Ngày Thứ Ba, 24 tháng 1, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết “Con người tự do” thành “chú cừu thông thái”?
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
“Con người tự do” thành “chú cừu thông thái”?
Posted by basamnews on 24/01/2012
“Làm toán” cần đến kiến thức toán học, còn “tính toán” thì cần tới cái láu lỉnh ở đời. Và có lẽ hai thứ này kết hợp với nhau đã làm nên điều kỳ diệu, để, chỉ trong vòng có mươi tháng thôi, biến một Ngô Bảo Châu từng gây xôn xao dư luận với bài viết ngắn gọn, khúc chiết, mạnh mẽ mà vẫn khéo léo đến lạ, bàn “Về sự sợ hãi”, thành một con người khác hẳn.
“Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”. Ngô Bảo Châu.
Từ lối “phản biện” mà rất có thể không ít người trong giới chức phải tức tối chụp cho cái mũ “phản động” khi bình luận về phiên tòa xử TS Cù Huy Hà Vũ, thì nay khi được phóng viên đặt câu hỏi trực diện rằng “năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này?”, ông đã cho biết “thường tránh bàn luận các vấn đề” mà mình “không biết rõ”, để khỏi phải “đánh giá” chính cái “phong trào phản biện” mà ông đã có đóng góp không nhỏ chỉ bằng bài viết nhỏ chưa tới 300 từ trên blog, chưa kể tới bức thư của ông gửi Quốc hội năm 2009 lo lắng tới nhiều tác hại của dự án bô-xít Tây Nguyên, trong đó có tới 5 lần ông nhắc đến hai chữ “phản biện”.
Có phải danh, lợi dưới áp lực chính trị đã làm cho ông trở nên ngọng nghịu, hay đơn giản chỉ vì đoạn trả lời phỏng vấn đã bị cắt gọt, chỉnh sửa, kể cả những phân tích loanh quanh quan niệm về vai trò “phản biện xã hội” của người trí thức và thứ khái niệm về người trí thức không hơn gì đám công chức “giá áo túi cơm”, đã được một số bài viết * mổ xẻ ngay sau đó?
Mời xem những bài liên quan:
BBC Vietnamese
Tiếp tục tranh cãi về vai trò trí thức
Cập nhật: 14:32 GMT – chủ nhật, 22 tháng 1, 2012Cư dân mạng tiếp tục tranh cãi sôi nổi về vai trò của giới trí thức trong xã hội Việt Nam sau bình luận của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Hôm thứ Sáu 20/1, báo Tuổi Trẻ Cuối tuần đăng bài phỏng vấn Giáo sư Châu. Trong bài, vị giáo sư toán có chia sẻ một số ý kiến về vai trò của giới trí thức và phản biện xã hội.
Ý kiến của ông Ngô Bảo Châu đã gây phản ứng mạnh trên một số trang blog nhiều người đọc.
Trong bài phỏng vấn trên Tuổi Trẻ, Giáo sư Châu nói ông phản đối việc “coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm ‘trí thức’”.
Ông nói: “Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc… Giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.
Giáo sư Châu cũng cảnh báo: “Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội”.
Ông cho rằng “Trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó”.
“Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến.”
Tuy nhiên, ông Ngô Bảo Châu khẳng định “việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức”.
“Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.”
Những bình luận trên của vị giáo sư hiện đang giảng dạy tại Hoa Kỳ đã “khiến mạng Facebook sôi sùng sục”, như nhận xét của blogger, nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Đóng góp xã hội
Trên blog Quê Choa của mình, ông Lập viết: “Không thể nghĩ đơn giản: trí thức là người lao động trí óc”. *“Các nhà khoa học được coi là Trí thức hay không phải xét xem họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội như thế nào, xưa nay đều thế cả.”
Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng bày tỏ quan ngại: “Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kĩ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bỉu và chỉ điểm những trí thức chân chính”.
Trực diện hơn nữa, một blogger khác – nhà văn, dịch giả Phạm Viết Đào *, viết ra nhận xét của ông về một giới trí thức mà “phần lớn có thể xếp họ vào tầng lớp ‘trí ngủ’ , họ buông xuôi, họ làm ngơ, họ thờ ơ với thời cuộc, với vận mệnh đất nước”.
Ông Đào viết: “Trong lớp trí thức này được bổ sung thêm những thành phần kiểu như Giáo sư Ngô Bảo Châu”. Ông cũng cho rằng việc nhà nước Việt Nam vinh danh Giáo sư Châu là “động thái chính trị hơn là một hành động thể chế hóa chính sách trọng dụng trí thức”.
Năm 2010, Giáo sư Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng danh giá – giải thưởng Fields, mà nhiều người coi như giải Nobel của toán học.
Ông cũng gây chú ý qua một số bài viết trên mạng, như bài về vụ xử Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, hay trang blog nói về thực trạng tự do ngôn luận, vốn bị chi phối bởi hiện tượng “lề trái, lề phải”.
Khi đó ông Châu viết “bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do.”
Cuộc tranh cãi về vai trò của trí thức trong đời sống xã hội Việt Nam gần đây nổi lên trên các diễn đàn mạng với nhiều ý kiến trái chiều.
* Gửi Ngô Bảo Châu (Quê Choa/Trần Minh Khôi). TRÍ THỨC VIỆT NAM VÀ CHẾ ĐỘ – (Phạm Viết Đào). “Trách nhiệm của trí thức” (Trần Minh Khôi FaceBook).
—————–
Tuổi trẻGiáo sư Ngô Bảo Châu: Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai
Thứ Sáu, 20/01/2012, 05:09 (GMT+7)
[...]Không ai độc quyền chân lý
* Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?- Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?
Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.
Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.
Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.
Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.
* Giáo sư có nói cần khuyến khích mọi thành phần trong xã hội phát biểu ý kiến của mình và lãnh đạo phải lắng nghe tất cả ý kiến đó. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng lãnh đạo cần phải có một quyết định, vậy việc quyết định nên căn cứ vào đâu?
- Nếu có một thuật toán để ra quyết định trong mọi trường hợp thì chắc không cần đến lãnh đạo nữa mà thay bằng một cái máy tính. Người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ có những hành động nhất quán, chứ không được chăng hay chớ. Đi cùng với sự nhất quán là tính chủ quan, ở đây nếu lắng nghe ý kiến phản biện, người lãnh đạo sẽ tránh được những sai lầm không thể cứu vãn. Theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.
* Để tận dụng được khả năng suy nghĩ của trí thức, lãnh đạo nên chăng chia sẻ thông tin với họ để nhận được lời tư vấn tốt nhất trước khi đưa ra quyết định?
- Đối với người lãnh đạo, chia sẻ thông tin là một việc khó, như từ bỏ một phần quyền lực của mình. Thông tin hoàn toàn mở, anh lãnh đạo sẽ phải tranh luận với anh trí thức trong tình huống “cân bằng vũ trang” và chưa chắc anh lãnh đạo đã thắng.
Nhưng thật ra cởi mở thông tin, tranh luận với trí thức, với những người nằm ngoài bộ máy chính là một cách tiếp năng lượng cho anh lãnh đạo, vẫn với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh. Để làm được việc, anh lãnh đạo luôn phải phụ thuộc vào bộ máy của mình. Nếu không cởi mở, dừng tranh luận, những quyết định của anh sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của bộ máy, phục vụ lợi ích của bộ máy chứ không ưu tiên phục vụ xã hội nữa.
* Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này? Là một trí thức, giáo sư có muốn đóng góp tiếng nói của mình vào trào lưu chung đó?
- Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó.
* Cảm ơn giáo sư!
[...]
(Do phần đầu của bài phỏng vấn chủ yếu nói về công việc của Viện nghiên cứu cao cấp về toán, nên không đưa lên đây)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét