Ngày Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Vài sai lầm trong quá khứ
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Vài sai lầm trong quá khứ
Người ta thống kê, trong thế kỷ 20 có rất nhiều sai lầm tầm…nhân loại. Có sai lầm dẫn đến chiến tranh thế giới, có sai lầm đưa đến chiến tranh ý thức hệ.
Nhầm lẫn của lãnh đạo mất cả quốc gia, mất phe XHCN, ngớ ngẩn về chính sách nông nghiệp mà giết hàng chục triệu người và đưa đất nước bên bờ thảm họa.
Sai lầm của các nước lớn
Hòa ước Versailles năm 1919 chấm dứt Thế chiến 1 (1914-1918) giữa Đức và phe Đồng minh do Pháp, Mỹ và Anh thắng trận soạn ra. Đức phải trả lại cho Pháp miền Alsace-Lorraine, một mảnh đất cho Bỉ, một mảnh tương tự ở Schleswig cho Đan Mạch, trả lại một số mảnh đất cho Ba Lan.
Ngoài việc phải bồi thường chiến tranh 5 tỷ đô la (thời đó), Hòa ước Versailles cũng ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền của Đức ở châu Âu bằng cách giới hạn Đức chỉ có tối đa quân số 100.000, cấm sở hữu máy bay và xe tăng, không có Bộ Tổng Tham mưu. Hải quân mang tính tượng trưng. Đức bị cấm chế tạo tàu ngầm hoặc tàu trọng tải trên 10.000 tấn.
Đối với Đức, đó là nỗi nhục chưa từng thấy trong lịch sử của họ, một dân tộc luôn tự cho mình là thượng đẳng. Adolf Hitler sử dụng Hòa ước này làm vũ khí để kích động lòng tự trọng dân tộc. Khi Hitler soạn thảo bản cương lĩnh cho Đảng Quốc Xã thì một trong những điều khoản đó là đòi xé bỏ Hòa ước Versailles – một nguyện vọng của hầu như toàn thể người Đức.
Bắt nước Đức đầu hàng nhục nhã trong chiến tranh thế giới thứ nhất bằng Hòa ước Versailles lại chính nó lại châm ngòi cho cuộc chiến thứ 2 với hậu quả khủng khiếp.
Nhiều nhà lịch sử cho rằng Hòa ước Versailles là sai lầm thế kỷ vì đã đẩy con sói Đức đến chân tường.
Ở thế kỷ 21, nhìn Trung Quốc đang đi lên và rất có thể vượt Hoa Kỳ trong vài thập kỷ tới, nhiều người cho rằng, chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nixon năm 1973 và sau đó là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1979 (năm đó Trung Quốc “dạy” Việt Nam một “bài học”), lại có thể là sai lầm lớn nhất của Hoa Kỳ trong lịch sử ngoại giao.
Mao Trạch Đông đã phần nào đúng khi tuyên bố cách đây nửa thế kỷ “Mỹ chỉ là con hổ giấy, Trung Quốc mới là con hổ thật”. Mỹ không thể dự đoán Trung Quốc lại mạnh như hôm nay. Hoa Kỳ đã khống chế và vô hiệu nước Nga nhưng không thể kiểm soát Trung Quốc.
Tại Việt Nam, hiệp định Genève chia cắt hai miền Nam Bắc đưa đến cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn do ý thức hệ và thuyết domino chủ nghĩa cộng sản.
Việt Nam kiệt quệ, nhưng người Mỹ, tưởng rằng không bao giờ thua trong lịch sử, cũng phải thừa nhận “không thể thắng trận chiến này”. Đó là sai lầm tai hại của bốn cường quốc Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, Anh khi họ ngồi đánh bàn cờ toàn cầu, không thèm đếm xỉa đến quyền lợi các nước nhỏ.
Sai lầm của VIP
Gorbachev bắt đầu công cuộc cải tổ không hề nghĩ rằng, một hôm nào đó, ông mất chức Tổng thống, Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô và bị giam lỏng. Sai lầm trong perestroika dẫn tới sự tan rã của Đông Âu và Liên Xô. Nhưng sai lầm ấy trở thành niềm vui của hàng tỷ người vì nó may mắn kết thúc cuộc chiến tranh lạnh vô cùng tốn kém trong chạy đua vũ trang.
Mao Trạch Đông có công lao to lớn, thành lập nước CHND Trung Hoa. Là người không ra khỏi biên giới bao giờ và không biết ngoại ngữ nên tầm nhìn hạn hẹp.
Đại nhảy vọt (1958-1960) định dựa vào dân số khổng lồ nhằm đưa Trung Quốc từ nông nghiệp lạc hậu sang xã hội công nghiệp cộng sản hiện đại. Nhưng chính điều đó là đại thảm họa. Người ta ước tính khoảng 20-30 triệu người đã chết.
Sau thất bại này, Mao tiếp tục cuộc Cách mạng văn hóa nhằm loại bỏ những đối thủ chính trị như Bành Đức Hoài, Đặng Tiểu Bình, Lưu Thiếu Kỳ. Hàng triệu người bị giết, bị cầm tù, tra tấn và nhục hình. Đặng Tiểu Bình cũng ba lần vào tù. Thảm họa khủng khiếp khác của đất nước Trung Hoa.
Người ta còn nhớ Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm 9-11-1989 sau hơn 28 năm tồn tại, chia cắt nước Đức.
Trước đó đã có nhiều cuộc chốn chạy bất hợp pháp, hàng ngàn người chết, bị thương và bị bắt. Rồi dân chúng Đông Đức biểu tình đòi tự do đi lại. Nhiều người tìm cách trốn sang Tây Đức qua ngả Hung và Tiệp Khắc.
Bộ Chính trị của Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức có một đạo luật quy định về việc ra nước ngoài. Lẽ ra phải được thông qua Hội đồng Bộ trưởng nhưng Bộ Tư pháp đã phản đối.
Trong lúc ấy, bản dự thảo trình Hội đồng Bộ trưởng được đưa ra bàn thảo vào buổi chiều ngày hôm đó trong Ủy ban Trung ương Đảng và được sửa đổi nhỏ. Phiên bản này được UV BCT Günter Schabowski, người vắng mặt trong các cuộc họp trước đó của Bộ chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng, mang ra họp báo.
Cuộc họp báo trong Trung tâm Báo chí Quốc tế trên đường Mohren (Mohrenstraße) số 38 tại Đông Berlin được truyền hình trực tiếp và được nhiều người theo dõi.
Sau khi thông báo nhiều vấn đề quan trọng khác, kết thúc cuộc họp báo, ông ta đọc một đoạn trong dự thảo trên đang đặt trên bàn “Có thể làm đơn xin du lịch cá nhân ra nước ngoài mà không cần có điều kiện như lý do xuất ngoại hay quan hệ họ hàng. Giấy phép sẽ được cấp trong thời hạn ngắn. Các ban phòng có thẩm quyền về hộ chiếu và khai báo cư trú của các cơ quan Công an Nhân dân cấp huyện trong nước Đông Đức có thể nhanh chóng cấp giấy thông hành ra nước ngoài thường xuyên theo như chỉ thị. Có thể liên tục ra nước ngoài tại tất cả các cửa khẩu biên giới giữa nước Đông Đức và Tây Đức.”
“Khi nào? Ngay lập tức?”. Một nhà báo, Peter Brinkmann phóng viên thường trực của báo Bild tại Đông Đức, hỏi.
Schabowski lục lọi trong chồng giấy tờ của ông “Theo như tôi biết – thì ngay lập tức, không chậm trễ”.
Chả hiểu thế nào mà các đài truyền thanh và truyền hình của Tây Đức và Tây Berlin đã phát tin ”Bức tường đã mở!”. Hàng chục ngàn dân Đông Berlin đổ về bức tường và yêu cầu lính canh mở cổng.
Lính biên phòng không được thông báo gì về “quyết định mới” này. Chỉ huy không biết xử lý thế nào. Số đông đã thắng và bức tường Berlin sụp đổ trong một đêm chỉ vì sai lầm trong truyền thông của một UVBCT trong cuộc họp báo lịch sử chiều 9-11-1989 đã châm ngòi cho dân Đông Đức xóa sổ Cộng hòa Dân chủ Đức.
Đôi lời về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Hiệu Minh từng yêu Liên Xô, Trung Quốc và tin vào chủ nghĩa cộng sản, tình anh em quốc tế trong sáng. Thời chiến tranh, nhiều người ở miền Nam tin vào đồng minh Mỹ không tháo chạy. Sự ấu trĩ của thế hệ U50-U70 về phe này phe kia là điều có thật.
Hiệu Minh blog đăng một vài entry bàn về công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi phía Trung Quốc vào năm 1958. Trong bối cảnh quốc tế lúc đó thì ngôn ngữ trong công hàm là điều dễ hiểu. Cân bằng giữa được và mất khi đó quả thật rất khó.
Thật đáng tiếc, sau nửa thế kỷ, Trung Quốc dựa vào đó để đòi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Rất may, năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho hải quân VN chiếm Trường Sa khi Trung Quốc chưa kịp trở tay chứng tỏ tầm nhìn rất xa.
Nếu ông mải mê cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập thì có lẽ hôm nay Trường Sa cũng chẳng còn. Tôi hoàn toàn tin khi đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng tham gia vào quyết định đánh chiếm Trường Sa trước mũi người Trung Quốc.
Dân thường mắc sai lầm có thể trả giá là mất việc, mất tiền, mất gia đình, sự nghiệp tiêu tan và đôi khi mất mạng.
Lãnh đạo quốc gia sai lầm có thể đẩy đất nước vào thảm họa chiến tranh, đói nghèo, tụt hậu và đôi lúc mất nước.
Các cường quốc bàn chuyện toàn cầu mà sai lầm dễ gây thảm họa cho cả nhân loại.
Thử đem những chuyện tày trời trên trái đất từng xảy ra và sẽ xảy ra so với vài lời trong công hàm ký năm 1958 ảnh hưởng tới mấy hòn đảo, các bạn nghĩ sao đây?
Hiệu Minh blog mong các bạn nhìn quá khứ với con mắt tỉnh táo hơn, tìm ra những bài học đắt giá cho hôm nay và cho ngày mai. Nói những lời chia rẽ do chiến tranh để lại chỉ làm đất nước yếu đi trước kẻ thù và mình thua ngay trên sân nhà.
Trong những ngày khó khăn biển đảo, mong sao thêm những thông điệp giúp cho sự đoàn kết và sức mạnh dân tộc. Quốc gia mạnh thì không kẻ nào dám dòm ngó, dù chỉ là tấc đất.
Hiệu Minh. 11-07-2011.
Entry sử dụng tư liệu trên Wiki và internet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét