Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Cái gọi là kinh tế Việt Nam…

Ngày Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Cái gọi là kinh tế Việt Nam…
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Bài này của TS Alan rất hay, nhưng có ý này tôi không tán thành. TS cho rằng "kinh tế cá nhân vẫn quan trọng hơn vĩ mô". Tôi thì nghĩ ngược lại, không có kinh tế vĩ mô ổn định, đúng hướng thì mọi phát triển kinh tế vi mô chỉ mang tính tạm thời, bấp bênh và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.
Cái gọi là kinh tế Việt Nam…
T/S Alan Phan, 25 November 2013
Mỗi tuần tôi đều nhận vài Email hỏi sao bác không viết bài về kinh tế Việt Nam? Nhiều lý do; nhưng các trợ lý của tôi lại lưu ý là các bài viết về kinh tế của tôi thực ra cũng không nhiều người đọc. Những bài của khách khá nổi danh như anh Phạm Đỗ Chí, Phạm Chí Dũng… đăng trên GNA cũng cùng chung số phận hẩm hiu. Có lẽ các Emails là từ những dư luận viên hướng dẫn chúng tôi ra khỏi các bài về lịch sử và văn hoá xã hội thường liên quan chút đỉnh đến chính trị gây khó chịu cho các quan lãnh đạo?
Dù thế nào, cách đây 2 năm, tôi đã cảm nhận là hệ thống kinh tế của Việt Nam đã biến thái thành một sân chơi hoàn toàn do các chính trị gia điều khiển theo mục tiêu chính trị của họ. Mặc cho những lời nói bầy tỏ quyết tâm này chương trình nọ trong kế hoạch 5 năm, 10 năm, 50 năm… không một kinh tế gia nào sống tại Việt Nam thực sự tin vào những chiêu PR hay các khẩu hiệu này. Sau 80 năm, chỉ còn những thế hệ trẻ vừa tập tễnh ra đời là còn chút hy vọng.

Kinh tế Việt Nam đã trở thành một nơi chốn mà mọi thành phần có quyền có lợi tranh dành xâu xé, mang những miếng mồi ngon nhất về cho gia đình và phe nhóm mình. Một chế độ tư bản hoang dã, với nhiều cách phá luật, để kiếm tiền nhiều nhất và nhanh nhất. 5% dân số đang kềm kẹp và thuyết phục đa số còn lại nhận những mẩu cơm vụn, canh thừa…để an phận (sinh ra đã đòi …làm chủ?).

Vả lại, điều này cũng không gì xa lạ. Cách đây 150 năm, Mỹ đã xây dụng nền kinh tế vĩ đại của mình trên những thủ thuật tương tự, dù kín đáo hơn. Gần đây, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Phi Luật Tân…đều có những trải nghiệm đau thương của tư bản hoang dã. Họ may mắn là nền kinh tế toàn cầu lúc đó chưa liên thông rộng rãi nên họ thoát khỏi vũng bùn mà không có nhiều cạnh tranh. Hiện nay, Việt nam sẽ vất vả hơn nhiều và chu kỳ trì trệ chắc chăn sẽ kéo dài thành thập kỷ, nếu không canh tân theo môi trường mới.

Đó cũng là lý do chính khiến tôi không nói chuyện về kinh tế Việt Nam nữa. Chúng ta không có chính sách hay kế hoạch kinh tế nghiêm túc để thi hành. Chúng ta có một cơ chế hành chánh đã bén rễ sâu từ 80 năm qua, và những nhóm đặc quyền sẽ không cho ai đụng tới. mặc cho mọi kêu gào về tái cấu trúc hay đổi mới, những người biết chuyện đều quay lưng cười đểu. Chúng ta có một kỹ năng ngoại giao rất giỏi, nên chúng ta ca bài con cá rất phù hợp với những gì người Mỹ, người Nhật, người Hàn…hay người Tàu , người Nga muốn nghe (cũng không nên tự hào lắm về việc này, họ chỉ gật đầu khi quyền lợi của họ được tôn trọng). Chúng ta tuyên huấn dậy dỗ bọn dân đen, nhưng phần lớn thời gian và đầu óc chúng ta còn loay hoay với đơn đặt hàng của mẹ đĩ, của xếp lớn, của đối tác, của con cháu…

Tuy nhiên, với các bạn BCA muốn phân tích sâu rộng hơn về nền kinh tế này, tôi xin nhắc các bạn về vài điều căn bản:

1. Số liệu thống kê

Hơn 3 thập kỷ nay, phân tích định lượng (quantitative analysis) của kinh tế vĩ mô càng ngày càng chiếm ưu thế tuyệt đối so với định tính (qualitative). Các số liệu thống kê và dữ kiện chính xác là yếu tố đầu tiên và cuối cùng. Điều này cũng không tránh được những “xoa bóp” cố tình của chính trị gia để trục lợi cho chánh sách và quyền lực. Tuy nhiên, trong một thể chế minh bạch với sự soi mói của ngàn góc nhìn từ chuyên gia đến báo giới, mọi lạm dụng đều bị giới hạn.

Trong những quốc gia mà quyền tự do ngôn luận bị kiểm soát chặt chẽ, mọi sử dụng số liệu là một trò hài kịch cỡm. Trừ khi vì miếng cơm manh áo, khi các chuyên gia khoác cho dự đoán và phân tích của mình cái áo khoa học dựa trên các số liệu sản xuất từ bệnh thành tích, họ đã tự lừa dối bản thân và bao nhiêu người dân khác?

2. Quán tính (inertia) là một lực đẩy bền bỉ
Ngược với thái độ tô hồng vô trách nhiệm ở trên là những đánh giá vô cùng tiêu cực của nhiều chuyên gia khi họ nhận ra những hiểm nguy và rủi ro lớn của bất cứ nền kinh tế nào. Danh từ “vỡ trận”, “sụp đổ”, suy thoái “trăm năm” … được sử dụng bừa bãi. Một thí dụ điển hình là xứ Zimbabwe của ông Mugabe. Mặc cho lạm phát cả trăm ngàn phần trăm mỗi năm, dân tình phải bỏ chạy khỏi xứ hàng loạt, cuộc khủng hoảng làm thế giới há hốc miệng cũng chấm dứt sau 6 năm. Đến nay, dù không khá gì hơn các nước láng giềng, Zimbabwe và ông Mugabe (đắc cử từ 1980) vẫn tồn tại và nhe răng cười rất tươi trước các ống kính phóng viên (hay ngủ say sưa trong một cuộc họp thượng đỉnh các quốc gia Phi mấy ngày trước).

Những thí dụ về các quốc gia khác như Bắc Triều Tiên, Hy Lạp, Argentina..tràn đầy trong lịch sử kinh tế thế giới.

3. Mọi nền kinh tế đều có những mảng tối sáng khác nhau và luôn thay đổi

Không một nền kinh tế nào giống nhau. Ngoài kích cỡ, đặc thù cạnh tranh, cơ hội và rủi ro, các nền kinh tế quốc gia lại còn luôn biến dạng theo tình thế hay theo lãnh tụ. Phi Luật Tân đang trì trệ vì các Tổng Thống từ Ramos đến Arroyo đã để quán tính và các phe nhóm lợi ích lôi cuốn. Đến 2010, khi vị Tổng Thống trẻ Aquino nắm quyền, ông đã quyết tâm theo đuổi một chính sách cải cách và hiện đại, tạo nhiều thành quả ngoạn mục trong mấy năm vừa qua.

Quay lại với Việt nam, trong khi các doanh nghiệp tư nhân vất vưởng vì nhiều thế yếu cạnh tranh, lồng trong một nền kinh tế vĩ mô giáo điều và nặng nề, khu vực FDI hiện đang phát triển tốt với những đặc lợi ban phát vô cùng béo bở. Các nhà đầu tư FDI rất nhậy bén với cơ hội và thêm vào đó, thị trường tương lai của 90 triệu dân số trẻ trung luôn tạo hấp dẫn. Sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI sẽ là đầu tàu chính cho những phát triển sắp đến.

4. Ba gánh nặng ngàn cân

Tuy nhiên con rồng kinh tế Việt Nam sẽ không cất cánh được, ngay cả khi gia nhập TPP (dự trù vào cuối 2014); vì trọng lực nặng nề của 3 yếu tố: doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu ngân hàng và ngân sách chánh phủ. Ngày nào mà toàn dân còn phải khiêng đỡ các hành lý này, thì ngày đó kinh tế Việt Nam chỉ nên bàn về mô hình “sống sót” (survival).

Khi các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế vẫn kiên định về định hướng lạ lùng và ngược đời của Việt Nam, thì hệ quả là ngay cả 120 năm sau, chúng ta cũng không bắt kịp Singapore. Các thế hệ trẻ sau này sẽ tiếp tục đi đào vàng giũa sa mạc hay biển cả.

Nhưng trên hết, tôi vẫn muốn chia sẻ một nguyên lý mà tôi hay lập đi lập lại: kinh tế cá nhân vẫn quan trọng hơn vĩ mô. Một doanh nghiệp đầy đủ kỹ năng và có một kế hoạch chi tiết bài bản về mô hình kinh doanh, cùng một quyết tâm và kiên nhẫn cao độ, vẫn sẽ tìm cho mình một chỗ đứng xứng đáng dưới ánh mặt trời.

Alan Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét