Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Sự thất bại của Harvard

Ngày Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Sự thất bại của Harvard
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!




Theo betabeat.com
Kelly Faircloth

ĐH Harvard luôn ở vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng. Nhưng ngày nay, ngôi trường danh giá nhất thế giới này đang dần bị mất khách khi các sinh viên kỹ thuật đổ xô về những trung tâm học thuật như Viện Công nghệ Massachussets (MIT), ĐH Stanford…

Mất khách

Vào một ngày tháng 11, những sinh viên chăm chỉ của ĐH Harvard ào ra con đường trước Thư viện Lamont. Đám sinh viên tay giơ cao các loại điện thoại thông minh và máy quay, mắt hướng về phía Mark Zuckerberg – một cựu sinh viên của trường. Họ đã bất ngờ khi biết rằng, giống như Bill Gates, người sáng lập Facebook đã dừng việc học tại Harvard ngay trước khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp.

Sáu tháng sau, một ngày trước khi Facebook tiến hành đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Harvard đã không đòi một phần nào trong khoản tiền lời 16 tỷ đô từ đợt IPO của Facebook vì Zuckerberg và những người đồng sáng lập Facebook đã xây dựng trang web này khi còn đang học, làm việc trong ký túc xá và sử dụng mạng máy tính của Harvard. 
Thực tế, Harvard sẽ có thể bổ sung vào nguồn tài chính vốn đã rất lớn của mình bằng việc đòi phần chia trong khoản lợi nhuận mà Facebook thu được. Trong khi đó, ĐH Stanford đã bán số cổ phiếu sở hữu trong Google và thu được một khoản tiền “khủng” 335 triệu USD.
Lý do khiến Harvard không làm như vậy có thể là do phần đóng góp kỹ thuật của trường là khá nhỏ. Theo Brian Love, một nghiên cứu sinh ngành luật tại ĐH Stanford, “Trên thực tế, các sinh viên hoàn toàn có thể viết code trong các phòng ký túc của mình. Và họ là những người đi tiên phong trong thế giới công nghệ cao. Như vậy, một số sinh viên có thể nhóm lại và tạo ra một thứ gì đó có giá trị mà không cần có sự bảo trợ của khoa, không cần tài trợ kinh phí, ít nhất là kinh phí trực tiếp, từ trường đại học.”

Tuy nhiên, nếu xét đến hàng triệu USD mà những sinh viên tốt nghiệp dám nghĩ dám làm ở ĐH Stanford, ĐH Pennsylvania và các cơ sở đào tạo đại học khác đã kiếm được, và xét bảng thành tích thất thường trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ đang phát triển của Harvard, có thể dễ hiểu khi những người sắp trở thành sinh viên thấy băn khoăn không biết việc học tại Harvard có còn là con đường tốt nhất dẫn đến thành công trong thời đại kỹ thuật số hay không.

Harvard không đặc biệt nổi tiếng với số lượng kỹ thuật viên và doanh nhân. Vài tháng trước, trong một lần đến thăm trường, tờ Người quan sát đã gặp Tuấn Hồ khi anh đang làm việc trong I-lab. Tuấn Hồ tốt nghiệp năm 2009 và giờ là người đồng sáng lập của Tivli, một công ty truyền hình kỹ thuật số hướng đến mục tiêu đập tan việc kinh doanh truyền hình cáp. Tuấn Hồ giải thích, khi anh còn là sinh viên, Mark Zuckerberg “giống như một người khởi nghiệp mà không cần có Harvard”.

Harvard vẫn “ngồi” thoải mái ở tốp trên trong bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới, và mỗi năm có khoảng 1.600 sinh viên tốt nghiệp về đầu quân tại các trường đại học chuyên nghiệp, đảm nhiệm các công việc quan trọng tại các ngân hàng và các công ty tư vấn. Những người học các chuyên ngành nghiên cứu văn học dân gian và thần thoại học có thể xin làm phóng viên cho tờNgười quan sát New York. Nhiều nhận định cho rằng, những công việc này không còn như trước nữa. Các luật sư mới ra trường đang thực sự lo lắng với viễn cảnh nghề nghiệp khó khăn. Với sự phá sản của những hãng luật có tiếng như Dewey & Leboeuf thì ngay cả một tấm bằng tốt nghiệp từ một trường luật xếp thứ hạng cao cũng không đảm bảo có một mức lương cao. Phải rất lâu nữa thì các giáo sư đại học tài năng mới có thể dễ dàng được nhận vào biên chế.

Những đặc điểm được xem là quan trọng nhất để thành công khi khởi nghiệp lại cũng chính là những điểm mà trong hàng thế kỷ Harvard đã xem như “chiếc hôn của thần chết” cho những người háo hức muốn khởi nghiệp.

Trào lưu công nghệ

Trang web Quora đặt câu hỏi “Làm sao để một tài năng công nghệ có thể chọn lựa giữa MIT, Caltech, Stanford hay Harvard?” Và câu trả lời là: “Harvard nổi tiếng với các hoạt động vận động xã hội và với một môi trường mà ở đó chỉ có những mối quan hệ nghề nghiệp.”
Trong khi đó, MIT đã thu hút những sinh viên giỏi. Những sinh viên này đang phát triển mô hình công ty đầy triển vọng có tên là Dropbox. Hay tại New York, hai “pháo đài” đang tận dụng những nỗ lực của Bloomberg khi hãng truyền thông này muốn mở rộng hoạt động chứng khoán đối với các công ty công nghệ cao. Đại học Cornell hợp tác với Viện công nghệ Technion của Israel để xây dựng tại Đảo Roosevelt một trường khoa học ứng dụng với một thiết kế đặc biệt, trong khi trường Đại học New York (NYU) đang chuyển đổi các trụ sở cũ của Cơ quan Giao thông Đô Thị (MTA) tại Brooklyn thành khu thành phố công nghệ thứ hai.

Mặt khác, Đại học Stanford, được ví như “Harvard ở phía Tây”, mới đây được tờ Người New Yorkkhen ngợi về vai trò của trường trong việc cung cấp tài năng cho Thung lũng Silicon khi đã sản sinh ra cả Yahoo và Google. Những chuyên gia công nghệ tương lai có thể tụ họp tại BASES - Hiệp hội kinh doanh của sinh viên khởi nghiệp tại Stanford, nơi hàng tuần họ có thể tham gia các buổi nói chuyện của các cựu sinh viên là những người thành danh hay những ông trùm công nghệ. Đại học Pennsylvania cũng có một mạng lưới cựu sinh viên rất mạnh trong bối cảnh công nghệ đang bắt đầu phát triển ở New York, trong đó có Ben Lerer – CEO của Thrilist, Nihal Mehta – CEO của Local Response, và toàn bộ nhóm sáng lập Warby Parker. Ngay cả Trường đại học Washington cũng đang vào cuộc khi mới đây đã bắc “một đường ống hướng tây bắc tới Thung lũng Silicon”.

Theo GS. Vivek Wadhwa, “Chi phí cơ hội để họ trở thành doanh nhân lớn hơn nhiều so với những sinh viên tốt nghiệp ở các trường thông thường”. Mặt khác, MIT “có một lợi thế lớn khi là một trường kỹ thuật – vì thế những sinh viên tốt nghiệp ra trường sẽ sở hữu những kiến thức kỹ thuật tốt và được sự giúp đỡ của những người cố vấn giỏi. Khả năng có thể thành công của họ cao hơn và chi phí cơ hội thấp hơn”.

Hơn nữa, con đường kinh doanh cần sự vững vàng về mặt cảm xúc và sự cởi mở đối với những điều tiếng của dư luận. Thế giới giờ đã rất khác, ở đó, sinh viên có thể chọn cách tự tạo công việc cho mình thay vì chạy theo một vị trí trong một công ty hàng tỉ đô. Việc này đòi hỏi một bộ kỹ năng khác, và những đại học tìm được cách chuẩn bị cho sinh viên của mình bộ kỹ năng biệt đó thì sẽ có lợi thế rất lớn trong các thập kỷ tới.

Đức Phường dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét