Ngày Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Thi lấy bằng lái ở Đức: CƠN ÁC MỘNG
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!
Thi lấy bằng lái ở Đức: CƠN ÁC MỘNG
[20.12.2013 - Nhịp Cầu Thế Giới Online], Hoài Vũ, từ Burgshwalbach (CHLB Ðức)
(NCTG) Đó là cơn ác mộng lớn nhất, dai dẳng nhất mà mình có trong đời. Không biết với những người khác thì thế nào, với mình, học lái xe đúng là “địa ngục trần gian”.
Bên chiếc Audi A3 thứ hai, gắn liền với “cơn ác mộng” của tác giả
Đến giờ, khi ngồi viết lại những dòng này mà đôi lúc đầu mình vẫn còn ngổn ngang.
Những bước đầu tiên
Khó khăn đầu tiên với một bà mẹ có con nhỏ như mình là việc sắp xếp thời gian để đi học. Tuy nhiên với sự giúp đỡ và động viên của chồng, bố mẹ chồng, mọi thứ cũng khá ổn. Chồng luôn tình nguyện ở nhà trông con, cho con đi ngủ buổi tối để một tuần hai buổi mình có thể đến trường học lý thuyết.
Bố mẹ chồng thì giặt giũ, nấu cơm cho để mình có nhiều thời gian học hành hơn. Đặc biệt, khi cháu bé ra đời, ông bà còn phải trông thêm một cháu nữa. Tóm lại, nếu không có chồng, ông bà nội thì chắc chẳng bao giờ mình có thể nghĩ đến chuyện thi lấy bằng lái xe.
Ở Đức, khi học lái xe, học viên phải đăng ký với chính quyền. Muốn đăng ký, học viên phải có xác nhận khám mắt và có chứng chỉ đã tham gia một khóa học cứu thương. Nếu phải đeo kính như mình thì khi lái xe bắt buộc luôn phải đeo kính, thậm chí nên có tới hai chiếc kính để đề phòng một chiếc hỏng.
Mình đăng ký một lớp học cứu thương vào cuối tuần. Lớp học kéo dài từ 9 giờ sáng tới tận 3 giờ chiều và chỉ nghỉ 15 phút giữa giờ nên học viên phải mang đồ ăn và nước uống theo. Ở đây, mình học các kỹ năng cứu thương, băng bó, hô hấp nhân tạo, xử lý các tình huống khi gặp tai nạn xe cộ, gọi xe cứu thương như thế nào...
Rào cản ngôn ngữ
Lúc bắt đầu học lái xe, mình đến Đức được ba năm. Vốn liếng của mình là trình độ B1 có được sau ba tháng đến Đức và từ đó vẫn dậm chân tại chỗ. Mình có thể nói chuyện giao tiếp với người Đức, tóm lại các chủ đề lẻ tẻ kiểu như tã, bỉm, sữa chứ nếu để học thật sự một cái gì đó thì e rằng hơi vất vả.
Được cái cháu bé đã đi nhà trẻ nên mình có nhiều thời gian để nghiền ngẫm mớ lý thuyết với các loại từ vựng mà tra toét cả mắt trên các loại từ điển cũng chẳng tìm thấy. Nguyên nhân là trong tiếng Đức có rất nhiều từ ghép. Người Đức thường có luôn cả định nghĩa luôn trong từ đó để đọc lên người ta hình dung luôn đó là cái gì, dùng để làm gì.
Nhưng vấn đề là khi có quá nhiều định nghĩa trong một từ, cái từ dài đến cả dòng ấy trở nên vô cùng rối rắm, rồi chả ai biết nó nghĩa là gì nữa. Ví dụ, cái biển màu xanh, có chữ P màu trắng bên trong, ai chả biết đấy là biển đỗ xe, tiếng Anh P nghĩa là Parking hay Parken trong tiếng Đức.
Thế mà người ta nghĩ ra một cái tên dài ngoằng ngoẵng thế này (một từ thôi đấy): “parkraumbewirtchaftungszone” (đại loại là: khu vực đỗ xe có sự quản lý).Về hỏi chồng và bố chồng những từ này mà mọi người còn cứng cả họng. Sau khi nghe cái từ đó thì đến người Đức cũng phát hoảng.
Mỗi học viên mua một bộ sách, băng đĩa tài liệu trị giá 75 Euro. Học viên sẽ có một tài khoản (account) trên một trang web học lái xe, có thể làm bài thi thử trực tiếp trên đó hoặc tải (download) một ứng dụng cho ipad, iPhone với hơn 900 câu hỏi thi, được trộn làm 100 bộ đề, mỗi bộ gồm 30 câu hỏi.
Nói chung chỉ cần chăm chỉ thì tất cả những câu hỏi này không hề khó. Vấn đề là mình luôn muốn biết tường tận mọi vấn đề nên luôn phải hỏi chồng vì sao lại thế chứ không chỉ cần biết nhấn vào câu trả lời đúng là được. Thế là ngoài các buổi tối đi học, các buổi tối khác, sau khi cho con đi ngủ, chồng cũng phải lao vào học cùng, rồi giải thích.
Nhiều khi tiếng Đức mình không hiểu thì chàng lại chuyển tiếng Anh. Tất nhiên tiếng Anh cũng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của mình nên nhiều khi lại phải dừng lại để đi tra từ điển sang tiếng Việt nữa. Sau một thời gian “đánh vật” như vậy, mình thi đỗ với số điểm tuyệt đối.
Những bài học đặc biệt
Nhưng việc học lý thuyết chả thấm vào đâu so với học lái. Ở khu vực mình ở có khá nhiều đồi núi, địa hình dốc dựng và nhiều khúc cua hẹp. Nhà mình ở làng nhỏ trong khi các cuộc thi lái xe chủ yếu ở hai thành phố bên cạnh là Diez và Limburg. Mình hoàn toàn ú ớ, không biết đường. Thầy cứ nói rẽ trái thì rẽ trái, phải thì rẽ phải mà chả biết là đang ở đâu.
Mỗi lần lái đầu óc mình cứ quay cuồng như cái tàu lượn siêu tốc. Ngoài các bài tập lái thông thường như vậy, có một số loại bài tập đặc biệt với lượng thời gian phải tuân theo quy định như lái đường quốc lộ (không phải trong thành phố, làng mạc) tối thiểu 225 phút, đường cao tốc tối thiểu 180 phút, lái đêm tối thiểu 135 phút.
Đường quốc lộ cho phép chạy với tốc độ 100 km/h, nếu thời tiết đẹp, nắng ráo, đường khô thì không có lý do gì chạy dưới 80km/h vì nếu không sẽ gây cản trở giao thông. Còn đường cao tốc ở Đức chắc mọi người đã từng nghe nói rồi: nơi duy nhất trên thế giới có những đoạn cho phép chạy không giới hạn tốc độ”.
Mặc dù vậy, ở Đức, đường cao tốc lại là nơi ít xảy ra tai nạn nhất. Thầy giáo nói: “Cô mới lái, lái chầm chậm thôi nhé. Ý tôi chậm ở đây là 130 km/h”. Mình lái với tốc độ này mà toàn phải dạt vào làn đường bên trong để nhường đường cho các xe khác vèo vèo qua mặt. Điều đáng sợ nhất là lúc bắt đầu lái vào đường cao tốc.
Từ một đường vòng trước khi vào đường cao tốc, người lái đã phải quan sát giao thông đang lưu chuyển, tìm khoảng trống thích hợp giữa hai xe để di chuyển vào. Bên mỗi lối rẽ vào đường cao tốc luôn có một dải đường khoảng 200m để tăng tốc. Đoạn này phải tăng hết ga để đạt tốc độ cao, rồi xin chuyển làn.
Mình luôn quá hồi hộp và sợ hãi. Các xe bên cạnh cứ lao vun vút, sắp hết 200m của dải tăng tốc mà vẫn chưa láng được vào. Thầy giáo thì cứ hét lên bên tai: “Tăng tốc nữa nên, gas, gas nữa lên. Các xe ở làn ngoài cùng bên phải toàn xe tải cỡ lớn và chạy với vận tốc 80-100kmh, cô chạy chậm thế xe sau nó húc vào bây giờ”.
Hồi đầu, mỗi khi lái vào đường cao tốc, tim mình như ngừng đập vì chẳng dám thở nữa. Nhưng một khi đã vào đường cao tốc thì lái lại rất dễ, chỉ cần chú ý quan sát và làm các tín hiệu rõ ràng mỗi khi chuyển làn là được.
Học lái đêm cũng là một trải nghiệm thú vị. Vì mình học lái đêm vào mùa hè nên trời mãi chẳng chịu tối. Bắt đầu có thể lái đêm được là 10 rưỡi tối. Sau khi cho cháu bé đi ngủ, mình cũng phải tranh thủ chợp mắt để đêm đi học. Lái đêm ít xe cộ hơn, chỉ cần chú ý chuyển đèn và để ý nếu có thú hoang như hươu nai hay cáo chạy qua không.
Có lần mình tái cả mặt vì suýt kẹp chết một con nhím bên lề đường!
Người Đức vốn kỹ tính và lần này thì mình được gặp một người Đức chính hiệu.
Minh họa: Internet
Mình luôn thích làm việc với những người khó tính, thậm chí kỹ tính trong công việc vì có thể học hỏi được nhiều, dù ban đầu có nhiều vấp váp. Và lần này thì “cầu được ước thấy”: mình có một ông thầy giáo khó tính nhất trên thế giới.
Ông thầy khó tính
Thầy giáo khoảng 45 tuổi, dáng người hơi đậm. Thầy luôn càu nhàu: “Trời ơi, tôi nói bao nhiêu lần rồi. Khi ngồi ở ghế lái, muốn mở cửa xe cô phải dùng tay phải mở cửa vì như vậy cô phải ngoảnh người lại hoàn toàn để quan sát xem có mở cửa vào xe hay người đi bên cạnh không.
Nếu cô ngồi ghế phụ thì ngược lại, khi ra phải mở cửa tay trái. Chỉ quan sát gương thôi không đủ. Cô mất bằng lái như chơi vì hành động đó đấy”.
“Sao cô không quan sát khi qua đường tàu?”
“Dạ có mà thầy”.
“Tôi chả nhìn thấy”.
“Thế thì tại thầy không nhìn thấy chứ ạ”, mình cãi cố.
“Khi đi thi, cô nói với thầy chấm thi thế nhé. Tôi biết mắt cô có liếc một nhát, nhưng với chúng tôi, đó không gọi là quan sát. Cô phải ngoảnh cái đầu một nhát sang trái, một nhát sang phải để tầm nhìn được mở rộng. Khi đi thi, ai người ta nhìn vào mắt cô để biết là cô có quan sát, người ta ngồi ghế sau và chỉ nhìn thấy cái đầu của cô có cử động không mà thôi”.
Hay cuối cùng khi kết thúc buổi lái, thầy lại nhăn nhó: “Cô lại không làm đúng quy trình. Tôi nói bao lần rồi: tắt xi nhan, tắt máy, về số, bật phanh tay, rút chìa khóa, quay vô lăng một chút về bên phải. Đi thi mà thế này là người chấm thi người ta không hài lòng đâu. Không phải là lỗi lớn nhưng nếu cộng với các lỗi khác thì cũng đủ để cho cô trượt đấy”.
Thầy toàn cằn nhằn, mắng mỏ là chính, ít khi nào khen được một câu khi mình làm tốt. Một lần, sau buổi lái đêm thầy nói: “Hôm nay cô lái khá đấy”. Nhưng rồi thầy có vẻ bối rối khi nhỡ khen một câu nên bồi thêm: “À mà chắc là do lái đêm, đường vắng tanh thế, nhiều khi cô lái một mình một đường thế, không tốt mới là có vấn đề”.
Thầy khó tính đến nỗi có nhiều hôm sau buổi lái mình khóc rưng rức. Một phần vì luôn bị thầy mắng xối xả, một phần cảm thấy ức chế với bản thân vì tại sao hàng triệu, hàng tỉ người trên hành tinh này lái xe được mà với mình lại khó khăn thế này. Có lẽ mình chẳng bao giờ vượt qua được.
Thấy vậy, chồng vô cùng thương cảm, luôn tìm mọi cách an ủi: “Em đừng suy nghĩ nhiều quá. Cứ học đi rồi khắc sẽ thi được. Kể cả khi em nản quá, không muốn học nữa thì bỏ, chả sao. Anh làm tài xế cho em cả đời cơ mà”.
Đỉnh cao của sự chán nản là khi mình cãi nhau với thầy giáo. Thường thì mình cố gắng phớt lờ khi thầy quá gay gắt nhưng hôm ấy thì không thể chịu đựng được nữa. Lúc đó hai thầy trò lái xe ở một khu vực rất hẹp, nhiều đường một chiều, các xe đỗ đầy một bên. Cuối tuần mình rủ chồng quay lại khu vực này để cho quen đường.
Có một con đường có cái biển cắm rất lạ. Hôm sau khi lái xe với thầy mình hỏi và thầy bảo phải chỉ thì thầy mới biết chứ tả thế thì khó. Vấn đề là mình không nhớ đường làm sao để tới cái biển đó nên nói: “Thôi, bây giờ chúng ta cứ lái bình thường, nếu vô tình nhìn thấy cái biển đó thì tôi sẽ chỉ cho thầy”.
Rồi trong buổi tập, đang lái, chợt mình nhớ ra con đường có cái biển đó phía bên phải nên rẽ vào dù thầy đang nói rẽ trái. Chưa kịp giải thích thì thầy nổi điên: “Tôi nói rẽ trái thì cô rẽ phải. Chúng ta không thể làm việc với nhau nếu cô không nghe những gì tôi nói, cô chỉ muốn làm những gì cô muốn. Bla, bla...”.
Thầy tuôn ra một tràng khiến mình bối rối và cứng họng. Nhưng rồi sau đó cơn điên và uất ức bao ngày tháng của mình nổi lên: “Thầy đã nói hết chưa? Giờ đến lượt tôi nói nhé. Thầy chỉ biết vội vàng chỉ trích người khác mà không cần biết vì sao người ta làm thế. Tôi lái sang phải vì tôi muốn chỉ cho thầy cái biển mà chúng ta nói tới, sau rồi sẽ giải thích cho thầy.
Nếu không rẽ phải ngay mà rẽ trái như thầy, chúng ta sẽ không tìm thấy nó nữa vì tôi không thuộc đường ở thành phố này. Thầy làm tôi vô cùng ức chế trong mỗi buổi học. Tôi tự nhủ không hiểu mình ngu dốt đến mức nào mà không thể học được và khiến thầy đối xử với tôi như thế.
Nhưng nói thật, tôi không thể tiếp tục như thế này được nữa. Tôi đầu hàng rồi. Thầy làm ơn sang lái và chở tôi về nhà giùm đi, ngay bây giờ”.
Có lẽ thầy cũng choáng váng vì sự tức giận của mình nên im lặng khoảng 1 phút. Sau đó thầy nói: “Tôi xin lỗi vì không hiểu ý cô lúc đó. Nào thôi, bây giờ cô lái tiếp đi, chúng ta sẽ lái về nhà, được chứ? Rẽ phải nhé”.
Mình cũng đành nén giận lái xe về. Về đến nhà, mình lạnh lùng nói: “Tôi nghĩ cả tôi và thầy đều quá mệt mỏi về các buổi tập này. Tôi muốn chúng ta cùng dừng lại một thời gian để bình tĩnh và xem có nên tiếp tục hợp tác với nhau nữa hay không”.
“Tùy cô thôi. Có lẽ cô cũng nên nghỉ ngơi một chút. Tôi xin lỗi nếu làm cô giận. Khi nào cô có quyết định tiếp tục học hay không thì gọi điện cho tôi. Chúc cô và gia đình một mùa Phục Sinh an lành”.
Nhẽ ra nên lịch sự nói cảm ơn và chúc lại thầy nhưng cơn giận khiến mình chỉ im lặng, mặt mũi sưng xỉa và bỏ ra khỏi xe. Kể cũng hơi thái quá. Ấy thế mà khi về kể với chồng, chống còn bênh: “Sao, thằng cha ấy dám mắng mỏ em thế á. Để anh đến nói chuyện với ông ta. Có lẽ ông ta quen việc dạy những bọn tuổi teen 17, 18 nên mắng mỏ chúng nó thế.
Nhưng ông ta nên nhớ rằng không nên làm thế với em, nhất là khi em đang có bầu và rất nhạy cảm nữa chứ. Không thể chấp nhận được. Chúng ta sẽ không học ở đó nữa, sang trường khác”.
Bố chồng cũng lên tiếng: “Bố thấy thầy thế là không được. Con phản ứng thế là rất tốt. Không thể để ông ta suốt ngày mắng mỏ, chèn ép thế được. Là thầy giáo phải lấy chữ “nhẫn” hàng đầu”. (Câu này ông nói như thể ông là người Việt Nam!)
Mình lên các forum học lái xe, định bụng xem có trường lái xe nào khác gần nhà thì thấy ai cũng kêu bị thầy giáo mắng té tát. Rồi nói chuyện với chị bạn người Thái mới thi lấy bằng xong, chị ấy nói: “Trời ơi, ông thầy của tao cũng vậy đó. Thật kinh khủng. Không một buổi học nào của tao thiếu nước mắt. Nhưng rồi khi kỳ thi đến, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Mày cố lên, mọi thứ sẽ qua”.
Đâu phải chỉ có mình mình như vậy. Dù bây giờ có đổi sang trường nào khác thì chắc cũng chẳng khác hơn là mấy. Sau khoảng ba tuần nghỉ Phục Sinh và bình tâm suy nghĩ, mình quyết định gọi điện cho thầy để học tiếp. Sau cuộc cãi vã ấy, mọi thứ có vẻ ổn hơn. Thầy giáo cố gắng nhẹ nhàng với mình hơn, mình thì cố gắng giải thích với thầy và hỏi lại xem có phải ý thầy nói vậy không để tránh hiểu nhầm.
Nhưng quả thật sự nhiệt tình và kiên nhẫn của thầy quả là đáng khâm phục (đến giờ khi mọi thứ đã qua rồi mình mới có thể nói thế chứ lúc trước từ tức anh ách). Thầy chỉ nói tiếng Đức và rất ít tiếng Anh nên ban đầu hai thầy trò cũng khá khó khăn để hiểu nhau. Có lẽ sau mỗi buổi học thầy vừa mỏi mồm, mỏi tay và cả mỏi người vì phải diễn tả các kiểu.
Khi nói đến từ “gestaffelt”, thầy hỏi: “Cô có biết là gì không?”.
“Dạ thưa thầy, không ạ”.
“Ở Đức, kể cả khi cô có bằng lái xe rồi, có thể mất dù không lái ô tô. Nếu cô đi xe đạp nhưng gây tai nạn, cô cũng bị tịch thu bằng lái xe. Hay nếu tôi đi bộ, tôi say rượu chẳng hạn, tôi đi ra cửa thể này (thầy lảo đảo đi lại, diễn tả điệu bộ người say), rồi loạng choạng ngã ra đây đúng lúc cái xe ô tô lao tới.
Vì tránh tôi mà cái xe đâm sang kia đường, lao vào gốc cây, anh lái xe bị thương. Vậy là tôi cũng bị mất bằng lái. Cái hành động loạng choạng ấy của tôi là “gestaffelt”, cô hiểu chưa?”.
Hay như một lần đang lái xe, thầy giáo nói mình táp vào lề đường. Trời rét căm căm mà thầy nhảy ra, không áo khoác, đứng một bên xe rồi la ầm lên: “Cô nhìn vào gương đi, tất cả các loại gương, cô có nhìn thấy tôi không?” .
“Có ạ.”
“Thế còn bây giờ cô có còn nhìn thấy tôi trong gương nữa không?”.
“Không ạ”.
“Cô phải ngoảnh hẳn đầu lại đi, nhìn qua vai ấy. Giờ thấy chưa?”.
“Dạ rồi ạ”.
“Cô thấy không? Không phải lúc nào cô cũng nhìn thấy mọi thứ từ gương chiếu hậu. Đó người ta gọi là “Toter Winkel” (góc chết/điểm mù), cô hiểu chưa? Với người lái xe, ngoảnh đầu để quan sát khi rẽ là một hành động không thể thiếu”.
Mình dốt nhất khoản đỗ xe nên nói với thầy dành hẳn một buổi chỉ để đỗ xe thôi. Hôm ấy trời nóng như thiêu như đốt. Vì phải mở cửa để ngó ra ngoài xem đỗ đã chuẩn chưa nên hai thầy trò phải mở cửa sổ và không bật điều hòa. Bài tập đỗ lùi sau một cái cây mình cứ ì ạch mãi không làm được.
Thầy lại nhảy ra khỏi xe, hò hét: “Quay tay lái đi. Đúng chỗ tôi chỉ này. Quay vô lăng đúng một vòng 360 độ. Dừng đi. Rồi, quay tiếp... Ối giời ơi! Cô suýt đâm vào chân tôi rồi”.
Với mình thì nắng thế ăn thua gì so với Việt Nam. Còn thầy thì mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mặt đỏ tưng bừng như uống rượu. Thầy nói: “Thôi, lần sau chẳng học chỉ có đỗ thế này nữa, tôi cũng nản quá. Chúng ta sẽ cứ lái như bình thường rồi thi thoảng đỗ thôi”.
Trông thầy thật tội nghiệp. Một buổi học, về đến nhà mình nói: “Thầy ạ. Tôi cảm ơn thầy rất nhiều vì đã kiên nhẫn với tôi. Nhiều khi tôi thấy đến chính mình còn không đủ kiên nhẫn với bản thân mình nữa”.
Nghe được câu nói đó thầy có vẻ lấy làm sung sướng lắm: “Ồ, thì phải vậy thôi chứ biết làm sao. Tôi cũng biết cô rất quyết tâm. Tôi đánh giá cao tinh thần học tập và cố gắng của cô”.
Thi thoảng hai thầy trò lại phải nịnh bợ, thảo mai nhau như thế để có tinh thần học tiếp.
Chồng mình và nhiều người khuyên rằng nên thi lái xe trước khi đẻ. Bụng bầu to thế này thì chắc người ta dễ tính hơn và cho qua thôi. Mình cũng muốn thế và bày tỏ ý định muốn thi sớm. Thầy nghiêm mặt: “Tôi thật thất vọng vì cô chỉ trông đợi vào sự may mắn như vậy. Cô cần học chắc chắn để đã thi là đỗ, để người chấm thi không thể có lý do nào khiến cô trượt hết.
Cô đang ở Đức, cô cũng biết rằng người Đức rất khó tính và khắt khe như thế nào. Tôi không nghĩ rằng họ sẽ dành cho cô một ngoại lệ nào. Mặt khác, cô có con nhỏ, cô sắp là mẹ của 2 đứa con, cô cần phải lái xe an toàn nhất có thể, không chỉ cho bản thân mà cho cả các con mình nữa”.
Mình cảm thấy xấu hổ khi nghe những lời nói này của thầy: “Dạ vâng. Vậy tôi sẽ không nhắc đến chuyện thi cử nữa cho đến khi thầy thấy tôi đã lái khá ổn và sẵn sàng cho cuộc thi”.
Nổ lốp trên đường cao tốc. Chiếc vành xe bị méo lệch đi. Đến thợ sửa chữa ở garage còn nói: “Sao nổ lốp kiểu gì mà kì vậy? Gia đình anh chị thật là may mắn!”
Sự cố nổ lốp vô cùng nguy hiểm
Dường như mình không được thuận lợi lắm với cuộc thi này vì luôn gặp những trở ngại tuy không quá lớn nhưng không lường trước được.
Chuyện giấy tờ, bầu bí
Khi việc học đã có vẻ ổn hơn thì mình bỗng nhận được giấy báo nhập quốc tịch Đức. Sau khi làm các thủ tục đổi tên, họ, mình phải chờ đợi một thời gian cho đến khi có các giấy tớ với tên mới, quốc tịch mới. Trước thời gian này mình không có giấy tờ nào hợp lệ để đi thi.
Khi giấy tờ xong thì đến lượt thầy đổi xe. Cứ hai năm thầy lại đổi xe một lần dù chiếc Audi A3 ấy vẫn còn rất tốt. Sau khi đổi xe, mình muốn làm quen với xe mới một thời gian chứ không muốn chủ quan đi thi luôn. Xe mới lần này vẫn là Audi A3 nhưng đời mới nhất. Và đặc biệt trong xe có hệ thống camera trợ giúp người lái đỗ xe dễ dàng hơn.
Thầy cười: “Cái hệ thống camera này tôi phải bỏ tiền ra mua thêm gần ngàn Euro nữa để phục vụ cho mình cô đấy. Cô đỗ xe thật kinh khủng. Các học viên khác, chả ai đến mức phải dùng cái này đâu. Nhưng nên nhớ đừng lạm dụng nó, không được chỉ nhìn vào camera mà không quan sát bên ngoài”.
Sau vụ đổi xe của thầy thì đến lượt mình phải... đi đẻ. Lịch sinh là cuối tháng 8. Lúc này đã là đầu tháng 8 rồi, nếu đăng ký thi thì không biết có trùng lúc đi viện không nữa. Thầy nói: “Tôi nghĩ tốt nhất cô nên đợi sinh xong rồi tiếp tục. Trong khi thi có phần phanh gấp lúc gặp nguy hiểm, chúng ta phải lái xe tốc độ 40-50km/h và khi tôi hô thì cô phải phanh gấp ngay lập tức. Tôi thấy quá nguy hiểm nếu cô mang bầu to thế này”.
Vậy là mọi thứ lại gác lại chờ đến sau khi sinh, khi cháu bé được hơn một tháng tuổi. Cũng may bé rất ngoan nên tranh thủ lúc bà ngoại còn ở đây giúp mình lại tiếp tục đi học, khi bà ngoại về thì ông bà nội thay nhau trông và giúp đỡ công việc nấu nướng. Như vậy là sau khi nghỉ sinh hai tháng, mình quyết tâm đi học trở lại và đến đầu tháng 12 thì đi thi.
Những bài thực hành bất đắc dĩ
Bài thực hành bất đắc dĩ đầu tiên là khi cả nhà mình cùng lên đường đi du lịch: lái xe từ Đức, qua Pháp, xuống đảo Corsica và đảo Sardegna. Vừa xuất phát được chừng 30 phút, rẽ vào đường cao tốc được năm phút, bỗng nhiên chồng mình hỏi: “Em có nghe thấy tiếng gì là lạ không?”. “Có, gì thế nhỉ? Anh tạt vào lề đường kiểm tra xem”.
Vừa dừng lại bên lề đường, bỗng một tiếng “đoành” vang lên. Xe bị nổ lốp, vành bẹp dí. Thật phúc đức bảy đời là sao mình vừa dừng lại thì nó nổ chứ thử tưởng tượng đang lao như tên trên đường cao tốc thế thì chết là cái chắc rồi. Mình đã đành, còn hai cháu bé (một đứa trong bụng) nữa chứ.
Chồng có vẻ bối rối ra mặt: “Trời đất ơi. Suýt thì chết toi cả nhà rồi. Chúng ta phải làm gì bây giờ?”.
“Anh lấy biển báo tai nạn ra, đặt cách xe 100m. Cứ làm đi, rồi quay lại chúng ta sẽ gọi cứu hộ”. Chồng cứ răm rắp làm theo. Nhưng đặt cái tam giác báo tai nạn chỉ cách khoảng 50m thôi, chắc vì chàng lười đi xa. Mình la ầm lên: “100m cơ mà. Nghĩa là khoảng cách của hai cái cột trắng đen ở lề đường ấy, mỗi cột tương đương 50m mà”.
“À, nàng mới học lý thuyết có khác nên tinh vi gớm”.
Một lúc sau, xe cứu hộ tới. Trong khi bố mẹ ruột gan rối bời, con gái reo lên: “Chú cứu hộ ơi, nhà cháu ở đây... A, chúng mình được đi xe tải to thế, thích thế”.
Lại phải học ở con gái thêm một điểm luôn nhìn mọi thứ lạc quan hơn. Thấy chồng buồn bã, mình an ủi: “Chúng ta thật may mắn đấy chứ. Anh thử nghĩ xem, nếu chúng ta không dừng lại lúc đó, chắc chắn chúng ta đã không còn ở đây giờ này rồi.
Nếu chúng ta không gặp tai nạn ở đây mà ở Pháp hay Ý, chúng ta cũng sẽ gặp nhiều rắc rối hơn, ít nhất là vấn đề ngôn ngữ, và thậm chí phải trả nhiều tiền hơn là thay hai cái lốp mất 400 Euro ở đây”.
“Nhưng kỳ nghỉ của chúng ta mới vừa bắt đầu mà”.
“Thì nó cũng đâu đã kết thúc. Anh nhìn xem con gái mình vui thế nào vì được đi xe cứu hộ. Mà có khi cả đời mình cũng chỉ có cái kinh nghiệm này một lần thôi. Hy vọng thế, phải không?”.
Vụ tai nạn và chiếc xe bị lật nhào ở Burgschwalbach.
Ảnh trên báo“Rhein Lahn Zeitung”
Bài thực hành bất đắc dĩ thứ hai là khi mình mang thai được hơn tám tháng. Một hôm bố chồng chở mình đến bác sĩ vì chồng còn bận đi làm. Hai bố con vừa ra khỏi nhà được một phút, đến một ngã ba ngay gần nhà, xe nhà mình đang chạy ở đường ưu tiên thì bỗng nhiên một xe khác (nhẽ ra phải nhường đường) lao thẳng từ trên đồi xuống.
Bố chồng mình chỉ kịp hô lên một tiếng: “Ối, cái gì thế này?” và tạt luôn về phía trái đường để tránh. Trong đầu mình chỉ kịp nghĩ: “Mình sẽ chết và để lại mọi thứ phía sau như thế này sao?”. Chiếc “xe điên” kia vẫn điên cuồng lao xuống, bay qua trước xe nhà mình và lao xuống suối (thấp hơn lề đường gần 3m).
Mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến mình không tin những gì đang diễn ra trước mắt. Giống như trong phim vậy. Ranh giới sự sống và cái chết chỉ trong một tích tắc. Bố chồng chắc cũng bị sốc. Ông ngồi yên lặng sau vô lăng chừng một phút cho đến khi tiếng của người dân ý ới đằng sau.
Ông hỏi: “Con có sao không? Em bé thế nào?”. “Con không sao bố ạ. May mà bố phản ứng nhanh chứ không chắc chúng ta chết rồi”. Rồi cả hai cùng lao ra khỏi xe để xem anh chàng kia có sao không. Chiếc xe kia bị lộn ngược. Bố chồng cùng một vài người dân chạy xuống dốc để xem tình hình thế nào.
Mình đứng trên bờ cao, nhưng cách chỗ chiếc xe bị nạn kia chỉ chừng vài mét. Đầu óc mình điên đảo nhớ lại những bài tập đã học trong khóa cứu thương. Câu hỏi đầu tiên: “Này, anh có nghe tôi nói gì không? Anh có ổn không?”. Tiếng anh kia: “Cái xe lật nhào thế này. Cô trông tôi giống ổn lắm hả?”.
Hừm. Tại tôi được học là phải hỏi như thế xem anh ta... có còn sống không? có bị thương không? có còn nói được không đấy chứ.
“Anh có bị thương không?”.
“Có lẽ tôi bị gãy tay. Đau lắm”.
“Anh cứ bình tĩnh chờ một lát nhé. Mọi người đang chạy xuống chỗ anh để xem có giúp gì được không. Còn tôi sẽ gọi cứu hộ, cứu thương ngay bây giờ đây”.
Ôi, nhiệm vụ tiếp theo là phải gọi 112, trong đó phải có các nội dung: ai đang gọi? việc gì đã xảy ra? ở đâu? thương vong thế nào? cần hỗ trợ gì?...
Lúc này đầu óc mình cứ bấn loạn, ngổn ngang, câu chữ trong đầu chạy đâu sạch. May quá, có một anh trong làng làm trong đội cứu hỏa tình nguyện cũng đang tới trợ giúp, mình dí ngay điện thoại cho anh ta gọi. Anh ấy nói rất rành rọt, ngắn ngọn và chuyên nghiệp: “Tôi là..., gọi điện tại ngã ba giao giữa hai đường Bahnhof Strasse và Sonnenberg Strasse ở Burgschwalbach.
Ở đây vừa xảy ra một tai nạn, một ô tô lật nhào xuống dốc. Người lái vẫn còn sống, có thể bị thương, vẫn nói được. Tôi muốn gọi cứu thương, cứu hộ và cảnh sát. Tôi sẵn sàng trả lời các câu hỏi có liên quan”.
Công nhận là các kỹ năng xử lý tình huống của mình còn quá kém. Người Đức họ được học và tập luyện các kỹ năng này rất bài bản. Mang tiếng mình cũng học một khóa cứu thương rồi mà chữ thầy giả thầy hết cả.
Mình và bố chồng sau đó phải viết tường trình cho cảnh sát bang vì là những nhân chứng trực tiếp của vụ tai nạn.
Cuối cùng, anh chàng lái xe kia vẫn còn sống, chỉ bị gãy tay và phải vào viện. Nhưng điều đáng nói là vợ anh ta sau khi nghe tin đã bị đột quỵ và qua đời một tuần sau đó. Cho dù đó không phải là lỗi của mình, nhưng ít nhiều mình cũng có chút dính dáng, lại là người cùng làng với nhau.
Ngày trọng đại
Trước khi thi tâm lý của mình không được ổn định. Những ngày cuối cùng mình lái quá tệ. Thầy chỉ biết ôm đầu: “Ôi, tôi đến chết với cô quá. Sao cô có thể mắc những lỗi chưa bao giờ mắc phải và trầm trọng đến thế? Cô vẫn muốn thi đấy chứ?”.
“Vâng, dù thế nào tôi cũng muốn thi ạ. Thà kết thúc cơn ác mộng này một cách kinh hoàng còn hơn để cơn ác mộng ấy dai dằng không có hồi kết”.
Hai buổi tập cuối cùng trước khi đi thi, thầy không dám bình luận gì nữa, có lẽ vì sợ mình bị áp lực tâm lý. Thật bất ngờ, thầy luôn nhẹ nhàng: “Tôi biết là cô làm được, làm được rất tốt nữa là khác. Chỉ cần cô thật tập trung hơn thôi”.
Trước khi thi một ngày, thầy nói mình lái xe tới trung tâm điều hành để xem ai là người chấm thi ngày mai. Mình đợi bên ngoài. Sau khoảng vài phút, thầy bước ra với bộ mặt hồ hởi: “Tốt lắm, là một người rất dễ chịu. Ông này làm việc với tôi nhiều năm rồi. Ông ấy không quá khắt khe như nhiều thầy khác đâu.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ông ấy tặng cô cái bằng lái đâu nhé. Ông ấy có bốn đứa con và vì vậy ông ấy muốn về đến nhà an toàn. Cô cũng đừng làm ông ấy ói sau khi chấm thi là được”.
Buổi sáng hôm thi, chồng đưa mình tới địa điểm thi lúc mười giờ sáng. Vài phút sau, thầy giáo cũng tới. Thầy nói mình qua xe thầy luôn để chỉnh vô lăng, chỗ ngồi, gương. Vài phút sau, ông thầy chấm thi xuất hiện. Trước ca của mình, ông ấy cũng chấm thi cho một cô bé ở trường lái khác.
Họ đang thực hiện những bước cuối cùng của buổi thi. Cô bé kia đỗ lùi sau xe mình. Nhìn qua gương, mình thấy gương mặt căng thẳng của cô ấy. Rồi cô ấy ôm mặt khóc. “Chắc là trượt rồi”, ông thầy của mình kể cả. “Cũng phải thôi. Cô ấy đỗ còn tệ hơn cả cô. Đừng nhìn người ta nữa, cô phải cố gắng lên”.
“Chắc con gái thì dễ trượt hơn con trai thầy nhỉ?”.
“Vớ vẩn. Chả phải”.
“Có lẽ tôi không thể đỗ thầy nhỉ?”.
“Đừng bi quan thế. Cô biết không, cái bằng lái chỉ là cái bằng lái, không hơn. Không có nó, cô vẫn sống tốt mà. Mặt khác, chưa kể, ngay sau hai tuần, cô có thể thi lại. Hãy cố gắng hết sức như chúng ta đã làm.
À này, vì chúng tôi biết nhau rất rõ nên có thể sẽ nói chuyện hơi riêng tư một chút trong khi thi. Nếu cô thấy không tập trung được thì cứ nói thẳng với chúng tôi nhé, không sao đâu, chúng tôi hiểu mà”.
Sau khi hoàn tất thủ tục với ca thi trước, thầy chấm thi bước tới tận cửa xe để bắt tay mình. Thầy nở một nụ cười hiền hậu. Trông chả có vẻ một người như thế lại trót đánh trượt cô bé kia. Cũng có thể cô bé ấy mắc lỗi gì trầm trọng lắm.
Sau khi xem các loại giấy tờ, thầy chấm thi nói: “Cô có thể bắt đầu được rồi đấy. Lái thật bình tĩnh nhé. Chúc cô thành công”.
Mình bắt đầu bài thi khá xuôn sẻ. Hai ông thầy cứ ngồi nói chuyện trên trời dưới bể, nào là mẹ ốm, nào là căn hộ phải sửa bla bla... Có lẽ nhờ vậy mà mình cảm thấy không bị áp lực gì ghê gớm. Mọi ngóc ngách ở cái thành phố này mình đã lái qua và những lời mắng mỏ của thầy vẫn còn như in khiến mình không thể mắc lại các lỗi ngớ ngẩn khi tập.
Mặc dù vẫn nói chuyện với nhau nhưng thầy chấm thi vẫn nhẹ nhành ra lệnh: “Rẽ trái... rẽ phải... tới bùng binh rẽ rẽ vào ngã rẽ thứ 3...” và... “Đèn đỏ rồi đấy. Cô phải chú ý hơn nhé, đừng phanh gấp thế”. Các bài tập đỗ xe mình thực hiện tự dưng cứ vèo vèo, lại còn chuẩn xác nữa chứ.
Buổi thi qua đi thật nhanh. Thầy chấm thi nhận xét: “Một lần đèn đỏ cô dừng lại hơi gấp và tí nữa thì đi quá. Đó là lỗi khá trầm trọng. Tôi biết, có thể cô nghĩ đó chỉ là đèn vàng thôi và còn cố đi một chút. Nhưng với tôi, đèn vàng cũng là đèn đỏ. Tuy nhiên, các bài tập khác cô làm rất tốt. Không có lý do gì để tôi đánh trượt cô cả. Xin chúc mừng cô”.
Ôi, tai mình lùng bùng lên, vui sướng quá đi mất. Thật không thể tin nổi. Cơn ác mộng đã đi qua thật rồi, thật rồi!
Tất cả bước ra khỏi xe. Thầy chấm thi bắt tay mình một lần nữa: “Chúc mừng cô. Nhưng cô vẫn cần phải thực hành nhiều vào nhé. Có bằng lái xe mới chỉ là những bước đầu tiên thôi. Nên nhớ, cô cũng có thể mất bằng bất cứ lúc nào nếu lái ẩu”.
“Vâng ạ. Cảm ơn thầy rất nhiều”.
Còn thầy giáo mình mỉm cười, giơ ngón tay cái báo hiệu cho chồng mình đang đợi từ xa rằng mọi thứ đã ổn. Mình lao vào ôm chồng, rồi ôm thầy sung sướng như một đứa trẻ được quà.
Thầy vẫn từ tốn: “Một lần nữa chúc mừng cô. Tôi nói là cô làm được mà. Từ giờ trở đi cô sẽ lái xe mà không có tôi ngồi cạnh lèm bèm nữa nhé. Nhưng đừng quên những gì đã học. Từ giờ cô sẽ không lái xe này nữa, không có camera và các hệ thống trợ giúp nữa đâu, cô phải tự mình làm hết đấy. Anh chịu khó thời gian đầu đi cùng và nhắc nhở cô ấy nữa nhé”.
Từ lúc đi thi về, mình chỉ lăn ra ngủ. Không hiểu sao lại mệt thế. Có lẽ vì sự căng thẳng suốt một năm qua chăng. Từ giờ, mình có thể tự hào nói: “Tôi đã có bằng lái xe. Và là bằng lái xe ở Đức”.
Hoài Vũ, từ Burgshwalbach (CHLB Ðức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét