Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Bún 'mắng', cháo 'chửi'... vẫn đắt khách

Ngày Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Bún 'mắng', cháo 'chửi'... vẫn đắt khách
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Người nước ngoài nói du lịch VN là du lịch mạo hiểm vì ra khỏi sân bay là đã phải tham gia giao thông... Giờ lại có cái khó: Muốn vừa ăn vừa bị nghe chửi mà cũng chưa chắc đã được. Lại thế này nữa: càng chửi tiếng lành càng đồn xa, khách ngày càng đến đông hơn.
Bún 'mắng', cháo 'chửi'... vẫn đắt khách

Bún 'mắng', cháo 'chửi', phở xếp hàng, bia hơi tem phiếu có vẻ không lạ lẫm với nhiều người sống ở Hà Nội. Khách hàng vẫn đến ăn nườm nượp, còn chủ nhân của nó vẫn làm ăn phát đạt...
Miếng ăn, miếng chửi

Ngồi quán bún ở 57 ngõ Ngô Sỹ Liên, nghe chủ quán mắng khách té tát vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, tôi bỗng co rúm người lại, chỉnh đốn mọi hành vi, lời ăn tiếng nói để… không bị chửi mắng. Trưa nắng như thiêu đốt vậy mà quán vẫn chật cứng người. Bát bún ba chục nghìn mà có tới gần chục miếng thịt chân giò to tướng, rất đầy đặn.
“Cháu đã bảo đừng chan nước béo rồi mà!”- Cô bé ngồi cách tôi một bàn kêu lên như than phiền. “Nước dùng béo hay gầy về nhà mà ăn, đây chỉ có thế thôi. Không ăn thì biến cho rộng chỗ!”. Bà chủ quán vừa xóc bún vừa liếc xéo ra mắng khách. Ánh mắt và lời nói như những mũi tên bay phần phật về phía cô gái, làm tôi cũng rát mặt như bị ném cát. Cô bé ngồi cạnh tôi bị mắng nhưng không dám cãi, chỉ lẩm bẩm: “Ăn uống mất tiền mà cứ như đi ăn xin”. 



Xếp hàng chờ đến lượt mua phở ở Bát Đàn. Ảnh: TP

Ngày hôm sau, lựa lúc vắng khách nhất, khoảng 17h, tôi lại mò đến quán bún mắng để hỏi chuyện bà chủ quán tên Thảo.
“Cô ơi, người ta bảo quán của cô là quán bún chửi, nhưng cháu đã ăn ở đây mấy lần mà chẳng được chửi lần nào”. Được lời như cởi tấm lòng, bà Thảo trút bầu tâm sự: “Đấy, đấy…có phải ai tôi cũng mắng chửi đâu. Mình làm dâu trăm họ, muốn chiều khách lắm chứ. Như cậu đây thì tôi chửi thế nào được. Cậu gọi một bát móng giò, một chai bia, tôi chửi vào chỗ nào.
Tôi chửi vô lý, khách hàng nghiêm chỉnh người ta không đấm cho ấy à. Nhưng mà, có những người õng ẹo, hoạnh hoẹ đủ thứ cơ. Lúc đang đông khách mà cứ đòi hỏi cái này cái nọ, vào sau lại đòi ăn trước, bố đứa nào chịu được. Thế tôi chẳng chửi cho à.
Hôm nọ có hai con õng ẹo vào ăn, bảo vào trong nhà ngồi nhưng cứ đòi ngồi ra đường… Chắc là sợ mất xe! Tôi đuổi thẳng cổ: Không vào trong thì biến ngay! Hôm qua, cũng có hai đứa con gái, vào ăn bún lại đòi cho cháu hai cốc trà đá trước. Khách thì đông, chưa ăn đã đòi uống, tôi bảo: Thôi khỏi uống, khỏi ăn gì, mời hai cô ra cho tôi bán hàng!”.
Bà Thảo cho biết, bà đã bán bún ở chợ Ngô Sỹ Liên hơn ba chục năm nay, không biển hiệu. Ngày nào cũng mở cửa từ lúc 11h30 và đóng cửa lúc 19h30. Về chuyện thương hiệu “bún mắng”, bà Thảo bảo chẳng biết ai đặt cho nhưng bà không muốn cái tiếng ấy.
“Chửi mắng nó già người đi chứ. Nhưng mình làm thật ăn thật, bỏ sức lao động ra để kiếm chút lời, mình không luỵ ai cả. Mọi người vẫn bảo khách hàng là thượng đế, họ bỏ tiền ra thì phải được phục vụ đến tận răng, nhưng tôi thì khác, không bán cũng được, chứ không thể đáp ứng những yêu cầu quá đáng hoặc hoạnh họe ra vẻ ta đây… Cứ vớ vẩn đòi hỏi là tôi đuổi” - bà Thảo nói.
Ở quán phở phố Bát Đàn, cũng giống như bia “bao cấp” ở số 115 Quán Thánh, đều phải xếp hàng theo thứ tự và tự tìm chỗ ngồi, có điểm khác là bia bao cấp còn phải mua “phiếu dịch vụ” sau đó mới ra xếp hàng chờ lấy bia. Sáng đó, có vị khách lạ không biết lệ, cứ vắt chân chữ ngũ gọi lớn: “Cho 1 bát phở”. Sau cả chục phút chờ, không ai nói gì, ông khách bực mình gọi lại, liền bị quát ầm ĩ: “Ăn thì ra xếp hàng, tự bưng chứ ai hầu đến tận mồm!”.
Ông khách choáng quá, cứ ngồi thừ ra, chẳng nói được câu nào, mãi sau mới bẽn lẽn ra xếp hàng. Ăn xong, dù thừa nhận phở có ngon thật nhưng cũng đành thốt lên: “Từ nay tôi cạch đến già/Tôi chẳng dám đến hàng bà nữa đâu!”. Thế nhưng nhiều người vẫn nhẫn nại, thản nhiên cười hề hề khi xếp hàng, trả tiền trước để được nhận tô phở rồi tự tìm chỗ ngồi ăn.

Mắng chửi làm… thương hiệu
Bạn tôi tên N., một người rất tỉ mỉ trong ăn uống, tuần nào cũng mò lên quán phở Bát Đàn. Thường thì vào thứ bảy, nhưng cũng có tuần nổi cơn thèm N. phóng xe từ nhà ở phố Chùa Bộc lên Bát Đàn mất cả nửa tiếng đồng hồ, sẵn sàng chờ đợi vài chục phút nữa để hưởng cái hương vị của phở. N. bảo, xếp hàng thì có làm sao, tự bưng bê thì cũng có làm sao đâu? Mấu chốt là đồ ăn có ngon hay không! “Tớ sợ nhất là phục vụ chu đáo nhưng đồ ăn lại dở ẹc, tính tiền thì cắt cổ”.
Trên phố Nhà Thờ, quán cháo gà của bà M., cũng nổi tiếng với thương hiệu cháo “chửi”. Bà chủ này có thể chửi khách, chửi nhân viên từ sáng tới khuya. Chuyện kể rằng, có lần gặp vị khách Sài Gòn, vừa chê cháo nhạt, anh xin thêm chút muối, liền bị bà M. chửi cho te tua: “Mặn nhạt cái gì, cả trăm người có ai chê đâu. Không ăn thì biến”. Quá sốc, vị khách cầm cả tô cháo đổ xuống rãnh vỉa hẻ, rồi anh vứt trả cả tờ 50 ngàn đồng.

"Với một quán ăn, khách chính là ân nhân, đem lợi nhuận cho chủ quán. Chủ hàng họ không tri ân khách thì thôi, lại còn chửi, thật vô văn hoá hết chỗ nói. Chúng ta nên tẩy chay họ, lần sau không đến nữa và rủ nhiều người cùng tẩy chay, không đến nữa. Chỉ có như vậy, họ mới hành xử có văn hóa hơn” - Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.
Quá bất ngờ, bà M. không nói thêm được lời nào. Nhưng sau lần ấy, bà M. vẫn không bỏ được tật chửi khách. Cho đến một lần bán đêm, gặp đúng nhóm thanh niên đi bụi, khách vừa xin thêm mấy cọng hành, liền bị bà M. chửi, cả nhóm thanh niên bỏ cháo, phá cả cửa hàng. Từ đó, người ta thấy bà M. ít chửi khách hơn. Bà chuyển sang chửi nhân viên ra rả cả ngày. Nhưng lạ, khách vẫn đến đông.
Người Việt mình luôn thích chen nhau chỗ chật thì phải. Một thói quen xếp hàng thời bao cấp còn lưu luyến chăng? Quán nào càng đông đúc người ta càng lao đến, càng chào mời thì lại… chạy xa. Nơi chủ quán vừa mắng chửi vừa bán hàng mà vẫn đông khách chứng tỏ đồ ăn thức uống phải ngon thì chủ quán mới dám cất lời mắng nhiếc thượng đế. Dường như, càng quát mắng, càng quen mồm quen miệng bỗng thành… tiếng lành đồn xa, khách ngày càng đến đông hơn. 
(Theo Tiền phong)

Cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình

Ngày Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình

(Dân trí) - Có thể xem gia đình, sự nghiệp giống như hai đường thẳng chéo nhau nhưng không phải ai cũng nhanh chóng tìm ra điểm chung đó. Tại sao phải đánh đổi “một mất một còn” trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dung hòa hai yếu tố này theo những cách sau.


Tại sao phải đánh đổi “một mất một còn” trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dung hòa hai yếu tố (ảnh minh họa: Internet)

Chuyên gia Dahanashee chia sẻ: “Trong cuộc sống hiện đại, hầu hết mọi người đều chạy theo tiếng gọi của danh vọng bởi họ cho rằng đó là hạnh phúc đích thực. Sau nhiều ngày rong duổi trên con đường sự nghiệp họ mới bất chợt nhận ra hạt giống nuôi dưỡng hạnh phúc không ở đâu xa xôi mà ở ngay trong ngôi nhà thân thương là những người thân yêu. Nói như vậy không mang nghĩa phủ nhận tầm quan trọng của sự nghiệp, nhưng điều đáng nói là sự nghiệp, gia đình là hai yếu tố cốt lõi của cuộc sống. Tại sao phải đánh đổi “một mất một còn” trong khi chúng ta hoàn toàn có thể dung hòa hai yếu tố này theo những cách sau”.


Tìm kiếm sự cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình

Trong quá trình tìm kiếm sự cân bằng, sẽ không ít lần bạn cảm thấy mình hơi thiên vị một trong hai khía cạnh hoặc quá khó để có thể làm tốt ở khía cạnh còn lại. Nhưng điều quan trọng là thời gian, hãy cố gắng phân bổ dòng thời gian của mình một cách hợp lý để thu hẹp dần khoảng cách giữa công việc và gia đình.

Phân phối tải trọng công việc

Giao tiếp là chìa khóa cho tất cả mọi vấn đề, đặc biệt là trong công việc. Hãy ngồi và thảo luận với các đối tác (hoặc đồng nghiệp) của bạn về những kế hoạch công việc. Chú trọng đến những ưu tiên và mục tiêu ngắn hạn. Có kế hoạch phân phối tải trọng công việc cho các đồng nghiệp một cách hợp lý để phần công việc được rải đều cho mỗi thành viên. Mỗi người chịu trách nhiệm với phần công việc họ được giao phó. Như vậy bạn sẽ bớt gánh nặng trong công việc và dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.

Không pha trộn công việc và gia đình với nhau

Cố gắng dành thời gian tốt nhất cho công việc và gia đình. Đừng bao giờ biến gia đình thành “cơ quan” thứ hai. Hạn chế mang công việc về nhà giải quyết. Để làm được điều này, hãy chắc chắn là bạn đã làm việc hết công suất ở công ty, ưu tiên giải quyết các vấn đề quan trọng trước tiên và không để việc gia đình xen ngang khi bạn đang làm việc (trừ những trường hợp khẩn cấp).

Công việc hỗ trợ cuộc sống của bạn chứ không phải làm chủ cuộc sống của bạn, vì thế hãy kiểm soát thời gian làm việc. Đề xuất với ông chủ (nếu có) về trách nhiệm công việc của bạn nghĩa là các ngày trong tuần bạn sẽ làm việc hết mình, ông chủ có thể giao cho bạn số lượng công việc nhiều hơn bình thường. Khi bạn hoàn thành hết số lượng đó, hai ngày cuối tuần sẽ là thời gian bạn dành hoàn toàn cho gia đình thân yêu.

Thư giãn

Giúp cơ thể và tinh thần thư giãn bằng cách tập thể dục, bạn sẽ có một sức khỏe tuyệt vời và một “cái đầu” minh mẫn. Hoặc bạn cũng có thể thư giãn bằng cách massage, đây được xem là một phương pháp hiệu quả không kém gì tập thể dục hàng ngày.

Dành thời gian riêng cho bạn và người ấy

Ngay cả khi bạn đã có gia đình, bạn cũng đừng nên quên “hâm nóng” lại tình cảm của hai bạn bằng những ngày cuối tuần lãng mạn. Có thể cùng nhau đi picnic hoặc đơn giản là cùng nhau đi công viên, đi cà phê hoặc cùng thưởng thức một món ăn mà cả hai cùng thích. Nhiều khi những cử chỉ, những hành động nhỏ lại mang đến hiệu ứng bất ngờ, đó sẽ là sợi dây kết nối sự thân thiết trong gia đình nhỏ bé của bạn.

Dành thời gian chơi với con

Bất kể khi nào có thời gian rảnh bạn cũng nên dành cho con mình. Hãy chơi với con nhiều nhất có thể, đó không chỉ giúp bạn thân thiết với con mình hơn mà còn giúp bạn thư giãn hiệu quả. Ngoài ra, những ngày cuối tuần, bạn cũng nên đưa gia đình đi chơi đâu đó, không công việc, không ti vi, không điện thoại,... chỉ có bạn và gia đình mà thôi.

                                                                                                Thảo My

Theo Buzzle

Chống lạm phát bằng chính sách tỷ giá: Một công cụ mạnh cần được phát huy hiệu quả hơn

Ngày Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Chống lạm phát bằng chính sách tỷ giá: Một công cụ mạnh cần được phát huy hiệu quả hơn
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Xem lại 1 bài viết đầu năm 2008:
Chống lạm phát bằng chính sách tỷ giá: 
Một công cụ mạnh cần được phát huy hiệu quả hơn

Lạm phát năm 2007 vượt mức hơn 12%/năm, chỉ số giá tiêu dùng chỉ trong 2 tháng đầu năm đã phi mã tới hơn 6% so với cuối năm ngoái. Kiểm soát lạm phát hiện nay là một trong những mục tiêu cấp bách hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Khống chế được lạm phát cao sẽ giúp ổn định Kinh tế - Xã hội và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang lúng túng đối phó và chưa tìm ra lời giải với bài toán lượng lớn vốn nước ngoài khi lạm phát leo thang trong chế độ tỷ giá neo. Thời gian vừa qua do sức ép của lạm phát NHNN tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ, các Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) thiếu thanh khoản, nguy cơ khủng hoảng thanh khoản xảy ra, NHNN xoa dịu thị trường bằng cách bơm lại tiền vào nền kinh tế nhưng lạm phát lại bùng nổ cao hơn...
Với biến động của nền kinh tế thế giới thời gian gần đây, tác giả cho rằng chính sách chống lạm pháp hiện nay là chưa đánh trúng nguyên nhân gốc rễ và cần thay đổi. Ngoài một số nguyên nhân nội tại như thiên tai, đầu tư tràn lan một số công trình công không hiệu quả, nguyên nhân chính gây lạm phát cao tại Việt Nam do bất cập trong định hướng chính sách đối ứng, cụ thể là chính sách tỷ giá, đối với những cú sốc ngoại lai. Định hướng chính sách tỷ giá không phù hợp so với biến động của kinh tế thế giới dẫn đến kết quả là: 1. Lượng cung tiền tăng đột biến, 2. Chi phí cho sản xuất trong nước tăng cao. Đây là hai nguyên nhân chủ yếu dẫn tới lạm phát cao tại Việt Nam.1. Neo tỷ giá cứng nhắc với USD dẫn đến cung tiền tăng mạnh

Kinh tế Việt Nam trẻ, được đánh giá có nhiều tiềm năng và triển vọng về cơ hội đầu tư do vậy sau khi gia nhập WTO, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng đột biến (chỉ tính riêng năm 2007 đã tới 20 tỉ USD). Về nguyên tắc khi luồng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tăng, Việt Nam Đồng (VNĐ) sẽ lên giá để tạo ra điểm cân bằng. Tuy nhiên, với chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu, NHNN Việt Nam phát hành VNĐ mua lại lượng ngoại tệ này với mục đích kìm tỉ giá của VNĐ với đồng Đô la Mỹ (USD) thấp hơn điểm cân bằng nhằm nâng cao tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu về giá cả. Giữ VNĐ yếu có thể coi là một hình thức trợ giá cho hàng xuất khẩu và phát huy ở trong những điều kiện kinh tế thế giới nhất định. Tuy nhiên, mặt trái thứ nhất của chính sách này là do phải tung VNĐ ra mua lại lượng ngoại tệ chảy vào, lượng cung tiền của Việt Nam từ năm 2005 đến nay tăng tổng cộng 135%. Đây là mức tăng rất lớn mặc dù NHNN đã có nỗ lực hút lại một phần cung tiền.

2. Neo tỷ giá với USD đang mất giá mạnh trên toàn cầu khiến chi phí cho sản xuất trong nước tăng

Cũng trong vài năm gần đây, do thâm hụt thương mại khổng lồ đồng USD của Mỹ đã mất giá so với những đồng ngoại tệ mạnh khác. Cộng thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tín dụng nhà đất tại Mỹ vào cuối năm 2007 khiến nền kinh tế này bước vào giai đoạn suy thoái, đẩy đồng USD mất giá nhiều hơn nữa, giá xăng dầu tính theo đồng USD tăng mạnh. Hình 1 cho thấy chỉ tính từ năm 2006 đến nay đồng USD đã mất giá trung bình khoảng 15% so với các đồng ngoại tệ mạnh khác như Euro, Yên Nhật, Bảng Anh, và đồng Nhân dân tệ Trung Quốc.


Hình 1: Tăng giá của các ngoại tệ mạnh so với USD từ năm 2006. Nguồn: Datastream
Tuy nhiên tỷ giá của VND trong thời gian này hầu như không biến đổi so với USD (tính đến cuối tháng 2/2008 chỉ tăng 0.24% so với 2006). Do đó qua việc neo tỉ giá, VNĐ cũng giảm trung bình 15% so với các ngoại tệ mạnh khác. Chính sách VNĐ yếu mặc dù có thể thúc đẩy xuất khẩu nhưng đồng thời lại góp phần “nhập khẩu lạm phát “vào Viet Nam. Lí do là sản xuất tại Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào các nguyên vật liệu nhập khẩu như xăng dầu, xi măng, sắt thép, máy móc…Sự mất giá của USD hay nói cách khác là sự tăng giá thành của các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu cho sản xuất tính bằng VNĐ dưới chế độ tỷ giá neo là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chi phí sản xuất trong nước tăng, kéo theo giá cả hàng hóa tăng theo. Chi phí cho sản xuất tăng cao, lượng cung tiền lớn do vậy lạm phát phi mã là không tránh khỏi. Thời gian vừa qua báo chí hay đề cập đến việc nhập siêu hay thâm hụt cán cân thương mại danh nghĩa của Việt Nam, tác giả cho rằng việc VNĐ mất giá so với các ngoại tệ khác góp phần đáng kể vào việc tăng giá thành của hàng nhập khẩu, khiến cán cân thương mại bị thâm hụt lớn.

2. Tỷ giá và lạm phát ở các nước khu vực

Để so sánh, chúng ta thử quan sát tỷ giá và mức lạm phát của những nước xung quanh khu vực có cơ cấu kinh tế gần giống Việt Nam, cùng chung chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu, và là những đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu với Việt Nam. Hình 2 cho thấy mặc dù là hai nước rất chú trọng xuất khẩu nhưng Thailand và Đài Loan đã phải “chịu hi sinh” để tỉ giá của đồng nội tệ tăng so với USD hơn 20% và duy trì được lạm phát trung bình ở mức 3% từ 2006 đến nay. Trong khi, Việt Nam và Indonesia gắng neo tỉ giá theo đồng USD và chấp nhận nhập khẩu lạm phát ở mức trung bình các quý 9%. Lạm phát tại Indonesia trong năm 2006 còn ở mức 16%/năm, cao hơn lạm phát hiện nay của Việt Nam và cũng đang có chiều hướng tăng lên. Lạm phát cao khiến lãi suất danh nghĩa buộc phải tăng cao hơn nữa để giữ lãi suất thực khỏi âm, đẩy kinh tế Việt Nam sâu hơn nữa vào vòng xoáy lãi suất, tỷ giá, và vốn nước ngoài.

Hình 2: Tỉ lệ lên giá của các đồng tiền trong khu vực và tỉ lệ lạm phát tính trung bình theo các quý từ đầu năm 2006. Nguồn: Bloomberg, Datastream, NHTƯ của các nước.

Không chỉ khác nhau về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Thailand và Indonesia (tác giả không có số liệu về chỉ số này của Việt Nam) cũng cho thấy sự khác biệt. Hình 3 cho thấy chỉ số giá sản xuất của Indonesia luôn tăng cao hơn hẳn so với của Thailand. Tất nhiên, để nắm rõ chi tiết cần phải đi sâu phân tích cấu trúc vi mô từ bảng I/O nhưng Hình 3 phần nào phản ánh sự khác nhau về tăng giá của chi phí sản xuất tại 2 nước gần nhau về cơ cấu kinh tế nhưng có chính sách tỷ giá khác nhau.

Hình 3: chỉ số tăng giá sản xuất giữa Thailand và Indonesia. Nguồn: Datastream

3. Tác động của việc linh hoạt tỷ giá để VNĐ lên giá

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay tác giả kiến nghị Việt Nam nên mạnh dạn sử dụng chính sách tỉ giá linh hoạt. NHNN nên nới rộng biên độ dao động của VND, giảm việc phát hành VNĐ mua lại lượng ngoại tệ chảy vào Việt Nam, trong ngắn hạn để cơ chế thị trường tác động nhiều hơn nữa vào tỷ giá tức là cho phép VNĐ tăng giá hơn so với USD. Điều này sẽ đem lại những lợi ích sau:

1. Việc VNĐ tăng giá tương đối so với USD sẽ làm giảm giá nguyên vật liệu nhập khẩu như xăng dầu, giảm sức ép lên lạm phát từ những mặt hàng này.

2. VND tăng giá sẽ tăng cung hàng nội địa, góp phần giảm khan hiếm hàng hóa trong nước hiện nay. Khi lượng cung hàng tăng, lạm phát cũng sẽ giảm.

3. Để thị trường có tiếng nói quan trọng hơn nữa trong quyết định tỷ giá. Điều này sẽ góp phần cởi trói cho Chính sách tiền tệ trong nước, giúp NHNN thoát khỏi đối mặt với “Bộ ba bất khả thi” (1). Việc linh hoạt chính sách tỉ giá sẽ giúp NHNN hạn chế được lượng cung tiền vào thị trường vì không phải gắn chặt với nghĩa vụ mua lại nguồn vốn ngoại tệ, giúp kiềm chế lạm phát và có thể sử dụng tự do hơn chính sách tiền tệ khác như lãi suất và thị trường mở đối phó với những cú sốc nội địa như thiên tai, khủng hoảng thanh khoản...

4. VNĐ mạnh lên sẽ giúp giảm lãi suất của đồng nội tệ. NHNN sẽ tránh được việc phải can thiệp hành chính vào chính sách lãi suất tiền gửi của các NHTM.

5. VNĐ mạnh lên sẽ giúp duy trì và cải thiện giá trị đồng nội tệ, giảm thiểu hiện tượng Đô la hóa: Theo như số liệu của IMF năm 2001 thì chỉ số Đô la hóa tại Việt Nam đã ở mức cao (2) ngay cả khi chưa tính đến lượng ngoại tệ tiền mặt lưu hành trong dân chúng ngoài tầm kiểm soát của NHNN. Thời gian gần đây, VNĐ yếu tương đối, lạm phát tăng cao khiến lãi suất tiền gửi âm do vậy nhiều người dân sẽ tìm cách chuyển đổi tài sản của mình sang các ngoại tệ mạnh khác và vàng khiến chỉ số Đô la hóa tại Việt Nam đã và đang tăng. Lưu ý Đô la hóa ở đây nên được hiểu theo nghĩa rộng là sử dụng ngoại tệ mạnh thay thế như Yên Nhật, đồng Euro, và vàng…không nhất thiết phải là đồng USD.

6. Giúp chọn lọc vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam: VNĐ lên giá sẽ có thể giảm lượng ngoại tệ chảy vào Việt Nam nhưng nó lại có tác dụng chọn lọc những nguồn đầu tư lâu dài thực sự có hiệu quả cao, hạn chế được những nguồn ngắn hạn mang tính đầu cơ rủi ro lớn. Tất nhiên về dài hạn, Việt Nam chỉ có thể thu hút vốn nước ngoài khi kinh tế vĩ mô ổn định mà điều kiện cần là lạm phát trong tầm kiểm soát.

Như vậy, linh hoạt tỷ giá để VNĐ tăng giải quyết cả 2 nguyên nhân gây lạm phát là chi phí sản xuất tăng và lượng cung tiền lớn đồng thời cũng có những tác dụng tích cực khác. Mặt trái của việc để VNĐ tăng giá theo lí thuyết là có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, từ Hình 1 chúng ta có thể thấy rằng tỷ giá tại những nước là đối thủ chính của Việt Nam trong xuất khẩu vào các thị trường Châu Mỹ, Châu Âu, và Nhật đều đã tăng mạnh. Do vậy nếu điều chỉnh VND tăng một trong một phạm vi hợp lí và khoa học thì ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam là có hạn (3). Mặt khác, như đã phân tích ở trên vì phụ thuộc nhiều vào hàng nhập khẩu trong sản xuất, chi phí cho sản xuất của hàng Việt Nam có thể giảm khi VNĐ lên giá và hàng xuất khẩu vẫn giữ được tính cạnh tranh. Hơn nữa, theo thời gian các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần giảm lệ thuộc vào sự trợ giúp về chính sách tỉ giá trong việc cạnh tranh với thế giới bằng giá rẻ mà tập trung hơn nữa vào nâng cao chất lượng hàng hóa để có thể cạnh tranh về chất lượng hàng hóa.

Những người khác có thể quan ngại về việc VNĐ tăng giá sẽ ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam vốn đã ở tình trạng nhập siêu khá lớn. Trong ngắn hạn, hoàn toàn chưa có sự đồng thuận giữa các nhà Kinh tế về vấn đề này. Hơn nữa, trong ngắn hạn khi VNĐ tăng giá, chiều ngược của hiệu ứng đường cong J có thể có tác dụng làm giảm giá trị của thâm hụt thương mại danh nghĩa. Do vậy theo ý kiến của tác giả, không phải quá lo lắng về vấn đề này. Các nước trong khu vực như Thailand không phải không muốn duy trì tỷ giá thấp để nâng cao tính cạnh tranh của xuất khẩu nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay cho phép nội tệ tăng giá so với USD là đối sách ưu việt hơn. Mặt khác, số liệu cho thấy mặc dù đồng Baht Thailand lên giá so với USD hơn 24% từ năm 2006 nhưng xuất khẩu của họ vẫn tăng và thặng dư thương mại thực của họ luôn ở mức hơn 10% GDP và thậm chí tăng ổn định từ năm 2006 đến nay (Hình 4, nguồn Datastream).

Hình 4: Tỉ giá đồng Baht Thái với USD theo trục bên trái và cán cân thương mại thực trên GDP theo trục bên phải. Lưu ý: Tỉ lệ Baht/GDP giảm nghĩa là đồng Baht tăng giá.
Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhỏ, mở, và đang phát triển do vậy ảnh hưởng từ tác động bên ngoài là không thể tránh khỏi khiến hoạch định và thực thi các chính sách vĩ mô là tương đối khó khăn. Chính vì vậy để điều hành hiệu quả cần chú trọng theo dõi tình hình kinh tế thế giới và khu vực để có những dự báo và điều chỉnh chính sách linh hoạt. Tác giả cũng thừa nhận những giải pháp như nâng cao chất lượng đầu tư, cải cách bộ máy điều hành vĩ mô là cần thiết nhưng đây là những giải pháp dài hạn có thể mất hàng năm để tiến hành. Chính sách tỷ giá linh hoạt vừa có tác dụng ngắn hạn vừa có tác động dài hạn do vậy chính là sự lựa chọn đúng đắn cho Việt Nam trong việc chống lạm phát hiện nay.

Chú thích:

(1) Trong kinh tế mở, Ngân Hàng Trung Ương không thể thực thi cùng lúc 3 mục tiêu: 1. Tự do tài khoản vốn, 2. Cố định tỷ giá, và 3. Chính sách tiền tệ độc lập.

(2). Những nhà nghiên cứu tại IMF phân loại mức độ Đô la hóa theo chỉ số: 0-3: Thấp, 4-8: Trung bình, 9-13: Cao, và 14-30: rất cao. Chỉ số Đô la hóa tại Việt Nam năm 2001 là 11.

(3) Xuất nhập khẩu phụ thuộc vào tỷ giá thực (real exchange rate) hơn là tỷ giá danh nghĩa nhưng theo nhiều nghiên cứu ở những nước đang phát triển giá cả nội địa quan hệ nội sinh với tỷ giá danh nghĩa do vậy có thể coi xuất nhập khẩu là hàm số của tỷ giá danh nghĩa.

Nguyễn Quốc Hùng, trường Đại học British Columbia, Canada

Sự thật về mô hình phát triển của Trung Quốc

Ngày Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Sự thật về mô hình phát triển của Trung Quốc
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Sự thật về mô hình phát triển của Trung Quốc

Văn Ngọc
Trong khi dư luận quần chúng, cùng các kênh thông tin và truyền thông ở phương Tây lại không ngớt lời ca ngợi những cái hay, cái giỏi của đất nước này về mọi mặt thì hai tác giả Pierre Cohen và Luc Richard xuất thân là nhà báo và nhà văn đã từng sống ở Trung Quốc và biết tiếng quan thoại, hiểu biết rộng về kinh tế, với cặp mắt quan sát sắc sảo của mình, họ đã đi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội Trung Quốc để tìm hiểu một thực tế vô cùng tế nhị và phức tạp để viết một cuốn «La Chine sera-t-elle notre cauchemar?» (Ed. Mille et Une Nuit – Paris 2005, tái bản 5-2008) đầy ắp thông tin và dày công phân tích nhằm chỉ ra những khuyết tật trong mô hình phát triển hiện nay của Trung Quốc.

Người ta có thể nghĩ rằng, trước hết hai tác giả này muốn nói lên một sự thật, một thực tế, mà trong nhiều năm ở phương Tây, báo chí, cùng các cơ quan truyền thông và một số người có chức quyền vẫn cố tình che giấu, hoặc tô hồng, vì dẫu sao, người ta cũng cần cái thị trường khổng lồ này trong một nền kinh tế toàn cầu hoá.
Cũng có thể, do một bản năng tự nhiên, hay một tinh thần dân tộc chủ nghĩa nào đó, các tác giả muốn vạch ra những yếu kém của mô hình phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc, để cảnh báo các xã hội phương Tây. Cũng có thể, họ còn có một tầm nhìn rộng hơn nữa, một tầm nhìn có tính chất chiến lược, ở qui mô toàn cầu. Nhưng cũng có thể, đó chỉ là do một sự thôi thúc nội tâm có tính chất đạo lý, vì sự thật, vì hạnh phúc của con người, và tương lai chung của cả loài người?
Tác phẩm được viết như một thiên phóng sự, một nhân chứng. Nó không chỉ nêu lên những hoàn cảnh cụ thể, có thật, nói lên những điều mà những con số thống kê không thể nói lên hết được, mà còn truyền được tới người đọc một dòng suy nghĩ, một nỗi lo âu, một lời cảnh báo.

1/ Nạn thất nghiệp ở thành thị

 Từ những năm 90 của thế kỷ trước, với những bước đầu của quá trình toàn cầu hoá, hàng loạt các xí nghiệp quốc doanh TQ bị dẹp bỏ, nhường chỗ cho các xí nghiệp tư nhân. Hàng triệu công nhân bị sa thải. Năm 1998, chỉ riêng trong khâu dệt may, có 660.000 người bị rơi vào hoàn cảnh này; trong lãnh vực dầu khí, 1 triệu người. Các nhà máy cũ nhường chỗ cho các nhà máy mới do nước ngoài đầu tư xây dựng. Công nhân quá 35 tuổi không được nhận vào xưởng làm việc nữa. Một ngày công không phải là 8, 9 giờ, mà là 11, 12 giờ. Công nhân bị sa thải được gọi là xiagang (« hạ cương», từ được tạo ra để làm nhẹ bớt cái ý bị đuổi việc – cương đây là cương vị).
Chủ trương dẹp bỏ các xí nghiệp quốc doanh thực ra đã bắt đầu được thực hiện ngay từ những năm 80 và do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý. Sự kiện này diễn ra cùng một lúc với việc Đặng Tiểu Bình cho thực hiện chính sách phân quyền về các địa phương. Cũng là một công đôi việc, tránh cho Trung ương khỏi mang tiếng! Nhưng cũng từ đó, nạn tham nhũng lan tràn về các địa phương.
Theo một cuộc điều tra gần đây của Nhà nước, thu nhập bình quân của những người giàu có nhất ở thành thị, lớn hơn gấp 12 lần thu nhập của những người nghèo; 10% nhà có của ở thành thị, chiếm 45% tổng số tài sản, trong khi 10% những người nghèo nhất chỉ chiếm có 1,4% số tài sản này.
Ở các thành phố lớn vùng đông-bắc, nạn thất nghiệp chiếm từ 20 % tới 30% dân số. Ở Phong Đô, một thành phố mới được xây dựng lại một cách rất hoành tráng ở bờ nam sông Dương Tử, gần đập thuỷ điện Tam Hiệp, tỷ lệ này lên tới 60, 70%, vì trên thực tế, đây là một thành phố chết, hoàn toàn thiếu vắng mọi hoạt động kinh tế.
50 năm sau «Bước nhảy vọt» (1958) - một sai lầm về đường lối công nghiệp hoá, đã khiến hàng mấy chục triệu nông dân bị chết oan (nạn đói những năm 1959-1961) - các nhà lãnh đạo địa phương Trung Quốc vẫn còn nghĩ rằng, chỉ cần hô hào, động viên bằng lời nói, là có ngay những người hăng hái đầu tư.
Điều nghịch lý, là một đất nước có nhiều người thất nghiệp nhất, lại là nơi có nhiều khách nước ngoài đầu tư nhất, và cũng là nơi mà các doanh nghiệp phương Tây chịu di dời cơ sở sản xuất của họ đến nhất. Lý do đơn giản, là vì ở đây họ tìm được nhân công rẻ nhất [Tiền công lao động của một người thợ máy Trung Quốc (0,6USD/giờ) rẻ gấp 23 lần tiền công của một người thợ máy Pháp (17USD), và gấp 40 lần một người thợ Đức (24USD)] !
Vấn đề thất nghiệp được tóm gọn lại trong một phương trình đơn giản: năm 2004, số người thất nghiệp là 14 triệu, thêm vào đó là 10 triệu người từ nông thôn đổ ra thành thị kiếm sống hàng năm (Năm 2005, con số này lên đến 13 triệu người). Để đáp ứng nhu cầu, phải cung cấp 24 triệu công ăn việc làm cho những người này, điều mà cho đến nay các giới hữu trách mới chỉ bảo đảm được có một phần ba mà thôi.
Điều nghịch lý, là một đất nước có nhiều người thất nghiệp nhất, lại là nơi có nhiều khách nước ngoài đầu tư nhất, và cũng là nơi mà các doanh nghiệp phương tây chịu di dời cơ sở sản xuất của họ đến nhất. Lý do đơn giản, là vì ở đây họ tìm được nhân công rẻ nhất [Tiền công lao động của một người thợ máy Trung Quốc (0,6U SD/giờ) rẻ gấp 23 lần tiền công của một người thợ máy Pháp (17USD), và gấp 40 lần một người thợ Đức (24USD)] !
2/  Nạn thất nghiệp ở nông thôn (mingong = «dân công» , từ mới để chỉ những người thất nghiệp từ nông thôn đổ lên thành thị kiếm sống, và thường tụ tập ở các chợ lao động («chợ người»), hay ngay trên hè phố - từ này khác với từ dân công trong tiếng Việt, được dùng trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam) :
Hiện nay, Trung Quốc có dân số trên 1,3 tỷ người, mà hai phần ba là nông dân, tức là số nông dân có tới 900 triệu người, trong số đó 600 triệu sống bằng nghề trồng trọt, trên những mảnh ruộng nhỏ li ti.
Năm 1978, Trung Quốc phát động phong trào hiện đại hoá nông thôn, bãi bỏ chính sách tập thể hoá. Người nông dân được phát ruộng, phát đất để trồng trọt, được đem nông phẩm ra chợ bán tự do. Ngay từ năm 1980, đời sống của người nông dân có những bước biến chuyển. Nhưng đến khoảng năm 1990, không thấy người ta bàn bạc, đả động gì đến nông thôn nữa, mà chỉ chú trọng đến sự phát triển của các đô thị, của các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu, và đương nhiên là đến quá trình toàn cầu hoá.
Năm 2004, người ta được thống kê cho biết rằng số dân nghèo đến mức tối đa (tính theo tiêu chuẩn: dưới 75USD/người/năm), lần đầu tiên đã tăng lên sau 25 năm, và đa số những người này là nông dân.
Một vài thí dụ cho thấy sự nghèo khổ tột cùng của họ. Một cậu học sinh trung học ở một huyện lị kia, vì không có tiền để trả tiền học, đã lao mình xuống gầm xe lửa tự tử. Trước đó một hôm, ông đốc trường đã không cho phép cậu thi lên lớp, và bảo rằng : « Không có tiền, không được học ».
Vào mùa xuân năm 2005, đã nổ ra những vụ tranh giành đất đai giữa nông dân và các quan chức địa phương, cũng như đã có những cuộc biểu tình của nông dân chống việc các nhà hữu trách đã để cho các chất thải công nghiệp làm ô nhiễm môi trường của mình.
Như vậy, là sau một thời gian ngắn ngủi, làm ăn bắt đầu khấm khá trở lại vào những năm 80, tình hình nông thôn lại một lần nữa xuống cấp : thuế má ngày càng nhiều, chi phí sản xuất tăng, học phí cho con cái tăng, các dịch vụ y tế thiếu thốn, môi trường bị ô nhiễm, nạn thất nghiệp tràn lan.
Nếu kể cả những dịch vụ mà người dân đô thị còn được hưởng thêm, thì thu nhập của người dân đô thị bằng sáu lần thu nhập của người dân nông thôn. Khoảng hơn 10% nông dân sống với non 625 nhân dân tệ mỗi năm (62Euro/năm). Mức sống này còn kém hơn cả mức sống bần cùng nhất, theo tiêu chuẩn quốc tế. 11% dân số Trung Quốc thiếu ăn, trong số đó đa số là nông dân.
Hố sâu giữa đô thị và nông thôn ngày càng lớn. Nếu kể cả những dịch vụ mà người dân đô thị còn được hưởng thêm, thì thu nhập của người dân đô thị bằng sáu lần thu nhập của người dân nông thôn. Khoảng hơn 10% nông dân sống với non 625 nhân dân tệ mỗi năm (62Euro/năm). Mức sống này còn kém hơn cả mức sống bần cùng nhất, theo tiêu chuẩn quốc tế. 11% dân số Trung Quốc thiếu ăn, trong số đó đa số là nông dân.
Nếu tính theo tiêu chuẩn đầu người, mỗi nông dân phải có được 0,66 ha đất nông nghiệp mới có thể làm ăn sinh sống được ở nông thôn. Con tính đơn giản này cho thấy nông thôn Trung Quốc thừa 170 triệu người. Thừa người ở nông thôn, thì người ta chỉ còn cách kéo nhau lên thành thị làm dân công.
Dân công không phải là một người vừa là nông dân, vừa là công nhân. Họ không là gì cụ thể cả. Họ không phải là nông dân, mà cũng không phải là công nhân. Họ làm công nhật,  không có hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội, hôm trước hôm sau có thể bị đuổi, mà không kêu ca được với ai. Họ bị cấm không được phép làm một số nghề (danh sách các nghề bị cấm năm 1996, tại Bắc Kinh, là 15 nghề, đến năm 2000 con số này lên tới hơn 100) . Một ngày lao động của họ có khi là 10, 12 tiếng , có khi là 15 tiếng. Họ không có quyền hưởng luật lao động. Một dân công muốn có được một chỗ làm việc, phải « mua » các giấy tờ, thủ tục hành chính, với giá 640 nhân dân tệ, bằng 2 tháng lương. Chế độ « hộ khẩu » được áp dụng chặt chẽ đối với họ.
Mặc dầu vậy, với giá nhân công rẻ mạt, họ đã « được » khai thác có hiệu quả trong các ngành công nghệ xuất khẩu, nơi mà TQ phá kỷ lục về giá thành sản phẩm.
Dân công  là những người bị đánh thuế nhiều nhất và cũng là những người bị khinh rẻ nhất ở các đô thị. Một cặp vợ chồng dân công, lương tháng mỗi người khoảng 800 nhân dân tệ (80Eu ro), phải trả mỗi tam cá nguyệt 400 nhân dân tệ (40Euro) cho trường học của đứa con, nhiều hơn cả những người dân thành phố cư ngụ tại chỗ.
Dân công  là những người bị đánh thuế nhiều nhất và cũng là những người bị khinh rẻ nhất ở các đô thị. Một cặp vợ chồng dân công, lương tháng mỗi người khoảng 800nhân dân tệ (80Euro), phải trả mỗi tam cá nguyệt 400 nhân dân tệ (40Euro) cho trường học của đứa con, nhiều hơn cả những người dân thành phố cư ngụ tại chỗ.
Nhà nước TQ dự kiến, trong vòng 20 năm,  giảm số nông dân xuống chỉ còn 30% số người lao động của cả nước. Dự kiến này xem ra không thực tế lắm, vì nếu như vậy thì phải chấp nhận hàng năm sẽ có tới 26 triệu nông dân kéo nhau lên thành thị sinh sống, trong khi lúc này chỉ có từ 10 đến 13 triệu. Dẫu sao, dòng thác dân công – mà người ta ước lượng khoảng từ 150 đến 200 triệu - vẫn sẽ đổ vào các thành thị, và giá nhân công nhờ đó sẽ giữ được ngày một rẻ.
Không những nông thôn thiếu đất trồng trọt, mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp lại bởi những xí nghiệp, nhà máy, được di dời về đây. Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia ô nhiễm nhất thế giới. 190 triệu nông dân sống trong một môi trường không lành mạnh, nước sông, nước hồ phần lớn đều bị ô nhiễm.

3/ Số phận của những người nữ dân công
Ở Trung Quốc, những nơi phải sắp xếp, tổ chức lại các xí nghiệp quốc doanh bị dẹp bỏ, phụ nữ là những người đầu tiên bị sa thải hoặc di chuyển. Trong các ngành kỹ nghệ, điều kiện làm việc của những người nữ dân công còn tồi tệ hơn là của nam dân công nhiều. Không lấy gì làm lạ, là sau một thời gian, một số không nhỏ các nữ dân công đã phải bỏ đi làm gái điếm.
Hiện tượng mãi dâm của các cô gái từ nông thôn lên thành thị , từ hơn 20 năm nay, đã trở nên một hiện tượng bình thường dưới mắt mọi người. Phần lớn các cô này đều đã trải qua một thời kỳ làm dân công. Quan hệ tình dục đã trở thành hàng hoá trao đổi, hoàn toàn phù hợp với tâm thức coi đồng tiền là quyền lực tối cao, coi cuộc đời là tiêu xài, hưởng thụ, con người là hoàn toàn vô trách nhiệm đối với xã hội.
Nhiều người - trong đó có những khách du lịch rất nhiệt tình và hồ hởi – khi được viếng thăm các thành phố Trung Quốc, theo các tuyến « tua », cứ ngỡ rằng những biến đổi về mặt xã hội ở những nơi này cũng là những biến đổi chung cho cả đất nước Trung Hoa. Thật ra, không phải thế. Đó chỉ là cái mặt tiền.
Cuộc sống ở đô thị có thay đổi thật, người phụ nữ có được nhiều điều kiện thuận lợi hơn để học hành và làm việc, nhưng Trung Quốc chủ yếu vẫn là một nước nông nghiệp. Ở những vùng trung tâm, như Hồ Nam, An Huy, v.v., nông thôn vẫn không mấy thay đổi. Vẫn những cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn, cô dâu về nhà chồng rồi, liền bị cắt đứt liên hệ với gia đình nhà mình. Vẫn những vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em giữa vùng này và vùng khác. Vẫn cái truyền thống «  trọng con trai, khinh con gái ». Chính sách giới hạn « một con » của Nhà nước, khiến cho các cặp vợ chồng phải chọn lựa. Trên 7 triệu trường hợp phá thai mỗi năm, 70% là thai con gái. Vai trò của người mẹ, người vợ, trong nhiều gia đình nông dân đôi khi chỉ dừng lại ở vai trò của người hầu, người ở. Từ những năm 80, sau khi chế độ hợp tác xã bị dẹp bỏ, trở lại phương thức canh tác kiểu gia đình, vai trò của người phụ nữ lại càng bị chèn ép. Bắt đầu từ năm 1990, sự xuống cấp của các khâu giáo dục và y tế ở nông thôn càng làm cho họ bị thiệt thòi. Do sự phân biệt chọn lựa vì quyền lợi kinh tế giữa con trai và con gái, tỷ lệ thất học về phía nữ là 23% năm 1997 (49% năm 1982) ; về phía nam là 9% (21% năm 1982).
Chính sách kinh tế của Nhà nước đối với nông thôn, cộng với các hủ tục còn tồn tại ở đây đối với người phụ nữ, khiến cho họ lâm vào một hoàn cảnh tuyệt vọng. Hiện nay, tỷ lệ tự tử của phụ nữ Trung Hoa thuộc vào hàng cao nhất thế giới.   
Chính sách kinh tế của Nhà nước đối với nông thôn, cộng với các hủ tục còn tồn tại ở đây đối với người phụ nữ, khiến cho họ lâm vào một hoàn cảnh tuyệt vọng. Hiện nay, tỷ lệ tự tử của phụ nữ Trung Hoa thuộc vào hàng cao nhất thế giới.   

4/ Giáo dục bị « hy sinh » cho kinh tế
Ở thời đại ngày nay, biết đọc, biết viết không đủ, còn phải biết đôi chút khái niệm khoa học kỹ thuật, phải biết sinh ngữ, để có thể tiếp thu được những công nghệ nhập từ nước ngoài, v.v. Trên thực tế, nhà nước Trung Quốc đã không thực sự quan tâm đến vấn đề này. Năm 2003, ngân quỹ dành cho giáo dục chỉ chiếm có 3,8% tổng sản lượng công nghiệp.
Ngay từ 1999, tại một Hội nghị của Bộ Giáo dục, một chủ trương đă được đề ra, là khuyến khích các gia đình tăng thêm ngân quỹ cho việc giáo dục con cái. Ý đồ là đi đến việc tư lập hoá các trường học. Ở các vùng nông thôn nghèo, các khoản chi phí cho việc học của con cái đối với các bậc cha mẹ lại càng lớn. Cũng bởi vì chỉ có 23% ngân sách giáo dục của nhà nước dành cho nông thôn, nơi có 2/3 dân số của cả nước, cho nên gánh nặng về mặt tài chính đổ cả lên đầu các bậc cha mẹ, mà đại bộ phận là nông dân nghèo khổ.
Chỉ có 23% ngân sách giáo dục của Nhà nước dành cho nông thôn, nơi có 2/3 dân số của cả nước, cho nên gánh nặng về mặt tài chính đổ cả lên đầu các bậc cha mẹ, mà đại bộ phận là nông dân nghèo khổ.
Trong một công trình nghiên cứu về gia đình người nông dân, Isabelle Attané, thuộc Trung tâm nghiên cứu dân số,  viết : « Trong một hệ thống giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế nhiều hơn là nhu cầu xã hội, thì những người dân nghèo khổ nhất, những người không được hưởng thụ những thành quả của sự phát triển, phải trả giá đắt nhất ».
Chính sách của Nhà nước về giáo dục như vậy đã ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng cách về trình độ văn hoá ngày càng xa giữa thành thị và nông thôn (mức sống ở thành thị hiện nay cao gấp 6 lần mức sống ở nông thôn), cũng như giữa con trai và con gái (nạn thất học chiếm 6,6% giới trẻ ở nông thôn, trong đó có 3,6% là con trai, 10% là con gái).
 Điều đáng lo ngại nhất, là giáo dục vốn được coi là một công cụ có khả năng đưa tầng lớp nông dân thoát khỏi nạn nghèo đói, thì nay lại không tới được với họ nữa. Theo Philippe Cohen và Luc Richard, họ vẫn chỉ là một kho dự trữ nhân công rẻ tiền- một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra những sản phẩm mới, rẻ, dễ cạnh tranh, dễ kiếm lời trên thị trường toàn cầu hoá.

5/ Khó khăn trong việc áp dụng luật pháp
Điều mà các nhà lãnh đạo TQ phải lo thực hiện trước tiên, là làm sao áp dụng được luật pháp, nói chung, trên đất nước mình ! Trong mọi lãnh vực, từ kinh tế, lao động, đến môi trường, có luật pháp là một chuyện (mặc dầu đôi khi luật pháp cũng còn rất mù mờ), nhưng áp dụng nó lại là một chuyện khác.
Chỉ cần lấy một thí dụ : công nghệ làm hàng lậu quy mô quốc tế, chẳng hạn. Người ta cho rằng hiện tượng này chỉ có thể xảy ra với sự tham gia trực tiếp hay gián tiếp của những quan chức địa phương mà thôi.
Các luật lao động thông thường cũng không áp dụng được giữa chủ và thợ, vì luôn luôn có sự can thiệp của chính quyền địa phương bênh vực quyền lợi của ngườI chủ, kẻ có tiền. Lương lậu của thợ thuyền, đặc biệt là của những người dân công, luôn luôn bị trả chậm.
Nhìn chung, ít nhất một nửa số nhân công làm việc trong các xí nghiệp ở quy mô quốc gia, không được hưởng luật pháp. Tại sao lại có tình trạng như vậy ? Đơn giản chỉ vì, nếu tất cả các xí nghiệp áp dụng luật lao động, thì Trung Quốc sẽ mất đi con chủ bài (nhân công rẻ) để cạnh tranh trên thị trường.
Trong lãnh vực môi trường cũng vậy. Sự áp dụng khe khắt các luật lệ về môi trường sẽ động chạm đến các quyền lợi kinh tế. Do đó, luật pháp trong lãnh vực này cũng được để lỏng lẻo, và tuỳ ở các cơ quan hữu trách địa phương có muốn áp dụng hay không. Trường hợp ô nhiễm ở sông Hoài, vùng Hồ Nam, An Huy, là một thí dụ điển hình. Năm 1994, chính quyền Trung ương hạ lệnh làm sạch con sông này, vì cả một vùng dân cư gồm 160 triệu dân bị ô nhiễm. Trên giấy tờ, hàng nghìn xưởng máy bị đóng cửa, di chuyển, hoặc cải tạo theo đúng các tiêu chuẩn, quy phạm. 60 tỉ nhân dân tệ đã được chi ra cho công việc này, nhưng cho đến nay con sông Hoài vẫn bị ô nhiễm hơn bao giờ hết. Đối với chính quyền, thì vấn đề như vậy là đã giải quyết xong rồi : sổ tiền 60 tỉ nhân dân tệ (6 tỉ Euro) đã được chi ra, và vấn đề đã được xoá sổ.
***
Tác phẩm của Philippe Cohen và Luc Richard còn đề cập đến nhiều vấn đề khác nữa, liên quan đến tác hại của mô hình phát triển của Trung Quốc lên nền kinh tế toàn cầu. Song vì giới hạn của bài viết, chúng tôi đã chỉ tập trung trình bày những nhân chứng và nhận xét của các tác giả trên những vấn đề mà chúng tôi cho là liên quan trực tiếp đến Việt Nam, để chúng ta cùng suy nghĩ.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Chợ Tây giữa Thủ đô

Ngày Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Chợ Tây giữa Thủ đô
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Chợ Tây giữa Thủ đô
 
Trong lòng Thủ đô Hà Nội, lâu nay đã hiện hữu một cái chợ, họp duy nhất một phiên trong tuần, vào thứ bảy. Chợ mở lúc 9h30 phút sáng và kết thúc vào 12h30, trên địa bàn quận Tây Hồ, thu hút khá nhiều khách Tây sống ở Hà Nội và các vùng phụ cận, nhất là ở các phường: Quảng Bá, Quảng An, Nhật Tân, Nghi Tàm…
Đây có lẽ cũng là chợ duy nhất của Thủ đô mà khách đến không mất phí gửi xe. Phương tiện của khách đến, được thành viên trong chợ chỉ dẫn chỗ đỗ, để rất gọn gàng. Cũng chẳng lo chuyện trộm cắp, nếu là ô tô chỉ cần đóng cửa, xe máy thì thêm động tác khóa cổ, còn xe đạp thì… cứ việc để đấy.

Phiên chợ đặc biệt
Xưa nay, người ta đã quen và đã biết đến các chợ đặc biệt như: Chợ một phiên, "chợ nhẩy", "chợ cách" và "chợ thụt lùi" nằm ở các khu vực biên giới phía Bắc. Các chợ này ra đời do điều kiện địa lý cũng như tập quán sinh hoạt của các dân tộc thiểu số. Hà Nội là chốn kinh kỳ, đô hội, lại do yếu tố gấp gáp về cuộc sống của nền kinh tế mở nên hầu như các chợ có mặt trên địa bàn đều nhóm họp suốt ngày.

Chợ đặc biệt thu hút nhiều ‘thương gia” người nước ngoài.
Thế nhưng, cái nét quen của chợ ấy dường như lại chưa đúng với chợ Tây này. Nằm bên con đường mang tên cố họa sỹ tài hoa Tô Ngọc Vân, qua mấy ngõ cua quanh, khá vắng lặng, rợp đầy cây xanh, chợ tuần một phiên này nhóm họp khá ồn ào và tấp nập. Chợ mở lúc 9h30 phút sáng và nhanh chóng kết thúc vào 12h30. Họp một phiên duy nhất trong tuần, lại chỉ diễn ra trong vòng có 3 tiếng nên sự "dồn nén" của chợ nổi bật hơn bao giờ hết. Từ sáng, khách vào chợ chủ yếu là người nước ngoài. Họ tận dụng tất cả các phương tiện giao thông để đến chợ. Người ở xa đi ô tô riêng, taxi, xe máy, người ở gần đi xe đạp, đi bộ.

Đây có lẽ cũng là chợ duy nhất của Thủ đô mà khách đến không mất phí gửi xe. Phương tiện của khách đến, được thành viên trong chợ chỉ dẫn chỗ đỗ, để rất gọn gàng. Cũng chẳng lo chuyện trộm cắp, nếu là ô tô chỉ cần đóng cửa, xe máy thì thêm động tác khóa cổ, còn xe đạp thì… cứ việc để đấy.

Thương gia kinh doanh ở chợ cũng có nét khác biệt. Ngoài người Việt, chợ còn thu hút các thương gia người nước ngoài. Đặc biệt, mua bán ở đây không phải mà cả vì hàng hóa được bày bán đều được ghi nguồn gốc, có niêm yết giá. Khách cần mua thứ gì, chỉ cần nhặt, cân rồi cho vào túi mang về mà không sợ bị cân điêu, bị "vặt" giá, bị "chém" vì sự ngờ nghệch của mình.

Ấn tượng về phiên chợ "sạch"
Với một không gian khá khiêm tốn, khoảng 300m2, nhưng mọi quầy bán hàng đều được sắp đặt ngăn nắp và khoa học. Ngoài các thực phẩm chín như gà quay, vịt quay, patê, xúc xích… hoa quả tươi, rau xanh thì còn là sách, đồ chơi cho trẻ em.

Ngoài các loại thực phẩm được bày bán, ấn tượng nhất với khách là khu bán hàng có tên Little Tigers (Những chú hổ con). Đây là chỗ bán hàng do một nhóm phụ nữ nước ngoài tại Hà Nội xây dựng nên, với mục đích phi lợi nhuận. Hoạt động kinh doanh của họ chủ yếu là bán các đồ hàng đã qua sử dụng để góp quỹ từ thiện, ủng hộ trẻ em mồ côi, khuyết tật. Hàng hóa bán ở quầy hàng thuộc diện này giá cũng rất rẻ. Không chỉ đến mua, khách đi chợ, cả khách Tây và ta, nếu là khách quen, trước khi đi chợ đều chủ tâm mang đến một món đồ còn sử dụng được để quyên góp cho gian hàng Những chú hổ con. Đó có thể là một cuốn sách, bộ quần áo cũ của bé con, hay một món đồ chơi nào đó. Tất cả đều được tiếp nhận, bày bán và nguồn thu này sẽ được đưa vào "nhật ký bán hàng", sử dụng một cách minh bạch và phù hợp với điều lệ của tổ chức từ thiện.
Anh Tây này đang chăm chú giới thiệu sản phẩm của mình.

Không chỉ "nổi tiếng" về thời gian nhóm họp hết sức đặc biệt mà phiên chợ này còn đang được coi là "phiên chợ sạch" theo rất nhiều ý nghĩa của nó. Ngoài việc "sạch sẽ" vì không bị thu tiền phương tiện, chợ còn nổi tiếng về cái sự "sạch" bằng những nụ cười của nhân viên bán hàng. Dù là đến chợ chơi, tìm hiểu, hay chỉ để xem giá đều được đối đãi nồng nhiệt. Chợ chỉ có tiếng cười vui giữa người bán và người mua, thân thiện vô cùng.

Không chỉ đẹp về hành vi, cách ứng xử mà phiên chợ này còn ngày càng thu hút khách bằng việc bán các mặt hàng sạch. Hàng hóa được bày bán ở đây đều có nguồn gốc và đều do các cơ sở có uy tín, được cấp chứng chỉ cung cấp. Nếu những điều trên không làm vừa lòng khách hàng, người bán sẽ "củng cố niềm tin" bằng việc thử ngay thứ sản phẩm mà bạn cần mua ấy. Rau xanh có nhiễm bẩn, có dư thừa kháng sinh, thịt các loại có nhiễm gì không… mọi thắc mắc của bạn sẽ được trả lời ngay tại chỗ.

Sẽ mở thêm chợ mới
Chị Phan Kim Nga, người thành phố Hồ Chí Minh, đã có trên 10 năm "di cư" ra Hà Nội cho biết: Chợ được "khai sinh" từ ý tưởng của Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi thú y châu Á. Hiện nay chợ đã thu hút trên 20 quầy hàng. Trong số này, có rất nhiều quầy hàng của một số công ty bán sản phẩm để tài trợ cho một quỹ nào đó, tập trung nhất vẫn là các quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi và trẻ em khuyết tật.

Với những nét hết sức "độc đáo" và khác với những phiên chợ Việt đã thấy, phiên chợ này đang thu hút nhiều người tìm đến. Sắp tới, theo tâm nguyện của những thành viên tham gia sáng lập, với những thành công ban đầu, họ sẽ tiếp tục khảo sát để mở thêm một phiên chợ như thế này ở khu vực Trung Hòa - Nhân Chính. Ngoài việc tiếp tục nhân rộng, cung cấp cho khách hàng các loại sản phẩm tiêu dùng an toàn nhất thì cái cơ bản nhất là họ hy vọng sẽ có nhiều công ty, cá nhân khác tham gia vào việc bán hàng, gây quỹ từ thiện từ hiệu quả của các phiên chợ đặc biệt này.
(Theo Hà Nội mới)

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Trung Quốc muốn gì?

Ngày Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Trung Quốc muốn gì?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Bản dịch của viet-studies:
Trung Quốc muốn gì?
(phỏng dịch bài "What does China Want?"
Wilson Quarterly, Mùa thu 2005)

Ross Terrill 
Đại học Harvard, Mỹ
 
Khi Trung Quốc lần đầu tiên làm Mỹ tò mò vào cuối thế kỷ 18, chúng ta muốn trà và lụa của họ. Các nhà truyền giáo Mỹ và các thương nhân đến Quảng Châu và các cảng khác chẳng bận tâm nghĩ xem Trung Quốc có thể muốn gì ở chúng ta - chỉ là phúc âm Kitô giáo, đồ tiêu dùng lặt vặt và thuốc lá, dường như họ cho là như vậy. Trong nhiều năm kể từ khi ấy đến nay, người Mỹ ít có dịp để cân nhắc lại câu hỏi này. Khuôn mẫu lịch sử là nước Mỹ ảnh hưởng đến Trung Quốc, và động lực không ngang bằng đó đạt đến cao điểm trong liên minh với chính phủ Quốc Dân Đảng khập khễnh của Tưởng Giới Thạch chống các cường quốc phát xít trong Thế Chiến thứ II. Trong những năm 1940, người ta nghĩ rằng ước vọng Trung Quốc chỉ đơn giản là hồi phục từ ách chiếm đóng của Nhật, nghèo đói, mất đoàn kết, và tham nhũng.

Khi "Trung Quốc của chúng ta" (chính quyền Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch) bị tan thành khói vào cuối thập niên 1940, và những người Cộng Sản chiếm lấy Bắc Kinh, thì Trung Quốc trở thành một Kẻ Khác. Trong những năm gay gắt sau chiến thắng của Mao Trạch Đông vào năm 1949, Trung Quốc đã vượt ra ngoài vùng ảnh hưởng của chúng ta.  Nhưng chúng ta vẫn biết Trung Quốc muốn gì:  Mao đã cảnh báo rằng ông sẽ "nghiêng về một phía," và ngay sau đó ông ta tuyên bố, "Liên Xô hôm nay là ngày mai của Trung Quốc." Chúng ta là “bọn đế quốc”, và Mao chống lại chúng ta.
Sau khi Moscow và Bắc Kinh xích mích vào đầu những năm 1960 và chiến tranh Việt Nam leo thang sau đó trong cùng thập kỷ, thì những mong muốn của Trung Quốc trở nên phức tạp hơn. Trong cái gọi là Cách mạng Văn hóa của những năm 1960, những lĩnh vực Mao Trạch Đông quan tâm có vẻ phi lý đối với Mỹ, cũng như đối với Moscow và hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vào năm 1971 Bắc Kinh cho Tổng thống Richard Nixon thấy là họ muốn nghiêng về phía Mỹ để giúp một nước Mỹ mà họ cho là yếu đi đối trọng với sự nổi lên của Liên Xô.
Ngày nay, một lần nữa, các mục tiêu của Trung Quốc trở nên khó nhận ra, nhưng sự hiểu biết các mục tiêu này lại bức xúc hơn bao giờ hết. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 và sự lan tràn của dân chủ trên khắp thế giới, Trung Quốc là một hiện tượng khó hiểu: thành công kinh tế dưới một chế độ cộng sản. Thế giới biết rõ Hoa Kỳ bênh vực cái gì: đó là thị trường tự do và dân chủ ở bất cứ nơi nào có thể. Và cũng biết Osama bin Laden muốn cái gì: đó là sự khôi phục thần quyền của các giáo chủ đạo Hồi. Mục tiêu của Trung Quốc thì không rõ ràng như thế. Người Trung Quốc nghĩ đến tiền, trong thời hậu Mao, hậu Liên Xô, muốn gì? Câu hỏi này làm nhiều người Mỹ thắc mắc  ̶  và âu lo.
Mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc đã lên cao trong những năm qua, Bắc Kinh vẫn còn xu hướng cư xử theo kiểu phản ứng, thay vì theo đuổi những mục tiêu rõ rệt, ngoài biên giới của họ. (Nhấn mạnh của người dịch: Bài này được xuất nản năm 2005.) Điều này làm một số người an lòng, họ cho rằng Trung Quốc là một cường quốc thận trọng, thậm chí bảo thủ. Và, trong mức độ nào đó, quốc gia ấy quả là vậy. Song đấy không phải là trọn câu chuyện. Thật ra, Bắc Kinh chỉ cư xử kiểu phòng thủ trong ba khía cạnh cơ bản: Một là, họ tự thấy mình như đang hồi phục từ tình trạng lạc hậu kinh tế; hai là, họ đối phó, trong sự nản lòng thầm lặng, với sự yếu đuối của họ so với sức mạnh của Mỹ, và ba là, họ tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế chỉ với mục đích hạn hẹp là để ngăn ngừa chương trình nghị sự của các tổ chức này gây phiền toái cho Trung Quốc. Cách hành xử phòng thủ này có thể cho ấn tượng rằng Bắc Kinh có sự lưỡng lự: liệu nên tìm cách trở về vị trí đứng đầu châu Á như thời đế quốc trước đây, thuở "Vương quốc Trung tâm", hoặc nên tham gia cái mà những người không phải Trung Quốc gọi là "cộng đồng quốc tế."  Tất nhiên, có thể chỉ đơn giản là Trung Quốc đang chơi trò chờ thời, che giấu những ý đồ mà hiện nay dường như quá khó thực hiện.
Không giống như Mỹ hay tuyên bố ầm ĩ các mục tiêu của họ, Trung Quốc có vẻ muốn giữ các ý định của họ trong bọc kín. Nếu bạn đọc các bài phát biểu của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cũng là lãnh đạo Đảng Cộng sản và là người đứng đầu quân đội, hoặc những phát biểu của người tiền nhiệm của ông là Giang Trạch Dân, thì "hòa bình và phát triển" dường như là mục tiêu của chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Cụm từ này đưa thông tin nhưng cũng đánh lạc hướng. Hòa bình và phát triển là phương tiện chứ không phải là cứu cánh cho chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Nói rằng chúng là mục tiêu của Trung Quốc thì cũng như nói rằng mục tiêu ngày mai của Hồ Cẩm Đào là sẽ mặc quần và đánh răng.
Trong thế giới ngày nay, Trung Quốc là khác thường vì họ vừa một phần là đế chế và một phần là quốc gia hiện đại. Một nhà nước đảng trị theo chủ nghĩa Mác-Lênin hiện đại hóa đã được thiết lập trên một truyền thống cai trị thành công rất lâu đời và tinh thần đế quốc nằm trong truyền thống ấy. Đặc tính này kéo dài đế chế chuyên quyền vào một kỷ nguyên mà các đế chế thường là đa quốc gia. Đáng kinh ngạc là Cộng sản Trung Quốc thừa kế biên giới của đế chế nhà Thanh vào thời điểm cực đại, bao gồm Tây Tạng, nam Mông Cổ, và tây Hồi có thời từng là Đông Turkestan. Song, một Trung Quốc hiện đại hóa đang bị giằng co: Nên tiếp tục đế chế vì vinh quang của Trung Quốc? Hay là theo một nền chính trị hậu đế quốc tự nhiên nảy sinh từ xã hội và nền kinh tế mới như hình ảnh của Thượng Hải, Quảng Châu, và Bắc Kinh hiện nay?
Lực thúc đẩy chuyển hóa Vương quốc Trung tâm ngày xưa thành một bá quyền không dựa trên đạo lý Nho giáo nhưng trên quyền lực kinh tế, là vẫn còn, nhưng gặp hai lực phản. Một là, đến một lúc nào đó, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước về kinh tế và văn hóa trên thế giới sẽ đụng đến tác phong gia trưởng chính trị. Hai là, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, và các cường quốc khác có thể sẽ không cho phép có một tân-Vương quốc Trung tâm như thế.
Vì Trung Quốc là một nhà nước độc tài, ta không thể biết người dân Trung Quốc muốn gì. Ta lại càng khó định hướng tương lai nền văn minh Trung Quốc, chẳng hạn khó thể nói rằng nó sẽ "đụng độ" với đạo Hồi hoặc với nền văn minh phương Tây hay không. Chúng ta có thể trả lời câu hỏi về các mục tiêu của Trung Quốc chỉ dựa theo các hành động của nhà nước độc đảng Bắc Kinh hiện nay. Chín ông “kỹ sư” làm nên Uỷ ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tìm kiếm điều gì cho Trung Quốc? Chúng ta có thể nhận ra sáu mục tiêu trong hành động của họ.


 
Trung Quốc theo đuổi một chính sách đối ngoại nhằm tối đa hóa sự ổn định trong nước. Điều này cũng đúng với nhiều quốc gia khác, nhưng với Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) thì sâu đậm hơn. Bắc Kinh hậu-1949 ít khi xem việc kiểm soát nhân dân của họ là việc dễ dàng, cũng như việc này đã không đuợc coi là dễ dàng bởi các nhà cầm quyền Trung Quốc qua 150 năm bị nước ngoài chèn ép và những khó khăn trong nước đánh dấu sự suy tàn của triều đại nhà Thanh. Từ buổi đầu của CHNDTQ cho đến nay, Bắc Kinh luôn cảnh giác việc bị mất khả năng kiểm soát các vùng xa xôi.
Ba tỉnh lớn nhất của Trung Quốc, Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông về mặt lịch sử không phải lãnh thổ Trung Quốc, và người dân địa phương ở đó khác biệt về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, và cách sống điển hình so với người Hán. Đối phó với các nhóm dân thiểu số có thể thích độc lập hơn là thích bị Trung Quốc thống trị đã khiến Bắc Kinh phải dùng đến các biện pháp nửa thực dân. Ở Tây Tạng, giáo dục đại học chỉ dành cho các những ai nói tiếng Hoa, cả vùng phía tây rộng lớn của Trung Quốc đều theo giờ Bắc Kinh, và dân số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Tân Cương đã được cố ý làm loãng ra bằng biện pháp nhập cư nội bộ của Trung Quốc, đó chỉ là vài ví dụ. Ngoài ra, luận điệu của ĐCSTQ như là nguồn mạch của sự thật cũng như của quyền lực tạo ra nhiều khu vực cấm tinh thần phải được theo dõi sát. Bất kỳ khác biệt nào về triết lý cũng bị xem, có hoặc không có biện minh, như là một mối đe dọa chính trị đối với ĐCSTQ. Chế độ này tin bạn với tiền của bạn chứ không tin bạn với đầu óc của bạn.
Năm 1998, trong một chuyến thăm Nhật Bản, Giang Trạch Dân đã đọc 20 bài diễn văn gây sửng sốt về Thế Chiến thứ II. Trưởng thư ký nội các Nhật Bản cuối cùng đã nản lòng mà nói rằng "chẳng phải những lỗi lầm ấy đều đã ở sau lưng chúng ta rồi sao?". Nhưng tội lỗi của Nhật Bản trong quá khứ sẽ không bao giờ "ở đàng sau chúng ta" cả, khi nào mà nhà nước đế quốc ở Bắc Kinh còn cảm thấy nhu cầu chứng tỏ sự chính đáng của họ với người dân Trung Quốc bằng cách hét to “bọn quân phiệt Nhật!”.  Những bất an kiểu này định hình chính sách ngọai giao của Trung Quốc. Vì vậy, những giao dịch với Nam Á là nhằm mục đích làm suy yếu mối liên kết giữa Tây Tạng và chính phủ Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ --  tương tự, nhiều giao dịch với Trung Á là nhằm làm giảm hy vọng ly khai của người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Tân Cương. Cũng chính mục tiêu kiểm sóat trong nước đã chi phối chính sách của Trung Quốc đối với Mông Cổ, Hàn Quốc, Thái Lan và các nước láng giềng khác. Tóm lại, CHNDTQ là một bán đế chế đa dạng, với nhiều cư dân có các liên hệ chủng tộc, tôn giáo, hoặc lịch sử với các dân tộc nằm ngay bên kia biên giới của Trung Quốc. Và CHNDTQ là một chế độ chuyên chế mà, dường như để đối phó với những ác mộng mà họ gây cho họ, cư xử giống như những người cai trị sợ hãi người dân của chính họ.
Như thế, mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là sự ổn định nội bộ.
Mục tiêu thứ hai của chính sách ngọai giao của Bắc Kinh là duy trì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Khi chủ nghĩa Mác phai nhạt dần và không có triết lý công cộng chính thức nào thay thế nó thì một mức sống được nâng cao và niềm tự hào quốc gia đã chính đáng hóa một chế độ không bao giờ phải đối mặt với bầu cử. Những thành tựu kinh tế trong phần tư thế kỷ kể từ khi Đặng Tiểu Bình cầm quyền lãnh đạo trong thời kỳ hậu-Mao chắc chắn là đáng được giữ gìn. Nền kinh tế đã tăng gấp bốn lần về kích cỡ, và tốc độ tăng trưởng hàng năm của nó vẫn tiếp tục ở mức 8-9% (theo số liệu của chính phủ). Ngọai thương nói chung đã tăng gấp 10; gần đây, khối lượng giao thương với nước ngoài đã tăng lên 25% mỗi năm. Sự tăng trưởng kinh tế hậu-Mao được đẩy mạnh bởi vốn nước ngoài, và các khu vực đô thị ven biển được hưởng lợi nhiều nhất từ thương mại, công nghệ và kỹ năng quản lý mà đầu tư này gây ra. Nông dân đã khá hơn trong những đợt cải cách đầu tiên, nhưng sau đó thì đã bị tụt lại phía sau cư dân thành phố một cách thê thảm, chỉ vào khoảng 15% trong số họ hưởng được những thứ thường có trong cuộc sống tầng lớp trung lưu hiện đại: điện thoại di động, truy cập internet, xe hơi, sở hữu nhà, và các du lịch ở nước ngòai.
Bắc Kinh đang cẩn thận họach định một chính sách đối ngọai để duy trì tăng trưởng kinh tế, nhằm bảo tòan tính chính đáng của chế độ. Do đó, Trung Quốc đã phải chấp nhận các đòi hỏi khắt khe của Mỹ và những nước khác khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, cũng do đó mà Trung Quốc có những hành động tung hứng tương đối minh bạch về tỉ giá giữa nhân dân tệ và đô la, và cũng do đó có sự kềm chế của Trung Quốc trong tháng sáu vừa qua khi Úc cho phép một nhà ngoại giao đào thoát của Trung Quốc được quy chế thường trú tại Úc. (Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào khí thiên nhiên hóa lỏng, than đá, và quặng sắt của Úc.) Chắc chắn một phần để tránh thiệt hại cho các khối lượng xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc sang thị trường Mỹ mà Bắc Kinh đã đình chỉ các vụ thử tên lửa khiêu khích tổ chức ngoài bờ biển của Đài Loan nhằm biểu lộ sự không hài lòng của mình với một ứng cử viên ủng hộ độc lập trong cuộc bầu cử tổng thống của hòn đảo này năm1996. (Tổng thống Bill Clinton đã phái hai tàu sân bay đến vùng lân cận.) Và vào năm 2001, sau một vụ va chạm giữa các máy bay quân sự của Mỹ và của Trung Quốc gần đảo Hải Nam, Bắc Kinh đột ngột ngưng những lời to tiếng "chống bá quyền" ban đầu của họ và trao trả toàn bộ nhân viên phi hành Mỹ - một lần nữa để bảo vệ mối quan hệ song phương cốt lõi cần cho việc đẩy mạnh hiện đại hóa kinh tế của Trung Quốc.
Mục tiêu thứ ba của chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là duy trì một môi trường hòa bình trong vị trí địa lý phức tạp của Trung Quốc. CHNDTQ là nước duy nhất trên thế giới phải đối phó với 14 nước láng giềng tiếp giáp, bảy trong số đó chia sẻ đường biên giới dài hơn 600 dặm, và bốn nước khác gần bên bờ biển quá dài của Trung Quốc. Trong 30 năm đầu của chế độ, CHNDTQ đã tiến hành chiến tranh với tất cả năm nước cạnh bên sườn của họ. Trong chiến tranh Triều Tiên, họ phải chịu thiệt hại với hơn một triệu thương vong. Trung Quốc đã đánh nhau với Ấn Độ vào năm 1959 và 1962. Họ đã gửi 320.000 cán bộ kỹ thuật và bộ đội phòng không giúp Hồ Chí Minh giành chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam. Năm 1969, hai nước xem là xã hội chủ nghĩa anh em là Moscow và Bắc Kinh đã vung kiếm đánh nhau ở sông Amur và Ussuri phía đông bắc. Trong năm 1979, Trung Quốc của  Đặng Tiểu Bình tấn công Việt Nam để "dạy cho Hà Nội một bài học."
Đáng khen cho Trung Quốc và đáng làm cho các nước châu Á nhẹ nhỏm, vào những năm 1980 Bắc Kinh đã theo đuổi một chính sách đối ngoại mới của "những nụ cười về mọi phía", đuợc gọi là một "chính sách hòa bình và độc lập." Không tiến hành thêm chiến tranh sau năm 1979, Bắc Kinh nhanh chóng làm dịu các mối quan hệ với Liên Xô, hàn gắn hàng rào bị vỡ với Indonesia, bất ngờ công nhận Hàn Quốc và nhét khăn vào cổ họng giận dữ của Bắc Triều Tiên, thiết lập và chia sẻ nhiệm vụ người canh cổng với Moscow ở Trung Á, tham gia sinh hoạt các tổ chức quốc tế hàng tháng, và cuối cùng trở nên dính chặt với Hoa Kỳ (ngoại trừ trong mối quan hệ quân sự) hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử Trung Quốc. Trong một sự thay đổi rất nổi bật từ những cái đã là đúng đối với hầu hết lịch sử của CHNDTQ, Bắc Kinh ngày nay không có kẻ thù.
Sự thận trọng chờ thời vẫn đang tiếp tục.  Trong các cuộc đàm phán sáu bên đang diễn ra hiện nay (Bài này đăng năm 2005 -- Người dịch) về bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh với kiểu cách mập mờ, đang theo đuổi một chính sách (không nằm trong lợi ích của Mỹ) gìn giữ hòa bình bằng cách bám vào tình trạng hiện hữu. Một đất nước Triều Tiên bị chia cắt, dù vẫn tiếp tục với những quay cuồng sởn tóc gáy trong chính sách của Bình Nhưỡng, sẽ tốt cho Trung Quốc hơn là một Triều Tiên thống nhất với định hướng khó biết trước. Ở Trung Á cũng vậy, Bắc Kinh chỉ chọn "các cuộc đàm phán" về phân định cắm mốc biên giới và về các vấn đề "ly khai" đùng đẩy các vấn đề xuống dưới thảm và duy trì nguyên trạng.
Khi bước sang thế kỷ 21 thì rõ ràng là Bắc Kinh đã không còn theo chính sách "những nụ cười về mọi phía", họ đổi sang đặt định nền móng cho một phiên bản Trung Quốc của Học thuyết Monroe ở Đông Á. Mục tiêu thứ tư này của Trung Quốc tất nhiên là không được nói ra. Trung Quốc cố thay thế Mỹ trong vai trò gây ảnh hưởng chính yếu ở Đông Á. Thật không may, các dự án do Washington cầm đầu ở Afghanistan và Iraq có thể đã làm cho chính quyền của Tổng thống Bush và công chúng Mỹ quên để ý sự chuẩn bị mà Bắc Kinh đang tiến hành cho sự thống trị trong tương lai.  Đáng lẽ Mỹ phải chú tâm sát sao tới những động thái này.
Mục tiêu thứ tư dựa vào uy tín lên cao của Trung Quốc do không bị xáo trộn bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, và vào sự thành công kinh tế trong hai thập kỷ của nước này. Cụ thể hơn, dù vẫn là tiêu cực, chủ đích của Trung Quốc trở nên khá rõ ràng. Trên một ít vấn đề toàn cầu mà các lợi ích Trung Quốc và Mỹ trùng hợp, hoặc Bắc Kinh không thể chống lại một cách có hiệu quả chính sách của Mỹ, thì hoặc họ sẽ đi theo Mỹ, hoặc "bỏ phiếu vắng mặt", hoặc phản đối Washington một cách yếu ớt. Nhưng ở châu Á, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang làm nhiều thứ để làm nãn lòng và loại Mỹ ra ngòai. Họ tìm cách chèn một cây nêm giữa Nhật Bản và Mỹ trong mọi cơ hội. Họ thì thầm trong tai Australia rằng sẽ tốt cho Canberra hơn nếu chỉ nhìn Châu Á chứ không nhìn qua bên kia Thái Bình Dương. Trong tháng mười hai (năm 2005, chú thích của người dịch), một cột mốc quan trọng là ở hội nghị thượng đỉnh Đông Á họp tại Malaysia mà không có đại diện của Mỹ, một phần vì áp lực của Trung Quốc. Bắc Kinh coi hội nghị thượng đỉnh này như một bước tiến tới hình thành một tổ chức khu vực Đông Á không bao gồm Mỹ.
Trên diễn trường Đông Nam Á, có thể nghe không nhầm lẫn khúc dạo đầu một Học thuyết Monroe Trung Quốc ở Myanmar và ở nhiều nước khác. Myanmar nhận được viện trợ đáng kể của Trung Quốc, bao gồm cả kinh phí cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Các nhà lãnh đạo Myanmar lo ngại việc Hán hóa ở miền bắc Myanmar, nơi mà người gốc Hán sống và buôn bán. Nhưng cũng giống như nước Myanmar chư hầu ngày xưa phải triều cống cho thiên triều Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, những nụ cười với Bắc Kinh là một chính sách bảo hiểm cho Myanmar. Kết quả là Myanmar đã bước vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc như Lào hiện nay. Thái Lan và thậm chí Malaysia có thể là các ứng viên trong tương lai.
Trong khi ấy, Bắc Kinh vung quén một nhận thức về Trung Quốc như một nước ngang bằng với Mỹ  - mục tiêu quý giá thứ năm. Hãy xem chuyến viếng thăm Mỹ của Giang Trạch Dân năm 1997. Tờ New York Times tường thuật "Các nhà đàm phán Mỹ chuẩn bị cho chuyến thăm nói rằng họ bối rối về cách mà các đối tác Trung Quốc của họ dường như tỏ ra coi trọng quá mức các chi tiết về nghi thức và biểu tượng." Những thứ này bao gồm kích thước và màu sắc của thảm, vị trí trong các bức ảnh sẽ chụp của ông Giang, của biểu tượng Veritas của Đại học Harvard và chuông Tự Do của Philadelphia, và kiểu dáng và mẫu mã các cà vạt của Giang Trạch Dân và Tổng thống Clinton sẽ mang. Tất cả các chi tiết đó đã được dàn dựng để làm nổi thêm hình ảnh Trung Quốc là ngang hàng với Mỹ. Sau chuyến viếng thăm, một xã luận của tờ (New York) Times chắc đã làm phấn khởi Bắc Kinh: "[Ông Giang] đã dùng sự xuất hiện của ông với ông Clinton để tự thể hiện mình như một chính khách có thể gặp gỡ một cách ngang hàng với nhà lãnh đạo của quốc gia giàu nhất và mạnh nhất thế giới."
Năm sau đó, Clinton đi Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng lặp lại bài bản tương tự cố đánh ra cú đấm vượt quá hạng cân của mình. Đàm phán quyết liệt để cho Clinton không ghé qua Nhật trên đường đi -- một cách để cho thấy đó chính là chuyến thăm Trung Quốc chứ không phải nước nào khác --  và kéo dài chuyến thăm này thành tám ngày để nó có thể hơn bảy ngày lịch sử ma Nixon đã dành ở Trung Quốc vào năm 1972. Trong một bài phát biểu mật sau chuyến thăm này, Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ sự hài lòng rằng Clinton "không dừng chân tại Nhật Bản trên đường đến Trung Quốc... với kết quả là Nhật Bản đã bị mất mặt." Báo chí chính thức Trung Quốc chộp ngay lấy bất kỳ mảnh bình luận từ bên ngoài Trung Quốc cho rằng Clinton và Giang Trạch Dân đã gặp nhau như hai lãnh đạo ngang bằng. Họ tuyên bố rằng “hai nhà lãnh đạo cùng với nhau" (quên đi châu Âu, Nhật Bản, và Ấn Độ) đã làm Châu Á "ổn định hơn" và "thế giới hòa bình hơn."
Mục tiêu thứ sáu của chính sách ngọai giao Trung Quốc là "lấy lại" những vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh cho là theo đúng lẽ thì thuộc về CHNDTQ. Danh sách các vùng lãnh thổ mà họ cho là như vậy gồm từ những khu vực mà họ công khai tuyên bố là của họ cho đến những khu vực mà họ bí mật hi vọng sẽ có ngày chiếm đọat.  Danh sách ấy gồm Đài Loan và một số lớn các đảo trong vùng biển Hoàng Hải, biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), và Biển Đông Trung Hoa. Trong trường hợp Đài Loan, Bắc Kinh đang chờ đợi một thời cơ kết hợp diễn biến thuận lợi (theo Bắc Kinh) trong chính trị nội bộ Đài Loan, sự mệt mỏi của Mỹ do căng thẳng hỗ trợ Đài Loan, khả năng lớn hơn của Trung Quốc vận chuyển binh lính và trang thiết bị nhanh chóng vượt qua eo biển Đài Loan rộng 100 dặm, và một Nhật Bản dễ uốn theo mong muốn của Trung Quốc hơn hiện nay. Trong trường hợp quần đảoTrường Sa, trải dài qua các tuyến đường biển rất quan trọng ở Đông Nam Á và có yêu sách chủ quyền từng phần của sáu quốc gia,  Bắc Kinh đang chờ đợi đủ năng lực hải quân để "khôi phục lại" quyền kiểm soát các đảo về cơ bản là không có người ở nhưng giàu dầu mỏ và các nguồn tài nguyên khác này. Không ít người Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, và Ấn Độ cũng dự kiến rằng Trung Quốc, khi có thể, sẽ đưa ra đòi hỏi chủ quyền đối với một số phần của lãnh thổ của họ có lần thuộc Trung Quốc khi xưa.
Về khát vọng của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ trên sườn phía bắc của họ, Mao đã nói điều này vào năm 1964: "Khu vực phía đông của hồ Baikal là của chúng ta đã trở thành lãnh thổ của Nga khoảng 100 năm trước đây và kể từ đó Vladivostok, Khabarovsk, Kamchatka, và các khu vực khác cũng là lãnh thổ của Liên Xô. Chúng ta chưa đưa ra chứng cứ của chúng ta về danh sách này. Chúng ta có thể đưa ra chứng cứ khi đúng lúc." Đến năm 1973, Mao kéo dài thêm danh sách các vùng lãnh thổ ông cảm thấy đã bị Moscow đánh cắp. Trong một cuộc trò chuyện về các chủ đề khác với Ngoại trưởng Henry Kissinger, đột nhiên ông than phiền "Liên bang Xô viết đã xẻo bớt của Trung Quốc một triệu rưởi kilomét vuông." Trong những năm 1960 và 1970, cũng đảng Cộng sản hiện cầm quyền ở Bắc Kinh đã tuyên bố nhiều phần của Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan ngày nay là các bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Nếu sự nắm giữ của Nga đối với vùng Viễn Đông yếu đi, và sự qua lại của người Trung Quốc sống và buôn bán trong các khu vực biên giới tiếp tục, Trung Quốc có thể "đưa ra chứng cứ chủ quyền" đối với một phần của Siberia.


Chẳng phải lúc nào một cường quốc đang lên cũng đạt được mục tiêu của mình. Đối với các quốc gia chuyên chế hiện đại, những thành công của họ hầu hết đều ngắn ngủi. Như các mục tiêu của cả ba cường quốc phát xít gây ra Chiến tranh thế giới II, đã đột ngột bị hủy bỏ năm 1945, và các mục tiêu đối ngoại của khối Xô Viết cũng đã biến mất không còn dấu vết vào năm 1991. Tôi tin rằng Trung Quốc có sẽ đạt được sáu mục tiêu của chính sách đối ngoại của họ hay không là tùy thuộc vào hệ thống chính trị của họ và vào việc các cường quốc khác sẽ phản ứng thế nào đối với những tham vọng của nước ấy.
Màn kịch trong tương lai cận kề của Trung Quốc có thể sẽ mở ra không phải trong quan hệ đối ngoại nhưng ở trong nước: Đòi hỏi của của tầng lớp trung lưu đối với quyền sở hữu, sự bất mãn của nông thôn, Internet, 150 triệu người thất nghiệp lang thang giữa làng mạc và thành phố, và một dân số lão hóa đột ngột đang gây ra những căng thẳng tài chính và xã hội, sẽ kịch tính hoá một số những mâu thuẫn của “chủ nghĩa Lenin thị trường.”  Đi một đường trong kinh tế và một đường khác trong chính trị gây ra khó khăn trong việc đi tới một điểm đích quy định. Cách thức mà Trung Quốc giải quyết các mâu thuẫn giữa chính trị và kinh tế của họ sẽ xác định mức độ mạnh mẽ như thế nào vai trò mà họ sẽ giữ trên thế giới.
Sự trỗi dậy hiện nay của Trung Quốc, giống như sự nổi lên của Đức và Nhật cuối thế kỷ 19, thể hiện cao vọng, một cảm giác bất bình, và chủ nghĩa dân tộc cao độ. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của các quốc gia có nhiều hậu quả khác nhau. Chẳng hạn Vương quốc Anh cuối cùng chấp nhận một cách bình thản sự trỗi dậy của Mỹ ở Tây bán cầu. Ngược lại, sự trỗi dậy của Đức và Nhật Bản kết thúc bằng hai cuộc chiến tranh thế giới và sự hủy diệt hệ thống chính trị ở hai nước này - thay thế bằng các chính thể hoàn toàn mới và cách hành xử quốc tế hoàn toàn mới. Dân chủ, chứ không phải những đặc điểm văn minh hoặc bất kỳ sự khác biệt to lớn về tầm mức kinh tế quốc gia hiện nay so với những năm 1930, là lý do Đức và Nhật Bản đã trở thành cường quốc hành xử đàng hoàng trong thời đại chúng ta. Dù có ảnh hưởng to lớn, cả hai đều không là mối đe dọa cho các nước khác như trước đây. Vai trò tương lai của Trung Quốc trên thế giới sẽ được định đọat phần lớn bởi những gì xảy ra với hệ thống chính trị lỗi thời của nước này trong hai thập kỷ sắp đến
Đôi khi ta quên rằng bất cứ ở đâu, khi nào, việc thăng được lên vị trí bá chủ mới luôn luôn cần ba yếu tố: Một là ý muốn trở thành số một của cường quốc đang lên, hai là khả năng đạt được mục tiêu đó, và ba là sự chấp nhận cường quốc ấy về phía những nước chịu ảnh hưởng. Bắc Kinh có ý muốn. Khả năng thì chưa rõ là có vượt ngoài tầm của họ hay không. Nhưng liệu những nước ngòai Trung Quốc có chấp nhận họ chăng?
Đông Á vẫn còn giữ ký ức về Vương triều Trung tâm (Trung Quốc). Mỗi người Việt Nam và Hàn Quốc đều biết thái độ ngạo mạn lâu đời của triều đình Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Tốt hoặc xấu, khoảng 60 triệu người Hoa đang cư trú ở Đông Á bên ngoài CHNDTQ, nhắc nhở Indonesia, Philippines, Malaysia, và các nước chủ nhà khác về sự ưu việt của văn minh Trung Quốc trong khu vực; trong một số trường hợp, tình trạng sống chung vẫn còn căng thẳng. Một nửa dân số Đài Loan chống đối thẳng thừng ý định của Bắc Kinh "tái lập" sự cai trị hòn đảo của họ, theo các cuộc thăm dò; trong một cuộc khảo sát năm 2002, 38% coi mình như là người Đài Loan, 8% như người Hoa, 50% như là cả hai.
Trung Quốc đã qua nhiều thập kỷ tự xưng là nạn nhân: "bị cạo khóet giống như một quả dưa" sau chiến tranh Nha phiến, bị bắt nạt bởi các “đế quốc” phương Tây, vân vân.... Thành công ban đầu của họ như một nước bá quyền sẽ nhanh chóng đặt ra những vấn đề về diện mạo của họ cũng như nhiều hậu quả thực tế. Trung Quốc sẽ phát giác, như Mỹ đã đau đớn phát giác, rằng một chúa tể mới lên của rừng xanh sẽ bị các vết cắn của những con thú khác vừa bị đẩy ra ngòai. Một nước Nhật nhìn thấy Trung Quốc áng Mỹ  ̶  một đồng minh chính của Nhật, một nước mà ưu thế hàng đầu trong khu vực Đông Á đã khiến Nhật kềm chế trong sáu thập kỷ  ̶  chắc chắn sẽ thách thức Trung Quốc. Một lần nữa, như trong năm thập kỷ sau năm 1894, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ giành giật nhau  ̶  và có thể đánh nhau  ̶  để kiểm soát khu vực này.
Một Trung Quốc chuyên chế  ̶  lo lắng về khả năng kiểm soát chính người Trung Quốc và không nắm giữ một cách thoải mái bán đế quốc "phi Hán" ngay chính trong lãnh thổ của họ  ̶  sẽ có thể thiếu sự hấp dẫn đạo đức để lãnh đạo châu Á. Có thể lý luận rằng đế quốc Trung Quốc xưa, trong nhiều thế kỷ đã qua, là một thế lực ổn định, nhưng trong thế kỷ 21, bất kỳ một động thái nào của Trung Quốc nhằm mở rộng đế quốc của họ, hoặc chỉ để tiếp tục dài lâu các lĩnh vực đa quốc gia hiện tại của họ, có lắm khả năng gây bất ổn.
Ở Liên Xô, đã có một liên hệ chặt chẽ giữa "đế quốc" và "chuyên chính cộng sản". Ở Trung Quốc cũng có một gắn kết tương tự.  Cũng như Nga, Trung Quốc là một mãnh đất rộng không một đế quốc nhưng một đế quốc. Sự tan rã của Liên Xô kết thúc Chiến tranh Lạnh cũng như làm nứt vở sự độc quyền chính trị của Đảng Cộng sản ở Moscow. Điều Zbigniew Brzezinski nói về Moscow cũng đúng cho cả Bắc Kinh: "Nga có thể là một đế quốc hay một nền dân chủ, nhưng không thể là cả hai."
Moscow, dưới áp lực, đang xác định lại những lợi ích quốc gia của ho, khi họ để lại sau lưng nhiều thập kỷ là đế quốc cộng sản. Trung Quốc hầu như mới chập chững bắt đầu tiến trình này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải tự hỏi xem họ có thể cai trị suông sẻ một xã hội khác biệt với Trung Quốc như Đài Loan ngày nay hay không. Họ có thể nên cân nhắc liệu để cho Tây Tạng như là một nhà nước liên kết với Trung Quốc - chắc chắn là dưới cái bóng của Trung Quốc, nhưng có chủ quyền - có thể là tốt hơn so với sự căng thẳng dai dẳng giữa Lhasa và Bắc Kinh như nay hay không. Những câu hỏi này chưa được nêu ra bởi vì Trung Quốc vẫn còn trong quá trình chuyển đổi từ đế quốc cộng sản sang quốc gia hiện đại, và còn bị giằng co giữa những gì họ muốn và những gì họ thực sự cần. Các huyền thoại quốc gia (một "Trung Quốc nạn nhân") đúng là lý thú; nhưng sự mời gọi của lợi ích quốc gia (một "Trung Quốc thịnh vượng") có vẻ hấp dẫn hơn.
Còn nhiều vấn đề nữa về khả năng của Trung Quốc trở thành một bá quyền toàn cầu. Bắc Kinh hiện nay không thể phóng sức mạnh của họ ra xa; trong thảm họa sóng thần tháng 12 năm 2004 họ đã không thể làm như vậy, ngay cả tới Nam và Đông Nam Á. Nhiều vấn đề chắc chắn sẽ phát sinh ở châu Phi và châu Mỹ La tinh, bắt đầu với ngôn ngữ và bao gồm cả chủng tộc và tôn giáo rồi văn hóa, nếu Trung Quốc tìm cách để có tác động ở những khu vực mà châu Âu và Mỹ đã có ảnh hưởng. Ngoài ra còn nhiều nghi ngờ rằng liệu Trung Quốc có đủ trang bị về mặt triết lý cho sự thống trị thế giới theo cách mà nước Anh đã từng hưởng qua sức mạnh trên biển, hoặc theo cách Mỹ hiện đang hưởng dựa trên các giao dịch kinh doanh, sức mạnh quân sự, văn hóa đại chúng, và những ý niệm về thị trường tự do và dân chủ. Ý thức về sức mạnh của chủ nghĩa Mao chắc chắn là mạnh mẽ, giống như ý thức về "sứ mệnh" của người Anh-Mỹ phát xuất từ đạo Tin Lành. Nhưng, nếu không có sự bén nhọn của chủ nghĩa cộng sản thì chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thiếu một thông điệp cho thế giới. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush rõ ràng là có một thông điệp, ngay khi nó hầu như không thuyết phục đuợc ai không phải là Mỹ. CHNDTQ hiện nay chẳng có thông điệp nào, nhưng rất chuyên tâm trong việc kiểm soát trong nước và tham vọng có một bầu ảnh hưởng.
Tôi nói về Trung Quốc như một nước có tham vọng.  Nhưng có sẽ tốt hơn cho Trung Quốc nếu họ là một cường quốc bảo thủ? Mỗi mệnh đề đều có những người nhiệt tình ủng hộ, nhưng cả hai có một mối quan hệ âm dương. Các yêu sách bành trướng của Bắc Kinh thì ai cũng thấy rõ ràng và là độc nhất trong các cường quốc ngày nay. Tuy nhiên, chế độ Bắc Kinh, tuy là chế độ độc tài, là một chế độ độc tài có lý trí. Họ biết đếm các con số. Họ thường kiên nhẫn trong việc thực hiện các mục tiêu của mình. Được trang bị với một lực lượng nòng cốt ngày càng nhiều quan chức trẻ, được đào tạo bài bản, Bắc Kinh ngày nay không như các triều đình nhà Minh và nhà Thanh xưa, lừa mị chính mình bằng những hư cấu đẹp đẽ để che giấu sự cách biệt giữa thực tế và thế giới quan ưa thích của Trung Quốc. Tóm lại, Trung Quốc là một cường quốc đầy tham vọng, nếu phải chạm mặt với sức mạnh đối kháng, sẽ hành động thận trọng trong chiến lược dài hạn của họ. Họ biết chắc có một danh sách đáng nễ gồm các cường quốc như  Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ ... có nhiều lý do để từ chối cho Trung Quốc cơ hội làm Vương quốc Trung tâm của thế kỷ 21. Trung Quốc không phải là yếu như họ dường như thế khi còn là "một con bệnh của Châu Á." Quốc gia này có thể cũng không mạnh mẽ một cách bền vững như họ có vẻ hiện nay đối với những người sợ hãi hay chiêm ngưỡng họ.

Ross Terrill, chuyên gia nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Đông Á Fairbank thuộc Đại học Harvard , là tác giả cuốn Mao (1999), Trung Quốc trong Thời đại của chúng ta (1992), và Bà Mao (2000). Cuốn sách gần đây nhất của ông, Đế chế Trung Hoa mới, được giải của Los Angeles Times Book năm 2004.
 
22-7-11