Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Một cách nhìn khác về “bún mắng”, “cháo chửi”

Ngày Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011 Blog của Báo Mới Hà Nội chia sẻ với bạn đọc bài viết Một cách nhìn khác về “bún mắng”, “cháo chửi”
Chúc bạn xem tin tức vui vẻ !!


Một cách nhìn khác về “bún mắng”, “cháo chửi”

1. Không biết bao nhiêu bài báo đã viết về “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội, thậm chí còn bổ sung thêm các món như “phở quát”, “phở xếp hàng”.
Xin được giải thích ngay rằng đây không phải là những món đặc sản “nên biết trước khi chết”, hay “lúc sống nên thưởng thức” như một số trang web về ẩm thực nước ngoài phong tặng. Đó chỉ là cách gọi tắt về một số hàng ăn có cách phục vụ “không giống ai” (thường la mắng, quát lác với nhân viên hoặc thậm chí là cả thực khách). Điều ngạc nhiên nhất đối với mọi người là mặc dù thái độ phục vụ “củ chuối” như vậy, nhưng hàng ăn vẫn đông khách, thậm chí người ta chen nhau vào ăn bất chấp bị “mắng, chửi, quát, xếp hàng”.
Mot cach nhin khac ve bun mang chao chui
Bà chủ quán "bún mắng" - Ảnh: Dân trí

Chính sự vô lý này mà nhiều người cố gắng giải thích cái “văn hóa ẩm thực” giàu nhẫn nhịn đến lạ kỳ của người Hà Nội. Trong bài phân tích gần đây nhất trên báo chí: “Bún mắng, cháo chửi” và CEO làm bảo vệ”, người viết đưa ra lý giải từ góc độ xã hội: “Việc trải qua một thời kỳ dài bao cấp, nơi những mậu dịch viên có quyền ban phát ân huệ đã tạo cho người Hà Nội một sự chấp nhận một cách vô thức và đáng tiếc về thân phận chiếu dưới của mình”. “Tâm lý “nó chửi cả làng Vũ Đại” đã tự ve vuốt tính sĩ diện vốn rất cao của mỗi người Hà Nội”.


2. Thật ra trước một hiện tượng như vậy có rất nhiều cách giải thích. Thứ nhất hiện tượng đó có phần được phóng đại lên, bởi ít nhất tôi đã đến một lần quán “cháo chửi” ở Lý Quốc Sư. Tất nhiên tôi không nghe thấy lời chửi nào (có thể do tôi may mắn). Tôi cũng từng đi ăn phở xếp hàng, hay phở tự phục vụ (tức là khách phải tự chạy đến quầy phở để bưng bát phở về bàn của mình). Tôi cũng từng ăn phở trả tiền trước (nếu không trả, chủ phở gọi giật lại bằng một giọng rất chi là khó chịu, xấc xược).
Tất nhiên, ban đầu ai cũng khó chịu về cung cách phục vụ “tinh tướng” ấy. Nhưng sau khi khó chịu mà được ăn ngon, người ta cũng tươi tỉnh lại phần nào. Tôi cũng vậy. Và tôi bắt đầu quan sát. Tôi nghiệm ra rằng, hầu hết thực khách đến các cửa hàng này đều là người quen (cá biệt có những người khách xa đến vì tò mò, nhưng ít thôi). Và vì là người quen, nên họ quá hiểu quy luật bất thành văn trong cách phục vụ ở những quán này. Và khi họ hiểu rồi thì họ cứ lạnh lùng “tuân thủ” theo các quy tắc này thì mọi việc hết sức dễ chịu: chẳng hạn với phở trả tiền trước, bạn cứ bước vào, xỉa ra 30 ngàn (nếu cả quẩy hình như giờ đã là 35 ngàn) chẳng cần phải nói gì cũng được, và cầm một bát quẩy đi vào bàn, là nhanh như cắt, đã có một người bưng bát phở nóng hổi đặt xuống trước mặt bàn của bạn. Trên mặt bàn đã có đầy đủ những gia vị cần thiết, không bao giờ thiếu thứ gì.
Tôi nghiệm ra rằng, tất cả những khách quen của cửa hàng đều hài lòng với cách phục vụ tự động như cái máy vậy (chẳng bao giờ được chào hỏi, mời mọc, còn khách thì không bao giờ phải nhiều lời, phải gọi phục vụ cả).
Chỉ có những khách mới, lớ ngớ, không hiểu “luật bất thành văn” của quán mới chịu “quát, mắng, chửi” (nếu có) mà thôi.
Ở đây nếu nói chủ hàng cố tình quát mắng khách hay nhân viên để tạo “thương hiệu” thì nhầm to. Chẳng qua vì đồ ăn ngon, khách đông, phục vụ quá tải, cho nên họ đành phải đặt ra quy định bất thành văn như vậy để đơn giản hóa quy trình phục vụ.
3. Đó chính là cái lý do mà các hàng ăn có cách phục vụ thiếu “xởi lởi” vẫn cứ tồn tại, đông khách. Trong sự phi lý của nó có cái hợp lý. Trong sự khó chịu của cung cách phục vụ ấy có sự dễ chịu của nó (nếu anh hiểu).
Hà Nội vẫn là như vậy đấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét