĩ nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo”.
Đến kỳ họp này, phát biểu của ông trước diễn đàn Quốc hội vẫn thể hiện tâm tư về câu chuyện này.
Xin chào nhà sử học Dương Trung Quốc. Báo cáo đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới trình Quốc hội đã “đậm đà” về văn hóa, xã hội như ông mong đợi chưa ạ?
Có lẽ Chính phủ cũng phải tập trung quá nhiều vào việc ứng phó kinh tế, điều đó chúng ta phải có sự chia sẻ.
Nhưng cái quan trọng nhất là niềm tin của dân, nếu người dân có tin thì vẫn tin một cách rất cảm tính, cơ sở để người dân có niềm tin thực sự chưa nhiều. Tôi có cảm giác hình như Chính phủ chưa chia sẻ nhiều với dân, chưa làm tốt việc tranh thủ ý kiến của dân.

Ví dụ, gần đây Chính phủ đã nói nhiều đến việc tập hợp chuyên gia để tham khảo những ý kiến khác nhau, nhưng từ tham khảo đến thực hiện tôi cho vẫn còn khoảng cách rất lớn. Tuy nhiên mình cũng hiểu là Chính phủ phải chịu trách nhiệm, quyết định tất cả nhưng vẫn cần tranh thủ nhiều hơn nữa, vì nguồn lực trong dân còn rất nhiều.
Nguồn lực kinh tế thì Chính phủ quan tâm, nhưng nguồn lực trí tuệ thì chưa được quan tâm đúng mức.
Tôi cũng là người tiếp xúc khá nhiều với các vị lão thành trong lĩnh vực kinh tế, các vị cũng nói là những điều đóng góp chưa được thể hiện nhiều trong thực tiễn đời sống. Mặc dù mình hiểu Chính phủ phải có bản lĩnh của mình, quan điểm của mình, mình rất tôn trọng việc đó, nhưng vẫn cần để dân chia sẻ nhiều hơn.
Thưa ông, xin phép được tranh luận một chút…
Để mình nói tiếp đã nhé, trở lại một vấn đề cũ thôi, cũ nhưng vẫn là mới.
Đó là việc đề cập đến hiện tượng “tụ tập đông người” mà chủ yếu mới thấy một chiều là dân bị lợi dụng, điều đó tôi e rằng sẽ dẫn đến nhận thức không đúng đắn. Phải coi đó là hiện tượng mới nảy sinh trong thực tiễn đời sống và phải tỉnh táo nhìn nhận nó.
Cách đây hơn một thập kỷ chúng ta đã chứng kiến việc nông dân ở Thái Bình biểu tình, con mắt ban đầu chúng ta cũng nhìn ra như một hình thức bạo loạn. Nhưng tôi nhớ hồi đó các nhà lãnh đạo đã rất sáng suốt tiếp cận với thực tiễn, đến tận với dân, đi vào tận cả những nơi tưởng như hiểm nguy nhất, và nhận ra rằng có cả hai mặt, để rồi chúng ta trừng trị những kẻ quá khích, những kẻ xúi giục, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy những tác động của nó như tham gia đóng góp vào công bằng xã hội hay chấn chỉnh bộ máy chính quyền địa phương.
Nhưng với những hiện tượng xảy ra gần đây, tôi thấy chúng ta còn lúng túng, lúng túng ở lập pháp, lẫn hành pháp.
Tôi nhắc lại là chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận biểu tình như là một hiện tượng mới và tôi tin rằng nó sẽ còn phát triển trong bối cảnh đời sống ngày càng phát triển hiện nay. Nếu ta không chủ động nhìn nhận trước, phân tích nó và đưa ra những hệ thống pháp lý thích hợp cùng với tổ chức toàn bộ đời sống xã hội thì chúng ta sẽ càng lúng túng, và đó có thể là lúc những kẻ xấu lợi dụng.
Tại phiên họp của ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội thứ hai, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết không phải là bộ, ngành nào mà chính Thủ tướng đề xuất xây dựng Luật Biểu tình. Như vậy cũng có thể thấy Chính phủ đã lắng nghe ý kiến đại biểu và chủ động ứng phó?
Bản thân tôi cũng thấy đó là đáng mừng, đương nhiên người ta cũng nói là nếu Chính phủ làm luật thì có thể dẫn đến thiên về lợi ích của nhà quản lý hơn là những quyền của người dân. Cho nên tuy là Thủ tướng đề nghị xây dựng luật nhưng đây chính là thử thách của Quốc hội, Quốc hội có chấp nhận hay không, vì quy trình phải qua Quốc hội. Quốc hội là tập hợp tiếng nói của rất nhiều lực lượng xã hội nhưng quan trọng là anh có đủ bản lĩnh để điều chỉnh dự thảo luật được không, tôi cho là không cần e ngại điều đó.
Ở hoàn cảnh hiện nay, khi mà như ông nói, Chính phủ đang phải dồn lực cho các vấn đề kinh tế thì có thể sự “kích cầu” niềm tin chưa rõ nét. Nhưng nếu đây là “điều đáng suy nghĩ nhất cho nhiệm kỳ tiếp theo” như ông đã phát biểu thì liệu ông có thể “hiến kế” cho Chính phủ?
“Kích cầu” niềm tin chính là quan tâm đến dân, tạo niềm tin cho dân bằng chính hành động gương mẫu của những người lãnh đạo.
Tôi luôn luôn liên tưởng đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, tất nhiên mọi sự liên tưởng đều có thể khập khiễng, nhưng lúc đó người dân ghé vai giải quyết được rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội.
Hiện nay chúng ta thấy Chính phủ có lúc làm được, nhưng về căn bản mà nói dường như đấy chưa là chiến lược, là nguyên lý hoạt động, cho nên mới xảy ra nghịch lý là hình như lúc nào đất nước khó khăn thì quyền lực Chính phủ càng lớn, bởi vì vẫn là quan hệ xin – cho.
Vừa rồi thì Chính phủ có trình ra Quốc hội cả kế hoạch năm 2012 và 5 năm tới song hầu như tôi không tìm thấy giải pháp “kích cầu” niềm tin đâu cả.
Các báo cáo của Chính phủ năm nào cũng như năm đấy, nó rất dàn trải bằng các mục tiêu và không biết thực hiện đến đâu. Và tôi còn đặt câu hỏi rất lớn là định lượng không ai giám sát được, những con số là rất khó giám sát.
Tuy nhiên 6 tháng thì cũng  thời lượng chưa đủ dài để thay đổi về chất, nên theo tôi thì mỗi lần báo cáo nên tập trung vào một số điểm nào đó thôi và làm rõ được nó.
Tuy không có trong hệ thống chỉ tiêu được Chính phủ trình và Quốc hội quyết định hàng năm, song “chỉ tiêu niềm tin” gần đây được nhiều chuyên gia kinh tế nhắc đến với sự quan ngại sâu sắc. Ông có chia sẻ?
Nói định lượng thì khó vì phải có phương pháp, còn nếu cảm nhận thì chúng tôi cũng cảm nhận là niềm tin bị hao hụt, mà điều này tôi nghe từ các nhà lão thành cách mạng. Đánh giá về niềm tin của người dân thì mỗi người đứng ở lợi ích khác nhau, nhưng điều tôi  muốn chia sẻ là cần làm cho người dân tin rằng là Chính phủ đã đưa ra chính sách gì là có thể thực thi được. Nhưng trên thực tế thì có nhiều chính sách có rồi mà có thực thi được đâu. Năng lực của nhà nước là quan trọng, mà chưa bao giờ  chúng ta có bộ máy nhà nước lớn như thế này, tất nhiên lớn có thể cồng kềnh và ít hiệu quả.
Tôi nói ngày xưa – tất nhiên nói ngày xưa thì khó so sánh – trong làng có ông lý trưởng, nếu dây điện đi qua làng thì sẽ tính trừ cho ông ấy bao nhiêu suất đinh hay bao nhiêu tiền thuế, còn nếu cái dây đó đứt hay bị ăn cắp thì ông lý trưởng đi tù đã. Do đó thì ông lý trưởng phải làm tất cả mọi chuyện, tất cả mối liên hệ nhà nước chỉ có một người thôi.
Trách nhiệm cá nhân rất quan trọng, nên đó là lý do tại sao tôi ủng hộ anh Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, không phải là việc làm cụ thể mà tôi ủng hộ cách làm của anh ấy là dám chịu trách nhiệm. Anh làm đúng thì mọi người sẽ đánh giá, còn anh làm sai anh phải chịu trách nhiệm, anh cách chức người ta đúng hay không thì anh phải chịu trách nhiệm, còn cái nguy hiểm nhất là lãnh đạo tập thể và hậu quả của tập thể, hòa cả làng.
Đương nhiên, càng ngày càng thấy Chính phủ mới là những người có tính chuyên nghiệp hơn. Nếu nhìn vào cả quá trình đào tạo và làm việc thì đã qua thời kỳ cán bộ chính trị chay rồi. Vấn đề còn lại cơ chế hoạt động thôi, mà yếu nhất vẫn là trách nhiệm cá nhân.
Mới qua thời gian rất ngắn nên cũng khó có thể đưa ra đánh giá về điều hành của Chính phủ, song tôi vẫn đặt niềm tin và hy vọng vào sự điều hành của Chính phủ mới.
Vậy còn vai trò của Quốc hội thì sao, thưa ông?
Quốc hội chưa có gì thay đổi lớn về cơ chế, trừ một điều mà tôi rất muốn hy vọng là là ông Chủ tịch Quốc hội rất am hiểu Chính phủ, tôi đang quan sát xem ông ấy sẽ hành xử như thế nào, nhưng chưa có gì để nói cả vì vẫn còn mới mà.
Nguyên Thảo/VnEconomy

Cách dạy con ở Mỹ

Ngày Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Cách dạy con ở Mỹ
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Đọc lại bài cũ lưu trên máy tính:

Cách dạy con ở Mỹ

Con trai tôi du học, sau khi tốt nghiệp thì định cư tại Mỹ, và đã kiếm cho tôi cô con dâu người Tây tên Susan. Hiện giờ, cháu trai Peter đã 3 tuổi. Mùa hè năm nay, con trai đăng ký visa "thăm người thân". Thời gian 3 tháng tôi lưu lại Mỹ, con dâu Tây Susan có cách giáo dục con cái làm tôi đây - người mẹ chồng - phải đại khai nhãn giới.

Phần 1: Không ăn thì cứ nhịn đói


Mỗi buổi sáng, sau khi Peter thức dậy, Susan để phần ăn sang lên bàn và bận rộn làm việc khác. Peter sẽ tự mình leo lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, sau khi ăn no, nó sẽ tự về phòng của mình, tự tìm quần áo trên tủ, rồi tự lấy giày, tự mình mặc lên. Bất kể chỉ mới 3 tuổi thôi, vẫn chưa phân biệt rõ ràng mặt trái hay mặt phải của bít tất, giày trái hay giày phải.

Có một lần, Peter lại mặc ngược chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói, nếu cảm thấy không thoải mái tự cháu sẽ cởi ra, và mặc lại; nếu nó không cảm thấy không có gì là không thoải mái, vậy thì tùy. Và nguyên ngày đó, Peter mặc cái quần ngược đó chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết.

Một lần nữa, Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì nó chạy thở hổn hển về đến nhà, nói với Susan: “Mẹ ơi, Lusi nói cái quần của con mặc ngược rồi, đúng không? Lusi là con nhà hàng xóm, năm nay 5 tuổi. Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi, bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.

Tôi đã không kiềm được mà nhớ lại, cháu gái ngoại của tôi lúc 5 - 6 tuổi chưa biết dùng đũa, lúc học tiểu học còn chưa biết cột dây giày, và bây giờ đang theo trung học dạng ký túc xá, mỗi cuối tuần là đem một đống quần áo dơ về nhà.

Có một buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận hờn đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất. Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc: “Xem ra con đúng là không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!” Và tôi chợt cười thầm, hai mẹ con này cứng đầu như nhau!

Buổi chiều, Susan bàn với tôi, nhờ tôi nấu món ăn Việt Nam cho bữa tối . Tôi lại thầm nghĩ, Peter đặc biệt thích món ăn Việt Nam, nhất định Susan thấy sáng nay cháu không ăn gì hết, nên muốn buổi tối cháu ăn ngon và nhiều hơn. Tôi bèn trổ tài nấu ăn, làm món sườn chua ngọt mà Peter thích nhất, món tôm, và còn dùng mì Ý để làm món mì kiểu Việt Nam mà Peter rất thích, người nhỏ nhỏ như thế mà có thể ăn được một tô lớn.

Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta giao ước rồi phải không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó.” Peter nhìn nét mặt nghiêm túc của người mẹ, “òa” lên khóc, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm.” “Không được, nói rồi là phải giữ lời.” Susan không một chút động lòng. Tôi thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời dùm, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi. Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai có nói với tôi: “Ớ nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ.” Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi. Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp chỉ ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt trưng trừng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn như hổ đói. Đến đó tôi mới biết dụng ý của Susan khi nhờ tôi nấu món Việt. Tôi tin rằng, lần sau, trong lúc Peter muốn giận hờn quăng liệng thức ăn, nhất định sẽ nghĩ đến kinh nghiệm bụng đói nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Bụng đói không dễ chịu tí nào, huống chi là đối mặt với món mình thích ăn.

Buổi tối, tôi và Susan cùng đến chúc Peter ngủ ngon. Peter cẩn thận dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Việt không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!” Peter nuốt nước miếng, lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy rồi khi mở mắt con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi”, Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Peter đã cười tươi hẳn ra.

Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm, nó không muốn vì “tuyệt thực” mà lỡ bữa ăn ngon, và chịu cực hình bụng đói. Mỗi lần nhìn thấy Peter ngoạm từng phần lớn thức ăn, lúc miệng và mặt dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến cháu ngoại, hồi bằng tuổi Peter; mấy người cầm tô cơm dí theo sau đuôi nó, dỗ dành, mà nó còn chưa chịu ngoan ngõan ăn, mà còn ra điều kiện: ăn xong chén cơm mua một kiện đồ chơi, ăn thêm một chén thì mua thêm một kiện đồ chơi…

Phần 2: Ăn miếng trả miếng.

Có một lần, chúng tôi dắt Peter ra công viên chơi. Rất nhanh, Peter đã cùng hai cô bé chơi nấu ăn với nhau. Cái nồi nhỏ bằng mủ, cái xẻng nhỏ, cái thau nhỏ, những cái chén nhỏ xếp đầy trên đường. Bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi oà khóc thật lớn. Cháu gái kia thấy tình hình vậy cũng òa khóc theo. Đại khái, Peter cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra, đứng qua một bên, trợn mắt nhìn. Susan đi tới. Sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, nó không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở. Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?” Peter vừa khóc vừa lắc đầu. Tôi tin rằng, lần sau nó sẽ không làm thế nữa.

Cậu của Peter tặng cho cháu một chiếc xe đạp nhỏ, Peter rất thích, khư khư giữ làm bảo bối không cho ai đụng vào. Lusi cô bé trong xóm, là bạn thân của Peter, đã mấy lần thỉnh cầu Peter cho chạy thử chiếc xe nhỏ này, Peter không đồng ý. Một lần, mấy cháu đang chơi chung với nhau, Lusi thừa lúc Peter không để ý, lén lén nhảy lên chiếc xe và đạp mau đi. Khi biết ra, Peter rất phẫn nộ, đến méc mẹ. Susan đang ngồi nói chuyện và uống café với mẹ của những đứa nhỏ kia, liền mỉm cười trả lời con: “Chuyện của chúng con thì chúng con tự giải quyết, mẹ không xen vào được.” Peter bất lực quay đi. Một lát sau, Lusi chạy chiếc xe về. Vừa thấy Lusi, Peter lập tức chạy tới đẩy bạn té xuống đất, giật lại chiếc xe. Lusi ngồi bệt dưới đất, khóc ré lên. Susan ẵm Lusi dậy và dỗ dành một lát. Rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ lại với những bạn còn lại. Peter tự mình chạy xe tới lui một lát thì cảm thấy hơi nhàm chán, nhìn thấy những bạn kia chơi thật vui vẻ với nhau nên nó muốn tham gia chung. Nó chạy tới chỗ Susan, lầu bầu thưa: “Mẹ, con muốn chơi với Lusi và tụi nó.” Susan không đả động gì và trả lời: “Con tự kiếm mấy bạn ấy vậy!” "Mẹ ơi, mẹ đi với con nhen”, Peter thỉnh cầu. “Chuyện này không được rồi, lúc nãy con đã làm cho Lusi khóc, giờ con lại muốn chơi với mọi người, vậy con phải tự đi giải quyết vấn đề". Peter leo lên chiếc xe và chạy từ từ đến chỗ Lusi, lúc gần đến chỗ, thì nó lại quay ngược đi. Chạy tới lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào mà Peter và Lusi lại vui vẻ với nhau, hợp thành nhóm ồn ào.

Dạy dỗ chăm nom con cái là chuyện của cha mẹ

Song thân Susan , biết tôi đang ở Mỹ, nên lái xe từ California đến thăm chúng tôi. Nhà có khách tới, Peter rất hào hứng, chạy lên chạy xuống. Nó lấy cái thùng đựng đầy nước, rồi xách đi tới đi lui trong nhà. Susan cảnh cáo nó mấy lần rồi, rằng không được làm nước văng lung tung trong nhà. Peter để ngoài tai. Cuối cùng Peter đã làm nước đổ hết ra nền. Chưa thấy mình làm sai, Peter còn đắc ý dẫm đạp lên vũng nước, làm ướt hết quần áo. Tôi lập tức chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. Susan giật lại cây lau nhà và đem đưa cho Peter, nói với nó: “Lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra và tự mình giặt sạch.” Peter không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo nó đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại của Peter lại cản tôi, nói: “Đó là chuyện của Susan".

Một lát sau, Peter không khóc nữa, nó ở trong phòng trữ đồ hét thật lớn: “Mẹ ơi, con sai rồi!” Susan đứng ở ngoài hỏi: “Thế giờ con biết phải làm gì chưa?” “Con biết.” Susan mở cửa ra, Peter chạy từ phòng trữ đồ ra, nước mắt đầy mặt. Nó cầm cây lau nhà cao gấp đôi nó ra sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó tự cởi quần áo dơ ra, xách trên tay, trần truồng chạy vô nhà tắm, hí hửng giặt đồ. Ông bà ngoại của nó nhìn vào thái độ kinh ngạc của tôi, thích thú mỉm cười. Sự việc này làm tôi cảm động vô cùng.

Ở rất nhiều gia đình Trung Quốc, cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh vấn đề “đại thế chiến”. Trẻ luôn luôn được ngoại nuông chiều, nội thì can ngăn, vợ chồng cãi nhau, gà bay chó chạy. Sau này, tôi và ông bà ngoại của Peter trong khi trò chuyện có nhắc đến chuyện này, một câu họ nói đã gây ấn tượng sâu sắc cho tôi : “Con trẻ là con cái của cha mẹ chúng, trước tiên phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ". Đứa bé tuy còn nhỏ, nhưng thường mang tính nghịch ngợm bẩm sinh. Nếu quan sát thấy các thành viên trong gia đình có mâu thuẫn, nó sẽ nhạy bén lợi dụng sơ hở. Việc này không cải thiện hành vi của nó, và chẳng ích lợi gì cho nó. Ngược lại còn làm cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn gây ra những vấn đề khác.

Ngoài ra, nếu các thành viên trong gia đình xung đột, không khí gia đình không hòa thuận, trẻ sẽ có cảm giác bất an, sự phát triển tâm lý của nó sẽ bị ảnh hưởng bất lợi. Cho nên, dù ông bà cha mẹ bất đồng về cách giáo dục con cháu, hay là vợ chồng có quan niệm giáo dục khác nhau, cũng không nên để lộ sự mâu thuẫn trước mặt con cái. Ông bà ngoại của Peter ở lại một tuần và chuẩn bị về Cali. Hai ngày trước khi đi, ông ngoại của Peter rất nghiêm túc hỏi con gái mình: “Peter muốn chiếc xe đào đất, ba có thể mua cho nó chứ?”. Susan suy nghĩ rồi nói: “Ba mẹ lần này đã mua cho nó đôi giày trượt băng làm qùa rồi. Đợi đến Noel ba hãy mua chiếc xe đó cho nó!”

Tôi không biết ông ngoại của Peter nói như thế nào với thằng nhóc này, mà sau đó tôi dắt cháu đi siêu thị, nó chỉ tay vào món đồ chơi, khoe “Ông ngoại nói, đến Noel sẽ mua tặng cháu cái này” với giọng thích thú và mong đợi.
Susan nghiêm khắc với con như vậy nhưng Peter lại yêu thương mẹ hết mực. Khi chơi ở ngoài, cháu hay thu thập một số hoa lá mà cháu cho là đẹp rồi trịnh trọng tặng mẹ. Người ngoài tặng quà cho cháu, cháu luôn gọi mẹ cùng mở quà; có thức ăn ngon, cháu luôn để phần một nửa cho mẹ.

Nghĩ đến nhiều đứa trẻ Việt Nam coi thường và lạnh nhạt đối xử đối với cha mẹ, tôi không thể không kính phục cô con dâu Tây này của tôi. Theo tôi, cách giáo dục con cái của bà mẹ Phương Tây này rất xứng đáng để các bà mẹ Phương Đông như tôi học theo...

Có thể mất 1 triệu tấn lúa nhập từ Campuchia

Ngày Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Có thể mất 1 triệu tấn lúa nhập từ Campuchia
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Có thể mất 1 triệu tấn lúa nhập từ Campuchia

SGTT.VN - Cùng với Thái Lan, Campuchia đang gánh chịu đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong vòng nhiều thập kỷ. Lũ lụt xảy ra từ tháng 7.2011 đến nay, theo ước tính của bộ Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản Campuchia, hơn 330.000 ha lúa đã bị ngập, trong đó hơn 100.000 ha bị thiệt hại hoàn toàn. Mất mát lớn này có thể ảnh hưởng chỉ tiêu dôi ra 3 triệu tấn gạo trong năm nay của nước này. Hầu hết diện tích lúa giáp ranh với các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An, trong đó có cả phần diện tích của người dân Việt Nam sang thuê đất trồng bị mất trắng.
Lũ lụt tại Campuchia khiến Việt Nam mất 1 triệu tấn lúa từ Campuchia bán sang các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang.
Nhiều năm trở lại đây, giữa Việt Nam và Campuchia đã thiết lập chính sách ưu đãi thuế xuất nhập khẩu lúa gạo ở một số địa phương giáp ranh hai nước nhằm khuyến khích người dân mua bán qua lại. Lượng gạo nằm trong diện ưu đãi thuế suất 0% mỗi năm từ Campuchia sang Việt Nam trung bình khoảng 100.000 tấn. Tuy nhiên, do lúa sản xuất ở Campuchia sử dụng dòng giống lúa thơm, thời gian sinh trưởng từ 6 tháng trở lên, chất lượng khá tốt nên cả thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu đều có nhu cầu mua, nên số thực nhập lớn hơn. Ngoài việc mua trực tiếp lúa của nông dân Campuchia, mấy năm gần đây còn có một lượng lớn lúa được người dân Việt Nam sang thuê đất trồng chuyển về. Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong vòng ba - bốn năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 800 ngàn đến 1 triệu tấn lúa từ Campuchia bán sang Việt Nam qua các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang.
Vụ lúa sản xuất chính của Campuchia thu hoạch vào thời điểm cuối tháng 12 đầu quý 1 năm sau. Giai đoạn này, ở Việt Nam cơ bản thu hoạch xong lúa mùa, và đang giáp hạt với vụ đông xuân, nguồn cung lúa gạo không còn nhiều nên việc có thêm lượng lúa nhập khẩu từ Campuchia bổ sung đáng kể cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ông Huỳnh Minh Huệ, tổng thư ký VFA, thừa nhận năm nay nhiều khả năng Việt Nam sẽ mất lượng lúa hàng hoá đáng kể nhập khẩu từ Campuchia.
Ngoài nguyên nhân lũ lụt làm giảm nguồn cung, ông Huệ còn cho rằng, do Campuchia nằm giữa Việt Nam và Thái Lan nên lúa gạo chắc chắn sẽ chảy sang Thái Lan vì có chính sách mua giá cao hơn. Ngoài ra, lũ lụt làm thiệt hại khoảng 6 triệu tấn lúa tại các khu vực trồng lúa chủ yếu của Thái Lan, chiếm 40% xuất khẩu của Thái Lan sẽ khiến cho các doanh nghiệp Thái Lan phải tìm thêm nguồn cung gạo từ các quốc gia khác, trong đó có Campuchia.
Ngoài ra, ước tính con số thiệt hại lúa thu đông do lũ lụt tại các tỉnh ĐBSCL mà cục Trồng trọt công bố đã lên tới 7.000 ha. Nhận biết trước tình hình khó khăn này, nên ông Huỳnh Minh Huệ và một số doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhận định tồn kho gạo sang năm 2012 sẽ không đạt con số 800.000 tấn như năm ngoái. Năm nay, gạo tồn kho cũng không thể dành hết vào xuất khẩu cho quý một năm sau như các năm trước, mà phải dùng bù đắp lại lượng lúa thiếu hụt từ Campchia để cân đối tiêu thụ nội địa.
Ngày 30.10, khảo sát thị trường bán lẻ tại TP.HCM, hầu hết các loại gạo thơm tăng giá ít nhất 1.000 - 1.500 đồng/kg so với cách nay một tháng, lên mức trung bình từ 17.000 đến trên 20.000 đồng/kg. Gạo thường tăng lên 12.500 đồng/kg. Một số tiểu thương cho biết, nguồn cung gạo từ các tỉnh ĐBSCL hiện nay không dồi dào như trong quý 3.2011 và giá đang có xu hướng tăng nhanh hơn. Trong khi đó, giá lúa khô loại thường giao dịch tại một số địa phương các tỉnh miền Tây tăng lên 7.400 - 7.500 đồng/kg.
Hoàng Bảy

Chủ nghĩa dân tộc của người Trung Hoa và những mặt trái của nó

Ngày Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Chủ nghĩa dân tộc của người Trung Hoa và những mặt trái của nó
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


The National Interest, số tháng 10-11/2011 

Chủ nghĩa dân tộc của người Trung Hoa
và những mặt trái của nó
Robert S. Ross


 

Chưa bao giờ kể từ chiến tranh lạnh đến nay mà quan hệ Mỹ-Trung tồi hơn lúc này. Vâng, trong quá khứ đã từng có những xung đột lẻ tẻ về vấn đề Đài Loan, căng thẳng quanh vụ Mỹ ném bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (Nam Tư), hay vụ máy bay phản lực chiến đấu Trung Quốc va chạm với máy bay trinh sát của Mỹ trên vùng trời Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam). Nhưng sự xuống cấp gần đây trong quan hệ hai nước phản ánh một khuynh hướng dài hạn tiềm tàng, với nguy cơ xung đột mở rộng và kéo dài là rất cao. Cũng phức tạp không kém là việc căng thẳng gia tăng như thế không chỉ không cần thiết mà sẽ còn rất tốn kém cho Mỹ.

Từ đầu năm 2009, Trung Quốc đã phạm một loạt sai lầm về ngoại giao, gây ra một sự chỉ trích gần như toàn cầu nhằm vào chính sách ngoại giao của họ. Danh sách các sai lầm rất dài:

- Tháng 3-2009, hải quân Trung Quốc va chạm với tàu trinh sát Impeccable của Mỹ đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trên Biển Đông;

- Tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu ở Copenhagen, tháng 12-2009, Bắc Kinh phản đối quyết liệt việc đàm phán, gây ra những xích mích về ngoại giao giữa họ với châu Âu và với Mỹ;

- Tháng 1-2010, với thái độ cứng rắn, Bắc Kinh phản đối quyết định bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ. Họ đe dọa sẽ thiết lập lệnh trừng phạt lên các công ty Mỹ có hợp tác về quốc phòng với Đài Bắc;

- Tháng 3-2010, Bắc Kinh xử lý không tốt vụ Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan, gây ra một làn sóng phẫn nộ ở Hàn Quốc đối với Trung Quốc;


- Những lời lẽ phản đối đinh tai nhức óc của Trung Quốc đối với các cuộc tập trận chung của hải quân Mỹ và Hàn Quốc trong vùng biển quốc tế ở Hoàng Hải;

- Sự thù địch thái quá của Trung Quốc đối với việc Nhật Bản, vào tháng 9-2010, bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển mà Nhật Bản đã tuyên bố chủ quyền rồi lại bẻ lái cho tàu đâm vào một tài tuần duyên của Nhật;

- Chiến dịch vụng về của chính phủ Trung Quốc nhằm buộc Google phải ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm tại Trung Hoa lục địa;

- Tháng 12-2010, phản đối gay gắt và dai dẳng việc Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình;

- Ngày càng khẳng định một cách dữ dội những yêu sách về chủ quyền và kinh tế gây tranh cãi trên Biển Đông, gây khiếp sợ trên toàn Đông Nam Á.

Trái ngược với ba thập kỷ thực hiện thành công chiến lược “trỗi dậy hòa bình” – từng giúp cho Bắc Kinh phát triển quan hệ hợp tác với gần như tất cả các quốc gia trên thế giới – chỉ trong vòng hai năm qua, Trung Quốc đã làm hỏng mối bang giao với gần như tất cả các nước châu Á và các quốc gia công nghiệp phát triển.

Khởi nguồn của chính sách ngoại giao to mồm này của Trung Quốc không phải là việc họ nổi lên như một siêu cường khu vực với sự tự tin chừng mực vào những năng lực mới của mình. Thực chất, chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc phản ánh sự tự tin đi theo hình xoắn ốc ở trong nước họ và tính phụ thuộc ngày càng nhiều vào chủ nghĩa dân tộc, nhằm có được ổn định bên trong. Washington đã hiểu sai tình hình chung (nguyên văn: state of affairs), phóng đại khả năng của Trung Quốc và về căn bản đã hiểu sai nguồn gốc của tất cả những chính sách ngoại giao hung hăng của Bắc Kinh.

SỰ THẬT là Trung Quốc không đặc biệt mạnh về quân sự mà cũng chẳng đặc biệt ổn định về quốc nội. Chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc ra đời không phải do Mỹ gặp khó khăn về kinh tế trong hình hình suy thoái, cũng chẳng phải là một chỉ dấu cho sự tự tin ngày càng dâng cao của Bắc Kinh. Ngược lại, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã không triển khai quân và không sử dụng năng lực hải quân tân tiến của mình, còn môi trường kinh tế trong nước họ thì hiện giờ đang tồi tệ hơn bất cứ lúc nào kể từ khi năm 1978 khi công cuộc cải cách kinh tế thời hậu Mao bắt đầu.

Nếu ra khỏi các vùng biển gần thì năng lực hải quân của Trung Quốc vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào tàu ngầm diesel tiên tiến, được vận hành lần đầu vào giữa thập niên 1990. Tính đến năm 2000, lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đã bắt đầu là một thách thức đáng sợ đối với các hoạt động của hải quân Mỹ trên vùng biển Tây Thái Bình Dương. Nhưng kể từ năm 2000 đến nay, họ không triển khai thêm được sức mạnh hải quân nào có thể tạo một thách thức đáng kể đối với hải quân Mỹ hay là hệ thống bảo vệ về mặt quân sự mà Mỹ dành cho các nước đối tác về an ninh với họ. Trung Quốc vẫn chưa thể tự sản xuất máy bay quân sự tiên tiến, và cho đến nay cũng chưa cho ra được chiếc máy bay tiên tiến nào do họ tự thiết kế. Hai phi cơ chiến đấu J-15 và J-20 vẫn còn đang trong quá trình sản xuất. Cuối cùng họ đã cho cất cánh chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, nhưng lại không có máy bay nào để hàng không mẫu hạm này chuyên chở. Hoạt động chống cướp biển của hải quân ở ngoài khơi Somalia chỉ ở mức căn bản. Việc bảo vệ những khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông thì phụ thuộc vào tàu tuần duyên. Trung Quốc đang phát triển năng lực ngăn chặn thâm nhập (access-denial) trong hàng hải công nghệ cao, bao gồm cả khả năng sử dụng tên lửa cao cấp; thế nhưng chưa có cái gì được thử nghiệm một cách phù hợp, lại càng ít cái được sử dụng thực tế. Chương trình tên lửa đạn đạo chống tàu không chạy được. Chương trình không gian của Trung Quốc đạt tiến bộ lớn, nhưng lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) chưa phát triển được năng lực đủ để có thể gây thách thức đáng kể với khả năng viễn thông trong không gian của Mỹ, cũng chưa xây dựng được năng lực chiến đấu trong không gian. PLA đang phát triển các máy bay không người lái và hệ thống radar, nhưng những thứ này cùng các dự án quốc phòng khác lại cũng đang ở trạng thái rất sơ khai hoặc đang được thử nghiệm. Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa năng lực quân sự, và cuối cùng sẽ triển khai các hệ thống cao cấp có thể chống phá an ninh Mỹ và ổn định khu vực, nhưng chính sách ngoại giao mới của Bắc Kinh không thể được lý giải chỉ nhờ 30 năm chi tiền vào quốc phòng và hiện đại hóa quân đội.

Chính sách ngoại giao to mồm đó cũng không phản ánh sự tự tin của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế  Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng xấp xỉ 10% một năm. Nhưng dưới cái mẽ ngoài thịnh vượng này, nền kinh tế Trung Quốc yếu đi một cách đáng kể. Tháng 10-2008, khi toàn thế giới suy thoái sâu sắc, lãnh đạo Trung Quốc tung ra một chương trình kích thích kinh tế đồ sộ nhưng rối loạn. Chương trình ấy không những không giải quyết nổi phần lớn những vấn đề có gốc rễ sâu xa từ trong hệ thống, mà còn sản sinh và nuôi dưỡng thêm nhiều vấn đề mới. Bất chấp gói kích thích, tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc vẫn rất cao tại các vùng nông thôn và trong lực lượng sinh viên vừa tốt nghiệp ở thành thị. Năm 2010, Thủ tướng Ôn Gia Bảo ước tính có khoảng 200 triệu người Trung Quốc thất nghiệp. Hơn thế nữa, trong suốt hai năm qua, bất bình đẳng xã hội – theo tiêu chuẩn quốc tế – đã trở nên cực kỳ cao. Hậu quả của gói kích thích là lạm phát tăng vọt, tác động tới giá lương thực thực phẩm, nhà ở và giao thông vận tải. Cho tới cuối năm ngoái, bong bóng bất động sản Trung Quốc đã xấu đi rõ rệt, các ngân hàng quốc doanh sa sút với một tốc độ ghê gớm hơn bất kỳ lúc nào khác trong 10 năm qua, và nợ công của các chính quyền địa phương thì lên cao ngất trời. Tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc hơn vào những khoản đầu tư do chính phủ kích thích, chứ không dựa vào tiêu dùng – càng đổ thêm dầu vào lạm phát. Còn đáng lo ngại hơn thế, khu vực kinh tế quốc doanh đang mở rộng và khu vực tư nhân phải trả giá thay, do đó phá hoại mọi sự sáng tạo, đổi mới, trong khi lại chính trị hóa việc ra các quyết sách kinh tế. Đây đều là những vấn đề sâu rộng, đều cho thấy bất ổn định xã hội ở Trung Quốc sẽ gia tăng và tính chính đáng dựa trên cơ sở kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị bào mòn đáng kể.

Những vấn đề của Bắc Kinh chỉ bị trầm trọng hóa bởi một thực tế là các công cụ đàn áp của chính quyền đang kém đi. Trong 5 năm qua, số lượng các cuộc biểu tình tự phát quy mô nhỏ và lớn đã tăng lên nhiều như nấm. Gần đây, Internet làm chính phủ yếu hẳn đi trong việc kiểm soát thông tin và giảm thiểu sự bất mãn trên toàn quốc đối với đảng. Internet đã trở thành một thiết bị hiệu quả để người dân truyền tải sự phẫn nộ của họ về tình trạng thất nghiệp, lạm phát, cũng như tham nhũng về kinh tế và chính trị, sự bạo hành của công an, nạn che giấu tội phạm, suy thoái môi trường và cưỡng chiếm tài sản. Thêm vào đó, mạng xã hội đồng đẳng (Twitter và các biến thể tương tự ở Trung Quốc) có khả năng trợ lực cho những cuộc biểu tình rầm rộ, độc lập và tự phát của quần chúng. Trung Quốc. Vụ bắt người đầu tiên vì tội viết blog ở Trung Quốc xảy ra vào tháng 9-2010 trong những cuộc tuần hành phản đối Nhật Bản bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Bất ổn định về kinh tế diễn ra đồng thời với việc Đảng Cộng sản mất dần tầm kiểm soát xã hội. Sự yếu kém từ bên trong nước này đã buộc chính phủ phải dựa ngày càng nhiều hơn vào chủ nghĩa dân tộc để có được tính chính đáng cho chế độ – và điều đó giải thích tại sao Bắc Kinh lại mắc nhiều sai lầm về ngoại giao.

Khi người dân Trung Quốc chứng kiến vị thế tương đối của họ trên thế giới được nâng cao dần lên (đặc biệt trong khi Nhật Bản đang đi xuống), Mỹ bị coi như vật cản cho việc Trung Hoa được quốc tế công nhận là siêu cường, vì thế cho nên Washington đang dần dần thế chỗ Tokyo để trở thành trung tâm của sự thù hận mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc. Giờ đây khi ảnh hưởng của đảng cộng sản bị suy thoái, đảng trở nên nhạy cảm hơn với sự đối kháng có tính chất dân tộc chủ nghĩa – cũng đang ngày càng dâng lên. Kể từ tháng 1-2010, trên mạng và trên báo chí, các tiếng nói dân tộc chủ nghĩa đã đòi Bắc Kinh phải quyết liệt hơn trên sân khấu quốc tế – trước cả khi chính quyền kịp tính đến một chính sách nào đó – đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào thế phải tự vệ. Quả thật là trong vài năm gần đây, chủ nghĩa dân tộc đã lan rộng ra các khu vực thành thị, tác động đến không chỉ quân đội và những thanh niên bất mãn, mà còn tới cả công nhân, trí thức, cán bộ công chức, doanh nhân. Hơn nữa, công nghệ truyền thông trên nền Internet giúp cho các phần tử dân tộc chủ nghĩa ở Trung Hoa tương tác với nhau, và có thể tiếp sức cho những cuộc biểu tình rộng rãi chống lại chính sách ngoại giao của nhà nước, do vậy càng khuếch đại tầm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc cũng như mối đe dọa của nó đối với sự ổn định của chế độ. Vì thế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, cảm thấy bất an và lo lắng cho ổn định quốc nội, buộc phải chú ý nhiều hơn bao giờ hết đến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc mỗi khi họ định hình chính sách đối ngoại.

Lần đầu tiên kể từ khi Mao Trạch Đông mất, giới lãnh đạo Trung Quốc phải chọn lựa giữa tận dụng chủ nghĩa dân tộc kết hợp chính sách ngoại giao to mồm cho vừa lòng đám khán giả trong nước, hay là sử dụng chiến lược trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc cho phù hợp với cộng đồng quốc tế. Tới gần đây thì Trung Quốc vẫn chọn phương án sau. Nhưng kể từ năm 2009, nỗ lực của đảng nhằm vỗ về các phần tử dân tộc chủ nghĩa trong nước đã sinh ra một chính sách ngoại giao vụng về, khuấy động sự thù ghét trên toàn cầu đối với Trung Quốc và làm chính họ mất an toàn.

Chính sách ngoại giao dân tộc chủ nghĩa này gây ra mối lo ngại đáng kể trong các nước đồng minh của Mỹ ở Đông Á. Washington có ý định duy trì sự hiện diện chiến lược của họ ở đây để cân bằng với sự trỗi dậy của Trung Quốc không? Mỹ đã có phản ứng ngoại giao thẳng thắn đúng lúc. Nhưng họ đi quá xa, họ đối đầu với an ninh của Trung Quốc trong khu vực ngoại vi của Hoa lục, tạo ra nguy cơ về một cuộc xung đột an ninh mở rộng giữa các siêu cường và làm cho bất ổn trong khu vực càng gia tăng.

Tiếp sau vụ Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu hải quân Hàn Quốc Cheonan hồi tháng 3-2010 và Trung Quốc không công khai lên án Bình Nhưỡng về hành động tấn công này, Mỹ đã triển khai một loạt sáng kiến hiệu quả trên vùng biển Đông Á, nhằm tái khẳng định quyết tâm của họ là đương đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Rất nhiều sáng kiến trong đó là cần thiết và mang tính xây dựng. Cuối tháng 6, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, ba tàu ngầm hạt nhân Mỹ đồng thời nổi lên ở các cảng châu Á. Tháng 7-2010, trong chuyến thăm của cựu bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đến Jakarta, Mỹ nhất trí mở rộng hợp tác quân sự với Indonesia. Tháng 11, trong chuyến công du của Ngoại trưởng  Hillary Clinton tới New Zealand, Mỹ đồng ý tái thiết hợp tác đầy đủ về quân sự với các cảng biển ở đây. Mỹ còn mở rộng quan hệ quân sự với Philippines, khẳng định cam kết sẽ bảo vệ Nhật Bản. Giữa lúc Trung-Nhật căng thẳng vì vụ việc bắt giữ thuyền trưởng tàu cá, bà Hillary Clinton tuyên bố hiệp ước quốc phòng Mỹ-Nhật sẽ xử lý cả những sự cố bất ngờ liên quan đến quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang quản lý nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền (gọi là Điếu Ngư – ND). Sau khi Nhật Bản thả thuyền trưởng tàu cá, Washington và Tokyo đã tiến hành cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước tới nay giữa hải quân hai nước. Đây đó là một sự tái cam kết mạnh mẽ của Mỹ với đồng minh – điều này có thể phạm vào tham vọng to lớn của Trung Quốc, nhưng là phản ứng thích hợp và được trông đợi.

Nhưng sau đó, Washington đã tung ra một chính sách ngoại giao mạnh bạo thái quá, theo công thức của bà Hillary Clinton, là “ngoại giao tiến công” (nguyên văn: forward-deployed diplomacy, có người dịch là “ngoại giao triển khai phía trước” – ND). Đó là một sự quay trở lại với chính sách ngoại giao từng kéo dài nhiều năm của Mỹ, và bị Bắc Kinh xem như một thách thức ngày càng lớn dần lên, và rất khác.

Dưới thời George W. Bush, Mỹ đã giảm 40% quân số ở Hàn Quốc, chấm dứt triển khai quân tại khu vực nằm giữa vùng phi quân sự với Seoul, giảm mạnh mẽ quy mô tập trận chung hàng năm Mỹ-Hàn, và tuyên bố trong báo cáo quốc phòng của Bộ Quốc phòng (ra bốn năm một lần) rằng vào năm 2012, Mỹ sẽ chuyển giao bộ tư lệnh hành quân các lực lượng quân đội Hàn Quốc (operational command, OPCOM) cho Seoul. Cho dù ý định của chính quyền Mỹ là gì đi nữa, những việc làm này vẫn khiến cho Trung Quốc cảm thấy an toàn hơn trong khu vực lân cận của họ.

Giờ đây, chính quyền Obama đã thay đổi tình hình theo hướng ngược hẳn lại. Việc chuyển giao OPCOM cho Hàn Quốc đã bị hoãn ít nhất ba năm. Suốt năm 2010, Mỹ tiến hành một loạt cuộc tập trận đình đám, quy mô lớn với Seoul, trong đó có cả hoạt động tập trận hàng hải trên vùng biển phía tây Hàn Quốc. Cuối năm 2010, Mỹ và Hàn Quốc ký mới “Các nguyên tắc hợp tác quốc phòng Mỹ-Hàn”, theo đó lực lượng vũ trang hai bên sẽ đẩy mạnh tập trận chung và tương tác. Tất cả các diễn biến này đều cho thấy Mỹ kiên quyết giữ lợi ích của họ trong việc tái thiết lập sự hiện diện quân sự đáng kể, theo thông lệ, trên bán đảo Triều Tiên.

Sáng kiến an ninh của Mỹ với Hàn Quốc làm Bắc Kinh bớt tự tin về quan hệ chiến lược của họ với Seoul; Trung Quốc bây giờ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Triều Tiên như thể đó là đồng minh đáng tin cậy duy nhất của họ trên bán đảo, và họ cũng ngày càng đối kháng hơn với việc hợp nhất hai miền Triều Tiên vì sợ điều đó sẽ dẫn đến việc Mỹ mở rộng hiện diện quân sự hơn nữa, ra sát biên giới với Trung Quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc bây giờ đánh giá cao hơn bao giờ hết sự ổn định ở Bắc Triều Tiên. Thay vì sử dụng đòn bẩy kinh tế để tác động khiến Bình Nhưỡng phải hợp tác với Mỹ về mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh tăng cường ủng hộ ổn định chính trị và kinh tế ở Bắc Triều Tiên.

Và vào tháng 7-2010, khi tập trận Mỹ-Hàn diễn ra ở Hoàng Hải, bà Hillary Clinton đưa ra một sáng kiến chiến lược mới của Mỹ dành cho Đông Nam Á, tại một hội nghị an ninh khu vực châu Á tổ chức ở Hà Nội. Sau khi Washington tiến hành tham vấn đáng kể và có kế hoạch riêng với tất cả các quốc gia có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (chỉ trừ Trung Quốc), Ngoại trưởng Clinton tuyên bố Mỹ ủng hộ một “tiến trình ngoại giao hợp tác” để giải quyết tranh chấp. Động thái này có ý nghĩa như một lời chỉ trích gay gắt nhằm vào Bắc Kinh – kẻ mà từ lâu đã ra yêu sách đòi chủ quyền ở khu vực tranh chấp – và hàm ý rằng Mỹ can thiệp ủng hộ các nước khác, tất cả những nước ủng hộ đàm phán đa phương. Đó là chưa kể, trước đây Mỹ đã từng tỏ thái độ ủng hộ một Biển Đông ổn định, nhưng họ chỉ tuyên bố như thế ở Washington DC, ở cấp trợ lý ngoại trưởng, chứ chưa bao giờ thông qua một cuộc thảo luận trước nào với bất kỳ quốc gia nào có liên quan đến tranh chấp.

Chính sách ngoại giao tiến công của chính quyền Mỹ cũng có nội dung hợp tác chiến lược với Việt Nam. Suốt hơn 20 năm Washington né tránh đàm phán với Việt Nam, với ý thức rằng Đông Dương không phải là lợi ích sống còn. Tuy nhiên, đến tháng 8, sau phát biểu của bà Clinton tại Hà Nội ủng hộ Việt Nam chống lại những yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền hàng hải, thì hải quân Mỹ, trong đó có hàng không mẫu hạm George Washington, đã tổ chức tập trận chung với hải quân Việt Nam lần đầu tiên. Tháng 10, Bộ trưởng Gates thăm Hà Nội, tại đây ông tuyên bố khả năng mở rộng hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt và bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tập trận quân sự với Mỹ. Cuối tháng 10, bà Clinton trở lại Hà Nội và tuyên bố Mỹ có lợi ích trong việc phát triển “quan hệ đối tác chiến lược” với Việt Nam và hợp tác về “an ninh hàng hải”. Sau đó bà thăm Phnom Penh và đề nghị Campuchia xây dựng chính sách ngoại giao độc lập hơn với Trung Quốc. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ thể hiện thái độ ủng hộ nỗ lực của các nước Đông Dương nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng nguồn nước thượng nguồn sông Mekong.

Bắc Kinh hiện đang tìm cách trừng phạt Việt Nam vì đã ngạo mạn mà hợp tác với Mỹ. Bắc Kinh muốn buộc Hà Nội phải chấp nhận siêu cường Trung Quốc. Năm 2011, họ leo thang cả về tần suất lẫn quy mô của những vụ quấy nhiễu bằng quân sự vào tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển tranh chấp, làm căng thẳng giữa đôi bên càng gia tăng và đe dọa ngành hải sản Việt Nam. Trung Quốc còn đẩy mạnh hành động quấy nhiễu trên biển vào các hoạt động kinh tế của Philippines trong khu vực tranh chấp. Nhưng đổi lại, họ chỉ làm Mỹ thắt chặt thêm cam kết với các nước Đông Nam Á. Tháng 7-2011, Mỹ lại tập trận lần nữa với Việt Nam. Sau đó Mỹ gửi một hàng không mẫu hạm tới thăm Việt Nam, và Lầu Năm Góc đã đạt được thỏa thuận quân sự đầu tiên với quân đội Việt Nam. Lầu Năm Góc cũng hỗ trợ phát triển năng lực tình báo của Philippines trên Biển Đông. Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân (Cui Tiankai) gần đây ra lời cảnh cáo rằng một số nước Đông Nam Á đang “đùa với lửa”, và bày tỏ “hy vọng rằng ngọn lửa sẽ không lan tới Mỹ”.

Do đó, Washington đã tham gia vào một cuộc xung đột đa cực ngày càng lớn ở Đông Nam Á. Nhưng quan trọng hơn, và độc lập với quá trình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, sự hợp tác của Mỹ với nỗ lực của Việt Nam trong việc sử dụng Mỹ để đối đầu với Trung Quốc không chỉ tốn kém mà còn ngu ngốc. Đường biên giới chung trên bộ của Việt Nam với Trung Quốc, tính chất dễ bị tổn thương của Việt Nam trên biển trước hải quân Trung Quốc, và sự phụ thuộc về mặt kinh tế của họ vào Bắc Kinh cho thấy chắc chắn rằng Mỹ sẽ không thể phát triển quan hệ quốc phòng đầy đủ với Việt Nam. Nhưng đã kéo Trung Quốc vào xung đột ngoại giao khu vực như thế này, thì mọi nỗ lực của Mỹ nhằm rút ra khỏi tranh chấp biển đảo bằng cách khích lệ các đối tác Đông Nam Á của mình cư xử ôn hòa, đều sẽ bị coi là hành động rút lui mang tính chiến lược.

Hợp tác an ninh ngày càng mở rộng của chính quyền Obama với các nước trong vùng ngoại vi của Trung Hoa lục địa là một phản ứng không tương xứng với chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc. Nó không tương xứng với bất kỳ tiến bộ nào gần đây trong năng lực hải quân Trung Quốc mà có thể chống lại sức mạnh bao trùm của Mỹ trên biển. Nó cũng không phản ánh tầm quan trọng chiến lược ngày một tăng của bán đảo Triều Tiên hay Đông Dương đối với an ninh Mỹ. Kể từ năm 1997, Mỹ đã triển khai ngày càng nhiều vũ khí cao cấp đến Đông Á và thắt chặt hợp tác an ninh với các đối tác an ninh hàng hải, đồng thời vẫn duy trì hợp tác đáng kể với Trung Quốc. Đó mới là một chính sách hiệu quả.

Nhưng bây giờ giới lãnh đạo Trung Quốc đang đánh giá lại các dự định của phía Mỹ. Họ đi đến kết luận rằng Mỹ đang triển khai một chính sách thiên về tiến công, với các hoạt động bao vây và kiềm chế đối phương. Bất kể dự định của Washington là gì đi nữa, các hành động gần đây của Mỹ đã là bằng chứng thừa đủ để chứng minh cho kết luận của Trung Quốc.

Chính sách ngoại giao dân tộc chủ nghĩa của Bắc Kinh thật nguy hiểm. Phản ứng một cách thiếu nhận thức của Mỹ làm cho chính sách ấy còn nguy hiểm hơn nữa. Trung Quốc, về mặt quân sự, rất nhạy cảm với Mỹ, và chế độ của họ rất nhạy cảm với khái niệm “ổn định trong nước”. Vào lúc này, Washington đang bị lôi kéo vào tranh chấp chủ quyền đối với những hòn đảo chẳng có giá trị gì trên Biển Đông, và đang mở rộng sự hiện diện quân sự của họ trên vùng ngoại vi của Trung Quốc. Và trong một thời kỳ mà hợp tác với Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn, thì Washington không cần thiết phải thách thức nền an ninh của Trung Quốc làm gì.

Mỹ mong đợi Trung Quốc sẽ kiềm chế các đối tác an ninh của họ ở Trung Đông và châu Á để các đối tác đó không làm trầm trọng thêm mâu thuẫn với Washington. Tương tự, Mỹ cũng phải có trách nhiệm kiềm chế các đối tác an ninh của họ.

Thế cân bằng quyền lực ở Đông Á là một thứ lợi ích an ninh quốc gia sống còn, và Mỹ cần phải đảm bảo cho các đối tác chiến lược biết rằng họ sẽ hỗ trợ các nước này về an ninh, bất chấp sự trỗi dậy của Trung Quốc. Quân đội Hoa Kỳ phải tiếp tục tập trung vào việc tích lũy vũ khí và triển khai sử dụng để duy trì an ninh của Mỹ trong khu vực. Nhiệm vụ trước mắt cho các nhà làm chính sách của Mỹ là phải xác định được các mục tiêu này trong khi vẫn duy trì hợp tác Mỹ-Trung. Chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc sẽ tiếp tục thách thức chính sách ngoại giao của Mỹ trong một thời gian dài sắp tới. Điều này đòi hỏi chính quyền Obama phải thừa nhận cả ưu thế hàng hải của Mỹ lẫn những tổn thương trong nước và quốc tế của Trung Quốc, và vì thế phải thực hiện kiềm chế mạnh, chống những phản ứng thái quá đối với lãnh đạo Trung Quốc vốn đang trong tâm trạng bất an.

Ông Robert S. Ross là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston và trợ lý giáo sư tại Trung tâm John King Fairbank về Trung Quốc học, Đại học Harvard.

Thủy Trúc dịch từ The National Interest