Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Bốn ước vọng của tháng tám và Ước vọng thứ năm

Ngày Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Bốn ước vọng của tháng tám và Ước vọng thứ năm
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Ước vọng thứ năm

Bốn ước vọng của tháng tám




67 năm trước Bác đã nói về 4 ước vọng của dân tộc
Có lẽ bài Bốn ước vọng của tháng tám của bác  Nguyễn Sĩ Dũng (Tại đây!) là bài hay nhất trong tất các các bài ” “cúng cụ” nhân tết độc lập của báo chí lề phải. Nhưng bài này hầu như không ai để ý. Cũng là lẽ thường tình, vài chục năm nay chẳng ai mất thời gian tìm đọc loại bài “cúng cụ”, chưa đọc cũng biết người ta nói gì rồi, dại gì mà đọc. Báo chí đăng lên không phải để cho thiên hạ đọc, chủ yếu để trình với các cụ rằng tụi em đã cúng cụ rồi. Các cụ cũng chẳng thèm đọc, ok chúng mày cúng cụ thế là chúng tao yên tâm, ngu gì chúng tao  đi đọc mấy thứ quanh nămchúng tao chỉ đạo  nói dối và bốc phét.
Mình cũng chẳng dại chẳng ngu để đọc nếu không phải bài của  Nguyễn Sĩ Dũng. Xưa nay bác này không viết thì thôi,  đã viết thế nào cũng có ý gì đấy khó có thể bỏ qua. Bác nói năng nhẹ nhàng nhưng không  rụt rè,  điềm đạm nhưng không khúm núm. Ai tinh ý sẽ thấy dưới lớp vỏ chữ nhẹ nhàng điềm đạm kia là một trời bức xúc, tấm lòng của người viết đang sục sôi một nỗi đau đời.

Bài Bốn ước vọng của tháng tám cũng vậy, thấy mấy chữ “ước vọng tháng tám” đã chán không thèm đọc nhưng khi ông viết: “Cuối cùng, 67 năm đã trôi qua, nhưng những ước vọng của tháng tám vẫn mãi mãi là động lực to lớn của dân tộc ta” thì nhận ra cái sự đắng cay của người viết, đắng cay đến bật khóc. Từ thuở mang gươm đi mở nước, 4 ước vọng: độc lập-dân chủ- công bằng- tự do là động lực to lớn để cho dân tộc ta không tiếc máu xương mồ hôi và nước mắt, đến hôm nay đã 67 năm rồi  thì 4 ước vọng đó “vẫn mãi mãi là động lực to lớn của dân tộc ta”! Cái câu  đó có thể dịch ra, rằng dân tộc ta bắt đầu không có gì, 67 năm sau vẫn không có gì, và nếu cứ lú thế này thì chắc chắn mãi mãi không có gì, có phải không bác Nguyễn Sĩ Dũng?
 Nghĩ mà xem, 4 ước vọng trên đều kẹt cả. Muốn Độc lập nhưng kẹt ông Tàu, ổng treo miếng thịt mỡ  có tên là chế độ, có mà chạy đằng trời . Muốn dân chủ  nhưng  không muốn dân mở miệng.  Ông chủ không được mở miệng thì dân chủ cái gì.  Muốn có công bằng nhưng kẹt lợi ích nhóm, có công bằng làm sao có tư sản đỏ, không tư sản đỏ thì CNXH làm cái giầy!? Muốn tự do  nhưng tự do có chỉ đạo, tự do theo ý muốn của quan trên, yêu nước cũng phải xin phép quan trên, khốn thế.
Khi đã đi được một chặng đường 67 năm ( gần bằng 70 năm của Liên Xô rồi đấy bác Nguyễn Sĩ Dũng nhỉ?) mà vẫn không có gì, 4 cái ước vọng ấy vẫn chỉ là ước vọng thì có lẽ ( mà có lẽ gì nữa!) nên dừng lại để tính xem ta đã đi đúng đường chưa chứ, không lẽ cứ thỉnh thoảng dừng lại chỉnh đốn chính lú rồi lại sấp mặt đi trên con đường cũ?
 Thưa bác Nguyễn Sĩ Dũng, 4 ước vọng kia là ước vọng của loài người, chúng ta muốn có 4 ước vọng của loài người thì cần có một ước vọng nữa, ấy là ước vọng nhìn lại ta và tính lại con đường ta đang tới.  4 ước vọng của loài người gần lắm chứ không là “mãi mãi” như bác nói đâu, chúng đang treo sau gáy ta mà ta không biết trong khi ta cứ đâm đầu vào bụi rậm.
Vậy ước vọng thứ năm xin nói nhỏ bác nhé, bác đừng báo cáo với mấy ông lú nhé, ấy là ước vọng đằng sau quay!
Nguyễn Quang Lập
----------------

Bốn ước vọng của tháng tám


67 năm – gần một đời người đã trôi qua, có biết bao nhiêu biến cố đã xảy ra trên quê hương của Cách mạng tháng tám và trên thế giới. “Vật đổi, sao dời”, rất nhiều điều tưởng chừng là chân lý bất di bất dịch, đã bị thực tiễn cuộc sống bác bỏ. Cái còn và vẫn còn mãi mãi là những tư tưởng vĩ đại của Cách mạng tháng tám, đồng thời cũng là những ước vọng thiêng liêng của dân tộc ta. Những tư tưởng và ước vọng này có thể gói gọn trong tám chữ: độc lập, dân chủ, công bằng, tự do. Tám chữ nhưng bao hàm tất cả.
Trước hết là về độc lập. Độc lập là một trong những quyền thiêng liêng nhất. Quyền này được Hồ Chủ tịch long trọng tuyên bố với thế giới trong Bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2.9.1945. Và vì quyền này, hàng triệu người con ưu tú đã hy sinh xương máu để giữ gìn quyền độc lập của dân tộc. Thế nhưng độc lập là gì? Độc lập chính là sự không phụ thuộc. Chúng ta đã giành lại giang sơn này chính là để tự quyết định lấy vận mệnh của mình mà không bị phụ thuộc vào kẻ khác. Chúng ta có thể hợp tác. Chúng ta có thể học hỏi. Thế nhưng, chúng ta không thể bị ra lệnh, không thể bị ép buộc. Độc lập chính vì vậy phải bắt đầu từ việc giành quyền độc lập trong lĩnh vực tư duy, trong việc lý giải định mệnh và hoạch định tương lai của dân tộc. Độc lập chỉ thực sự được bảo đảm khi chúng ta không bị phụ thuộc về tinh thần và tư tưởng.
Chúng ta đã giành lại giang sơn này chính là để tự quyết định lấy vận mệnh của mình mà không bị phụ thuộc vào kẻ khác. Trong ảnh là diễu binh mừng đại lễ 1.000 năm Thăng long – Hà Nội. Ảnh: Mai Kỳ
Dân chủ là một ước vọng khác của tháng tám. Dân chủ đã từng được đưa vào quốc hiệu của nước ta sau Cách mạng tháng tám. Đó chính là Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, dễ cảm nhận hơn thì dân chủ là việc chính sách, pháp luật được hình thành theo ý chí của đa số; chính kiến xã hội được hình thành trên cơ sở tranh luận xã hội. Đặc biệt, dân chủ đòi hỏi việc ban hành chính sách, pháp luật phải trải qua một quá trình tranh luận công khai, bình đẳng. Các bên, trong đó có công chúng, có cơ hội bày tỏ chính kiến. Và ý kiến của các bên đều phải được lắng nghe. Tranh luận là yếu tố quan trọng hàng đầu của một nền dân chủ hiệu quả. Như vậy, cách thức, quá trình ban hành chính sách, pháp luật không kém phần quan trọng so với nội dung của chính sách và pháp luật. Còn một điều khác nữa mà chúng ta ít nói về dân chủ, nhưng có lẽ lại là điều quan trọng nhất. Đó là: dân chủ là cách thức chuyển giao quyền lực một cách hoà bình.
Công bằng là ước vọng thứ ba của tháng tám. Công bằng xã hội được thể hiện bằng sự bình đẳng của các công dân. Trước hết và quan trọng nhất là sự bình đẳng trước pháp luật. Đã là công dân nước Việt Nam thì pháp luật là như nhau đối với tất cả mọi người. Sự bình đẳng trước pháp luật không chỉ tồn tại trong mối tương quan giữa những công dân với nhau, mà còn – giữa các công dân đối với Nhà nước.
Trước hết, các quyền và nghĩa vụ của công dân và của công quyền đều do pháp luật quy định… với sự thiên vị nhiều hơn cho các công dân: “Người dân có thể làm bất cứ điều gì mà pháp luật không cấm, các quan chức nhà nước chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép”. Pháp luật nước ta cho phép các quan chức khá nhiều điều. Tuy nhiên, những điều cho phép bao giờ cũng chỉ là hữu hạn, những điều không cấm mới thật sự là vô hạn.
Tính chất quan hệ giữa các công dân và các cơ quan công quyền có thể thay đổi phụ thuộc vào các lĩnh vực khác nhau của pháp luật. Ví dụ, khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự, các cơ quan nhà nước chỉ là những đối tác bình đẳng với các công dân và các pháp nhân khác. Ở đây, tự do ý chí và bình đẳng là những nguyên tắc cơ bản của luật chơi. Nếu thay vì giao đất, Nhà nước quyết định cho thuê đất, Nhà nước đã tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Các quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê và bên thuê sẽ ràng buộc Nhà nước và các đối tượng thuê đất như nhau. Không một bên nào có quyền đơn phương phá bỏ những cam kết đã được ghi nhận trong hợp đồng thuê đất.
Hai là, công bằng xã hội thể hiện ở sự bình đẳng về cơ hội của các công dân. Bình đẳng không có nghĩa là chia đều sự nghèo khó, mà có nghĩa là chia đều các cơ hội. Cơ hội chỉ trở thành hiện thực trong những điều kiện nhất định. Các điều kiện này ở những công dân khác nhau là rất khác nhau. Không phải ai cũng có thể trở thành tiến sĩ, nhưng ai cũng phải có cơ hội để học hành. Cũng như không phải ai cũng có thể trở nên giàu có, nhưng ai cũng phải có được cơ hội để làm giàu. Các rào cản về cơ hội chính là con đẻ của sự bất công. Những công dân bình đẳng trước pháp luật và về cơ hội sẽ chính là lực lượng sáng tạo to lớn của đất nước ta trong công cuộc xây dựng hoà bình và tiến tới phồn vinh.
Ước vọng thứ tư của tháng tám là tự do. Tự do của một dân tộc được hợp thành từ tự do của mỗi công dân. Không thể có một dân tộc tự do, mà những công dân của dân tộc đó lại không có được quyền tự do như vậy. Tự do chính là quyền lựa chọn. Và hàng triệu Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc đã lựa chọn sự hy sinh. Sự lựa chọn này mang đầy định mệnh, nhưng lại là một sự lựa chọn tự nguyện, một sự thực thi quyền tự do. Những người con ưu tú của đất nước đã lựa chọn sự hy sinh chính là để bảo đảm rằng quyền lựa chọn của dân tộc ta là không thể bị tước bỏ.
Cuối cùng, 67 năm đã trôi qua, nhưng những ước vọng của tháng tám vẫn mãi mãi là động lực to lớn của dân tộc ta. Hiện thực hoá những ước vọng này là điều không dễ. Chỉ có đoàn kết một lòng chúng ta mới làm được điều này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Theo SGTT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét