Ngày Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Trận đánh bất ngờ giải phóng Trường Sa của vị tướng già
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Trận đánh bất ngờ giải phóng Trường Sa của vị tướng già
30-01-2012 | 06:20
(Nguoiduatin.vn) - Là một trong những người chỉ huy trung đội đặc công nước trên tàu không số ra giải phóng quần đảo Trường Sa trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, nên trong ký ức của vị tướng già Mai Năng đầy hào hùng nhưng đẫm máu và nước mắt.
Dũng sỹ số một
Tướng Mai Năng tên thật là Tạ Văn Thiều, sinh năm 1930, ở huyện Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng. 20 tuổi, ông nhập ngũ và được điều về Bộ chỉ huy quân sự Kiến An (cũ). Tự ý thức được bản thân là tham gia quân ngũ, phải rèn luyện để làm một cái gì đó cho bản thân, cho đơn vị, đất nước nên ông rất hăng say rèn luyện, chịu khó để ý, nghe lời chỉ bảo của những đồng đội lớn tuổi, của chỉ huy.
Dù chỉ là lính mới nhưng ông đã được chỉ huy tin tưởng, cho tham gia nhiều chiến dịch khác nhau như đánh vào Sở Dầu (quận Hồng Bàng bây giờ), tham gia giải phóng thị xã Kiến An (cũ)... Thành tích cùng với tố chất của người trinh sát đã giúp ông được chỉ huy tin cẩn giao nhiệm vụ đặc biệt là chỉ huy phân đội trinh sát tìm đường đánh vào sân bay Cát Bi. Khi đó, ông Năng mới 23 tuổi. Sân bay Cát Bi ngày ấy là sân bay quân sự lớn, quan trọng nhất của Pháp ở Đông Dương. Tại sân bay có khoảng 200 máy bay các loại thường xuyên đậu, lên xuống, bay đi, bay về các mục tiêu và được canh phòng rất cẩn mật.
Thiếu tướng Tạ Văn Thiều (Tức Mai Năng)
Tướng Năng nhớ lại: "Được giao nhiệm vụ, tôi vui lắm nhưng cũng rất run. Mất 7 tháng ròng rã cùng đồng đội hoá thân vào đủ vai, để tìm đường vào sân bay. Quả thật, đó là những trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi nhịn đói, uống nước ruộng, thiếu ngủ, có lúc đánh nhau để gây sự chú ý của quân Pháp cho một số anh em thực hiện nhiệm vụ... Đủ mọi chiêu trò đem ra để đấu trí, để vẽ được sơ đồ sân bay trong trí nhớ. Công của tập thể 7 tháng trời được hoàn chỉnh thành một kế hoạch trình và được phê duyệt đánh sân bay Cát Bi. Và tôi đã khóc vì mừng khi được giao là chỉ huy một mũi tấn công vào sân bay (có 2 mũi tấn công, với 32 người).
Tiếng bộc phá, lựu đạn... nổ làm cho sân bay chìm trong lửa, cháy đỏ một góc trời; quân Pháp hỗn loạn chạy... cảnh tượng đó cứ theo tôi suốt đời binh nghiệp. Chiến công đầu tiên của chúng tôi đã tiêu diệt được 56 máy bay, phần lớn là máy bay chiến đấu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định: Sân bay Cát Bi bị nổ - một cầu hàng không quan trọng mà Pháp cho là bất khả xâm phạm đã bị cắt. Sự chi viện của Pháp cho chiến dịch Điện Biên Phủ giảm rõ rệt. Vừa nhận được lời khen trực tiếp của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả đơn vị lại nhận được thư khen của Bác Hồ; đơn vị được nhận danh hiệu Dũng sỹ Cát Bi. Cá nhân ông Năng được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được bầu là Dũng sỹ số một của đơn vị Dũng sỹ Cát Bi.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, Dũng sỹ Năng được cử đi học tại Cục Tình báo. Học xong, ông được biên chế vào làm chính trị viên của lực lượng hải quân, chuyên săn tàu ngầm. Năm 1962, ông được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng đặc công hải quân. Từ năm 1962 đến khi về hưu, ông gắn với nhiệm vụ ban đầu này.
Tướng Năng tâm sự: "Đặc công hải quân hay còn gọi chung là đặc công nước, đòi hỏi người chiến sỹ có những tố chất khác biệt với lính bình thường. Bơi, lặn là một chuyện nhưng tố chất của người chỉ huy, tự quyết định không thể thiếu. Bởi trận địa dưới nước, khác với trận địa trên không, trên mặt đất. Sai lầm trong tích tắc, có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình và đồng đội. Đặc công nước của Mỹ, Ngụy được trang bị đến tận răng nên ta không thể xem thường”. Theo tướng Năng, ngày đó, Trung đội đặc công hải quân ra đời, ông không dám nghĩ rằng, năm 1975, nó lại là mũi tiên phong để ra giải phóng quần đảo Trường Sa.
Tướng Năng cho biết: Không thể kể chi tiết chuyện huấn luyện hay công tác chuẩn bị, kế hoạch đánh của đặc công hải quân vì đó là bí mật quân sự. Song có một điều chắc chắn rằng, đã vào đặc công thì không thể không khổ luyện. Họ có tư duy trận địa dưới nước rất tốt, ngoài ra, họ cũng thuộc những "món" đánh trên cạn để thích nghi với địa hình khi có phát sinh. Đã có thời gian dài, đặc công hải quân gắn liền với tàu không số trên biển, với những chuyến hàng từ Bắc chi viện cho miền Nam.
Trận đánh bất ngờ
Theo tướng Năng, thời điểm đó (năm 1975), quần đảo Trường Sa do Chính quyền Sài Gòn cũ chiếm giữ. Ông nhận nhiệm vụ vào Đà Nẵng chỉ huy đơn vị hợp thành giữa Trung đoàn đặc công hải quân và đặc công quân khu V, với 3 tàu không số là 673, 674 và 675 của Đoàn 125 huyền thoại, ra giải phóng Trường Sa. Chỉ có 3 tàu nhưng nhiệm vụ là đánh đồng loạt các đảo để áp đảo tinh thần nguỵ quân, chặn đường chạy, cứu viện từ đảo này sang đảo khác của chúng.
Tướng Năng kể: “Chúng tôi cải trang thành tàu đánh cá rồi "đè sóng" ra khơi. Anh em đặc công phải nằm gọn dưới gầm tàu. Trên đường ra khơi, máy bay của nguỵ quân cứ quần thảo trên đầu, chúng gọi, chúng hô. Để nghi binh, tàu phải hướng về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) như thể là tàu đánh cá quốc tế. Máy bay thăm dò của quân ngụy bị lừa, bỏ đi. Thế là tàu quay mũi, nhằm quần đảo Trường Sa mà tiến. Trong các đảo thì Song Tử Tây là được bố trí hệ thống phòng thủ, quân nhiều nhất. Giải phóng Song Tử Tây có nghĩa là chặn cả ý chí lẫn hy vọng tiếp viện của quân ngụy. Thế là tướng Năng phân bổ nhiều quân vào Song Tử Tây hơn các đảo khác. Các mũi tiến vào đảo cứ thế mà y lệnh.
Trường Sa luôn trong ký ức của vị tướng già
Lênh đênh trên sóng 3 ngày thì tàu áp sát đảo Song Tử Tây. Như kế hoạch đã vạch ra trước đó, sau 30 phút từ hiệu lệnh của khẩu súng DKZ phát ra, đảo Song Tử Tây đã được giải phóng. Lá cờ của quân giải phóng đã tung bay trên đảo. Một kỷ niệm không thể quên trong ký ức của tướng Năng, đó là, lúc tiến vào giải phóng đảo, ông gặp viên chỉ huy phía bên kia. Viên sỹ quan này có khuôn mặt hiền.
Tướng Năng hỏi: Sao các anh không chống cự mà lại tự tan rã nhanh thế? Viên sỹ quan này thành thật: Biết có tàu chiến vào đảo, tôi huy động quân, chuẩn bị chiến đấu rất sẵn sàng. Theo dõi, tôi nghe được hiệu lệnh chỉ huy là tiếng Việt, tôi biết không phải quân ngoại quốc đến chiếm đảo nên không chống cự, tránh thương vong cho anh em. Nói xong, viên sỹ quan này thỉnh cầu: Đừng để người Việt Nam trên đảo đổ máu nữa. "Tôi thấy nhẹ lòng, dù trước đó đầy bão tố nhưng câu nói đó làm tôi thấy bình yên trở lại" - tướng Năng bộc bạch.
Tướng Năng khẳng định: Đảo Song Tử Tây là kiên cố nhất của quân ngụy ngày ấy mà giải phóng nhanh như vậy thì các đảo khác lại đơn giản hơn. Tôi hỏi: "Bị đánh bất ngờ, nguỵ quân không chống cự, không gọi chi viện sao?", tướng Năng nói: Có chứ. Quân ngụỵ đã cho tàu ở Vũng Tàu ra chi viện; cho trực thăng chi viện quân... nhưng đều ở xa, không dám áp sát đảo. Tàu chi viện nhìn thấy cờ của quân giải phóng bay trên đảo đã tự quay tàu, hướng về điểm xuất phát. Các đảo khác như Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa, Nam Yết cũng ở trong tình trạng tương tự. Sỹ quan, lính nguỵ hỗn loạn, chen nhau ra tàu để chạy về đất liền. Không chen được lên tàu thì xuống xuồng, canô... bất kể là thứ gì có thể để trốn chạy khỏi đảo càng nhanh, càng tốt.
Đất nước thống nhất, tướng Năng về tham gia Chiến dịch biên giới Tây Nam rồi Chiến dịch biên giới phía Bắc. Tướng Năng giữ chức vụ Tư lệnh Quân chủng Đặc công; được tặng thưởng 2 Huân chương kháng chiến, 2 Huân chương quân công, 4 Huân chương chiến công vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1998, ông về hưu với quân hàm Thiếu tướng.
Quế Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét