Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

“Trung Quốc có những điểm yếu rất căn bản”

Ngày Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết “Trung Quốc có những điểm yếu rất căn bản”
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!



GS. Nguyễn Minh Thuyết: 

“Trung Quốc có những điểm yếu rất căn bản”


“Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Việc đưa hai quần đảo này vào sách giáo khoa là chuyện đương nhiên, nhưng cần tránh tình cảm nhất thời, tạm bợ, hoặc tư duy cực đoan” – GS Nguyễn Minh Thuyết.
Dù đang tất bật chuẩn bị cho chuyến bay vào TP Hồ Chí Minh, nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết – Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vẫn dành thời gian trò chuyện với báo điện tử Infonet về vấn đề đưa Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa (SGK).
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm đưa Hoàng Sa – Trường Sa vào SGK, đặc biệt môn Lịch sử. Xin hỏi ý kiến của GS về vấn đề này?
Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Việc đưa vào SGK phổ thông là hết sức bình thường. SGK Tiếng Việt tiểu học hiện hành có một số tác phẩm và trích đoạn tác phẩm liên quan đến Trường Sa như các bài thơ "Chú ở bên Bác Hồ" của Dương Huy, “Gửi chú ở Trường Sa” của Nguyễn Xuân Hạnh, hay một đoạn văn của Hà Đình Cẩn có tên “Cá heo ở Trường Sa”. Những môn khác như Địa lý, Toán học cũng có hình ảnh hai quần đảo này.

Đối với môn lịch sử, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nhận xét môn học này chưa nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam. GS Lê nói cần phải đưa nội dung này vào SGK. Tôi rất ủng hộ ý kiến đó. Ngoài Lịch sử, một số môn học khác như Ngữ văn, Giáo dục Công dân, Sinh học… đều có thể tích hợp nội dung giáo dục về Hoàng Sa - Trường Sa.
Riêng môn Ngữ văn (ở tiểu học gọi là Tiếng Việt), việc đưa chủ đề Hoàng Sa – Trường Sa vào chương trình có thuận lợi. Bởi hai quần đảo này từ hàng trăm năm nay đã trở thành mảnh hồn của Tổ quốc với nhiều sáng tác văn chương lay động lòng người.
Trường Sa – Hoàng Sa đã được đưa vào SGK của nhiều môn học, nhưng lại chưa có trong môn Lịch sử. GS có cho đây là một sự thiếu sót của ngành giáo dục?
Hai môn chính cần phải dạy về Hoàng Sa - Trường Sa là Địa lý và Lịch sử. Tôi không phải người làm chương trình hay viết SGK Lịch sử nên không rõ vì sao trong chương trình và SGK không có nội dung này. Nhưng theo tôi, việc chưa đưa Hoàng Sa – Trường Sa vào môn Lịch sử là một thiếu sót. SGK Lịch sử cần phản ánh lịch sử sở hữu hai quần đảo này như thế nào, đội binh nhà Nguyễn ra kiểm soát quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa ra làm sao…
GS. Nguyễn Minh Thuyết: “Trung Quốc có những điểm yếu rất căn bản”
GS Nguyễn Minh Thuyết tìm lại những bài văn, bài thơ về Hoàng Sa - Trường Sa trong SGK các môn học. Ảnh LD
Để khắc phục hạn chế này, trước hết Bộ GD&ĐT cần có chủ kiến bổ sung vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa vào SGK cho năm học mới. Năm nay, nếu việc sửa chữa, bổ sung không kịp thì có thể bổ sung bài giảng bằng những tài liệu kèm theo SGK, và sang năm sẽ tiến hành bổ sung chính thức vào SGK.
Theo GS, phải đưa Hoàng Sa – Trường Sa vào từng môn học như thế nào để thế hệ trẻ hôm nay có thể hiểu sâu sắc hơn về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam?
Nội dung giảng dạy liên quan đến Hoàng Sa - Trường Sa phụ thuộc vào từng môn học. Ví dụ môn Ngữ văn (Tiếng Việt) nên đưa những sáng tác liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa và biển đảo nói chung.
Đối với môn Lịch sử còn tùy cấp. Với cấp tiểu học, nên đưa những bài đọc nhẹ nhàng; cấp trung học cần thể hiện sâu hơn những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo, nhất là những chứng cứ lịch sử thể hiện sự chiếm hữu lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Môn Địa lý nên giới thiệu về vùng địa lý, vùng khí hậu ở hai địa danh này…
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức sách vở cho học sinh về Hoàng Sa – Trường Sa, chúng ta có nên tổ chức cho các em đi thực tế tại hai quần đảo này không, thưa GS?
Điều này còn tùy thuộc vào lứa tuổi của học sinh, địa bàn nơi các em đang sinh sống và học tập. Việc đi ra Hoàng Sa - Trường Sa không dễ, phải mất vài ngày, đường đi lại sóng gió, các cháu nhỏ chịu không nổi. Đối với lớp học sinh lớn hoặc sinh viên ở khu vực gần như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi..., có thể tổ chức cho các em ra thăm đảo nếu có điều kiện.
Nhưng theo tôi, không nhất thiết các bạn trẻ phải ra tận Hoàng Sa - Trường Sa. Các em có thể làm nhiều việc có ý nghĩa khác như xem phim, nghe chiến sĩ nói chuyện, tổ chức viết, vẽ, thảo luận về Hoàng Sa - Trường Sa, đóng góp cho Trường Sa, đóng góp ủng hộ ngư dân…
GS có khuyến cáo gì khi đưa vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa vào chương trình SGK?
Thứ nhất, việc đưa vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa vào SGK là chuyện đương nhiên phải thực hiện. Thứ hai, nên đưa những vấn đề căn bản nhất bởi SGK là tài liệu học tập lâu dài. Cần đưa nội dung dạy học một cách khoa học, khách quan, tránh bị ảnh hưởng của tình cảm nhất thời, tạm bợ, hay lối tư duy cực đoan.
Tôi lấy ví dụ, tập bản đồ Địa lý lớp 11 (địa lý thế giới) trình bày bìa sách bằng bản đồ Trung Quốc. Với tình cảm bức xúc trước những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay, nhiều người cho điều đó là không thể chấp nhận được. Theo tôi, trong hoàn cảnh bình thường, điều đó là bình thường. Kể cả trong trường hợp hai nước mâu thuẫn thì Trung Quốc vẫn là một nước láng giềng của Việt Nam, một nước có nhiều đặc điểm về địa lý, kinh tế, văn hóa rất đáng chú ý trên thế giới.
Tôi nhớ, Thủ tướng Anh Churchill có nói một câu rất chí lý: “Nước Anh không có kẻ thù vĩnh viễn và cũng không có đồng minh vĩnh viễn”. Quan hệ quốc tế chuyển hóa không thể lường trước… Chúng ta nên phân biệt rõ các phần tử bành trướng, hiếu chiến Trung Quốc với người dân Trung Quốc. Vì thế chúng ta phải tranh thủ tình cảm, truyên truyền cho người dân Trung Quốc, kể cả một số người trong chính quyền Trung Quốc hiểu rõ công pháp quốc tế, những sự kiện lịch sử, chủ quyền lãnh thổ của ta và quan điểm của ta về Hoàng Sa - Trường Sa, về Biển Đông để họ dần dần xác định được thái độ đúng đắn đối với vấn đề này.
Tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn trẻ rằng, ngoài kiến thức sách vở, thế hệ trẻ hôm nay cần chú ý đến các hoạt động thực hành, ví dụ chủ động tìm hiểu thêm về vấn đề biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Nhà trường, báo chí, Đoàn Thanh niên CSHCM, Đội Thiếu niên TPHCM cần làm tốt hơn công tác truyền thông để các bạn trẻ có nhận thức sâu sắc hơn…
Bằng nhiều nguồn thông tin, lớp lớp thế hệ đã nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam. GS có bình luận gì về vai trò của truyền thông đối với vấn đề biển đông?
Từ khi Hoàng Sa - Trường Sa trở thành tâm điểm chú ý của người dân Việt Nam cũng như dư luận thế giới, báo chí đã công bố những tư liệu quý giá về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Những bài viết về cuộc sống của người dân và chiến sĩ trên đảo, về tình cảm và những đóng góp của thanh niên cũng như người dân cả nước đối với quân dân Trường Sa, về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo... cũng được đề cập nhiều.
GS. Nguyễn Minh Thuyết: “Trung Quốc có những điểm yếu rất căn bản”
Thêm rất nhiều bằng chứng chứng tỏ Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Ảnh Internet
Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong thời gian qua, báo chí có phần dè dặt trong việc phản ánh những diễn biến thời sự xung quanh vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa và tình hình Biển Đông. Chỉ những đợt Trung Quốc gây hấn lớn, mình mới có thông tin nhưng cũng chưa được thường xuyên và chưa có nhiều bài phân tích âm mưu của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông và xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Trên các phương tiện truyền thông, mỗi ngày càng có thêm nhiều bằng chứng chứng tỏ Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa Trung Quốc đang hoàn toàn đuối lý?
Theo tôi, Trung Quốc không chỉ yếu về lý mà còn yếu cả về lực. Trung Quốc có đội tàu đông, có cả tàu sân bay, lại đông dân, nhưng họ lại có những điểm yếu rất căn bản.
Thứ nhất, họ hiện có một tỷ rưỡi dân nhưng mỗi gia đình chỉ có một con. Giả sử nếu xảy ra chiến tranh, chỉ cần một trận đánh mà binh lực họ bị tiêu diệt nặng, cả nước Trung Quốc sẽ rung chuyển toàn bộ.
Thứ hai, nội bộ Trung Quốc đang có rất nhiều vấn đề. Xu hướng ly khai ở một số vùng rất rõ. Nếu không cẩn thận, cứ mải mê cuộc chiến ở Biển Đông thì hậu phương sẽ “bục” ra, lúc ấy có hối cũng không kịp.
Biển Đông là nơi vận chuyển 60% lượng dầu của Trung Quốc từ Trung Đông về. Nếu xảy ra chiến trận tại đây thì không có gì chắc chắn là Trung Quốc sẽ bảo vệ được các tàu dầu của họ trong một không gian rất dài và rất mở - cả trên không, trên mặt biển lẫn dưới mặt nước. Đó cũng là một tử huyệt của người khổng lồ này. Mặt khác, thế giới cũng không để Trung Quốc “tự tung tự tác” trên Biển Đông được, bởi đây là đường vận chuyển rất quan trọng của nhiều nước lớn trên thế giới.
Cuối cùng, vì Trung Quốc yếu về mặt pháp lý nên họ mới không dám đưa vấn đề này ra trước Tòa án Quốc tế.
Xin cảm ơn GS!
DŨNG HẰNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét