Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Tết dồi! Tả lồ lên coi chơi!

Ngày Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Tết dồi! Tả lồ lên coi chơi!
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Tết dồi! Tả lồ lên coi chơi!
Kiệt Tấn - Cắc tùng xèng! Tùng xèng! Tùng tùng xèng!… Đứa nhỏ xuống tấn, mình cởi trần, bận quần dài đen, bước chân mặt tới trước, đưa hài đá gió một cái…tùng xèng! Tùng tùng xèng!... hất mặt lên hít mạnh, tóc bánh bèo phất phới... tùng xèng!… xoay người cái rụp ra phía sau, dựng bàn tay mặt xuất chưởng chớp nhoáng… tùng tùng xèng… rút tay lại, chập vào nấm tay trái trước ngực, cúi đầu chào đám người đứng coi sơn đông mãi võ vây tròn xung quanh…tùng tùng xèng! Lắc cắc lắc cắc tùng tùng xèng…ông nội nó, râu bạc dài tới ngực, đánh trống loạn xạ thúc dục tới, miệng la lớn:
“Hà! Cái lầy Tết dồi! Tả lồ lên coi choi há!” Cắc tùng xèng! Tùng xèng! Tùng tùng xèng!.. Tôi vỗ tay hùa theo với khán giả, trong bụng phục lắm thằng nhỏ múa võ, đâu độ tám chín tuổi, trạc tuổi tôi.
Chợ Tết Bạc Liêu, pháo nổ đì đẹt, ai nấy hỉ hả-dù giặc giả vẫn còn lẩn quất đâu đó, tôi vừa chạy tản cư mới hồi cư trở về thành độ hơn năm nay. Trong giây phút nầy tôi quên hết súng đạn, quên hết ruồng bố, chỉ thấy cái Tết trước mặt. Và chỉ mơ ước có mỗi một điều: một ngày nào đó tôi sẽ múa võ trước mặt bà con, cho mọi người lé con mắt hết. Hơn vậy nữa, tôi sẽ lên sân khấu, thượng đài, đấm đá vù vù, bà con cô bác xa gần chỉ còn có nước sắp hàng chờ tôi dưới khán đài để… xin chữ ký. Tui nói thiệt mà. Để rồi mấy người coi!

Quả nhiên, sau khi lên tới trung học trường Cao tiểu Vĩnh Long, tôi được mời lên sân khấu. Sân khấu thứ thiệt chớ không phải thứ sân khấu giữa chợ đời. Không phải để múa võ mà để đóng kịch (!…..vặc!). Bãi trường, Tư Hón, ông bầu của trường, mời tôi đóng một vai trong tuồng diễn lại trận đói năm Ất Dậu ngoài Bắc. Không vai chính, không vai phụ, mà là vai một trong những người chết đói(!) Không cần học bài bản, chỉ có rên thôi, khỏi phải nói năng gì cả. Ông bầu viện lý do: “Mầy đã ốm nhách sẵn rồi, tao chỉ cần quẹt thêm mấy đường lọ nghẹ ở ba sườn nữa là giống y chang. Dễ ợt” Ông nầy nói ngon nhỉ? Dễ cho Ông mà khó cho tôi lắm thay! Một mầm non văn nghệ chưa lên mà đã xuống. Tôi từ chối là cái chắc. Từ chức liền tại chỗ chớ không cần đệ đơn đệ điếc gì ráo. Ai mà đẩy ta ra sân khấu ắt là phải bước qua xác chết của ta! Âu cũng xong rồi một kiếp cầm ca. Khỏi cần phải chờ sân khấu về khuya hay chờ bị xỉ vả là “xướng ca vô loại”

Rồi thời gian qua, thời gian qua. Qua mau, qua mau……..Mang theo giấc mộng thơ ấu ban đầu..( và cơn đau tình ái, Bài không tên năm bờ Oan!)

Hết tản cư tới giặc giả. Hết cơn bỉ cực tới hồi chết cha. Ròng rã 30 năm dài. Dài ngoằn. Mút mùa lệ thủy. Tàn canh gió lạnh…..Cho tới lúc Miền Nam sập tiệm năm 75. Bèn làm người di tản buồn. Rồi kẻ lưu vong khóc thét. Thét rồi cũng quen. Đi cày kiếm ăn. Đoạn thất nghiệp, ngất ngư. Vừa tỉnh tỉnh lại đi cày nữa. Metro, dedo. Ở bên Tây thì vậy, bên Úc cũng rứa, bên Mỹ cũng xêm xêm-còn có phần “lao động vinh quang” là đằng khác, một người hai ba jobs, lấy đó làm mục đích ở đời. Tiếp tục “ăn ngủ đ. ỉa” đều đều dưới gầm trời xứ người, không thể nào khác hơn được, cho dù vui cho dù buồn, cho dù buồn cho dù vui, bắt phơi trần phải phơi trần, cho mai dô mới được phần mai-dô. Rồi sắm xe, rồi mua nhà, rồi gởi tiền nhà băng lấy lời ( sống trong chế độ tư bản thối nát mà lị), rồi dư tiền chút đỉnh. Tính tới tính lui, tính xuôi tính ngược, ngày không nhắm mắt, đêm trằn trọc suy tư (hay tư duy khỉ mốc gì đó). Bèn lấy một quyết định sáng trong đêm tối thui, trước khi hành động mù quáng: làm một chuyến về thăm quê hương yêu dấu, dịp Tết, với vợ nhà, người em gái hậu phương bé bỏng ( mà nặng ký)

Anh đưa em vô chùa, chùa hôm nay có chuối. Anh đưa em lên rừng, rừng có khỉ có nai..cốc cốc cốc, xèng xèng xèng..Rằng hay thì thiệt là hay, nghe xong ngậm đắng nuốt cay thấy bà! Lên máy bay không động cơ, không cánh quạt, không chong chóng, không người lái, ào ào đổ lộc rung cây trực chỉ quê hương ta đời đời tắm biển Thái Bình (mà giặc giả không dứt), hình cong chữ ếch, kéo dài xa tít tận chân trời, ngát hương nước mắm từ Ải Nam Quan cho tới Mũi Cà Mau, dân tộc ta có bốn ngàn năm văn hiến, đã từng..đã từng…..và đã từng…..

2002..Tháng giêng tây, hạ cánh đáp xuống an toàn phi trường Tân Xơn Nhất. Thủ tục, thủ tục và thủ tục. Đổ mồ hôi hột. “Bà con chi chút ít cho đàn em bồi zưởng”. Hả? Bồi gì.. bồi zưởng..bồi zưởng hả..bồi zưởng là cái khỉ mốc gì?. Bà con thứ thiệt từ tỉnh bao xe có gắn máy lạnh lên chờ đón tận phi trường, réo gọi ơi ới “chú Sáu! Chú Sáu!..Thím Sáu! Thím Sáu!..” Nước mắt quẹt ngang chùi trên ngực áo. Buông hết hành lý ôm nhau cứng ngắt, đấm lưng nhau thùm thụp. Thím Sáu bủn rủn. Chú Sáu nó vốn người hiên ngang, vai hai tất rộng thân vài thước cao mà tim cũng vụt nhảy cỡn lên đập ình ịch loạn xạ. Hỏi han không kịp trả lời, trả lời không kịp hỏi han. Chèn ơi! Gần ba chục năm rồi bỏ xứ ra đi chớ ít ỏi gì!

Sau khi thăm viếng mộ phần ba má mình ở Thủ Đức và mộ phần phụ mẫu người em gái hậu phương ở Vĩnh Long, tôi dìu nàng dưới mưa lên Sài Gòn để vạch kế hoạch đi thăm viếng cái xứ Bắc Kỳ ngoài í, thăm cái Hà nội ba sáu phố phường của Nguyễn Bính-sư phụ tôi-, đi nhặt lá bàng Thạch Lam khi giời trở rét, thăm cái o chuột lúc nhút của Tô Hoài, thăm Vịnh Hạ Long kỳ quan thế giới, thăm Hồ Gươm lịch sử, biết chừng đâu vớt được thanh kiếm quý đem về dựng lại sơn hà, thăm..thăm..Thiếu gì chỗ tôi muốn tới thăm cho biết quê hương của người con gái Bắc Kỳ nho nhỏ, thăm “quê hương em cái mùng mà kêu cái màng, quê hương em cái kèn mà kêu cái còi”.

Quê hương người em gái Hà Lội (có cá zốn nồi). Thăm gấp gấp đi kẻo muộn. Vì biết đâu một ngày đẹp trời nào đó ở Paris, đùng một cái tôi ợ một hơi dài “ta kiếu gia chủ ta thăng”. Hoặc trong cái thời buổi nhiễu nhương khủng bồ rần rật nầy, biết đâu chừng mai mốt em tôi về xứ Bắc, cách bao đồi núi cách bao sông. Tôi nằm mộng thấy em cười khóc, lo ngại đời hoa bạc má hồng.. sẽ lại cách trở nhau bởi một dòng sông không có chuyến đò vĩ tuyến.

Tôi và nàng đáp xuống phi trường Hà Nội một buổi sáng muộn, nắng sáng sủa, trời gây gây lạnh. Ra đón tôi là cậu hướng dẫn tên Tùng, khoảng 25 tuổi, người gầy gầy, có hàm răng mái hiên đặc sản xứ Bắc. Chúng tôi ra xe du lịch bốn chỗ ngồi, cậu lái xe tên Dũng (Dũng của Đoạn Tuyệt?). Trên đường về khách sạn gần Nhà Hát Lớn, xe chạy xuyên qua ngoại ô Hà nội, qua Ô Cầu Giấy, qua phố qua phường san sát ( không thấy mưa sa trên màu cờ đỏ), qua những ổ chuột lụp xụp, qua khách sạn năm sao Deawoo, nơi Clinton, tổng thống nước Đại Mỹ có lần trú ngụ để tham quan cái xứ đã từng “chống Mỹ cứu nước” (khách sạn bây giờ ế nhệ, khách xịn kiếm đỏ con mắt không ra), qua những bảng quảng cáo to tướng sặc sỡ: Hyundai, Singapour Airlines, Fujifilm, Canon, Nike v..v..và Coca Cola (là cái cẳng) Hết rồi chuyện uống nước dừa như nước mắt quê hương, hết rồi cái không khí hiu hiu Hà Nội Tự Lực Văn Đoàn, cái hào sản Nguyễn Tuân, cái quyến luyến Mai Thảo, cái “bước đi nhưng chưa nỡ rời” Vũ Thành, khi gió heo may rượi buồn len mình vào cố đô một mùa thu 54. Hà Nội bây giờ xe cộ vụt vã, người đi tất tả, chiều về mệt lã.

Nghỉ mệt. Ăn trưa. Chúng tôi, hai mái đầu xanh nơi đất lạ không đói gì cho lắm mà món ăn dọn lên dài dài, ăn mệt nghỉ, lắc lư con tàu đi. Xong lên phòng phè cánh chợp mắt một chập.

Xế trưa Dũng đánh long xa đến đón Lan và Điệp, không phải để đi tu mà là đi thăm Hồ Gươm. Chụp hình lắc rắc. Tùng tung giọng rặc Hà Nội cà pháo ra giải thích với cô chú. Tôi nghe qua loa, không chú tâm lắm, bận ngắm cảnh. Tháp rùa nho nhỏ, mờ mờ, xa xa giữa ánh bạc sóng gợn lăn tăn. Chợt nhớ Vũ Khắc Khoan, Thần Tháp Rùa, giờ đã vùi thân nơi xứ Cờ Hoa dưới rừng anh đào. Cũng như Nghiêm Xuân Hồng, cũng như Mai Thảo, cũng như Ngọc Dũng. Giờ đây, Rùa Thiêng cũng đã bỏ Hồ Gươm mà sang ngang biệt tích. Nghìn năm kim cũ soi kim cỗ, cảnh đấy Rùa đâu thấy phát rầu!

Tôi thăm miếu gì không biết, người ta vào ra khấn vái nườm nượp, tiền bản xứ giắt đầy tay đầy chân đầy ngực Thần Miếu, khói nhan mịt mù, thở không ra hơi mắt cay xè tóe khói. Tới một nơi khác, Tùng dừng lại chỉ tay dẫn giảng: “ Đây là Cầu Thê Húc”. Tôi giựt mình chới với. Khi đọc tiểu thuyết Tự Lực, tôi những tưởng Thê Húc là một cây cầu lớn lắm, ít ra cũng phải lớn hơn cầu Cái Cá hay Cầu Lộ ở Vĩnh Long..nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ! Giờ đây giáp mặt, trước mặt tôi là một nhịp cầu gỗ sơn đỏ nho nhỏ xinh xinh, giống như loại cầu đỏ bắt qua ao bông súng trong khu vườn Nhựt Bổn, hoặc cây cầu gỗ đỏ trong vườn Bách Thảo Bờ Rô ở Xè Gòn, nơi đã có lần tôi dắt người yêu học trò ra đứng trên cầu rũ tóc mưa sa nhoẻn miệng cười duyên chụp hình. Sóng xao chạnh nhớ yêu đầu, tóc xưa giờ đã qua cầu gió bay..

Tôi đưa tay chỉ, hỏi Tùng: “Thế đây là cầu Thê Húc ấy à? Có phải cây cầu anh chàng đi bia ôm về khuya bị hiền thê húc té xuống Hồ Gươm phải không? Tùng nhoẻn miệng cười mái hiên tủm tỉm: “ Dạ thưa chú, cái đó cháu không biết” Long xa tiếp tục lăn bánh gập ghềnh tới thăm Văn Miếu. Tùng giải thích ngày xưa đức vua và quan ngự sử hay bất cứ tai to mặt lớn nào tới đây cũng phải xuống ngựa cuốc bộ vào Văn Miếu. Tôi bình phẩm: “ Ngày xưa quan ngự sử chỉ tuột xuống con ngựa quèn chỉ có một bu-gi và một mã lực. Ngày nay chú cháu mình xuống long xa Toyota sáu bu-gi, mười hai mã lực để vào thăm Văn Miếu, ắt phải long trọng hơn chứ !” 

Lại nụ cười mái hiên lém lỉnh: “Dạ, Dạ”. Hết thăm bên trong Văn Miếu đến viếng bên ngoài. Những rùa là rùa. Rùa đá, trên lưng mang bia đá, bảng hổ đề danh những vị đỗ thủ khoa hay trạng nguyên. Rùa, con thì cất đầu cao, con thì quẹo đầu ngang, con thì gục đầu (nhớ nắng) bởi lẽ ngóc hoài tháng lụn năm chầy cũng mỏi. Tôi dò đọc chữ nho chữ nôm trên bia đá, thấy tên Mạc Đinh Chi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du... Không thấy tên Tú Xương và tên tôi. Chép miệng ngậm ngùi. buồn năm phút. Tích nhân cỡi rùa vàng biệt xứ, Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, Còn lại nơi đây mấy trự rùa! Lại vạch da cây vịnh bốn câu ba vần cho phải phép. Sực gẫm ra không khỏi lấy làm lạ: Lịch sử con Rồng cháu Tiên ta quanh đi quẩn lại cứ dính liền với giống rùa. Thành Cổ Loa có rùa thần, hồ Hoàn Kiếm có rùa thiêng, đền Văn Miếu có rùa đá, ao Duy Tân Xè Gòn có rùa đồng- đó là chưa kể quán nhậu Quê Hương đường Cao Thắng có rùa bảy món. Một rùa một tiến biết là có nên? “Quyết tiến! Ta vốn dân cỡi rùa!”

Tiếp tục cuộc du ngoạn. Long xa vượt qua một cây cầu bê tông khá dài. Sực nhớ tôi hỏi Tùng sông Hồng nơi nào mà chú chưa thấy? Tùng chỉ tay xuống bên dưới: “ Đó, sông Hồng đó chú !” Nhoài mình ngó xuống thấy hai bờ đất bùn, ở giữa chảy uể oải một lạch nước cạn. Nghĩ bụng điệu nầy nếu phải chờ nước lớn mới được nghe Tiếng còi tàu trên sông Hồng của Mai Thảo thì chắc là hãy.. còn khuya lắm lắm. Tới chừng đó không chừng ghe của Út Trà Ôn đã theo sông Phụng Hiệp chảy ra Ngã Bảy, mang theo mối Tình anh bán chiếu u hoài không thua khối tình Trương Chi một chút nào cả. Nghĩ cho cùng, trai Bắc gái Nam, trai Nam gái Bắc, dưới góc biển chân trời nào cũng yêu đương lẩm cẩm như nhau hết. Zốn nồi zốn nởm gì thì cũng rứa cả.

Rời Hà Nội, xe trực chỉ mạn biển, tiến ra Vịnh Hạ Long. Dọc đường, có nơi phố phường san sát, có nơi nhà cửa lèo tèo, có chỗ buôn bán tấp nập, có chỗ nghĩa địa mênh mông, di tích cuộc chiến tàn khốc vừa qua. Nơi làng nọ, nhà nhà trồng toàn anh đào bán Tết, phong khí an vui, êm ả, thanh bình. Vượt một đám cưới làng quê, cô dâu chú rể và người tham dự ăn vận theo lối xưa, màu mè vui mắt, ngộ nghĩnh. Có cả hai gã trai tơ gánh trên vai một cái trống chầu..Vui hội cái đêm trăng rằm.. ôi à ôi í tơ tằm ba tằm..

Tới một làng nọ bên đuờng lưa thưa người làm ruộng, mạ xanh, nước đục và bờ đê chia đất. Mỗi thửa ruộng chỉ lớn hơn cái khăn mù xoa chút ít là quá lắm, điều lạ mắt đối với dân (công tử) Bạc Liêu như tôi. Tùng giải thích, khởi đầu là một mảnh đất lớn. Chủ đất chết, đất cắt ra chia cho đám con. Đám con chết, cắt ra chia cho nhiều đám cháu. Rồi cứ thế, cho tới lúc người nào chịu ở lại giữ đất thì chỉ thừa hưởng được những thửa ruộng mù xoa. Điều lạ nữa: ở đất Bắc còn cày bằng trâu. Con trâu kéo cày quanh quẩn trong khăn mu xoa, đi dăm phút đã về chốn cũ. Thấy tôi mỉm cười, Tùng hỏi tôi trong Nam có trâu cày không chú. Tôi đáp trong Nam con trâu chỉ chắp tay sau đít đi tới đi lui trên bờ đê ngó chừng ông chủ đẩy cày máy và cho điểm ghi công. Khi nào trời nắng gắt quá, thanh tra lao động bèn lui vào lùm tre nằm nhơi cỏ hoặc đánh giấc bên đồi dạ lan. Cụ nằm cụ nghỉ cụ xơi.. thuốc lào. Khỏe re! Nhẹ nhàng, hân hoan, thơ thới. Ai dám bảo “chăn trâu là khổ” ?

Trên đường thiên lý, ghé một trạm lớn dọc đường để thưởng thức bánh đậu xanh Rồng Vàng lừng danh xứ Bắc Kỳ, chính hiệu con nai vàng của bà Lang Trọc. Đụng độ với một đám con Trời từ hai chiếc xe buýt lớn đổ xuống ập vào, xí xô xí xào ỏm tỏi, người nào người nấy cũng cặp nách một cái bình thủy nước nóng để nhẵm xà. Bao nhiêu nước nóng trong trạm dành cho khách thưởng thức bánh đậu xanh đều bị cưởng bách sang ngang bình thủy hết. Tùng cho biết đám du khách nầy đa số là dân quê có tiền rủng rỉnh từ miền Nam Trung Quốc kéo xuống tham quan cái xứ Nam Bang nhứt thốn thổ, vốn trước đây là anh em xã hội- hữu nghị quốc tế, môi hỡ răng lạnh cả í mà! Cảm thấy có nhu cầu, di tản ra phía sau trạm làm cơ tè tập thể, tôi bị đoàn người tưng bừng về trong cơn gió lấn dạt ra mấy phen. Tức mình, Tarzan nổi giận, tôi muốn xăn tay áo biểu diễn lại màn lịch sử Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân thù. May mà có em gái hậu phương níu tay người anh hùng áo vải coton(made in India) kéo lại năn nỉ. Hùm! Thôi, tha cho đó, kẻo để ta mang tiếng bất nhơn! “Ê! Chưa chắc thằng nào sợ thằng nầy!” nghe chưa?

Tà tà lên đường, tiến về Vườn Chanh miệt biển. Sau một buổi bên tung bên hứng, giờ đây cô chú và hai cháu trở nên thân mật hơn, tâm tình hơn. Tùng cho biết đang cố gắng kéo cày tận lực, dành dụm tiền một hai năm sau cưới vợ rồi xin vào Nam lập nghiệp. Tôi bình phẩm: “ Cháu thấy gương người xưa chưa tởn hay sao mà còn đâm đầu vào cầu Thê Húc?” Cười cười: “Dạ, thê có húc thì cháu cũng rán chịu chú ạ.” Dũng ứng tiếng góp ý: “Nghe nói ở Miền Nam dễ làm ăn lắm hả chú? Cháu có mấy thằng bạn vào Sài Gòn chạy Taxi kiếm được tiền hơn ở Hà Nội rất nhiều. Chúng nó cứ biên thư về rủ cháu vào Nam chạy Taxi hoài. Ngặt cháu còn một bà mẹ già cứ ốm tới ốm lui liên miên, thành thử..”Nghe cứ như là áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu! Thêm một ứng viên tự nguyện tương lai cho cầu Thê Húc..và cầu Khánh Hội.

Cà rịch cà tang rồi cũng tới Vịnh Hạ Long, buổi trưa nắng đẹp. Trời ngoài Bắc không rét như tôi dự tưởng. Tôi xuống xe vươn vai ngáp dài. Đứng uống bia trên Bến Chấy chờ Tùng đi thu xếp cuộc du ngoạn. Gió thổi hiu hiu. Ngoài khơi thấp thoáng ẩn hiện bóng dáng ù lì của những khối đá đen xám lô nhô trên mặt biển phẳng lì. Vài cánh chim đen chao luyện, ném vào không gian tiếng kêu oang oác vui tai, Trên bờ bày bán thức ăn, thức uống, thuốc lá, vài món vật dụng cần thiết lỉnh kỉnh, giống như quang cảnh bến bắc ở Tiền Giang khi cầu Mỹ Thuận chưa cất ngang sông. Chập sau Tùng quay lại đón cô chú dời chân ngự thuyền rồng vượt biên như Gia Long tẩu quốc ngày xưa. Thuyền Rồng thứ thiệt chớ không phải vờ vịt đâu nghe: trước mũi ghe, một chiếc đầu rồng lớn màu vàng chói mới toanh hả hoát miệng sơn đỏ, mở trừng đôi mắt đỏ, uốn vảnh hai sợi râu sơn đỏ như râu tôm luộc. Râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon! Đức vua đưa tay rồng dìu hoàng hậu xuống thuyền rồng. Tùng giới thiệu gã con trai tài công, trạc tuổi Tùng, mặt sáng sủa, lễ phép. Thuyền mang tên Hòa Bình (là cái chắc), sạch sẽ, tươm tất, rộng rãi nhưng vắng hẳn bóng người. Tôi hỏi chắc mình còn chờ đoàn du khách tới muộn. Tùng đáp: “Mình không chờ ai đâu hết cô chú.

Thuyền nầy dành riêng cho cô chú. Thuyền chở 50 chỗ ngồi, mình chơi luôn 50 chỗ! Cho thoải mái” Nói xong đắc ý cười xòa. Tôi nghĩ bụng, phen nầy thuyền rộng không người, đức vua và hoàng hậu tha hồ mà quần thảo, năm sau ắt trổ sanh ấu chúa tướng mạo phương phi, mặt trắng môi son, mày tầm mắt phượng. Thuyền kéo một hồi còi dài nhổ neo. Xúp lê ba thuyền ra biển Bắc, tay vịn song sắt miệng chắc lưởi kêu trời!..Thuyền ra khỏi bờ độ vài ba con sào thì có hây hẩy gió động, sóng vỗ rập rình..Tay cầm chén nghiêm tôn, mắt nhìn vầng ngọc thỏ, nhấp một chén, ngâm một câu..Thôi thôi cha nội, ai can dự. Cha lộn tham quan Vịnh Hạ Long với Đêm trăng chơi thuyền trên Hồ Tây zồi đấy, giác ngộ đi!

Đức vua và hoàng hậu được cung thỉnh lên nghinh phong các ở từng trên để tập lèo lái con thuyền quốc gia một trăm lẻ ba ngựa. Mặc cho bão táp mưa sa, thuyền rồng vẫn không lạc hướng (hướng nào). Tùng chỉ chỏ lên tiếng giải thích các hòn lố nhố trong Vịnh. Tôi chỉ nhớ được tên Hòn Gà Chọi. Sau đó, yến tiệc được trịnh trọng bày lên cho hai bực phụ mẫu chi dân đối ẩm. Tôm nè, cua nè, sò nè, mực nè, toàn là sơn hào hải vị. Mỹ tửu: bia, bia Hà nội, bia Sài Gòn, bia Heineken. Điều ấy quả nhiên hiệp ý Trẫm! Vừa nhâm nhi vừa ngoạn cảnh. Hòn, hòn lớn, hòn nhỏ, hòn trơ trụi, hòn um tùm, hòn tròn, hòn méo, hòn thấp, hòn cao, hòn dạng thú, hòn không dạng, hòn lạnh lùng, hòn rủ rê, hòn ngó trời, hòn soi nước, hòn u sù, hòn mảnh mai, những hòn là hòn, nhiều vô số kể, đếm hoài không hết. Trên một vách đá phẳng phiu, bảng cờ Liên Hiệp Quốc xanh nhạt trương lớn. Một chỗ nước trong, chiếc du thuyền trắng nhỏ bỏ neo, mấy đứa nhỏ da trắng tóc vàng đeo phao lỏm bỏm lội quanh, đưa tay vẫy chào. Thuyền rồng nhấn ga vượt một thuyền rùa chở nhóc anh em hữu nghị-với bình thủy cặp nách là cái cẳng. Một vài xuồng con cặp theo thuyền rồng, mời mua tôm cá cua sò mới vớt được. Xa xa, nhiều dãy nhà sàn cất trên bè cây, bên dưới nuôi hải sản. Một con chó vàng mập ú đứng chống nạnh bên bè, giương mắt ếch ngó ghe thuyền qua lại ngoắc đuôi lia lịa, có lẽ biết mình nhờ chó dắt nên mới tới được chốn ni, nước non phiêu lãng, phong cảnh hữu tình, xa chốn phồn hoa đô hội, nhất là rất xa ..siêu thị cầy tơ. Ngó thấy bá tánh khắp nơi an vui, đức vua và hoàng hậu rất lấy làm đẹp dạ.

Bước cao bước thấp gập ghềnh,cheo leo đuôi chuột chênh vênh tai mèo. Nương đá cạnh vịn cảnh eo. Cây xào xạc lá vượn leo lắc cành..

Leo hòn, trèo dốc, chui hang, xuống động. Mình rồng ê ẩm, chân ngà ngất ngư. Trở lại thuyền hoa, xả hết máy trực chỉ Cát Bà, một đảo nhỏ nhưng lại là đảo lớn nhứt trong Vịnh. Đảo trong hồi tân trang, thiết lập cơ sở, mở đường, đặt ống, dựng khách sạn để rù quến và đón tiếp du khách. Đường xá đào bới trắc trở, đức vua và hoàng hậu đành phải đeo cứng lưng thứ dân, đáp xe ôm về khách sạn. Tắm táp nghỉ ngơi. Buổi chiều ra đứng ngoài bao lơn ngó hoàng hôn vàng sẫm buông cánh buồm nâu xuống lòng Vịnh, từ từ chầm chậm, nghe lòng mình êm ả mà háo hức, như Dũng Đoạn Tuyệt sấp sửa cất vó ngựa lao mình vào sương gió..Cát bụi tung trời đường vất vã còn dài, nhưng hãy tạm dừng chân. Tưởng người nơi chốn xa xăm ấy, chẳng biết vui buồn đón gió xuân..
Anh đi đường anh, tui đường tui, tình nghĩa đôi ta nó tối thui.

Trong bóng đêm dầy đặc của khách sạn tôi bị thê húc mấy lần khi lò dò đi giải thủy. Nàng cũng té ngửa hoang mang nơi xứ lạ quê người.

Tùng hướng dẫn chúng tôi đi thăm đảo Cát Bà-Còn các ông thì đi chỗ khác chơi. Khí trời mát mát, mây giăng xám xám, cây cỏ xanh xanh, rẫy rau nho nhỏ, vài cô xinh xinh, ngõ đất lầy lội, tưởng chừng như đang dạo chơi ở cao nguyên thuở nào, Đà Lạt hay Ban Mê thuột..phố núi cao, phố núi mờ sương, phố xá cây xanh, như phố tình thương, đi dăm phút, đã về chốn cũ.. em Pleiku! Má đỏ môi hồng..đoàn người hỗn loạn hốt hoảng lam lũ kinh hoàng, trực thăng lạch cạch la đà sát trên đầu xe nhà binh, xe thiết giáp, xe jeep, đại pháo ngắn dài tranh lối chen lấn mịt mù trên quốc lộ số 1 ốm o nghẹt cứng..Cuộc triệt thoái vụt vã khỏi vùng 2 chiến thuật, cuộc triệt thoái bốc đồng thảm thiết đần độn ngốc nghếch chết người, chết rất nhiều người..Thôi thôi, vói tay vặn tắt màn ảnh trong trí tưởng. Trí nhớ, trí nhớ. Trí nhớ khủng khiếp!

Tùng hướng dẫn chúng tôi rẽ vào một lối mòn nhỏ nát cỏ xanh lẫn đất ướt, leo lên một dốc nhỏ, dừng lại trước một cửa động lớn. Xuất hiện một bác bộ đội già, mặt nhăn nhúm khắc khổ, môi thâm, râu mọc lún phún, quần áo nón cối màu xanh rừng rú, mặt nón trước gắn một ngôi sao vàng le lói, tay xách cây đèn bấm lớn, loại đèn thợ mỏ, cả người toát hơi rừng rú chông gai, nằm gan nếm mật, ngoại trừ nụ cười xệu xạo hiền lành. Tùng giới thiệu. Ông mở tiếng chào, giọng Bắc nhà quê đặc sệt. Xong Ông đưa tay mời chúng tôi vào viếng động. Động Chu Trang. Ông dọi đèn bấm lên cao, xuống thấp, vách phải, vách trái, ngõ ngách, hốc kẹt, thao thao giải thích tận tình, đầy đủ chất lượng, đúng tiêu chuẩn quốc tế ISO nghề nghiệp. (Hoan hô! Hoan hô). Đây là chỗ dưỡng thương của các đồng chí cao cấp trước khi trở lại mặt trận. Đôi khi có cả nữ đồng chí. Tôi hỏi có hộ lý không? Ông ngơ ngác. Tiếp tục. Đây là nơi chơi cờ, chỗ nầy đánh bóng bàn, còn đây là hồ bơi-sâu không đầy năm tất, trên cao lông dông xuống nhất định biếu hàm răng mái hiên là cái chắc. “Chỗ lày nà vững chắc nhất tại nà vì có đồng chí Trung Quốc ( thời Mao Xếnh Xáng) gửi cố vấn xang rúp đỡ tăng cường sức chịu đựng”. Vào sâu tận cùng, terminus, đoàn người triệt thoái. Bác bộ đội già dọi đèn bấm xung phong đi trước- như cả đời bác đã từng xung phong dưới đường tên mũi đạn, tay đua cao hết gậy gộc đến mã tấu, hết mã tấu đến AK rồi B 40. May mà còn sống sót. Chắc nhờ sanh ra dưới một vì sao tốt, tốt quá tốt. 

Đứng trên vuông đất rộng trước cửa động ngó xuống cây cối xanh um dưới thấp tôi hít không khí trong lành đầy ứ phổi. Quay sang hỏi bác bộ đội già: “Mỹ nó có dội bom động nầy không bác?” “Có chứ! Nhiều nắm. Cả Tây lữa. Máy bay cánh quạt, bê nhăm hai, ối chà nà đủ thứ hết. Nhưng chả hề hấn gì.”. Ngẫm nghĩ một hồi, bác bấm lại đèn, đưa tay lên cao chỉ vào động: “Nơi động Chu Trang lày quân rân ta đã từng thắng ba chận zặc nớn : zặc Tàu, Zặc Tây, zặc Mỹ!” Bác hếch mặt mũi lên cao, sao vàng le lói dưới nắng sớm, tưởng chừng còn ngửi được mùi thuốc súng quanh quất đâu đây. Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm, Hun hút cồn mây súng ngửi trời..

Chờ cho cơn hồ hởi qua đi, tôi hỏi nhỏ: “Còn trận giặc thứ tư nữa là trận giặc kinh tế, quân dân ta thắng được chưa bác?” Người bộ đội già vụt khựng lại, nín thinh, tắt đèn bấm, mặt không vui. Một giây, hai giây, ba giây..rồi mỉm cười trở lại. Tôi chợt hối hận. Người bộ dội già đứng trước mặt tôi đã hy sinh hết cuộc đời mình, hy sinh hết tuổi thanh niên lẫn tuổi trung niên của mình cho cách mạng mà bác hằng vững tin suốt đời không hề suy suyển. Giờ đây là con ngựa già phế thải, gối mỏi chân chùn lui về cái động lich sử khỉ ho cò gáy này làm kẻ dẫn đường, tình cờ gặp nhau đây lẽ nào tôi lại “đố vui để chọc”, đặt cho bác một câu hỏi nhớn tóe khói về kinh tế? Có ngon lành thì về Hà Nội cởi truồng đánh trống giữa triều mà hỏi- nhớ đừng quên xâm mình. Gẫm lại, tôi còn may mắn hơn bác rất nhiều mà. Nỡ nào? ... Tôi vỗ vai người bộ đội già, cười giã biệt. Người bộ đội già nhoẻn miệng ngó theo, răng cái còn cái mất.

Chúng tôi tiếp tục lội bộ trên đường đất, chân giẵm lên cỏ xanh, hai bên đường cây lá um tùm, cảm giác mát mẻ dễ chịu. Rẽ vào một xóm nghèo, nhà nền đất vách lá, mái lá lẫn lộn mái tôn, gà vịt heo chó chạy lăng xăng, một chiếc xe nhà binh Xô Viết mất hết bánh, bể hết kiến, nằm xiêu vẹo trước sân. Vài ba thùng phuy chứa nước rải rác. Ở miền Nam thời chiến cũng y chang như vậy thôi. Gia tài của mẹ cả đấy!

Đi sâu vào xóm, trong lùm bụi hai bên thỉnh thoảng thấy có bảng đề “Cấm săn thú”, “Cấm cho thú ăn” nhưng dòm đỏ con mắt chả thấy khỉ, chả thấy hươu, chả thấy nai, chả thấy vượn, chả thấy con khỉ mốc gì hết. Cuối xóm, đụng một chân đồi, dốc đồi có xẻ bực đi lên. Ì ạch leo lên khoảng lưng chừng, chẳng thấy gì lạ. Hỏi, Tung đáp “Có leo lên cũng thế thôi cô chú ạ. Chả có con thú gì trên kia hết”. Lần mò tuột xuống. Tạt vào quán lộ thiêng của cô hàng nước trẻ quê mùa ở chân đồi giải lao, duổi chân rồng cho giãn gân cốt.

Rời đảo Cát Bà, buồm đỏ lớn căng gió nồm, thuyền rồng từ từ xuôi Nam về Bến Ngự một đêm giăng sáng….. “Thôi thôi, bắt đầu nói sảng rồi đó cha nội! Thả ngược lại đường xưa lối cũ, chúng tôi xuyên Vịnh Hạ Long vào buổi trưa hôm sau, trời hiu hiu nắng. Gặp lại người em gái Việt Nam da vàng cặp xuồng vô mời mua cua sò. Gặp lại chó vàng hạnh phúc đứng ngoắc đuôi phì phà thuốc lá trên bè. Thầm hỏi nhỏ: “ Mầy có muốn đổi kiếp chó làm kiếp người ( có đỉnh cao trí tuệ, có cách mạng, có tư duy, có bốn ngàn năm văn hiến, có lịch sử oai hùng, có….. .) với tao không?”. Nó vẫn tiếp tục ngó trời mà ngoắc đuôi, nhả khói, lặng im như thiền sư. Biết trả nhời xao ( cho ấm đôi vành môi)?Rồi cứ lặng im rồi khuất bóng, rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi..

Một du thuyền nhỏ hơn túc còi vượt thuyền rồng. Gã tài công trung niên, mặt xám nắng, hả hoát hàm răng trắng la ơi ới, đưa cao cánh tay gân guốc vẫy vẫy chào đồng nghiệp, tài công của đức vua. Cánh tay chắc nịch có xâm rồng xâm rắn. Ạ ạ.. Cánh tay xâm bất thần đánh thức lịch sử đời đời của con Rồng cháu Tiên. Dân Giao Chỉ ta há đã chẳng từng xâm chằn chịt khắp mình mẩy giả làm con thuồng luồng để hù cá mập, cá voi, cá xà, cá mú à? Xâm mình từ khuya! Khuya rất khuya! Từ hơn bốn ngàn năm trước (là cái chắc) Trước cả Giê Su, trước cả Thích Ca, trước cả Khổng Tử, trước cả Lảo Tử- nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Giao Chỉ , năm bờ oan! Tàu, Trương Phi mà xâm mình à? Đồ bỏ! Mỹ, Rămbô à? Đồ bỏ! Nhựt, Xacuda à? Đồ bỏ! Đồ bỏ hết! Đồ bỏ hết ráo! Nào nào, một hai ba hò dô ta: “Khỏe vì nước ta uống nước mưa. Uống nước mưa (đau bụng) ta uống..coca cola!”

Lẩn quất giữa các hòn một chút sương mù nhẹ hơn mây mỏng. Cao hứng, tôi ra đứng trước mũi thuyền, ngực ưởn, tay nắm chặc dây cáp, chân mặt đưa lên rồi..để xuống.( Dám nào đặt lên chỗ úy kỵ).

Mắt rồng phóng nhãn quang đăm đăm nhìn vào tương lai dân tộc phía trước, tôi chợt vẳng nghe tiếng ba quân nổi lên vang dậy trong sương mù: “Trên sông Bạch Đằng! Quân Nam hò reo, sóng nước xa đưa bao con thuyền mành trôi theo..” Dù trong tay không một tất sắt, tôi vẫn hình dung được Đức Trần Hưng Đạo đứng trước mũi thuyền tiên phuông trỏ gươm thần xuống sông Bạch Đằng dậy sóng mà thề rằng: “Phen nầy không phá được giặc, thề không trở lại sông nầy nữa!”.

Trong người rạo rực náo nức..Miên man liên tưởng tôi chạnh nhớ tới ba tôi lúc chèo ghe tam bản tản cư một trưa nọ trên sông Vĩnh Phước, chợt bị Tây bao vây ruồng bố bắn súng thụt mọt chê tán loạn tứ phía. Đám du kích trên bờ xô lấn bà con giành chạy trước. Ba tôi lật đật buông chèo, đứng sổng lưng trước mũi ghe, rút gươm quý của nội tổ, không trỏ xuống sông mà trỏ lên bờ, không phải để thề mà để chửi thề: “Đ.M! Đứng lại! Đứng lại! Giặc tới tụi bây phải ở lại giữ trật tự cho đàn bà con nít rút lui chớ sao tụi bây bỏ chạy trước?” Và một gã du kích đã chõ miệng xuống ghe trả lời ba tôi ngon lành: “Đ.M.! Gia tài có cây súng quèn ông biểu tụi tui ở lại cắn tụi nó hả?”.

Mới biết muốn làm được như Đức Thánh Trần đâu phải dễ! Đâu phải ai cũng có thể rút gươm ra chỉ sông mà thề khơi khơi, đâu phải ai muốn mài kiếm dưới trăng lúc nào thì mài, đâu phải ai muốn xâm mình chỗ nào thì xâm, đâu phải ai muốn ômcudô hay xôcura bất cứ lúc nào phút nào thì cứ ôm dô xô ra tự nhiên được. Đâu có dễ dàng như thế í. Thôi, nhắm không êm thì bỏ đi Tám! Chợt tài công bẻ lái bất thần để tránh một hòn lớn u sù trước mặt, thuyền rồng chao mình qua cua ôm sát một khúc quanh lịch sử rất ư là gắt củ kiệu, đức vua chới với đưa luôn hai tay níu chặc dây cáp cứng, vặn hết mình rồng để lấy ép-phê cho khỏi rớt xuống bên ngoài ngai vàng-ta thà sống trong vinh quang chớ không thèm chết trong vinh quang! Sau khi lấy lại được thăng bằng, tôi thở phào nhẹ nhổm. Bèn hồi loan, lui vào hậu liêu để đoàn tụ cùng hoàng hậu.. cho chắc ăn.

Buổi chiều tới bờ, Tùng và Dũng đưa chúng tôi về khách sạn mặt trước ngó ra Vịnh Hạ Long. Dọc theo bờ biển, khách sạn chơi nhạc, trang trí.. tất cả đều phảng phất một hơi hướm rất ư là Ba Tầu Chợ Lớn. Hỏi, Tùng cho biết nhà nước đã nhượng cho Tầu Đài Loan thầu hết khoảng bãi nầy để xì thẩu tha hồ đầu tư, xây cất, trang trí. Và khai thác, tạo công ăn việc làm cho người địa phương ( với giá nào?) và.. đếm bạc cắc, dĩ nhiên. Mai mốt đây dân Nam ta sẽ lại vui hát trên đồng hoa, và rồi ai nấy, muôn người như một, sẽ cặp cứng dưới nách một cái bình thủy made in China, hoặc le lói hơn, MIT, Made in Taiwan. Và nhứt là bằng lòng. “Khỏe vì nước ta uống nước mưa. Uống nước mưa ( đau bụng) thì ta..nhẫm xà!”

Hướng lên đồi cao, Tùng chỉ một khách sạn cao ráo, lớn đẹp, thanh lịch, cất theo kiểu ông Tây bà Đầm thời xa xưa vàng son nọ: “Đây là khách sạn đắt nhất vùng nầy. Nữ tài tử Pháp Catherine Deneuve đã cư ngụ tại đây suốt khoảng thời gian quay phim Indochine đó chú, Cháu chưa được xem. Phim có hay không chú?” Tôi đáp lập lững: “, thì coi cũng được. Nhưng đặc sắc thì chẳng có gì đặc sắc cho lắm.” Trong trí tôi phựt lên những hình ảnh ám sát, khủng bố, điệu tango cũ, chạy giặc, bị neo nước, tiếng hò hét, xung phong, dội bom, biển người, trận Điện Biên Phủ, tù binh, tự sát, hội Geneve, hội nghị hòa đàm chia đôi đất nước, ly tán..anh đi đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi.. Bây giờ đất nước thống nhứt, thanh bình. Thiệt sự rồi chăng? Còn trận giặc thứ tư đã tới đâu rồi? Hay là đã rơi vào mê hồn trận, đi vay tiền của tư bản Mỹ thối nát mà ăn, rồi sau đó trả lời, trả vốn trả lời dài dài, dài dài, rồi phá giá đồng bạc xứ ta, rồi..vân vân và vân vân.. Chơi với tư bản nó sẽ lột nốt luôn cái quần. Ở đó ôm đô la mà hí hửng. Cái màn sập tiệm của Thái Lan và Á Căn Đình còn sờ sờ đó. Các em nên lấy đó làm gương mà giữ mình!

Về tới Hà Nội buổi chiều, trời còn sáng. Lại qua phố, qua phường, qua hàng chợ, qua các bảng quảng cáo đập vào mắt. Chợt tôi đọc loáng thoáng trên một vách lớn “..bao..cấp..”. Ủa, sao kỳ vậy? “Bao cấp” mà cũng quảng cáo nữa à? Đọc kỹ lại, té ra là “Bao cao su cao cấp” Bật cười hỏi Tùng: “Hà Nội đỉnh cao tiết hạnh mà bây giờ cũng sơ ếch nhái rồi sao?” Tùng gật đầu: “ Sợ chớ chú. Dính vào nó là chỉ có chết!” Thảo nào cứ nằng nặc đòi thê húc cho bằng được. Chết bỏ! Đi thực tế. Ta thà chết vì may máy còn hơn chết vì..may tay!

Sợ cái cảnh thức ăn dọn lên hoài ăn không hết ở khách sạn, buổi tối tôi bảo Tùng dắt chúng tôi đi ăn phở, phở Hà Nội. Phở của sĩ phu Bắc Hà, phở của Thanh Nam, phở của Mai Thảo “ chỉ có dân Bắc Kỳ nêm nếm là nhất!”, phở của Nguyễn Tuân, phở của Vũ Bằng là phải biết! Nhất đấy các cụ ạ. Tùng dẫn đến một tiệm phở bò nổi tiếng ( tên gì?) ở đường Nguyễn Du. Đóng cửa. Di tản chiến thuật về một tiệm phở gà gần đó. Bốn tô phở gà lớn, thêm một dĩa lòng gà phồn thịnh có trứng non tăng cường. Thịt gà xắt nhỏ bốc mùi thơm ngon. Không có rau riếc chi cả, ăn theo kiểu Hà Nội mà lị. Được? Ừ, thì cũng gọi là được đi. Nhưng theo khẩu vị của tôi nó không sánh bằng cái phở gà di cư đường Hiền Vương Sài Gòn thuở nào, hay cái phở gà canh tân hải ngoại Tây Mỹ bi giờ. Nhưng đối với khẩu vị người Hà Nội, ăn phở Hà Nội ngay tại Hà Nội vẫn cứ là ngon thì đã sao. Ly kỳ? Thiệt ra chẳng có gì tới mức đáng gọi ly kỳ. Còn nhất thì nhất định là không thể nào nhất được rồi.

Ăn xong, đưa chúng tôi về khách sạn, Tùng rút trong túi ở ngực ra tờ giấy in sẵn, ngần ngại dâng lên bệ rồng nhờ phê điểm phục vụ. Tôi cười xòa: “Ờ! Gì chớ cái đó thì dễ ợt !”. Bệ hạ mở trang nhật ký ra, múa tay tiên phê một lèo từ trên xuống dưới: “Tốt, rất tốt, tốt hết, very good, très bien, mucho mucho.20/20” Xong ký tên cái rột, đóng ấn vua cái cụp bên dưới. Tùng nhận giấy phê, cười hỉ hả, cám ơn rối rít-đến động lòng chín bệ. Tùng cho biết ngay tối nay đã phải cấp tốc trở ra tiền tuyến nhận công tác mới.Tiếng nhạc ngựa lẫn chen tiếng trống, giáp mặt rồi phút chốc chia tay. Tôi nắm Tùng siết chặc, vỗ vai giã biệt. Chàng từ đi vào nơi gió cát, đêm trăng nầy nghỉ mát nơi nao? Nơi nào thì nơi, nhưng đừng có nghỉ mát theo kiểu Năm Cam nghe cháu. Trong bụng mình tôi thầm chúc Tùng sẽ may mắn gặp được một hiền thê..húc nhẹ.

Sáng tinh mơ hôm sau, người hướng dẫn mới đến tận khách sạn đón chúng tôi đưa ra tận phi trường. Một người em gái Hà Nội đích thực ( có cái zốn nồi?), trẻ măng, xinh xinh, nho nhỏ, miệng cười mặt trời buổi sáng sớm, nói năng ngọt sớt dịu dàng như mặt nước Hồ Gươm. Dọc đường, tôi nhất định ghé tham quan siêu thị cầy tơ cho bằng được- kẻo phụ lòng mong đợi của người đã vượt rừng vượt núi, lặn suối trèo đèo từ miệt Nam kỳ lục tỉnh xa xôi đến cái xứ nghìn năm văn vật (ăn vặt?) nầy. Siêu thị là một dãy quán bán toàn thịt chó, đủ loại món, thể điệu, từ rựa mận đến dồi chã, kỳ cựu nhất là quán Trần Mục. Xin nói rõ và nhấn mạnh là quán thịt chó, có đề bảng và ghi rõ hẵn hòi là chó chứ không có cầy bừa chi cả. 

Điều nghịch lý: trong Nam, sau khi được giải phóng hộc máu tóe khói, quán thịt chó lại được cải danh là quán thịt cầy thiệt là bất nhơn! Và nương theo đà giải phóng rầm rộ xâm thực, quán thịt cầy tràn lan mọc lên như nấm khắp Nam Kỳ Lục tỉnh. Nội trong tỉnh lẻ Vĩnh Long mà đã có tới sáu quán thịt cầy chính thức có trương bảng hẳn hòi. Nhà ở cạnh một trong những quán đó, chị Trúc tôi bị mất một con chó mực rất mực trung thành vào một đêm không trăng sao, kẻ ra đi không kịp đề thư tuyệt mạng tạ từ người chủ thân tình. Khóc thét! Chị Trúc sụt sùi luôn mấy bữa, mắt húp cả lên. Chị thắp nén hương lòng khấn vái, hồn thiêng còn ở trần gian, nhập vào chó trắng mà sang bên nầy..

Tới phi trường, Dũng đậu xe mở cửa mời cô chú hạ san, tay xách hành lý đưa cô chú đến tận cổng vào. Tôi rút túi đưa cho Dũng mấy tờ cụ Hồ. Bo, như lời mấy em bia ôm trong quán nữa khuya. Cháu cám ơn, cám ơn. Tôi quay sang dúi vào tay người em gái Hà Nội một cụ Hồ cao cấp. Mắt nai tơ tròn xoe ngơ ngác, bất ngờ, chới với. Đâu có dè mặc dù từ khuya đã đứt dây thiều, tôi vẫn còn mang dòng máu công tử Bạc Liêu rỉ rả chảy trong huyết quản. Gươm ta đâu! Ngựa ta đâu! Đâu rồi một thời cò bay thẳng cánh, một thời đốt tiền lên soi mặt giai nhân, một thời tư rà rà ra từ từ, một thời ca xang xướng hát, một thời nhịp phách đoạn trường, một thời vai kề má dựa, một thời khúc nhà tay lựa nên hôi, một thiên bạc mạng nghe rồi..bạt tay! Vậy nên giờ đây, cho dù Út Trà Ôn đã tắt tiếng, cho dù đã hết sầu vương biên ải, cho dù có bèo dạt huê trôi thì ta đây cũng vẫn một mực dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.

Máy bay Con Rồng chở mình rồng cất cánh, bỏ lại dưới chân mây Hà Nội ba sáu phố phường có con nai vàng ngơ ngác, bỏ lại nơi hòn đảo xa bác bộ đội già bên cái động già trong khu rừng già. Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về.. Nhìn em mờ trong sương khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời..

Về tới Vĩnh Long đã nghe hương Tết quyện theo những cơn gió hiu hiu lướt thướt qua trước sân ngoài ngõ. Gió bước sang cầu, cây cầu Cái Cá, mới thuở nào đây còn lượn trên con đường lởm chởm đá xanh trước cửa nhà Anh, cũng tại cây cầu nầy đây một tối chở Tuyết đi xem lễ Giáng Sinh giả bộ chết máy.Thương nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay. Mây xưa cũng bỏ non về, em xưa cũng giả câu thề đó đây. Bà con thân thích không còn ai. Như Lưu Nguyễn từ động Thiên Thai nhớ nhà về thăm làng cũ, chép miệng ngậm ngùi. Bạn bè cũng bỏ xứ ra đi gần hết. Những đứa còn lại nghe tin tôi về kéo tới thăm. Có cả thằng bạn một lần rủ tôi đi tập kết hồi 54. Sau hơn bốn chục năm bặt tăm, nay lò dò trở về làng xưa chốn cũ, có trong tay bằng phó tiến sĩ, giữ một chân cao cấp trong hội cựu chiến binh nhà nước trong tỉnh. Nay nó cứ nằng nặc đòi nhà nước giải tư các công ty (lỗ lã) của nhà nước-mới biết âm mưu của tư bản thối nát thật là thâm độc! Đầu vẫn còn đội nón cối, còn mã tấu không thấy lận lưng. Họp bạn ăn uống nhậu nhẹt ì xèo, nhắc lại những ngày xưa thân ái, đường xưa lối cũ, rong rêu kỷ niệm, sỏi đá ngậm ngùi. Dô! Dô! Ê, dô mậy!Làm cái gì như gà chết vậy? Bộ xỉn rồi hả?

Bắt dầu họp chợ Tết, từ bến đò ngó qua cù lao An Thành dài tới dốc cầu Cái Cá. Bông. Rất nhiều bông. Mai, cúc, vạn thọ, thược dược..Trúc kiểng, dừa kiểng. Nhiều cây mai lớn cành uốn đep đẽ đứng đợi khách thưởng ngoạn trong chậu lớn- khách hầu hết là cán bộ gộc, thương gia phát tài, khách sạn hạng sang. Một chỗ bày bán anh đào màu hồng thẫm làm nhớ tới ngôi làng dọc đường ở đất Bắc. Thống nhứt kiểu nầy thì nên lắm. Nhưng không cảm thấy cái nhộn nhịp, lâng lâng, phơi phới. Đâu rồi những đèn khí đá cùng mùi khí đá hăng hăng, đâu rồi những tiếng pháo chát chúa dưới chân son mềm và tiếng la hốt hoảng nở trên những đóa môi hồng mới lớn? Lòng không còn cái háo hức rộn ràng như những lần Tết ở tỉnh lẻ độ nào, năm nào. Có phải ta đã già rồi chăng? “ Là cái chắc! Còn ở đó mà bâng khuâng lòng khẻ hỏi lòng. Bộ không biết mắc cở hả cha nội?”

Chợt món hàng Tết thoáng nhìn rất là bắt mắt. Nhiều con gà trống giả có gắn lông thiệt đỏ thẫm mướt rượt bày bán trên chiếc chiếu trải bên lề đường. Lớn có, nhỏ có. Tôi dừng bước cầm gà lên ngắm nghía. Tự dưng nó khiến tôi nhớ lại lần nọ ông già ruột tôi tới rủ rê ông già vợ tôi (vốn thích đá gà) theo chân lảnh tụ anh minh đi đá vịt ở nhà bà tư Cắc Kè trong (lối về) xóm nhỏ của mình. Ậy, cái tên Cắc Kè tuy nghe dữ dằn vậy mà hồi đó hiền khô, không sợ bị ếch nhái gì hết. Còn bây giờ, trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau cái đầu, ai mà dám rớ tới. Bao cao su cho dù cao cấp cách mấy cũng đâu có bảo đảm một trăm phần trăm. Lạng quạng vẫn bị dính búa như thường. Không lẽ mang một lượt ba bốn cái bao cho thằng nhỏ ngộp thở tử nạn vì công vụ luôn sao? Thôi thôi thà chết sướng hơn! Kỷ vật nầy xin trả lại em- em sang sông cho làm kỷ niệm.

Mà hồi cái thuở non nước an lạc thái bình đó , nếu một mặt ba tôi kẹt đá vịt bầu mút mùa ở chiến địa Bà tư Cắc Kè thì mặt khác tôi cũng kẹt đá vịt tơ dài dài ở mặt trận của chị tư Tùng ngoài chơ Vĩnh Long. Ngày lại ngày, đêm dài chiến tuyến. Một già một trẻ, cùng một lứa bên trời lận đận, lắc lư con tàu đi. Vui thiệt. Mà cũng thiệt là buồn! Tuyết chết tức tưởi, ngậm ngùi. Thôi nhé em về yên Xóm Cỏ, sự đời đã trải cuộc yêu đương. Nhớ nhau vẫy bút làm mua gió, cho nắm xương tàn được nở hương..

Tờ lịch rơi..tờ lịch rơi..Rồi cuối cùng Tết cũng đến. Bên láng giềng vọng sang những bài ca Xuân lạ tai. Không còn những ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi, những ngày thắm vui bên đời xuân mới, lòng đắm say bao nguồn vui sống.. Cây mai lớn trước sân nhà nở rộ những bông vàng rực, đúng hẹn với trời đất. Lòng chợt xao xuyến. Êm đềm xao xuyến. Như lần đầu bâng khuâng xao xuyến nhìn theo tà áo trắng học trò về ngang cửa. Cho tới lúc tà áo ra huốt khỏi tầm nhìn, ngóng cổ ngó vói theo, thở dài.

Mùng một, đi ra đi vô. Mùng hai, đi vô đi ra. Như thể chờ đợi, không biết chờ gì, đợi gì. Mùng ba, buổi tối được mời đi coi biểu diễn thể dục thẩm mỹ ở sân khấu Miễu Quốc Công. Đứa em vợ lưc sĩ đẹp, mở phòng tập lớn nổi tiến ở tỉnh, dắt học trò trẻ, nam nữ, choai choai đi biểu diễn để thị oai và câu khách. Sân khấu có mái che, khách lớp ngồi lớp đứng lộ thiên trước sân Miễu lót gạch tàu đỏ. Quan khách cán bộ cao cấp trong tỉnh ngồi hàng ghế đầu, trước mặt có bàn để nhiều chai nước suối đặc sản quê ta. Tết nhứt mà uống nước lã thì có nước chết khát! Tôi ngồi kế ngay ở hàng ghế sau ( Nhờ thằng em vợ có thớ) dưới chưn, một chai nước suối lớn-bộ tỉnh ta hết rượu rồi hả?

Chợt có tiếng trống tiếng phèn la vẳng nhỏ ngoài đường, lớn dần, ầm chát, vang dậy. Từ phía sau sân tiến vào một đoàn múa lân nhộn nhịp, trống chiên dồn thúc, ông địa cầm quạt dẫn đầu, theo sau một đầu lân bự lớn sặc sở lắc lư, hai mắt lồi nhấp nháy, đuôi dài lượn qua lượn lại, uốn lên uốn xuống. Tùng xèng..tùng tùng xèng..cắc tùng xèn.. Lân và ông địa vô tới sân Miễu cúi xuống ngưởng lên lắc lư vái chào khán giả..tùng xèng tùng tùng xèng..xong chờn vờn đảo lượn trong sân thi thố hết tài năng, khán giả hoan hô la ó rần rộ..lùng tùng lùng tùng lùng tùng..Tiếng phèn la dứt bặt, hai dùi gỗ run lên trên mặt trống liên hồi..lùng tùng lùng tùng..Ông địa và lân cúi rạp người xuống thật sát chào khán giả mấy bận. Màn múa lân chấm dứt. Không có pháo nổ.

Người điều khiển chương trình bước ra cám ơn mọi người. Đoạn giới thiệu một thần đồng tuổi trẻ tài cao biểu diễn một màn võ thuật. Tiến ra sân gạch của Miễu một em nhỏ độ chừng tám chin tuổi bận bộ võ lụa đỏ thắt dây lưng lụa vàng óng ánh, nhuệ khí bừng bừng. Em nhỏ chắp tay trước ngực bái tổ, cúi đầu chào khán giả, đoạn đi mấy đường quyền cước xoay bốn phía trong sân cho dẽo gân cốt. Chợt em thụp người xuống thấp múa những ngón xà quyền trườn bò dợn uốn rất ngoạn mục. Có tiếng chưn chen lấn lao xao, khán giả phía sau dồn ập tới. Hai hàng ghế đầu thấy rõ em bé múa võ, khán giả phía sau lên tiếng phản đối “không thấy! Không thấy gì hết!”. Em đã nhỏ người mà lại múa thấp, phía sau không cách gì thưởng ngoạn được. Người điều khiển vội vàng bước vô sân đưa tay ra hiệu cho em nhỏ ngừng múa, đoạn mời em bước lên sân khấu cao phía sau lưng tiếp tục chương trình.

Em nhỏ vuốt lại mái tóc, bước tới sân khấu chống hai tay hất nình vọt lên sàn gỗ gọn bân, Em chụm hai chân đứng nghiêm, ngửa mặt lên trời hít thở thật sâu mấy bận. Em chắp tay trước ngực. Khán giả chăm chú lặng thinh theo dõi. Đoạn, không biết nghĩ sao, em chợt đưa tay tháo thắt lưng, cởi áo lụa đỏ quăng ra phía sau. Mắt phựt sáng, tay xòe chụm vô tay nắm chặc, em cúi đầu bái tổ rồi lẹ làng phóng quyền cước lui tới nhẹ nhàng vụt vụt..cắc tùng xèng tùng xèng tùng tùng xèng..đứa nhỏ xuống tấn mình cởi trần bận quần dài đen bước chưn mặt tới trước đưa hài đen đá gió một cái..

Em nhỏ sà xuống đưa thẳng chưn mặt ra trước quét tròn chưn đối thủ, quần lụa đỏ phất phới óng ánh…..tùng xèng tùng xèng..hất mặt lên hít mạnh tóc bánh bèo phất phới..tùng tùng xèng..em nhỏ thoắt dừng lại, rùn hai chưn xuống tấn, hai gò má căng phồng, hai tay từ từ đưa thẳng lên trời vận khí, ba sườn ẩn hiện lờ mờ hai bên. trời ơi! Tôi đây mà!..em từ từ hạ hai tay xuống tới rún đẩy hơi thở ra xèo xèo rồi lại đưa hai tay lên cao vận khí, ba sườn lờ mờ..Tôi đó! Tôi đó..Nước mắt tôi bật ra..em tấn gối giựt chỏ, cong trảo móc gió..tùng tùng xèng..xoay người cái rụp ra phía sau dựng bàn tay mặt xuất chưởng chớp nhoáng..em nhỏ xoay người đá vòng ngang..tôi hụp xuống lòn chưn đá móc..em chưởng phía mặt..tôi từ trên cao gặt tay xuống..nước mắt tôi lăn tròn xuống má..tùng tùng xèng..rút tay lại chập vào nắm tay trái trước ngực cúi đầu chào đám người đứng cao sơn đông mải võ vây tròn xung quanh.. tôi thở hổn hển cúi đầu bái tổ chào hết mọi người..tiếng vỗ tay tư bề vang dậy..

Trong bóng tối, tôi lặng lẽ rớt nước mắt quạnh hiu, ngậm ngùi nhỏ xuống giấc mơ cỏn con ấu thời của mình, cháy xém trong cơn mê dài lửa sắt, phăng cuốn theo dòng đời, từ bao giờ đã trôi đi mất tích.
Bagnolet, tháng chạp 2003

Kiệt Tấn
*Thơ mượn của nhiều bực thi sĩ tiền bối, nhiều chữ được thay đổi cho thích hợp với bài viêt nầy. Tác giả thành thật cáo lỗi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét