Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Một tối ở Phnom Penh

Ngày Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Một tối ở Phnom Penh
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Blog Hiệu Minh

 
Tượng đài kỷ niệm bộ đội VN tại PNP. Ảnh: HM
Dễ đến 4 năm nay mình mới quay lại Phnom Penh (PNP), thấy thủ đô của bạn đẹp hơn. Nhiều nhà cao tầng, xe máy đông hơn, xe hơi đẹp tràn ngập, không còn cảnh xe tay lái nghịch, tay lái thuận chạy song song. Nạn kẹt xe có chiều hướng tăng lên, cánh lái xe than trời vào giờ cao điểm.
Năm 1975, quân đội Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh cùng với Trung đoàn phó Hun Sen, người từng năm lần bị thương và bị mất một mắt trong một trận chiến. Sau đó vài tuần, thủ đô nước này không một bóng người. Đất nước rợp bóng thốt nốt, quê hương của nền văn minh Angkor rực rỡ trở thành cánh đồng chết.
Xây dựng chủ nghĩa cộng sản theo lý thuyết của Khmer Đỏ có nguồn gốc từ Trung Quốc là không cần trí thức, chả cần tới 7 triệu người. Nạn diệt chủng kinh khủng nhất thế giới đã xảy ra. Ở thế kỷ 20 mà người ta có thế lấy vồ đập vào đầu đồng loại. Hơn 2 triệu người đã chết vì bàn tay của Khmer Đỏ.

Nhưng sau hơn 3 thập kỷ, hôm nay PNP đã khác xưa nhiều. Đại lộ Preah Sihanouk nối thẳng ra phía sông Mekong đèn sáng rực rỡ. Dân chúng từ già đến trẻ, chơi cầu lông, tập thể dục, đi bộ, ngồi hóng mát mỗi lúc chiều về. Khí hậu ở đây ban ngày rất nóng tới 36-37oC nhưng tối lại mát dịu, đôi lúc hơi lạnh như mùa thu bên nhà. Hòa cùng dòng người, tôi cứ nghĩ mình đang ở đâu đó giữa Ba Đình, Hà nội nếu thêm tiếng còi xe inh ỏi, “đặc sản” của xứ mình.
Ngã tư cắt hai đại lộ lớn nhất Norodom và Sihanouk có tượng đài Độc lập (Independence Monument) do một kiến trúc sư người Campuchia thiết kế và được xây từ năm 1958 để đánh dấu bước ngoặt quốc gia này đã giải phóng khỏi ách đô hộ của Pháp. Tượng đài đang được sửa sang lại, như muốn Campuchia bước sang một trang sử khác về triết lý độc lập dân tộc.
Ngay góc đường nhìn ra tượng đài này là một villa đẹp và hiện đại, mái ngói hơn xanh nhạt, mới tinh. Từ người hành khất đến bậc vương giả ai cũng biết villa này là của vị Trung đoàn phó Khmer Đỏ năm xưa và nay là Thủ tướng, chức quan to nhất nước này. Nghe nói, ông mua hết những nhà xung quanh để đảm bảo an ninh cho ngôi nhà.
Villa nhìn thẳng ra tượng đài Độc lập, ngày đêm giúp Thủ thướng suy ngẫm về dân tộc Khmer, tìm đường đi nước bước sao cho quê hương chùa Tháp không phụ thuộc vào bất cứ ai.
Ông từng là bạn thân của Việt Nam, từng lên xe ngồi với các vị lãnh đạo Việt Nam thế kỷ 20, xưng cháu với các bác các chú trong BCT, có bằng PTS do Việt Nam cấp. Không hiểu bây giờ tấm bằng ấy có còn không.

Indepence Monument đang sửa. Ảnh: HM
Muốn nói gì thì nói, ở vị thế một nước nhỏ, chỉ có cách nhờ vai nước lớn. Khi dựa vào Việt Nam để tiêu diệt Khmer Đỏ, lúc nhờ vào Thái Lan để phát triển, hôm nay đang có Trung Quốc chống lưng, và ngày mai có thể là đồng minh Mỹ. Sắp đánh nhau với Thái Lan thì lại sang cầu cứu hàng xóm. Chuyện này có từ thời Hoàng thân Sihanouk và sẽ còn mãi.
Thấy cảnh đẹp và thanh bình, chiều đó tôi lang thang khắp phố phường. Trời gần tối, bụng đói, nhưng cố tạt vào tượng đài kỷ niệm những người lính Việt Nam ngã xuống tại đất nước này.
Cả thế giới từng lên án Việt Nam xâm lược Camphuchia. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu quân VN không tiến vào Phnom Penh năm 1978. Có lẽ chủ nghĩa cộng sản diệt chủng đã thành công, và đương nhiên sẽ không có entry này lẫn cái villa đẹp như trong mơ kia.
Định chụp vài cái ảnh khu tượng đài, nhưng nghĩ, bụng đói thì mình chẳng làm nên trò trống gì. Thế là cố lê bước tìm quán ăn. Bỗng thấy quán có chữ Ngon. Chả lẽ tiếng Campuchia cũng có từ Ngon này.
Mình có dáng vóc và mầu da rất buồn cười. Đi sang Lào thì bạn tưởng là Campuchia. Tới Bangkok, thì dân Thái cứ khăng khăng mình có gốc Khmer. Về Hà Nội hay Sài Gòn, vào cửa hàng, các cô các bà đon đả “Hello”, tưởng mình là người Indonesia.
Nhưng bước vào quán Ngon nằm trên đại lộ đẹp nhất Phnom Penh nằm gần như đối diện với villa của ngài Thủ tướng, thì cậu thanh nhiên trẻ có tên là Thương, bỗng niềm nở “Mời anh vào” bằng tiếng Việt hẳn hoi. Quá ngỡ ngàng ở một nơi xứ lạ, giọng cu cậu rất thân mật và đầm ấm, bỗng như thấy sắp về đến quê nhà.
Mình hỏi, sao em biết anh là người Việt. Trời, nhìn là biết liền, vẻ ngó nghiêng, ngơ ngác, rồi đánh vần chữ Ngon, dáng đi đến vẻ mặt, anh đúng là gốc nền văn minh lúa nước sông Hồng, trộn đâu cho lẫn.
Quán Ngon sang Campuchia được gần hai năm và làm ăn khá phát đạt. Lúc nào cũng đông nghịt khách. Nghe nói đồ ăn được nhập khẩu và kiểm tra rất cẩn thận.
Hỏi Thương làm ăn thế nào. Vẫn ổn anh ạ, khách ra vào kha khá. Nhưng gần đây có chuyện Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh không ra được bản Thông cáo chung làm người Việt kinh doanh cũng lo. Người Hoa ở đây cũng cạnh tranh khốc liệt lắm. Hóa ra chính trị cũng kéo theo kinh tế.
Dân Campuchia cũng tỏ vẻ bất bình với cách hành xử của chính phủ. Mình gặp khoảng chục người thì phần đông tỏ vẻ không thể thông cảm với cách Bộ trưởng Hor Namhong làm chủ tịch ASEAN và thao túng hội nghị.
Có lẽ biết mình là người Việt nên họ nói thế chăng. Nhưng rất lạ, tôi tin người Campuchia rất chân thành.
Mình có anh bạn IT làm tới PTS tin học nhưng bỏ đi làm cho tây. Thỉnh thoảng sang PNP gặp nhau lại rủ đi ăn uống. Kể chuyện thời Khmer Đỏ anh mới 7-8 tuổi, đi chăn trâu cho trưởng thôn nên không bị vồ đập vào đầu. Anh biết ơn Việt Nam đã cứu sống gia đình anh.

Quán Ngon ở PNP. Ảnh: HM
Nhớ mấy lần đánh nhau vì tranh chấp chủ quyền quanh ngôi đền Preah Vihear – một di tích văn hóa và tôn giáo của người Khmer trên biên giới giữa Campuchia và Thái Lan – anh bạn nghiến răng, Campuchia chỉ cần gọi Việt Nam một tiếng là quân đội Thái chạy dài. Anh nói và anh tin như thế, kiểu tao tuy yếu, nhưng có ông anh khỏe, liệu hồn.
Campuchia đa đảng nên báo chí được khai thác thoải mái những tin tức liên quan đến hoạt động của Chính phủ. Vụ ASEAN bị tờ Cambodia Daily (25-7-2012) chế giễu chính phủ theo đuôi Trung Quốc, và thất bại trong việc làm chủ tịch tổ chức này. Tờ này xứng đáng với khẩu hiệu “All the news without fear or favor – mọi tin tức không sợ ai và cũng chẳng thiên vị” ghi trên đầu trang.
Họ còn đăng lại tin tức quốc tế về chuyện nước chủ nhà dùng mọi cách để áp đặt quan điểm của đồng minh Trung Quốc. Không biết có tin về micro của Ngoại trưởng Philippines bị tắt hay Tổng thư ký ASEAN bị ngắt lời. Mình đọc mỗi một số báo có trên máy bay VNA đi Vientiane nên chịu, chả biết dưới mặt đất thế nào.
Mải mê nghĩ chuyện ASEAN, mình quên mất vào quán Ngon ăn xong thì phải ra tượng đài Việt Nam lần nữa. Đi dọc đại lộ Preah Sihanouk đã thấy nhà Thủ tướng Hun Sen lên đèn. Villa về đêm lại càng đẹp.
Đi mãi mới đến tượng đài Việt Nam thấy hơi tối. Một đám thanh niên trẻ trung thi nhau học nhẩy hiện đại, nhạc xập xình. Không ai có thể biết một người Việt vừa đi vừa suy ngẫm về mấy chục ngàn lính trẻ bỏ mạng oan uổng ở xứ này.
Tượng đài hiện trước mặt, một bà mẹ bồng con, sau lưng là hai người lính cầm súng, motip quen thuộc có khắp ở khối XHCN. Lẽ ra những chỗ thế này thường có đèn pha chiếu nhưng lạ, chỗ này khá tối, dù xung quanh được giữ khá sạch sẽ.
Bỗng thấy một cột đèn mà trên có hai bóng, một sáng, một tắt. Quanh đó vài cột cũng tình trạng tương tự. Chắc lâu lắm rồi người ta ít quan tâm đến ánh sáng cho khu đài tưởng niệm này. Bỗng mình liên tưởng đến quan hệ giữa hai láng giềng, khi đầm ấm, khi lạnh nhạt, lúc sáng lúc tối.
Chụp vài cái làm kỷ niệm, nhưng ảnh tối thui. So với cái villa của Thủ tướng thì ánh sáng không bằng. Nhưng thôi, méo mó có hơn không, đưa lên blog để đảm bảo là Tổng Cua đã đến đây thăm các anh sau khi ở quán Ngon.
Chả hiểu sao, Tổng Cua có thói quen, no bụng mới nhớ đến người thân và có biết ơn ai thì làm vào lúc đó là tốt nhất. Có thực mới vực được đạo, các cụ nói chẳng sai.

Villa về đêm của ngài Hun Sen. Ảnh: HM
Tôi chợt nghĩ, không hiểu giờ này (8 giờ tối) thì ngài Hun Sen đã ăn xong bữa tối. Liệu ông có giống mình, lúc no bụng, có nhớ tới linh hồn của 25 ngàn lính chết trận oan uổng. Máu đào của họ đã đưa tôi đến thăm đất nước này, giúp cho Phnom Penh thanh bình và cho cả ông lên tới tột đỉnh của vinh quanh và phú quí.
Tôi chầm chậm trở về khách sạn. Dù trời đã khuya, xe vẫn nhộn nhịp, cuộc đời vẫn trôi đi như thường lệ. Phnom Penh soi bóng bên sông như thơ mộng hơn về đêm, những villa thời Pháp ẩn hiện trong vườn. Vào giờ này, chắc chẳng còn ai nhớ đến thành phố này đã từng là mảnh đất chết chóc và tàn nhẫn.
Trên đại lộ Preah Sihanouk, cách nhau một đoạn dăm trăm mét, ánh đèn ở hai nơi, một sáng và một tối. Có quán Ngon,có cả máu xương người Việt và người Khmer trên một đoạn phố.  Hai quốc gia bị mắc bẫy chủ nghĩa cộng sản Khmer Đỏ và dính vào cuộc chiến đẫm máu do kẻ khác giật dây.
Trong tôi vang lên một câu hỏi nhỏ, liệu rằng hôm nay, sau mấy thập kỷ, hai dân tộc ấy có nhớ đến bài học đau xót của quá khứ, rồi đừng nhìn thế giới bằng con mắt thiên lệch, để hướng tới tới tương lai và cùng phát triển trong cái thế giới đầy cạm bẫy này.
Hiệu Minh. Phnom Penh 27-7-2012
Entry này xin kính tặng hương hồn những người lính Việt hy sinh trên đất Campuchia.

Đại lộ chính ở PNP. Ảnh: HM

Thanh niên vui chơi buổi tối. Ảnh: HM

PNP trên đường phát triển: Ảnh: HM
Đọc thêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét