Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012

Bài hát hay: Tôi yêu

Ngày Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Bài hát hay: Tôi yêu
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Thư giãn:
                   Bài hát hay: Tôi yêu




Nhạc sĩ Trịnh Hưng


Sunday, July 27, 2008 4:06:58 AM


 

Anh được di cư đến Pháp ngày 02/07/1990 và định cư tại Lyon. Từ năm 2000, anh được lên Paris, ngụ tại Créteil (ngoại ô kinh thành) và sống độc thân với tiền trợ cấp của chính phủ Pháp. Anh là một cộng tác viên (trong Ban biên tập) của báo Nghệ Thuật do nhạc sĩ Lê Dinh chủ trương ở Montréal (Canada) ngay từ ngày nguyệt san này được sáng lập nghĩa là vào khoảng năm 1994. Anh có tài viết văn theo loại tùy bút tùy hứng nhiều lúc hài hứng mà cũng nhiều lúc hoài cảm sau những buối gặp gỡ (chuyện trò) với một nhân vật có tiếng tăm trong giới văn nghệ sĩ. Anh có về thăm gia đình ở VN một lần đầu vào tháng 12-1999 và lúc trở lại Pháp 3 tháng sau đã viết luôn một mạch trên NT nhiều bài về các nhạc sĩ anh được gặp lại ở quốc nội, như : Aloha ! Nhạc sĩ Ưng Lang, Vài nét về cuộc đời của nhạc sĩ Huyền Linh, Quang Dũng với âm nhạc, Nhà thơ Yên Thao và trước đó rất nhiều kỷ niệm ... và nhất là về cái chết thê thảm của nhạc sĩ Đỗ Lễ (tác giả nhạc phẩm Sang ngang), một người học nhạc ngày xưa của TH, đã làm tôi không cầm được nước mắt. Trong những học trò của anh giảng dạy với tư cách giáo sư nhạc lý từ 1954 (sau Hiệp định Genève, anh di cư vào Nam tự mở lớp dạy nhạc riêng tư ở đường Cao Thắng để nuôi sống gia đình cho đến năm 1983 anh bị đi tù cải tạo), ngoài Đỗ Lễ là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, tác giả những bài : Nắng Lên Xóm Nghèo và Trăng Tàn Trên Hè Phố (cũng đều được nổi tiếng lúc bấy giờ).



TÔI YÊU là một tập tuyển tình ca mà Trịnh Hưng xuất bản, lấy tên sách từ bài Tôi Yêu (vang bóng một thời), và gồm nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của anh viết vào khoảng năm 1956 đến đầu thập niên 60 (''... hiện nay vẫn được đồng bào hải ngoại yêu mến, được hầu hết các nhà sản xuất băng cassette và vidéo hải ngoại thâu băng, và ở Việt Nam có 5 nhà sản xuất vidéo thu băng các nhạc phẩm dân ca'' : CHTY VI-2000) cộng với một phần ít nhạc viết từ đất Pháp và rất nhiều phổ nhạc thơ của các nữ sĩ chớm nở hoặc đã lừng danh... Theo thư anh viết cho tôi (23/07/1999), tuyển tập của anh chia làm ba phần, mỗi phần có một đề mục chung. Anh cho tôi biết là Phần 1 (rất tiêu biểu tâm hồn anh) : tôi yêu quê hương gồm 7 bài dân ca cũ đã lừng danh một thời và nay vẫn còn được các ca sĩ (nam nữ) hải ngoại và quốc nội tiếp tục trình bày trên đài phát thanh và cho vào cassette, CD hoặc vidéocassette (Tỉ dụ Bài Tình Thắm Duyên Quê được nhạc sĩ Anh Bằng của hãng Asia giới thiệu cả tác phẩm lẫn tác giả trong cuốn vidéo ''Đêm Saigon 6''). Nơi quê quán của Trịnh Hưng rất quan trọng vì có ảnh hưởng lớn đến nhạc anh làm trong cuối năm thập niên 50 và đầu năm thập niên 60. Lúc anh giới thiệu Thơ ''nhạc LÁ'' (1998) của Thu Minh và nói về quê quán của nàng thì cũng như nói đến quê quán của anh. Thật vậy, cũng như Thu Minh, anh sinh đẻ ở Bắc Ninh (Bắc Việt), giáp ranh với thủ đô Hà Nội (''ngàn năm vạn vật của nước Việt Nam'') : Đất Kinh Bắc được nổi tiếng là nơi gạo trắng nước trong và cũng là nơi quê hương của nhiều nhân tài về văn thơ từ ngàn xưa, như cụ Hàn Thuyên, Cao Bá Quát, Đoàn Thị Điểm và là quê mẹ của nhà đại thi hào Nguyễn Du... và chính nơi đó là cái nôi của nền Dân Ca Quan Họ đã sống trong lòng người dân Việt mãi đến tận ngày nay mọi người còn mến mộ. Những bài TH sáng tác hồi ấy (và được sắp lựa trong Phần 1 này), cho ta thấy rõ là ''nhờ sự tận tâm của nhạc sư Tạ Phước (mà anh đã theo học trong thời gian anh đi kháng chiến và gia nhập Văn Công Trung Đoàn Thăng Long của Việt Minh, từ cuối 1946 đến 1953 là ngày anh hồi cư về Hà Nội)... mà anh có một căn bản vững chắc về hòa âm và lý luận sáng tác theo giai điệu Tây phương hay Á Châu và nhạc sư còn phân tách kỹ càng sự khác biệt khi sử dụng âm giai ngũ cung của nhạc Tàu và âm giai ngũ cung dân ca Việt Nam...'' (Lê Dinh, NT số 2). Chúng ta biết rằng nhạc cổ điển VN chỉ dùng 5 bực (hò, xự, xang, xế, cống) trong lúc nhạc mới (kiểu Âu Tây) có 7 nấc làm nền tảng (đi từ thấp đến cao) cho thang âm là : Do-Ré-Mi-Fa-Sol-La-Si. Trịnh Hưng đã biết hòa hợp nhạc Tây, Tàu và cổ VN để sáng tác - với tâm hồn nghệ sĩ đầy tình cảm của anh trong thời tưới trẻ - hai bản đầu tay tuyệt diệu : Lối Về Xóm Nhỏ và Tôi Yêu, cả hai đều theo cung ré majeur và theo nhịp 2/2 (hay C chẻ). Trên 7 bài nổi tiếng, 2 bài này được mọi người yêu thích nhất và các ca sĩ lựa chọn hát và thâu thanh nhiều nhất :

Tôi yêu quê tôi , yêu lũy tre dài đẹp xinh
Yêu con sông xanh dâng cát hoe vàng bến đình
Yêu trăng buông lơi hôn má cô nàng dệt tơ
Và yêu cánh đồng vời xa, ngàn tay đang dựng mùa hoa
........................................................................................

Bài TÔI YÊU với những lời trong sáng, nhẹ nhàng, êm dịu, lạc quan, là một tán dương ca cho quê hương xinh tươi qua cánh đồng man mác, những cô gái quê mượt mà, xóm làng trong nắng đẹp của một mùa lúa mới, TH muốn kêu to ở đây cái tình yêu của anh cho tất cả mọi người và cho vạn vật :

Tôi yêu quê tôi, yêu mãi bây giờ càng yêu
Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hòa
Yêu anh yêu em, yêu xóm yêu làng gần xa
Và yêu mối tình nở hoa, ngàn năm không hề phai nhòa

Bài này cũng như những tác phẩm khác của Trịnh Hưng trên mặt hòa âm (một nghệ thuật, một khoa học để tới cách dùng hợp âm êm tai) đã đạt được mức tột đỉnh. Xin nhắc lại, anh là đồ đệ của nhạc sư Tạ Phước và sống với gia đình nhờ nghề dạy nhạc từ năm di cư vào miền Nam (1954). Nhạc anh thuộc về nhạc ''hậu chiến'', nhưng về phần chuyên môn và tình cảm không thua gì những bậc đàn anh đã nổi tiếng trong những năm 1945-1946. Về lối hành nhạc, anh khuyến dụ Moderato để cho giọng nữ hát một mình, nhưng hợp ca như trong cassette ''Quê Hương Nhạc Tuyển 3'' (do Trung Tâm Băng Nhạc Nguyệt Ánh, Việt Dzũng & Tuấn Minh, Virginia, USA, thực hiện) mau hơn một chút (Allegretto) thì quá hay. Tôi cũng có nghe Vũ Anh hát đơn thanh bài này với giọng Baryton rất hấp dẫn, vừa nhịp nhàng vừa tươi vui như một buổi sáng bình minh. Tôi Yêu viết theo cung ré majeur (Khóa Sol với do dièse và fa dièse) có chủ âm (tonique) ré , áp âm (dominante) la và cảm âm (sensible) do dièse , theo đúng mỗi 4 trường canh đặng nhạc và lời được đi từ đầu đến cuối câu, trừ một đoạn có 8 trường canh (8 chia 2 = 4) để diễn tả : Mưa nắng ơn trời, lúa vàng nắng đẹp sáng ngời. Xóm làng đón mùa chiêm mới, ấm no ấp ủ lòng tôi. Tôi yêu quê tôi, yêu mãi bây giờ càng yêu. Yêu chim bay qua mang đến tin mừng thái hòa. Thật là đúng luật thăng bằng của một bài ca nhịp nhàng viết theo một kỷ thuật hòa âm hoàn hảo. Hơn nữa, tác giả rất khéo léo đã xử dụng nhiều lần ba nốt ré-mi-la (lên hoặc xuống) để làm cho nhạc theo phương pháp Âu Tây biến thành âm điệu dân ca đượm màu Việt Nam và Đông Nam Á. Giỏi lắm thay !

Trong 6 bài còn lại, như tôi đã nói trên, Lối Về Xóm Nhỏ viết theo một nguồn cảm hứng dạt dào đối với quê hương, cũng dựa trên cung ré majeur (như bài Tôi Yêu) nhưng theo lối hành nhạc Cha-Cha-Cha (TH với bản này và 5 bản khác mà tôi sẽ nói sau, thuộc về những nhạc sĩ khai sáng vào cuối thập niên 50 qua 1960 và vài năm sau đó, một loại nhạc đượm tình dân tộc mà giới bình dân dán tên là ''dân ca Mambo'') :

Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca
Ngọt hương lúa tình quê thêm đậm đà
Dào dạt bao tình thương trong mái lá
Bờ dâu xanh cô gái hát êm êm
Tầm mai chín gởi anh dâng mẹ hiền
Lòng già thêm hơi ấm khi chiều lên
.............................................................

Bài này cũng được trình bày cùng trong băng ''Quê Hương Nhạc Tuyển 3'' với hai giọng nam nữ đồng ca, theo hành nhạc nhịp nhàng như ý muốn của tác giả, làm cho người nghe muốn hát và khiêu vũ theo. Tôi rất ưa thích Lối Về Xóm Nhỏ do Elvis Phương và Sơn Tuyền hát, nhất là lúc hai danh ca bắt đầu hòa hợp qua những lời :

Có những chiều hôm, Trời nghiêng nắng xế đầu non
Nắng xuống làng thôn, làm cho đôi má em thêm dòn (thật là nhí nhảnh và bướm bay !)
Lúa đã lên bông. Mắt già tươi sáng thôi chờ mong
Tiếng hò cô gái sông Cửu Long. Mơ rằng mai lúa lên đầy bông.

Những bài khác (thuộc về loại ''dân ca Mambo'' của Trịnh Hưng) như sau :

1) Lúa Mùa Duyên Thắm (cung ré mineur , nhịp 2/2 hay C chẻ, ''Mambo-Boléro'') với kết thúc : Này ai ơi ! Miền nước tôi ruộng lúa ôm bờ đê. Người sống vui tình thắm vương hồn quê, gạo trắng trong mà nên duyên hẹn thề;
2) Trăng Soi Duyên Lành (đồng cung, nhịp và hành nhạc), với lời mở đầu : Trên sông sâu đôi mái chèo nhẹ khoan, Quê hương tôi đẹp như ánh trăng ngàn,Trăng lên khơi tôi hát lời hò khoan, trăng sáng về miền Nam, Trăng sáng cả đèo ngang... Thanh Phong & Thanh Thúy đồng ca);
3) Tình Thắm Duyên Quê (đồng cung và hành nhạc, nhịp 4/4 hay C), với kết thúc rất âu yếm lả lơi :

... Hàng dừa nghiêng nghiêng mơ soi bóng sông.
Ruộng ngày mai say sưa những ước mong
Gái miền sông Thương, chàng trai miền Cửu Long

Hai ta ước thề xây đắp tình duyên quê, được Mạnh Bình và Sơn Tuyền đồng ca trong lúc Phương Dung đơn ca theo lối hành nhạc ''Moderato'' trong băng ''Sương Lạnh Chiều Đông'' (Tú Quỳnh Hải Ngoại 4) do Lê Bá Chư thực hiện;

4) Miền Nam Mưa Nắng Hai Mùa (cung sol majeur, nhịp 2/2 hay C chẻ, hành nhạc Rumba ) : tác giả Trịnh Hưng muốn tỏ lòng biết ơn với miền Nam tự do là nơi anh chọn lựa sinh sống với gia đình sau Hiệp định Genève 1954, bằng những lời nhạc mến cảm, hoan lạc như :

Này ai ơi miền Nam nước tôi chia hai mùa
Đồng xanh tươi nói lên niềm vui bao chan chứa
..........................................................................
Về nơi đây cùng chung đắp cho thôn làng
Người hân hoan với cây cờ vàng đẹp tươi sáng
Chiều lên khơi, vừng trăng sáng buông lơi ven đồi
Bầy em tôi, có cô nàng vui lứa đôi

và 5) Tiếng Ca Dân Lành (cung ré mineur, nhịp 2/2 hay C chẻ, hành nhạc Mambo-Boléro) với kết thúc đầy hy vọng và tin tưởng trong tương lai tươi sáng (tương tự một bức tranh đượm tình thôn dã của MILLET 1818-1875) :

Chiều hôm nay có bàn tay lại nắm bàn tay, hứa cùng nhau chung cánh vai gầy, bên luống cầy chàng ca em cấy. Để mai đây cánh đồng xanh ngập lúa đầy bông, bởi mồ hôi đổ xuống ven đồng, sông đẹp trong tình thắm duyên nồng.

Năm bài này cũng được sáng tác (như 2 nhạc phẩm Tôi Yêu và Lối Về Xóm Nhỏ) vào cuối thập niên 50 và những năm đầu của thập niên 60... là những năm Trịnh Hưng hứng cảm dồi dào, tình yêu dạt dào đối với quê hương miền Nam là đất nước tự do và hạnh phúc gia đình của anh... Trong Phần 1, còn thêm một bài Sài Gòn Ơi Xa Em Rồi viết theo cung la majeur (với 3 dièses : fa-do-sol, nhịp C chẻ và hành nhạc Rumba). Tác giả cho tôi biết bài này anh làm sau khi rời VN qua Pháp và được Giải Nhì trong cuộc thi Nhạc năm 1993 do Phong Trào Hưng Ca ở Hoa Kỳ tổ chức : Sài Gòn ơi ! Ta hẹn em mùa xuân tới, Ta về xây lại quê mới. Ôi đẹp quá Sài Gòn ơi... Và Trịnh Hưng đã được về Sài Gòn thăm nhà cuối năm 1999 (nhưng SG đã mất tên từ năm 1975 !). Trở lại Pháp (đầu năm 2000) là đất nước tự do và tôn trọng nhân quyền, anh giữ vững niềm tin vào Thánh Đạo và sáng tác nhiều bản ca ngợi Chúa Jésus. Đó là chủ đề Phần 2 của tuyển tập Trịnh Hưng : YÊU CHÚA trong đó có hai bài anh làm ở Pháp để tặng Giáo hội Công giáo tại thành phố Lyon và một số đạo hữu Tin lành ở Lognes (Pháp) : Ngợi Khen Cha và Con Có Chúa (cung ré majeur, nhịp 3/4, hành nhạc Valse-Moderato), với đoạn cuối đầy Tin, Mến :

Con có Chúa ban cho Cậy, Tin, Mến
Chúa dạy con hãy sống trong hiền hòa
Chúa cho con an bình vạn lời ca
Con tôn kính trọn đời tạ Ngôi Ba.

Tuyển tập TÔI YÊU của Trịnh Hưng chấm dứt với Phần 3 : ''Yêu Tình Người'' gồm nhạc lãng mạn tình yêu lứa đôi, tình bạn, tình cha con... '' (thư gởi LMN, 23/07/1999) và rất nhiều bài được anh phổ nhạc vào thơ của Bích Xuân, Thu Minh, Vương Thu Thủy, Đỗ Bình, Phạm Ngọc, vân vân. Về mặt thơ phổ nhạc, ta phải công nhận là nguồn hứng cảm và biệt tài của nhạc sĩ Trịnh Hưng vẫn còn lai láng và thao thao bất tuyệt như ngày xưa.


Nhạc sĩ Trịnh Hưng đã vĩnh viễn ra đi.
Tuyết Mai, May 11, 2008


Cali Today News - Nhạc sĩ Trịnh Hưng đã vĩnh viễn ra đi ngày 10 Tháng 5, 2008 tại Paris, Pháp Quốc, hưởng thọ 78 tuổi. Theo tài liệu, Nhạc sĩ Trịnh Hưng sinh năm 1930, quê quán ở Bắc Ninh. Năm 1945 tới 1953 ông theo kháng chiến chống Pháp, làm đội phó văn công Trung Đoàn Thăng Long. Năm 1954 ông hồi cư về Hà Nội sau đó vào Nam. Ông bắt đầu sáng tác nhạc năm 1950 nhưng mãi sau 1956 nhiều nhạc phẩm của ông mới được nồng nhiệt đón nhận.

Ông thuật lại trước năm 1954 ông là văn công ở ngoài Bắc, lúc đó ở ngoài Bắc có đấu tố nhiều quá, những người trí thức đã bỏ về hết nên ông theo người di cư vào Nam. Vào Nam ông mở lớp dạy dàn, sáng tác và luyện giọng tại đường Cao Thắng, Saigon . Ông có nhiều học trò và nhiều người đã trở thành ca sĩ nổi tiếng như Ca sĩ Ánh Tuyết, Bạch Yến, Thanh Thúy và Nhạc sĩ Đỗ Lễ , Trúc Phương cũng là học trò của Ông.

Ở Miền Nam, vùng đất tự do với nắng ấm chan hòa đã gây cho ông cảm hứng để sáng tác nhiều tác phẩm về đồng quê, trong đó có nhiều bản rất nổi tiếng là “Tôi Yêu” , “Lối Về Xóm Nhỏ”, “Lúa Mùa Duyên Thắm” “Tình Thắm Duyên Quê”, “Tiếng Ca Dân Lành “, “Trăng soi duyên lành” … Nhạc đồng quê của ông rất được yêu chuộng bởi lời ca mộc mạc, trong sáng, tiếng nhạc vui tươi, chan chứa tin yêu, gợi cho người nghe một cảm giác thanh bình, an lành nơi thôn giả nên rất được yêu thích.

Sau 30 Tháng Tư, 1975, Nhạc sĩ Trịnh Hưng tiếp tục dạy nhạc kiếm sống, nhưng người con trai lớn của Ông bị bắt đi lính, đẩy qua Cambodia, ở đó lính Việt bị chết nhiều quá, nên con ông trốn. Hai năm sau công an bắt được đã đánh con ông chết. Ông vô cùng căm hận nên viết bản nhạc “Ta Quyết Tâm Giết Lũ Hồ”, vì bản nhạc đó mà ông bị tù tám năm, từ 1982 đến 1990. Sau khi mãn tù Ông được gia đình bảo lãnh sang Pháp, ông đã cộng tác với nhiều tạp chí văn học hải ngoại .

Tháng Mười, 2003, Nhạc sĩ Trịnh Hưng ra mắt CD “Tôi Yêu” do Thư Viện Diên Hồng tại Pháp tổ chức để vinh danh ông. Đây có lẽ là CD duy nhất ông ghi âm thu lại những nhạc phẩm của mình để kỷ niệm cho con cháu và cho bạn bè .

Trong CD “Tôi Yêu” này có 12 bản nhạc trong đó có bản do Ông sáng tác, có bản ông phổ thơ của người khác. Tháng 11 năm 2004 Hội thơ Tài Tử tại Bắc Cali mời ông sang Hoa Kỳ trong ba tháng. Ông được báo chí và các đài phát thanh phỏng vấn và đông đảo đồng hương đến dự những buổi vinh danh người nhạc sĩ lão thành từ Âu Châu đến.

Ngoài nhạc ra Nhạc sĩ Trịnh Hưng còn có tài vẽ hí họa và làm thơ. Trong số những bài thơ của ông, bài được nhiều người biết đến là bài “Một mình”.

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét