Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

CHẾT GIẢ - CHẾT THẬT

Ngày Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết CHẾT GIẢ - CHẾT THẬT
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


CHẾT GIẢ - CHẾT THẬT
Đoàn Hữu Hậu: Gã ham môn tập vẽ từ nhỏ, nhưng không theo học một trường lớp chuyên nghiệp nào mà chỉ toàn là học lóm. Nghe ở đâu có người nào biết vẽ là gã tới xem, rồi rút “kinh nghiệm”. Thấy gã có tính ham học, chịu khó, một ông thầy vẽ ở một thị trấn gần đó nhận gã làm đệ tử. Gã vừa học vừa khéo léo ăn cắp nghề của thầy. Sau một thời gian, nhận thấy thầy không còn gì để học, gã xin phép được “tốt nghiệp” ra trường. 
ảnh minh họa
Ngày chia tay, thầy cầm một xấp tranh, vẽ nhiều thể loại đưa cho gã và dặn: “Những tấm tranh nầy thầy vẽ bằng nhiệt huyết, bằng cả một sự nghiệp của một người cầm cọ, giờ tặng lại cho con”.

Nói rồi thầy cầm từng bức chỉ và dặn: “Con nhớ, bức chân dung thiếu nữ này, muốn xem được nó phải đợi lúc mặt trời xuống, con sẽ thấy những mạch máu của cô như đang đập, miệng như mỉm cười, mắt cô như đang nhấp nháy. Bức phong cảnh này, phải đợi đêm xuống, bên ánh đèn dầu, dùng tay quạt nhẹ ngọn đèn, con sẽ thấy rừng cây đang chuyển động. Những bức còn lại thì xem lúc mặt trời thẳng góc mới cảm được nó. Còn những bức tranh theo trường phái trừu tượng nầy, cứ treo lên, người xem cảm sao thì thấy vậy… Ta đã ghi tên “Hà Lung Hướng” ở mỗi bức, nay tặng con làm kỷ niệm.

Ôm xấp tranh thầy tặng, gã về nhà vẽ ngay một bảng hiệu đề mấy chữ to tướng treo trước cửa nhà: “Họa sĩ HÀ LUNG HƯỚNG, chuyên vẽ ảnh nghệ thuật, chân dung, phong cảnh”.

Sự việc đến tai thầy, song ông không phản ứng gì mà lại nghĩ thầm, nhà mình ba đời làm nghề vẽ có treo bảng hiệu gì đâu, cũng sống được. Cái tên, suy cho cùng, chỉ là cách gọi để phân biệt sự vật, hiện tượng mà thôi. Có lẽ vì ái mộ mình, mà nó lấy tên làm hiệu, thôi thì mặc kệ nó.

****
Gã quyết định cưới cô gái ấy làm vợ. Đó là một cô gái quê, có thời đã lên Sài Gòn, nghe đâu là bán cà phê gì đó. Sau khi mẹ mất, cô về chịu tang, gặp lúc cha đang đau yếu, phải ở nhà chăm sóc cha. Cô đồng ý lấy gã với điều kiện sính lễ là 10 cây vàng, làm lại nhà và chữa bệnh cho cha. Gã phải bán 5 công đất để thực hiện giao ước. Cha mẹ gã vì thương thằng con trai út, bấm bụng bán miếng đất cuối cùng rồi chuyển về sống với đứa con gái thứ hai dưới quê.

Bức tranh “Thiếu nữ” được một đại gia mua với giá đắt, rồi bán qua tay nhiều đại gia khác. Bức tranh ấy đã làm chấn động giới nghệ thuật tạo hình, tạo ra một “hiện tượng chân dung” qua nét bút vang dội một thời. Có người còn nói bức chân dung thiếu nữ của Hà Lung Hướng đẹp, sống động hơn bức tranh nàng LiSa ở phương Tây của thế kỷ thứ 17… Từ đó người ta biết đến gã dưới cái tên Hà Lung Hướng – họa sĩ tài hoa. Được nước, gã miệt mài sáng tác, với đầy đủ các loại hình chân dung, phong cảnh, trừu tượng… Nhưng sau đó… bán chẳng ai mua. Thời buổi máy móc hiện đại, hình làm bằng máy rõ nét, chính xác, đẹp, rẻ tiền hơn. Mấy bức tranh thầy tặng thì gã đã bán hết, để chi tiêu vào cuộc sống.

Không thể sống nổi ở thị trấn đắt đỏ mà làm không ra tiền, gã quyết định bán nhà, về quê mua miếng đất làm nhà, vẽ tranh thôn quê chủ yếu cho đỡ buồn. Lúc này gã đã 46 tuổi.

Một buổi sáng, mở tờ báo ra đọc, gã vô cùng sửng sốt khi thấy ở trang ba có dòng tít:

“Một tổn thất lớn đối với nền nghệ thuật Việt Nam – Họa sĩ tài hoa Hà Lung Hướng đã từ trần”.

Bên dười là mẩu tin nhỏ:

“ Tà Lơn đêm 24 tháng 12, sau một cơn đau ngắn, mặc dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng vì tuổi già sức yếu, cách đây 2 hôm, hoạ sĩ Hà Lung Hướng đã từ trần. Thể theo ý muốn của người quá cố, bản cáo phó nầy được đăng sau khi đã tiến hành lễ mai táng”. Tiếp theo cột kế bên là một bài tưởng niệm dài gần nửa trang báo với những lời lẽ tán dương khen thưởng… Phía trên có đăng cả một bức ảnh chụp họa sĩ cách nay 20 năm.Người viết là nhà phê bình khá nổi tiếng về nghệ thuật hội họa Việt Nam.

Đọc bài báo, gã lặng người đi. Sau một lúc hồi tưởng về người thầy đã quá cố, gã vội vàng ra thành phố và đến ngay tòa báo. Ông chủ bút nồng nhiệt đón tiếp:

- Ồ, mời ông ngồi. Ấy đừng, mời ông ngồi sang đây. Xin mời ông hút thuốc… gạt tàn đây… Nào bây giờ ông cho tôi biết lý do gì mà tôi lại hân hạnh được đón tiếp ông như vậy không?

Ông ta vờ vịt hay là thật sự không biết gì về cái chuyện đăng báo kia. Gã lẩm bẩm và cảm thấy nghi ngại.

- … Tờ báo… báo hôm nay… ở trang ba… có đăng tin là tôi đã chết…

- Đăng tin ông chết à?! – Ông chủ bút cầm lấy một tờ báo để sẵn trên bàn, giở ra đọc. Ông ta có vẻ lúng túng giây lát, chỉ giây lát thôi, rồi bình tĩnh một cách tài tình.

- À! Vâng! Có chuyện không ổn ở đây, phải không ạ? Một sự nhầm lẫn kỳ lạ.
Ông ta làm ra vẻ như một người cha đang mắng con mình trước một người qua đường bị trêu ghẹo.

Gã “Hà Lung Hướng” nóng tiết lên.

- Nhầm lẫn cái gì?! Gã gầm lên – Ông giết tôi rồi đấy!

- Vâng, vâng! - ông chủ bút bình tĩnh nói: Có lẽ bài báo vượt quá dự định ban đầu… Nhưng mặt khác, tôi hy vọng là ông đánh giá đúng lòng tôn kính của bản báo đối với tác phẩm của ông chứ!…

- Tôn kính cái gì! Ông hại tôi thì có!

- Vâng phải công nhận là có mấy điểm không chính xác…

- Tôi còn sống mà ông bảo tôi đã chết… Thế mà ông gọi đó là mấy điểm không chính xác à? Ông làm tôi phát điên lên! Ông phải đính chính ngay. Và tôi có quyền yêu cầu ông bồi thường thiệt hại.

- Thiệt hại à! Nhưng ông bạn thân mến của tôi ơi. Ông ta chuyển xưng hô từ “ông” sang “ông bạn” . Ông bạn không thấy là ông bạn đã gặp một điều cực kỳ may mắn à? Nếu là người khác người ta đã nhảy cẫng lên vì vui sướng rồi.

- May mắn cái gì?!

- Là vì sau khi một nghệ sĩ nào đó qua đời thì tác phẩm của ông ta lập tức được tăng giá lên ngay. Thật vô tình, vâng ,thật vô tình mà chúng tôi đã tạo cho ông một dịp may mắn hiếm có.

- Thế tôi… Tôi phải giả chết thật à?! Tôi phải biến đi à?!

- Tất nhiên, nếu ông muốn lợi dụng dịp may có một không hai nầy… Đây, ông thử nghĩ xem, người ta sẽ tổ chức một cuộc trưng bày tranh của ông sau khi chết… Chính chúng tôi cũng sẽ cố gắng quảng cáo cho ông… Điều này sẽ đem lại cho ông hàng trăm triệu đồng, ông ạ, và không phải chỉ có thế thôi đâu.

- Thế còn tôi? Tôi sẽ không được lộ mặt ra nữa à?

- Yên xem nào. À ông có cậu em trai nào không?

- Không! Nhưng để làm gì?

- Tốt lắm! Vậy thì ông nên giả làm em trai mình. Tôi đề nghị, ông nên để râu, nhổ cây răng cửa. Mọi việc sẽ đâu vào đấy cả… Ông phải nghe tôi. Tốt hơn hết là cứ để cho mọi việc muốn ra sao thì ra… Sau nầy ông sẽ hiểu… Còn nếu ông muốn đính chính lại cái tin nầy thì … Thực tình tôi cũng không biết sau nầy ai sẽ có lợi… Xin lỗi ông nhé, nhưng tôi xin nói thật là đính chính cũng vô ích, người ta không ưa những người sống lại đâu… Ngay trong giới nghệ thuật cũng vậy, ông biết đấy, người ta đã tốn bao nhiêu là hương nến, giấy mực cho ông rồi, mà bây giờ ông sống lại thì chỉ tổ làm cho mọi người khó chịu mà thôi.

Gã “Hà Lung Hướng” không thể nói là không đồng ý. Sau khi bàn bạc với vợ, gã về quê giam mình trong buồng kín để cho râu mọc dài, cắn gạch tàu cho gãy cây răng cửa. Còn vợ gã thì ôm mớ tranh, trở về thị trấn với bộ mặt u sầu ũ rũ. Bạn bè hay tin lần lượt đến chia buồn trong đó đặc biệt có Hoàng Nhân, cũng là họa sĩ và trước đây là cái bóng của “Hà Lung Hướng”. Sau đó nhiều người đến mua tranh. Những bức tranh cũ nát chất đống bụi bám đầy của ngày nào, giờ được họ tranh nhau mua. Có bức tranh trước đây khó bán được trăm ngàn, bây giờ bán tới mấy triệu… Vậy mà họ tranh nhau mua, thế mới lạ chứ. Thậm chí có bức mối mọt ăn gãy khung, nước sơn biến màu, giấy vàng úa, cũng bán được giá cao.

Trong khi đó tại một nơi kín đáo, “Hà Lung Hướng” tiếp tục vẽ hết bức tranh này sang bức tranh khác và dĩ nhiên là gã khôn ngoan đề lùi ngày tháng lại.

Sau mấy tháng cấm cố vẽ tranh trong cảnh tù túng, một đêm trăng sáng gã lò mò ra ngoài. Thôn quê vào đêm trăng thanh, gió mát làm gã thấy khoan khoái, thả bước ngắm cảnh dạo chơi. Sau một hồi lần theo bờ sông mà không định về đâu gã bỗng giật mình, khi thấy trước mặt là hàng loạt những mộ đá xây nằm song song. Thì ra gã đã tới nghĩa địa. Gã đứng lặng hồi lâu nhìn những cái mộ rồi đăm chiêu, ngẩm nghĩ, mình chết rồi, nhưng mộ ở đâu? Gã quay nhanh về nhà, vào buồng rồi điện thoại bàn với vợ: “Ngày mai bà kiếm cách kêu thợ hồ xây cho tôi cái mộ đá ở nghĩa địa đằng kia, trong ruột thì để rỗng, phía trước bia cũng khắc họ tên, ngày tháng từ trần,.. giống như mấy cái mộ khác. Phía sau có cái nắp đậy” . 

- “Chi vậy cho tốn tiền?”

Chị vợ ngạc nhiên hỏi giật giọng.

- Tốn bao nhiêu mà sợ. Vậy chớ chết mà không có mộ, người ta hỏi bất tử thì nói sao! Vả lại xây để rỗng bên trong, sau này chết thật thì đem xác tôi đút vào đậy nắp phía sau lại thì xong… đàng nào cũng …

- Ừ, ừ ông nói tôi mới nhớ ra!

Chị hài lòng và mấy hôm sau cái mộ đã được xây như đã định .

Thế rồi em trai “Hà Lung Hướng” bắt đầu xuất hiện. Tự giới thiệu mình là em trai của nhà họa sĩ quá cố, vừa ở Sài Gòn về, gã đeo kính, cố pha giọng của người đi làm ăn xa lâu ngày. Tuy vậy thiên hạ vẫn bảo rằng gã em giống anh trai như hai giọt nước.

Việc đầu tiên, gã cùng với “chị dâu” đến nghĩa địa xem cái mộ xây cho “anh” mình như thế nào. Đến nơi gõ vào mộ nghe tiếng toong toong, gã gật đầu hài lòng. Đến phía sau mộ, gã kín đáo cầm nắp đậy lắc lư vài cái, rồi đẩy sang một bên, nhìn vào đúng là mộ rỗng, cúi đầu chui thử vào, một hồi chui trở ra, rồi lại gật đầu.

Hoàng Nhân càng tới lui nhiều chừng nào, vợ gã càng như xuân trở lại chừng ấy. Bộ đồ tang của chị cũng biến đổi dần. Từ một bộ đồ tang may đơn sơ tạm thời, đến nay, có nhiều bộ đồ tang kiểu cách. Có lần gã chứng kiến cảnh Hoàng Nhân tỏ thái độ ân cần, lả lơi với vợ mình, nhưng không dám tỏ thái độ gì, vì là phận “em chồng”. Một lần gã tức mình nói với vợ chưa hết câu, thì chị ta gạt ngang:

- Anh đừng có nghĩ vớ vẩn! Hoàng Nhân là người bạn duy nhất của anh thực lòng thương tiếc anh. Anh ấy đã làm hết sức mình để làm dịu đi nỗi cô đơn của em, thế mà anh lại nghi ngờ anh ấy. Anh không biết xấu hổ à?...

Gã im lặng, tỏ vẻ nghĩ ngợi.

Trong lúc đó ở thành phố, người ta tổ chức một cuộc triển lãm tranh của Hà Lung Hướng, và đã thành công lớn. Trừ đi các khoản chi phí, cuộc triển lãm thu được hơn cả trăm triệu đồng. Có điều ông họa sĩ tài danh nầy không thấy hình dáng bất kỳ một đồng bạc nào. Vì lúc vợ gã bán tranh, là lúc gã đang “chết ”. Còn số tiền triển lãm tranh thì người ta gửi lại cho vợ của họa sĩ quá cố, chứ không ai lại đưa cho ông “em trai”.

Sau lần đó, người ta nhanh chóng quên đi họa sĩ tài danh Hà Lung Hướng. Trên báo chí cũng không còn nhắc tới tên ông nữa, dần dà người ta quên bẵng ông đi. “Hà Lung Hướng” ngạc nhiên và đau đớn nhận thấy rằng, thiếu Hà Lung Hướng, thế giới này không hề suy chuyển,mặt trời vẫn mọc đàng đông và lặn ở đàng tây như ngày nào, thiên hạ vẫn ăn uống, cười nói bình thường. “Hà Lung Hướng” buồn bã lặng lẽ bỏ đi, với ý định sẽ đi đến cuối đất cùng trời để xem thế thái nhân tình như thế nào.

Sau bao ngày lang thang vất vả, gã lại mò về nhà. Con chó nghe hơi gã cũng không buồn vẫy đuôi. Gã rón rén nhìn vào khe hở cửa sổ phòng ngủ của vợ, nghe bên trong vọng ra những tiếng nói thì thầm…

Gã quay ra, nhẹ nhàng bước ra khỏi cổng và lủi thủi đi. Về nghĩa địa, tìm đến mộ của mình thì trời bắt đầu mưa lâm râm. Gã vội kéo nắp mộ sang một bên, chui vào rồi dùng hết sức lực kéo nắp mộ đậy kín lại.

Nghĩa địa màn đêm dày đặc bao trùm, vắng vẻ đến lạnh người, đâu đây vang kên những tiếng côn trùng rả rích.

© Đoàn Hữu Hậu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét