Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Sự thật bất ngờ về đường hầm bí mật ở Đà Lạt

Ngày Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Sự thật bất ngờ về đường hầm bí mật ở Đà Lạt
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Sự thật bất ngờ về đường hầm bí mật ở Đà Lạt
(Kienthuc.net.vn) - Những con đường ở Đà Lạt lâu nay vốn được xem là một bí mật của lịch sử với những điều chưa thể lý giải.
 Cửa đường hầm phía sau Nhà sáng tác Đà Lạt
Bí ẩn trong lòng đất
Nhiều người ở Đà Lạt và một số tài liệu được công bố vẫn cho rằng, trước ngày phát xít Nhật tiến hành cuộc đảo chính người Pháp (9/3/1945), với âm mưu bắt sống toàn bộ các quan lại người Pháp đang làm việc, sinh sống, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, quân đội Nhật đã bí mật cho người đào một hệ thống đường hầm dầy đặc, kéo dài hàng km, tiến thẳng tới các dinh thự mà quan lại người Pháp đang sinh sống, làm việc trong thành phố.

Hiện dọc theo đường Trần Hưng Đạo sang đường Hùng Vương - nơi tập trung nhiều dinh thự của người Pháp xưa, vẫn đang tồn tại một hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất. Tại cửa hầm phía sau Nhà sáng tác Đà Lạt ngày nay, đi sâu vào khoảng 100m sẽ tới một ngã 4. Tại đây, một nhánh chạy thẳng ra đường Hùng Vương, hai nhánh chạy song song với đường này, hướng tới Dinh I và các căn biệt thự số 11, 16, 18, 26 nằm trên đường Trần Hưng Đạo, nhánh còn lại thông ra phía cửa hầm.
Tại khu vực cuối đường Yên Thế, đường hầm có diện tích rộng nhất, chiều cao khoảng 5m, rộng chừng 10m. Không ít người cho rằng, rất có thể ở địa điểm này quân đội Nhật đã đặt cơ quan đầu não để chỉ huy việc đảo chính người Pháp tại Đà Lạt vào năm 1945.
Lâu nay, việc xác định được quân đội Nhật cho đào những đường hầm này bắt đầu từ năm nào, trong bao lâu, ai đào, quân đội Nhật hay người dân, giờ họ ở đâu, sau khi đào xong họ có được trở về hay đã bị thủ tiêu để đảm bảo sự tuyệt mật đã trở thành những điều bí ẩn.
 
 Bên trong đường hầm phân thành nhiều nhánh
Tuy nhiên, điều làm mọi người kinh ngạc hơn cả là một khối lượng đất đá khổng lồ từ việc đào những đường hầm được quân đội Nhật vận chuyển đi đâu để đổ bỏ mà trong suốt quá trình đào đường hầm mà người Pháp không thể phát hiện? Tất cả những nghi vấn này đã được chúng tôi làm sáng tỏ sau khi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với cụ Phạm Văn Ơn (78 tuổi), trú tại phường 10, TP Đà Lạt cùng một số nhân chứng khác.
Giải mã bất ngờ về đường hầm
Những bí ẩn chưa được làm sáng tỏ đã thôi thúc chúng tôi đi tìm câu trả lời. Từ lời giới thiệu của cụ Khoái, ngụ tại đường Yên Thế, TP Đà Lạt chúng tôi tìm đến gia đình cụ Đào Văn Ơn - người đã từ đầu đến cuối chứng kiến quá trình người Nhật đào cho các đường hầm. Tất cả những bí ẩn từ hệ thống đường hầm này từ trước đến nay đã được cụ Ơn lý giải một cách khoa học, đầy sức thuyết phục.
Cụ ơn cho biết, từ năm 1928, cha cụ là Đào Thúc đã đưa cả gia đình tới dựng nhà ở lưng chừng một quả đồi cách Dinh I khoảng 1km, sống bằng nghề nuôi ngựa, làm rau và trồng một số loại cây ăn quả. Do nhà nuôi nhiều ngựa nên đã nhiều lần cụ Đào Thúc được vua Bảo Đại thuê ngựa vào rừng sâu săn bắn dài ngày.
Bên trong đường hầm 
Gia đình cụ Thúc được cất nhà gần khu vực quy hoạch cho các quan lại người Pháp sinh sống. Vào thời điểm này, quân Nhật thường đem cơm nóng xuống nhà cụ đổi lấy củ cải về làm thức ăn nên từ nhỏ ông Ơn đã chứng kiến nhiều hoạt động của Nhật – Pháp nơi đây.
Theo ông Ơn, phát xít Nhật tiến hành đảo chính thực dân Pháp trên toàn Đông Dương vào ngày 9/3/1945 nhưng thực chất tại Đà Lạt các quan lại người Pháp đã trở thành tù binh hoặc “bù nhìn” cho quân Nhật từ trước đó rất lâu. Đến cuối năm 1944, hầu hết quân lính và những quan lại người Pháp tại Đà Lạt đều đã bị bắt giam. Ông Ơn cho biết, quân Nhật cho đào đường những hầm này hoàn toàn công khai, không có gì là bí mật như từ trước đến nay nhiều tài liệu đã công bố.
Theo ông Ơn, mục đích của việc đào những đường hầm trên các tuyến đường Yên Thế, Hùng Vương, Trần Hưng Đạo… thông vào các dinh thự tại đây của Nhật không phải là để bắt sống các quan lại người Pháp giống như mọi người vẫn nghĩ, vì thực chất trước khi cho đào những đường hầm này quân Pháp đã bị Nhật bắt giam.
 Cụ Đào Văn Ơn-nhân chứng sống của đường hầm
Do đó, có thể trong thời gian xảy ra thế chiến thứ 2, đoán trước được quân Đồng Minh sẽ phản công trở lại sau khi bị trục phát xít đánh bại ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là khi hay tin Mỹ sẽ dùng bom nguyên tử ném vào nước Nhật và những nơi có quân Nhật chiếm đóng để kết thúc chiến tranh thì một kế hoạch xây dựng đường hầm tại Đà Lạt lập tức được quân Nhật phác thảo. Vào khoảng nửa cuối năm 1944, kế hoạch trên được thực hiện. Có lẽ quân Nhật cũng xác định các đường hầm này sẽ là một hệ thống phòng thủ lâu dài và đắc lực cho mình sau này.
Ai là người đào đường hầm, quân đội Nhật hay người dân Đà Lạt? Ông Ơn nhận định, rất có thể ngay từ đầu quân Nhật đã xác định được tầm quan trong của Đà Lạt nên khi vừa làm chủ được vùng đất này, người Nhật liền huy động cả nghìn tù binh bắt được của quân Đồng Minh từ nhiều nơi đưa lên Đà Lạt bằng đường tàu để lao động khổ sai. Người đào đường hầm này không ai khác chính là những tù binh trên. "Lúc Nhật cho đào những đường hầm này, tôi đã được gần 10 tuổi. Vào thời điểm đó, đứng ở nhà tôi có thể nhìn rất rõ cửa vào đường hầm trên đường Yên Thế ngày nay", ông Ơn kể. 
Việc đào đường hầm được tiến hành rất khẩn trương, người đào dùng cáng khiêng đất đổ xuống phía dưới những chân đồi gần đó. Sau nhiều trận mưa lớn kéo dài, một khối lượng đât đá khổng lồ từ việc đào đường hầm này đã bị nước cuốn trôi về phía huyện Đức Trọng. Hiện tại, ở khu vực thung lũng trước cửa đường hầm sau Nhà sáng tác Đà Lạt nếu bới lớp đất màu mỡ ở trên khoảng 40cm sẽ xuất hiện lớp đất cát màu xám trắng, đó chính là đất từ đường đổ ra. Đường hầm được hoàn tất sau khoảng 7 tháng triển khai. Ông Ơn khẳng định, không có một người dân Đà Lạt nào bị quân Nhật bắt phải đi đào những đường hầm này.
 Một lối của đường hầm
Đường hầm hoàn thành chưa được bao lâu thì chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, phe phát xít đại bại, quân Nhật tại Đà Lạt cũng đầu hàng rút về nước. Lúc này, do đường hầm trên không có ai quản lý nên nhiều người dân Đà Lạt sinh sống ở gần đó (trong đó có ông Ơn) đã có dịp được vào thám hiểm. Nhiều đoạn trong đường hầm rất rộng, để phòng tránh sạt lở đất, quân Nhật đã cho kè gỗ thông ở nhiều đoạn. Trong lúc quân Đồng Minh chưa kịp tiến vào Đà Lạt tiếp quản, toàn bộ số gỗ ở đường hầm bị người dân Đà Lạt vào tháo gỡ đem về sử dụng.
Để kiểm chứng những thông tin này, chúng tôi đã tìm gặp một số người lớn tuổi đang sinh sống tại phường 10, TP Đà Lạt như cụ Nguyễn Văn Nhất (82 tuổi), cụ Trương Thị May (80 tuổi), những người từ đầu đến cuối chứng cảnh quân đội Nhật cho đào các đường hầm ở Đà Lạt. Trình bày của hai cụ đều khớp với những gì ông Phạm Văn Ơn cho biết. Theo các cụ, thực tế thì từ cuối năm 1944, tại Đà Lạt quân đội Nhật đã làm chủ hoàn toàn chứ không phải chờ đến sau ngày Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương (9/3/1945). Do đó, việc đào những đường hầm tại Đà Lạt là hoàn toàn công khai, người đào là những tù binh quân đội Nhật đưa đến từ nhiều nơi.
Khắc Lịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét