Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Tâm điểm Vĩ mô 2012 - Phần 1: Dự báo nới lỏng chính sách tiền tệ cuối quý 2

Ngày Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Tâm điểm Vĩ mô 2012 - Phần 1: Dự báo nới lỏng chính sách tiền tệ cuối quý 2
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!



Tâm điểm Vĩ mô 2012 - Phần 1: 
Dự báo nới lỏng chính sách tiền tệ cuối quý 2

(Vietstock) – Diễn biến lạm phát sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn ổn định từ cuối quý 2; và điều này sẽ tạo tiền đề cho việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ.
 
Ngay những ngày đầu năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP với mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
So với bối cảnh ra đời và nội dung của Nghị quyết số 11 trong năm 2011, có thể nói Nghị quyết số 01 năm 2012 đã thể hiện rất rõ vị thế chủ động điều hành vĩ mô và quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ .
Mục tiêu trọng tâm xuyên suốt trong năm 2012 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát (tăng dưới 10%). Với tuyên bố này, việc điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ, sẽ phụ thuộc đáng kể vào diễn biến của tình hình lạm phát trong năm 2012.
Cụ thể, chính sách tiền tệ sẽ được điều hành chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt; trong đó tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 vào khoảng 15% - 17% và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng ở mức 14% - 16%.
Kịch bản nào cho lạm phát 2012?

Năm 2011 được xem là năm có khá nhiều biến động đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), và chỉ tiêu này liên tục đã phải được điều chỉnh tăng để theo sát với diễn biến thực tế.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2011 (so với cùng kỳ năm ngoái) đã đạt đỉnh ở mức 23.02%. Sau đó, xu hướng giảm tốc được thể hiện khá rõ nét nhờ vào hàng loạt các chính sách hỗ trợ, can thiệp của Chính phủ.
Chúng tôi đã có phân tích cho rằng CPI những tháng cuối năm 2011 hoàn toàn nằm trong kỳ vọng, cũng như trong vùng mục tiêu đã được điều chỉnh của Chính phủ.
Áp lực lạm phát trong năm 2012 sẽ tiếp tục là một thách thức không nhỏ trong công tác điều hành chính sách vĩ mô khi các yếu tố ảnh hưởng như: yếu tố chi phí đẩy (tăng giá điện, than, xăng dầu), yếu tố giảm giá của đồng nội tệ, sự biến động phức tạp của giá vàng… vẫn còn đó.
Điểm sáng tích cực cho công tác kiềm chế lạm phát trong năm 2012 là việc điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2011 đã và đang phát huy tác dụng.   
Biểu đồ bên dưới cho thấy, do độ trễ của chính sách tiền tệ vào khoảng 2 quý (6 tháng), nên diễn biến của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2012 được dự báo sẽ không có quá nhiều biến động.
Ngoài ra, có thể thấy có khá nhiều điểm tương đồng giữa hai giai đoạn 2008-2009 và 2011-2012 (dự báo năm 2012), khi lạm phát đạt đỉnh và thoái lùi sau đó.
Tuy vậy, CPI năm 2012 khó có khả năng giảm sâu như năm 2009, do diễn biến giá thực phẩm thế giới trong năm nay khó lặp lại “lịch sử” lao dốc như trong giai đoạn 2008 – 2009 khi kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Theo dự báo của chúng tôi, lạm phát trong những tháng đầu năm 2012 sẽ tiếp tục xu hướng giảm tốc như những tháng cuối năm 2011; và sau đó mức độ giảm tốc sẽ chậm dần lại khi chính sách tiền tệ có tín hiệu nới lỏng hơn.
Nếu loại bỏ yếu tố biến động bất ngờ của giá thực phẩm thế giới trong giai đoạn giữa năm 2010 và đầu năm 2011, CPI trung bình những tháng trong năm 2012 chỉ tăng trong khoảng 0.7 – 0.9% mỗi tháng.
Như vậy, lạm phát cả năm 2012 dự báo sẽ chỉ dao động trong khoảng 9 – 11%.   

Khi nào nới lỏng chính sách tiền tệ?
Việc thắt chặt khá đột ngột chính sách tiền tệ trong năm 2011 đã ít nhiều gây cú sốc lên vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng, và đã làm “náo loạn” mặt bằng lãi suất trong một thời gian dài.
Trước áp lực bình ổn lãi suất của nền kinh tế, NHNN buộc phải đưa ra hàng loạt các giải pháp hành chính như áp trần lãi suất, xử phạt…
Khi xu hướng giảm tốc của lạm phát chưa thật sự bền vững cũng như lạm phát kỳ vọng còn cao, thì việc điều hành chính sách tiền tệ được dự báo sẽ tiếp tục chặt chẽ. 
Dự báo của chúng tôi cho thấy diễn biến lạm phát sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn ổn định từ cuối quý 2; và điều này sẽ tạo tiền đề cho việc nới lỏng hơn chính sách tiền tệ. Mặt bằng lãi suất khi đó sẽ có cơ hội được điều chỉnh giảm dần theo đúng ý nghĩa thực của nó.
Thân Hoàng Dung, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét