Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC CỦA CHẾ BỒNG NGA (phần 3)

Ngày Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC CỦA CHẾ BỒNG NGA (phần 3)
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Tài liệu cũ lưu trong máy tính:
LẦN THEO DẤU VẾT MỘT THỜI NGANG DỌC
CỦA CHẾ BỒNG NGA
Hồ Bạch Thảo

Ngày 27 tháng 5 năm Thành Hóa thứ 7 [15/6/1471]
Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Quách Đình Bảo, Nguyễn Đình Anh đến triều đình tâu :
Nước thần và Chiêm Thành kế cận, từ triều trước đã bị xâm lăng. Thời Tuyên Đức [1426-1435] 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa bị mất ; từ đó châu Hóa bị vây mấy lần, khiến người một phương phải mệt nhọc chạy để cứu lấy mạng sống. Trộm nghĩ đất đai nhân dân nhận của triều đình, truyền cho con cháu đễ vĩnh viễn làm phiên thần. Nay Chiêm Thành phản lễ nghĩa, dối trời, dày xéo dân biên giới, không một năm nào yên ổn. Thần muốn mang binh đi đánh dẹp, lại sợ sai lời dạy bảo của Thánh Thiên tử, nhịn đi thì phụ tấm lòng ân nghĩa của bề tôi, tiến thoái lưỡng nan ! Nay kính cẩn sai Bồi thần đến kinh khuyết trần tấu.

Bản tấu được đưa xuống bộ Binh bàn bạc, rồi được tâu lên rằng : “ Lòng tham của Hạo không cùng, âm mưu thôn tính [Chiêm Thành] lại dương ngôn là nạn nhân. Xin ban sắc văn để ngăn ngừa sự gian trá. Thiên tử bèn sắc rằng :
An Nam ngươi và Chiêm Thành đều được triều đình ban tước và đất, đời đời nạp cống làm phiên thần Trung Quốc nơi biên giới, há lại gây oán, hưng binh đánh lẫn nhau. Sách Xuân Thu (9) nêu trách nhiệm người hiền phải yên phận, thuận theo lý, giữ lãnh thổ, bỏ oán thù , dập tắt tranh giành. Ngươi trước hết phải làm trọn đạo hòa mục với lân bang, lại cấm đoán bọn đầu mục không sinh sự gây hấn. Nếu như có mưu kế thôn tính, thì không phải là phước cho nước ngươi, nên cẩn thận, cẩn thận !
Về phần Chiêm Thành, đợi khi Sứ nước này đến, xét kỹ sự thực, sẽ có sắc ngăn ngừa. Trẫm thay trời cai trị vạn vật, đối xử chung một lòng nhân, không nỡ để hai nước các ngươi vướng vào họa binh đao ; nên đặc biệt ra chỉ dụ khuyên răn để biểu thị sự lo lắng. Ngươi hãy thừa theo Trẫm mệnh, không được sơ hốt.” (Minh Thực Lục v. 43. t. 1771-1772; Hiến Tông q. 91, t. 7a-7b)
Sau khi bị đánh, Sứ giả Chiêm Thành đến cấp báo rằng Bàn La Trà Toàn bị bắt, người em là Bàn La Trà Duyệt [sử nước ta gọi là Bàn La Trà Toại] tạm thời lên nối ngôi, xin được nhà Minh phân xử. Thượng thư bộ Binh nhà Minh xin sai sứ sang nước ta trách vấn, nhưng vua Hiến Tông thấy rõ uy lực nước ta lúc này, nên e dè không tỏ thái độ quyết liệt :
 
Ngày 21 tháng 5 năm Thành Hoá thứ 8 [27/6/1472]
Nước ChiêmThành sai Sứ thần Lạc Sa đến cáo cấp rằng :
Nước chúng tôi tiếp giáp với An Nam, mấy lần bị nước này xâm đoạt. Mới đây sai người đến đòi tê giác, ngà voi, đồ vật quý ; lại đòi hỏi phải phụng sự người An Nam đưa đến, nghi lễ giống như phụng sự Sứ thần Thiên triều. Nước chúng tôi nghĩ rằng đã cùng An Nam nhận lịch Chính Sóc của Hoàng triều, nên không chịu khuất tuân theo, vì lý do đó nên An Nam gây hấn.
Vào tháng 2 năm Thành Hoá thứ 7, quân An Nam đến đánh phá kinh thành, bắt Quốc vương Bàn La Trà Toàn cùng gia thuộc hơn 50 người, tịch thu ấn quý, phá huỷ nhà cửa, cướp giết quân dân nam nữ nhiều không kể xiết. Nay em của Vương là Bàn La Trà Duyệt tạm thời coi việc nước, cúi xin được phân xử.
Tờ tâu giao xuống dưới, Thượng thư bộ Binh Bạch Khuê tâu rằng :
Vào năm Thành Hoá thứ 7, nhân An Nam tâu rằng “ Chiêm Thành vượt biên giới xâm lăng, cần ngăn cản sự tàn ngược”. Bọn thần đã dâng lời rằng Hạo [Lê Thánh Tông] có âm mưu thôn tính Chiêm Thành, nên dương ngôn bị tấn công. Rồi mấy lần đánh phá Chiêm Thành, lại bắt vua nước này. Nếu không có cách gì xử trí, thì mất lòng quy phụ của Chiêm Thành, lại dung dưỡng kẻ ngang ngạnh. Nên sai quan mang sắc dụ bắt phải trả lại ấn tín, Quốc vương cùng gia quyến bị bắt, để khỏi xẩy ra tai họa.
Chỉ dụ phán : “ Bất tất phải sai quan đi, đợi Sứ thần An Nam đến sẽ trao sắc dụ.” (Minh Thực Lục v.43, t. 2045-2046; Hiến Tông q. 104, t. 8a-8b)
Chờ đến khi Sứ thần nước ta đến cống và nhân tiện trình bày việc đánh Chiêm Thành, vua nhà Minh mới ngỏ lời khuyên răn hòa giải lấy lệ :
 
Ngày 13 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 8 [14/10/1472]
Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Hạo chớ xâm vượt lãnh thổ Chiêm Thành. Hạo sai Sứ thần Nguyễn Đức Trinh dâng thư tự trình bày rằng :
Mới đây Chiêm Thành xâm lấn đất Hoá Châu nên gửi binh đến tiếp viện ; vì người trong nước này tự làm phản, nên bị thua bại.”
Thiên tử bèn ra lệnh Đức Trinh, mang sắc về dụ Hạo :
Mới đây Chiêm Thành tâu rằng, vào tháng 2 năm Thành Hoá thứ 7 [2-3/1471] ngươi đánh phá thành nước này, bắt Quốc vương và thân thuộc hơn 50 người. Lại cướp ấn, đốt nhà cửa, giết người già và trẻ em không kể xiết. Trẫm cho rằng lời riêng của một bên chưa có thể tin được ; nay nhận được tâu, lời nói và ý đều khác. Nhưng nước Vương với Chiêm Thành thế lực lớn, nhỏ không cần phải biện thuyết ; nếu bọn họ gây hấn trước, thì thật không biết độ đức lượng sức, nên gây ra sự bất nghĩa ; nếu Vương vin vào việc họ quấy phá nhỏ, rồi giận lên hiếp kẻ yếu, gây hấn lớn , thì hợp với đạo nghĩa ư ! Khi sắc đến, Vương nên bỏ qua những mất mát nhỏ, tăng điều đại nghĩa, trả lại những người bị bắt, răn đe quan lại nơi biên giới đừng sinh sự lập công, hưng binh gây oán, hoặc chuyên việc báo thù gây nên sự đau buồn ; ngõ hầu trời soi sáng, vĩnh viễn hưởng danh thơm. Khâm thử.” (Minh Thực Lục v. 44, tr. 2100-2101; Hiến Tông q. 108, t. 3b-4a)
Mấy năm sau phái đoàn nhà Minh cầm đầu bởi Cấp sự trung Trần Tuấn đi sứ Chiêm Thành để phong Vương cho Bàn La Trà Duyệt [Trà Toại ?], theo thông lệ ghé đến cảng Tân Châu [gần thành Chà Bàn, Qui Nhơn], thì được biết vùng này đã bị An Nam chiếm. Hàng hải tiếp đến Linh Sơn thì được tin cả nhà Bàn La Trà Duyệt bị An Nam bắt. Vì trên thuyền chở nhiều hàng hoá nên phải hành trình tiếp đến Mãn Thứ Gia thuộc vùng đất Mã Lai hiện nay để bán hàng, rồi mới trở về Trung Quốc :
 
Ngày 14 tháng 12 năm Thành Hóa thứ 10 [21/1/1475]
Công khoa Cấp sự trung Trần Tuấn đi sứ Chiêm Thành không vào được, bèn nạp trở lại những thứ đã mang đi như chiếu sắc, ấn mạ vàng bạc, các vật như lụa, đoạn. Bọn Tuấn đi sứ Chiêm Thành để phong cho Quốc vương Bàn La Trà Duyệt, khi hàng hải đến cảng Tân Châu, Chiêm Thành, quân phòng thủ từ chối không cho vào, người Thông dịch cho biết đất này đã bị An Nam chiếm, còn Quốc vương Chiêm Thành tỵ nạn tại Linh Sơn. Khi đến Linh Sơn thì được biết cả nhà Bàn La Trà Duyệt bị An Nam bắt và đất Chiêm Thành bị đổi tên thành châu Giao Nam. Bọn Tuấn không dám ghé vào ; nhưng thuyền chở hàng hóa tư, cùng nhiều thương nhân, nên giả lấy cớ bị gió bão rồi hàng hải tiếp đến Mãn Thứ Gia (10) buôn bán, lại dụ Vương nước này sai sứ đến triều cống. Đến nay trở về tâu đầy đủ việc An Nam chiếm cứ Chiêm Thành, cùng việc Quốc vương Mãn Thứ Gia cung cấp thức ăn và các nhu yếu phẩm khác, đối đãi lễ nghi rất đầy đủ.
Sự việc được đưa xuống cơ quan hữu trách, bộ Lễ tâu nên đợi Sứ thần Mãn Thứ Gia nhập cống, lúc trở về giáng sắc khen thưởng Vương nước này. Bộ Binh cũng tâu nước An Nam cậy mạnh, thôn tính nước được triều đình phong tước, sự việc quan hệ thật không nhỏ, nên giao cho các Công Khanh bàn luận một cách rộng rãi. Lúc đó bọn Anh quốc công Trương Mậu tâu rằng An Nam cường bạo vốn nên hài tội thảo phạt ; nhưng Đế vương đối với Di địch lấy bất trị để trị ; nay chưa biết được nguyên do Chiêm Thành diệt vong, không nên khinh động. Chờ năm sau vào kỳ An Nam triều cống, đợi Bồi thần đến, sai Thông dịch đem việc này ra hỏi, mới bắt đầu khu xử. Lại lưu ý thêm Vân Nam, Quảng Tây, cùng Quỳnh, Liêm, Quảng Đông tiếp giáp với đất này nên ra lệnh cho các quan Trấn thủ, Tổng binh đôn đốc thuộc cấp cố thủ để đề phòng xâm lấn.
Thiên tử đều chấp thuận. (Minh Thực Lục v. 45, t. 2553-2554; Hiến Tông q.136, t. 6a-6b)
Căn cứ lời tường trình của Sứ giả Trần Tuấn tại văn bản nêu trên thì vào thời điểm năm 1475 vùng đất Quy Nhơn bị nước ta chiếm ; nhưng theo nội dung hai biểu văn của vua Lê Thánh Tông trình bày với nhà Minh dưới đây thì nguyên nhân sự loạn lạc tại Chiêm Thành là do người trong nước tranh giành lẫn nhau. Có lẽ để hợp thức hoá lập luận nêu trên và nhắm làm suy yếu Chiêm Thành, căn cứ theo sử nước ta, nhà vua đã chia nước này thành 3 nước nhỏ : Chiêm Thành, Hoà Anh, Nam Bàn
 
Ngày 25 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 11 [24/9/1475]
Quốc vương An Nam Lê Hạo [Lê Thánh Tông] tâu :
Năm trước nhân Quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn xâm phạm đạo Hóa Châu, bị người em là Bàn La Trà Toại giết. Toại tự lập lên làm vua, sắp xin cầu phong ; lại bị con Bàn La Trà Duyệt là Trà Chất Đài Lai giết, từ đó nước trong nước này loạn lạc nỗi lên, không có một ngày yên ổn. Việc đó không phải là lỗi của nước thần. Nay tuân theo chỉ dụ của Thiên tử dẹp binh đao, hòa mục với lân bang ; số người nước này bị bắt gồm 740 trai gái đều cho trở về nước.” (11)
Đưa lời tâu xuống dưới, bộ Binh trình rằng :
Lời của Hạo sơ lược, không nói đến việc xâm chiếm Chiêm Thành ; so với lời tâu của bọn Hữu Cấp sự trung Trần Tuấn thì không giống nhau ; thực tình hoặc gian trá không quyết được.
Thiên tử nhân Bồi thần Lê Hoằng Dục về nước bèn ban sắc dụ Hạo rằng :
Trước đây nhân Bàn La Trà Duyệt tâu rằng Vương nước này là Bàn La Trà Toàn bị nước ngươi bắt, Chiêm Thành hiện nay không có chủ, nên đến xin phong tước. Trẫm thể theo đức hiếu sinh của trời đất, chấp nhận lời trần tình, sai sứ đến phong. Đến lúc sứ trở về tâu rằng đất nước Chiêm Thành quả bị nước ngươi chiếm đoạt, đổi thành châu ấp. Trẫm nghi nhưng chưa tin, nay được ngươi tâu rõ ràng rằng Chiêm Thành dùng binh gây oán, xâm nhiễu biên cảnh lân bang, đến nỗi bản thân chết, nước bị phá ; tất cả đều tự gây ra. Sự việc chưa rõ ràng, nhưng lý có thể như vậy ; huống lời và ý của Vương khẩn khoản, chắc không phải dùng lời lẽ để che giấu lỗi lầm. Nhưng Chiêm Thành là nước truyền từ lâu đời, trước kia há không có một lực lượng nào mạnh có sức thôn tính nước này, nhưng sử sách chưa từng nghe, vậy bài học được mất có thể thấy được. Nay nếu nước này thình lình bị tiêu diệt, không những trái với chiếu chỉ của triều đình ; mà lại còn e bị các nước Phiên tại hải ngoại sinh nghi sợ, rồi gây sự tranh giành, như vậy đối với Vương có lợi ư !
Sắc đến Vương nên sửa đổi, cho người trong họ vua Chiêm cùng dân chúng trở về, khôi phục đất đai, để cho không tuyệt nòi giống. Làm được vậy thì việc nối dòng bị đứt, kính trời thờ nước lớn của Vương vẹn cả hai đường. Vương hãy gắng cho được. (Minh Thực Lục v. 45, t. 2660-2661; Hiến Tông q. 144, t. 3b-4a)
Ngày 26 tháng 3 năm Thành Hoá thứ 14 [28/4/1478]
Quốc vương An Nam Lê Hạo tâu rằng :
Đầu mục Chiêm Thành Ba Lung Ma Ha trước đây thông hiếu với nước thần. Vào năm Thành Hoá thứ 11 [1475-1476] nước y thu hoạch được nhiều thuyền của nước Lưu Cầu, do gió thổi trôi dạt đến ; bèn mang quân đến nước thần xâm lược, bị quân tại biên giới đánh bại. Nay Bồi thần Lê Hoằng Dục từ Thiên triều trở về dâng đặc dụ trách thần chiếm đọat đất đai Chiêm Thành, đổi thành châu ấp. Vì việc này, thần không thể không lọc máu viết lời trần tình để đoan chắc rằng không có.
Phàm đất đai mà Chiêm Thành được phong rất cằn cỗi, nhà thì nghèo nàn, vườn không có tơ dâu, núi không có của báu, biển thiếu lợi về cá muối ; chỉ có ngà voi, tê giác, tô mộc, trầm hương mà thôi ; mà nước thần sản xuất những thứ đó nhiều, nên không cho là quý. Lấy được đất đó không thể ở được, lấy được dân đó không thể dùng được, được sản phẩm đó không đủ để giàu, được cái thế đó cũng không trở nên mạnh được. Giữ gìn đất đó rất khó, mà lợi thì ít. Phàm mất nhiều, mà lợi thì ít, họa thì rõ ràng, mà danh thì mờ mịt ; đó là lý do tại sao thần không chiếm đoạt đất đai Chiêm Thành để biến thành châu quận.
Nay triều đình lại dụ thần trả lại đất đai cho Chiêm Thành, để nước đó không mất chỗ thờ tự. Thành thực thần cho rằng Thiên sứ trong lúc vội vã, hỏi han điều tra không rõ ràng ; mà dân Chiêm Thành chạy loạn thì có mối thù với nước thần nên lời nói không đáng tin. Vậy xin đặc sai Sứ giả Thiên triều đích thân đến xem đất đai, và phục hưng dòng bị tuyệt, khiến cho nước Chiêm Thành trên dưới được an tập ; nơi biên thùy của thần được yên ỗn để làm phiên Trung Quốc, có ích cho người phương xa, đó là ý nguyện của thần vậy. Kính cẩn sai Bồi-thần Nguyễn Đạt Tế tâu lên.”
Thiên-tử mệnh đem tấu chương này xuống dưới bàn luận. (Minh Thực Lục v. 46, t. 3185-3186, Hiến Tông q. 176, t. 11a-11b)
Tìm hiều về nước Chiêm Thành mới, có thể căn cứ theo lời tâu của Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai, rằng sau khi An Nam bắt Bàn La Trà Duyệt [Trà Toại], sợ bị rắc rối với nhà Minh, nên cho anh Cổ Lai là Tề Á Ma Vật Yêm lên làm Vương ; lãnh thổ phía nam từ nước Chiêm Lạp [Chân Lạp] phía bắc đến Ha Mộc Thứ Bố gồm 5 xứ, trong khi đất cũ của Chiêm Thành có 27 xứ. Tham khảo sử nước ta (12) thì lãnh thổ nước Chiêm Thành chỉ bằng 1/5 đất cũ như Minh Thực Lục xác nhận và tên viên Quốc vương dùng để xưng với An Nam là Bồ Trí Tri :
 
Ngày 26 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 17 [18/10/1481]
Chiếu dụ Quốc vương An Nam Lê Hạo trả lại đất cho Chiêm Thành. Lúc bấy giờ Cổ Lai nước Chiêm Thành sai sứ tâu :
Vào tháng 4 năm Thiên Thuận thứ 5 [1461](13) Giao Chỉ hưng binh xâm lăng nước thần, bắt Quốc vương, phá hủy thành trì, cướp ấn quý rồi đi. Em Vương là Bàn La Trà Duyệt trốn chạy đến Phật Linh Sơn. Vào năm Thành Hóa thứ 6 [1470] tấu xin ấn và thỉnh phong, Thiên sứ đến nơi ; nhưng trước đó Bàn La Trà Duyệt đã bị Giao Chỉ bắt (13). Thần cùng anh là Tề Á Ma Vật Yêm trốn trong rừng ; sau đó người Giao sợ Thiên triều, tự sai người tìm kiếm con cháu người nước thần, cho trở về đất cũ. Giới hạn từ quốc đô tới Chiêm-Lạp [Chân-Lạp?] gồm 5 xứ, lập Tề Á Ma Vật Yêm làm Vương. Chẳng bao lâu Tề Á Na Vật Yêm chết, nay thần đang tạm giữ chức nhưng không dám tự tiện ; thỉnh cầu triều đình sai Thiên sứ mang ấn quý đến, phong chức Vương. Xin dụ người Giao trả toàn lãnh thổ nước thần gồm 27 xứ gồm 4 phủ, 1 châu, 22 huyện ; phía đông tới biển đông, phía nam tới Chiêm Lạp, phía tây tới núi Lê Nhân, phía bắc tới Ha Mộc Thứ Bổ gồm hơn 3500 dặm, ngưỡng ơn Thiên tử vì tiểu quốc chủ trì việc này.”
Thiên tử mệnh hội các quan bàn định. Thượng thư bộ Binh Trần Nhung, Anh quốc công Trương Mậu, Thượng thư bộ Lại Duẫn Mân bàn rằng Chiêm Thành bị An Nam xâm đoạt đã lâu, triều đình thường răn dụ, An Nam chỉ trả lại 5 xứ. Nay Cổ Lai không ngại xa xôi đến tố cáo, nếu không chấp nhận lời xin, thì không có gì an ủi người xa xôi có lòng ngưỡng vọng. Nên sai 2 cận thần có uy vọng, giỏi về văn từ lý lẽ, đi sứ An Nam, dụ Vương nước này trả lại đất cũ của Chiêm Thành.
Chiếu dụ rằng không cần sai quan đi, đợi khi Sứ thần An Nam trở về bèn sắc dụ Hạo rằng :
Trẫm phụng mệnh trời, coi dân như con; suốt biển trong ngoài đều đối xử chung một lòng nhân. Mà các ngươi An Nam và Chiêm Thành thời Tần Hán trở xuống đều là quận huyện của Trung Quốc ; cũng không quá xa kinh đô. Mới đây Chiêm Thành tố cáo rằng ngươi hưng binh bắt sống Quốc vương nước này, giết nhân dân, đoạt thành trì đất đai. Trẫm động lòng trắc ẩn, hai lần xuống chiếu lệnh ngươi trả lại những thứ đã lấy, để hợp với nghĩa lớn. Ngươi tâu rằng số đàn ông đàn bà bị bắt đã trả về, lại nói lãnh thổ đã yên, há lại có việc xâm tranh. Trẫm tin lời ngươi, không nghi ngờ. Nay Cổ Lai sai người đến thỉnh phong, hỏi lý do mới biết rằng đất này bị nước ngươi chiếm cứ, số lượng trả lại chỉ bằng một phần năm. Xét việc này thì ra ngươi âm mưu thôn tính, nhưng bề ngoài thì nói rằng hòa mục lân bang thực hiện việc đại nghĩa ; phải như vậy chăng ?
Trẫm sở dĩ một mực sắc dụ ngươi, không phải có ý tư vị Chiêm Thành ; muốn ngươi thể theo ý Trẫm, đối xử cùng một lòng nhân, hòa mục lân bang, thương xót nhân dân, đó là phúc cho hai nước. Nếu không thèm nghe, không thèm biết, há không xem đến việc đời trước Chiêm Thành phục thù nước ngươi ư ! Hãy soi kỹ việc này, những người già cả tại nước ngươi chắc còn nhớ điều đó, đáng xét và suy nghĩ. Người xưa nói rằng một nước có đạo lý cậy đức chứ không cậy sức. Ngươi từ khi thụ phong đến nay không chỉ xâm đọat Chiêm Thành, mới đây giết Sứ thần tiến cống của Mãn Thứ Gia, xâm đen bọn tuỳ tùng bắt làm nô bộc ; gây oán với lân quốc, họ khống tố đến nơi, ngươi tự cho là phúc đấy ư !
Phàm sợ trời, giữ nước, sợ kẻ lớn, thương người nhỏ ; các bậc hiền triết đều làm, sao ngươi không lo làm việc đó. Khi sắc tới ngươi nên nghĩ đến việc đoàn kết, hữu nghị với lân quốc, trả hết đất đai cũ cho Chiêm Thành, đời đời nối dõi, không đến nỗi tuyệt tự ; không những sinh linh hai nước không bị vướng vào họa binh đao, mà tiếng tốt của ngươi được để lại trong sử sách, con cháu mãi hưởng ân trạch vô cùng. Hãy thực hành kỹ việc này, đừng để hối hận về sau. (Minh Thực Lục v. 48, trang 3795-3798; Hiến Tông q. 219, t. 6a-7b)
Khi nhà Minh được yêu cầu đến phong vương cho Tề Á Ma Vật Yêm, theo thông lệ Sứ giả đến kinh đô Chà Bàn thì không thấy viên này tại đây, bèn phong vương cho một người khác tên là Ðề Bà Ðài Giả do An Nam lập nên. Phe Ðề Bà Ðài Giả tâu với Sứ giả rằng Tề Á Ma vật Yêm đã bị Cổ Lai giết ; trong khi đó Cổ Lai xác nhận rằng y là em của Tề Á Ma Vật Yêm và được truyền ngôi sau khi anh chết. Ai đúng ai sai không cần đi sâu vào, duy qua sự kiện có thể khẳng định rằng phần đất thuộc nước Chiêm Thành mới nằm ở phía nam ; riêng tại Quy Nhơn An Nam đã lập một nước khác mà người đứng đầu là Ðề Bà Ðài Gỉả. Chiếu theo sử nước ta, phải chăng tên của nước này là Hoa Anh, một trong ba nước mà vua Lê Thánh Tông đã lập. Riêng nước thứ 3 được gọi là Nam Bàn thì Cương Mục (14) cho biết tại đất Hoả Xá, Thuỷ Xá tức thuộc các tỉnh Gia Lai, Kôn Tum, Ðắc Lắc hiện nay :
 
Ngày 15 tháng 10 năm Thành Hoá thứ 17 [6/11/1481]
Hành nhân Trương Cẩn, thuộc Hữu phó ty, đi sứ Chiêm Thành ; mắc tội bị hạ ngục. Trước đó Cẩn cùng Cấp sự Phùng Nghĩa phụng mệnh mang sắc ấn phong Vương cho cháu Quốc vương Chiêm Thành Tề Á Ma Vật Yêm. Bọn chúng mang nhiều hàng hóa để bán kiếm lời ; khi đến Quảng Đông nghe tin Tề Á Ma Vật Yêm đã chết, người em là Cổ Lai sai bọn Cáp Na Ba đến xin phong. Nghĩ rằng về không sẽ mất lời, bèn đi vội đến Chiêm Thành.Người Chiêm Thành cho biết sau khi người cháu xin phong bị Cổ Lai giết, An Nam ban sắc ngụy lập Đề Bà Đài Giả nắm quyền quốc sự. Bọn Cẩn không đợi mệnh của triều đình, mang ấn trao cho Đề Bà Đài Giả, phong làm Vương. Bọn chúng được hối lộ hơn 100 lạng vàng, rồi đi qua Mãn Thứ Gia [Melaka] bán hết hàng hóa để trở về. Nghĩa chết trên đường vượt biển. Cẩn trình sự việc và nạp sắc ngụy lên triều đình. Bộ Lễ hặc tội Cẩn tự tiện phong tước, đáng tội hình, bèn ra lệnh giam tại vệ Cẩm Y để điều tra, biết được lời khai như trên. Quan tòa kết vào tội đại thần tự tiện tuyển quan, xử chém. Lúc bấy giờ Sứ giả Chiêm Thành Cáp Na Ba tại quán dịch bộ Lễ, trả lời qua Thông dịch rằng Cổ Lai chính là em của Vương, Tề Á Ma Vật Yêm chết vì bệnh không phải bị giết, người được gọi là Đề Bà Đài Giả thì không biết đó là ai. Bèn ra lệnh Cáp Na Ba tạm trở về Quảng Đông, lệnh quan chức địa phương lấy lễ ưu đãi. Đợi sứ tạ ơn của Đề Bà Đài Giả đến ; thẩm xét phải trái rồi có cách đối xử riêng. (Minh Thực Lục v. 48, q. 3807-3808; Hiến Tông q.220, tr. 4a-4b)
Vua Hiến Tông nhà Minh muốn làm sáng tỏ việc hai nước Chiêm Thành xin phong tước, nên lưu giữ Sứ giả của Cổ Lai trên một năm nhắm chờ Sứ giả của Ðề Bà Ðài Giả đến để đối chất. Nhưng chờ lâu không gặp, bèn cho tạm trở về nước :
 
Ngày 16 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 18 [27/10/1482]
Mệnh cấp cho Sứ thần Ha La Sa của Cổ Lai nước Chiêm Thành thuyền đi biển để trở về nước. Bọn Ha La Sa trú tại Quảng Đông đợi Sứ thần Đề Bà Đài đến tạ ân, để đối chứng việc Trương Cẩn tự tiện phong tước. Đợi đã hơn một năm, lại không chịu được rét nên trình lên Giám sát Ngự sử Vương Biện, rồi viên này tâu lên, bộ Lễ lại tấu tiếp. Lệnh cho tạm trở về nước này, đợi khi Đề Bà Đài sai người đến tạ ơn, lại đến kinh đô để đối mặt làm chứng; nên có mệnh này. (Minh Thực Lục v. 48, t. 3962; Hiến Tông q.232, t. 3b)
Vì không muốn có hai nước Chiêm Thành do An Nam lập nên, nên vua Hiến Tông mệnh Cổ Lai khuyến dụ Ðề Bà Ðài Giả trả lại ấn :
 
Ngày 7 tháng 7 năm Thành Hoá thứ 20 [28/7/1484]
Sắc dụ Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai hãy phủ dụ Đề Bà Đài ; lệnh nạp ấn Quốc vương Chiêm Thành trước kia đã trao cho y. Tha tội cho Đề Bà Đài đã nhận sắc phong ngụy của An Nam ; lệnh cho làm Đầu mục của nước này. (Minh Thực Lục v. 49, t. 4289-4290; Hiến Tông q. 254, t. 2a-2b)
Cuối cùng thì Sứ giả của Ðề Bà Ðài Giả đến Trung Quốc. Nhân dịp này nhà Minh sắp xếp một kế hoạch mới, cho sứ giả của Ðề Bà Ðài Giả về trước báo tin sẽ phong Vương cho Cổ lai, rồi sai Cấp Sự trung Lý Mãnh Dương làm Chánh sứ chuẩn bị sang phong :
 
Ngày 5 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 20 [25/8/1484]
Ban cho người Đề Bà Đài sai đến gồm bọn cháu là Ba La Chất, Phó sứ Man Đê, Thông sự Mai Giả Lượng, lụa thải, đoạn có sai biệt. Trước đó Đầu mục Đề Bà Đài được phong nhầm làm Quốc vương, sai bọn Ba La Chất đến tạ ơn ; biểu văn và sản vật địa phương đã được lệnh trả lại. Bọn Ba La Chất [Bọn Sứ giả] dâng biểu rằng cô độc, nghèo, xin ban cho y phục. Bộ Lễ tâu rằng kẻ từ hải ngoại xa xôi đến, xin xét được gia ơn. [Thiên tử] chấp nhận. (Minh Thực Lục v. 49, t. 4305-4306; Hiến Tông q. 255, t. 1a-1b)
 
Ngày 17 tháng 8 năm Thành Hoá thứ 20 [6/9/1484]
Sai Hộ Khoa Cấp sự trung Lý Mãnh Dương sung Chánh sứ ; Hành nhân Diệp Ưng thuộc ty Hành nhân sung Phó sứ mang chiếu thư cùng lễ vật phong cho em Quốc vương Chiêm Thành Tề Á Ma Vật Yêm là Cổ Lai làm Quốc vương Chiêm Thành. Bọn Mãnh Dương tâu rằng :
Chiêm Thành bị Đề Bà Đài chiếm cứ lâu rồi, vậy trước khi làm lễ phong nên cho Sứ giả của Đề Bà Đài trở về nước, loan báo việc triều đình định phong cho Cổ Lai, để dân chúng yên lòng ; người cháu của Vương cũ do Đề Bà Đài đưa đến tạ ơn, rồi bị lưu lại làm con tin tại Quảng Đông cũng nên cho về luôn. Bọn thần định khi thuyền làm xong, thuận gió, sẽ đến nơi Cổ Lai trú đóng để tuyên đọc sắc văn.
Thiên tử họp đình thần bàn bạc và chấp thuận. (Minh Thực Lục v. 49, t. 4308-4309; Hiến Tông q. 255, t. 2b-3a)
Nhân nhờ lời khai của các Sứ giả Chiêm Thành, nên Hành nhân Trương Cẩn trước kia phong nhầm cho Ðề Bà Ðài Giả được xét tha tội chết rồi biếm trích làm lính thú tại Quảng Tây :
 
Ngày 5 tháng 10 năm Thành Hóa thứ 20 [24/10/1484]
Tha cho Ty phó thuộc ty Hành nhân Trương Cẩn tội chết ; đày làm lính thú tại vệ biên giới thuộc Quảng Tây. Cẩn đi sứ Chiêm Thành, tự tiện phong Đề Bà Đài làm Quốc vương, bị xử chém. Bèn 5 lần dâng lời tâu lên để biện minh, nên được xét tha cho tội chết, biếm trích làm lính thú. (Minh Thực Lục v. 49, t. 4341; Hiến Tông q. 257, t. 3a)
Rồi một biến cố xảy ra, con Cổ Lai giết Ðề Bà Ðài Giả. Có lẽ hành động này phá hư kế hoạch chia nhỏ nước Chiêm Thành của vua Lê Thánh Tông, nên An Nam mang quân đến biên giới đòi cho được mạng sống của Ðề Bà Ðài Giả. Lời đe dọa như là một tối hậu thư, Cổ Lai lâm vào bước đường cùng phải đem hơn 1000 bộ hạ đến lưu vong tại Trung Quốc :
 
Ngày 12 tháng 11 năm Thành Hóa thứ 22 [7/12/1486]
Bọn Giám sát Ngự sử Tuần Án Quảng Đông Từ Ðồng Ái tâu :
Con Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai đánh giết ngụy vương Đề Bà Đài, do Giao Chỉ đặt lên. Giao Chỉ giận, mang binh đến biên giới đòi cho được mạng sống của Đề Bà Đài. Cổ Lai sợ hãi, mang Vương phi, cháu Vương, bộ lạc hơn 1000 người, cùng sản vật địa phương vượt biển đến Nhai Châu, Quảng Đông.”
Sự việc đưa xuống bộ Lễ bàn, rồi Thiên tử phán :
Cổ Lai trong lúc tàn bại, còn chút hơi thừa, vượt qua vạn dặm, mang quyến thuộc đến quy phụ Trung Quốc ; tình cũng đáng thương. Nay lệnh cho các quan Tổng binh, Trấn thủ, Tuần phủ lưu tâm an ủi, ban cho lương thực, chọn chỗ thích hợp để cư trú, không để đến chỗ đói khát. Vẫn ra lệnh nghiêm nhặt canh phòng biên giới.” (Minh Thực Lục v. 50, t. 4806; Hiến Tông q. 284, t. 3b)
Nhà Minh không muốn Cổ Lai cùng bộ hạ lưu tại Trung Quốc lâu, nên chưa đến một năm sau sai Hữu Ðô Ngự sử Ðồ Dung đến Quảng Ðông thu xếp. Sau khi thương lượng, Dung tâu lên rằng Cổ Lai xin được phong chức tại Quảng Ðông rồi hộ tống về nước. Về lãnh thổ Cổ Lai xác nhận nguyên có 8 châu 25 huyện bị An Nam chiếm tất cả [1471] sau đó Chiêm Thành tố cáo với triều đình nhà Minh nên An Nam trả lại 4 châu 5 huyện, sau đó lấy ra 1 châu 3 huyện giao cho Ðề Bà Ðài Giả [Hoa Anh? ] ; nay Chiêm Thành [nước Chiêm Thành mới] chỉ còn 3 châu, 2 huyện. Có lẽ vì lý do này nên khi Hành nhân Trương Cẩn đến thành Chà Bàn phong vương [1481], đã phong nhầm cho Ðề Bà Ðài Giả.
Ngoài ra để việc hộ tống Cổ Lai về nước khỏi bị An Nam cản trở, vua Hiến Tông đã gửi văn thư trách vấn việc làm của An Nam :
 
Ngày 13 tháng 10 năm Thành Hoá thứ 23 [29/10/1487]
Phong Vương cho con Quốc vương Chiêm Thành, Cổ Lai, tại Quảng Đông rồi hộ tống về nước và sắc cho nước An Nam trả đất xâm chiếm. Trước kia sai Cấp sự trung Lý Mãnh Dương, Hành nhân Diệp Ưng làm Chánh Phó sứ đến Chiêm Thành sắc phong. Nhưng chưa tới nơi thì Cổ Lai bị An Nam xâm đoạt nên bỏ nước, hàng hải đến Quảng Châu và định đến triều đình tố cáo. Tuần phủ, Đô ngự sử trình lên, bèn sai Đô sát viện Nam Kinh Hữu Đô ngự sử Đồ Dung đến Quảng Đông để thu xếp việc nên làm. Dung đến nơi, rồi tâu lên rằng :
Theo lời xưng của Cổ Lai, thì nước đó nguyên có 8 châu, 25 huyện, bị An Nam thôn tính tất cả. Vào năm Thành Hóa, người Chiêm Thành đến tố cáo với triều đình, nên được An Nam trả lại các xứ Bang Đô Lang, Ma Na Lý, 4 châu, 5 huyện. Sau đó Đầu mục Chiêm Thành Đề Bà Đài làm phản theo An Nam ; An Nam bèn cho y 1 châu, 3 huyện ; Chiêm Thành chỉ còn 3 châu, 2 huyện. Nay Đề Bà Đài đã chết, An Nam đòi cho được mạng sống của y, ý đồ lấy hết đất như Bang Đô Lang và lập con của Đề Bà Đài làm Vương. Sau đó Lũ Ma, con Cổ Lai, cùng Đầu mục Vạn Nhân Phương cố thủ để đợi. Ý của Cổ Lai muốn được thụ phong tại Quảng Đông, xin bộ binh tống về nước, lại xin văn thư công nhận cương thổ để được an toàn. Bọn Thần muốn lời xin được chấp thuận, xin mệnh bọn Mãnh Dương đến nơi này sắc phong, đến mùa đông sai quan võ hộ tống trở về nước. Bọn Mãnh Dương không cần phải thân hành đến đó. Lại xin sắc cho An Nam trả lại đất đã xâm lấn.”
Bộ Binh phúc tấu đồng ý theo ; bèn ban cho Quốc vương An Nam Lê Hạo sắc văn như sau :
Mới đây được các quan coi giữ Quảng Đông tâu rằng con Quốc vương Chiêm Thành, Cổ Lai, tố cáo rằng nước này nguyên có 8 châu, thành Ban Nhược Ban [Chà Bàn ?] và 25 huyện. Vào năm Thành Hóa thứ 7 [1472] nước ngươi mang binh chiếm hết số đất nêu trên. Vào tháng 3 năm Thành Hóa thứ 13 [1477] trả lại 4 châu, 5 huyện trong đó có Bang Đô Lang, Mã Na Lý. Rồi đem 1 châu 3 huyện trong đó có Mai Đả Lý, Bôn Để Ba Để cho tên Đầu mục phản phúc Đề Bà Đài. Sau đó lại ngầm ra lệnh Đề Bà Đài mang binh tìm giết Cổ Lai ; nên bị Cổ Lai bộ hạ giết chết. Bọn ngươi lại sai Đầu mục mang quân bức phải trả lại Đề Bà Đài sống. Vì lý do đó Cổ Lai quẫn bách, mang gia thuộc vượt biển từ xa đến tố cáo. Lại tra xét lời các ngươi trước đây tâu rằng đất đai Chiêm Thành do Thổ tù nước đó tranh giành cát cứ ; nay xét lại lời tố cáo của Cổ Lai thì ra các ngươi chiếm đoạt rồi đuổi họ đi. Nếu không vậy thì làm sao Cổ Lai lâm vào cảnh lưu ly đến như vậy. Nhưng nước ngươi vốn xưng lễ nghĩa, há lại ngoài mặt làm vẻ thiện, nhưng ngầm trong chứa điều ác, chỉ trang sức trên văn từ, trên thì thiếu lòng trung thờ nước lớn, dưới thì mất nghĩa hòa mục với lân bang. Hoặc giả Vương không biết, nhưng ở dưới quan phòng thủ, Đầu mục, đảng nghịch gây oán ; che giấu mọi điều đến như vậy ư ! Ty Bố chánh Quảng Đông đã thông báo cho nước ngươi, nhưng vẫn chưa nhận được phúc đáp. Nay nhân sứ trở về, đặc mệnh ban sắc cho Vương hãy đem lòng giúp đỡ kẻ hoạn nạn để đáp ứng với ý muốn phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt của triều đình ; nghiêm khắc cấm chỉ những người phòng giữ biên giới cậy mạnh hiếp người yếu, gây điều độc ác ; lấy 8 châu, 25 huyện, phía ngoài núi Mao Lãnh trả lại cho Cổ Lai, tạo nên sự hòa mục giửa lân bang, cùng chung hưởng thái bình.
Chẳng phải riêng việc Chiêm Thành, quan trấn thủ Vân Nam cũng mấy lần tâu rằng tên Thổ quan nước ngươi tên là Đèo Chúc, đánh phá 5 bang và các trại tại Man My, giả xưng danh hiệu chủ nhân châu Ninh Viễn, nhiễu hại biên dân, đã bị quan binh đánh đuổi. Nhưng niềm lưu luyến của nó chưa dứt, rồi sẽ có ngày trở lại. Vương nên gia tâm kiểm soát ; sai người bắt Đèo Chúc và gia thuộc câu lưu ; phải đem chúng ra pháp luật, không được che chở. Nếu nó còn bí mật đến, xưng danh hiệu giả, thì cái mà ngươi tự cho là trung nghĩa không còn nữa. Những sự việc này người hãy hồi tấu để thấy được lòng thành của ngươi. Nếu không ngay thẳng, vu khống, thì đạo trời làm phúc được thiện, họa đến cho kẻ ác ; Vương hãy nên lo xét. Khâm thử ! (Minh Thực Lục v. 51, t. 79-82; Hiếu Tông q. 4, t. 13a-14b)
Sau khi được về nước an toàn, Cổ Lai lại sai em sang tố cáo An Nam. Nhưng lần này thì nhà Minh từ chối không muốn can thiệp thêm, lấy lý do rằng An Nam đã chịu để yên không mang quân đánh lại Cổ Lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét