Ngày Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Xuất hiện bánh trung thu nhiễm khuẩn E.coli
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Mau học cách phòng tránh thôi các bạn ạ!
Sáng 29/9, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình (ATVSTP) cho biết, trong quá trình kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện 2 loại bánh trung thu đang lưu hành trên địa bàn bị nhiễm khuẩn E.Coli vượt quá 800 lần so với quy định. Kết quả kiểm tra cho thấy, bánh đã bị nhiễm vi khuẩn E. Coli mức 2400/lg TP, vượt quá 800 lần so với quy định của Bộ Y tế. Hiện Chi cục ATVSTP đã có công văn gửi Phòng Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để khuyến cáo người dân không nên sử dụng. Hai loại bánh trên mang nhãn hiệu Tân Ký có địa chỉ tại 5D4A Hoàng Hoa Thám, P3, Mỹ Tho, Tiền Giang; Lô bánh sản xuất ngày 4/9/2012 và hạn dùng 24/11/2012. Và hiệu bánh nướng Bảo Lộc loại nhỏ đóng gói 5 cái/bao, có địa chỉ tại phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; Lô bánh sản xuất ngày 25/9/2012, có hạn sử dụng 20 ngày kể từ ngày sản xuất. (Theo Dân Trí) |
Vi khuẩn E.coli là gì?
E. Coli là chữ viết tắt của Escherichia Coli, là một loại vi khuẩn thuộc họ Enterobacteriaceae. Vi khuẩn E.coli sống trong ruột người và động vật, hầu hết các giống của E.coli vô hại hoặc gây bệnh trong thời gian tương đối ngắn.
E.coli dễ lây nhiễm từ nguồn nước bị ô nhiễm, rau sống hay thịt bò nấu chưa chín. Vi khuẩn có thể gây ra tiêu chảy nghiêm trọng, đi ngoài ra máu hoặc đau bụng, tiếp đến là thiệt hại nghiêm trọng hệ thống cơ quan như suy thận.
Dấu hiệu nhận biết bệnh do khuẩn E.Coli
Triệu chứng lâm sàng của bệnh bao gồm đau quặn bụng và tiêu chảy cấp, phân có thể có máu từ mức độ ít đến nhiều, kèm theo có thể có sốt hoặc nôn.
Bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày. Một số trường hợp tiến triển nặng gây hội chứng tan máu, suy thận cấp, tăng urê huyết và dẫn đến khả năng tử vong nếu không chữa trị kịp thời.
Vi khuẩn E. Coli còn nguy hiểm ở chỗ, chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ khả năng gây bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất và dễ tiến triển tới hội chứng tan huyết suy thận cấp (HUS). Người già cũng có nguy cơ biến chứng cao.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh do E.Coli
Hiện tại chưa có vaccine đặc hiệu để phòng bệnh tiêu chảy cấp do E.Coli gây nên. Việc phòng bệnh chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu áp dụng chung cho các bệnh lây theo đường tiêu hóa. Để phòng bệnh có hiệu quả, mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân hằng ngày, đặc biệt thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh.
- Luôn ăn chín, uống chín, không ăn các thức ăn nghi ngờ nhiễm bẩn, không an toàn, không rõ nguồn gốc; rửa thật sạch rau, hoa quả, thực phẩm trước khi chế biến, sử dụng.
- Đảm bảo sử dụng nước sạch, tốt nhất là nước được khử khuẩn bằng clo theo đúng quy định cho ăn uống, sinh hoạt hằng ngày
- Vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, vệ sinh nhà tiêu, thu gom rác, diệt ruồi nhặng. Tuyệt đối không phóng uế bừa bãi và không sử dụng phân tươi dưới mọi hình thức.
- Những người nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị để tránh lây lan ra những người xung quanh và gây dịch.
Theo Kenh14
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét