Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Kinh tế thế giới đang chạm vào lằn ranh suy thoái kép

Ngày Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Kinh tế thế giới đang chạm vào lằn ranh suy thoái kép
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Kinh tế thế giới đang chạm 

vào lằn ranh suy thoái kép

Mời độc giả theo dõi 2 kỳ bài phân tích về tình hình kinh tế thế giới của TS. Phạm Chí Dũng.
(VEF.VN) - Theo phương pháp so sánh thời gian chu kỳ hồi phục và tái suy thoái giữa cuộc khủng hoảng 2008-2009 với thời kỳ Đại suy thoái 1929-1932, chúng ta có thể tính toán sơ bộ rằng chu kỳ phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng 2008-2009 sẽ kéo dài 28 tháng, tức đến tháng 10/2011 hay trong quý 4/2011, chu kỳ này sẽ chấm dứt và nền kinh tế Mỹ có thể bắt đầu chu kỳ suy thoái kép (double dip).

Phần 1. Những ẩn số của phương trình suy thoái
Ẩn số từ tâm trạng bi quan


Hơn 2 năm phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn chưa mang lại cảm giác an toàn cho đa số người dân ở các quốc gia phát triển. Thực ra, hệ quả này cũng là tâm trạng chung, vì nếu nhìn lại các cuộc khủng hoảng trước đây diễn ra vào các năm 1986 và 2002, những chỉ số đánh giá niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư cũng liên tục trồi sụt trong thời kỳ hồi phục đầu tiên sau khủng hoảng.
Chỉ có điều, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới giai đoạn 2008-2009 lại được xem là tác động có mức độ tiêu cực nhất kể từ sau Đại khủng hoảng giai đoạn 1929-1932 của nước Mỹ. Trong giai đoạn đó, chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ mất đến 90% giá trị và gây nên hiệu ứng nhảy lầu đối với những nhà đầu tư và nhà tư bản tan nát tài sản. Còn với lần khủng hoảng vừa qua, Dow Jones tuy không lâm vào tình thế thê thảm như quá khứ cách đây 80 năm, nhưng cũng phải chịu một cú sụt quá mạnh, tương đương 53% giá trị.
"Bất an" có lẽ là tâm trạng khá phổ biến hiện thời ở nhiều quốc gia. Những cuộc tranh luận, tranh cãi vẫn không ngớt diễn ra giữa các giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhà kinh tế, người dân và công nhân về liệu có xảy ra suy thoái kép hay không, liệu nền kinh tế Mỹ đang tăng tốc hay đang hướng đến một sự va chạm mạnh.
Tăng tốc thì đã có, bằng chứng rõ rệt là GDP của nước Mỹ đã tăng trưởng liên tục sau khủng hoảng, ở mức trên 3%. Nhưng nếu không tiếp tục tăng tốc, nền kinh tế Mỹ sẽ gặp phải sức cản, hay cái mà người ta gọi là "sự va chạm" nào? Viễn cảnh này vẫn là một phương trình nhiều ẩn số hết sức khó giải.
Gary Shilling, một nhà kinh tế tại A. Gary Shilling & Co, cũng dự báo một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ khác trong năm 2012 khi những lo lắng và lạm phát sẽ dẫn tới lo lắng về giảm phát. Shilling là một số ít nhà kinh tế dự báo được suy thoái kinh tế năm 1969, sự kết thúc của lạm phát cao thập niên 1970 và là người bi quan năm 2008.
Theo một cuộc điều tra không chính thức của công ty truyền thông Rasmussen, có 63% số người tiêu dùng Mỹ được hỏi cho rằng nước Mỹ đang suy thoái và chỉ có 20% nói không. Với nhà đầu tư Mỹ, 62% nói kinh tế Mỹ suy thoái, chỉ 23% nói không.
Bất chấp năm 2010 đã trôi qua khá yên tĩnh với gói kích thích Chương trình nới lỏng định lượng QE2 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), mà do đó đã tạo đà đi lên cho thị trường chứng khoán quốc gia này cùng nhiều thị trường chứng khoán ở châu Âu, năm 2011 lại bắt đầu bằng những chấn động lớn về cuộc cách mạng hoa nhài ở Bắc Phi và vùng Trung Đông, sau đó nền kinh tế thế giới lại bị bồi tiếp bằng thảm họa sóng thần ở Nhật Bản, dẫn tới việc quốc gia này bị chính thức đặt vào tình trạng suy thoái.
Vào tháng 4/2011, những chỉ số kinh tế chính ở Mỹ đã chững lại. Có thể, thời hoàng kim nhất của giai đoạn phục hồi đã qua đi, có thể bắt đầu một quá trình gạn lọc mới đối với các doanh nghiệp trên con đường đi tìm sự ẩn náu của mình. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng vì thế mà không gia tăng thêm. Tình hình này đương nhiên dẫn đến hệ quả là số lượng công việc mới giậm chân tại chỗ chứ không gia tăng như các nhà phân tích mong đợi. Tỷ lệ thất nghiệp, sau khi được kéo giảm từ 10% xuống 9%, đã đứng im trong một thời gian khá lâu và đang làm cho các nhà làm chính sách sốt ruột. Bởi xem ra với đà hồi phục chậm chạp như thế này, vào cuối năm 2011, người ta sẽ khó có thể kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 8% như dự liệu.
Tuy nhiên, những vấn đề trên vẫn chưa đủ để quá lo ngại về khả năng nước Mỹ cùng nền kinh tế ở các nước phát triển rơi vào tái suy thoái.
Nếu như không tái hiện vấn đề nợ công.
Ẩn số từ nợ công
Đó thực sự là một bóng ma đối với châu Âu và cả với Mỹ. Chỉ với 3 quốc gia Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, con số nợ cận kề thời hạn thanh toán đã lên đến 400-450 tỷ USD, gấp hàng chục lần món nợ mà đã gây nên cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở châu Á vào năm 1997-1998.
Nhưng trong thực tế, số nợ của các nước Nam Âu còn lớn hơn nhiều. Hy Lạp 236 tỷ USD, Tây Ban Nha 1.100 tỷ USD, Bồ Đào Nha 286 tỷ USD, Ireland 867 tỷ USD và Ý 1.400 tỷ USD - tổng cộng gần 4.000 tỷ USD. Trong đó, Tây Ban Nha được liệt vào tình thế khá trầm trọng bởi tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này lên tới 20%. Còn Ireland thì cũng giống như Hy Lạp, hậu quả vỡ nợ chỉ còn tính bằng ngày tháng và phụ thuộc hoàn toàn vào sự cố gắng của Cộng đồng châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Nợ công châu Âu lại tiếp dẫn sang nợ công của Mỹ. Trong lịch sử, nước Mỹ đã 70 lần nâng trần nợ công và tiền lệ truyền thống như thế làm cho các đời tổng thống Mỹ không phải quá lo lắng về những lần nâng trần nợ tiếp theo. Thế nhưng việc nâng trần nợ ấy lại gây sức ép rất lớn đối với khu vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và đặc biệt là thị trường bất động sản vốn đang quá trầm lắng.
Với tổng nợ trên 13.000 tỷ USD của chính phủ Mỹ, tăng 1.600 tỷ USD so với năm 2010 và chiếm tới 90% GDP của nước này, không có mấy hy vọng nền kinh tế sẽ được tăng tốc. Mà gần như chắc chắn, nợ sẽ khiến cho cú va chạm với suy thoái kép xảy ra nhanh hơn dự báo.
Các nhà phân tích kinh tế lại có dịp đưa ra dự đoán về khả năng nước Mỹ bị vỡ nợ. Khi đó, chắc chắn sẽ là đại họa, giống như một cơn đại hồng thủy từ Bắc Băng Dương tràn vào lục địa già Âu châu và nhấn chìm ít nhất vùng Bắc Âu trong băng giá và nước lũ.
Trong cuộc khủng hoảng 2008-2009, khối kinh tế Bắc Âu vẫn được xem là khu vực duy trì được sự ổn định tốt nhất thế giới, được đánh giá cao hơn cả đà tăng trưởng khá cao nhưng thất thường của thị trường các quốc gia mới nổi. Sau giai đoạn tăng trưởng liên tục trong năm 2010, chỉ số chứng khoán các nước Bắc Âu đã giữ được xu hướng đi ngang cho đến cuối tháng 3/2011.
Nhưng từ đầu tháng 4/2011, như một sự cộng hưởng, chỉ số chứng khoán của các nước Bắc Âu như Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sỹ đồng loạt đi xuống. Điều đáng nói là xu thế suy giảm này diễn ra khoảng một tháng trước khi chứng khoán Mỹ bắt đầu lao dốc. Điều đó cho thấy một khi khu vực kinh tế có tính ổn định nhất thế giới bắt đầu chao đảo, đó cũng là sự báo hiệu cho những khu vực khác, kể cả Mỹ, bị dao động theo hiệu ứng domino.
Ẩn số từ thị trường bất động sản
Trong bối cảnh các thị trường chứng khoán dường như đã hết đà tăng, thị trường bất động sản của Mỹ - được coi là đại diện cho hệ thống bất động sản của thế giới - vẫn giữ nguyên không khí u ám kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Điểm đáng chú ý là khi xem xét các trường hợp cho vay mua nhà, giới phân tích Mỹ nhận ra sau khủng hoảng, giá nhà ở Mỹ đã giảm đến 40% và hiện nay vẫn còn đến đến 80% căn nhà có giá thấp hơn giá trị khoản tín dụng mà chủ nhân của căn nhà đi vay ngân hàng để mua nó.
Vậy thị trường bất động sản Mỹ có tương lai không? Trước mắt, nguồn cung từ tỷ lệ 80% căn nhà nằm trong diện cảnh báo nguy hiểm vẫn chực chờ. Theo phân tích của giới chuyên môn Mỹ, chỉ cần giá nhà tăng trở lại 10% thì sẽ có khoảng 20 triệu căn nhà được tung ra thị trường và sẽ gây áp lực mạnh mẽ đối với sự phục hồi của thị trường bất động sản Mỹ.
Thị trường bất động sản từng được xem là chỉ báo cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Nhưng ngoại trừ một giai đoạn hồi phục ngắn ngủi trong năm 2009 mà có lẽ được kích thích bởi kết quả tăng trưởng trên 50% của thị trường chứng khoán, hoạt động nhà đất vẫn tiếp tục đem lại sự thất vọng cho giới đầu tư. Cho đến nay, mới chỉ có thị trường Miami là có được đôi chút khởi sắc. Một số khu vực khác cũng có giao dịch như New York, Boston, San Francisco nhưng nguồn cầu chính lại không đến từ nội bộ nước Mỹ mà phải nhờ vào sự chi viện  của ngoại lực - các thương gia Trung Quốc và Đài Loan.
Ẩn số từ thị trường chứng khoán
Giờ đây, khi xem xét lại toàn bộ bức tranh kinh tế Mỹ sau khủng hoảng, chúng ta có thể nhận ra yếu tố mang tính chỉ báo rõ ràng nhất cho nền kinh tế này chính là thị trường chứng khoán. Nếu như kinh tế Mỹ được xác nhận chính thức phục hồi vào tháng 6/2009 thì trước đó 3 tháng, ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ là Dow Jones, S&P500 và Nasdaq đã chính thức lập đáy và sau đó đã thực hiện một chu kỳ tăng trưởng được xem là khá ngoạn mục, riêng Nasdaq vượt gấp đôi so với đáy.
Cho đến tháng 4/2011, bất chấp việc những chỉ số kinh tế chính của Mỹ có dấu hiệu chững lại, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng. Rất đáng khích lệ, chỉ số Nasdaq đã phá cả đỉnh của nó được lập trước khủng hoảng (vào tháng 10/2007). Cùng với chỉ số chứng khoán DAX của Đức, Nasdaq của Mỹ được xem là đầu tàu của chứng khoán thế giới.
Song có lẽ giai đoạn tăng trưởng liên tục của chứng khoán Mỹ trong hơn hai năm qua đã tạm trôi qua, nhường chỗ cho một chu kỳ nghỉ ngơi tạm thời. Từ đầu tháng 5/2011, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã đồng loạt đi xuống. Dow Jones mất 7% và Nasdaq mất 9%. Tuy nhiên, đó không phải là sự mất mát quá lớn so với những giá trị lớn lao mà các chỉ số này mang lại cho nhà đầu tư trong hơn hai năm qua. Sự đi xuống của các chỉ số này cũng không thể hiện dạng đồ thị lao dốc thẳng đứng mà là giảm giằng co, cùng VIX- chỉ số đo lường trạng thái phố Wall - gần như đi ngang, cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư chứng khoán về thị trường sẽ còn tiếp tục đi lên, cũng như niềm tin của người dân vào sự phục hồi có thể còn được duy trì của nền kinh tế Mỹ.
Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn là một nhân tố gây ngạc nhiên cho nhiều nhà phân tích. Còn nhớ vào tháng 8/2009, khi chỉ số Nasdaq đã phục hồi được trên 50% so với đáy khủng hoảng, Mark Mobius - giám đốc điều hành quỹ đầu tư Templeton Asset Management Ltd và từng là một trong 10 nhà quản lý tiền tệ nổi tiếng ở châu Á đã dự báo thị trường chứng khoán toàn cầu có thể giảm 30% sau khi hồi phục từ thời điểm tệ hại của năm 2008. Sự điều chỉnh này sẽ diễn ra tại bất kỳ thời điểm nào trong năm 2009 và sẽ không giảm ngay lập tức, mà sự giảm điểm có thể diễn ra theo cách giảm 10%, sau đó tăng 5% và lại giảm tiếp 10%. Tuy nhiên thực tế năm 2009 đã cho thấy chẳng có cú sụt giảm mạnh nào đối với thị trường chứng khoán Mỹ, mà cũng không có giai đoạn điều chỉnh nào đến 10%.
Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong hoài nghi và kéo đến tận tháng 5/2010. Khác với Mark Mobius, một chuyên gia có tiếng khác của chứng khoán thế giới là Marc Faber đã thành công hơn khi đưa ra dự báo chỉ số S&P500 có thể giảm 20% trong những tháng đầu năm 2010. Faber từng nổi tiếng với việc kêu gọi các nhà đầu tư rời bỏ chứng khoán Mỹ đúng một tuần trước khi xảy ra sự kiện chứng khoán đồng loạt sụp đổ vào Ngày thứ Hai đen tối năm 1987 và sau đó là tháng 8/2007 - hai tháng trước khi chứng khoán Mỹ rơi vào thời kỳ suy thoái với mức sụt giảm kỷ lục 53%.
Kết quả là vào tháng 5/2010, S&P500 giảm gần 15%. Tuy nhiên, có thể hiểu khi nêu ra dự báo, Faber đã căn cứ vào tình trạng khá mơ hồ, không  mấy chắc chắn cho viễn cảnh trong tương lai của các chỉ số kinh tế của Mỹ. Trong thực tế, điều ngược lại đã xảy ra khi nửa cuối năm 2010 của nước Mỹ trôi qua trong yên ổn và sau 4 tháng nghỉ ngơi, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trưởng, lập những kỷ lục mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét