Ngày Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Tiến sĩ Alan Phan: "Mác thành đạt đang bị lạm phát"
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Đọc bài này của TS Phan lại nhớ đến câu "Làm người là khó". Tất nhiên hồi ký "Làm người là khó" của bác Đoàn Duy Thành (sếp cũ của tôi) chẳng hay ho gì, nhưng bài học làm người là khó của TS Phan dưới đây thật thú vị. Đặc biệt là TS tổng kết lại cần ít nhất sáu khía cạnh để được tạm gọi thành đạt: sức khoẻ, tinh thần, trí tuệ, xã hội, tiền bạc và tâm linh. Tôi là con dân nghèo nhưng may mắn (hay bất hạnh ?) vừa đi làm đã được tiếp xúc ngay với nhiều nhân vật cấp cao trong giới lãnh đạo đất nước và trong giới khoa học (tinh hoa của đất nước ?) nên đã sớm thất vọng vì được chứng kiến quá nhiều trò hề ở những nhân vật được gọi là thành đạt. Ngoài ra, tôi còn nhận thấy khi cố sức để thành đạt trong một khía cạnh nào đó thì các khía cạnh khác sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, tức là được cái này sẽ mất cái kia. Vì vậy tôi đi theo nguyên tắc người sống trung bình là hạnh phúc nhất. Đây cũng là một nguyên lý trong kinh tế, xã hội: Mỗi hệ thống kinh tế, xã hội đều có một tốc độ tăng trưởng và phát triển tiềm năng, dài hạn, phù hợp với mình; cách tốt nhất là phát triển theo đúng tiềm năng đó. Con người cũng vậy, đi từ từ, đúng năng lực sinh học của mình, nhìn mọi phía để sống cân đối và hài hòa... là tốt nhất.
Tiến sĩ Alan Phan: "Mác thành đạt đang bị lạm phát"
Alan Phan, một doanh nhân Việt kiều, vừa có bài viết chia sẻ về việc mác thành đạt bị "lạm phát" gần đây. Theo ông, người trẻ cần quên đi danh từ, nhớ đến thực chất trên con đường kiếm tìm tiêu chí để là người thành đạt.
‘Đại gia Việt mới giàu nên thích khoe mẽ’
Đại gia Việt qua con mắt họa sĩ
"Thành công là đạt được những gì mình mong muốn. Hạnh phúc là muốn những gì mình đạt được" (Dale Carnegie). Gần đây, tôi hay "bị" gán cho cái mác "doanh nhân thành đạt", rồi có người còn gọi là "tỷ phú" dù tôi nói rõ chỉ là tỷ phú tiền đồng.
Khi một từ ngữ nào bị lạm dụng, tôi thường dị ứng lạ thường. "Thành đạt", "đỉnh cao", "đại gia"… một ngày rồi "phá sản", "tội phạm", "siêu lừa"… một ngày khác. Biển dâu của ngôn ngữ còn sống động hơn những đổi thay trong thực tại.
Tiến sĩ Alan Phan hiện chủ yếu đầu tư tại thị trường Đông Á. |
Vài bạn trẻ gửi thư mong tôi chỉ cho bí quyết trở thành một doanh nhân thành đạt, càng nhiều đường tắt càng tốt! Khi hỏi lại là họ nghĩ một doanh nhân thành đạt phải ra sao, tất cả đều cho rằng phải có tiền thật nhiều để tiêu xài thoả thích, phải được xã hội trọng vọng kính nể, phải có quyền lực qua quan hệ, phải có cả núi "đồ chơi": chân dài, siêu xe, tiệc tùng, hàng hiệu…
Tôi thường trả lời là các bạn có một góc nhìn, dù khá phổ biến ở đây hiện nay, nhưng rất sai lạc khi đối diện với thực tế. Cái giá phải trả cho những "ước muốn" trên có lẽ các bạn sẽ không bao giờ muốn trả, trừ khi bạn sinh ra là cậu ấm cô chiêu trong nhà siêu quan.
Thêm vào đó, mác đại gia càng lớn thì càng nhiều ganh tỵ thù địch. Chỉ đọc và nghe những tin đồn hay vu khống về mình cũng mất hết ngày giờ. Sau 15 năm quản lý một công ty đại chúng ở Mỹ, tôi nghĩ là mình đã quá quen với những thị phi, bịa đặt của các diễn đàn trên net. Nhưng những tấn công cá nhân gần đây khi tôi được mạng truyền thông "bơm" lên làm mình phải tính đến chuyện tịnh khẩu để có chữ bình an!
Tôi luôn nghĩ là một người khi vượt khỏi những nhu cầu thúc hối về cơm áo và có chút tự do, giá trị đẳng cấp của họ phải được định lượng trên sáu khía cạnh để được tạm gọi thành đạt: sức khoẻ, tinh thần, trí tuệ, xã hội, tiền bạc và tâm linh. Theo 6 tiêu chuẩn này thì chắc chắn cá nhân tôi không phải là người thành đạt, ngay cả trong vài chục năm tới khi tôi gần xuống lỗ.
Tôi nghĩ mọi người phải làm một chuẩn lượng riêng cho mình:
Sức khoẻ của bạn có kham nổi một chương trình làm việc liên tục 16 giờ mỗi ngày, những chuyến bay liên lục địa năm bảy lần mỗi tháng?
Tinh thần của bạn có mất đi cái bén nhạy của phán đoán khi bị vây bủa bởi áp lực, và ý chí sắt đá vẫn tràn đầy khi sự nghiệp đứng bên vực thẳm?
Về trí tuệ, bạn có cập nhật kiến thức, tìm tòi nghiên cứu mỗi ngày? Bạn có thường xuyên đặt câu hỏi cho mọi biện luận và sẵn sàng quên đi tự ái sĩ diện nếu mình sai?
Với gia đình – xã hội, bạn có lo lắng và "cho đi" đầy đủ cho mọi người thân với một tình thương không điều kiện? Kính nể và tôn trọng những người kém may mắn, chân thành và trân trọng người đang thua thiệt?
Về tiền bạc, yếu tố chính mà mọi người dùng để tôn vinh các đại gia, thì bạn có nhiều như một đại gia với tuyên bố "tiền của tôi ăn ba hay sáu đời cũng không hết"? Có thể không nhiều như vậy, nhưng phải đủ để một cơn bão tài chính hay một quyết định sai lầm của nhân viên, hay một thay đổi xã hội không làm tài sản tạo dựng bao năm qua biến mất.
Nếu bạn chưa hội đủ năm yếu tố trên về "thành đạt", thì vẫn còn chút hy vọng về yếu tố sau cùng: cái con người bên trong. Trong con người "không thành đạt" của tôi, một điều luôn làm tôi hạnh phúc: tâm linh bình an và giác ngộ. Tôi học cách tha thứ cho mình, cho người; tôi không ghen tỵ giận hờn với ai hay với hoàn cảnh nào. Tôi biết ơn và biết yêu thương trân trọng từng niềm vui nho nhỏ đến với đời sống mỗi ngày.
Tôi luôn luôn hưng phấn mỗi khi đi ngủ nếu tôi vượt qua các thành tựu của ngày hôm trước. Nó xác định là tôi đang tiến bộ trên chuyến phiêu lưu của đời sống và đây là động lực thúc đẩy tôi mạnh bước. Cái đích thành đạt có lẽ không bao giờ đến, nhưng có phải các triết gia đã khuyên ta mục tiêu "không phải là điểm đến mà là cuộc lữ hành".
Dĩ nhiên đó là với cá nhân tôi. Còn những doanh nhân thành đạt khác thì sao? Cái mác thành đạt không phải mất tiền mua, và người sử dụng cũng không phải đóng thuế, nên sự lạm phát danh từ này cũng là điều dễ hiểu. Tôi chỉ nghĩ các bạn trẻ đang muốn làm người thành đạt nên quên đi danh từ và nhớ đến cái thực chất.
Kịch tác gia George Burns đã chia sẻ: "Tôi thực sự nghĩ rằng thất bại khi làm điều mình yêu thích tốt hơn là thành công với điều mình khinh ghét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét